“Khoa huyễn, thần thoại thời hiện đại”: Phỏng vấn Lưu Từ Hân, tác giả bộ ba Tam Thể

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi
Thời gian đọc: 25 phút

(Bài viết thuộc Zzz Review số 7, 21-1-2020)

Recall This Book là một podcast về sách do các giảng viên Đại học Brandeis, Massachusetts, Mỹ thực hiện, với tiêu chí “tìm hiểu các vấn đề của xã hội đương đại thông qua các cuốn sách đã hình thành nên thế giới để lại cho chúng ta”, với sự chủ trì của giáo sư Văn học Anh John Plotz và giáo sư Nhân học Elizabeth Ferry. Ngày 18/5/2019, họ đã có cuộc chuyện trò với Lưu Từ Hân, tác giả bộ sách Tam Thể nhân dịp ông được Đại học Brandeis trao bằng danh dự. Bản ghi âm cuộc trò chuyện bằng tiếng Trungbản dịch tiếng Anh có thể nghe trên trang chủ của podcast, cùng với bình luận về sau của hai người phỏng vấn.

Zzz Review dịch đăng với sự đồng ý của giáo sư John Plotz. Tiêu đề do chúng tôi đặt.

Lưu Từ Hân - 2
Từ trái sang: giáo sư John Plotz, nhà văn Lưu Từ Hân, giáo sư Wang Pu. Ảnh của Recall This Book.

JOHN PLOTZ

Chào mừng đến với Recall This Book. Người dẫn chương trình hôm nay là tôi, John Plotz, con nghiện Scifi lâu năm và fan cứng của Lưu Từ Hân, cùng bạn tôi là giáo sư Wang Pu, tác giả cuốn The Translatability of Revolution do Harvard University Press ấn hành, vừa vào biên chế phó giáo sư văn học Đức-Nga-Á tại trường Đại học Brandeis chúng tôi.

Hôm nay chúng tôi đặc biệt hân hạnh được phỏng vấn tác giả khoa học viễn tưởng Trung Quốc nổi tiếng Lưu Từ Hân, tác giả tam bộ khúc khoa huyễn đình đám và thực sự rối óc Tam Thể. Năm ngoái các đồng nghiệp ở khoa tôi đã tổ chức hội thảo kéo dài một ngày về bộ sách, và hôm nay Lưu Từ Hân được mời đến nhận bằng danh dự ở trường Brandeis. Chúng tôi rất vui mừng vì đáp lại, ông đã dành cho chúng tôi vinh dự tới viếng thăm hang ổ trong hầm của chúng tôi. Chào ông Lưu, ní hảo huan yíng.

LƯU TỪ HÂN

Ní hảo.

JOHN PLOTZ

Pu và tôi đã cùng soạn các câu hỏi, nhưng tôi sẽ hỏi bằng tiếng Anh và Pu sẽ dịch câu trả lời của ông Lưu. Xin được bắt đầu. Thưa ông Lưu Từ Hân, khi lần đầu viết văn, ông đã viết gì và tới lúc nào thì ông bắt tay vào viết khoa học viễn tưởng?

LƯU TỪ HÂN

Quá trình viết truyện khoa huyễn của tôi là như thế này. Từ trước đến nay tôi chỉ viết có truyện khoa huyễn, chưa từng viết, cũng không biết viết các loại truyện khác. Tôi nghĩ mình từ một fan khoa huyễn trở thành một tác giả khoa huyễn. Có lẽ tôi thuộc vào thế hệ đầu tiên trở thành fan khoa huyễn một cách có ý thức tự giác ở Trung Quốc, muốn trở thành tác giả khoa huyễn chứ không gì khác.

Ở đây tôi muốn phân biệt rõ giữa fan khoa huyễn và tác giả khoa huyễn. Tôi là một fan cuồng của sách khoa huyễn, và đấy là một tiểu văn hóa (á văn hóa) mới ở Trung Quốc. Có lẽ tôi thuộc vào thế hệ đầu tiên các fan khoa huyễn một cách có ý thức. Tác giả khoa huyễn trước tôi thì cũng có. Nhưng tôi nghĩ nếu nói về tiểu văn hóa đọc khoa huyễn, thì chúng tôi là thế hệ đầu tiên có ý thức tự giác như vậy.

JOHN PLOTZ

Vâng. Thưa ông Lưu, thực ra tôi muốn hỏi thêm về điều đó. Đây là một vấn đề rất thú vị. Ông có thể nói rõ hơn tiểu văn hóa đó tồn tại dưới hình thức nào không? Có các tạp chí nào liên kết họ, hay có một bộ phận giao lưu trên mạng, hay là sách dịch, hay sách của các nhà văn Trung Quốc khác? Có mối dây thực hữu nào khiến cho mọi người trở thành một fandom, một thành viên của một nhóm?

LƯU TỪ HÂN

Tôi mê khoa huyễn từ hồi rất nhỏ, có thể nói là từ lúc còn học cấp một. Đấy là giai đoạn những năm cuối Cách mạng văn hóa. Không hề có tạp chí khoa huyễn, tất nhiên các hình thức truyền thông này nọ càng không có, thậm chí với người thời đó còn chưa có khái niệm khoa huyễn. Hồi đó tôi đọc các sách khoa học viễn tưởng dịch sang tiếng Trung từ những năm 50, thời Trung Hoa dân quốc mới thành lập. Thời kỳ đầu xã hội chủ nghĩa. Đấy là một giai đoạn tương đối cởi mở về mặt văn hóa. Vào những năm 50, rất nhiều sách khoa học viễn tưởng phương Tây đã được dịch sang tiếng Trung. Cha tôi mua những sách đó, rồi tới hồi kỳ Cách mạng văn hóa thì các sách đó thành ra bị cấm, hoặc coi là không đứng đắn. Cha tôi cất hết dưới gầm giường. Hồi nhỏ tôi thường chui vào gầm giường và mở sách đó ra đọc. Trong đó có Jules Verne, H. G. Wells, và nhiều tác giả khoa học viễn tưởng Liên Xô.

