Lịch sử Sci Fi qua các thời kỳ

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi
Thời gian đọc: 11 phút

(Bài viết thuộc Zzz Review số 7, 21-1-2020)

Proto Science Fiction

Proto Science Fiction, hoặc Precursors of Science Fiction, là các tác phẩm tiền thân của Sci Fi, có sử dụng những yếu tố mang tính khoa học viễn tưởng, nhưng ra đời trước khi nó được tách thành một dòng riêng biệt.

Mặc dù Sci Fi thường được công nhận là chính thức ra đời với tác phẩm Frankenstein của Mary Shelley (1818), rất nhiều học giả và tác giả Sci Fi nổi tiếng nói rằng nguồn gốc Sci Fi bắt đầu từ các truyền thuyết, huyền thoại cổ đại. Tất cả những truyện này đều là Fantasy, nhưng có một vài chi tiết làm nền tảng cho một số mô típ mà về sau khoa học viễn tưởng sử dụng nhiều. Chẳng hạn câu chuyện về Noah trong Kinh Thánh và câu chuyện về Gilgamesh đều có sử dụng một trận lũ để tàn phá thế giới, tiền đề cho các câu chuyện Tận thế và Hậu tận thế ngày nay. Truyện cổ tích Nhật Urashima no ko có anh chàng đi xuống thuỷ cung, trở về thì đã hàng trăm năm trôi qua, tiền đề cho du hành thời gian. Taketori Monogatari kể về công chúa mặt trăng xuống Trái Đất để tránh chiến tranh và sau này quay trở về nhà, tiền thân của mô típ người ngoài hành tinh…

Qua được thời cổ đại, sang đến thời Trung Cổ thì bắt đầu phần khoa học nổi trội hơn một chút. Các yếu tố như rô bốt, máy móc tự động xuất hiện nhiều, và các nhà văn bắt đầu sử dụng kiến thức khoa học để giải thích cho các điều phi lý. Tuy nhiên, thời đó chiêm tinh với trích máu cũng được coi là “khoa học”, thế nên nó vẫn mang nặng yếu tố Fantasy. Chẳng hạn trong Nghìn lẻ một đêm (thế kỷ thứ 10), câu chuyện The City of Brass kể về một nền văn minh đã mất với các thiết bị tự động, các “con rối” hoạt động không cần dây, và còn cả rôbốt mang nhân dạng, ngựa bằng đồng có thể bay ra ngoài vũ trụ. Theologus Autodidactus (khoảng năm 1270) của học giả Ả Rập Ibn al-Nafis có nhắc đến thảm họa tận thế, hồi sinh, kiếp sau… nhưng đều được giải thích bằng kiến thức về sinh học, giải phẫu, thiên văn, chiêm tinh, địa chất học. Trường thi Roman de Troie của Benoît de Sainte-Maure (khoảng năm 1160), viết về cuộc chiến thành Troy có nhắc đến Chambre de Beautes với 4 cỗ máy khác nhau, biết làm 4 trò phi thường khác nhau. Confessio Amantis của John Gower (khoảng năm 1399) có nhắc đến việc Alexander Đại Đế chế ra một khối cầu dùng để lặn xuống nước…

Sang đến Thời Đại Khai Sáng (Thế kỷ 16-18) thì các phát kiến khoa học mới lạ xuất hiện nhiều, và bùng nổ ra hàng loạt tác phẩm với khoa học nắm phần chủ chốt. Chẳng hạn Somnium của Johannes Kepler (1634) viết về hành trình lên mặt trăng, và được Carl Sagan cùng Isaac Asimov gọi là tác phẩm Sci Fi đúng nghĩa đầu tiên trên đời. Mô típ lên thăm mặt trăng (và về sau là các hành tinh khác) cũng được nhiều nhà văn đương thời sử dụng, một số còn thể hiện nền văn minh trên đó tiến bộ hơn hẳn nền văn minh của Trái Đất. Ngoài ra một số mô típ mới cũng ra đời, hoặc mô típ cũ được cải thiện hơn. Chẳng hạn The Tempest của Shakespeare (1611) là mô típ nhà khoa học điên, The Description of a New World, Called the Blazing-World của Margaret Cavendish (1666) là về Utopia, Voyages et Aventures de Jacques Massé của Simon Tyssot de Patot (1710) là về một thế giới thất lạc, L’An 2440 của Louis-Sébastien Mercier (1771) là về xã hội tương lai.

Sau giai đoạn đó thì bắt đầu đến giai đoạn Scientific Romance của thế kỷ thứ 19. Nhiều người hay gộp chung cả nó vào giai đoạn Proto Science Fiction, nhưng vì nó là lúc Frankenstein ra đời, khi Sci Fi chính thức thành dòng riêng, thế nên sẽ tách riêng nó ra để nói.

