Nghiệp hay là hành động theo niềm tin về sự kiểm soát trong các tình huống khủng hoảng – Một cách hiểu khi đọc “Kiều”

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi
Thời gian đọc: 22 phút

Tóm tắt

Sự đau khổ của Kiều là do nghiệp quả, số phận tiền định của nàng, hay là một con đường để nàng nhận ra và học về những mẫu niềm tin đang có trong mình? Bài viết sử dụng lý thuyết về cảm nhận về sự kiểm soát để đưa ra một góc nhìn về cuộc đời và sự trưởng thành của nàng Kiều. Đồng thời, một số câu hỏi gợi mở về vấn đề chăm sóc tâm lý đối với những người trải qua khủng hoảng cũng được đặt ra.

Mở đầu

Vì sao ta gặp người này chứ không phải người khác? Vì sao một số sự kiện nhất định trong cuộc sống lại xảy đến với ta? Vì sao ta lại đưa ra một lựa chọn nhất định? Niềm tin của con người được phản ánh trong từ ngữ mà họ sử dụng. Những từ “số phận”, “định mệnh”, “nhân duyên” được dùng phổ biến để lý giải cho những điều mà con người chấp nhận (hoặc đang gượng mình chấp nhận) những điều bất định hay những điều nằm ngoài khả năng chi phối. Nhiều tôn giáo hoặc tiếp cận tâm linh sử dụng từ “nghiệp”. Một cách chung nhất, có hai xu hướng phổ thông chính để hiểu về nghiệp.

Xu hướng thứ nhất cho rằng, nghiệp là tiền định bởi các sức mạnh tâm linh nằm ngoài chính chủ thể như đấng tạo hóa, tiền kiếp,… Theo đó, con người có nghiệp tốt hoặc nghiệp xấu là do số phận mà đấng tạo hóa sinh ra đã như vậy hoặc những kiếp trước đã thực hành tu tập trong đời sống theo cách nào. Con người có thể hi vọng hoặc thất vọng trước sự sắp xếp của tạo hóa đó (Nayak, 1993, theo Burley, 2014).

Xu hướng thứ hai cho rằng, nghiệp là do chính hành vi của con người, con người mới là chủ thể của hoàn cảnh chứ không phải do tạo hóa. Trong chính xu hướng này, nghiệp có thể được hiểu là bản thân hành vi (tạo nghiệp), hoặc là hệ quả của hành vi (nhân quả) (Ghose, 2007).

Vì sao Kiều gặp những người chủ tâm lợi dụng, hành hạ, chà đạp nhân phẩm người khác mà những kẻ đó không hề cảm thấy tội lỗi? Vì sao cuộc đời nàng có quá nhiều đau buồn: sự chia ly với những người mình yêu thương, bị rao bán và sử dụng như đồ vật, mặc cảm tội lỗi vì cái chết của người thương? Vì sao nàng chọn bán mình chuộc cha, trộm đồ nhà chùa, tự tử, quay về với người thương thuở ban đầu nhưng chỉ ở như bạn tâm giao,…?

Tương ứng với xu hướng thứ nhất, cái nghiệp của nàng Kiều là phải trải qua những điều như vậy. Nguyễn Du và các độc giả dân gian khái quát hóa thêm rằng, bất công, bạc mệnh là nghiệp chung của những con người tài sắc vẹn toàn. “Trăm năm trong cõi người ta/ Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau”; “Chữ tài liền với chữ tai một vần”.

Xu hướng lý giải của Nguyễn Du cho thấy cách giải thích hợp lý về những con người, với phẩm giá và khả năng của bản thân, đáng lẽ được hạnh phúc, nhưng lại chịu nhiều cảnh trái lẽ, bất công. Khi nghịch cảnh xảy ra liên tục, nếu đặt quá nhiều câu hỏi tại sao và đi đến tận cùng những câu hỏi đó, hoặc cá nhân được chuyển hóa để sống một cách khác đi, hoặc cá nhân ấy sẽ cạn kiệt năng lượng trước khi trả lời được bất kì câu hỏi nào. Nếu có một lời giải thích ngay từ đầu, rằng số phận đã an bài, cái nghiệp phải trải qua là như vậy, năng lượng tâm trí sẽ được “tiết kiệm” đáng kể so với việc cứ nỗ lực giải thích những điều vượt quá khả năng. Cách giải thích hợp lý này thể hiện sự bất lực mang tính vừa an ủi, vừa cam chịu. Năm 1967, Martin Seligman, nhà tâm lý học Hoa Kỳ đã chứng minh bằng thực nghiệm cơ chế tâm trí của sự an bài trong nghịch cảnh. Seligman hình thành ở những chú chó tham gia thực nghiệm một phản xạ có điều kiện là mỗi lần chuông kêu, các chú chó sẽ bị sốc điện nhẹ. Khi tín hiệu chuông kêu – sốc điện đã được lặp đi lặp lại nhiều lần, nhà thực nghiệm chỉ nhấn cho chuông kêu và ngừng sốc điện các chú chó. Nhưng phản ứng cơ thể của các chú chó vẫn y hệt như bị sốc điện thật sự. Sau đó, mỗi chú chó đều được đưa vào một chiếc hộp gồm hai khoang. Một khoang sàn được nối điện để tạo ra cú sốc, một khoang hoàn toàn không nối điện. Ngăn giữa hai khoang là một hàng rào thấp rất dễ dàng để nhảy qua. Các chú chó này, khi bị sốc điện đều nằm xuống chịu đựng chứ không hề nhảy qua hàng rào. Trong khi đó, Seligman thử với các chú chó chưa từng bị tập phản xạ có điều kiện chuông kêu – sốc điện, những chú chó đó đều nhảy qua hàng rào. Điều này cho thấy, khi từng trải nghiệm đau đớn mà bản thân không thể kiểm soát được, việc từ bỏ nỗ lực khắc phục hoàn cảnh là có thể xảy ra. Từ thực nghiệm này, Seligman đã kiến tạo khái niệm “sự bất lực được tập nhiễm” (helplessness learned) và dùng khái niệm này để giải thích về chứng trầm cảm ở con người.