JOHN PLOTZ

Thật vậy sao? Khoa học viễn tưởng Liên Xô hả? Hay thật. Và thế cái cộng đồng đọc sách đó, fandom đó chủ yếu là thiếu niên trai, hay là cả trai lẫn gái, hay là đàn ông, thanh niên và phụ nữ? Có những ai khác là fan của truyện viễn tưởng?

LƯU TỪ HÂN

Việc đọc sách của tôi mang tính cá nhân rất riêng tư, hồi đó tôi còn không dám cho người khác biết. Có các bạn trẻ nam hay nữ nào cũng đọc như vậy không, thì tôi hoàn toàn không biết gì cả. Bởi tôi một mình đọc sách như vậy giống như sống trên đảo hoang, một tình cảnh rất cô độc.

JOHN PLOTZ

À. Vâng. Cảm ơn ông. Tôi nghĩ câu hỏi thứ hai cũng có liên quan đến điều này, đấy là ông chịu ảnh hưởng của các nhà văn nào. Và ông vừa kể vì sao mà ông biết được vài người trong số đó. Và câu hỏi có liên quan là có những ai khác, nhà thơ, họa sĩ hay đạo diễn cũng có tác động đến ông như Jules Verne và H. G. Wells?

LƯU TỪ HÂN

Các nhà văn có ảnh hưởng lớn đến tôi có thể chia ra làm hai loại chính. Một là các nhà văn chủ lưu, được suy tôn. Thứ hai là nhóm các nhà văn khoa huyễn. Văn học chủ lưu thì ảnh hưởng lớn nhất là văn học Nga, các tác giả Nga thời hoàng kim. Một trong những nguồn ảnh hưởng chính chắc chắn là Tolstoy.

Tôi có hồi đã hiểu lầm, cũng như rất nhiều người khác đã có hiểu lầm tương tự. Tôi cho ảnh hưởng của văn học Nga đối với mình là vấn đề thời đại, bởi với những người thế hệ tôi ở Trung Quốc thì tiếp nhận văn hóa Nga khá nhiều, đấy là hoàn cảnh đặc thù của lịch sử. Nhưng sau này tôi nhận ra không phải thế. Thời kỳ đọc sách tích cực nhất của tôi lại là giai đoạn lên cấp hai, ba. Lúc đó Trung Quốc đã bước vào giai đoạn cải cách mở cửa, rất nhiều tác phẩm phương Tây đã được giới thiệu, được dịch ở Trung Quốc, có rất nhiều sản phẩm văn hóa phương Tây được dịch và xuất bản, trong đó có Tây Âu, Mỹ, như có Nga. Tôi nghĩ bây giờ nhìn lại thì ảnh hưởng của văn học Nga đến tôi lớn như vậy, đặc biệt là Tolstoy, có lẽ chỉ là do điều kiện cá nhân của tôi.

JOHN PLOTZ

Vâng. Điều này cũng thật thú vị. Hiện giờ tôi cũng đang đọc Chiến tranh và hòa bình và nghĩ đến tài xây dựng thế giới của ông, giống như Tolstoy dựng lên không gian cho chiến tranh, rồi không gian cho hòa bình, có vẻ chúng rời rạc với nhau, nhưng rồi chúng lại tạo thành một thể thống nhất. Ông có thể nói thêm, so sánh thêm về tác phẩm của mình với Tolstoy được không? Tôi thấy nhận định này rất chí lý.

LƯU TỪ HÂN

Tôi cũng vậy. Tác phẩm tôi thích nhất của Tolstoy cũng là Chiến tranh và hòa bình. Tôi nghĩ có hai lý do chính làm tôi rất mê Chiến tranh và hòa bình. Thứ nhất, tất nhiên là những miêu tả toàn cảnh về lịch sử mà Tolstoy vẽ ra, đại tự sự kiểu đó khiến tôi thấy rất mê hoặc. Lý do thứ hai là ấn tượng rất rõ rằng nó bắt rễ trong mảnh đất Nga, một cảm giác rất sâu đậm. Trong những sáng tác về sau này của tôi luôn có bóng dáng và tiếng vọng của Chiến tranh và hòa bình, nhưng tôi thấy đó chỉ là những bản sao bắt chước thua kém xa.

JOHN PLOTZ

Tốt lắm. Phần cuối câu hỏi đó nói về mặt tinh thần, triết học hoặc thần học. Và ông có thể coi là đã miêu tả Tolstoy có tác động về mặt triết học đối với ông, nhưng liệu còn có tác giả về triết hay nào khác…

LƯU TỪ HÂN

Trước khi chuyển sang câu hỏi về triết học và tâm linh, tôi xin trở lại vấn đề phim. Nhà làm phim có ảnh hưởng lớn nhất đối với tôi là Kubrick. Tất nhiên 2001 là một tác phẩm kinh điển và tôi thích. Nhưng mọi tác phẩm của ông đều có tác động to lớn đối với tôi. Nếu tôi không nhầm thì năm nay tròn 60 năm ngày ra đời 2001.

JOHN PLOTZ

Chắc là 50 năm? 1969?

MV5BMmNlYzRiNDctZWNhMi00MzI4LThkZTctMTUzMmZkMmFmNThmXkEyXkFqcGdeQXVyNzkwMjQ5NzM@._V1_
Poster phim 2001: A Space Odyssey

LƯU TỪ HÂN

Với một fan khoa huyễn như tôi thì cuốn phim ấy chẳng khác gì Kinh Thánh. Tháng trước tôi đã cùng đi xem bản phục chế kỹ thuật số cùng rất nhiều tác giả và nhà phê bình khoa huyễn ở Bắc Kinh.

