Ray Bradbury, “Tiếng Sương Mù”

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi
Thời gian đọc: 15 phút

(Bài viết thuộc Zzz Review số 7, 21-1-2020)

Giữa biển khơi giá lạnh, xa khuất đất liền, chúng tôi từng đêm chờ đợi sương mù; và khi sương mù đến, chúng tôi tra dầu vào hốc máy rồi thắp sáng ngọn đèn hiệu trong tháp đá. Như hai cánh chim trên bầu trời xám, McDunn với tôi rọi vào không trung luồng sáng lúc đỏ, lúc trắng, rồi lại đỏ, dõi tìm những con tàu cô đơn. Và nếu như chúng không nhìn thấy ánh đèn thì lúc nào cũng có Tiếng Nói của chúng tôi – tiếng kêu trầm thống của hồi còi rung rền qua màn sương mịt mù làm biển dựng sóng vươn cao ngầu bọt và bầy hải âu bay tán loạn tựa những cỗ bài vung vãi.

– Cuộc sống ở đây hiu quạnh thật, nhưng giờ thì anh đã quen nó rồi, phải không? – McDunn hỏi tôi.

– Vâng, may mà có một người nói chuyện thú vị như chú bầu bạn.

– Chà, ngày mai thế là đến phiên anh về đất liền mà khiêu vũ với các bà và uống rượu rồi đấy, – chú vừa nói vừa cười.

– Thế chú nghĩ gì, McDunn, khi tôi bỏ chú ở lại ngoài này một mình?

– Nghĩ về những bí mật của biển cả, – McDunn châm tẩu thuốc. Lúc ấy là bảy giờ mười lăm một tối tháng Mười Một lạnh lẽo, hệ thống sưởi đã bật lên, luồng đèn hải đăng đang quét đuôi về muôn hướng, tiếng còi báo sương ầm ừ trong cuống họng chót vót của ngôi tháp. Suốt cả trăm dặm dọc miền duyên hải này không có lấy một thị trấn nào, chỉ độc nhất một con đường lẻ loi băng qua miền đất chết ra đến biển, ít xe cộ qua lại, hai dặm sóng nước lạnh lùng ngăn cách mỏm đá của chúng tôi với bờ, và lác đác hiếm hoi đôi bóng tàu bè.

– Những bí mật của biển cả…, – McDunn trầm ngâm. – Anh biết đấy, đại dương là bông tuyết vĩ đại nhất trên đời. Nó cuộn chảy, nó chứa đầy cả nghìn hình dạng và sắc màu, không cái nào giống cái nào. Lạ thật. Có một đêm nhiều năm trước, tôi ở đây một mình khi tất cả các loài ngư kình đều trồi lên mặt nước ngoài kia. Một điều gì đó khiến chúng phải bơi về tụ tập trong vịnh này, chúng hồ như run bắn lên và nhìn chằm chặp lên phía ánh đèn hải đăng lúc đỏ lúc trắng quét ngang qua để cho tôi nhìn thấy những đôi mắt ngộ nghĩnh của chúng. Tôi phát lạnh mình. Đàn cá ấy chẳng khác nào một cái đuôi công khổng lồ máy động ngoài kia đến tận nửa đêm. Rồi, không phát ra một tiếng động nào, chúng lẻn đi, cả triệu con biến mất. Tôi đâm ngờ rằng có lẽ chúng đã vượt bao dặm khơi đến đây để chiêm bái. Thật lạ! Nhưng thử nghĩ coi, ngọn tháp hải đăng này mang dáng vẻ thế nào dưới mắt lũ cá kia; đứng chênh vênh hơn hai mươi thước trên mặt biển, phát ra luồng sáng thần thánh, và tuyên bố sự có mặt của mình bằng tiếng nói của quái vật. Lũ cá ấy không bao giờ quay lại, nhưng chẳng lẽ anh không nghĩ là đàn cá đó trong một lúc đã nghĩ mình đang diện kiến một Thần Linh sao?

