Đọc lại “Truyện Kiều”

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi
Thời gian đọc: 9 phút

Tóm tắt

Truyện Kiều là một tác phẩm đã được cải biên, Việt hóa, sáng tạo lại từ tiểu thuyết Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân. Về mặt cốt truyện, tình tiết, nhân vật, truyện Kiều không khác nhiều so với nguyên bản, mà toàn bộ cái hay của tác phẩm đều nằm ở văn chương tiếng Việt. Truyện Kiều tập trung kể về ba đoạn đời của Thúy Kiều : trước khi bán mình, cuộc đời bán mình và cuộc trở về, gắn liền với ba cuộc tình – Kiều với Kim Trọng, với Thúc Sinh và với Từ Hải. Người kể chuyện tuy là ngôi thứ ba, nhưng căn bản là mang điểm nhìn hạn tri của các nhân vật, đặc biệt là điểm nhìn của nhân vật Kiều. Tư tưởng Truyện Kiều chịu ảnh hưởng sâu sắc từ tư tưởng “thiên mệnh” của Nho giáo, “nhân quả” của Phật giáo, nhưng nhân vật Kiều trước sau đều được xây dựng như một nhân vật mang tính chủ động, một con người tự do có ý thức tranh chấp với số mệnh. Cốt truyện Truyện Kiều được tổ chức như là một chuỗi hành động Kiều thoát ra khỏi mọi thứ ràng buộc của đạo đức phong kiến. Tính kịch thể hiện ở sự thay thế thường xuyên các tình huống trái ngược, đặt con người trước nghịch cảnh, bộc lộ tập trung trong tâm trạng và tư tưởng con người thông qua hình thức tự sự chứ ít bộc lộ ra ở hành động như hình thức kịch thông thường. Truyện Kiều rất giàu kịch tính, một kịch tính sâu sắc, tràn đầy nhân tính và do đó rất có tiềm năng để đưa lên màn ảnh cũng như đưa lên sân khấu.

1. Truyện Kiều của Nguyễn Du là kiệt tác của văn học Việt Nam, là tiểu thuyết bằng thơ kể về cuộc đời bất hạnh của một cô gái trẻ phải vật lộn đau đớn với bao nhiêu hiểm hoạ, cạm bẫy để giành lấy tình yêu và cuộc sống của con người. Người đọc Việt Nam đồng cảm với cô Kiều, thương xót cô và xúc động với sự quả cảm của cô.

  1. Để hiểu Truyện Kiều, theo tôi trước hết phải biết rằng Truyện Kiều là một truyện mà nhà văn Việt Nam đã cải biên, sáng tạo lại một tiểu thuyết chương hồi cỡ nhỏ của Trung Quốc, gồm 20 hồi, thành một truyện thơ Việt Nam, với 3254 dòng. Truyện Kiều đã Việt hoá thành một truyện Việt Nam. Ở góc độ so sánh, nếu chỉ chú ý tới cốt truyện, tình tiết, nhân vật thì Truyện Kiều có thể không khác nhiều so với tác phẩm Trung Quốc của tác giả Thanh Tâm Tài Nhân. Toàn bộ cái hay của Truyện Kiều đều nằm ở văn chương tiếng Việt, tức ở lời thơ của nó. Đó là phần đặc sắc nhất, tuyệt vời nhất của tác phẩm này. Nó đã đưa tiếng Việt lên hàng kinh điển, đã đưa tác phẩm lên hàng nghệ thuật, đã khiến tác giả xuất hiện như là nghệ sĩ, mà các tác giả trước đó phần nhiều chỉ là người khéo diễn đạt. Nhưng cái phần tinh tuý của ngôn ngữ là cái phần khó dịch nhất, hầu như không thể dịch được, và tất nhiên sẽ rất khó hiểu và rất tiếc đối với các dịch giả và người đọc nước ngoài. Đó là điều khó hiểu nhất đối với người Trung Quốc, chủ nhân của cái lam bản mà Nguyễn Du vay mượn. Họ đã có tới 6 bản dịch mà có lẽ vẫn chưa giải quyết được vấn đề.