JOHN PLOTZ

Tôi cũng vừa xem với con gái.

LƯU TỪ HÂN

Tất cả chúng tôi đi xem với tâm thế không phải xem phim, mà là hành hương về đất thánh (cười). Tôi hâm mộ rất nhiều nhà thơ họa sĩ khác, nhưng ảnh hưởng của họ đối với tôi không thể lên được tầm Kubrick.

JOHN PLOTZ

Ồ, tôi hiểu.

LƯU TỪ HÂN

Giờ hãy chuyển sang câu hỏi triết học và thần học. Trước hết phải nói là tôi vô thần, nên tôn giáo đối với tôi có lẽ không ảnh hưởng mấy. Nên tôi sẽ nói về ảnh hưởng của triết học đối với tôi. Ảnh hưởng của triết học đối với tôi khá sâu sắc. So với khoa học thì xét về bình diện cấu trúc của nhận thức, triết học giống với hoặc gần với truyện khoa huyễn hơn.

JOHN PLOTZ

Tôi đồng ý.

LƯU TỪ HÂN

Tại sao nói vậy, vì trong thế giới quan khoa học, hình ảnh về thế giới chỉ có một, nhưng triết học thì lại khác hẳn. Mỗi triết gia có bức tranh riêng về thế giới. Và các bức tranh này thì hoàn toàn khác nhau, thậm chí có nhiều cái còn hoàn toàn đối lập với nhau. Nếu có một quan sát viên ngoài vũ trụ đến đây nói chuyện với các triết gia của ta, sẽ khó mà tin rằng họ đang nói chuyện về cùng một thế giới, cùng một vũ trụ. Xét về mặt này thì triết học cực kỳ giống với khoa học viễn tưởng, bởi mỗi nhà văn khoa học viễn tưởng khác nhau, thậm chí cùng một nhà văn trong các tác phẩm khác nhau, lại cố gắng tưởng tượng sáng tạo ra những bức tranh thế giới khác nhau.

Như vậy tôi chịu ảnh hưởng từ triết học có thể theo cách khác với những người khác. Những người khác đọc triết học là để giữa các tư tưởng của triết gia có các bức tranh thế giới khác nhau tìm ra một điều mà họ có thể chấp nhận là chân lý của vũ trụ. Nhưng với tôi, tôi chỉ quan tâm triết gia nào đưa ra bức tranh vũ trụ lý thú nhất, hấp dẫn nhất, có tiềm năng khai thác làm câu chuyện nhất. Chính vì thế mà các triết gia đối lập nhau – chủ nghĩa duy tâm, chủ nghĩa duy vật hoặc cái gì đó ở giữa – đối với tôi lại đều là nguồn ảnh hưởng lớn như nhau.

JOHN PLOTZ

Tôi nghĩ điều này vừa hay liên hệ tới câu hỏi tiếp theo của chúng tôi, là về tên gọi khoa huyễn dùng ở Trung Quốc, là khái niệm ghép lại từ “khoa học” và “huyễn tưởng”. Câu hỏi ấy là khoa học nên hiểu như một khái niệm hay một diễn ngôn. Nó có thể chỉ ngành khoa học tự nhiên cụ thể, nhưng cũng có thể nói đến một phương pháp chung cho nhiều ngành. Thưa ông Lưu, tôi nghĩ đây chính là điều ông vừa nói đến, về chủ nghĩa thực chứng hay duy thực trong khoa học. Ngoài ra nó cũng có nghĩa là một thế giới quan, một phương pháp suy nghĩ và lập luận cũng như khai sáng trong thời hiện đại. Nhưng, và điều này rất quan trọng đối với khoa học viễn tưởng, khoa học thường bị đánh đồng với công nghệ, và công nghệ cũng tạo ra bức tranh thế giới riêng của mình. Là một kỹ sư và là một tác giả khoa học viễn tưởng sống trong thế giới công nghệ hậu Einstein ngày nay, ông dùng từ đó theo nghĩa nào, định nghĩa khoa học như thế nào?

LƯU TỪ HÂN

Đây quả là một vấn đề hết sức phức tạp, quan hệ giữa khoa học với công nghệ thật sự rất phức tạp. Thứ nhất là, công nghệ chắc chắn có trước khoa học. Trước khi khoa học hiện đại phát triển, công nghệ đã tồn tại từ rất sớm, nhưng ngày nay sự phát triển của công nghệ phải dựa vào sự phát triển của khoa học. Nói cách khác là ngày nay công nghệ phát triển được đến trình độ nào thì khoa học trở thành một cái trần cho nó, công nghệ không thể vượt qua đó được.

Ngược lại, quan hệ giữa trình độ phát triển của khoa học và trình độ phát triển của công nghệ là như thế nào? Ban đầu, khoa học không hề dựa vào công nghệ, có thể lấy ví dụ cực đoan là thời cổ Hy Lạp, khoa học hoàn toàn chỉ dựa vào logic và tư biện, hầu như không liên quan gì đến công nghệ. Nhưng về sau từ khi Galileo thiết lập phương pháp tư duy của khoa học hiện đại – tức là quá trình nêu giả thiết – thí nghiệm để chứng thực – sửa lại giả thiết đó, nói đơn giản thì là như thế – khoa học đã bắt đầu dựa vào công nghệ, và khoa học càng phát triển thì sự phụ thuộc ấy càng mạnh mẽ.