Rùng mình, tôi nhìn ra mặt biển xám ngắt lê thê, trải dài đến hư vô bất cùng bất tận.

– Ồ, biển cả thì đầy bí mật, – McDunn căng thẳng rít tẩu thuốc, đôi mắt nhấp nháy. Cả ngày nay chú đã bồn chồn vì một chuyện nào đó mà không chịu nói lý do. – Với tất cả những máy móc và những cái gọi là tàu ngầm của chúng ta thì phải mất cả chục nghìn thế kỷ nữa chúng ta mới đặt chân được đến cái đáy sâu thật sự của miền đất chìm ngập này, đến những vương quốc thần kỳ dưới đó, và biết được nỗi kinh hoàng đích thực. Nghĩ mà xem, ở tít dưới đó vẫn còn đang thời điểm của ba trăm ngàn năm trước Công Nguyên. Trong khi chúng ta cứ gióng kèn giục trống diễu binh, chặt đầu nhau, cướp nước nhau thì những thế giới khác vẫn đang tồn tại dưới mười hai dặm biển sâu buốt lạnh trong một thời đại cổ xưa như đuôi sao chổi.

– Đúng, đó là một thế giới cổ xưa.

– Đi thôi. Có một chuyện đặc biệt mà lâu nay tôi chưa kể anh nghe.

Chúng tôi bước lên tám mươi bậc thang, vừa trò chuyện vừa thong thả đưa chân. Tới đỉnh, McDunn tắt hết các ngọn đèn trong phòng để vách kính không phản chiếu ánh sáng. Con mắt vĩ đại của đèn hải đăng đang rầm rì xoay trở dễ dàng trong hốc máy trơn dầu. Còi báo sương mù vẫn trỗi đều mười lăm giây một đợt.

– Nghe giống tiếng một con thú, phải không? – McDunn gật đầu một mình. – Một con thú lớn cô đơn gào thét trong đêm. Ngồi ở đây bên bờ vực của mười tỉ năm dài kêu gọi tới Thẳm Sâu “Tôi đây! Tôi đây!” Và Thẳm Sâu đã lên tiếng đáp lại, có đấy. Johnny ơi, anh ở đây đã ba tháng rồi nên tôi cần báo trước cho anh liệu, – Anh vừa nói vừa nhìn đăm đăm vào mù sương và tăm tối. – Mỗi năm đến mùa này sẽ có khách đến thăm viếng hải đăng đấy.

– Những đàn cá như chú kể lúc nãy chứ gì?

– Không, cái này khác hẳn. Tôi đã chần chờ không kể cho anh nghe sớm vì e rằng anh cho tôi là điên. Nhưng đến đêm nay thì tôi không trì hoãn được nữa, bởi vì nếu như tôi đánh dấu đúng trong cuốn lịch năm ngoái thì đêm nay chính là đêm vị khách ấy trở lại đây. Tôi không muốn nói nhiều, rồi anh sẽ tự mình chứng kiến. Cứ ngồi yên đó mà nhìn. Nếu muốn, ngày mai anh có thể thu xếp khăn gói, lấy xuồng máy vào bờ, đến chỗ xe hơi anh đang đậu bên cầu tàu dơ bẩn đầu mũi đất, lái một mạch về một thành phố nhỏ nào đó sâu trong đất liền và đêm đêm để đèn chong sáng. Tôi sẽ không gặng hỏi hay trách cứ anh đâu. Chuyện này xảy ra đã ba năm rồi và hôm nay là lần đầu tiên có người cùng ở đây kiểm chứng với tôi. Anh cứ chờ xem.

Nửa giờ trôi qua, chúng tôi chỉ trao đổi nhau đôi lời thì thầm. Khi cả hai đã mệt vì chờ đợi, McDunn bắt đầu giãi bày cùng tôi một số ý tưởng của chú – những giả thuyết về chính tiếng còi báo sương mù.