Tương ứng với xu hướng thứ hai, những điều nàng Kiều trải qua là do chính những hành động của nàng đã tạo ra các kết quả tương ứng. Thích Nhất Hạnh đưa ra ý niệm về hành vi tạo nghiệp giống như nuôi dưỡng các hạt giống. Thiền sư từng phân tích về việc các hành vi nuôi dưỡng hạt giống lành và các hạt giống hại của Kiều trong Thả một bè lau (Thích Nhất Hạnh, 2011). Các hành vi nuôi dưỡng hạt giống này có thể hướng về bản thân hoặc hướng về người khác. Một số hành vi nuôi dưỡng hạt giống lành có thể được kể đến như bán mình chuộc cha, tha cho Hoạn Thư, gián tiếp giúp dân chúng tránh được mất mát trong chiến tranh, tập trung tu tập sau lần tự tử không thành thứ hai. Bên cạnh đó, Kiều cũng có những hành vi nuôi dưỡng hạt giống hại là thực hiện các hoạt động nghệ thuật hay nhân sinh nhấn mạnh vào cảm xúc sầu khổ, lo âu, trộm đồ của nhà chùa trong lần đi trốn, trả thù những kẻ từng hại mình. Nếu như cũng đồng tình với quan điểm rằng, hành vi sẽ dẫn đến hệ quả tương ứng, nhưng không sử dụng thuật ngữ “nghiệp” để khái quát hóa, ngành tâm lý học sẽ dùng thuật ngữ gì? Bài viết này lựa chọn tập trung vào thuật ngữ “niềm tin về sự kiểm soát”, đặt trong bối cảnh của các tình huống khủng hoảng.

Niềm tin về sự kiểm soát (một cách chuyển ngữ khác từ thuật ngữ gốc “locus of control” là tiêu điểm kiểm soát) được hiểu là sự quy gán trách nhiệm về hệ quả hành vi cho các yếu tố bên trong bản thân (khả năng, nỗ lực, thái độ,…) hay cho các yếu tố bên ngoài bản thân (người khác chi phối, số phận, may rủi,…) (Rotter, 1966; Levenson, 1981). Sau đây, ba thuật ngữ mô tả các dạng niềm tin về sự kiểm soát sẽ được sử dụng trong bài viết này, gồm: (1) niềm tin về sự kiểm soát bên trong; (2) niềm tin về sự kiểm soát bên ngoài do người khác; (3) niềm tin về sự kiểm soát bên ngoài do số phận. Nhiều nghiên cứu cho thấy người có nhiều niềm tin về sự kiểm soát bên trong cao thường hạnh phúc hơn, có thành tích cao trong học tập, công việc, có các mối quan hệ xã hội tin cậy, cảm nhận cuộc sống giàu ý nghĩa hơn, vì họ có khả năng đưa ra các hành vi làm chủ cuộc sống và có mẫu nhận thức chịu trách nhiệm cho chính cuộc đời của mình, ít oán giận người khác hay than trách số phận (Ryan & Francis, 2012; Menon & Edward, 2014; Griffin & Gore, 2014; Shojaee & French, 2014). Tuy nhiên, một số nghiên cứu khác chỉ ra rằng, người hạnh phúc nhất là người cân bằng giữa sự kiểm soát bên trong và bên ngoài (April, Dharani, & Peters, 2012). Niềm tin về sự kiểm soát bên trong liên quan nhiều đến các mục tiêu, nếu như mục tiêu không đạt được, cá nhân lại không điều chỉnh kì vọng về mục tiêu và khả năng thực sự có của bản thân thì có thể rơi vào cảm giác kém hạnh phúc (Gardner & Helmes, 1999). Niềm tin về sự kiểm soát bên ngoài cũng cho phép những người thuộc nhóm dễ tổn thương có được các hành vi hiệu quả (Levenson, 1981). Những người có niềm tin về sự kiểm soát bên ngoài có thể thư giãn, dễ bỏ qua và dễ hài lòng hơn (Hans, 2000). Ở lứa tuổi đầu và giữa tuổi trưởng thành, cảm nhận bản thân kiểm soát giúp bù trừ thất bại và nâng cao các tiềm năng trong tương lai. Về già, cảm nhận bản thân kiểm soát cao có thể là yếu tố nguy cơ làm giảm cảm nhận hạnh phúc, do dẫn đến đánh giá quá cao bản thân và thất vọng với chính tiềm năng kiểm soát thực tế của mình (Lang & Heckhausen, 2001).