Ngày nay khoa học tiên tiến, chẳng hạn vật lý học tiên tiến, đã phụ thuộc vào công nghệ ở một mức chưa hề có tiền lệ. Chẳng hạn hiện nay ở Trung Quốc đang tranh luận về chuyện có nên xây máy gia tốc cỡ siêu lớn hay không, có người ủng hộ kẻ phản đối: một mặt khoản đầu tư có thể lên đến 100 tỷ nhân dân tệ, nhưng mặt khác mức năng lượng mà máy gia tốc lớn nhất hiện có có thể đạt được vẫn còn kém mức năng lượng cần thiết để kiểm chứng những lý thuyết vật lý học ước chừng mười một bậc độ lớn, mười một con số 0. Ngày nay người ta gọi khoảng cách năng lượng này là “sa mạc của vật lý học”. Sa mạc thì khó vượt qua, nhưng nếu không vượt sa mạc thì lý thuyết vật lý học tiên tiến không có cách nào tiến lên được. Đây là một ví dụ điển hình về sự phụ thuộc đến cực đoan của khoa học đối với công nghệ.

JOHN PLOTZ

Tôi biết chúng ta còn rất nhiều vấn đề cần bàn bạc nữa, nhưng sẽ rất thú vị nếu nghĩ về toán học theo cùng cách đó. Ông coi toán học là một ngành khoa học hay là cách ly hoàn toàn với khoa học, bởi toán học không cần xác minh thực chứng kiểu như vậy. Người ta có thể làm toán bằng máy tính, nhưng suy nghĩ về vấn đề đó rất thú vị, ông nghĩ toán là một ngành khoa học hay tồn tại bên lề khoa học?

LƯU TỪ HÂN

Câu hỏi này rất thú vị. Quả là có nhiều người nói toán học không phải là một ngành khoa học hiện đại, bởi nó không yêu cầu thực nghiệm. Có thể nói toán học là một trường hợp đặc biệt của khoa học hiện đại, nó không phải một bộ môn chịu sự khống chế của công nghệ.

Nhưng tôi muốn nói thêm về việc ngoài toán học ra thì các ngành khác phụ thuộc vào công nghệ rất nhiều. Về vấn đề này xuất hiện một hiện tượng hết sức tréo ngoe. Ban nãy ta đã nói công nghệ phát triển ngày càng phụ thuộc vào khoa học, khoa học là cái trần của công nghệ, khoa học phải có đột phá trước rồi công nghệ mới đột phá được. Nhưng giờ đây ngược lại khoa học muốn có đột phá lại cần phụ thuộc vào phát triển công nghệ. Ngày trước có một thời đại, khoảng vào thời cách mạng trong ngành vật lý đầu thế kỷ trước, hai đằng có tác động kích thích lẫn nhau, sự phát triển của bên này thúc đẩy bên kia. Tuy nhiên đến nay có lẽ chúng ta lại thấy xuất hiện một tình thế ngược lại: sự phát triển chậm chạp của khoa học, đặc biệt là vật lý học tiên tiến, đang ức chế sự phát triển của công nghệ, và ngược lại sự phát triển chậm chạp của công nghệ lại hạn chế sự phát triển của khoa học. Thời của chúng ta có lẽ là đang xuất hiện tình thế khoa học và công nghệ kiềm tỏa lẫn nhau, thành một cái vòng luẩn quẩn rồi chăng.

Ngày nay, trên cái cây lớn mà khoa học trao cho công nghệ, quả thơm quả ngọt đã bị hái hết rồi, những quả còn lại thì phải với xa hơn nữa, mà cái đó thì không dễ. Bây giờ ngoài công nghệ thông tin ra, không có mấy đột phá trong các ngành công nghệ khác.

JOHN PLOTZ

Có cách nào từ phía ngoài phá vỡ cái vòng luẩn quẩn đó không? Bản thân khoa học viễn tưởng liệu có thể đóng vai trò thay đổi mối quan hệ kiềm tỏa nhau đó? Như là một phương pháp suy nghĩ mới chẳng hạn?

LƯU TỪ HÂN

Anh đã giao cho khoa học viễn tưởng một nhiệm vụ quá cao…

JOHN PLOTZ

Siêu nhân.

LƯU TỪ HÂN

Tôi cho rằng khoa học viễn tưởng là một thể tài của văn hóa đại chúng, không thể đảm đương sứ mệnh cao siêu như vậy được. Nếu nó có thể giúp kích thích trí tưởng tượng của độc giả về khoa học, về vũ trụ, công nghệ, khai mở cho họ suy nghĩ, khiến họ có hứng thú cao hơn, tôi cho đó đã là thành công rất lớn rồi. Việc này thì nó có thể làm được.

JOHN PLOTZ

Vâng. Tôi nghĩ điều này cũng liên hệ tới câu hỏi tiếp theo, đấy là nửa kia của “khoa huyễn” là “huyễn tưởng”. Có vài người diễn giải tác phẩm của ông lại cho rằng Truyện khoa học viễn tưởng có tiềm năng có thể cho biết một chiều khác của thực tại, mà chủ nghĩa hiện thực truyền thống không thể chạm đến được. Văn học hiện thực chủ nghĩa đóng vai trò thế nào trong việc nuôi dưỡng sự phát triển văn chương của ông? Ông có cho rằng khoa huyễn là một thứ chủ nghĩa tân hiện thực không? Samuel R. Delany cho rằng thể loại khoa huyễn nói lên một kiểu thực tại hóa – một ẩn dụ có thể biến thành hiện thực, nhưng người khác lại cho rằng khoa huyễn là thể loại mang tính ẩn dụ tuyệt đối – tất cả đều chỉ là lâu đài trên mây, tuyệt đối không có tính thực tế. Ông nghĩ thế nào về hai quan điểm trái ngược này?

