Ted Chiang, “Chuyện đời con”

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi
Thời gian đọc: 77 phút

(Bài viết thuộc Zzz Review số 7, 21-1-2020)

Ba con sắp hỏi mẹ câu hỏi đó. Đây là khoảnh khắc quan trọng nhất cuộc đời của chúng ta, và mẹ muốn mình phải thật tập trung, để ý từng chi tiết một. Ba con và mẹ vừa về đến nhà sau một buổi tối đi chơi, ăn tối và xem hát; giờ đã quá nửa đêm. Ba mẹ ra ngoài sân và ngước nhìn vầng trăng tròn; rồi mẹ nói với ba là mẹ muốn nhảy, ba chiều ý mẹ và lúc này đây ba mẹ đang nhảy điệu slow, một đôi vợ chồng ngoài ba mươi lắc lư dưới ánh trăng như hai đứa trẻ. Mẹ chẳng hề cảm thấy khí lạnh buổi đêm. Thế rồi ba con nói, “Mình cùng làm em bé nhé?”

Ngay lúc này thì ba mẹ đã lấy nhau được chừng hai năm và đang sống trên đường Ellis; khi nhà mình chuyển đi con sẽ còn quá nhỏ nên không nhớ gì về căn nhà đó, nhưng ba mẹ sẽ cho con xem ảnh, kể cho con nghe những câu chuyện về nơi đó. Mẹ rất muốn được kể con nghe về buổi tối hôm nay, buổi tối mà con được thụ thai, nhưng thời điểm thích hợp nhất để kể cho con phải là lúc con đã sẵn sàng làm mẹ, mà chúng ta sẽ không bao giờ có được cơ hội đó.

Kể với con sớm hơn cũng chẳng ích gì; vì gần như suốt đời con sẽ không bao giờ chịu ngồi yên để nghe một câu chuyện lãng mạn, mà theo con là sến súa đâu. Mẹ nhớ cái lần hồi con mười hai tuổi, con sẽ nói cho mẹ hay vì lẽ gì mà con ra đời.

“Cái lý do duy nhất mẹ đẻ con ra là để mẹ có một con người làm không công chứ gì,” con sẽ chua chát nói, trong lúc lôi cái máy hút bụi ra khỏi tủ đồ.

“Phải rồi,” mẹ sẽ đáp. “Mười ba năm trước mẹ đã biết trước là hôm nay thảm trải sàn sẽ cần được hút bụi, và đẻ một đứa con ra dường như là phương án tiết kiệm và đơn giản nhất để làm việc đó. Giờ thì con vui lòng bắt tay vào việc đi.”

“Mẹ mà không phải mẹ con thì chuyện này là phạm pháp đó,” con sẽ hầm hầm đáp, trong lúc gỡ dây và cắm vào ổ điện.

Lúc đó mẹ con mình đang sống tại căn nhà trên đường Belmont. Rồi mẹ sẽ đến lúc chứng kiến những người xa lạ đến ở trong cả hai căn nhà: căn nhà nơi con được thụ thai và căn nhà nơi con lớn lên. Ba mẹ sẽ bán căn nhà đầu tiên vài năm sau khi con đến. Mẹ sẽ bán căn thứ hai chẳng bao lâu sau khi con đi. Khi đó Nelson và mẹ đã chuyển đến sống ở trang trại của bọn mẹ, còn ba con thì sống cùng với cô ả kia.

Mẹ biết câu chuyện này sẽ kết thúc ra sao; mẹ nghĩ về nó rất nhiều. Mẹ cũng nghĩ nhiều về khởi đầu của nó, chỉ mới vài năm trước thôi, khi những con tàu xuất hiện trên quỹ đạo và những thiết bị lạ lùng xuất hiện trên đồng cỏ. Chính phủ gần như chẳng đả động gì về chúng, trong khi đám báo lá cải thêu dệt đủ điều.

Và rồi mẹ nhận được một cuộc gọi, một lời đề nghị gặp mặt.

• • •

Mẹ thấy họ đứng chờ ở hành lang, bên ngoài văn phòng mẹ. Hai người họ thật lạ lùng khi đứng cạnh nhau; một người cắt đầu đinh, bận quân phục, tay xách theo một cái va li bằng nhôm. Ông ta hình như đang đánh giá xung quanh bằng ánh mắt dò xét. Người còn lại dễ nhận thấy là người trong giới học thuật: râu quai nón và ria mép, bận áo nhung kẻ. Anh ta đang xem qua mấy tờ giấy dán chồng lên nhau trên tấm bảng thông báo gần đó.

“Đại tá Weber phải không?” Mẹ bắt tay với ông nhà binh. “Tôi là Louise Banks.”

“Tiến sĩ Banks, cảm ơn cô đã dành thời gian gặp chúng tôi,” ông ta nói.

“Không có gì đâu; được cớ để khỏi phải dự buổi họp khoa thôi mà.”

Đại tá Weber chỉ người bên cạnh. “Đây là tiến sĩ vật lý Gary Donnelly mà tôi đã nhắc đến khi gọi điện.”

“Cứ gọi tôi là Gary,” anh ta nói trong lúc bắt tay với mẹ. “Tôi rất mong được nghe những kiến giải của cô.”

Cả ba vào văn phòng của mẹ. Mẹ phải dời mấy chồng sách khỏi cái ghế dành cho khách còn lại, rồi bọn mẹ ngồi xuống. “Ông nói ông muốn tôi nghe một đoạn ghi âm. Tôi cho rằng chuyện này có liên quan đến những người ngoài hành tinh kia?”

“Tôi không thể cho cô biết điều gì ngoài đoạn ghi âm,” Đại tá Weber nói.

“Vâng, mời ông bật.”

Đại tá Weber lấy một cái máy chạy băng ra khỏi va li và nhấn PLAY. Đoạn ghi âm nghe mang máng như tiếng một con chó ướt đang rũ nước trên mình.

“Ý kiến của cô thế nào?”

Mẹ kìm không nói ra cái so sánh với con chó bị ướt. “Bối cảnh ghi âm là gì?”

“Tôi không được phép nói ra.”

“Nó sẽ giúp tôi dịch được những âm thanh này. Ông có thấy người ngoài hành tinh đó trong lúc nó nói không? Trong lúc nói nó có làm gì không?”

“Tôi không thể cho biết điều gì ngoài đoạn ghi âm.”

“Ông thừa nhận mình nhìn thấy người ngoài hành tinh thì cũng chẳng phải lộ bí mật gì đâu; dân chúng đều cho là các ông có thấy hết rồi.”

Đại tá Weber không hề nhượng bộ. “Cô có bất cứ ý kiến nào về đặc tính ngôn ngữ của nó không?” ông ta hỏi.

“À thì, rõ ràng là bộ máy phát âm của chúng khác khá nhiều với thanh quản của con người. Tôi cho rằng những người ngoài hành tinh đó trông không giống con người phải không?”

Viên đại tá vừa chuẩn bị nói một điều gì đó bất hợp tác nữa thì Gary Donnelly hỏi, “Cô có thể đưa ra bất cứ phỏng đoán gì dựa trên đoạn ghi âm này không?”

“Không nhiều. Nghe như thể chúng không sử dụng thanh quản để tạo ra những âm thanh này, nhưng điều đó cũng chẳng cho tôi biết được gì về bề ngoài của chúng.”

“Cô có thể cho chúng tôi biết thêm gì… bất cứ gì nữa không?” Đại tá Weber hỏi.

Mẹ có thể thấy ông ta không quen hỏi ý kiến thường dân. “Tôi chỉ có thể nói rằng việc giao tiếp giữa hai bên sẽ rất khó khăn vì những khác biệt về giải phẫu học. Gần như chắc chắn là chúng sử dụng những âm thanh mà thanh quản của con người không thể bắt chước, và có khi còn cả những âm thanh mà tai con người không thể phân biệt được.”

“Ý cô là tần số hạ hay siêu âm ư?” Gary Donnelly hỏi.

“Không nhất thiết vậy. Tôi chỉ muốn nói tổ chức thính giác của con người không phải là một thiết bị nghe chính xác tuyệt đối; nó được tối ưu hóa để tiếp nhận những âm thanh do thanh quản con người tạo ra. Với một tổ chức âm thanh khác loài thì không thể nói chắc điều gì được.” Mẹ nhún vai. “Nếu luyện tập đủ, có khả năng chúng ta sẽ nghe ra sự khác nhau giữa các âm vị của người ngoài hành tinh, nhưng khả năng cao là tai chúng ta sẽ không thể nghe ra những khu biệt chúng cho là có nghĩa. Trong trường hợp đó chúng ta sẽ cần âm phổ kế để biết người ngoài hành tinh đang nói gì.”

Đại tá Weber hỏi, “Giả sử tôi cung cấp cho cô một đoạn ghi âm dài một tiếng đồng hồ; cô cần bao lâu để xác định xem chúng ta có cần cái âm phổ kế này hay không?”

“Tôi không thể xác định được chỉ qua một đoạn ghi âm dù có bao nhiêu thời gian đi nữa. Tôi cần phải nói chuyện trực tiếp với những người ngoài hành tinh đó.”

Viên đại tá lắc đầu. “Không thể được.”

Mẹ cố gắng giải thích với ông ta thật nhẹ nhàng. “Dĩ nhiên, điều đó tùy thuộc vào ông. Nhưng cách duy nhất để học một ngôn ngữ chưa từng được biết tới chính là tương tác với người bản ngữ, và ý tôi muốn nói là đặt câu hỏi, duy trì đối thoại, đại loại như vậy. Nếu không thì bó tay. Vậy nên nếu ông muốn học ngôn ngữ của người ngoài hành tinh, thì sẽ phải có một chuyên gia ngôn ngữ học – dù có là tôi hay là ai khác – nói chuyện với người ngoài hành tinh. Chỉ băng ghi âm thôi thì không đủ đâu.”

Đại tá Weber cau mày. “Dường như cô cũng có ý nói là người ngoài hành tinh không thể học ngôn ngữ của con người bằng cách theo dõi những chương trình truyền thanh truyền hình của chúng ta.”

“Tôi nghĩ là không. Chúng sẽ cần những tài liệu hướng dẫn được biên soạn đặc biệt với mục đích dạy ngôn ngữ loài người cho đối tượng không phải con người. Nếu không thì phải có tiếp xúc với con người. Nếu có được một trong hai điều kiện đó, chúng có thể học được rất nhiều qua ti vi, còn nếu không, chúng sẽ không có điểm khởi đầu.”

Viên đại tá rõ ràng chú ý tới điều này; hiển nhiên quan điểm của ông ta là, người ngoài hành tinh biết càng ít càng tốt. Gary Donnelly cũng đọc thấu được vẻ mặt ông ta và đảo mắt. Mẹ cố nén một nụ cười.

Rồi Đại tá Weber hỏi, “Giả sử cô muốn học một ngôn ngữ mới nhờ nói chuyện với người bản ngữ; cô có thể học được mà không dạy tiếng Anh lại cho họ không?”

“Việc đó tùy thuộc vào mức độ hợp tác của những người bản ngữ đó. Dĩ nhiên họ sẽ học được chút này chút kia trong quá trình tôi học ngôn ngữ của họ, nhưng sẽ không cần nhiều nếu họ sẵn lòng dạy. Mặt khác, nếu họ muốn học tiếng Anh hơn là dạy cho chúng ta ngôn ngữ của họ thì sẽ khó hơn rất nhiều.”

Viên đại tá gật đầu. “Tôi sẽ liên lạc lại với cô về chuyện này.”

• • •

Yêu cầu gặp mặt ngày hôm ấy có lẽ là cuộc gọi quan trọng thứ hai trong đời mẹ. Quan trọng thứ nhất, dĩ nhiên, sẽ là cuộc gọi từ Đội cứu hộ trên núi. Ở thời điểm đó, ba con và mẹ sẽ chỉ còn nói chuyện với nhau chừng một năm một lần, không hơn. Dù vậy, sau khi mẹ nhận được cuộc gọi đó, điều đầu tiên mẹ làm sẽ là gọi cho ba con.

Ba con và mẹ sẽ cùng đi tới đó để nhận dạng, một chuyến đi dài và câm lặng. Mẹ nhớ cái nhà xác đó trông ra sao, bốn bề là gạch lát và thép không gỉ, tiếng o o của hệ thống làm lạnh và mùi chất khử trùng. Một người hộ lý sẽ lật tấm phủ lên làm lộ ra khuôn mặt con. Khuôn mặt con sẽ có vẻ gì đó rất khác, nhưng mẹ vẫn sẽ biết đó là con.

“Phải, đúng là con bé,” mẹ sẽ nói. “Là con tôi.”

Khi đó con sẽ được hai mươi lăm tuổi.

• • •

Viên quân cảnh kiểm tra phù hiệu của mẹ, đánh dấu vào tờ theo dõi trên tay, rồi mở cổng; mẹ lái chiếc xe địa hình vào khu vực trại, một khu làng nhỏ gồm nhiều túp lều do quân đội dựng lên trên cánh đồng chăn thả cháy nắng của một người nông dân. Ở trung tâm của khu trại là một trong các thiết bị của người ngoài hành tinh, được đặt cho biệt danh là “gương soi”.

Theo những buổi hướng dẫn mà mẹ đã tham dự, ở Mỹ có chín thiết bị như thế này, toàn thế giới có một trăm mười hai cái. Gương soi đóng vai trò một thiết bị liên lạc hai chiều, chắc là với những con tàu trên quỹ đạo. Không ai biết vì sao người ngoài hành tinh không nói chuyện trực tiếp với chúng ta; có khi chúng sợ chấy rận. Mỗi khối gương soi được giao cho một tổ các nhà khoa học, trong đó có một nhà vật lý và một nhà ngôn ngữ học; Gary Donnelly và mẹ phụ trách khối này.

Gary đang chờ mẹ ở bãi đậu xe. Bọn mẹ đi qua một mê cung tròn dựng nên từ nhiều ụ chắn bê tông để đến căn lều lớn dựng lên quanh tấm gương soi. Trước lều là một xe chở thiết bị chất đầy những vật dụng mượn từ phòng thí nghiệm âm vị học của trường; mẹ đã gửi đến trước để quân đội kiểm tra.

Bên ngoài lều cũng có ba máy quay đặt trên giá ba chân, ống kính chĩa vào gian chính của căn lều, qua các ô trổ vào lớp vải bạt. Những gì mẹ và Gary làm đều sẽ được biết bao nhiêu con người giám sát, trong đó có cả tình báo quân đội. Ngoài ra bọn mẹ còn phải gửi báo cáo mỗi ngày, về phần mình mẹ còn phải đưa ra ước lượng người ngoài hành tinh có thể hiểu được tiếng Anh tới mức độ nào.

Gary vén cửa lều và ra hiệu cho mẹ bước vào. “Mời vào, mời vào,” anh ta nói, nhái kiểu mấy tay chào mời ở rạp xiếc. “Quý khách sẽ tha hồ sửng sốt trước những sinh vật chưa từng thấy trên mảnh đất nhiệm màu của Chúa.”

“Mà chỉ mất một xu thôi,” mẹ lẩm bẩm hùa theo, bước qua ô cửa. Lúc này gương soi đang tắt, trông nó như một mặt gương cong bán nguyệt cao hơn ba mét và bề ngang hơn sáu mét. Trên thảm cỏ nâu phía trước gương soi có một vạch sơn trắng hình vòng cung đánh dấu khu vực kích hoạt. Hiện thời khu vực này chỉ có một cái bàn, hai cái ghế xếp và một ổ cắm điện có dây nối ra một cái máy phát điện bên ngoài. Tiếng o o của đèn huỳnh quang treo trên cột đèn dọc theo các mép lều hòa lẫn với tiếng rì rì của ruồi nhặng trong cái nóng ngột ngạt.

Gary và mẹ nhìn nhau, rồi bắt đầu đẩy xe chở thiết bị tới chỗ bàn. Khi bọn mẹ băng qua vạch sơn, tấm gương soi dường như dần trở nên trong suốt; giống như có ai đó đang từ từ tăng độ sáng phía sau một tấm kính màu vậy. Cảm giác về chiều sâu thật đến rùng mình; mẹ cảm tưởng như mình có thể bước thẳng vào trong đó. Khi tấm gương soi bật sáng hoàn toàn, nó trông như một mô hình cỡ thực của một căn phòng hình bán nguyệt. Căn phòng có vài vật thể cỡ lớn có vẻ như là đồ đạc, nhưng không thấy người ngoài hành tinh nào. Có một cánh cửa trên bức tường cong phía sau.

Bọn mẹ xắn tay vào lắp đặt thiết bị: micrô, âm phổ kế, máy tính xách tay và loa. Trong lúc làm việc, mẹ vẫn thường liếc sang gương soi, trông ngóng sự xuất hiện của người ngoài hành tinh. Tuy vậy mẹ vẫn giật bắn mình khi một trong số chúng xuất hiện.

Trông nó như một cái thùng rượu được đỡ nơi bảy cái chi giao nhau. Trên cơ thể đối xứng tâm, bất cứ chi nào cũng có thể dùng làm tay hoặc chân. Con trước mặt mẹ đây bước đi trên bốn chân, ba cánh tay không ở cạnh nhau cuộn lên ở bên người. Gary gọi chúng là “bảy chi”.

Mẹ đã được xem các đoạn băng hình, nhưng vẫn ngớ ra nhìn. Các chi của nó không có khớp gì rõ rệt; các nhà giải phẫu học cho rằng chúng có các đốt xương sống nâng đỡ bên trong. Dù cho cấu trúc bên trong của chúng là gì, thì các chi của con bảy chi cũng hiệp lực di chuyển nó uyển chuyển đến mức hơi rờn rợn. “Người” của nó cưỡi trên mấy cái chi dập dờn lướt êm ru như tàu đệm khí.