  2. Nhưng quy luật nghệ thuật vẫn là chung. Có câu chuyện hay là một chuyện, mà có cách kể hay về chuyện ấy lại là chuyện khác. Cách kể đã làm thay đổi nội dung câu chuyện. Truyện Kiều kể chuyện thế nào ? Nó tập trung vào ba đoạn đời của cô Kiều: Trước khi bán mình, cuộc đời bán mình và cuộc trở về. Trong ba đoạn ấy nó kể về ba cuộc tình Kiều với Kim Trọng, với Thúc Sinh và với Từ Hải. Cuộc tình nào cũng có đoạn hạnh phúc, ấm áp rồi đau đớn chia phôi. Đời Kiều là một đời bị chà đạp và tan vỡ. Cả truyện là khúc ca đau đớn, là tiếng khóc lớn về quyền sống của con người, là dòng nước mắt chảy mãi về sự tan vỡ của hạnh phúc và sự nhục nhã của nhân cách, nhân phẩm. Không phải vô cớ mà Nguyễn Du đặt lại nhan đề tác phẩm là Đoạn trường tân thanh, nghĩa là tiếng khóc mới rứt ruột.

Người kể chuyện tuy là ngôi thứ ba, nhưng căn bản là mang điểm nhìn hạn tri của các nhân vật, đặc biệt là điểm nhìn của nhân vật Kiều. Nhờ điểm nhìn này mà toàn bộ nỗi khổ đau của nhân vật được nhìn từ bên trong tâm hồn và thân thể của nhân vật. Đặc điểm này làm cho tác phẩm trở thành khúc trữ tình dài ai oán, đau đớn mà ai đọc cũng không thể dửng dưng. Tiếng khóc lớn, khúc trữ tình lớn, nỗi tiếc thương lớn cho con người, cho tình yêu, khiến tác phẩm mang cảm hứng cảm thương chủ nghĩa (sentimentalism), giống như Hồng Lâu mộng của Trung Quốc.

  1. Về tư tưởng của Truyện Kiều, cho đến nay hầu hết học giả đều xem truyện Kiều thể hiện tư tưởng “tài mệnh tương đố” (tài và mệnh ghét nhau), tức là Truyện Kiều thể hiện tư tưởng định mệnh (Fatum). Người đẹp người tài sinh ra ở đời đều bị số mệnh ghen ghét, phải khổ sở điêu đứng và bị giày xéo, huỷ diệt. Theo Nho giáo thì con người bị cái mệnh trời (thiên mệnh) chi phối, không thể thoát khỏi. Vì sao lại thế, thì không rõ. Theo Phật giáo thì con người bị nhân quả nghiệp báo chi phối. Kiếp trước mình đã phạm lỗi gì thì kiếp này bị nghiệp ấy báo hại, con người biết tu thân thì sẽ giảm được nghiệp báo. Vậy kiếp trước Kiều đã có nghiệp gì, cũng không rõ. Mệnh và Nghiệp là ẩn số, đại diện cho cái gì chưa biết. Tác giả chỉ biết oán hận trời, oán hận đời, đại diện của mệnh bất công. Nếu chỉ dựa vào Mệnh và Nghiệp thì trong truyện không ai có lỗi hết, vì ai cũng hành xử theo sự chi phối của mệnh và nghiệp. Nhưng măt khác, Nguyễn Du đã miêu tả những kẻ trực tiếp làm hại Kiều một cách có chủ ý, không phải ngẫu nhiên, do đó chúng thực sự có tội và có lỗi, không thể đổ lỗi cho mệnh trời. Mặt khác, cô Kiều đã biết số phận mình, nàng đã chủ động tranh chấp với số mệnh[1] đã xót thương Đạm Tiên, đã tự đến với Kim Trọng, đã gắn bó với Thúc Sinh, với Từ Hải (Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao) rồi cuối cùng kháng cự lại hôn nhân với Kim Trọng. Có khi Kiều đã muốn chết đi cho đỡ khổ, nhưng số mệnh qua lời Đạm Tiên không cho, Kiều lại phải sống. Trước sau Kiều hành động một cách chủ động như một con người tự do (ý của nhà nghiên cưu Trần Bích Lan). Sự tác động của định mệnh cùng ý thức tranh chấp với số mệnh của nhân vật làm cho thời gian trong truyện biến chuyển rất nhanh, bất ngờ, hành động của các nhân vật đều rất vội vàng, gấp rút, khiến cho nhân vật hầu như chưa kịp suy nghĩ. Các từ “vội”, “vội vàng”, “kíp”, “kịp”, “thoắt”… được sử dụng khá nhiều. Câu thơ được thích là “Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương”. Có câu hai chữ thoắt, như “Thoắt mua về”, “thoắt bán đi” hoặc “Thoắt nghe chàng thoắt rụng rời xíết bao”. Trong Truyện Kiều có nhiều công thức biểu đạt cho thấy thời gian gian trôi nhanh khác thường, đặt nhân vật vào địa vị bị động. Ví dụ: “Hàn huyên chưa kịp giải dề/ Sai nha đã thấy bốn bề xôn xao”; hoặc “Dùng dằng chưa kịp rời tay/ Vừng đông trông đã đứng ngay nóc nhà”; hoặc “Một lời nói chửa kịp thưa/ Phút đâu trận gió cuốn cờ đến ngay”; “Nửa năm hơi tiếng vừa quen/ Cây ngô cành bích đã chen lá vàng”… Có thể rút ra công thức biểu đạt: “chưa… đã”, “vừa… đã”, “đang… đã”. Nghĩa là sự kiện này chưa xong, sự kiện kia đã ập tới, nó khiến cho nhân vật luôn luôn tất bật. Còn khi có thời gian thong dong, thì nó ẩn chứa hiểm hoạ đang rình rập nhân vật. Chẳng hạn khi để Kiều ở lầu Ngưng Bích thì để cho Sở Khanh đến lừa, hoặc khi mụ Tú Bà đến thong dong dặn dò, thì là Kiều sắp phải ra tiếp khách.