LƯU TỪ HÂN

Cá nhân tôi cho rằng khoa huyễn có rất nhiều loại, không phải đều rập một khuôn mà ra, tiểu loại cũng như phong cách của các truyện khoa huyễn đều khác nhau. Có những truyện khoa huyễn đúng như ông vừa nói, xuất phát từ góc độ khoa huyễn vốn không có trong văn học chủ lưu truyền thống mà phản ánh hiện thực, làm một ẩn dụ về hiện thực, phê phán hiện thực. Lối viết này ở Trung Quốc hiện nay có một tên gọi riêng, các tác giả và nhà phê bình khoa huyễn Trung Quốc gọi là chủ nghĩa hiện thực khoa huyễn. Nhưng bản thân tôi thì không hứng thú gì với việc dùng truyện khoa huyễn để phản ánh, phê bình hay ẩn dụ về hiện thực cả. Đối với tôi thì sáng tác khoa huyễn quý giá ở chỗ, không gì thay thế được chính lại là ở chỗ đủ sức thuần túy dùng trí tưởng tượng mà xây dựng lên những lâu đài trên mây hoàn toàn không dính dáng gì đến hiện thực đó.

Giống như có nhà sử học từng nói, loài người chúng ta có thể xây dựng nên nền văn minh trên trái đất này, vượt qua mọi sinh vật khác, thì duyên do căn bản, sâu sắc nhất chính là chúng ta có thể nhờ trí tưởng tượng mà dựng nên những thứ vốn không có trong thực tại. Chính đó là khả năng mà các động vật khác, các sinh vật khác đều không có.

JOHN PLOTZ

Vậy mà ông cũng thích Tolstoy, nhà văn này có xây dựng, nhưng là xây dựng bên trong cuộc chiến Napoleon. Ông có thấy những việc mình làm là giống như Tolstoy không? Ông có hiểu ý tôi không? Chủ nghĩa hiện thực ở Tolstoy là ở chỗ ông bám chắc lấy những dữ kiện mà chúng ta đã biết là có xảy ra. Rồi tưởng tượng là ở bên trong đó.

LƯU TỪ HÂN

Vậy chủ nghĩa hiện thực đóng vai trò thế nào trong tác phẩm của tôi? Đối với tôi chủ nghĩa hiện thực là cái sân cho trí tưởng tượng của tôi cất cánh. Trí tưởng tượng bay lên từ đó, nhưng mục đích tối hậu của nó lại là xây dựng những lâu đài trên mây, những sự vật hoàn toàn không có trong hiện thực. Như tôi đã nói ban nãy, loài người có khả năng tưởng tượng ra những thứ không tồn tại này, đầu tiên là hơn các sinh vật khác, và tương lai có lẽ cũng là thứ duy nhất mà chúng ta hơn trí thông minh nhân tạo. Hiện tại truyện khoa huyễn là loại hình văn học duy nhất có thể phát huy đến cực điểm cái khả năng này, chúng ta không nên lôi nó từ trên trời trở lại mặt đất làm gì, mà phải biết trân quý cái đặc tính này của nó.

Nhưng độc giả Trung Quốc thì lại đặc biệt quen với việc xuất phát từ hiện thực rồi mới bước vào thế giới tưởng tượng, họ không quen kiểu của khoa học viễn tưởng phương Tây luôn là nắm tóc độc giả quẳng luôn người ta vào tương lai, quẳng luôn vào siêu thực, độc giả Trung Quốc rất khó tiếp nhận cái đó, bao giờ cũng phải xuất phát từ hiện thực mới đi vào tưởng tượng. Vì thế chủ nghĩa hiện thực trong sáng tác của tôi đóng vai trò đó, cho dù trí tưởng tượng có bay cao bay xa đến đâu thì cũng như con diều, lúc nào cũng phải có sợi dây nối với hiện thực, như vậy mới giúp tôi có cảm giác ổn định.

JOHN PLOTZ

Và đấy là cái khác với truyện kỳ ảo huyễn tưởng, phải không?

LƯU TỪ HÂN

Vâng. Khoa huyễn và “kỳ huyễn” (fantasy, kỳ ảo) quả là có vài khác biệt về bản chất. Khoa huyễn tuân theo một nguyên tắc khác với kỳ ảo: nó vượt ra ngoài hiện thực nhưng không vượt ra ngoài tự nhiên. Thật ra rất nhiều người ngộ nhận về truyện thần thoại cổ đại, cho rằng đấy hoàn toàn là hư cấu, tất nhiên với nhãn quan hiện đại thì sẽ thấy như vậy, nhưng vào thời kỳ sinh ra thần thoại, với những độc giả của nó thì thần thoại không phải là hư cấu, mà chính là một phần của hiện thực. Như tôi thấy, hiện nay khoa huyễn là thể tài duy nhất trong văn học có thể thay thế được thần thoại, còn các loại khác như kỳ ảo đều không cách nào làm được, vì nó không có “tính chân thực” giống như khoa huyễn. Khoa huyễn có thể gọi là thần thoại thời hiện đại.

Tam The-01
Bản dịch của Nhã Nam.

JOHN PLOTZ

Tôi nghĩ câu trả lời vừa rồi của ông vừa khéo dẫn sang câu hỏi về thực tại ảo của chúng tôi. Như ông biết, trong tập đầu tiên bộ ba Tam Thể tuyệt diệu của ông, câu chuyện bắt đầu với cả lịch sử có thật lẫn tất nhiên là ý tưởng về thực tại ảo, là trò chơi trực tuyến về bài toán ba vật thể. Và chúng tôi rất thích thú cái ý tưởng chọn bối cảnh là trò chơi VR đó, đấy là một chiến thuật kể chuyện cho phép trình bày một thứ về bản chất là không thể trình bày được.

