Simon Bréan, Khảo cứu sci-fi ở Pháp, một truyền thống phê bình nội sinh

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi
Thời gian đọc: 50 phút

(Bài viết thuộc Zzz Review số 7, 21-1-2020)

Simon Bréan là giảng viên nghiên cứu văn học Pháp tại trường Đại học Paris-Sorbonne. Tác giả La science-fiction en France, Théorie et histoire d’une littérature (Sci-fi ở Pháp, lý thuyết và lịch sử một thể loại văn học) (Presses Universitaires Paris-Sorbonne, 2012). Thư ký ban biên tập ReS Futurae, một tạp chí nghiên cứu về khoa học viễn tưởng dưới mọi hình thức từ văn học, phim ảnh, nghệ thuật thị giác, video game, âm nhạc, thiết kế cùng mọi hiện tượng văn hóa.

Simon Bréan
Tác giả Simon Bréan

Từ khi hình thành trong phạm vi văn học đặc thù, sáng tác sci-fi đã luôn đi cùng với một truyền thống phê bình nội sinh (Westfahl, 1999). Các hình thức cơ bản của diễn ngôn phê bình đó ban đầu bao gồm các lời nói đầu của người biên tập và các bài giới thiệu đi kèm các tác phẩm thời kỳ đầu. Sci-fi, vốn khi ấy là một lối viết còn chập chững, có sự tương ứng rõ rệt với một cách thức nhất định trong việc hình dung thế giới đương đại, mỗi tác giả và mỗi độc giả đều phải gắng đoán ra các hình thức khả thể của các vật dụng kỹ thuật, các mối quan hệ con người hay các hệ thống chính trị và xã hội trong đó. Khi ấy, vai trò của phê bình nằm ở chỗ tạo điều kiện cho độc giả tri nhận được những khoản cược mới mẻ này.

Ta có thể thấy ngay rằng, tần suất xuất hiện của thể loại văn chương này đưa tới một loại hình đọc theo mô đun, đồng thời đưa tới một văn hóa hư cấu cùng những kiến thức về thế giới thực, và đặc biệt là một sự gần gũi với các dữ kiện khoa học. Nhiều hình ảnh và ý tưởng trong sci-fi có thể tái sử dụng từ văn bản này sang văn bản khác, tương tự như ta vẫn thấy trong toàn bộ lĩnh vực “littérature de genre”, song qua mỗi lần hóa thân, thứ đồng tiền chung ấy mang giá trị bao nhiêu lại thay đổi tùy theo quan điểm khoa học và thẩm mỹ đương đại tiến hóa tới đâu. Dần dà qua mỗi lần đọc, các fan tạo lập cho mình một vốn văn hóa cá nhân cho phép họ đánh giá sự mới mẻ cùng nét tinh tế có trong từng tác phẩm cụ thể. Diễn ngôn phê bình sci-fi hình thành trong quá trình phát triển nối dài của loại hình văn hóa cá nhân này, coi trọng các dữ kiện thực tế hơn các phân tích về khái niệm. Logic tổng quát của thể liên tục phê bình ấy là việc phổ biến một kiến thức toàn diện. Các nhà phê bình lên tiếng với tư cách người sành sỏi, bên cạnh đó thường có thêm tư cách người sưu tầm. Sưu tầm ở đây nói đến việc củng cố một cách có hệ thống vốn văn hóa cá nhân kia, bằng cách bổ sung tối đa thông tin vào đó, bất kể đó là nhờ các dữ kiện tiểu sử, các chỉ dẫn thư mục học hoặc các cuốn toàn cảnh theo chủ đề về thể loại sci-fi.