– Ngày xưa có một người bước đi trên bờ biển lạnh lùng không nắng và đứng lặng giữa trùng âm thanh của đại dương mà nói rằng: “Ta cần một tiếng nói vọng vang qua sóng nước này để báo hiệu cho những con tàu; ta sẽ tạo ra một tiếng nói. Ta sẽ tạo ra một tiếng nói chứa chất tất cả thời gian và mù sương tự hoang sơ; ta sẽ tạo ra một tiếng nói quạnh hiu như chiếc giường trống trải bên cạnh người suốt đêm thâu, như ngôi nhà hoang vắng khi người mở cửa bước vào, như cây mùa thu trụi lá. Một âm thanh giống như tiếng đàn chim gọi nhau xuôi nam, một âm thanh giống như tiếng gió mùa đông và tiếng sóng vỗ vào bờ khô lạnh. Ta sẽ tạo ra một âm thanh cô đơn đến mức ai đã nghe là không thể quên, cõi lòng sẽ thổn thức, và những ai nghe được âm thanh ấy từ những thị trấn xa xăm sẽ thấy bếp lửa dường như ấm áp hơn, mái ấm gia đình thêm ý nghĩa. Ta sẽ tạo ra một âm thanh và một dụng cụ; người sẽ gọi đó là Tiếng Sương Mù và bất cứ ai nghe được sẽ hiểu nỗi buồn của vĩnh cửu và sự ngắn ngủi của cuộc đời.”

Tiếng Sương Mù gọi.

– Tôi đã bịa ra câu chuyện ấy để cố gắng giải thích tại sao con vật đó năm nào cũng quay lại hải đăng này, – McDunn lặng lẽ nói. – Tôi nghĩ là Tiếng Sương Mù gọi nó, và nó đến…

– Nhưng…, – tôi thốt lên.

– Suỵt! – McDunn ngăn lại. – Nó kìa!

Chú hất hàm về hướng Thẳm Sâu. Một con vật nào đó đang bơi về phía tháp hải đăng.

Đêm lạnh, ngôi tháp lạnh, ánh hải đăng quét đi rồi trở lại, và Tiếng Sương Mù vọng vang gọi mãi trong màn sương rối bời. Người ta không thể nhìn xa và cũng không sao nhìn rõ được gì, nhưng biển sâu vẫn không ngừng chảy quanh trái đất đêm đen, biển phẳng lì tĩnh mịch, xám ngắt một màu bùn. Ở đây là hai chúng tôi lẻ loi trên tháp cao, và ngoài kia xa tít, lúc đầu là một gợn nước, sau đó là một con sóng, nhô cao, sôi sục, sủi bọt. Và rồi, từ mặt biển lạnh trồi lên một cái đầu, một cái đầu đồ sộ, đen đúa, với đôi mắt khổng lồ, cùng một cần cổ. Và… không phải thân hình nhưng vẫn là chiếc cổ ấy vươn dài, vươn dài thêm! Cái đầu ấy chênh vênh nhô lên khỏi mặt nước đến mười lăm thước trên chiếc cổ mảnh mai, đen bóng, đẹp tuyệt vời. Chỉ đến lúc ấy thân hình con vật mới vươn lên trên sóng nước như một hòn đảo nhỏ đen huyền đầy san hô, sò ốc, tôm cua, ướt đẫm từ cõi âm. Một cái vẫy đuôi. Toàn bộ từ đầu đến đuôi, tôi ước chừng con vật này phải dài đến ba, bốn mươi thước.

Tôi thảng thốt kêu lên nhưng không biết mình đã nói gì.

– Bình tĩnh, bình tĩnh nào, anh bạn, – McDunn thầm thì.

– Phi lý quá! – Tôi buột miệng nói.

– Không đâu, Johnny, chính ta mới là phi lý. Còn nó thì lúc nào cũng vậy suốt cả chục triệu năm qua. không thay đổi. Chính ta và mặt đất này đã đổi thay, đã trở thành phi lý. Ta!