Câu hỏi là ông nghĩ gì về thực tại ảo, về biên cương mới của vũ trụ ảo, hiện nay đang được tạo ra trong cả những cá nhân hướng nội cũng như trong cộng đồng bởi đủ loại phương tiện truyền thông mới và rất sáng tạo, bởi mạng xã hội, video game, tương tác trên mạng. Vì vậy, hỏi một cách đơn giản thì là: ông có mê video game hoặc các dụng cụ hay app thực tại ảo hoặc các mạng xã hội không? Ông đã bao giờ thật hứng thú hay dấn sâu vào những tiểu văn hóa ấy chưa? Đây có lẽ là một cách bắt đầu câu hỏi đó.

LƯU TỪ HÂN

Tôi hoàn toàn không phản đối công nghệ truyền thông, cũng không phản đối thế giới đã dựng nên trên nền tảng mạng lưới thông tin thời hiện đại, tôi rất thích những thứ đó. Tuy thế thời gian hằng ngày tôi dành trên mạng, gồm cả thời gian hằng ngày ngồi trước máy, không nhiều và đều vì công việc. Nhưng không phải vì tôi kỳ thị gì những công nghệ mới này, mà chỉ là sức người có hạn. Hồi trẻ đúng là tôi phát cuồng vì game trên máy tính, nhưng hồi ấy không có mạng, máy tính cũng chưa phải giao diện đồ họa mà chỉ là giao diện chữ, nhưng tôi cũng rất mê. Nhưng sau đó công việc bận quá, lại thêm gia đình, không còn mấy thời gian nữa.

Còn về hướng đi của công nghệ thông tin, có một xu thế đang thu hút sự chú ý của mọi người thế này: khá nhiều những nhu cầu trước kia của chúng ta, nay có thể thỏa mãn được trên mạng. Cho dù trước mắt có thể chúng chỉ chiếm một phần trong tổng thể nhu cầu của chúng ta, thậm chí là một phần nhỏ, nhưng tôi tuyệt không nghi ngờ rằng đợi công nghệ phát triển thêm một thời gian nữa, có thể sẽ dẫn đến một thời đại mới, phần lớn hoặc thậm chí tất cả nhu cầu của chúng ta đều thực hiện được trên mạng, thỏa mãn được bằng AI. Hệ quả trực tiếp của điều này là nhân loại chúng ta sẽ từ một kiểu văn minh hướng ngoại trở thành một kiểu văn minh hướng nội. Nền văn minh hướng ngoại ý nói thời kỳ đặc trưng bằng các cuộc hải hành lớn, tràn đầy khát vọng khám phá chân trời mới, không gian sinh tồn mới; còn nền văn minh hướng nội đã mất hẳn khát vọng loại này. Tôi nghĩ trước mắt thì văn minh hướng nội kiểu này là rất hạnh phúc, nhưng xét về lâu về dài thì không có tiền đồ. Tôi có một niềm tin đinh ninh là trái đất của chúng ta tương lai dù có phồn vinh cỡ nào, xây dựng được cuộc sống tươi đẹp cỡ nào trên trái đất, thì một tương lai không có tàu vũ trụ bay tới hệ sao khác chắc chắn là một tương lai rất ảm đạm.

Tôi cảm thấy văn minh nhân loại đến cuối cùng sẽ phát triển thành một nền văn minh hướng nội cực cùng. Trong đầu tôi có một bức tranh đáng sợ như thế này: trên toàn trái đất cây cối đều đã được khôi phục lại, hệ sinh thái được khôi phục lại, nhưng không thấy một người, có thảo nguyên, có rừng già, nhưng tịnh không thấy bóng người. Ở một nơi nào đó, trong một cái hầm, có một cỗ siêu máy tính, trong đó có mười tỷ người đang sống, đã số hóa. Tôi nhận ra chúng ta chính là đang đi đến một viễn cảnh đáng sợ cho nền văn minh tối hậu như vậy. Ngày nay ta đã có thể nhìn thấy những điềm báo loại này, ví dụ ở New York hay Bắc Kinh, những đại đô thị loại đó, anh có thể sống cả cuộc đời như thế, từ lúc sinh đến lúc chết không bước một bước ra khỏi nhà, trong một căn phòng có mắc Internet sống hết một đời.

JOHN PLOTZ

Vâng. Chà. Thật là một viễn tượng tăm tối cho công nghệ và khoa học. Giống như “Cỗ Máy dừng” của E. M. Forster. Ông có biết truyện ngắn của E. M. Forster đó không?

LƯU TỪ HÂN

À vâng. Tôi hiểu.

JOHN PLOTZ

Ai cũng sống dưới lòng đất trong một tổ ong khổng lồ. Như ong trong tổ.

LƯU TỪ HÂN

E. M. Forster, tác phẩm của ông ấy có phải từ đầu thế kỷ 20 không nhỉ.

JOHN PLOTZ

Vâng.

LƯU TỪ HÂN

Từ sớm tác giả khoa học viễn tưởng này đã nhìn thấy tương lai đáng sợ như thế.

JOHN PLOTZ

Vâng. Tôi có thể hỏi một câu về dịch thuật được không? Tác phẩm tuyệt diệu của ông được dịch và diễn giải trên khắp thế giới. Những người như tôi, không biết tiếng Trung, đã đến với tác phẩm này qua bản dịch. Và thực tế là tôi đã gặp Ken Liu, dịch giả của ông, ngay tại Boston này. Thời trẻ ông đã đọc các tác phẩm kinh điển của khoa học viễn tưởng như Verne và Wells qua bản dịch tiếng Trung. Câu hỏi của tôi là, ông nghĩ thế nào khi mình được dịch ra? Ông có lo ngại rằng sẽ có nhiều điều mất đi khi chuyển dịch, hay ông rất vui vì dịch là một đời sống khác, là một thứ sẽ có thêm trong quá trình viết lại qua các nền văn hóa?