Bảy con mắt không mí xếp thành một vòng trên đỉnh thân mình con bảy chi. Nó bước trở lại phía cửa vừa đi vào, phì một tiếng ngắn ngủn, rồi trở lại chính giữa căn phòng, một con bảy chi khác theo sau; từ đầu đến cuối nó chẳng hề xoay người. Kỳ dị, nhưng hợp lý; mắt mọc khắp phía như thế, thì phía nào cũng là “phía trước” thôi.

Gary nãy giờ quan sát phản ứng của mẹ. “Sẵn sàng chưa?” anh ta hỏi.

Mẹ hít sâu một hơi. “Có thể gọi là rồi.” Mẹ đi điền dã nhiều rồi, trong rừng Amazon, nhưng lúc nào cũng tiến hành song ngữ: hoặc người được phỏng vấn biết một ít tiếng Bồ, là thứ tiếng mẹ biết, hoặc trước đó mẹ đã được các nhà truyền giáo địa phương dạy qua về tiếng của họ. Đây sẽ là lần đầu tiên mẹ thử tiến hành một thủ pháp phát hiện[1] đơn ngữ thực sự. Dù vậy, trên lý thuyết thì nó cũng không phức tạp lắm.

Mẹ bước đến tấm gương soi và một con bảy chi phía bên kia cũng làm theo. Hình ảnh chân thực đến nỗi làm mẹ nổi da gà. Mẹ thấy được cả đường vân trên bề mặt lớp da xám ngoét của nó, như những lằn nhung kẻ đi theo hình vòng tròn và xoắn ốc. Không có một thứ mùi gì tỏa ra từ tấm gương soi, chẳng hiểu sao lại càng khiến cho tình cảnh thêm lạ lùng.

Mẹ chỉ vào mình và chậm rãi nói, “Người.” Rồi mẹ chỉ sang Gary. “Người.” Rồi mẹ chỉ vào từng con bảy chi và nói, “Bạn là gì?”

Không có phản ứng. Mẹ thử lại lần nữa, rồi lần nữa.

Một con bảy chi đưa một chi chỉ vào mình, bốn ngón ở đầu chi chụm vào nhau. Hên quá. Trong vài nền văn hóa, người ta dùng cằm để chỉ trỏ; nếu con bảy chi kia không dùng chi, chắc mẹ chẳng biết phải để ý tìm cử chỉ nào. Mẹ nghe một âm thanh rù rù ngắn ngủi, và thấy một cái lỗ dẩu ra trên cùng cơ thể nó đang rung lên; nó đang nói. Rồi nó chỉ sang bạn mình và rù rù lần nữa.

Mẹ trở lại máy tính; trên màn hình là hai phổ ký gần như y hệt nhau thể hiện âm thanh rù rù kia. Mẹ đánh dấu một đoạn để phát lại. Mẹ chỉ vào mình và nói “Người” lần nữa, rồi làm tương tự với Gary. Rồi mẹ chỉ vào con bảy chi, và phát lại tiếng rù rù trên loa.

Con bảy chi rù rù thêm gì đó. Nửa sau của phát ngôn này trên phổ ký có vẻ như lặp lại: nếu gọi hai lần phát ngôn trước là [rù rù 1], thì phát ngôn này sẽ là [rù rù 2-rù rù 1].

Mẹ chỉ vào một thứ có vẻ như là cái ghế của dân bảy chi. “Cái gì vậy?”

Con bảy chi dừng lại, rồi chỉ vào cái “ghế” và nói thêm gì đó. Phổ ký cho lần này khác hẳn so với những lần trước đó: [rù rù 3]. Một lần nữa, mẹ chỉ vào cái “ghế” trong lúc phát lại [rù rù 3].

Con bảy chi hồi đáp; xét theo phổ ký thì có vẻ là [rù rù 3-rù rù 2]. Hiểu một cách lạc quan: con bảy chi đang xác nhận các phát ngôn của mẹ là đúng, suy ra các mô hình phát ngôn của người và bảy chi có thể tương thích với nhau. Hiểu một cách bi quan: nó bị ho nặng.

Trên máy tính mẹ tách các phần nhất định trên phổ ký và gõ vào một cái nhãn tạm thời cho mỗi phần: “bảy chi” cho [rù rù 1], “đúng” cho [rù rù 2], và “ghế” cho [rù rù 3]. Rồi mẹ gõ “Ngôn ngữ: Bảy chi A” làm tiêu đề chung cho các phát ngôn đó.

Gary quan sát trong lúc mẹ gõ. “Sao lại phải ‘A’?”

“Chỉ để phân biệt thôi, trong trường hợp biết đâu bảy chi có dùng ngôn ngữ nào khác,” mẹ nói. Anh ta gật đầu.

“Giờ thì thử một chút xem, cho vui thôi.” Mẹ chỉ vào từng con bảy chi và cố nhại lại âm thanh [rù rù 1], nghĩa là “bảy chi”. Sau một khoảng ngừng khá dài, con bảy chi đầu tiên nói gì đó và rồi con thứ hai nói gì đó khác nữa, cả hai phổ ký đều không giống với những gì nói trước đó. Mẹ không biết chúng đang nói chuyện với nhau hay với mẹ vì chúng không có mặt để mà quay về phía ai. Mẹ thử phát âm [rù rù 1] lần nữa, nhưng không có phản ứng gì.

“Chả giống gì hết,” mẹ càu nhàu.

“Cô phát ra được âm thanh giống cỡ vậy là tôi thấy hay lắm rồi đó,” Gary nói.

“Anh phải nghe tôi giả tiếng nai sừng tấm cơ. Làm chúng nó chạy hết ráo.”

Mẹ cố thử lại thêm vài lần nữa, nhưng mẹ không nhận ra được bất cứ gì trong hồi đáp của hai con bảy chi cả. Chỉ khi phát lại đoạn ghi âm của con bảy chi thì mẹ mới nhận được một lời xác nhận; con bảy chi trả lời bằng từ [rù rù 2], “phải”.

“Vậy là chúng ta chỉ có thể phát các đoạn ghi âm thôi sao?” Gary hỏi.

Mẹ gật đầu. “Ít nhất là trước mắt.”

“Rồi giờ sao?”

“Giờ ta phải xác nhận cho chắc nãy giờ nó nói không phải là ‘hai đứa kia dễ cưng chưa’ hay ‘coi chúng đang làm gì kìa’. Sau đó ta xem liệu mình có nhận ra được bất cứ từ nào trong mớ này khi con bảy chi kia phát âm không.” Mẹ khoát tay ra hiệu anh ta ngồi xuống. “Mời anh an tọa; sẽ khá lâu đó.”

• • •

Năm 1770, tàu Endeavour của Thuyền trưởng Cook mắc cạn ở bờ biển Queensland, Úc. Trong khi vài người của ông sửa chữa con tàu, Cook dẫn một đội đi thám hiểm xung quanh và gặp các thổ dân. Một thủy thủ chỉ vào mấy con vật nhảy tưng tưng chở theo con trong cái túi ở bụng, và hỏi một thổ dân con vật đó gọi là gì. Ông thổ dân trả lời, “Kanguru.” Từ đó trở đi, Cook và các thủy thủ đều gọi con vật đó là kanguru. Phải mãi về sau họ mới biết chữ đó có nghĩa là “Ông nói gì vậy?”.

Năm nào mẹ cũng kể câu chuyện đó trong lớp nhập môn. Gần như chắc chắn đó là chuyện bịa, và kể xong mẹ cũng có giải thích như vậy, nhưng đó là một giai thoại kinh điển. Dĩ nhiên, những giai thoại mà sinh viên của mẹ sẽ muốn nghe thực sự là chuyện về dân bảy chi; từ đó cho đến hết sự nghiệp giảng dạy của mẹ, rất nhiều sinh viên đăng ký học lớp mẹ sẽ chỉ vì lý do này. Vậy là mẹ sẽ cho bọn họ xem những băng video cũ về các buổi làm việc tại gương soi của mẹ, và cả của các nhà ngôn ngữ khác; các đoạn video rất bổ ích, và sẽ hữu dụng nếu có người ngoài hành tinh ghé thăm chúng ta lần nữa, nhưng chẳng có gì đưa đến nhiều giai thoại hay.

Nếu minh họa cho việc học tiếng, mẹ thích lấy những câu chuyện về tiếp nhận ngôn ngữ ở trẻ em. Mẹ nhớ một buổi chiều nọ hồi con năm tuổi, vừa đi nhà trẻ về. Lúc đó con sẽ đang hí hoáy tô màu còn mẹ thì đang chấm bài.

“Mẹ ơi,” con sẽ nói, giọng bình thản một cách có chủ ý như mỗi khi con cần xin xỏ điều gì, “con hỏi mẹ chút nha?”

“Dĩ nhiên rồi. Con hỏi đi.”

“Con có được, ưm, giúp làm dâu không mẹ?”

Mẹ sẽ ngước mắt lên khỏi đống bài đang chấm. “Ý con là sao?”

“Ở trường Sharon nói nó được giúp làm dâu.”

“Thế à? Bạn ấy có nói là vì sao không?”

“Hồi chị nó làm đám cưới á. Nó nói chỉ có một người được, ừm, giúp làm dâu, và đó chính là nó.”

“À, mẹ hiểu rồi. Ý con muốn nói Sharon làm dâu phụ phải không?”

“Dạ phải. Con có được phụ làm dâu không mẹ?”

• • •

Gary và mẹ bước vào tòa nhà tiền chế dùng làm trụ sở chỉ huy của khu vực nghiên cứu gương soi. Bên trong nhìn cứ như họ đang lên một kế hoạch xâm lược, hay có lẽ là di tản cũng nên: binh lính tóc húi cua hoặc chụm đầu xem xét tấm bản đồ lớn của cả khu vực, hoặc ngồi trước những thiết bị điện tử đồ sộ nói vào tai nghe. Bọn mẹ được dẫn vào văn phòng của Đại tá Weber, một căn phòng ở cuối tòa nhà được trang bị máy lạnh mát rượi.

Bọn mẹ tóm tắt lại kết quả ngày đầu tiên cho viên đại tá. “Nghe có vẻ như hai người không tiến được bao nhiêu,” ông ta nói.

“Tôi nghĩ có cách giúp chúng tôi tiến nhanh hơn,” mẹ nói. “Nhưng ông phải chấp thuận cho sử dụng thêm một số thiết bị khác.”

“Hai người cần thêm gì?”

“Một máy quay kỹ thuật số, và một màn hình video lớn.” Mẹ cho ông ta xem bản vẽ cách bố trí mà mẹ hình dung. “Tôi muốn thử lại thủ pháp phát hiện trên cơ sở chữ viết; tôi sẽ cho hiện chữ trên màn hình, và dùng máy quay ghi lại chữ chúng viết ra. Tôi hy vọng bọn bảy chi cũng sẽ làm điều tương tự.”

Weber nhìn bản vẽ đầy hoài nghi. “Làm thế thì được lợi gì?”

“Từ đầu đến giờ tôi vẫn làm theo cách thường áp dụng cho những ngôn ngữ không có chữ viết. Rồi tôi chợt nghĩ ra là bọn bảy chi chắc cũng phải có chữ viết.”

“Thì?”

“Nếu bọn bảy chi có thể viết chữ bằng máy, thì chữ viết của chúng hẳn phải rất có quy tắc và nhất quán. Như vậy chúng ta có thể phân biệt ra các tự vị, sẽ dễ hơn là âm vị. Giống như phân tách các chữ cái từ một câu được in ra thay vì cố gắng nghe ra các âm trong câu nói.”

“Tôi hiểu ý cô,” ông ta thừa nhận. “Và cô định trả lời chúng như thế nào? Cho chúng xem những từ chúng cho cô xem à?”

“Cơ bản là vậy. Và nếu chúng có khoảng cách giữa các từ, thì bất cứ câu nào chúng ta viết lại cũng sẽ dễ hiểu hơn những câu nói chúng ta chắp vá từ các đoạn ghi âm rất nhiều.”

Ông ta ngả người trên ghế. “Cô biết chúng tôi muốn tiết lộ về công nghệ của chúng ta càng ít càng tốt mà.”

“Tôi hiểu, nhưng chúng ta đang sử dụng máy móc làm phương tiện trung gian rồi đó thôi. Nếu chúng ta có thể khiến chúng sử dụng chữ viết, tôi tin công việc sẽ tiến triển nhanh hơn rất nhiều so với hoàn toàn bị bó buộc trong phổ ký.”

Viên đại tá nhìn Gary. “Ý anh thì sao?”

“Theo tôi thì ý này hay đấy. Tôi đang tò mò muốn biết bọn bảy chi có gặp khó khăn gì trong việc đọc các màn hình của chúng ta hay không. Gương soi của chúng được chế tạo theo một công nghệ hoàn toàn khác so với các màn hình video của ta. Cứ theo chúng tôi thấy, chúng không dùng điểm ảnh hay dòng quét, và chúng không làm tươi từng khung hình.”

“Anh nghĩ màn hình sử dụng dòng quét của chúng ta có thể khiến bọn bảy chi không đọc được à?”

“Có khả năng đó,” Gary nói. “Chúng ta phải thử xem thế nào.”

Weber cân nhắc một lát. Với mẹ điều đó thậm chí còn chẳng phải đắn đo nữa, nhưng từ quan điểm của ông ta thì đó là cả một vấn đề khó khăn; dù vậy, như một người lính, ông ta quyết định rất nhanh. “Yêu cầu được chấp thuận. Nói trung sĩ bên ngoài là cô cần mang đồ vào trong đó. Ngày mai phải sẵn sàng.”

• • •

Mẹ nhớ một ngày vào mùa hè năm con mười sáu. Lần này, mẹ lại là người đợi bạn trai tới hẹn hò. Dĩ nhiên, con cũng sẽ ngồi rịt đó chờ, tò mò muốn xem chú ấy trông ra sao. Con sẽ ngồi chơi với một đứa bạn, một cô bé tóc vàng có cái tên hiếm gặp là Roxie, cả hai sẽ vừa hóng vừa cười khúc khích.

“Có thể con sẽ muốn bình phẩm này nọ về chú ấy,” mẹ sẽ nói, soát lại vẻ ngoài trước tấm gương ngoài hành lang. “Làm ơn cố kiềm chế cho tới khi bọn mẹ đi là được.”

“Đừng lo mẹ ơi,” con sẽ đáp. “Bọn con sẽ làm sao cho chú ấy không biết. Roxie, bà hãy hỏi tôi nghĩ thời tiết tối nay sẽ thế nào nhé. Rồi tôi sẽ phát biểu về bạn trai của mẹ.”

“Được,” Roxie sẽ đáp.

“Không, chắc chắn là không được,” mẹ sẽ nói.

“Đừng có căng quá mẹ ơi. Chú ấy chẳng đời nào biết đâu; bọn con làm thế suốt mà.”

“Nghe thật là yên lòng quá đi.”

Một lát sau, Nelson sẽ đến đón mẹ. Mẹ sẽ giới thiệu hai bên, và mọi người sẽ tán dóc một chút ngoài hiên trước. Nelson đẹp trai kiểu bụi bặm, vẻ tán thành hiện rõ trên mặt con. Ngay khi bọn mẹ chuẩn bị đi, Roxie sẽ bâng quơ hỏi con, “Vậy bà nghĩ thời tiết tối nay sẽ thế nào hở?”

“Tôi nghĩ là sẽ nóng lắm luôn,” con sẽ đáp.

Roxie sẽ gật đầu đồng tình. Nelson sẽ nói, “Thật á? Chú tưởng dự báo nói đêm nay mát mẻ lắm.”

“Con có giác quan thứ sáu cho mấy chuyện kiểu này,” con sẽ đáp. Trông mặt con sẽ tỉnh như ruồi. “Con có cảm giác tối nay sẽ nóng hừng hực luôn. Hên là mẹ mặc đồ hợp đó.”

Mẹ sẽ lườm con, rồi chào tạm biệt.

Lúc mẹ dẫn Nelson ra xe, chú ấy sẽ thích thú hỏi mẹ, “Hình như anh không hiểu cái gì đó, phải không?”

“Một trò đùa riêng thôi,” mẹ sẽ lẩm bẩm. “Đừng bắt em giải thích.”

• • •

Trong buổi làm việc tiếp theo ở gương soi, bọn mẹ lặp lại quy trình trước đó, lần này vừa cho hiện chữ viết hoa trên màn hình máy tính vừa nói: hiện NGƯỜI và nói “Người”, và cứ thế. Dần dần, bọn bảy chi hiểu bọn mẹ muốn gì, và chúng cũng dựng một màn hình phẳng hình tròn đặt trên một cái bục nhỏ. Một con bảy chi nói, và rồi thọc một chi vào ổ cắm lớn trên bục; một hình vẽ chữ, nét hao hao chữ viết tay của người, hiện lên trên màn hình.

Chẳng mấy chốc bọn mẹ đã hình thành một quy trình, còn mẹ thì thu thập hai kho ngữ liệu song song: một là những phát ngôn, một là những đoạn chữ viết. Qua ấn tượng ban đầu, chữ viết của chúng dường như là chữ biểu tự, thật đáng thất vọng; mẹ đã mong sẽ có một bảng chữ cái ký âm có thể giúp bọn mẹ học ngôn ngữ nói của chúng. Chữ biểu tự của chúng có thể chứa thông tin ngữ âm đến mức độ nào đó, nhưng tìm ra từ đó sẽ khó hơn rất nhiều so với chữ ký âm.

Đi lại sát khối gương soi, mẹ có thể chỉ vào từng bộ phận khác nhau trên cơ thể bảy chi, như chi, ngón, mắt, từ đó luận ra được tên gọi cho từng cái. Hóa ra chúng có một cái lỗ ở mặt dưới cơ thể, viền quanh là một lằn xương có khớp: có thể đây là nơi để đưa thức ăn vào, còn lỗ trên đỉnh thì để hô hấp và nói. Mẹ không nhìn thấy cái lỗ nào khác; có khả năng miệng của chúng cũng là hậu môn. Những thắc mắc kiểu đó phải để sau thôi.