Giữa làn nước băng giá ngoài xa, con vật từ tốn bơi đi với vẻ uy nghi hùng vĩ huyền bí. Màn sương tụ lại rồi tan đi quanh nó, xoá nhoà hình dạng của con quái vật trong một thoáng. Một con mắt của nó đón bắt và phản chiếu ngược lại ánh hải đăng chói loà của chúng tôi, đỏ, trắng, đỏ, trắng, tựa hồ có ai đó giơ cao một chiếc đĩa mà phát đi một thông điệp bằng mật mã của hồng hoang. Con quái vật ấy cũng im lìm như màn sương mù nó đang bơi xuyên qua.

– Một loài khủng long! – Tôi ngồi bệt xuống sàn, tay níu chặt lan can thang lầu.

– Đúng, khủng long đấy.

– Nhưng chúng đã chết hết cả rồi cơ mà!

– Không đâu, chúng chỉ ẩn náu trong lòng Thẳm Sâu. Ngút ngàn, tận cùng dưới những vực sâu thăm thẳm nhất. Thẳm Sâu! Hai chữ ấy nói lên biết bao điều. Tất cả lạnh lẽo, tối tăm và heo hút nhất trên đời này đều chứa đựng trong hai chữ đó, Johnny ơi.

– Ta làm gì bây giờ?

– Làm gì? Chúng ta còn công việc không thể bỏ bê. Hơn nữa, chúng ta ở lại đây thì an toàn hơn là liều vào bờ bằng bất cứ chiếc xuồng nào. Con quái vật ấy to lớn như một chiến hạm và tốc độ của nó cũng nhanh không kém đâu.

– Nhưng tại sao nó lại đến nơi này?

Ngay sau đó tôi có câu trả lời.

Tiếng Sương Mù gọi.

Và con quái vật trả lời.

Một tiếng gào rền vang qua triệu năm sóng nước với mù sương. Một tiếng gào đau khổ và cô đơn đến mức khiến tôi run bắn cả người. Con quái vật thét lên với ngọn tháp. Tiếng Sương Mù gọi. Con quái vật lại gầm lên. Tiếng Sương Mù gọi. Con quái vật há cái mồm tua tủa những chiếc răng khổng lồ và âm thanh từ trong cuống họng nó phát ra chính là âm thanh của Tiếng Sương Mù. Cô đơn, vời vợi, ngút ngàn. Âm thanh của tịch liêu, của biển mịt mờ, của đêm lạnh lẽo, của chia cắt phân ly. Một âm thanh như thế.

– Bây giờ anh đã hiểu tại sao nó đến nơi này chưa? – McDunn thì thào.

Tôi gật đầu.

– Johnny ơi, cả năm trường con quái vật đáng thương ấy cứ nằm chờ từ cả nghìn dặm khơi xa, và có lẽ sâu cả hai mươi dặm, đếm bước thời gian, chắc nó phải già đến triệu tuổi. Anh nghĩ xem, chờ đợi suốt triệu năm ròng. Anh có thể chờ đợi lâu đến thế chăng? Có thể đây là con khủng long cuối cùng còn lại. Tôi gần như tin chắc điều đó. Thế rồi năm năm trước, con người đã đến đất này và xây lên ngọn hải đăng. Họ lắp vào đây Tiếng Sương Mù của họ và cho âm thanh ấy kêu vang, kêu vang mãi đến nơi anh đang vùi mình trong giấc ngủ và trong hồi ức về một thế giới trùng khơi có hàng ngàn đồng loại của anh. Nhưng giờ đây anh cô độc, hoàn toàn lẻ loi trong một thế giới không dành cho anh, một thế giới mà anh phải trốn nấp.