LƯU TỪ HÂN

Nói chung thì, tác phẩm văn học khi dịch qua hai ngôn ngữ nhất định sẽ có mất mát. Nhà văn càng có gốc gác bám sâu trong văn hóa dân tộc mình bao nhiêu, thì mất mát càng lớn bấy nhiêu. Chẳng hạn Mạc Ngôn của Trung Quốc, tác phẩm của ông ấy mà dịch sang tiếng khác hẳn là mất mát rất lớn.

Nhưng riêng về mặt này thì khoa huyễn có cái may mắn ngoại lệ, bởi ở Trung Quốc thì sáng tác khoa huyễn 100% là sản phẩm nhập khẩu. Rất nhiều khái niệm được dùng trong khoa huyễn ngày nay vốn dịch từ tiếng Anh sang, giờ chỉ cần đem tất cả dịch ngược lại, là một việc cũng dễ hơn đôi chút.

Còn một điểm quan trọng hơn nữa, thuộc về bản chất của văn học khoa huyễn vốn dĩ không giống với văn học chủ lưu: trong văn học khoa huyễn, loài người thường xuất hiện như một chỉnh thể; và những vấn đề khoa huyễn nói đến cho dù là của một cộng đồng hay một chủng tộc nào, cũng là vấn đề mà cả nhân loại cùng tập trung vào, những nguy cơ họ phải đối mặt cũng là nguy cơ cả nhân loại phải đối mặt. Xét trên ý nghĩa này thì khoa huyễn là thể tài văn học dễ gây được cộng hưởng trong số những người thuộc chủng tộc, nền văn minh hay bối cảnh văn hóa khác nhau nhất.

Nói riêng về tôi thì tôi càng có được cái may mắn, có được hai vị dịch giả thực sự ưu tú [Ken Liu và Joel Martinsen], giúp dịch sách của tôi từ tiếng Trung sang tiếng Anh, không chỉ không mất mát gì mà tôi còn dám nói không hề quá rằng còn được thêm nhiều điều nữa. Tôi thực sự cảm thấy chất lượng văn chương trong các bản dịch tiếng Anh còn cao hơn nguyên tác tiếng Trung của tôi rất nhiều.

JOHN PLOTZ

Làm gì có chuyện đó.

LƯU TỪ HÂN

Vì thế nếu quý vị không đọc được tiếng Trung nhưng lại đọc được tiếng Anh, tôi khuyên các vị cứ đi đọc bản tiếng Anh là hơn.

JOHN PLOTZ

Chúng tôi còn một câu hỏi liên quan nữa, lần này không phải về dịch mà là về chuyển thể. Nhân truyện Địa cầu lưu lãng (The Wandering Earth) của ông vừa được chuyển thành phim, tôi đang muốn hỏi về những tác phẩm khoa học viễn tưởng ban đầu là truyện nhưng rồi được chuyển thành phim. Ông đã nói về Kubrick và ảnh hưởng của ông ấy đối với ông. Rõ ràng là một câu chuyện khoa học viễn tưởng có thể tồn tại dưới dạng phim, hoặc dưới dạng ngôn từ trên giấy. Ông nghĩ gì về hình thức “dịch” này? Chuyển thể từ trang giấy lên màn ảnh?

LƯU TỪ HÂN

Đầu tiên phải nói rằng cho đến bây giờ tôi tin chắc rằng nói về khoa huyễn thì thể hiện bằng hình ảnh còn thích hợp hơn cả bằng ngôn từ. Rất nhiều tác giả văn học truyền thống, văn học chủ lưu vẫn còn mê tín khả năng của ngôn từ, nhưng đối diện với trí tưởng tượng khoa huyễn thật sự thì văn chương chữ nghĩa quả thật rất yếu ớt vô dụng. Rất nhiều điều thuộc về tưởng tượng của khoa huyễn, thực sự là chưa từng có trong thực tế, nếu chỉ nhờ vào chữ nghĩa thì rất khó thể hiện cho ra.

Còn về phim Địa cầu lưu lãng mà ông nói tới, nguyên tác đã viết từ chừng hai mươi năm trước. Khi ông đọc truyện này, từ đầu đến cuối sẽ cảm thấy sự vật lộn của tác giả là tôi, vật lộn với ngôn từ, ráng sức dùng chữ nghĩa dài dòng thể hiện cho ra bức tranh rộng lớn trong đầu, nhưng rốt cuộc vẫn cứ là lực bất tòng tâm. Chẳng hạn cảnh trái đất đi qua sao Mộc, một đoạn văn lê thê cố hết sức mô tả, nhưng cuối cùng lại chẳng thành công, còn điện ảnh chỉ mất một giây cảnh đã làm được rồi.

Lưu Từ Hân - 4
Hình ảnh quảng bá phim Địa cầu lưu lãng

JOHN PLOTZ

Ông có tham gia vào quá trình sản xuất không? Có nói chuyện với đạo diễn hay tác giả kịch bản khi đang làm phim không? Cái hình ảnh trong phim ấy, có phải hình ảnh của ông không?

LƯU TỪ HÂN

Cá nhân tôi cho là văn học và phim ảnh là hai hình thức nghệ thuật hoàn toàn khác nhau. Là tác giả nguyên tác thì phải trao cho đội ngũ làm phim tự do sáng tạo càng nhiều càng tốt, nên tôi không tham gia nhiều. Dựa vào kinh nghiệm trước kia mà nói, mỗi lần tác giả nguyên tác có tham gia vào đội ngũ làm phim thì tác động nhiều nhất chỉ là gây phiền toái cho người khác. Tác giả thường cực đoan chằng chằng bám lấy tác phẩm của mình, như kiểu cái này là của tôi, anh không được động vào cái này, không được sửa cái kia, vì thế đối với công việc sáng tạo điện ảnh thì đưa anh ta vào chẳng được ích lợi gì hết.