Niềm tin về sự kiểm soát được hình thành do quá trình học tập xã hội thuở nhỏ trong môi trường phát triển, và dần trở thành một đặc điểm nhận thức mang tính cá nhân ổn định, bền vững. Nghĩa là một người, trong suốt quá trình phát triển từ ấu thơ đến đầu tuổi trưởng thành, từ tương tác với môi trường xung quanh, rút ra niềm tin rằng, việc nỗ lực của bản thân sẽ làm thay đổi tình huống, thì khả năng lớn là người đó sẽ tin vào nỗ lực của bản thân trong cuộc sống. Tuy nhiên, niềm tin về sự kiểm soát cũng mang tính bối cảnh và có thể thay đổi mạnh mẽ khi trải qua các khủng hoảng có tính hiện sinh.

Cuộc đời của nàng Kiều được mô tả trong truyện mới hơn 30 năm, trong đó đặc tả khoảng 16 năm từ độ đôi tám mới biết rung động đến vừa ngoài ba mươi khi được đoàn tụ với gia đình. Những năm tháng ấy đã định hình niềm tin về sự kiểm soát của nàng như thế nào?

Niềm tin về sự kiểm soát của Kiều trong những năm đầu đời (trước khi gặp nạn chia ly gia đình)

Những năm đầu đời của Kiều được mô tả là bình yên. Một số mẫu nhận thức và cách định hình nhận thức đã bắt đầu phản ánh niềm tin kiểm soát của nàng. Trong câu chuyện, nàng Kiều đi xem bói và nhận được lời diễn giải rằng số phận nàng không suôn sẻ vì vẻ “Sắc đành họa một, tài đành họa hai” của nàng: “Tinh anh phát tiết ra ngoài/ Nghìn thu bạc mệnh một đời tài hoa”.

Khi còn nhỏ tuổi, mà tương ứng trong phần lớn các trường hợp là tâm trí của cá nhân chưa có nhiều trải nghiệm trưởng thành, cá nhân ứng phó với sự bất an, khủng hoảng bản sắc “tôi là ai”, “cuộc đời tôi sẽ như thế nào”,…, bằng việc dựa vào những tiên đoán của những người được xem là có quyền năng hơn người trong việc nhìn thấu tương lai. Xem tử vi, bói bài, rút quẻ,… trở thành hoạt động quen thuộc của nhiều người cũng vì lý do như vậy. Với tâm thế trao quyền định nghĩa bản thân cho người khác như vậy, việc tin, chuyển niềm tin thành hành động và xác nhận các thiên kiến sao cho ứng với lời tiên đoán là cơ chế nhận thức dễ dàng xảy ra. Nàng Kiều tin vào lời tiên đoán đó lắm. Nàng không ít lần nói về nỗ lo hãi “phận mỏng” của mình với các thành viên trong gia đình và Kim Trọng. Một khi niềm tin về sự kiểm soát bên ngoài do số phận đã được định hình, con người không chỉ tìm kiếm các thiên kiến xác nhận, mà còn (có thể là vô thức) thực hiện các hành vi nhằm hiện thực hóa một số phận đã được hình dung từ trước. Trong tâm lý học, cơ chế phòng vệ vô thức “phóng nội” (introjection) – chuyển những hình mẫu, niềm tin bên ngoài thành các đặc điểm vận hành bên trong – có thể được sử dụng để giải thích cho điều này.

Bên cạnh đó, Kiều cũng là người có niềm tin về sự kiểm soát bên trong. Sự tài giỏi trong thơ ca, đàn nhạc không phải tự nhiên nếu như không được tôi luyện. Kiều luôn chứng tỏ được khả năng bản thân trong các lĩnh vực được công nhận về mặt xã hội này. Quan trọng hơn, thái độ chủ động tìm kiếm hạnh phúc lứa đôi và điều hướng mối quan hệ của Kiều trong mối quan hệ Kiều – Kim Trọng cũng là một đặc trưng của niềm tin về sự kiểm soát bên trong. Nàng có sự chủ động trong việc tạo ra các cơ hội gặp gỡ, nàng cũng là người quyết định và khiến Kim Trọng khâm phục, kính nể trong việc giữ gìn quan hệ lứa đôi trước hôn nhân. Thậm chí, niềm tin về sự kiểm soát bên trong của Kiều còn mang tính thái cực khi nàng trải qua biến cố đầu đời là gia đình bị mắc bẫy quan sai mà mang nợ. Trong tình huống mắc nợ, cha phải ngồi tù ấy, Kiều có thể lựa chọn không thực hiện bất cứ điều gì để thay đổi cục diện như cách mà mẹ, Thúy Vân, Vương Quan đã làm. Nhưng không, nàng nhận trách nhiệm lớn vào bản thân, dùng hành vi bán mình để cứu cha. Kiều là người bình tĩnh, hiệu quả nhất trong suốt thời gian gia đình rơi vào khủng hoảng, ngược lại với hình ảnh mong manh dễ buồn, cần được che chở, an ủi trước đây. Chỉ sau đám cưới giả, nàng mới bắt đầu thể hiện sự xúc động của riêng mình khi nhờ cậy Thúy Vân giúp mình nối duyên với Kim Trọng. Mà ngay cả sự xúc động của riêng mình ấy, cũng là nghĩ cho Kim Trọng. Nàng dùng chính mình để nghĩ cho quá nhiều người khác, phản ánh niềm tin thái cực về sự kiểm soát bên trong: chính bản thân mình có thể tạo ra ảnh hưởng và sự thay đổi đến những người hay những tình huống ngoài bản thân. Mọi việc đều nằm trong tầm kiểm soát!