Âm thanh của Tiếng Sương Mù gọi rồi ngưng, gọi rồi ngưng, và anh trở mình khỏi đáy vực bùn lầy của Thẳm Sâu, và đôi mắt anh mở lớn như cặp ống kính của chiếc máy quay phim vĩ đại, rồi anh bơi đi, chậm thôi, chậm thôi, vì anh phải đội trên đôi vai mình cả một đại dương trĩu nặng. Nhưng cái Tiếng Sương Mù ấy âm âm luồn lõi qua nghìn dặm nước sâu, mơ hồ mà quen thuộc, và niềm khao khát trong anh được khơi dậy, hừng hực cháy bùng, rồi anh bắt đầu trồi lên, chầm chậm, chầm chậm. Anh sống nhờ những luồng cá như bông tuyết vĩ đại, những luồng sứa như trường giang, và anh từ từ trồi lên qua những tháng mùa thu, qua tháng Chín mờ sương đầu mùa, qua tháng Mười sương mù chập chùng dày thêm và tiếng còi cứ mãi gọi anh thôi thúc, và rồi, cuối tháng Mười Một, sau khi thúc đẩy mình từng ngày, mỗi giờ lại nhô cao thêm vài thước nước, anh đã đến gần mặt biển và vẫn sống còn. Anh buộc phải chậm rãi; nếu anh trồi lên mặt nước ngay lập tức, anh sẽ nổ tung. Cho nên phải mất ba tháng trời anh mới lên đến mặt biển, và thêm rất nhiều ngày nữa rẽ sóng vượt qua những con nước giá buốt tìm đến ngọn hải đăng này. Và rồi anh đã đến ngoài kia, giữa đêm đen, Johnny, con quái vật to lớn nhất của muôn loài. Và đây, ngọn hải đăng đang kêu gọi anh, với cái cổ dài như cổ anh đâm thẳng lên trên sóng nước, và một thân hình giống thân hình anh, và quan trọng nhất là một tiếng nói giống tiếng nói anh. Giờ anh đã hiểu chưa, Johnny, anh đã hiểu chưa?

Tiếng Sương Mù gọi.

Con quái vật trả lời.

Tôi đã thấy, tôi đã hiểu – triệu năm dài cô đơn đợi chờ sự trở về của một kẻ không bao giờ quay lại. Triệu năm hiu quạnh dưới lòng biển khơi, dưới đáy sự điên rồ của thời gian, trong khi bầu trời bên trên lần hồi sạch bóng những loài bò sát biết bay, những đầm lầy cạn khô trên lục địa, những con địa lãn và hổ răng kiếm tới lượt dọc ngang rồi cũng vùi thây trong những hố sâu, và con người nhung nhúc như kiến trên đồi.

Tiếng Sương Mù gọi.

– Năm trước, – McDunn bảo tôi, – con vật này cứ bơi vòng vòng, vòng vòng mãi cả đêm. Nó không đến quá gần ngôi tháp, chắc là nó hoang mang. Cũng có thể là nó sợ. Và cũng có thể là nó hơi tức giận sau một chặng đường ngút ngàn tìm đến đây. Nhưng ngày hôm sau, sương mù bất ngờ tan loãng, mặt trời ló mặt tinh khôi, và bầu trời xanh như tranh vẽ. Thế là con quái vật này bơi đi tránh xa sức nóng và sự im lặng; nó không quay lại nữa. Tôi cho rằng cả năm qua nó mãi nghiền ngẫm một điều ấy, toan tính mọi đằng.

Con quái vật giờ chỉ cách chúng tôi non trăm thước, nó cùng Tiếng Sương Mù kêu gào đối đáp nhau. Lúc ánh đèn hải đăng quét ngang, đôi mắt con thú chớp loè, chợt đỏ, chợt trắng, chợt bốc lửa, chợt lạnh băng.

– Kiếp sống là thế đó, – McDunn nói. – Ai đó luôn luôn đợi chờ một ai chẳng bao giờ trở về. Ai đó luôn luôn yêu thương một cái gì đó nhiều hơn là được yêu thương đáp lại. Và sau một thời gian ta bỗng muốn phá huỷ hết cái điều đã tha thiết để nó không còn làm ta đau đớn nữa.

Con quái vật lao sầm sầm về phía hải đăng.

Tiếng Sương Mù gọi.

– Để thử xem sao, – McDunn nói.

Chú bấm công tắc điện cho Tiếng Sương Mù im bặt.