Lịch sử - 1
Chân dung Mary Shelley, tranh của Richard Rothwell. Hình ảnh thuộc phạm vi công cộng.

Scientific Romance

Như đã nói ở bài trước, Thời Đại Khai Sáng bùng nổ rất nhiều phát kiến khoa học, và các nhà văn bắt đầu dựa trên các nền tảng ấy để viết truyện. Sang thế kỷ 19 thì cái xu hướng đó càng phát triển mạnh mẽ hơn, và nổi bật nhất phải kể đến Frankenstein (1818) của Mary Shelley. Mặc dù lúc ra đời thì nó được coi là truyện kinh dị Gothic (và bây giờ vẫn có thể gọi nó là như thế), ngày nay nó được coi là tác phẩm Sci Fi đúng nghĩa đầu tiên trên đời. Nó đánh dấu một bước ngoặt trong Sci Fi, lúc Sci Fi bắt đầu khó có thể quy gọn vào trong bất kỳ dòng nào khác được nữa.

Mặc dù bây giờ cái dòng văn này đã trở nên hết sức tách biệt và riêng rẽ, nó vẫn chưa có một cái tên chung nhất nào. Thế rồi vào khoảng những năm 1840, thuật ngữ “scientific romance”, tức khoa học lãng mạn, bắt đầu được dùng để nhận xét về các tác phẩm kiểu này. Nó dần dần được dùng để chỉ các tác phẩm với bản chất là khoa học hư cấu, và để chỉ trích cả các ấn bản khoa học thiếu cơ sở.

Điển hình nhất cho giai đoạn này là hai nhà văn Jules Verne và H. G. Wells. Họ viết hàng loạt các tác phẩm Sci Fi rất nổi tiếng, rất có tài nhìn xa trông rộng. Trong đó thì Verne viết các truyện mang tính chất phiêu lưu, còn Wells thì dùng khoa học để viết các tác phẩm chỉ trích xã hội. Mặc dù truyện của Verne vì mang nhiều chất phiêu lưu hơn nên hợp với phần “romance” trong “scientific romance” hơn, nhưng Wells mới là người dùng cái thuật ngữ đó nhiều hơn cả, giúp định vị nó trong tâm trí người đọc.

Mặc dù bây giờ, mỗi khi nhớ đến Scientific Romance thì người ta thường nhắc đến tên hai đại văn hào kia, nhưng điều ấy không có nghĩa họ một mình một đất trong giai đoạn ấy. Cực kỳ nhiều tác giả khác cũng tham gia xây dựng Sci Fi thời kỳ này, trong đó có Arthur Conan Doyle (tác giả Sherlock Holmes) với series về giáo sư Challenger; Rudyard Kipling (tác giả The Jungle Book) với những bài thơ và truyện ngắn Sci Fi khiến cho Campbell (người mở ra Thời Đại Hoàng Kim của Sci Fi) phải gọi ông là “nhà văn Sci Fi hiện đại đầu tiên”; Mark Twain (tác giả Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer) với đề tài du hành thời gian trong A Connecticut Yankee in King Arthur’s Court; L. Frank Baum (tác giả Phù thuỷ xứ Oz) với nỗ lực “khoa học hoá” thế giới xứ Oz của chính mình; Jack London (tác giả Nanh trắng) với hàng loạt truyện về Dystopia, Apocalypse; Olaf Stapledon (đại thụ của làng Sci Fi) nổi tiếng với những tác phẩm về “lịch sử” tương lai thế giới và loài người…

Ngoài ra, giai đoạn này cũng là lúc một loại hình nghệ thuật mới xuất hiện: điện ảnh. Phát súng mở màn là Le Voyage dans la Lune (1902) của Georges Méliès, tác phẩm phim khoa học viễn tưởng đầu tiên trên thế giới, với những kỹ xảo hết sức đột phá, mở đường cho việc chuyển thể và thực hiện các bộ phim Sci Fi khác. Theo chân nó là hàng loạt các phim chuyển thể hoặc lấy cảm hứng từ các tác phẩm Sci Fi tiêu biểu, chẳng hạn Frankenstein (1910) và Bác sĩ Jekyll và ông Hyde (1913) – những bộ phim đầu tiên mang mô típ nhà khoa học điên lên màn ảnh; Hai vạn dặm dưới đáy biển(1916) – phim khoa học viễn tưởng dài đầu tiên trên thế giới, đồng thời cũng là bộ phim đầu tiên quay dưới nước; The Lost World (1925) – một trong những bộ phim ứng dụng kỹ thuật stop-motion đầu tiên, Metropolis (1927) – bộ phim kinh phí cao nhất thời bấy giờ…

Lịch sử - 2
Cảnh trong phim Le Voyage dans la Lune (1902) của đạo diễn Georges Méliès.