JOHN PLOTZ

Vâng. Đây là một câu hỏi rất mở, nhưng ông có nghĩ mình cần đem đến một hay nhiều thông điệp cho các giới độc giả hay không?

LƯU TỪ HÂN

Quá trình sáng tác của tôi 90% nỗ lực là tập trung vào cố làm sao kể một câu chuyện hay, chấn động lòng người, còn không nghĩ nhiều đến những việc khác lắm. Có một vài điều nghĩ ra thì đều là sau khi hoàn thành tác phẩm, được người khác hay có khi là chính bản thân tôi giải nghĩa trong khi đọc. Trong lúc tôi sáng tác, ngoài câu chuyện và ý tưởng ra thì không có gì nhiều, không hề muốn truyền đạt tư tưởng hay thông điệp gì đặc biệt tới người đọc cả. Tôi nhiều lúc còn thấy rất lạ lùng là người ta từ một bộ sách lại có thể cắt nghĩa ra nhiều điều như thế, nói chính xác hơn nữa là nhiều điều tác giả còn không nghĩ tới đến như thế.

JOHN PLOTZ

Tôi nghĩ chúng tôi chỉ còn hai câu hỏi chốt, và câu hỏi là, ông nghĩ tương lai của khoa học viễn tưởng là gì, và tôi nghĩ còn là tương lai ấy nằm trong sách? Hay trong phim? Hay có thể trong thực tại ảo hoặc AI? Và rồi cụ thể hơn, một câu hỏi về tương lai của ông. Ông nghĩ mình đang đi về đâu? Ông đang có những dự án nào?

LƯU TỪ HÂN

Đầu tiên, tôi nghĩ tương lai của văn học khoa học viễn tưởng không được tươi sáng mấy. Và về mặt này thì cũng giống như mọi thể loại văn học khác. Dù ở Mỹ, hay ở đâu khác trên thế giới, khoa học viễn tưởng cũng đều đã qua thời đại hoàng kim, đi vào giai đoạn suy thoái rồi. Chúng tôi hiện giờ đang viết khoa huyễn giống như là căng buồm ra khơi trên một con thuyền đang chìm.

Nhưng Trung Quốc có thể là ngoại lệ. Trung Quốc hiện tại đang trong quá trình hiện đại hóa rất nhanh chóng, cảm giác phổ biến trong xã hội rất giống như đang sống trong thế giới tương lai, đây là mảnh đất màu mỡ cho sách khoa huyễn phát triển. Tôi nghĩ khoa huyễn ở Trung Quốc vẫn còn tiền đồ xán lạn. Nhưng tiền đồ này chưa chắc đã nằm ở văn học khoa huyễn, mà ở điện ảnh thì đúng hơn. Sách khoa huyễn Trung Quốc hiện tại vẫn không lấy gì làm lạc quan, tác giả ít ỏi, độc giả không nhiều, tình hình này trong tương lai gần vẫn rất khó cải thiện.

Riêng cá nhân tôi là tác giả viết sách, tất nhiên tôi vẫn sẽ viết thôi, cố hết sức viết về những đề tài chưa viết tới, đồng thời sẽ dành một phần tương đối tâm sức vào việc chuyển thể truyện của mình thành điện ảnh.

JOHN PLOTZ

Ồ, thú vị đấy.

LƯU TỪ HÂN

Tôi đặt nhiều hy vọng vào điện ảnh khoa huyễn Trung Quốc, thậm chí dám cho rằng đợi vài năm nữa, Trung Quốc sẽ trở thành nước sản xuất phim khoa học viễn tưởng đủ sức cạnh tranh với Hollywood.

JOHN PLOTZ

Tôi có thể hỏi thêm được không? Khi nói đến chuyển thể, ông muốn nói là ông sẽ viết kịch bản mới cho điện ảnh truyền hình, hay ông sẽ chuyển các tác phẩm có sẵn của ông thành phim ảnh?

Tam the 2 (khu rung den toi)-01
Bản dịch của Nhã Nam.

LƯU TỪ HÂN

Tôi sẽ không làm biên kịch, người viết sách chuyển sang chuyên môn biên kịch rất khó. Tôi nghĩ là tôi sẽ viết truyện khoa huyễn, sau đó tốt nhất là để người khác chuyển thể thành phim, đây là con đường tương đối thích hợp với tôi. Người biên kịch gặp phải rất nhiều hạn chế: từ phía hãng phim, phía kiểm duyệt, phía thị trường. Viết sách thì lại là một công việc rất tự do, có một mình, tôi thích lối sáng tác tương đối tự do này hơn. Còn biên kịch thì cứ viết một chữ lại phải nghĩ, công chúng sẽ tiếp nhận ra sao? Công chúng có thích không? Nói thật là kiểu đó tôi rất ghét. Nhưng cũng không thể không như vậy được, phim khoa huyễn không phải là phim art, làm phim nào cũng phải đầu tư rất lớn, nên không còn cách nào khác.

JOHN PLOTZ

Pu, anh có hỏi thêm gì không?

WANG PU

Tôi nghĩ thế là được.

JOHN PLOTZ

Cảm ơn ông, thưa ông Lưu. Thật là một cuộc trò chuyện tuyệt vời. Tôi rất lấy làm hân hạnh. Cảm ơn ông.

Tô Giang dịch

Chấm sao chút:

Đã có 3 người chấm, trung bình 5 sao.

Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3

Người góp chữ

Tô Giang

Thùy gia kim dạ biên chu tử, hà xứ tương tư minh nguyệt lâu.

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*