Giây phút im lìm sau đó căng thẳng đến mức chúng tôi nghe cả tiếng tim mình âm vang trong phòng kính trên đỉnh tháp, nghe cả tiếng xoay trở chậm chạp của ngọn đèn pha trong ổ máy trơn dầu.

Con quái vật dừng phắt lại. Đôi mắt to như chiếc lồng đèn của nó nhấp nháy. Miệng nó há hốc. Nó gầm gừ một tiếng không khác gì tiếng ầm ì trong lòng núi lửa. Nó vặn đầu sang bên này rồi vẹo sang bên kia như dường muốn tìm kiếm những âm thanh giờ đã chìm tắt trong mù sương. Nó đăm đăm nhìn vào ngọn hải đăng. Nó lại gầm gừ. Và rồi, đôi mắt toé lửa, nó dựng thẳng thân hình lên, nện đuôi xuống mặt nước, và xông thẳng đến ngôi tháp; đôi mắt tràn trề một nỗi đớn đau căm hận.

– McDunn! – Tôi thét lên. – Mở còi đi!

McDunn mò mẫm chiếc nút công tắc. Nhưng ngay lúc chú bật còi lên thì con quái vật đã vươn thẳng người trên hai chân sau. Tôi thoáng nhìn thấy hai bàn chân trước khổng lồ của con vật, làn da cá trơn loang loáng nước trong những màng chân vịt nối giữa các móng vuốt chĩa ra vồ vào ngọn tháp. Con mắt to tướng phía bên phải cái đầu con thú đau khổ loé sáng ngay trước mặt tôi tựa một vạc dầu chờ đợi tôi rơi tõm xuống, gào rú. Tháp hải đăng rung chuyển. Tiếng Sương Mù gào lên; con quái vật gào lên. Nó tóm lấy ngọn tháp, răng nghiến vào lớp kính bao quanh. Kính vỡ nát rơi rào rào trên đầu chúng tôi.

– Xuống dưới mau! – McDunn tóm chặt cánh tay tôi.

Ngôi tháp rung chuyển, lắc lư, và bắt đầu nghiêng ngả. Tiếng Sương Mù cùng tiếng gào con thú ầm vang. Chúng tôi lảo đảo nửa chạy nửa lăn xuống thang lầu.

– Mau lên!

Chúng tôi xuống đến chân thang vừa lúc cả tháp hải đăng đổ ập. Chúng tôi nấp vào một hầm đá nhỏ dưới gầm cầu thang. Hàng nghìn chấn động rung rền khi đá dội xuống như mưa. Tiếng Sương Mù câm bặt bất ngờ. Con quái vật giày xéo lên ngôi tháp. Ngọn hải đăng tan tành. McDunn và tôi cùng quỳ thụp xuống, bám vào nhau thật chặt, trong lúc cả thế giới bùng nổ.

Rồi tất cả kết thúc, không còn gì ngoài bóng tối và tiếng sóng xạc xào trên đá hoang.

Cùng với một âm thanh khác.

– Nghe kìa, – McDunn lặng lẽ bảo, – nghe kìa.

Chúng tôi chờ một lúc. Và tôi bắt đầu nhận ra. Thoạt tiên chỉ là một tiếng hút không khí phì phò cực mạnh, rồi đến tiếng ai oán, tiếng ngỡ ngàng, tiếng lẻ loi của con quái vật khổng lồ đang nằm khoanh ngay trên đầu chúng tôi, chỉ cách một bức tường đá của căn hầm trú ẩn, gần đến mức ngửi được mùi tanh hôi nồng nặc của thân thể con thú tràn ngập không khí. Con thú thổn thức gào thét. Ngôi tháp không còn nữa. Ánh hải đăng đã tắt. Cái vật đã kêu gọi nó qua cả triệu năm đã biến mất. Và con quái vật ngoác mồm bật ra những âm thanh lồng lộng. Những âm thanh của Tiếng Sương Mù, lập đi lập lại. Đêm ấy ngoài khơi, những con tàu lướt qua không tìm thấy ánh hải đăng, không nhìn thấy gì nhưng vẫn nghe được những âm thanh khuya khoắt ấy chắc phải nghĩ rằng: Kìa, cái âm thanh cô đơn, tiếng còi trên Vịnh Tịch Liêu. Tốt cả, chúng ta đã đi vòng quanh mũi đất.