Niềm tin về sự kiểm soát của Kiều trong những năm lưu lạc (từ khi xa gia đình cho đến khi Từ Hải qua đời)

Những năm lưu lạc khắc dấu nhiều biến cố và các cuộc khủng hoảng của Kiều. Niềm tin về sự kiểm soát bên ngoài do số phận vẫn xuyên suốt cách Kiều lý giải về những khổ đau trong cuộc sống. Nhưng nàng đã học thêm nhiều trải nghiệm đau đớn về niềm tin vào sự kiểm soát bên ngoài do người khác, mà lại là thái cực mang tính đe dọa, truy hại từ người khác. Bị lừa bán vào lầu xanh, bị lừa bỏ trốn rồi bị bắt lại và tra tấn, nàng xin chừa “chút lòng trinh bạch” của bản thân để trở thành công cụ của những kẻ buôn người. Thời gian bị sử dụng, chà đạp đã thách thức thái cực niềm tin về sự kiểm soát bên trong của Kiều. Tưởng chừng như nàng sẽ bị mất đi sự kiểm soát bên trong, sống trong sự bất lực được tập nhiễm từ hoàn cảnh (helplessness learned), thì Kiều gặp Thúc Sinh.

Khi gặp Thúc Sinh, nàng Kiều tìm lại được hạnh phúc sau những ngày dài đau khổ. Hạnh phúc của nàng trong mối quan hệ này là cảm giác được yêu, được người khác lo lắng, chăm sóc cho mình, được bảo vệ trong mọi khả năng có thể của Thúc Sinh. Thiếu Thúc Sinh, nàng không thể được chuộc khỏi lầu xanh để sống cuộc đời của một người phụ nữ tài sắc đáng ngưỡng mộ (cha của Thúc Sinh và quan phủ đã chấp thuận dự định hôn nhân của hai người). Cùng với Thúc Sinh, Kiều bắt đầu học trở lại niềm tin về sự kiểm soát bên trong, nhưng với rất nhiều yếu tố thực tế hơn so với giai đoạn trước đây, đó là, cá nhân có thể góp phần kiểm soát tình huống, làm thay đổi hệ quả, nhưng với sự tương tác với người khác; người khác cũng có thể kiểm soát tình huống. Nàng hiểu rằng vợ của Thúc Sinh là một người có khả năng ảnh hưởng thay đổi tình huống rất lớn, hôn nhân giữa nàng và chàng không thể thành nếu không có được sự thông hiểu và chấp nhận của Hoạn Thư – vợ Thúc Sinh. Một lần nữa, Kiều lại là người dẫn dắt mối quan hệ khi nói rất rõ ràng với Thúc Sinh về việc cần thông báo chuyện hôn nhân một cách chính thức với vợ lớn của chàng. Nhưng sự dũng cảm, chân thành này nằm ngoài khả năng của Thúc Sinh. Niềm tin về sự kiểm soát bên trong của Kiều đã thay đổi một bước, thực tế hơn, nhưng vẫn chưa đủ để củng cố cho nàng rằng, chính mình có thể định hình cuộc sống của mình. Cuộc đời vẫn thử thách nàng bằng những tình huống củng cố niềm tin về sự kiểm soát bên ngoài do người khác mang tính thái cực đe dọa.

Một lần nữa, Kiều lại sống kiếp bị coi như đồ vật, bị hành hạ thể xác và tinh thần, tước bỏ mọi khả năng kiểm soát mà Hoạn Thư đã sắp đặt. Nhưng một lần nữa, cuộc hội ngộ với Thúc Sinh lại mang đến một trải nghiệm để nàng tiếp tục học về niềm tin về sự kiểm soát bên trong. Nàng quyết định trốn khỏi ngôi chùa mà Hoạn Thư đã gửi nàng đến, với mục đích mãi mãi tách ra Kiều – Thúc Sinh và chấm dứt cuộc đời Kiều với tư cách một người phụ nữ có khả năng sống đời sống lứa đôi. Kiều lấy trộm ít đồ nhà Hoạn Thư cúng dường cho chùa để di chuyển đến nơi mới. Món đồ ăn trộm là phương tiện để Kiều hiện thực hóa khả năng kiểm soát tình huống của bản thân. Giờ đây, nàng đã là một con người có quyết định riêng, có quyền sử dụng đồ vật để định hình nên cuộc sống hiện tại của mình.