Mẹ cũng cố hỏi cách gọi từng con trong số hai đối tượng của mình; tức là tên riêng của chúng, nếu chúng có khái niệm đó. Đương nhiên mẹ chẳng thể phát âm được câu trả lời của chúng, vậy nên khi nói chuyện với nhau, mẹ và Gary gọi chúng là Phất Phơ và Cục Cục. Mẹ mong là mẹ có thể phân biệt giữa hai con.

• • •

Ngày hôm sau mẹ hội ý với Gary trước khi bước vào lều. “Tôi sẽ cần anh giúp hôm nay đó,” mẹ bảo anh ta.

“Được. Cô cần tôi làm gì?”

“Chúng ta cần hỏi ra một số động từ, và dạng động từ dễ hiểu nhất là ở ngôi thứ ba. Anh có thể diễn tả một số hành động trong lúc tôi gõ động từ đó lên màn hình không? Nếu may mắn, bọn bảy chi sẽ hiểu chúng ta đang làm gì và sẽ làm theo. Tôi có mang một mớ đạo cụ cho anh dùng đây.”

“Không hề chi,” Gary nói, bẻ khớp tay. “Sẵn sàng đợi lệnh cô.”

Bọn mẹ bắt đầu với những nội động từ đơn giản: đi, nhảy, nói, viết. Gary minh họa cho từng từ với một vẻ tự nhiên rất dễ thương; sự hiện diện của máy quay không hề khiến anh ta ngại ngùng. Sau vài hành động đầu tiên mà anh ta thể hiện, mẹ hỏi bọn bảy chi, “Các bạn gọi đó là gì?” Chẳng mấy chốc, bọn bảy chi đã hiểu ra bọn mẹ đang muốn làm gì; Cục Cục bắt đầu bắt chước theo Gary, hay ít ra là làm hành động tương ứng của bảy chi, trong khi Phất Phơ làm việc bên máy tính, viết ra từ tả hành động đó và đọc lên cho bọn mẹ nghe.

Trong phổ ký ghi các phát ngôn của chúng, mẹ nhận ra cái từ mà mẹ đã chú thích là “bảy chi”. Phần còn lại của mỗi phát ngôn có lẽ là cụm động từ; có vẻ như chúng cũng có những từ loại tương tự danh từ và động từ, tạ ơn trời.

Tuy vậy, câu viết thì lại không rõ ràng như thế. Với mỗi hành động, chúng chỉ cho hiện một chữ duy nhất thay vì hai chữ riêng biệt. Lúc đầu mẹ tưởng chúng viết chữ “đi”, còn chủ ngữ được ngầm hiểu. Nhưng tại sao Phất Phơ nói “bảy chi đi”, trong khi viết thì chỉ có “đi”, chứ không phải viết và nói tương đương với nhau? Rồi mẹ nhận ra một vài chữ trong đó trông giống với chữ “bảy chi” có thêm các nét khác ở bên này bên kia. Có lẽ động từ của chúng có thể được viết dưới dạng phụ tố cho danh từ. Mà nếu vậy, tại sao lúc thì Phất Phơ có viết danh từ, lúc thì không?

Mẹ quyết định thử ngoại động từ; thay đổi các từ làm tân ngữ có thể giúp sáng tỏ nhiều điều. Trong số đạo cụ có một trái táo và một lát bánh mì. “OK,” mẹ nói với Gary, “giờ anh cho chúng thấy đồ ăn, rồi cắn một miếng. Đầu tiên là trái táo, rồi tới bánh mì.”

Gary chỉ vào trái táo vàng và cắn một miếng, trong khi mẹ cho hiển thị câu “Các bạn gọi đó là gì?”. Rồi tới lát bánh mì.

Cục Cục rời phòng rồi trở lại với một thứ quả hạch hay quả vỏ cứng gì đó to tướng và một cục hình trứng dạng thạch. Cục Cục chỉ vào cái quả trong khi Phất Phơ nói và cho hiện chữ. Rồi Cục Cục cho cái quả đó xuống dưới giữa đám chân, có tiếng rôm rốp, và lại chìa ra cái quả đã bị cắn mất một mẩu; bên dưới lớp vỏ có các hạt giống hạt bắp. Phất Phơ nói và cho hiện một chữ lớn trên màn hình. Phổ ký của từ “quả” thay đổi khi đi vào trong câu; có thể là thêm biến tố. Nhưng chữ viết thì khá lạ: sau khi nghiên cứu một chút, mẹ có thể xác định một vài yếu tố trong chữ đó giống như chữ “bảy chi” và “quả” đứng riêng. Trông như thể hai chữ đó hòa lẫn với nhau, cùng vài nét thêm vào có thể đoán là mang nghĩa “ăn”. Có khi nào là dạng chữ hợp tự chăng?

Tiếp theo bọn mẹ hỏi được tên gọi quả trứng thạch kia, bằng chữ viết và lời nói, và câu miêu tả hành động ăn trứng. Phổ ký cho câu “bảy chi ăn trứng thạch” thì phân tích được; chữ “trứng thạch” chứa biến tố, đúng như dự đoán, tuy vậy trật tự từ trong câu lại khác với lần trước. Còn ở dạng chữ viết, cũng là một chữ to tướng duy nhất, lại là một vấn đề nữa. Lần này mẹ mất nhiều thời gian hơn mới nhận ra các thành phần trong đó; không chỉ là các chữ lại một lần nữa trộn vào nhau, mà kỳ này trông như thể chữ “bảy chi” nằm ngửa, còn chữ “trứng thạch” đang chổng ngược đầu bên trên nó.

“Ái chà.” Mẹ nhìn lại phần chữ viết của các kết hợp danh-động từ đơn giản, mà ban nãy dường như không có quy tắc nào. Giờ mẹ nhận ra tất cả thực chất đều chứa chữ “bảy chi”; một số bị xoay đi và biến dạng do đi với các động từ khác nhau, thành ra ban đầu mẹ không nhận ra. “Mấy người giỡn chắc,” mẹ thì thào.

“Có gì sao?” Gary hỏi.

“Chữ viết của chúng không ngắt ra theo từng từ; một câu được viết bằng cách kết hợp các chữ thành phần thành một chữ biểu tự chung. Các chữ thành phần bị xoay và biến đổi khi ghép vào nhau. Nhìn này.” Mẹ cho anh ta xem mỗi chữ bị xoay như thế nào.

“Vậy là chúng có thể dễ dàng đọc ra được một chữ dù cho nó bị xoay cỡ nào,” Gary nói. Anh ta quay lại nhìn hai con bảy chi, rất ấn tượng. “Tôi tự hỏi đó có phải là vì cơ thể đối xứng tâm của chúng không: cơ thể chúng không phân biệt trước và sau, nên có lẽ chữ viết của chúng cũng thế. Hơi bị được.”

Không thể tin nổi; mẹ đang làm việc với một người kết hợp “bị” với “được”. “Hẳn nhiên là thú vị,” mẹ nói, “nhưng thế cũng có nghĩa ta sẽ không thể tự viết câu trong ngôn ngữ của chúng một cách đơn giản. Chúng ta không thể cứ thế chia câu của chúng ra thành từng từ rồi xào lại; chúng ta phải học quy tắc viết trước khi có thể viết ra được gì đó có nghĩa. Đó vẫn là vấn đề chúng ta mắc phải khi chắp nối từng phân đoạn lời nói của chúng, có điều kỳ này là chữ viết.”

Mẹ nhìn Phất Phơ và Cục Cục ở trong gương soi, chúng đang chờ bọn mẹ tiếp tục, rồi mẹ thở dài. “Hai cậu sẽ không cho bọn tôi được thoát dễ dàng đâu, phải không?”

• • •

Công bằng mà nói, hai con bảy chi vô cùng hợp tác. Trong những ngày tiếp theo đó, chúng tích cực dạy bọn mẹ ngôn ngữ của chúng mà không đòi bọn mẹ dạy thêm chút tiếng Anh nào. Đại tá Weber và đám người của ông ta suy nghĩ xem thế nghĩa là sao, trong khi mẹ và các nhà ngôn ngữ học làm việc ở các khối gương soi khác họp video với nhau để chia sẻ những gì đã học được về ngôn ngữ bảy chi. Những buổi họp video khiến khung cảnh làm việc mang một hiệu ứng rất phi logic: màn hình video của chúng ta quá kém cỏi so với những khối gương của bảy chi, đến mức đồng nghiệp của mẹ trông còn xa xăm hơn bọn người ngoài hành tinh. Cái quen thuộc thì xa, trong khi cái kỳ dị lại gần như trước mặt.

Chắc phải còn lâu bọn mẹ mới đủ trình độ hỏi bảy chi lý do chúng tới đây, hay thảo luận về vật lý học đủ rành để hỏi về công nghệ của chúng. Còn hiện tại, bọn mẹ lo những cái cơ bản trước: âm vị học/tự vị học, từ vựng, cú pháp. Bảy chi ở tất cả các gương soi đều dùng chung một ngôn ngữ, nên bọn mẹ có thể tập trung dữ liệu lại và phối hợp với nhau.

Chỗ khó hiểu lớn nhất của bọn mẹ là “chữ viết” của bảy chi. Trông không giống chữ viết chút nào; mà giống một hình đồ họa rối nùi hơn. Các chữ không nằm theo hàng, hay vòng xoắn, hay bất cứ dạng tuyến tính nào. Thay vào đó, Phất Phơ và Cục Cục viết một câu bằng cách gộp toàn bộ các chữ cần thiết thành một thể tổng hợp khổng lồ.

Chữ viết kiểu này tương tự những hệ ký hiệu nguyên thủy, đòi hỏi người đọc phải biết bối cảnh của thông điệp thì mới hiểu được nó. Những hệ thống như thế bị coi là quá hạn chế khi dùng vào mục đích ghi lại thông tin một cách hệ thống. Nhưng khó có khả năng dân bảy chi sở hữu được công nghệ phát triển đến mức này nếu chỉ sử dụng ngôn ngữ nói. Như vậy có thể suy ra ba khả năng: đầu tiên là dân bảy chi có hệ chữ viết thực sự, nhưng không muốn sử dụng trước mặt loài người; Đại tá Weber hẳn sẽ đồng ý với ý kiến đó. Thứ hai là dân bảy chi không phát minh ra công nghệ chúng đang sử dụng; chúng mù chữ và đang sử dụng công nghệ của kẻ khác. Thứ ba, và thú vị nhất với mẹ, là dân bảy chi đang sử dụng một hệ chữ viết phi tuyến tính nhưng lại đạt đến trình độ chữ viết thực sự.

• • •

Mẹ nhớ cái lần mẹ con mình sẽ nói chuyện với nhau, khi đó con đang học lớp mười một. Đó sẽ là một sáng Chủ nhật, mẹ đang chiên trứng còn con dọn bàn ăn; cả nhà mình ăn sáng trễ. Con sẽ vừa cười vừa kể mẹ nghe chuyện bữa tiệc tối hôm trước con đến.

“Thiệt luôn,” con sẽ nói, “người ta nói ăn thua ở cân nặng đúng thiệt. Con uống đâu hơn gì mấy thằng con trai mà xỉn lên xỉn xuống.”

Mẹ sẽ cố làm vẻ mặt bình thản, ung dung. Mẹ sẽ cố hết sức. Rồi con sẽ nói, “Thôi đi mẹ ơi.”

“Sao?”

“Hồi bằng tuổi con mẹ cũng vậy chứ gì.”

Mẹ đâu có giống vậy, nhưng mẹ biết nếu nói ra, con sẽ nghĩ mẹ là một bà già nhàm chán. “Phải nhớ là không được lái xe, hay lên xe ai mà…”

“Chúa ơi, cái đó con biết mà. Mẹ nghĩ con ngu chắc?”

“Không có.”

Mẹ sẽ nghĩ, con không phải mẹ, rõ ràng không, trăm phần trăm không. Và mẹ sẽ nhớ ra, một lần nữa, rằng con không phải một bản sao của mẹ; con có thể là một cô gái tuyệt vời, là niềm vui mỗi ngày của mẹ, nhưng con không phải một người mà mẹ có thể một mình tạo ra.

• • •

Bên quân đội đã đặt một xe nhà di động làm văn phòng cho bọn mẹ ở khối gương soi. Mẹ thấy Gary đang đi tới xe, bèn chạy lại chỗ anh ta. “Là dạng chữ viết thuần nghĩa,” mẹ nói khi vừa tới nơi.

“Cô nói gì cơ?” Gary đáp.

“Đây, để tôi cho anh xem.” Mẹ dẫn Gary vào văn phòng mình. Vào trong rồi, mẹ đi tới chỗ bảng phấn vẽ vòng tròn với một đường chéo. “Này nghĩa là gì?”

“Không được phép?”

“Đúng.” Tiếp đó mẹ viết chữ KHÔNG ĐƯỢC PHÉP lên bảng. “Thế này cũng có nghĩa là không được phép. Nhưng chỉ một trong hai mang chức năng biểu đạt lời nói.”

Gary gật đầu. “OK.”

“Các nhà ngôn ngữ học miêu tả chữ viết kiểu này” – mẹ chỉ vào dòng chữ trên bảng – “là ‘ký ngôn’, vì nó biểu đạt lời nói. Mọi ngôn ngữ viết của người đều thuộc vào loại này. Tuy nhiên, biểu tượng này” – mẹ chỉ vào hình tròn mang đường chéo – “là chữ viết ‘ký nghĩa’, vì nó truyền đạt nghĩa mà không cần liên hệ đến lời nói. Các thành phần của nó không tương ứng với bất kỳ âm thanh nào.”

“Và cô nghĩ chữ viết của bảy chi giống vậy?”

“Phải, từ những gì tôi thấy được đến giờ. Nó không phải chữ vẽ hình, mà phức tạp hơn nhiều. Nó có hệ thống quy tắc tạo câu riêng, như một dạng cú pháp trực quan, độc lập với cú pháp cho ngôn ngữ nói.”

“Cú pháp trực quan? Ví dụ cho tôi được không?”

“Xin mời.” Mẹ ngồi vào bàn và mở máy, bật lên một đoạn băng thu âm cuộc trò chuyện hôm trước đó với Cục Cục. Mẹ xoay màn hình lại cho anh ta nhìn thấy. “Trong ngôn ngữ nói của chúng, danh từ mang biến tố cho biết đó là chủ ngữ hay tân ngữ. Tuy nhiên, trong ngôn ngữ viết, danh từ được xác định là chủ ngữ hay tân ngữ dựa vào hướng xoay của nó đối với của động từ. Đây, coi nè.” Mẹ chỉ vào một trong các hình ảnh. “Ví dụ, khi ‘bảy chi’ kết hợp với ‘nghe’ theo cách này, những nét này song song nhau, vậy nghĩa là bảy chi đang thực hiện hành động nghe.” Mẹ mở ra một cái khác. “Khi hai chữ đó kết hợp thế này, những nét này vuông góc nhau, tức là bảy chi đang được nghe. Hình thái kiểu này được nhiều động từ sử dụng.

“Một ví dụ khác là hệ thống biến hình.” Mẹ chuyển qua một đoạn ghi âm khác. “Trong ngôn ngữ viết của chúng, chữ này đại khái hiểu là ‘nghe được dễ dàng’ hay ‘nghe được rõ ràng’. Có thấy những yếu tố chung với chữ ‘nghe’ không? Anh vẫn có thể kết hợp nó với ‘bảy chi’ theo cùng cách đó, để nói bảy chi nghe thấy cái gì đó rõ ràng hoặc bảy chi được nghe thấy rõ ràng. Nhưng cái thú vị thực sự ở đây là quá trình biến đổi ‘nghe’ thành ‘nghe rõ’ không phải trường hợp riêng; anh thấy phép biến đổi được áp dụng ở đây không?”

Gary gật đầu, chỉ vào màn hình. “Giống như thể chúng thể hiện khái niệm ‘rõ’ bằng cách thay đổi độ cong của mấy nét giữa này.”

“Phải. Phương thức biến đổi đó được rất nhiều động từ sử dụng. Chữ ‘thấy’ cũng có thể biến đổi tương tự để thành ‘thấy rõ’, cả chữ ‘đọc’ vân vân. Nhưng trong lời nói lại không có gì tương ứng; trong lời nói, động từ được thể hiện ý ‘dễ dàng’ bằng cách thêm tiền tố, và tiền tố đi với ‘thấy’ và ‘nghe’ lại khác nhau.

“Có thể lấy ví dụ khác nữa, nhưng đại khái là thế. Cơ bản đây là ngữ pháp hai chiều.”

Anh ta trầm ngâm bước tới bước lui. “Các hệ thống chữ viết con người có gì giống thế này không?”

“Phương trình toán học, ký hiệu âm nhạc và khiêu vũ nè. Nhưng những cái đó đều có tính chuyên môn rất cao; chúng ta không thể dùng bất cứ cách nào trong đó để ghi lại cuộc trò chuyện này. Nhưng tôi cho là chúng ta có thể ghi lại cuộc trò chuyện này bằng chữ viết bảy chi một khi ta đủ rành. Tôi nghĩ đây là một ngôn ngữ bằng hình đa năng và hoàn thiện.”

Gary cau mày. “Vậy chữ viết của chúng là một ngôn ngữ hoàn toàn độc lập với lời nói nhỉ?”

“Phải. Thực tế, đúng hơn ta nên gọi hệ chữ viết của chúng là ‘Bảy chi B’, còn ‘Bảy chi A’ chỉ để gọi ngôn ngữ nói.”

“Khoan. Sao phải dùng hai ngôn ngữ trong khi chỉ cần một là đủ? Vậy không phải lúc học khổ sở lắm sao?”

“Như chính tả tiếng Anh hả?” mẹ đáp. “Dễ học không phải động lực chính yếu trong sự tiến hóa của ngôn ngữ. Với bảy chi, chữ viết và lời nói có thể có vai trò khác nhau trong nhận thức hoặc văn hóa tới nỗi sử dụng hai ngôn ngữ riêng lại hợp lý hơn sử dụng cùng một ngôn ngữ ở các dạng khác nhau.”