Golden Age Science Fiction

Theo sau Scientific Romance là đến Golden Age of Science Fiction, dịch ra là Thời kỳ Hoàng kim của Khoa học Viễn tưởng, kéo dài từ cuối thập niên 30 đến tận những năm 1950 tại Mỹ.

Trong thời kỳ Scientific Romance, Sci Fi ít nhất đã được coi là một dòng văn riêng biệt, và bắt đầu có một số tạp chí chuyên đăng tải các truyện SFF (viễn tưởng và kỳ ảo) hoặc chỉ riêng về SF. Tuy nhiên, Sci Fi lúc ấy vẫn như đứa trẻ chập chững biết đi, chưa khẳng định được mình là một dòng văn “cao cấp”, gần như chỉ xuất hiện trên các tờ “pulp magazine”, tức tạp chí in giấy báo rẻ tiền, và bị coi là dòng văn có mức giá trị ngang cái loại giấy bọn nó được in, và không được nhiều người biết đến.

Đến khoảng cuối những năm 1930 thì có một thay đổi lớn xuất hiện: John W. Campbell trở thành chủ bút tạp chí Astounding Science Fiction. Dưới sự lãnh đạo của Campbell, Astounding Science Fiction cho đăng tải hàng loạt các tác phẩm Sci Fi thú vị và mới lạ, và giúp gầy dựng sự nghiệp của vô số nhà văn nổi tiếng như Isaac Asimov, Robert A. Heinlein, A. E. van Vogt,… Những gì Campbell thực hiện được có tiếng vang lớn đến mức làm cho Sci Fi… vẫn bị coi là rẻ tiền, nhưng được đông đảo công chúng biết đến. Nhiều người lấy luôn năm 1938, cái năm John W. Campbell chính thức thế chân F. Orlin Tremaine với vai trò chủ bút Astounding Science Fiction (Campbell thực chất làm chủ bút từ năm 1937 dưới sự giám sát của Tremaine) làm năm bắt đầu của cái giai đoạn này.

Lịch sử - 3
Bìa tạp chí Astounding Science Fiction, vol 21, #1

Rất nhiều môtíp và thuật ngữ Sci Fi vẫn còn được sử dụng rất nhiều ngày nay được ra đời và phát triển trong Thời kỳ Hoàng kim, chẳng hạn E. E. “Doc” Smith gần như một tay gầy dựng toàn bộ dòng Space Opera, hay Isaac Asimov giới thiệu ba định luật về rôbốt học kinh điển của mình trong truyện ngắn “Runaround”… Trong giai đoạn này, các tác phẩm bắt đầu dần không còn quá đặt nặng vẽ ra các thứ khoa học “trên trời” nữa, mà chuyển sang khắc họa nhân vật nhiều hơn. Tất nhiên không đặt nặng không có nghĩa là lờ hẳn nó đi. Các tác phẩm Sci Fi Hoàng kim vẫn đưa ra những phát minh, sáng kiến khoa học rất dễ gây “choáng”, và khoa học trong các tác phẩm này gần như lúc nào cũng tốt đẹp, luôn là lời giải cho mọi vấn đề. Các tác phẩm giai đoạn này gây ảnh hưởng rất lớn đến các thế hệ những người sinh ra và lớn lên trong thời kỳ Thế Chiến II và Chiến tranh Lạnh.

Bắt đầu đến những năm 50, thấy Sci Fi được chú tâm nhiều, và chưa kể các sự kiện như thả bom nguyên tử 1945, Nga phóng thành công Sputnik 1 năm 1957 và khơi ngòi cuộc chạy đua lên vũ trụ khiến cho đông đảo công chúng trở nên quan tâm đến khoa học và những điều kỳ diệu nó có thể tạo ra, các nhà xuất bản và truyền thông chính thống bắt đầu để ý đến dòng này. Trong quá trình dần tiến vào “mainstream”, để bỏ bớt cái hình ảnh rẻ tiền, “pulpy” hồi trước, Sci Fi bắt đầu tiến hoá tiếp, và cái thời đại Golden Age bắt đầu khép lại.

New Wave Science Fiction

New Wave là giai đoạn phát triển tiếp theo của Sci Fi, diễn ra vào giai đoạn thập niên 60 và 70, và có thể coi là lúc Sci Fi bắt đầu dậy thì.

Cái thuật ngữ “New Wave”, dịch thô ra là “Làn sóng Mới”, là một từ mượn từ phong trào làm phim Nouvelle Vague của Pháp. New Wave đặc biệt ở một chỗ là nó không phải là bước “tiến hoá” của Sci Fi theo cái nghĩa nó kế thừa và phát huy những truyền thống cũ. Phong trào này là cuộc nổi loạn của cộng đồng khoa học viễn tưởng.