Thế nhưng, một lần nữa, Kiều lại bị bán vào lầu xanh. Những tình huống lặp đi lặp lại trong cuộc sống luôn đòi hỏi cá nhân vận hành theo các cách khác nhau, để khám phá những khía cạnh mới của bản thân. Lần này, Kiều gặp Từ Hải. Không giống như mối quan hệ với Thúc Sinh, ở đây, Kiều và Từ Hải bắt đầu bằng mối quan hệ tâm giao, hai bên hiểu con người của nhau trước khi quyết định gắn bó với nhau. Quyền lực và địa vị có được từ mối quan hệ với Từ Hải đã giúp Kiều đủ phương tiện để trả thù những kẻ trước đây đã hại nàng, theo đúng cách mà bọn họ đã thề thốt khi lừa Kiều. Niềm tin về sự kiểm soát bên trong của Kiều lại được củng cố mạnh mẽ. Nàng có thể làm chủ cuộc đời của mình và gây ảnh hưởng lên những cuộc đời khác. Bài học về sự kiểm soát bên trong lên cao nhất khi nàng muốn đoàn tụ với gia đình và hiện thực hóa mong muốn này bằng việc khuyên Từ Hải ra hàng. Thế nhưng, trải nghiệm về đỉnh cao của sự kiểm soát bên trong này lại mang đến cho nàng sự mất mát, đau đớn lớn nhất. Nàng tự tử lần hai. Lần tự tử đầu tiên dựa trên niềm tin về sự kiểm soát bên ngoài do số phận – cuộc đời này quá đau khổ. Lần tự tử thứ hai dựa trên niềm tin về sự kiểm soát bên trong – Kiều đổ lỗi cho bản thân đã gây ra cái chết của Từ Hải. Lần tự tử thứ hai là câu trả lời cho câu hỏi hiện sinh mà Kiều đặt ra “sống để làm gì”.

Niềm tin về sự kiểm soát của Kiều hồi tái sinh

Kiều được cứu sống, sinh ra một lần nữa. Nguyễn Du mô tả thời gian này là những ngày toàn tâm tu tập với ni sư Giác Duyên, gạt các ham muốn cá nhân sang một bên, tập trung vào những điều thiện lành. Sau đó, nàng đoàn tụ với gia đình và kết hôn với người yêu đầu đời Kim Trọng. Họ chỉ giữ quan hệ tâm giao chứ không sinh hoạt vợ chồng vì nàng tu tập Phật pháp. Theo cách hiểu về nghiệp, nàng đã trả hết nghiệp và đang gieo các hạt giống tốt lành, buông bỏ cả ba hình thức kiểm soát, thực tập buông xả (non-attachment). Một định nghĩa mới đã được hình thành rằng sự quy gán trách nhiệm không phải hoàn toàn do bản thân, không phải hoàn toàn do người khác và không phải số phận là bất biến. Nếu theo đúng nghĩa này, Kiều đi ra khỏi nhận thức về nhu cầu kiểm soát.

Nhưng liệu quá trình tâm trí thực tế của Kiều những ngày này có phải là một đường thẳng yên bình như vậy không? Điều này không ai biết, chỉ có thể giả định mà thôi. Kubler-Ross vào thập niên 1960 đã đề xuất mô hình đường cong thay đổi (The Change Curve), theo đó, cá nhân đương đầu với các sự kiện khủng hoảng phải đi qua các giai đoạn sốc, chối bỏ, giận giữ – hẫng hụt, trầm cảm, trải nghiệm, ra quyết định, chấp nhận – cam kết.

Sống lại sau tự tử là một trải nghiệm thách thức lớn với sự tồn tại. Nàng Kiều đã đi qua các giai đoạn của đường cong thay đổi như thế nào, những ý nghĩa nào trong giai đoạn trải nghiệm mà nàng rút ra để có thể hoàn toàn chấp nhận – cam kết? Hay nàng vẫn đang trong giai đoạn chối bỏ thực tế, lý tưởng hóa tính tích cực của môi trường gần nhất mang lại bình yên cho mình – môi trường tu tập cùng ni sư Giác Duyên?

Hành vi thuyết phục Kim Trọng chấp nhận làm bạn tâm giao, mà không cần chăn gối đặt ra hoài nghi về việc Kiều có thật sự buông bỏ cả ba hình thức kiểm soát, hay là tăng cường thêm kiểm soát cá nhân. Có thể dừng lại để phân tích hành vi này theo hai cách hiểu. Cách hiểu thứ nhất là hiện thực hóa hiệu quả niềm tin vào sự kiểm soát bên trong. Cách hiểu thứ hai là buông bỏ kiểm soát.

Cách hiểu thứ nhất tương ứng với một nàng Kiều, mặc dù cuộc sống bề ngoài nhìn đã bình yên, nhưng trong nội tâm còn nhiều mong muốn chưa được thỏa mãn và đau khổ chưa được chữa lành. Mong muốn chưa được thỏa mãn lớn nhất với một người đã bị chà đạp như đồ vật, bị mua đi bán lại, có lẽ đó là được tôn trọng phẩm giá. Giá như thời đại của Kiều có những diễn đàn, hội thảo về quyền con người, Kiều đã có thể góp một tiếng nói. Nhưng bối cảnh của Kiều khi đó chỉ có những người vốn yêu thương nàng, nên chỉ cần một Kim Trọng lắng nghe và thấu hiểu nhu cầu được tôn trọng phẩm giá, thì đã là một sự xoa dịu rất lớn rồi (mặc dù mất khá nhiều thời gian thì Kim Trọng mới hiểu và chấp nhận).