Anh ta cân nhắc điều mẹ nói. “Tôi hiểu ý cô. Có thể chúng nghĩ hình thức viết của chúng ta là thừa, như thể chúng ta đang phí phạm một kênh giao tiếp nữa.”

“Hoàn toàn có khả năng đó. Tìm ra lý do chúng viết bằng một ngôn ngữ khác sẽ cho ta biết rất nhiều điều về chúng.”

“Vậy tôi hiểu là chúng ta sẽ không thể học ngôn ngữ nói của chúng qua chữ viết.”

Mẹ thở dài. “Ừ, đấy là hệ quả trước hết. Nhưng tôi không nghĩ chúng ta nên bỏ qua một trong hai; chúng ta cần một hướng tiếp cận kép.” Mẹ chỉ vào màn hình. “Tôi cá với anh là học ngữ pháp hai chiều của chúng sẽ có ích khi sau này anh học ký hiệu toán học của chúng.”

“Cô nói có lý. Vậy chúng ta đã sẵn sàng hỏi về toán học của chúng rồi à?”

“Chưa được. Chúng ta cần nắm rõ hơn hệ chữ viết này trước khi bắt đầu bất cứ thứ gì khác,” mẹ nói, rồi mỉm cười khi thấy anh ta vờ làm vẻ tuyệt vọng. “Kiên nhẫn nào, thưa quý ngài. Kiên nhẫn là một đức tính cần thiết mà.”

• • •

Cái lần ba đi dự hội thảo ở Hawaii và mẹ con mình được đi cùng ba, con sẽ được sáu tuổi. Con sẽ phấn khởi tới mức lo chuẩn bị cho chuyến đi suốt mấy tuần trước khi đi. Con sẽ hỏi mẹ đủ thứ, về dừa, núi lửa và lướt sóng, con còn tập nhảy hula trước gương. Con sẽ bỏ đầy va li quần áo và đồ chơi con muốn đem theo, rồi lôi cái va li đó đi quanh nhà để xem có thể mang được bao lâu. Con sẽ nhờ mẹ cất cái bảng tự xóa của con vô ba lô mẹ, vì va li con đã hết chỗ chứa mà con thì tuyệt đối không thể bỏ nó ở nhà.

“Con không cần hết nhiêu đây đồ đâu,” mẹ sẽ bảo con thế. “Ở đó sẽ có đủ thứ trò vui, không có thì giờ cho con chơi mấy cái này đâu.”

Con sẽ ngẫm nghĩ câu đó, vết lõm bên trên chân mày con sẽ hiện ra như mỗi khi con đắn đo. Rốt cuộc con cũng đồng ý bớt đồ đi, nhưng sự háo hức của con lại tăng thêm.

“Con muốn đi Hawaii liền,” con sẽ rên rỉ.

“Đôi khi chờ đợi cũng tốt,” mẹ sẽ đáp vậy. “Nếu con chờ, lúc mình tới đó con sẽ thấy vui hơn nhiều.”

Con sẽ chỉ bĩu môi.

• • •

Trong báo cáo tiếp theo, mẹ đã có ý kiến rằng thuật ngữ “chữ biểu tự” không thích hợp vì nó ngụ ý mỗi hình vẽ biểu đạt cho một từ được nói, trong khi thực tế những hình này không hề tương ứng với từ được nói theo cách quan niệm của chúng ta. Mẹ cũng không muốn dùng “chữ biểu ý” do trước kia nó đã được dùng với nghĩa khác; thay vào đó, mẹ đề xuất thuật ngữ “chữ biểu nghĩa”.

Có vẻ là một chữ biểu nghĩa có thể coi tương đương với một từ trong ngôn ngữ viết của loài người: tự thân nó có nghĩa, và kết hợp với những chữ khác có thể tạo thành vô vàn phát ngôn khác nhau. Bọn mẹ không đưa ra được định nghĩa chính xác, nhưng dù sao cũng đã có ai định nghĩa được thỏa đáng “từ” trong ngôn ngữ loài người đâu. Dù vậy, câu trong ngôn ngữ Bảy chi B thì phức tạp hơn hẳn. Ngôn ngữ này không có dấu câu: chúng đã thể hiện cú pháp qua cách kết hợp các chữ rồi, mà lại không có nhu cầu thể hiện nhịp điệu lời nói. Chắc chắn là không có cách nào phân tách rõ ràng các cặp chủ-vị để biết ranh giới câu. “Câu” dường như là bất kỳ một tập hợp chữ biểu nghĩa nào mà bảy chi muốn kết hợp với nhau; điểm khác nhau duy nhất giữa một câu và một đoạn, hay một trang, chỉ là độ lớn.

Khi một câu tiếng Bảy chi B đã lên đến kích cỡ tương đối lớn, nó đem lại ấn tượng thị giác thực sự sửng sốt. Nếu không phải mẹ đang cố giải nghĩa, thì chữ viết ấy giống như những con bọ ngựa được vẽ bằng những nét uốn lượn, móc vào nhau thành một mạng lưới kiểu tranh Escher, mỗi con đứng thế hơi khác nhau. Và những câu lớn nhất cho ấn tượng tựa như những tấm áp phích vẽ theo nghệ thuật ảo giác: đôi khi khiến ta hoa mắt, đôi khi làm ta mê mẩn.

• • •

Mẹ nhớ tấm hình chụp con vào lễ tốt nghiệp đại học. Trong hình, con tạo dáng trước ống kính, nón tốt nghiệp đội lệch trên đầu kiểu cách, một tay con rờ kiếng mát, tay kia chống hông, vén áo cử nhân để lộ ra cái áo hai dây và quần cộc con mặc bên trong.

Mẹ nhớ lễ tốt nghiệp của con. Sẽ hơi lộn xộn một chút vì cùng lúc có cả Nelson với ba con và cô ả kia, nhưng không thành vấn đề. Suốt cuối tuần đó mẹ sẽ ở trong trạng thái câm lặng sững sờ trong khi con giới thiệu mẹ với bạn học và ôm hết người này tới người kia. Mẹ sẽ không tin nổi là con, một cô gái trưởng thành, cao hơn mẹ và xinh đẹp đến nao lòng, lại chính là đứa con gái mẹ từng bế lên để với tới vòi nước uống, là đứa con gái từng lết xết đi ra khỏi phòng mẹ, đội nón và quấn trong cái váy với bốn cái khăn choàng lấy từ tủ đồ của mẹ.

Và sau khi tốt nghiệp, con sẽ làm công việc phân tích tài chính. Mẹ sẽ không hiểu con làm gì ở đó, thậm chí cũng chẳng hiểu hứng thú của con với tiền bạc, hay sự quan tâm trước hết của con tới mức lương khi đàm phán nhận việc. Mẹ sẽ vui hơn nếu con theo đuổi thứ gì đó không vì lợi ích vật chất, nhưng cũng chẳng phàn nàn gì. Mẹ của mẹ xưa cũng chẳng hiểu vì sao mẹ không an phận làm giáo viên văn ở trường phổ thông. Con sẽ làm những gì con thích, và mẹ sẽ chẳng đòi hỏi gì hơn.

• • •

Dần dà, các tổ ở mỗi khối gương soi bắt đầu thực sự lao vào học hệ thuật ngữ ngành toán và vật lý cơ bản của bảy chi. Bọn mẹ lên chung các bản thuyết trình, bên ngôn ngữ thì tập trung vào phương thức trình bày, còn bên vật lý tập trung vào nội dung. Các nhà vật lý học cho bọn mẹ xem các hệ thống liên lạc với người ngoài hành tinh từng có trước kia, dựa trên toán học, nhưng mấy cái đó vốn để dùng cho kính viễn vọng vô tuyến. Bọn mẹ điều chỉnh lại để phù hợp với liên lạc trực tiếp.

Nhóm của bọn mẹ thành công với số học cơ bản, nhưng bị mắc kẹt khi đến hình học và đại số. Bọn mẹ thử chuyển qua hệ tọa độ cầu thay cho hệ tọa độ vuông góc, nghĩ là như thế sẽ tự nhiên hơn với dân bảy chi có cơ thể hình cầu, nhưng cũng không hiệu quả hơn. Đám bảy chi có vẻ không hiểu bọn mẹ đang muốn nói gì.

Những cuộc trao đổi về vật lý cũng chẳng khá hơn. Chỉ có những thuật ngữ cụ thể nhất, như tên các nguyên tố, thì bọn mẹ còn thu được tí thành công; sau vài nỗ lực trình bày bảng tuần hoàn hóa học thì đám bảy chi cũng hiểu. Còn với điều gì chỉ hơi trừu tượng một chút, bọn mẹ chẳng khác nào đang lảm nhảm. Bọn mẹ cố diễn tả những thuộc tính vật lý cơ bản như khối lượng và gia tốc để hỏi ra thuật ngữ tương đương của chúng, nhưng bảy chi chỉ đáp lại bằng yêu cầu giải thích rõ hơn. Để loại bỏ những cản trở về tiếp nhận liên quan tới riêng một cách thức truyền tin nào đó, bọn mẹ đã thử cả các kiểu diễn tả bằng động tác lẫn hình vẽ, hình chụp, lẫn hình động; không có cách nào hiệu quả. Ngày qua ngày, tuần qua tuần không chút tiến triển, và nhóm vật lý bắt đầu vỡ mộng.

Trái lại, nhóm ngôn ngữ đạt được nhiều thành tựu hơn. Bọn mẹ tiến triển đều đặn trong việc giải mã ngữ pháp của ngôn ngữ nói, Bảy chi A. Ngôn ngữ này không theo mô hình của ngôn ngữ loài người, như dự đoán, nhưng đến hiện tại vẫn có thể hiểu được: trật tự từ tự do, thậm chí không có trật tự ưu tiên nào cho các mệnh đề trong câu điều kiện, cho dù đó gần như là một yếu tố “phổ quát” trong ngôn ngữ loài người. Và dường như dân bảy chi cũng không thấy vấn đề gì khi chèn các mệnh đề phụ vào giữa thành vô số cấp, một việc con người sẽ mau chóng té lên té xuống. Lạ, nhưng không phải không hiểu được.

Lý thú hơn nhiều là các quá trình ngữ pháp lẫn hình thái trong tiếng Bảy chi B thể hiện tính hai chiều có một không hai mà bọn mẹ mới phát hiện ra. Tùy vào cách chia của một chữ mà biến cách có thể được thể hiện bằng cách thay đổi độ cong, hay độ dày, hay đường sóng của một nét nhất định; hay thay đổi kích thước tương đối của hai bộ thủ, hay khoảng cách của chúng với một bộ khác, hay hướng quay của chúng; hay hằng hà sa số các cách thức khác. Chúng là các tự vị không phân tiết; chúng không thể tách rời độc lập khỏi chữ đó. Và tuy những đặc điểm đó cũng xuất hiện trong chữ viết con người, nhưng ở đây không phải là vấn đề thư pháp; nghĩa của chúng được xác định dựa theo một thứ ngữ pháp thống nhất và rõ ràng.

Bọn mẹ thường xuyên hỏi bảy chi lý do chúng đến Trái Đất. Mỗi lần hỏi, chúng lại trả lời là “để nhìn”, hay “để quan sát”. Thực vậy, đôi khi chúng thích im lặng nhìn bọn mẹ hơn là trả lời câu hỏi. Có lẽ chúng là những nhà khoa học, mà cũng có thể là khách du lịch. Bộ Ngoại giao chỉ đạo bọn mẹ tiết lộ càng ít về loài người càng tốt, để có gì còn dùng những thông tin đó trao đổi trong các cuộc thương lượng sau này. Bọn mẹ làm theo, mà cũng đâu khó khăn gì: bảy chi chẳng hỏi lấy một điều. Chúng có là khách du lịch hay nhà khoa học đi nữa, thì cũng thiếu tò mò đến lạ.

• • •

Mẹ nhớ có lần hai mẹ con mình sẽ lái xe tới thương xá để mua quần áo mới cho con. Lúc đó con sẽ được mười ba tuổi. Phút trước con còn ngồi sõng soài trên ghế, hoàn toàn chẳng ý tứ gì, đúng là một đứa trẻ con; chớp mắt sau con đã hất tóc với vẻ thản nhiên thành thục, như một người mẫu thời trang tập sự.

Con sẽ chỉ đạo mẹ đủ thứ trong lúc mẹ đậu xe. “OK, giờ mẹ đưa con một cái thẻ tín dụng, rồi hai tiếng nữa mình gặp lại ở cổng này.”

Mẹ sẽ cười. “Còn lâu. Mẹ sẽ giữ hết thẻ tín dụng.”

“Mẹ giỡn chắc.” Con sẽ hóa thành một khối bực dọc. Mẹ con mình sẽ ra khỏi xe và mẹ sẽ đi thẳng tới cổng thương xá. Sau khi thấy mẹ không có ý định nhượng bộ, con sẽ nhanh chóng thay đổi kế hoạch.

“OK, OK, mẹ đi chung cũng được, nhưng cứ đi sau con một khúc để người ta khỏi thấy mình đi chung. Nếu con thấy đứa bạn nào thì con sẽ ngừng lại nói chuyện với tụi nó còn mẹ cứ đi tiếp, OK? Xong con đi kiếm mẹ sau.”

Mẹ sẽ ngừng phắt. “Cái gì? Mẹ không phải người làm hay là một bà dì dị dạng nào để mà con phải xấu hổ đâu à.”

“Nhưng mà mẹ, để người ta thấy mình đi chung đâu có được.”

“Con nói gì vậy? Mẹ gặp bạn con rồi mà; tụi nó tới nhà mình rồi đó thôi.”

“Cái đó khác,” con sẽ đáp vậy, ngạc nhiên khi cái đó mà cũng phải giải thích. “Đây là đi shopping mà.”

“Chịu thôi.”

Rồi con bùng nổ: “Có nhiêu đó mà mẹ cũng không chịu làm cho con vui nữa! Mẹ có thương con gì đâu!”

Từ lần cuối cùng con vui vẻ đi mua đồ với mẹ cho tới thời điểm đó cũng chưa lâu la gì; mẹ sẽ luôn sửng sốt khi thấy con chuyển từ giai đoạn này sang giai đoạn khác nhanh như chớp. Sống với con sẽ giống như nhắm theo một mục tiêu di động; con luôn vượt ra ngoài tầm ngắm.

• • •

Mẹ nhìn câu tiếng Bảy chi B vừa viết, chỉ bằng giấy bút. Cũng như mọi câu mà mẹ tự soạn ra, câu này trông méo mó, như một câu bảy chi viết xong lấy búa đập tan nát rồi vụng về dán lại với nhau. Trên bàn mẹ la liệt những tờ giấy viết các chữ xấu xí giống vậy, cứ phất lên lạch phạch mỗi lần cái quạt rần rật quay tới.

Học một ngôn ngữ không có dạng nói, lạ lắm. Thay vì tập phát âm, mẹ bỏ thời gian nhắm tịt mắt và cố vẽ ra mấy chữ biểu nghĩa đó trong đầu.

Có tiếng gõ cửa và trước khi mẹ kịp trả lời, Gary đã lao vào mặt mũi hớn hở. “Tổ Illinois đã được chúng nhắc lại một vấn đề vật lý rồi.”

“Thật á? Hay quá; hồi nào vậy?”

“Mấy tiếng trước; bọn tôi mới họp video xong. Để tôi cho cô xem là cái gì.” Anh ta liền chùi cái bảng của mẹ.

“Anh tự nhiên vô, toàn tôi vẽ nhăng cuội đó mà.”

“Tốt.” Anh ta cầm cục phấn lên rồi vẽ một sơ đồ:

1

“OK. Đây là đường đi của tia sáng từ không khí vào nước. Tia sáng đi theo đường thẳng cho tới khi chạm mặt nước; nước có chiết suất khác, nên ánh sáng đổi hướng. Cô biết cái này rồi chứ gì?”

Mẹ gật đầu. “Dĩ nhiên.”

“Đường đi của ánh sáng có một tính chất thú vị thế này. Đó là đường nhanh nhất có thể giữa hai điểm này.”

“Là sao?”

“Hãy tưởng tượng, cho vui thôi, tia sáng đi theo đường này.”

Anh ta thêm vào một đường gạch nối:

2

“Đường đi giả thiết này ngắn hơn đường đi thực sự của ánh sáng. Nhưng ánh sáng di chuyển trong nước chậm hơn trong không khí, và quãng đường này nằm dưới nước nhiều hơn đường kia. Nên ánh sáng đi theo đường này sẽ mất nhiều thời gian hơn là theo đường đi thực tế.”

“OK, hiểu rồi.”

“Giờ hãy hình dung ánh sáng đi theo đường này.”

Anh ta vẽ đường gạch nối thứ hai:

3

“Đường này rút ngắn phần dưới nước, nhưng quãng đường tổng lại dài hơn. Ánh sáng đi đường này cũng sẽ mất nhiều thời gian hơn là theo đường đi thực tế.”

Gary bỏ cục phấn xuống và huơ mấy ngón tay lấm tấm bụi trắng trỏ vào hình trên bảng. “Mọi đường đi giả thiết đều sẽ mất nhiều thời gian hơn đường đi thực tế. Nói cách khác, đường đi của tia sáng luôn là đường nhanh nhất có thể. Đó là Định luật Fermat về thời gian tối thiểu.”

“Hừm, hay nhỉ. Và đám bảy chi đã phản ứng lại với cái này à?”

“Chính thế. Moorehead chiếu một đoạn hình động trình bày định luật Fermat ở khối gương soi Illinois, và con bảy chi đã nhắc lại nó. Giờ thì anh ta đang cố hỏi chúng cách miêu tả bằng ký hiệu.” Anh ta nhăn nhở. “Sao, lại chả hơi bị được nhỉ.”