  2. Cốt truyện Truyện Kiều được tổ chức như là một chuỗi hành động cô Kiều thoát ra khỏi mọi thứ ràng buộc của đạo đức phong kiến. Cuộc du xuân được tả như là cuộc đi thoát ra ngoài lần thứ nhất của Kiều, lần đó cô gặp Kim Trọng. Sau đó khi Kim Trọng đến, chính cô bắc thang lên tường để trao kỉ vật với Kim Trọng. Sau đó nhân mẹ đi vắng, cô chủ động sang nhà Kim Trọng, rồi khi về nhà thấy cha mẹ chưa về cô lại sang nhà Kim Trọng lần thứ hai. Sau khi bán mình, Kiều chủ động chạy theo Sở Khanh và bị lừa. Sau đó cô chạy trốn lầu xanh với Thúc Sinh. Rồi khi bị bắt về nhà Hoạn Thư, cô lại bỏ chạy khỏi Quan âm các sang nhà Giác Duyên. Sau khi vào lầu xanh lần thứ hai thì cô đi theo Từ Hải. Rồi cô tự mình báo ân báo oán, khuyên Từ Hải hàng, lần này bị lừa và nhảy xuống sông Tiền Đường tự tử. Sau khi được Giác Duyên cứu sống, được Kim Trọng tìm đến, Kiều đã bỏ nhà tu của Giác Duyên để về theo gia đình. Khi cả nhà yêu cầu Kiều kết hôn với Kim Trọng thì không từ chối được, nhận lời kết hôn, nhưng lại lấy cớ rằng mình không còn trinh tiết để từ chối chăn gối với Kim Trọng, chỉ sống với Kim Trọng như là bạn bè, nghĩa là không có trách nhiệm đẻ con, nuôi con, phát triển nòi giống cho Kim Trọng. Đó cũng là một biểu hiện tự do khác thường, nó làm thay đổi ý nghĩa của hôn nhân.