Vấn đề là, không chăn gối chỉ là biểu tượng của Kiều về nhu cầu được tôn trọng phẩm giá. Một cách khách quan, có hay không có việc chăn gối với Kim Trọng thì phẩm giá của Kiều vẫn toàn vẹn. Đằng sau nhu cầu được tôn trọng phẩm giá của Kiều, có thể là sang chấn tâm lý kéo dài. Cơ thể và tinh thần của Kiều đã bị sỉ nhục nhiều lần. Sự thân mật của Kim Trọng, mặc dù xuất phát từ nhu cầu gắn bó của anh, nhưng rất có thể gây ra tái sang chấn, gợi lại các cảm xúc ghê ghét, hổ thẹn, tội lỗi ở Kiều. Một thực tế là các cảm xúc trong tâm trí đều được ghi dấu bằng những cảm giác trên cơ thể. Chấn thương tinh thần cần được chữa lành thông qua cả việc nhận diện cảm giác và chăm sóc cơ thể nữa. Giả sử Kiều ở thời đại bây giờ, nếu được đội ngũ chăm sóc tinh thần chuyên nghiệp (nhà tâm lý, bác sĩ tâm thần, nhân viên công tác xã hội,…) cùng đồng hành, việc chữa lành vết thương tinh thần sau sang chấn của nàng có lẽ sẽ nhẹ nhõm hơn nhiều. Khi đó, Kiều sẽ không cần bám víu vào việc tránh thân mật để biểu đạt nhu cầu được tôn trọng phẩm giá nữa.

Cách hiểu thứ hai – buông bỏ kiểm soát – tương ứng với một nàng Kiều đã chấp nhận toàn vẹn đau khổ và chuyển hóa tâm linh, trở thành một người bình an trong nội tâm. Buông bỏ kiểm soát không chỉ là ngừng niềm tin về sự kiểm soát bên trong, mà còn là ngừng niềm tin về sự kiểm soát bên ngoài. Nói cách khác, con người chúng ta, cả mình lẫn người, có thể mong muốn và thực hiện các hành vi, nhưng kết quả sự việc biến đổi không ngừng, không phụ thuộc vào ý chí của riêng ai cả, cũng không phụ thuộc một số phận tiền định nào hết. Chỉ có thể buông bỏ kiểm soát khi thực sự sáng suốt, thấu hiểu bản thân và có khả năng yêu thương thực sự. Thiếu ba yếu tố trên, không thể buông bỏ kiểm soát được.

Vậy hãy giả định rằng Kiều đã là một người sáng suốt, thấu hiểu bản thân, có khả năng yêu thương thực sự. Nàng đặt ra ranh giới không thân mật cơ thể với Kim Trọng, đó là biểu đạt mong muốn và thực hiện hành vi tự chủ của nàng. Kiều không thao túng kết quả, không đặt ra thông điệp mang tính điều kiện với Kim Trọng kiểu như “nếu chăn gối thì ta hết yêu chàng”, cũng hoàn toàn để cho Kim Trọng tự chuyển hóa ham muốn trong chàng. Nàng là mình và để cho chàng là chàng.

Bên cạnh đó, theo chiều hướng hiểu thứ hai mà chúng ta đang nói ở đây, quyết định không chăn gối của Kiều xuất phát từ:

Thứ nhất, sáng suốt: nàng nhìn ra những xung đột và tổn thương của mối quan hệ cặp ba này.

  • Kiều từng hiểu nỗi đau và tha thứ cho Hoạn Thư, nên cũng biết rằng, Thúy Vân có thể khó vượt qua được tổn thương của một người phụ nữ phải nhìn chồng mình gần gũi người phụ nữ khác. Mười lăm năm gắn bó với một người đàn ông đủ để Vân xây dựng cảm giác phụ thuộc và yêu quý Kim Trọng, cho dù từ đầu Vân có thể không có tình cảm gì với chàng. Do đó, tạo ra một ranh giới với Kim Trọng, giữ chàng ở mức bạn tâm giao, cũng là bảo vệ Vân. Thêm nữa, Vân còn bị gán thêm một nỗi đau đạo đức rằng, xuất phát điểm, Kim Trọng là của chị mình, mình bên chàng vì nghĩa, giờ phải trả lại thôi, có lẽ mình không có quyền buồn đau. Nghĩ rằng mình không có quyền buồn đau là nỗi đau quá lớn đối với một con người. Kiều đã nhìn thấu tổn thương mà Vân sẽ đi qua với tư cách là một con người với sự toàn vẹn phẩm giá, chứ không phải là một vật thế thân.

  • Người có nhiều trải nghiệm quan hệ cặp đôi như Kiều biết rõ rằng, mọi cặp đôi đều có lúc xung đột. Khi nam giới bị tổn thương, anh có xu hướng trách móc, đổ lỗi cho người phụ nữ mà anh nghĩ rằng mình đang sở hữu, trước khi anh tìm cách tự hồi phục tinh thần và rất có thể là đi làm lành sau đó. Kim Trọng có đi ra ngoài đặc điểm tâm lý giới đó không? Kiều biết câu trả lời… Và dù gì, nếu ngày xung đột đó có đến, trong cơn tức giận vô minh, suy nghĩ rằng người phụ nữ mình yêu từng chăn gối với nhiều người khác, đó là một cảm xúc quá tổn thương với Kim Trọng. Kiều đã nhìn thấy điều đó và đang tránh cho Kim Trọng những tổn thương có thể tránh.