“Thì được, nhưng làm sao tôi lại chưa từng nghe tới định luật Fermat nhỉ?” mẹ cầm một cuốn hồ sơ bìa còng lên và vung vẩy trước mặt anh ta; đó là cuốn tổng hợp những chủ đề vật lý cơ bản được đề xuất sử dụng khi liên lạc với bảy chi. “Cuốn này lan man hết khối lượng Planck tới đảo spin của nguyên tử hiđro, mà không một chữ nào về khúc xạ ánh sáng.”

“Bọn tôi đã đoán sai những nội dung mà bọn tôi nghĩ cô cần biết,” Gary nói không chút mắc cỡ. “Thực ra, định luật Fermat là thành công đầu tiên là một điều rất kỳ cục; tuy khá dễ giải thích, nhưng muốn miêu tả nó bằng toán học thì sẽ cần toán giải tích. Mà không phải giải tích bình thường đâu; giải tích biến phân cơ. Bọn tôi cứ tưởng những định lý hình học hay đại số đơn giản sẽ cho kết quả trước.”

“Lạ thật. Anh nghĩ những gì chúng coi là đơn giản lại không giống chúng ta?”

“Chính xác, bởi vậy tôi chết thèm được thấy miêu tả toán học của chúng cho định luật Fermat thế nào đây.” Anh ta vừa đi tới đi lui vừa nói. “Nếu giải tích biến phân của bảy chi lại đơn giản hơn đại số của bảy chi, thì có thể giải thích tại sao hai bên lại khó nói chuyện về vật lý như vậy; toàn bộ hệ thống toán học của chúng có thể ngược hoàn toàn với chúng ta.” Anh ta chỉ vào cuốn vật lý cơ bản. “Có điều chắc là bọn tôi sẽ phải sửa lại nó.”

“Vậy anh có thể đi từ định luật Fermat sang những lĩnh vực khác của vật lý không?”

“Có thể. Có rất nhiều định luật y hệt định luật Fermat.”

“Chẳng hạn? Định luật Louise về không gian tủ đồ tối thiểu à? Từ bao giờ vật lý học lại thành ra ưa tối giản như thế?”

“À, chữ ‘tối thiểu’ dễ gây hiểu lầm. Cô thấy đó, Định luật Fermat về thời gian tối thiểu là không đầy đủ; trong vài tình huống, ánh sáng lại đi theo đường tốn nhiều thời gian hơn bất cứ khả năng nào khác. Chính xác hơn thì nên nói ánh sáng luôn đi theo một con đường cực đoan, hoặc rút ngắn cực điểm, hoặc kéo dài cực điểm thời gian. Giá trị tối đa và giá trị tối thiểu có chung một số tính chất toán học nhất định, nên cả hai tình huống đều có thể được miêu tả bằng cùng một phương trình. Vậy nói cho chính xác, định luật Fermat không phải định luật về cái tối thiểu; thay vào đó nó được gọi là một định luật ‘biến phân’.”

“Và có nhiều định luật biến phân kiểu này?”

Anh ta gật đầu. “Trong mọi nhánh của vật lý đều có. Gần như mọi quy luật vật lý đều có thể phát biểu dưới dạng một định luật biến phân. Điểm khác nhau duy nhất giữa những định luật này nằm ở chỗ thuộc tính nào được tối thiểu hóa, hay tối đa hóa.” Anh ta khoát tay như thể những nhánh vật lý khác nhau đang bày ra trên bàn trước mặt. “Trong quang học, tức là lĩnh vực có định luật Fermat, thời gian là thuộc tính phải đẩy đến tuyệt đối. Trong cơ học, lại là một thuộc tính khác. Trong điện từ học, lại là một thuộc tính khác. Nhưng tất cả các nguyên lý này đều giống nhau về toán học.”

“Nên khi có được miêu tả toán học của chúng cho định luật Fermat, anh sẽ có thể giải mã những cái kia.”

“Chúa ơi, mong là được vậy. Tôi nghĩ đây là điểm đột phá mà chúng ta hằng tìm kiếm, sẽ mở ra cấu trúc nền vật lý của chúng. Xứng đáng ăn mừng lắm.” Anh ta ngừng bước và quay sang mẹ. “Louise này, muốn đi ăn tối không? Tôi mời.”

Mẹ có bất ngờ tí chút. “Được thôi,” mẹ đáp.

• • •

Phải đến lúc con bắt đầu tập đi mẹ mới được chứng kiến từng ngày sự mất cân bằng giữa mẹ con mình. Con sẽ không ngừng chạy biến đi đâu đó, và mỗi lần con vấp bậc cửa hay trầy chân, mẹ như chịu chính những cái đau của con. Sẽ giống như mẹ mọc thêm một chi nằm ngoài cơ thể vậy, có hệ giác quan truyền đi cơn đau thì ngon lành, nhưng hệ vận động thì không thèm nghe theo mẹ. Thật bất công: mẹ sẽ sinh ra một con hình nộm voodoo của chính mình. Mẹ có thấy khoản này khi ký hợp đồng đâu. Cái này cũng nằm trong gói luôn à?

Rồi sẽ có những lần mẹ thấy con cười. Như cái lúc con chơi với con cún nhà hàng xóm, thọc tay qua hàng rào mắt cáo phân cách sân sau hai nhà, và con sẽ cười dữ đến nỗi phát nấc cụt. Con cún kia sẽ chạy trở vào nhà, và cơn cười của con dần nguôi, cho con lấy lại nhịp thở. Rồi con cún sẽ lại chạy ra hàng rào liếm ngón tay con, và con lại ré lên cười. Đó sẽ là âm thanh tuyệt vời nhất mẹ có thể tưởng tượng ra, âm thanh khiến mẹ cảm thấy mình như một đài phun nước, hay một mạch suối.

Chỉ ước gì mẹ có thể nhớ lại âm thanh đó mỗi khi cái thói vô tư coi thường mạng sống của con khiến mẹ đứng tim.

• • •

Sau bước đột phá với định luật Fermat, những cuộc trao đổi về các khái niệm khoa học trở nên hiệu quả hơn. Không đến mức toàn bộ vật lý của bảy chi bỗng trở nên sáng rõ, nhưng công việc cũng có tiến triển đều đặn hơn. Theo Gary, hệ thống vật lý của bảy chi quả thật ngược hẳn với chúng ta. Các đặc tính vật lý mà con người phải dùng toán giải tích để định nghĩa thì lại được bảy chi xem là cơ bản. Ví dụ, Gary miêu tả một đặc tính mà, trong ngôn ngữ vật lý, có cái tên tưởng như đơn giản là “tác dụng”, hiểu là “hiệu giữa động năng và thế năng, trong một khoảng thời gian”, gì gì đấy. Giải tích của chúng ta; cơ bản của chúng nó.

Ngược lại, để định nghĩa những đặc tính mà con người cho là cơ bản, như là vận tốc, dân bảy chi sử dụng thứ toán học mà Gary cam đoan với mẹ là “hơi bị quái”. Bên vật lý cuối cùng cũng chứng minh được sự tương đương giữa toán học của bảy chi và toán học của người; mặc dù các phương pháp tiếp cận gần như là ngược nhau, nhưng hai hệ thống ấy đều miêu tả cùng một vũ trụ vật lý.

Mẹ cố hiểu một vài phương trình mà bên vật lý kiếm ra, nhưng cũng hoài công. Mẹ không thật sự hiểu được ý nghĩa của những đặc tính vật lý như “tác dụng”; nên mẹ không thể tự tin suy đoán xem thấy một đặc tính như thế là cơ bản thì có nghĩa gì. Dù vậy, mẹ cố suy nghĩ những vấn đề đặt ra trên cơ sở thân thuộc hơn với mẹ: thế giới quan của bảy chi là gì, mà chúng có thể coi Định luật Fermat về thời gian tối thiểu là cách giải thích đơn giản nhất với khúc xạ ánh sáng? Chúng tri nhận thế giới thế nào mà lại thấy một giá trị tối thiểu hay tối đa là thứ rõ ràng đến đơn giản như vậy?

• • •

Mắt con sẽ xanh như mắt ba con, chứ không có màu nâu bùn như mắt mẹ. Bọn con trai sẽ ngẩn người nhìn vào đôi mắt đó, như mẹ đã – và đến giờ vẫn – nhìn vào đôi mắt ba con, sẽ sửng sốt và mê mẩn, như mẹ đã – và đến giờ vẫn – cảm thấy khi ngắm cặp mắt xanh đi cùng mái tóc đen. Con sẽ có rất nhiều chàng trai theo đuổi.

Mẹ nhớ hồi con mười lăm, trở về sau hai ngày cuối tuần ở nhà ba con, cáu điên vì bị hạch hỏi về thằng bé con đang hẹn hò. Con sẽ nằm xoãi ra trên sofa, kể lại cái sự vô lý mới nhất của ba con: “Mẹ biết ba nói gì không? Ba nói là, ‘Ba biết bọn con trai choai choai thế nào.’ ” Rồi con đảo mắt. “Làm như con không biết vậy?”

“Đừng bực ba con làm chi,” mẹ sẽ đáp. “Làm cha thì thế đó.” Bởi đã thấy con chơi với bạn con, mẹ sẽ không lo lắm chuyện có thằng bé nào lợi dụng con; ngược lại thì đúng hơn ấy chứ. Mẹ sẽ lo chuyện đó hơn.

“Ba muốn con là con nít hoài luôn. Từ hồi con có ngực là ổng không biết đối xử với con kiểu gì.”

“À thì đó đúng là một cú sốc với ba con mà. Cho ba con thời gian hồi phục đi.”

“Mấy năm rồi mẹ ơi. Tới chừng nào nữa?”

“Mẹ sẽ cho con biết chừng nào ba của mẹ hồi phục với mẹ.”

• • •

Trong một cuộc họp video của đội ngôn ngữ học, Cisneros ở khối gương soi Massachusetts đã đưa ra một câu hỏi lý thú: Có trật tự nhất định nào cho các chữ trong một câu viết tiếng Bảy chi B không? Rõ ràng là trật tự từ gần như là bỏ đi khi nói bằng ngôn ngữ Bảy chi A; khi được yêu cầu nhắc lại điều mình vừa nói, đám bảy chi hoàn toàn có thể dùng một trật tự khác trừ phi bọn mẹ đề nghị hẳn không làm thế. Có phải trật tự từ cũng không quan trọng trong ngôn ngữ Bảy chi B?

Trước đó, bọn mẹ chỉ tập trung tìm hiểu xem câu Bảy chi B viết xong sẽ trông như thế nào. Theo bọn mẹ thấy, không có trật tự ưu tiên nào khi đọc các chữ biểu nghĩa trong một câu; có thể bắt đầu gần như từ bất cứ vị trí nào trong tổ hợp đó, rồi đi theo các mệnh đề phân nhánh cho tới khi đọc hết cả câu. Nhưng đó là đọc; còn viết thì có vậy không?

Trong buổi làm việc gần đây nhất với Phất Phơ và Cục Cục mẹ đã hỏi chúng, thay vì chỉ cho hiện chữ sau khi viết xong, chúng có thể cho bọn mẹ thấy quá trình viết ra câu đó được không. Chúng đồng ý. Mẹ cho băng video hôm đó vào đầu VCR, và trên máy tính mẹ dò theo văn bản ghi lại.

Từ cuộc nói chuyện mẹ chọn ra một phát ngôn dài. Phất Phơ nói là hành tinh của dân bảy chi có hai mặt trăng, một cái lớn hơn hẳn cái kia; ba thành phần chính của bầu khí quyển hành tinh là nitơ, agon và oxy; và 15/28 bề mặt hành tinh là nước. Những từ đầu tiên của câu nói trực dịch ra là “kích cỡ không bằng – khối đá quay quanh quỹ đạo – những khối đá quay quanh quỹ đạo – quan hệ là chính và phụ.”

Rồi mẹ tua lại đoạn video cho tới khi mốc thời gian khớp với bản ghi. Mẹ cho chạy băng và nhìn các sợi tơ đen giăng thành những chữ biểu nghĩa. Mẹ tua lại rồi cho chạy nhiều lần. Cuối cùng mẹ ngừng video ngay khi nét đầu tiên hoàn thành và trước khi nét thứ hai bắt đầu; trên màn hình chỉ thấy duy nhất một đường lượn sóng.

So sánh nét đầu tiên đó với cả câu hoàn chỉnh, mẹ nhận ra nét đó nằm trong nhiều mệnh đề khác nhau của câu. Nó bắt đầu với chữ “oxy”, đấy là nét khu biệt cho chữ đó để phân biệt với vài nguyên tố khác; rồi nó trượt xuống để trở thành hình vị so sánh hơn khi miêu tả kích thước hai mặt trăng; cuối cùng khoát rộng thành xương sống cong vồng của chữ “đại dương”. Tuy vậy, nét này vẫn là một đường không đứt đoạn, và là nét đầu tiên Phất Phơ viết. Thế tức là bảy chi phải biết cả câu trình bày như thế nào trước cả khi viết ra nét đầu tiên.

Những nét khác trong câu cũng đi qua nhiều mệnh đề khác nhau, khiến các nét liên kết chặt tới mức không thể bỏ cái nào mà không phải thiết kế lại toàn bộ câu. Dân bảy chi không viết câu theo từng chữ một; chúng tạo câu từ các nét, bất chấp mỗi chữ riêng lẻ thì như thế nào. Mẹ từng thấy sự kết hợp chặt chẽ tới mức này trong nhiều mẫu thư pháp, đặc biệt với bảng chữ cái Ả Rập. Nhưng những mẫu thiết kế đó đều được các nghệ sĩ thư pháp chuyên nghiệp tính toán cẩn thận. Không ai có thể đưa ra một mẫu phức tạp đủ nhanh để duy trì hội thoại. Ít ra là, không con người nào có thể.

• • •

Mẹ từng nghe một cô nghệ sĩ hài kể chuyện cười như thế này: “Tôi chả biết mình đã sẵn sàng có con chưa nữa. Tôi hỏi đứa bạn của tôi, bả có mấy đứa con, ‘Giả sử tao có con á. Lỡ tụi nó lớn lên rồi đổ thừa tao mọi chuyện tệ hại trong đời tụi nó thì sao?’ Bả cười rồi nói, ‘Mày nói dư chữ lỡ.’ ”

Mẹ khoái chuyện cười đó lắm.

• • •

Gary và mẹ đang ăn ở một nhà hàng Tàu nhỏ, một trong những quán địa phương quen của bọn mẹ khi cần thoát khỏi khu trại. Bọn mẹ ngồi ăn khai vị: sủi cảo chiên, thơm mùi thịt heo và dầu mè. Món mẹ rất thích.

Mẹ chấm một viên sủi cảo vào nước tương pha dấm. “Vậy anh học tiếng Bảy chi B đến đâu rồi?” mẹ hỏi.

Gary nhìn chếch lên trần nhà. Mẹ cố bắt lấy ánh mắt anh ta, nhưng anh ta cứ lảng mắt đi chỗ khác.

“Anh bỏ cuộc rồi phải không?” mẹ nói. “Anh còn chả cố nữa.”

Anh ta trưng ra vẻ mặt “chó bị quở” y hệt. “Tôi thật không giỏi học tiếng,” anh ta thú nhận. “Tôi tưởng học Bảy chi B cũng sẽ giống như học toán chứ không phải như học nói một ngôn ngữ khác, nhưng hóa ra lại không. Nó quá xa lạ với tôi.”

“Học nó sẽ giúp anh thảo luận vật lý với chúng.”

“Có thể, nhưng từ hồi có bước đột phá kia, tôi chỉ cần vài câu cũng trao đổi được.”

Mẹ thở dài. “Chắc vậy cũng phải thôi; tôi phải thừa nhận, tôi cũng bỏ học toán rồi.”

“Vậy hòa há?”

“Thì hòa.” Mẹ nhấp trà. “Nhưng tôi vẫn muốn hỏi anh về Định luật Fermat. Có gì đó làm tôi thấy kỳ, nhưng tôi không xác định được là gì. Nó nghe không giống một định luật vật lý gì hết.”

Mắt Gary lấp lánh. “Chắc là tôi biết cô tính nói gì rồi.” Anh ta lấy đũa xắn viên sủi cảo làm hai. “Cô quen nghĩ về khúc xạ dưới dạng chuỗi nhân-quả: đến mặt nước là nguyên nhân, thay đổi hướng đi là kết quả. Nhưng Định luật Fermat nghe kỳ vì nó miêu tả hành vi của ánh sáng dưới dạng hướng đến mục đích. Nghe như tia sáng tuân theo một điều răn: ‘Ngươi phải đi sao cho thời gian đến đích là tối đa hoặc tối thiểu’.”

Mẹ suy nghĩ lời anh ta nói. “Tiếp đi.”

“Đấy là một vấn đề xưa trong triết học vật lý. Người ta đã nói về nó từ khi Fermat lần đầu phát biểu nó vào những năm 1600; Planck viết đến mấy cuốn về nó. Vấn đề là, trong khi các định luật vật lý thông thường đều được phát biểu dưới dạng nhân-quả, thì những định luật biến phân như định luật Fermat lại ở dạng mục đích, gần như có tính mục đích luận.”

“Hừm, một cách diễn đạt thú vị. Để tôi nghĩ chút.” Mẹ lấy bút dạ vẽ lại lên khăn giấy sơ đồ Gary đã vẽ trên bảng của mẹ. “OK,” mẹ vừa nghĩ vừa nói thành tiếng, “cứ cho là mục đích của tia sáng là đi con đường nhanh nhất. Vậy ánh sáng làm sao làm được vậy?”

“À, nói theo kiểu nhân hóa thì, ánh sáng phải kiểm tra tất cả các con đường có thể đi và tính xem mỗi cách mất bao lâu.” Anh ta gắp viên sủi cảo cuối cùng trên đĩa.

“Và muốn làm thế,” mẹ nói tiếp, “tia sáng phải biết chính xác đích nằm ở đâu. Nếu đích nằm ở nơi khác thì con đường nhanh nhất cũng sẽ là đường khác.”