Vào khoảng giữa những năm 60, Sci Fi bắt đầu trở nên tù đọng. Bản thân thị trường Sci Fi lúc ấy không hề thụt lùi, mà trái lại ngày càng có nhiều nhà văn mới xuất hiện, độc giả mới trở thành fan, và nhà xuất bản mới nhòm ngó đến. Chỉ có điều cái lối viết văn của Pulp Sci Fi càng lúc càng trở nên nhàm chán, giới hạn, quanh đi quẩn lại chỉ có từng ấy thứ. Người đọc đọc vào thấy mệt, mà đến nhà văn viết ra cũng thấy mệt. Nói tóm lại, cái dòng văn được xây dựng dựa trên tưởng tượng ra những điều mới mẻ của tương lai khi ấy đã trở thành một cặp còng, giữ cứng tất cả mọi người trong một cái nhà tù luẩn quẩn.

Và thế là các nhà văn bắt đầu phá cái còng ấy đi và vượt ngục. Họ nhìn sang các dòng văn “chính thống” khác, và bắt đầu thử viết Sci Fi sao cho “văn hơn”. Khoa học bắt đầu trở thành yếu tố phụ trội, muốn giải thích kiểu gì cũng được, và thậm chí “nồng độ” khoa học còn giảm hẳn xuống. Cách nhìn nhận về thế giới bị lật ngược, lộn trái, xếp xen kẽ, trải phẳng, vun đống…; nhân vật không còn là chuẩn men nam tính bắn giết người ngoài hành tinh và bem gái tối ngày nữa (nói cách khác là không còn giống James Bond), mà chuyển sang đóng đủ loại vai quái lạ khác nhau; cấu trúc cốt truyện không còn thẳng đuột Thiện vs Ác hay Phe ta vs Phe nó nữa, mà chạy loằng ngoằng với đủ phép ẩn dụ về vô số đề tài trên đời… Các nhà văn tham gia vào phong trào này hay tự coi mình là những nhà văn tân thời, và gọi các câu chuyện pulpy ngày xưa là… pulpy: ù lì, trẻ con, ngớ ngẩn, vụng về.

New Wave khó xác định điểm bắt đầu và điểm kết thúc hơn hẳn mọi giai đoạn khác, căn bản bởi vì các nhà văn chỉ đơn thuần thấy quá khó chịu vì cứ phải đi theo lối mòn nên họ tự động tẽ ra, thử khai phá các con đường mới, và về sau chúng ta nhìn lại thì gọi những gì họ làm là “phong trào” thôi. Nhiều người hay coi Michael Moorcock, chủ bút tạp chí New Worlds, là người khơi dậy toàn bộ phong trào vào năm 1964. Sau đó thì hai tuyển tập truyện ngắn ra đời, England Swings SF do Judith Merril biên soạn và Dangerous Visions do Harlan Ellison biên soạn, và chúng khiến phong trào bùng nổ mạnh mẽ. Đặc biệt Dangerous Visions, tuyển tập mà Harlan Ellison bảo là bao gồm những câu chuyện “không nơi nào khác cho đăng”, đã giúp cái phong trào vươn hẳn ra ngoài lãnh thổ nước Anh, và làm dậy sóng cả cộng đồng Sci Fi thế giới. Thế rồi dần dần, phong trào này cũng lại hết hơi, bởi vì cái kiểu phá cách của New Wave thực tình mà nói là phá hơi quá đà, thế nên khá kén người đọc. Và cuối cùng các nhà văn dần viết “thuần” lại, độ chính xác khoa học lại bắt đầu được coi trọng, và New Wave dần biến mất. Kể cả sau khi đã kết thúc, sức ảnh hưởng của New Wave vẫn còn lưu lại rất lâu. Nó đã giúp giải phóng Sci Fi, giới thiệu nhiều ý tưởng và phong cách viết văn mới mà đến nay vẫn còn dùng.

Sau giai đoạn này thì sẽ đến lượt hai giai đoạn gần đây nhất là Cyberpunk và Post-Cyberpunk. Bởi vì hai giai đoạn này gần như độc lập thành cả một dòng riêng rồi, nên đã có bài riêng bàn về chúng.

Lịch sử - 4
Bìa tuyển tập Dangerous Visions do Harlan Ellison biên soạn.

Long Nguyễn

(Tập hợp một số bài viết trên group Hội thích truyện Sci Fi)

Chấm sao chút:

Đã có 1 người chấm, trung bình 5 sao.

Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3

Người góp chữ

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi

1 Trackbacks & Pingbacks

  1. Notes on Ted Chiang’s “The Story of Your Life” (2000), pt. 1 – Alice in HK land

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*