Thứ hai, hiểu bản thân: nàng hiểu mong muốn thực sự của mình (theo chiều hướng thứ hai mà chúng ta đang phân tích) là sống cuộc đời hạnh phúc, yêu thương gia đình của mình. Mặc dù nghe rằng một người phụ nữ đẹp, tuổi mới ngoài 30, đã không còn ham muốn chăn gối thì nghe không thuận lẽ tự nhiên lắm. Nhưng một khi chúng ta có quá nhiều một thứ gì đó, rồi khám phá ra rằng ý nghĩa cuộc sống nằm ở nơi khác, ta nhận ra rằng, thứ ta từng có quá nhiều giờ đây không còn cần thiết nữa. Và Kiều cũng hiểu rằng, nếu gần gũi cơ thể với Kim Trọng, rồi những tổn thương với Vân và Kim xảy ra, có lẽ nàng lại phải biệt ly gia đình một lần nữa. Hạnh phúc bên gia đình, đó mới là điều nàng thực sự mong muốn.

Thứ ba, khả năng yêu thương thực sự: với những điều nàng mong muốn cho nàng, cho Kim, cho Vân, có lẽ đã đủ để thấy thái độ yêu thương của nàng. Trải nghiệm với Từ Hải đã khai mở ở Kiều rằng, khi ta đặt nhu cầu của bất kì một người nào lên trên trong mối quan hệ đôi lứa, mối quan hệ đó sẽ chấm dứt. Giờ đây, tình yêu thương của Kiều hướng tới một viễn cảnh CHÚNG TA: Kim, Vân, Kiều cùng được hạnh phúc.

Nói ngắn gọn, quyết định không chăn gối, nếu là ở một Kiều tổn thương thì đó là tiếng nói của nhu cầu được tôn trọng phẩm giá, còn nếu là ở một Kiều chuyển hóa an lạc thì đó là tiếng nói của khả năng yêu thương thực sự.

Kết luận và bàn luận

Truyện Kiều có thể được đọc như hành trình Kiều đi qua những nghiệp quả của mình, cũng có thể được đọc như quá trình hình thành và biến đổi các mẫu niềm tin về sự kiểm soát. Có thể tồn tại hai con đường biến đổi mẫu niềm tin về sự kiểm soát ở Kiều, mà sự khác biệt xảy ra ở hồi kết.

Con đường thứ nhất: từ kiểm soát bên trong thiếu tính thực tế, đến học dần về kiểm soát mang tính thực tế (cả bên trong và bên ngoài), kết thúc bằng việc buông bỏ kiểm soát sau khi đã trải nghiệm cả thái cực ảo tưởng lẫn thực tế. Theo con đường này, Kiều đã sống một chặng đường đầy ý nghĩa hiện sinh.

Con đường thứ hai: từ kiểm soát bên trong thiếu tính thực tế, đến học dần về kiểm soát mang tính thực tế (cả bên trong và bên ngoài), kết thúc bằng tăng cường ham muốn kiểm soát bên trong. Theo con đường này, tổn thương lớn nhất cần chữa lành ở Kiều là cảm nhận mất đi phẩm giá.

Cần nhấn mạnh rằng cách đọc Kiều bằng các khái niệm bên trong, gồm khái niệm nghiệp của tâm linh và khái niệm niềm tin vào sự kiểm soát của tâm lý học chỉ giới hạn ở góc độ diễn giải chuyển biến tâm trí của Kiều, chứ không mang tính khái quát ở mức độ lý giải cuộc đời của nàng. Không thể tách rời các yếu tố tâm lý bên trong và các yếu tố xã hội bên ngoài, đặc biệt là quyền lực và bất bình đẳng, khi đọc Truyện Kiều, cũng như giải thích cuộc đời của bất cứ cá nhân nào. Nếu bỏ qua các yếu tố quyền lực và bất bình đẳng, mọi diễn giải tâm lý sẽ có nguy cơ quy gán trách nhiệm cho nạn nhân. Trong khi thực tế, để thực hiện trách nhiệm bảo vệ con người mà chúng ta cần làm với tư cách cá nhân thuộc cộng đồng văn minh, thì việc xác định trách nhiệm của những người gây lỗi hay có tội lại cần thực hiện nhanh nhất và kiên trì nhất có thể.

Do đó, đọc Kiều hay diễn giải chuyển biến tâm trí của con người thông qua nghiệp và niềm tin vào sự kiểm soát có thể có những ứng dụng trong việc chăm sóc tinh thần của cá nhân, giúp cá nhân đó lấy lại sức mạnh, sự từ bi với bản thân, nhận ra sự yêu thương từ người khác, và sống cuộc sống có ý nghĩa.

Hãy liên hệ với một thực tế xã hội về những người trải qua khủng hoảng của bạo hành, xâm hại tình dục chẳng hạn. Việc rất có ý nghĩa trị liệu với họ, đó là, những người gây ra hành vi có tội, cần bị tố cáo. Được cộng đồng công nhận rằng “người kia là người có tội” giúp cởi bỏ một phần ban đầu mặc cảm trong họ.