Gary lại gật đầu. “Đúng thế; không biết đích đến chính xác thì khái niệm ‘con đường nhanh nhất’ hoàn toàn vô nghĩa. Với lại để tính toán thời gian đi thì còn cần phải biết trên đường đó có gì, chẳng hạn như biết mặt nước ở vị trí nào.”

Mẹ cứ nhìn chằm chằm vào hình vẽ trên giấy. “Và tia sáng phải biết trước hết thảy những điều đó đúng không, từ trước khi bắt đầu đi?”

“Có thể nói thế,” Gary đáp. “Ánh sáng không thể cứ đi đại hướng nào rồi sau đó đổi hướng được, vì như thế sẽ không phải con đường nhanh nhất. Ánh sáng phải tính hết từ đầu.”

Mẹ nghĩ thầm, Tia sáng phải biết đích đến cuối cùng ở đâu trước khi có thể chọn hướng bắt đầu đi. Mẹ biết chuyện đó nhắc mẹ nhớ tới cái gì. Mẹ ngước lên nhìn Gary. “Chính chỗ đó làm tôi lấn cấn.”

• • •

Mẹ nhớ khi con mười bốn. Con sẽ bước ra khỏi phòng ngủ, cầm cái máy tính dán đầy sticker, con đang viết bài luận trên lớp.

“Mẹ ơi, tình huống khi cả hai bên đều được thì mẹ gọi là gì?”

Mẹ sẽ ngước lên khỏi máy tính và bài báo khoa học mẹ đang viết. “Một tình huống đôi bên đều có lợi?”

“Có một thuật ngữ rắc rối gì đó, có chữ gì liên quan đến toán. Nhớ lần ba đến đây nói về thị trường chứng khoán không? Lúc đó ba có dùng chữ đó.”

“Hừm, nghe quen quá, nhưng mẹ không nhớ ba con gọi nó là gì.”

“Con cần phải biết. Con muốn dùng nó trong bài luận môn xã hội của con. Con còn không kiếm trên mạng được nếu không biết nó gọi làm sao.”

“Mẹ xin lỗi, mẹ cũng không biết. Sao con không gọi ba đi?”

Nhìn vẻ mặt con, mẹ sẽ thấy chuyện đó coi bộ hơi mất công hơn con muốn. Đến lúc này, con và ba con sẽ không còn hợp nhau nữa. “Mẹ gọi hỏi ba được không? Nhưng đừng có nói là con hỏi.”

“Con tự gọi được mà.”

Con sẽ nổi cáu, “Chúa ơi, từ hồi ba mẹ chia tay chả ai giúp con làm bài tập hết.”

Những tình huống mà con có thể lôi vụ ly dị vào mới đa dạng làm sao. “Mẹ giúp con làm bài tập hoài mà.”

“Cả triệu năm trước rồi mẹ.”

Mẹ sẽ lờ câu đó đi. “Mẹ sẽ giúp con nếu có thể, nhưng mẹ không nhớ nó gọi là gì hết.”

Con sẽ hậm hực quay trở về phòng.

• • •

Mẹ tranh thủ mọi dịp luyện tập tiếng Bảy chi B, cả với những nhà ngôn ngữ khác và lúc một mình. Sự mới lạ khi đọc một chữ viết ký nghĩa khiến nó hấp dẫn theo một cách mà tiếng Bảy chi A không có, và sự tiến bộ trong việc học viết khiến mẹ thích chí. Ngày qua ngày, chữ viết của mẹ đẹp và mạch lạc hơn. Mẹ đã tiến bộ đến mức mẹ viết tốt hơn khi không nghĩ quá nhiều về nó. Thay vì cẩn thận thiết kế cả câu trước khi viết, mẹ có thể cứ vậy vẽ ra các nét ngay lập tức; những nét ban đầu của mẹ hầu như rốt cuộc đều có chỗ trong câu viết cuối thanh thoát nói ra điều mẹ muốn. Mẹ đang hình thành một khả năng giống như dân bảy chi.

Thú vị hơn nữa là tiếng Bảy chi B đang thay đổi cách suy nghĩ của mẹ. Với mẹ, thông thường nghĩ tức là nói bằng một giọng trong đầu mình; theo cách diễn đạt trong nghề, ý nghĩ của mẹ sử dụng bộ mã ngữ âm. Giọng trong đầu mẹ bình thường nói tiếng Anh, nhưng không nhất thiết. Mùa hè năm lớp mười hai, mẹ tham gia một chương trình ngoại ngữ toàn phần dùng tiếng Nga; đến hết hè, mẹ đã nghĩ và thậm chí nằm mơ bằng tiếng Nga. Nhưng luôn là tiếng Nga nói. Ngôn ngữ nào cũng cùng một kiểu: một giọng nói vang lên trong đầu.

Khái niệm suy nghĩ theo cơ chế ngôn ngữ nhưng không phải ngữ âm lúc nào cũng khiến mẹ tò mò. Một người bạn của mẹ có cha mẹ khiếm thính; chú đó từ nhỏ đã sử dụng Ngôn ngữ Ký hiệu Mỹ, và bảo rằng mình thường nghĩ bằng ngôn ngữ ký hiệu thay vì bằng tiếng Anh. Mẹ từng muốn biết cảm giác khi suy nghĩ của mình dùng bộ mã bằng tay, lý luận bằng đôi tay trong đầu thay vì giọng nói trong đầu.

Với tiếng Bảy chi B, mẹ đang trải nghiệm một điều cũng lạ lẫm như thế: ý nghĩ của mẹ dùng một bộ mã hình ảnh. Trong ngày có những lúc mẹ như nhập đồng và ý nghĩ của mẹ không được thể hiện bằng giọng nói bên trong; mà thay vào đó, mẹ thấy những chữ biểu nghĩa mọc xòe ra như hoa băng trên kiếng cửa sổ, trước tâm trí mẹ.

Khi mẹ đã thạo hơn, những chữ biểu nghĩa hiện ra là đã hoàn chỉnh, phát biểu thậm chí cả nhiều nội dung phức tạp cùng lúc. Nhưng quá trình suy nghĩ của mẹ cũng không nhờ đó mà nhanh hơn. Thay vì chạy tới trước, tâm trí mẹ trụ lại cân bằng ở sự đối xứng ẩn bên dưới từng chữ. Chữ biểu nghĩa dường như còn hơn cả một ngôn ngữ; gần như những mạn đà la vậy. Mẹ thấy mình rơi vào trạng thái trầm tư, suy tưởng về chuyện tiền đề và kết luận có thể hoán đổi cho nhau. Các giới từ liên kết với nhau không phải theo một hướng tất yếu, không có “dòng suy nghĩ” nào đi theo một tuyến đường nhất định; tất cả các thành tố trong một lập luận đều có sức mạnh ngang nhau, tất cả đều có địa vị như nhau.

• • •

Một đại diện bên Bộ Ngoại giao tên Hossner lãnh nhiệm vụ truyền đạt cho các nhà khoa học Mỹ kế hoạch của chúng ta với dân bảy chi. Bọn mẹ ngồi trong phòng họp video, nghe ông ta giảng đạo. Micrô của bọn mẹ tắt, nên Gary và mẹ có thể trao đổi riêng với nhau mà không cắt lời Hossner. Suốt lúc nghe, mẹ lo mắt Gary lọt tròng vì đảo nhiều quá.

“Chúng phải có lý do nào đó để lặn lội tới đây,” tay ngoại giao nói, giọng lí nhí qua cái loa. “Có vẻ không phải để chinh phạt, ơn Chúa. Nhưng nếu không phải lý do đó, thì là gì? Chúng đến đây để thăm dò khoáng sản? Để nghiên cứu nhân học? Để truyền giáo? Dù chúng có mục đích gì, thì cũng phải có gì đó ta có thể đưa ra thương lượng với chúng. Có thể là quyền khai thác trong hệ mặt trời của chúng ta. Có thể là thông tin về chính chúng ta. Có thể là quyền thuyết pháp cho chúng ta. Nhưng chắc chắn là phải có gì đó.

“Ý của tôi là: kể cả nếu mục đích của chúng không phải để trao đổi, cũng không có nghĩa ta không thể trao đổi. Ta chỉ cần biết lý do chúng ở đây, và ta có cái gì mà chúng muốn. Một khi có được thông tin đó, chúng ta có thể bắt đầu thương lượng trao đổi.

“Tôi phải nhấn mạnh, mối quan hệ của chúng ta với bọn bảy chi không nhất thiết phải là đối kháng. Đây không phải tình huống mà chúng có lợi thì chúng ta bị thiệt, hay ngược lại. Nếu phía chúng ta khôn khéo, cả bọn bảy chi và chúng ta đều có thể được lợi.”

“Ý anh là một trò chơi tổng khác không?” Gary nói với giọng ngạc nhiên giả bộ. “Chúa mẹ ơi.”

• • •

“Trò chơi tổng khác không.”

“Hả?” Con sẽ ngừng bước rồi quay trở ra khỏi phòng.

“Khi cả hai bên đều được lợi: mẹ mới nhớ ra, đó gọi là trò chơi tổng khác không.”

“Đúng rồi!” con sẽ reo lên, ghi lại vào máy tính. “Cảm ơn mẹ!”

“Hóa ra mẹ có biết,” mẹ nói. “Bao nhiêu năm ở với ba con chắc cũng lây qua mẹ ít nhiều.”

“Con biết thế nào mẹ cũng biết mà,” con sẽ nói, đoạn nhào đến ôm nhanh mẹ một cái, tóc con có mùi táo. “Mẹ là số một.”

• • •

“Louise?”

“Hửm? Xin lỗi, tôi bị phân tâm. Anh nói gì vậy?”

“Tôi nói cô nghĩ sao về ông Hossner này?”

“Tôi quyết định không nghĩ.”

“Tôi đã thử như thế: lờ chính quyền đi, xem có biến mất không. Không hề.”

Như để chứng minh cho lời Gary, Hossner tiếp tục ba hoa: “Nhiệm vụ trước mắt của các vị là nghĩ lại những gì các vị đã biết được. Xem có thứ gì có thể giúp chúng ta. Có ám chỉ gì xem bọn bảy chi muốn gì chưa? Hay chúng xem trọng thứ gì?”

“Ùi, tụi này không biết là phải để ý mấy cái đó luôn,” mẹ nói. “Bọn tôi sẽ làm ngay, thưa ngài.”

“Đáng buồn là chúng ta sẽ phải làm thế thật,” Gary nói.

“Có câu hỏi nào không?” Hosser hỏi.

Burghart, nhà ngôn ngữ học ở Fort Worth lên tiếng. “Bọn tôi đã hỏi điều này với đám bảy chi nhiều lần rồi. Chúng khăng khăng bảo chúng đến đây để quan sát, và khăng khăng rằng thông tin thì không thể trao đổi được.”

“Đấy là chúng muốn ta tin vậy,” Hossner nói. “Nhưng nghĩ xem: làm sao có thể như thế? Tôi biết bọn bảy chi lâu lâu vẫn ngừng nói chuyện với chúng ta trong một khoảng thời gian ngắn. Có thể đó là thủ đoạn chiến lược của chúng. Nếu chúng ta ngừng nói chuyện với chúng ngày mai…”

“Chừng nào lão nói gì hay ho thì kêu tôi dậy nhé,” Gary nói.

“Tôi mới tính nhờ anh như vậy đó.”

• • •

Cái ngày Gary lần đầu giải thích Định luật Fermat cho mẹ, anh đã nói qua là gần như mọi định luật vật lý đều có thể được phát biểu dưới dạng một định luật biến phân. Nhưng khi nghĩ về định luật vật lý, con người thích sử dụng phát biểu dạng nhân-quả. Mẹ hiểu vì sao: những đặc tính vật lý mà con người hiểu được bằng trực giác, như động năng hay gia tốc, đều là đặc tính của một sự vật trong một thời điểm nhất định. Và những đặc tính này tạo điều kiện cho cách hiểu sự kiện theo trật tự thời gian, nhân-quả: một thời điểm phát sinh từ một thời điểm trước, nguyên nhân và kết quả tạo thành chuỗi phản ứng từ quá khứ đến tương lai.

Trái lại, những đặc tính mà bảy chi hiểu được bằng trực giác, như “tác dụng” hay những khái niệm khác tính được bằng tích phân, chỉ có ý nghĩa khi một khoảng thời gian đã trôi qua. Và những đặc tính này tạo điều kiện cho một cách hiểu sự kiện theo mục đích luận: khi theo dõi các sự kiện trong suốt một khoảng thời gian, ta sẽ nhận thấy có một yêu cầu cần phải đáp ứng, một mục tiêu có giá trị tối đa hoặc tối thiểu. Và ta phải biết trạng thái ban đầu và kết thúc để đáp ứng mục tiêu đó; ta cần biết kết quả trước khi có thể khởi động nguyên nhân.

Cả điều đó mẹ cũng đang dần hiểu được.

• • •

“Tại sao?” con sẽ hỏi lại. Khi đó con ba tuổi.

“Tại vì tới giờ con đi ngủ rồi,” mẹ sẽ đáp. Mẹ đã bắt được con đi tắm và mặc đồ ngủ, nhưng sau đó thì bó tay.

“Nhưng con chưa buồn ngủ mà,” con sẽ mè nheo. Lúc đó con đang đứng cạnh kệ sách, lôi xuống một cuốn băng video để coi: chiến lược đánh lạc hướng để khỏi phải đi ngủ mới nhất của con.

“Cũng thế thôi: con vẫn phải đi ngủ.”

“Nhưng tại sao?”

“Vì mẹ bảo thế.”

Mẹ thật sự sẽ nói câu đó à? Chúa ơi, chết luôn đi cho rồi.

Mẹ sẽ cắp con lên lôi về phòng, con sẽ rên xiết suốt đường đi, nhưng trong đầu mẹ không có gì ngoài nỗi bực dọc của chính mẹ. Những lời thề lúc nhỏ, là khi làm mẹ, mẹ sẽ giải thích ra lẽ với con cái mình, sẽ đối xử với con mình như một con người thông minh, biết suy nghĩ, đều đã vào thùng rác cả: mẹ đang trở thành bà ngoại. Mẹ có chống cự cỡ nào cũng vậy, không gì có thể ngăn mẹ trượt xuống cái dốc đáng sợ thăm thẳm đó.

• • •

Thực sự có khả năng biết trước tương lai không? Không phải chỉ đoán; mà có khả năng biết được chuyện gì sẽ xảy ra, một cách chính xác và chi tiết tuyệt đối? Gary có lần nói với mẹ rằng những định luật cơ bản của vật lý đều đối xứng trong thời gian, rằng không có khác biệt vật lý giữa quá khứ và tương lai. Nghe điều đó, vài người có thể thừa nhận, “được, về lý thuyết”. Nhưng nói cụ thể hơn, hầu hết sẽ trả lời là “không”, vì ý chí tự do.

Mẹ thích hình dung sự không đồng tình ấy dưới dạng một chuyện huyễn tưởng kiểu Borges: tưởng tượng một người đứng trước Sách các thời đại, cuốn sách ghi lại tất cả mọi sự kiện trong quá khứ lẫn tương lai. Dù chữ viết đã được chụp thu nhỏ từ phiên bản khổ lớn, đấy vẫn là một cuốn sách khổng lồ. Với kiếng lúp trong tay, cô lật qua các trang giấy mỏng tang cho tới khi thấy được chuyện đời cô. Cô thấy đoạn tả mình đang lật qua các trang Sách các thời đại, và lướt sang cột tiếp theo, ở đó tả chi tiết những gì cô sẽ làm sau đó: làm theo thông tin đã đọc trong sách, cô sẽ đặt cược một trăm đô vào con ngựa đua Liều Ăn Nhiều và thắng gấp hai mươi lần số tiền cược.

Ý nghĩ hay là làm đúng như thế lướt qua đầu cô, nhưng là một người thích chống đối, lúc này cô quyết định không đặt gì vào mấy con ngựa nữa.

Vấn đề ở chỗ này. Cuốn Sách các thời đại không thể sai; tình huống này dựa trên tiền đề là một người được cho biết trước tương lai chính xác, chứ không phải một trong các tương lai khả thể. Nếu đây là thần thoại Hy Lạp, thì hoàn cảnh đưa đẩy sẽ bắt cô tuân theo số phận của mình dù cô cố chống lại cách mấy, nhưng những lời tiên tri trong thần thoại vốn mơ hồ; cuốn Sách các thời đại thì lại chi tiết, và không có cách nào cô có thể bị ép đặt cược vào một con ngựa đua đúng như đã được ghi lại. Kết quả là một sự mâu thuẫn: cuốn Sách các thời đại phải đúng, theo định nghĩa; nhưng bất chấp cuốn sách nói cô sẽ làm gì, cô đều có thể làm ngược lại. Hai điều đó làm sao thống nhất với nhau?

Không thể thống nhất, đó là câu trả lời thường gặp. Một cuốn sách như Sách các thời đại về logic là không thể có, vì chính cái lý do là sự tồn tại của nó sẽ đưa đến sự mâu thuẫn trên. Hay, rộng lượng hơn, một số người có thể nói Sách các thời đại vẫn tồn tại được, miễn là không ai đọc nó: cuốn sách sẽ nằm trong một bộ sưu tập đặc biệt mà không ai có quyền xem.

Ý chí tự do tồn tại, có nghĩa là chúng ta không thể biết trước tương lai. Và chúng ta biết ý chí tự do có tồn tại vì bản thân đã thực sự trải qua điều đó. Ý chí là một phần thiết yếu của ý thức.

Nhưng có thật thế không? Nếu như trải nghiệm biết trước tương lai có thể thay đổi một con người? Nếu việc đó khơi lên một cảm giác thúc giục, một thứ nghĩa vụ phải hành động đúng như cô biết mình sẽ làm như vậy?

• • •

Mẹ ghé phòng Gary trước khi ra về. “Tôi nghỉ đây. Anh có muốn ăn cái gì không?”