Con thú cứ gào thét như thế suốt đêm.

Mặt trời bỏng cháy, rực vàng vào chiều hôm sau khi đội cứu hộ đến nơi bới đất đá đưa chúng tôi ra khỏi căn hầm.

– Ngọn hải đăng đổ sập, vậy thôi. – McDunn nghiêm nghị nói. – Mấy con sóng lớn nện vào, thế là nó nát bấy. – Chú vừa nói vừa cấu vào tay tôi.

Chẳng còn gì để xem. Biển lặng, trời xanh. Điều duy nhất đáng lưu ý là mùi tảo tanh hôi nồng nặc bốc ra từ chất nhầy nhớt xanh phủ lên những tảng đá của ngôi tháp tan tành và đá trên bãi biển. Những con ruồi vo ve bay quanh. Đại dương xua vào bờ những đợt sóng trống vắng.

Năm sau, người ta xây một ngọn hải đăng mới, nhưng vào lúc đó tôi đã nhận việc làm trong một thị trấn nhỏ, đã có vợ và một mái nhà con con êm ấm sáng ánh đèn những đêm thu, cửa nẻo khoá chặt, bếp lò phập phồng thở khói. Còn McDunn, chú là người điều hành ngọn hải đăng mới, làm bằng bê–tông cốt thép kiên cố theo những quy cách do chính chú đề ra.

– Để phòng hờ…, – chú nói.

Ngọn hải đăng mới sẵn sàng hoạt động vào tháng Mười Một. Một đêm, tôi một mình lái xe đến và tắt máy ngắm nhìn mặt nước xám đen, lắng nghe âm thanh mới của chiếc còi báo sương, tự động lên tiếng xa xa ngoài kia, một, hai, ba, bốn nhịp một phút…

Còn con quái vật?

Nó không bao giờ trở lại.

– Nó đã ra đi, – McDunn bảo. – Nó đã trở về với Thẳm Sâu. Nó đã biết rằng không ai có thể yêu thương một điều gì quá thiết tha trên đời này. Nó đã trở về đáy vực ngút ngàn nhất của Thẳm Sâu để đợi chờ thêm triệu năm nữa. Ôi, tội nghiệp nó! Chờ đợi tít ngoài kia, chờ đợi mãi, trong khi con người đến và đi trên hành tinh bé nhỏ thảm hại này. Đợi chờ mãi không thôi.

Tôi ngồi trong xe, lắng nghe. Tôi không nhìn thấy được ngọn hải đăng hay ánh đèn nổi bật trên Vịnh Tịch Liêu. Tôi chỉ có thể nghe Tiếng Sương Mù, Tiếng Sương Mù, Tiếng Sương Mù… Nó âm vang giống hệt tiếng con quái vật ấy đang réo gọi.

Tôi ngồi yên ước gì mình có thể nói được một lời nào đó.

Đăng Thư dịch

Nguyên tác: “The Fog Horn” (1951)

Tiếng Sương Mù - 1
Cảnh trong phim The Beast from 20,000 Fathoms, 1953, dựa trên truyện ngắn “Tiếng Sương Mù”.
Masaki no toutai
Cảnh trong phim Pokemon, “Ngọn hải đăng của Masaki”, lấy cảm hứng từ “Tiếng Sương Mù”.

Chấm sao chút:

Đã có 3 người chấm, trung bình 5 sao.

Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3

Người góp chữ

Đăng Thư

Đăng Thư là một bút danh dịch thuật của Trần Đức Tài, sống ở Đà Lạt, có dịch phẩm đầu tay xuất bản từ 1988 và vẫn tiếp tục dịch lai rai.

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*