Mặc cảm trong họ, đó là điều mà những người chăm sóc tinh thần sẽ cùng đồng hành để nâng đỡ. Hãy ngẫm về những lúc chúng ta trải qua một đau khổ không mong muốn, không xuất phát từ chính hành vi của mình, mặc dù lý trí của bản thân và những người thân đều an ủi rằng, “Đó không phải lỗi của bạn. Đó là do người kia. Đó là do số phận”, nhưng sâu thẳm trong những người đang đau khổ, luôn tồn tại một câu hỏi tự nhiên, “Tôi đã làm gì, đã có lỗi lầm gì mà phải chịu đựng điều này?”. Một khi đã có những nạn nhân, việc những người gây tội lỗi nhận trách nhiệm là cần, nhưng chưa đủ. Sự chữa lành thực sự là khi cá nhân đối diện với câu hỏi hiện sinh rằng bản thân họ đã làm gì, đã có lỗi lầm gì mà phải chịu đựng nghịch cảnh này, để rồi chính họ nhận ra, cho dù câu trả lời là gì, dù cho trên thế giới chỉ có một mình họ trải qua sự khắc nghiệt ấy, thì họ không đơn độc, họ được yêu thương, có khả năng yêu thương và sống cuộc đời ý nghĩa.

<

p style=”text-align: right;”>Đặng Hoàng Ngân

Bản quyền tác phẩm tranh © Chu Thúy Quỳnh

Tài liệu tham khảo

April, K.A., Dharani, B., Peters, K. (2012), Impact of locus of control expectancy on level of well-being. Review of European Studies 4(2), 124-137.

Burley, M. (2014). Karma, morality, and evil. Philosophy Compass 9(6), 415-430.

Gardner, D., Helmes, E. (1999). Locus of control and self-directed learning as predictor of wellbeing in the elderly. Australian Psychologist 34(2), 99-103

Ghose, L. (2007). Karma and the possibility of purification: An ethical and psychological analysis of the doctrine of karma in Buddhism. Journal of Religious Ethics 35(2), 259-290.

Griffin, D.P., Gore, J.S. (2014). Locus of control and well-being: Separating the measurement of internal and external constructs: A pilot study. http://encompass.eku.edu/cgi/viewcontent.cgi?article=1017&context=ugra

Hans, T. (2000). A metaanalysis of the effects of adventure programming on locus of control. Journal of Contemporary Psychotherapy 30(1), 33-60.

Lang. F.R., Heckhausen, J. (2001). Perceived control over development and subjective well-being: differential benefits across adulthood. Journal of Personality and Social Psychology 81(3), 509-523.

Levenson, H. (1981). Differentiating among internality, powerful others, and chance, 15-63, In H.M. Lefcourt (Ed.), Research with the locus of control construct (Vol. 1). Academic Press, New York.

Menon, I.S., Edward, M. (2014). Locus of control, assertiveness and general well-being among alcoholics and non-alcoholic. Guru Journal of Behavioral and Social Sciences 2(1), 258-263.

Rotter, J.B. (1966). Generalized expectancies for internal versus external control of reinforcement. Psychological Monographs (80), 1-28.

Ryan, M.E., Francis, A.J.P. (2012). Locus of control beliefs mediates the relationship between religious functioning and psychological health. Journal of Religion and Health 51(3), 774-785.

Shojaee, M., French, C. (2014). The Relationship between Mental Health Components and Locus of Control in Youth. Psychology (5), 966-978.

Thích Nhất Hạnh. (2011). Thả một bè lau, Nxb Thời đại, Hà Nội.

Bản quyền tác phẩm tranh © Chu Thúy Quỳnh

Chấm sao chút:

Đã có 3 người chấm, trung bình 5 sao.

Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi

2 Comments on Nghiệp hay là hành động theo niềm tin về sự kiểm soát trong các tình huống khủng hoảng – Một cách hiểu khi đọc “Kiều”

  1. Ở bài Sử dụng Kiều như một tấm gương giáo dục phụ nữ: Yêu nhau thế bằng mười phụ nhau? cũng đề cập đến hai cách lý giải của Kiều khi lựa chọn chỉ làm bạn với Kim Trọng. Mình trích lại:

    Tôi nhận ra rằng sexual agency có thể có nhiều hình dạng; có những sexual agency thực sự thách thức những giá trị và làm thay đổi mối quan hệ giới hoặc đặt ra những câu hỏi về sự bất bình đẳng của những mối quan hệ giới thì cũng có những agency đặt trong hoàn cảnh người phụ nữ không có nhiều lựa chọn nào ngoài việc làm theo đúng những cái vai trò hay mong đợi ở họ và khi làm được việc ấy, vị thế của họ thay đổi.

    Mình nghĩ hai cách lý giải sexual agency này ở bài đó cũng có thể so sánh với hai con đường biến đổi mẫu niềm tin về sự kiểm soát ở bài này. Chắc là sẽ thú vị đây.

1 Trackbacks & Pingbacks

  1. HỘI THẢO ĐỌC LẠI “TRUYỆN KIỀU” – TẦM HOAN TÁC LẠC

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*