“Được, đợi tôi chút nhé,” anh nói. Anh tắt máy và gom giấy tờ lại với nhau. Rồi nhìn mẹ. “À, muốn sang chỗ tôi ăn tối không? Tôi nấu.”

Mẹ nhìn anh nghi hoặc. “Anh biết nấu ăn?”

“Chỉ một món thôi,” anh thừa nhận. “Nhưng ngon lắm đó.”

“Được,” mẹ đáp. “Chơi luôn.”

“Hết xảy. Mình chỉ cần phải đi mua nguyên liệu nữa thôi.”

“Đừng làm gì mất công quá…”

“Trên đường về nhà tôi có chợ mà. Không lâu đâu.”

Bọn mẹ đi xe riêng, mẹ theo sau anh. Mẹ suýt nữa lạc mất anh khi anh quẹo gấp vào bãi đậu xe. Là một cửa hàng thực phẩm cao cấp, không lớn nhưng khá chảnh; trên kệ bằng thép không gỉ, các hũ kiếng cao đựng đầy đồ nhập khẩu đặt cạnh đồ dùng nhà bếp chuyên dụng.

Mẹ theo Gary trong lúc anh nhặt húng quế tươi, cà chua, gừng, linguini. “Có chợ cá kế bên; có thể qua đó mua nghêu tươi,” anh nói.

“Nghe ngon đó.” Bọn mẹ đi qua khu đồ dùng nhà bếp. Ánh mắt mẹ liếc qua dãy kệ – ống xay tiêu, đồ giã tỏi, kẹp xa lát – và ngừng lại ở một cái tô xa lát.

Khi con lên ba, con sẽ kéo rớt cái khăn trải trên bệ bếp làm cái tô xa lát đó rớt xuống đầu. Mẹ sẽ nhào tới chụp, nhưng bị hụt. Cạnh cái tô sẽ làm con bị rách một đường, ngay mép trên trán con, và con sẽ bị khâu một mũi. Ba con và mẹ sẽ ôm con đang khóc, người dính đầy xốt xa lát Caesar, trong lúc chờ mấy tiếng liền trong phòng cấp cứu.

Mẹ với tay lấy cái tô trên kệ. Cử động đó không hề có cảm giác bị ép buộc. Mà chỉ có vẻ thúc giục như lúc mẹ nhào tới chụp cái tô rớt xuống đầu con: một bản năng mà mẹ thấy làm theo là điều đúng.

“Cái tô này cũng được ha.”

Gary nhìn cái tô và gật đầu đồng tình. “Thấy chưa, tôi ghé chợ cũng có cái hay đó chứ?”

“Ừ.” Và bọn mẹ xếp hàng chờ tính tiền.

• • •

Hãy xét câu “Chó ăn được rồi”. Coi “chó” là tân ngữ cho “ăn”, câu trở thành lời thông báo chuẩn bị đánh chén. Coi “chó” là chủ ngữ của “ăn”, câu trở thành lời nhắc, chẳng hạn đứa con gái bảo mẹ mình đã tới giờ cho chó ăn. Hai phát ngôn rất khác nhau; thực tế, hẳn là không thể xảy ra cả hai khả năng trong cùng một căn nhà. Nhưng cả hai đều là cách hiểu hợp lý; chỉ bối cảnh là có thể quyết định được câu đó có nghĩa theo hướng nào.

Xét hiện tượng ánh sáng đi xiên theo một góc chạm vào mặt nước, nhưng sau đó lại đi qua nước theo một góc khác. Giải thích hiện tượng đó là do khác nhau về chiết suất khiến ánh sáng đổi hướng, là ta thấy thế giới qua cặp mắt con người. Giải thích hiện tượng đó là do ánh sáng chọn đi tới đích theo đường ít tốn thời gian nhất, là ta thấy thế giới qua cặp mắt bảy chi. Hai cách hiểu rất khác nhau.

Thế giới vật lý là một ngôn ngữ có ngữ pháp vô cùng mơ hồ. Mỗi sự kiện vật lý đều là một phát ngôn có thể phân tích theo hai cách khác hẳn nhau, hoặc nhân-quả hoặc mục đích luận, cả hai đều hợp lý, không thể loại trừ cái nào dù có được cung cấp bao nhiêu bối cảnh đi nữa.

Khi tổ tiên của con người và bảy chi bắt đầu có được tia sáng ý thức, cả hai đều tri nhận cùng một thế giới vật lý, nhưng họ đã phân tích kết quả tri nhận của mình theo những cách khác nhau; sự khác biệt đó dẫn tới kết cục là hai thế giới quan nằm hẳn ở hai phía. Con người đã phát triển cơ chế nhận thức có tính tuần tự, trong khi bảy chi đã phát triển cơ chế nhận thức có tính đồng thời. Chúng ta trải nghiệm các sự kiện theo trật tự trước sau, và thấy các sự kiện có quan hệ nhân-quả với nhau. Chúng trải nghiệm mọi sự kiện cùng một lúc, và thấy có một mục đích ẩn bên dưới tất cả. Một mục đích đẩy đến tối đa, hoặc tối thiểu.

• • •

Mẹ thường mơ về cái chết của con. Trong mơ, mẹ mới là người leo núi – mẹ, con tin nổi không? – và con lên ba, được mẹ địu sau vai. Mẹ con mình chỉ còn chừng một mét là tới được gờ đá để nghỉ, nhưng con không chịu chờ mẹ leo lên tới đó. Con bắt đầu rướn người ra khỏi cái địu; mẹ bảo con ngưng, nhưng dĩ nhiên con đâu có nghe. Mẹ cảm thấy sức nặng của con lắc qua hai bên trong lúc con trèo ra; rồi mẹ thấy con đặt chân trái lên vai mẹ, sau đó đến chân phải. Mẹ quát con, nhưng không thể buông tay nào ra để chụp con lại. Mẹ nhìn thấy cái đế giày có vân lượn sóng trong lúc con leo lên, và rồi mẹ thấy một mẩu đá rời ra dưới một đế giày. Con trượt xuống, vụt qua bên cạnh mẹ, nhưng mẹ không thể cử động. Mẹ nhìn xuống và thấy con nhỏ dần thành một cái chấm xa tít bên dưới.

Rồi, bất thình lình, mẹ đang ở nhà xác. Một hộ lý lật tấm khăn che mặt con lên, và mẹ thấy con hai mươi lăm tuổi.

“Em không sao chứ?”

Mẹ đang ngồi thẳng đơ trên giường; cử động của mẹ đã làm Gary tỉnh giấc. “Em không sao. Chỉ giật mình thôi; mất một lúc em không nhận ra mình đang ở đâu.”

Anh nói, giọng ngái ngủ, “Lần tới chúng ta có thể ở nhà em.”

Mẹ hôn anh. “Đừng lo; nhà anh rất được mà.” Bọn mẹ nằm cuộn người lại, lưng mẹ áp vào ngực Gary, và lại thiếp đi.

• • •

Khi con ba tuổi, những lần mẹ con mình leo lên cầu thang xoắn dốc, mẹ sẽ nắm tay con chặt hơn bình thường. Con sẽ rụt tay lại. “Con tự đi được,” con sẽ khăng khăng, rồi dịch ra xa khỏi mẹ để chứng minh con đi được, và mẹ sẽ nhớ lại giấc mơ kia. Mẹ con mình sẽ lặp đi lặp lại chuyện đó suốt thời thơ ấu của con. Mẹ gần như dám chắc là, với bản tính thích chống đối của con, nỗ lực bảo vệ con của mẹ sẽ chính là lý do con say mê leo trèo: đầu tiên là khung trèo cho trẻ ở sân chơi, rồi cây ở vành đai xanh quanh khu phố, tường đá ở câu lạc bộ leo núi, và cuối cùng là những vách đá đứng ở rừng quốc gia.

• • •

Mẹ viết xong bộ thủ cuối cùng trong câu, để cục phấn xuống, ngồi xuống cái ghế liền bàn. Mẹ ngả người ra và quan sát câu tiếng Bảy chi B khổng lồ vừa viết xong kín hết cái bảng đen trong phòng mình. Nó chứa nhiều mệnh đề phức tạp, và mẹ đã kết hợp lại khá ổn.

Nhìn một câu như thế này, mẹ hiểu vì sao bảy chi lại phát triển một hệ chữ viết ký nghĩa như tiếng Bảy chi B; nó phù hợp với một giống loài có cơ chế ý thức đồng thời. Với chúng, lời nói trở thành nút thắt cổ chai vì nó đòi hỏi từ này theo sau từ kia tuần tự. Với chữ viết thì ngược lại, mọi nét vạch trên một trang đều có thể thấy được cùng lúc. Tại sao phải trói chữ viết vào sự bó buộc của lời nói, bắt nó phải tuần tự như lời nói? Chúng sẽ không bao giờ nghĩ tới điều đó. Chữ viết ký nghĩa đã tự nhiên lợi dụng tính hai chiều của trang giấy; thay vì xì ra từng hình vị một, nó bày ra cả trang cùng một lúc.

Và giờ khi tiếng Bảy chi B đã cho mẹ biết đến cơ chế ý thức đồng thời, mẹ đã hiểu lý lẽ đằng sau ngữ pháp của tiếng Bảy chi A: cái mà trước đó trí não quen tuần tự của mẹ coi là phức tạp quá mức cần thiết, thì giờ mẹ nhận ra là một nỗ lực để giúp lời nói tuần tự vốn bị giới hạn được linh hoạt hơn. Nhờ vậy mà mẹ có thể nói tiếng Bảy chi A dễ dàng hơn, dù nó vẫn thật nghèo nàn so với tiếng Bảy chi B.

Có tiếng gõ cửa, rồi Gary thò đầu vào. “Đại tá Weber sẽ đến đây bất cứ lúc nào.”

Mẹ nhăn mặt. “Được rồi.” Weber đến tham gia một buổi làm việc với Phất Phơ và Cục Cục; mẹ lãnh nhiệm vụ dịch, một việc mẹ không quen cũng không ưa tí nào hết.

Gary bước vào đóng cửa lại. Anh kéo mẹ dậy rồi hôn mẹ.

Mẹ mỉm cười. “Anh cố làm em vui lên trước khi ổng tới à?”

“Không, anh đang cố làm anh vui lên cơ.”

“Anh đâu có hứng thú gì vụ nói chuyện với bảy chi phải không? Anh tham gia dự án này chỉ để đưa em lên giường.”

“A, em đi guốc trong bụng anh rồi.”

Mẹ nhìn vào mắt anh. “Còn hơn cả anh nghĩ đấy,” mẹ nói.

• • •

Mẹ nhớ khi con đầy tháng, mẹ sẽ loạng choạng ra khỏi phòng để cho con bú lúc hai giờ sáng. Phòng con sẽ có cái “mùi em bé” từ kem chống hăm và phấn rôm, cộng với mùi amôniăc thoang thoảng bốc lên từ cái thùng tã dơ trong góc. Mẹ sẽ cúi xuống cũi, nhấc thân hình đang vặn vẹo kêu khóc của con lên và ngồi xuống cái ghế bập bênh để cho con bú.

Chữ “infant” vốn phái sinh từ chữ Latin infans nghĩa là “không thể nói”, nhưng chắc chắn con có thể nói một điều: “con khó chịu”, và con sẽ nói điều đó không mệt mỏi, không ngừng nghỉ. Mẹ đến phải nể sự tận tâm của con khi tuyên bố điều đó; khi khóc, con hóa thành một khối thịnh nộ, từng tế bào trong cơ thể con đều góp sức thể hiện cảm xúc đó. Ngộ lắm: khi yên tĩnh, dường như con sẽ phát ra ánh sáng, và nếu có ai vẽ chân dung con lúc đó, mẹ sẽ khăng khăng đòi người ta thêm cả hào quang đó. Nhưng khi không vui, con sẽ thành một cái còi báo động, được chế tạo để phát ra âm thanh; chân dung con có thể đơn giản là hình vẽ một cái chuông báo cháy.

Vào giai đoạn đó của cuộc đời con, đối với con sẽ không có tương lai hay quá khứ; trước khi mẹ cho con bú, con sẽ không có ký ức nào về cảm giác mãn nguyện trong quá khứ hay mong chờ được thỏa mãn trong tương lai. Một khi con được ngậm vú rồi, mọi thứ sẽ đảo ngược, cả thế giới sẽ lại thành mãn nguyện. HIỆN TẠI là khoảnh khắc duy nhất con sẽ tri nhận được; con sẽ sống trong thời hiện tại. Đó là một trạng thái đáng ghen tị, về nhiều mặt.

• • •

Bảy chi không tự do cũng không bị bó buộc theo cách chúng ta hiểu những khái niệm đó; chúng không hành động theo ý chí riêng của mình, cũng không phải là những cỗ máy tự động không khả năng phản kháng. Điểm đặc biệt trong cơ chế nhận thức của bảy chi là không chỉ hành động của chúng khớp với sự kiện của lịch sử; mà động cơ của chúng cũng khớp với mục đích của lịch sử. Chúng hành động để tạo ra tương lai, để thiết lập chuỗi sự kiện trong thời gian.

Tự do không phải là ảo tưởng; nó hoàn toàn có thật trong bối cảnh ý thức tuần tự. Trong bối cảnh ý thức đồng thời, tự do không có ý nghĩa, nhưng cưỡng ép cũng không; đấy đơn giản là do bối cảnh khác, cũng hợp lý không hơn không kém cái kia. Giống như ảo ảnh quang học nổi tiếng, bức tranh vẽ một thiếu phụ quý phái, quay mặt đi khỏi người nhìn, mà cũng là một bà già mũi gồ lên, cằm ép xuống ngực. Không có cách hiểu nào là “đúng”; cả hai đều hợp lý như nhau. Nhưng ta không thể thấy cả hai cùng một lúc.

Tương tự, biết trước tương lai không thể tương thích với ý chí tự do. Cái cho phép mẹ tự do lựa chọn cũng ngăn mẹ biết trước tương lai. Ngược lại, giờ khi mẹ đã biết trước tương lai, mẹ sẽ không bao giờ làm trái tương lai đó, kể cả việc kể cho người khác điều mẹ biết: những người biết tương lai không nói về nó. Những người đã đọc Sách các thời đại không thừa nhận mình đã đọc.

• • •

Mẹ bật đầu VCR và cho cuốn băng ghi buổi làm việc ở khối gương soi Fort Worth. Ở đó, một chuyên viên đàm phán bên ngoại giao đang thảo luận với đám bảy chi, Burghart là người dịch.

Tay đàm phán đang miêu tả hệ thống niềm tin đạo đức của con người, cố gắng đặt nền tảng cho khái niệm lòng vị tha. Mẹ biết bảy chi đã nắm trước kết cục của cuộc trò chuyện, nhưng chúng vẫn nhiệt tình tham gia.

Nếu mẹ kể được chuyện này cho ai đó chưa biết sẵn, cô ta có thể hỏi, nếu bảy chi đã biết hết mọi thứ chúng sẽ thấy hoặc nghe, thì chúng sử dụng ngôn ngữ làm chi nữa? Một câu hỏi hợp lý. Nhưng ngôn ngữ không phải chỉ để giao tiếp: nó cũng là một dạng hành động, Theo lý thuyết hành động ngôn ngữ, những tuyên bố như “Ngươi đã bị bắt”, “Ta đặt tên cho con tàu này là”, hay “Tôi hứa” đều có tính ngôn hành, nghĩa là người nói chỉ bằng cách nói những lời này là đã thực hiện một hành động. Với những hành động như vậy, biết trước điều sẽ được nói cũng không thay đổi gì cả. Tất cả mọi người ở hôn lễ đều biết sẽ có câu nói “Ta tuyên bố hai người là vợ chồng”, nhưng trước khi linh mục thực sự nói ra, buổi lễ vẫn chưa hoàn tất. Với các câu ngôn hành, nói đồng nghĩa với làm.

Với bảy chi, toàn bộ ngôn ngữ đều có tính ngôn hành. Thay vì dùng ngôn ngữ để thông báo, chúng dùng ngôn ngữ để hiện thực hóa. Dĩ nhiên, bảy chi biết trước mọi điều sắp được nói trong bất cứ cuộc trò chuyện nào; nhưng để những cái chúng biết đó thành hiện thực, cuộc trò chuyện vẫn phải diễn ra.

• • •

“Đầu tiên Goldilocks nếm thử tô cháo của gấu ba, nhưng trong cháo đầy bắp cải tí hon mà cô bé ghét.”

Con sẽ cười khanh khách. “Mẹ đọc sai rồi!” Mẹ con mình khi đó sẽ ngồi cạnh nhau trên sofa, cuốn sách bìa cứng mỏng dính mắc quá thể đáng mở ra trong lòng.

Mẹ sẽ đọc tiếp. “Rồi Goldilocks nếm thử tô cháo của gấu mẹ, nhưng trong cháo đầy rau chân vịt mà cô bé cũng ghét.”

Con sẽ để tay lên sách ngăn mẹ lại. “Mẹ phải đọc cho đúng chứ!”

“Mẹ chỉ đọc như nó viết đây thôi mà,” mẹ sẽ đáp, làm mặt ngây thơ.

“Không có. Truyện không có như vậy.”

“Ủa, con biết truyện như nào rồi thì cần mẹ đọc làm chi nữa?”

“Tại con muốn nghe!”

• • •

Cái máy lạnh trong phòng Đại tá Weber gần như có thể bù đắp cho việc phải nói chuyện với ông ta.

“Chúng sẵn lòng thực hiện một kiểu trao đổi,” mẹ giải thích, “nhưng không phải đổi chác. Đơn giản là chúng ta trao cho chúng một thứ, và chúng sẽ trao lại cho chúng ta một thứ. Cả hai bên đều không nói trước mình sẽ đưa cái gì.”

Đại tá Weber hơi cau mày. “Ý cô là chúng sẵn sàng trao đổi quà?”