  3. Tính kịch của Truyện Kiều. Nhiều người đã nhận xét về tính kịch của tác phẩm này, tiêu biểu là tác giả Phan Ngọc trong sách Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều (1985). Tính kịch của truyện trước hết thể hiện ở sự thay thế thường xuyên các tình huống trái ngược, đặt con người trước nghịch cảnh, bắt con người phải chịu đựng, chống lại hoặc buộc phải thích nghi mà nội tâm không phục. Kim Trọng và Thuý Kiều đang hạnh phúc thì ông chú của Kim chết, buộc chàng phải về nhà. Nhà Kiều bị vu oan, buộc Kiều phải bán mình. Đang tình yêu đẹp phải làm vợ lẽ Mã Giám Sinh, tưởng là vợ lẽ hoá ra bị mua về làm gái lầu xanh. Kiều liều chết, nhưng Đạm Tiên ngăn lại, Kiều đang hạnh phúc với Thúc Sinh thì liền trở thành đầy tớ trong nhà Hoạn Thư, Kiều đang hạnh phúc với Từ hải, bỗng nhiên trở thành vợ goá và bị gả cho thổ quan, Kim Trọng đang mong cưới Kiều thì bỗng nhiên chỉ là tình bạn… Các tình huống luôn thay đổi chóng mặt khiến nhân vật không ứng phó được. Có nhiều khi các nhân vật xấu đóng kịch vờ để lừa dối, nhân vật chính diện bị lừa sâu hơn, đau hơn và tính kịch ở đây là tính kịch kép. Tình huống ấy giúp bộc lộ con người một cách sâu sắc như trong truyện phiêu lưu, như ý kiến của Mikhail Bakhtin đã nhận định. Đây là tính kịch nhân tính, không phải kịch định mệnh như ông Phan Ngọc nói trong sách tôi vừa nhắc ở trên.

Tính kịch này chỉ bộc lộ tập trung trong tâm trạng và tư tưởng con người, vì thế hình thức biểu hiện của nó thuận lợi nhất là trong hình thức tự sự. Hình thức có người kể phơi bày và điểm nhìn nhân vật với lời độc thoại nội tâm tự phơi bày ra nữa, chứ ít bộc lộ ra ở hành động, như hình thức kịch thông thường. Đó là cái khó chung cho những ai muốn đưa Truyện Kiều lên sân khấu. Trong truyền thống Việt Nam, Truyện Kiều đã được đưa lên sân khấu ca kịch, chèo, cải lương, chủ yếu là những trích đoạn, ví dụ như Hoạn Thư đánh ghen, Mã Giám Sinh mua Kiều, Kiều bán mình, Kiều cậy em thay lời lấy Kim Trọng. Đoàn kịch Nhà hát kịch Việt Nam công diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào 27 và 28 tháng 10 năm 2016, do nhà văn Nguyễn Hiếu chuyển thể, Nghệ sĩ nhân dân Anh Tú đạo diễn, với các diễn viên Diễm Hương, Tô Dũng, Quỳnh hoa, Xuân Bắc… Vở kịch kết thúc khi Kiều lên ngự toà sen, như là thành Phật, có phần đột ngột và có phần khó hiểu.

  1. Kết luận, Truyện Kiều rất giàu kịch tính, một kịch tính sâu sắc, tràn đầy nhân tính và do đó rất có tiềm năng để đưa lên màn ảnh cũng như đưa lên sân khấu.

Trần Đình Sử

Xin tham khảo: Trần Đình Sử, Thi pháp Truyện Kiều, Nxb Giáo dục, 2002, 2003, 2004, 2007, Nxb Hội nhà văn, 2014, Nxb ĐHSP Hà Nội, 2018.

Bản quyền tác phẩm tranh © Nguyễn Thế Linh


[1] Xem: Trần Đình Sử, “Thời gian nghệ thuật trong Truyện Kiều và cảm quan hiện thực của Nguyễn Du”, Tạp chí văn học, số 5 – 1981.

Chấm sao chút:

Đã có 6 người chấm, trung bình 3.5 sao.

Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi

1 Comment on Đọc lại “Truyện Kiều”

1 Trackbacks & Pingbacks

  1. HỘI THẢO ĐỌC LẠI “TRUYỆN KIỀU” – TẦM HOAN TÁC LẠC

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*