Mẹ biết mình phải nói gì. “Chúng ta không nên coi đó là ‘trao quà’. Chúng ta không biết việc giao dịch này với bảy chi có ý nghĩa giống kiểu trao quà của con người không.”

“Chúng ta có thể” – ông ta cân nhắc tìm từ ngữ thích hợp – “gợi ý là mình muốn quà gì không?”

“Chúng không làm thế trong những cuộc giao dịch kiểu này. Tôi hỏi chúng là chúng ta có thể yêu cầu được không, và chúng bảo được, nhưng như thế cũng không khiến chúng nói cho chúng ta biết chúng sẽ đưa cái gì.” Mẹ đột nhiên nhớ ra cái cảm giác khi tham gia hội thoại mà biết trước mọi điều sẽ được nói: nó giống như diễn kịch.

“Nhưng như thế liệu có tăng khả năng chúng cho chúng ta đúng cái được yêu cầu?” Đại tá Weber hỏi. Ông ta hoàn toàn không biết nội dung kịch bản, nhưng ông ta đáp đúng y lời thoại dành cho mình.

“Không cách nào biết được,” mẹ nói. “Tôi nghĩ là không đâu, bởi đó không phải kiểu phong tục của chúng.”

“Nếu chúng ta đưa quà trước, thì giá trị món quà của chúng ta có ảnh hưởng đến giá trị món quà của chúng không?” Ông ta đang cương, còn mẹ thì đã cẩn thận tập luyện cho buổi diễn không có suất thứ hai này.

“Không,” mẹ nói. “Theo như ta biết, giá trị của các món trao đổi không quan trọng.”

“Phải chi đám họ hàng nhà tôi cũng nghĩ vậy,” Gary xỏ xiên thì thầm.

Mẹ nhìn Đại tá Weber quay sang Gary. “Anh có phát hiện gì mới trong các buổi thảo luận vật lý chưa?” ông ta hỏi đúng như kịch bản.

“Nếu ý ông là thông tin mới đối với loài người, thì không,” Gary nói. “Bảy chi vẫn lặp lại chu trình quen thuộc. Nếu chúng ta diễn tả gì đó cho chúng, chúng sẽ trình bày công thức của mình dành cho nó, nhưng không tự nguyện đưa ra bất cứ thông tin gì và cũng không trả lời khi được hỏi chúng biết những gì.”

Một phát ngôn vừa tự phát vừa có tính giao tiếp trong bối cảnh đàm thoại của con người, dưới ánh sáng ngôn ngữ Bảy chi B lại trở thành một câu tụng trong nghi lễ.

Weber cau mày. “Được rồi, để xem Bộ Ngoại giao nói gì về vụ này. Có thể chúng ta tổ chức một kiểu lễ trao quà gì đó.”

Giống như mọi sự kiện vật lý đều có hai cách hiểu hoặc theo nhân-quả hoặc mục đích luận, mọi sự kiện ngôn ngữ cũng có thể hiểu theo hai cách: như một sự truyền thông tin hoặc một sự thực hiện kế hoạch.

“Tôi nghĩ đó là ý hay, Đại tá à,” mẹ nói.

Một sự nhập nhằng mà phần lớn mọi người đều không thấy. Một trò đùa riêng thôi; đừng bắt tôi giải thích.

• • •

Mặc dù mẹ đã thuần thục tiếng Bảy chi B, mẹ không cảm nhận hiện thực như bảy chi. Tâm trí mẹ được đúc theo khuôn của những ngôn ngữ con người tuần tự, và dù có sử dụng ngôn ngữ ngoài hành tinh nhiều cách mấy cũng không thể hoàn toàn thay đổi nó. Thế giới quan của mẹ là một hỗn hợp của thế giới quan người và bảy chi.

Trước khi mẹ học cách tư duy bằng ngôn ngữ Bảy chi B, ký ức của mẹ dài ra dần như một cột tàn thuốc, nhờ vạch lửa cháy nhỏ không nhận thấy là ý thức của mẹ, đánh dấu hiện tại qua từng khoảnh khắc tuần tự. Sau khi mẹ học tiếng Bảy chi B, ký ức mới đổ xuống vào đúng chỗ như từng khối gạch khổng lồ, mỗi cái chứa trong mình ký ức của mấy năm, và tuy chúng không rơi theo thứ tự hay đáp xuống liền nhau, nhưng chẳng mấy chốc chúng đã hình thành một giai đoạn trải dài năm thập kỷ. Chính là giai đoạn mà mẹ đủ thành thạo để tư duy bằng tiếng Bảy chi B, bắt đầu với những cuộc phỏng vấn Phất Phơ và Cục Cục và kết thúc với cái chết của mẹ.

Thường, tiếng Bảy chi B chỉ ảnh hưởng đến ký ức của mẹ thôi: ý thức của mẹ vẫn chậm rãi tiến tới như trước, một vạch sáng tiến lên theo thời gian, khác biệt duy nhất là tàn tro ký ức nằm cả ở trước lẫn đằng sau: không hề có sự cháy. Nhưng đôi khi mẹ có những khoảnh khắc xuất thần, khi tiếng Bảy chi B hoàn toàn chế ngự, và mẹ trải nghiệm ký ức và tương lai cùng một lúc; ý thức của mẹ biến thành một viên than hồng rực kéo dài cả nửa thế kỷ bên ngoài thời gian. Mẹ tri nhận – trong những khoảnh khắc đó – giai đoạn đó tất cả cùng một lúc. Nó là một giai đoạn bao quát hết phần đời còn lại của mẹ, và toàn bộ cuộc đời của con.

• • •

Mẹ viết các chữ “quá trình – đầu mút tạo lập – chúng ta”, tức là “bắt đầu nào”. Cục Cục trả lời đồng ý, và trình chiếu bắt đầu chạy. Màn hình thứ hai mà đám bảy chi đưa ra lần lượt hiện ra một chuỗi hình ảnh, gồm các chữ biểu nghĩa và phương trình, trong khi một màn hình video của bọn mẹ cũng làm tương tự.

Đây là buổi “trao quà” thứ hai mà mẹ được dự, buổi thứ tám trong tổng số, và mẹ biết đây là buổi cuối. Quanh gương soi đầy người. Burghart ở Fort Worth cũng ở đây, cả Gary và một nhà vật lý hạt nhân, đủ loại nhà sinh vật, nhà khảo cổ, đám tướng tá và ngoại giao. May là họ đã lắp máy lạnh để hạ nhiệt bớt. Lát nữa, bọn mẹ sẽ xem lại các cuốn băng ghi hình để tìm hiểu xem “quà” của bảy chi là gì. “Quà” của con người là những hình vẽ trong hang Lascaux.

Bọn mẹ bu quanh màn hình thứ hai của bảy chi, cố nắm bắt ý nghĩa gì đó trong những hình ảnh đang lướt qua. “Có đánh giá sơ bộ gì không?” Đại tá Weber hỏi.

“Lần này không phải trả lại đâu,” Burghart nói. Một lần trước, bảy chi đã cho thông tin về con người mà ngày trước chính bọn mẹ đã cho chúng biết. Vụ này làm Bộ Ngoại giao nổi đóa, nhưng bọn mẹ không có lý do gì để coi đó là xúc phạm: có lẽ đó chỉ là cách xác nhận giá trị không có vai trò gì trong những cuộc trao đổi thế này. Vẫn không loại trừ khả năng bảy chi có thể sẽ cho chúng ta động cơ du hành không gian, hay hợp hạch lạnh, hay bất cứ phép màu cầu được ước thấy nào khác.

“Trông có vẻ giống hóa vô cơ,” nhà vật lý hạt nhân nói, chỉ vào một phương trình trên màn hình trước khi nó biến mất.

Gary gật đầu. “Có thể là công nghệ vật liệu,” anh nói.

“Có thể chúng ta cuối cùng cũng có được gì đó,” Đại tá Weber nói.

“Tôi muốn thấy thêm hình động vật cơ,” mẹ thì thào, thật khẽ để chỉ Gary nghe thấy, và trề môi như con nít. Anh mỉm cười và chọt mẹ. Thật sự, mẹ ước đám bảy chi đã cho một bài giảng sinh học vũ trụ nữa, như trong hai lần trước; xem qua thì, con người giống bảy chi hơn bất cứ loài nào chúng từng tiếp xúc. Hay một bài giảng nữa về lịch sử bảy chi; toàn những thông tin xem ra chẳng có đầu có cuối, nhưng vẫn thú vị. Mẹ không muốn bảy chi cho chúng ta công nghệ mới, vì mẹ không muốn thấy chính phủ của chúng ta sẽ dùng nó làm cái gì.

Mẹ nhìn Cục Cục trong khi trao đổi thông tin, tìm kiếm bất cứ hành vi nào khác lạ. Nó đứng như tượng như mọi khi; mẹ không thấy dấu hiệu gì cho thấy điều sắp xảy ra.

Sau một phút, màn hình bên bảy chi trắng trơn, và một phút sau, màn hình của bọn mẹ cũng tắt. Gary và hầu hết nhà khoa học đang vây quanh cái màn hình video nhỏ xíu phát lại trình chiếu của bảy chi. Mẹ nghe tiếng họ bàn cần mời một nhà vật lý chất rắn.

Đại tá Weber quay lại. “Hai người,” ông ta nói, chỉ vào mẹ và Burghart, “lên thời gian và địa điểm cho cuộc trao đổi tiếp theo.” Rồi ông ta theo mấy người kia ngó vào màn hình phát lại.

“Làm liền đây,” mẹ nói. Quay sang Burghart, mẹ hỏi, “Anh có muốn lãnh vinh dự này không?”

Mẹ biết Burghart cũng đã rành rẽ tiếng Bảy chi B tương tự mẹ. “Là gương soi của cô mà,” anh ta nói. “Cô làm đi.”

Mẹ lại ngồi xuống trước máy tính truyền phát. “Cá là hồi cao học anh không ngờ có ngày mình sẽ trờ thành thông dịch viên quân đội.”

“Chuẩn cơm mẹ nấu rồi,” anh ta nói. “Bây giờ tôi còn không tin được nữa là.” Mọi câu mẹ và anh ta nói với nhau đều giống như những lời trao đổi nhạt nhẽo đầy tính toán của hai điệp viên gặp nhau công khai mà không để lộ thân phận.

Mẹ viết các chữ “địa điểm – giao dịch trao đổi – hội thoại – chúng ta” chia ở thể dự đoán.

Cục Cục viết câu trả lời. Đó là lúc mẹ cần phải cau mày theo kịch bản, và là lúc Burghart cần phải hỏi, “Nó nói vậy nghĩa là sao?” Đài từ xuất sắc.

Mẹ viết câu yêu cầu giải thích; Cục Cục trả lời y như trước. Rồi mẹ nhìn nó lướt ra khỏi phòng. Buổi diễn của bọn mẹ sắp đến hồi hạ màn.

Đại tá Weber bước tới. “Có chuyện gì vậy? Nó đi đâu rồi?”

“Nó nói đám bảy chi ra đi ngay giờ đây,” mẹ đáp. “Không phải chỉ mình nó; toàn bộ chúng.”

“Gọi nó lại đây ngay. Hỏi nó thế là sao.”

“Ừm, tôi không nghĩ Cục Cục mang theo máy nhắn tin trong người đâu,” mẹ nói.

Hình ảnh căn phòng trên gương soi biến mất đột ngột tới nỗi phải mất một khắc mắt mẹ mới nhận ra mình đang thấy gì thay vào đó: phía bên kia của căn lều. Tấm gương soi giờ đã hóa trong suốt. Tiếng xôn xao quanh màn hình chiếu lại đã tắt hẳn.

“Chuyện quái gì đang xảy ra vậy?” Đại tá Weber hỏi.

Gary bước tới tấm gương và đi vòng qua bên kia. Anh chạm vào mặt sau bằng một tay; mẹ có thể thấy đầu ngón tay anh chạm vào tấm gương tạo thành những hình ô van trăng trắng. “Tôi nghĩ,” anh nói, “chúng ta vừa chứng kiến một hiện tượng biến đổi chất từ xa.”

Mẹ nghe tiếng chân bước thình thịch trên cỏ khô. Một người lính bước qua cửa lều, gần như hụt hơi vì chạy, cầm một cái bộ đàm cỡ lớn. “Đại tá, có tin từ…”

Weber chụp lấy bộ đàm từ tay cậu ta.

• • •

Mẹ nhớ cảm giác khi ngắm con được một ngày tuổi. Ba con lúc đó đã chạy xuống căn tin bệnh viện một chút, còn con nằm trong nôi, và mẹ đang cúi nhìn con.

Bởi vừa mới sinh con, mẹ vẫn còn đang cảm thấy như một cái khăn bông bị vắt kiệt. Trông con sẽ nhỏ ơi là nhỏ, trong khi hồi mang con trong bụng thì mẹ cảm thấy mình sao mà đồ sộ; mẹ dám thề là có đủ chỗ cho một đứa to và cứng cáp hơn con nhiều. Tay chân con sẽ dài và khẳng khiu, vẫn chưa mũm mĩm. Mặt con sẽ còn đỏ ửng và nhăn nhúm, mí mắt sưng phồng nhắm tịt lại, giai đoạn trông giống yêu tinh trước khi hóa thiên thần.

Mẹ sẽ lướt một ngón tay trên bụng con, mê mẩn sự mềm mại khó tin của da con, lo rằng lụa sẽ quá ráp trên người con như vải bố. Rồi con sẽ cục cựa, vặn người, trong khi duỗi từng cái chân một, và mẹ sẽ nhận ra đó chính là chuyển động mẹ từng cảm thấy khi mang con trong người, rất nhiều lần trước đó. Hóa ra nó trông như thế đấy.

Mẹ sẽ vui mừng vô hạn trước cái bằng cớ của mối liên kết mẹ con độc nhất vô nhị này, cái lời chứng con chắc chắn là đứa con mẹ đã mang trong mình. Nếu như mẹ chưa từng thấy con, mẹ vẫn sẽ có thể chỉ đúng con giữa một biển em bé khác: Không phải nó. Không, cũng không phải. Khoan, đứa đằng kia kìa.

Phải, đúng là con bé. Là con tôi.

• • •

Buổi “trao quà” cuối đó cũng là lần cuối con người thấy dân bảy chi. Cùng một lúc, khắp thế giới, những tấm gương soi trở nên trong suốt và tàu chúng rời quỹ đạo. Phân tích gương soi sau đó cho thấy đó chỉ là những tấm silica nung chảy không hơn, hoàn toàn chết. Thông tin từ buổi trao đổi cuối cùng miêu tả một loại chất liệu siêu dẫn mới, nhưng sau đó được chứng minh là lặp lại kết quả một nghiên cứu vừa được hoàn tất ở Nhật Bản: không phải là thứ gì con người chưa biết.

Bọn mẹ không bao giờ biết tại sao đám bảy chi bỏ đi, cũng như vì sao chúng tới đây, hay vì sao chúng hành động như vậy. Ý thức mới của mẹ không cung cấp thứ thông tin đó; hành vi của bảy chi hẳn là có thể giải thích từ góc nhìn tuần tự, nhưng bọn mẹ không bao giờ tìm ra lời giải thích đó.

Mẹ thì muốn trải nghiệm thêm thế giới quan của bảy chi, cảm nhận như chúng cảm nhận. Nếu được thế, biết đâu mẹ có thể dìm mình hoàn toàn vào tính tất yếu của các sự kiện, như chúng phải diễn ra, thay vì chỉ lội trong đỉnh sóng suốt phần đời còn lại. Nhưng chuyện đó sẽ không bao giờ xảy ra. Mẹ sẽ tiếp tục thực hành ngôn ngữ bảy chi, cũng như các nhà ngôn ngữ khác ở các nhóm gương soi khác, nhưng không ai trong bọn mẹ sẽ tiến xa hơn những gì đã đạt được khi bảy chi còn ở đây.

Làm việc với bảy chi đã thay đổi cuộc đời mẹ. Mẹ đã gặp ba con và học tiếng Bảy chi B, cả hai điều cho phép mẹ biết con lúc này, ở đây, ngoài hiên nhà dưới ánh trăng. Rồi, nhiều năm sau, mẹ sẽ không còn ba con nữa, cũng không còn con nữa. Tất cả những gì còn lại từ khoảnh khắc này sẽ chỉ là ngôn ngữ bảy chi. Nên mẹ thật tập trung, để ý từng chi tiết một.

Từ đầu mẹ đã biết đích đến, và mẹ chọn con đường phù hợp. Nhưng mẹ đang tiến đến một niềm vui tột cùng, hay nỗi đau tột cùng? Mẹ sẽ đạt được giá trị tối thiểu, hay tối đa?

Những câu hỏi ấy ở trong đầu mẹ khi ba con hỏi mẹ, “Mình cùng làm em bé nhé?” Và mẹ mỉm cười đáp, “Vâng,” rồi gỡ mình ra khỏi vòng tay ba con, và bọn mẹ nắm tay nhau đi vào nhà, để làm chuyện đó, làm ra con.

Khánh Nguyên dịch

[1] “Thủ pháp dùng để suy ra tính đều đặn của ngôn ngữ. Những thủ pháp được dùng trong ngôn ngữ học cấu trúc nhắm vào việc phát hiện nhờ các phương tiện phân đoạn và phân loại các phạm trù ngôn ngữ quan yếu, mối quan hệ lẫn nhau của những phạm trù ấy trong ngôn ngữ đã cho trên cơ sở một số câu hữu hạn.” (Tr. 484, Từ điển khái niệm ngôn ngữ học, Nguyễn Thiện Giáp, Nxb ĐHQG Hà Nội, 2016.)

(Tác phẩm chưa được ai mua bản quyền dịch và không biết có bao giờ phát hành trong thập kỷ tới?)

Chấm sao chút:

Đã có 8 người chấm, trung bình 5 sao.

Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3

Người góp chữ

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi

1 Trackbacks & Pingbacks

  1. Notes on Ted Chiang’s “The Story of Your Life” (2000), pt. 1 – Alice in HK land

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*