Truyền thống phê bình sci-fi theo hướng bình dân mắc chứng bệnh tăng nhớ mà biểu hiện rõ nhất là việc hình thành các danh sách thư mục toàn diện, ngày nay được tổng hợp lại trong các cơ sở dữ liệu trực tuyến không ngừng đầy thêm. Hoạt động phê bình này có thể dẫn đến tình trạng xếp hạng theo thứ bậc, thừa nhận một số tác phẩm trong đó là quan trọng không thể bỏ qua, nhưng mục tiêu mà giới khảo cứu sci-fi đặt ra nhắm tới mục tiêu tối đa hóa: dẫu đưa ra những phán xét hay dở, họ vẫn không có ý gạt bỏ một số tác phẩm nào đó và họ tìm cách bảo toàn hết mức có thể khả năng tiếp cận với các tác phẩm có mối liên hệ với sci-fi. Về phần mình, các fan, thông qua các thư mục và các bài viết theo chủ đề, lại kiếm tìm đường dẫn đến những truyện vô danh bị lãng quên, hòng hoàn thiện vốn kiến thức đa ngành và liên văn bản của mình về thể loại sci-fi.

Ở điểm này, mục tiêu và phương pháp của giới khảo cứu sci-fi khác với các nhà nghiên cứu ở bậc đại học. Các nhà nghiên cứu thực hành đọc chuyên sâu một số tác phẩm giàu ý tưởng, đưa ra những diễn giải hoặc phát hiện ra những đặc trưng phong cách đáng chú ý. Hệ quả là rọi sáng các đặc tính hiếm của một số tác phẩm đặc biệt, phần nào đẩy vào bóng tối bối cảnh nền sinh ra các tác phẩm đó: việc hợp thức hóa một đối tượng nghiên cứu thường diễn ra trên nền một thể liên tục các tác phẩm ít thành công, và tác phẩm kinh điển trở thành điển hình cho thể liên tục ấy chính bằng cách vượt lên trên nó. Với sci-fi, một hành động hợp thức hóa như vậy chỉ mới ở dạng phôi thai và truyền thống phê bình hợp thức hóa kiểu đó vẫn còn bị hạn chế. Lĩnh vực phân tích và diễn giải sci-fi bấy lâu bị chiếm giữ bởi những chuyên gia về sci-fi đôi khi rất tài năng. Để góc nhìn của các nhà nghiên cứu ở đại học tương thích với các nguồn lực đến từ cộng đồng khảo cứu, thì cần phải hiểu rõ điều kiện trỗi dậy và phát triển của cộng đồng đó và xác định các đặc tính cùng mục tiêu đặc thù của nó.

Mô hình kiểu Pháp cho thấy ví dụ về cách phát triển một nền phê bình phù hợp với một lãnh thổ quốc gia. Thoạt tiên giới khảo cứu rất tích cực quảng bá cho các tác phẩm thuộc vào truyền thống Anh-Mỹ. Vào thời kỳ đó, phê bình trên tạp chí là phương thức chính của quá trình phổ biến kiến thức mang tính tích lũy. Loại hình phê bình này được duy trì, thậm chí được đa dạng hóa trong kỷ nguyên Internet. Trong những năm 1960, một nền khảo cứu gồm các nhà sưu tầm bắt đầu ấn định một lịch sử Pháp và một chuẩn Pháp cho sci-fi. Tận dụng các kết quả tổng hợp này cùng một nguồn thông tin sẵn có hơn rất nhiều so với trước, các lý thuyết bản địa Pháp về sci-fi ra đời, thường được lập nên bởi chính các tác giả vừa đóng vai nhà phê bình lại vừa là nhà văn, dựa vào văn hóa cá nhân của bản thân để mang lại hình hài cho sci-fi.

Sci-fi Pháp - 1
Phương tiện truyền thông của cộng đồng khảo cứu sci-fi Pháp.

Khảo cứu và phê bình trên tạp chí

Như Gary Westfahl đã trình bày về khu vực Anh-Mỹ, bộ phận bình dân trong phê bình sci-fi ở Mỹ gắn trực tiếp với sự nổi lên của thể loại văn học này, theo những ranh giới đã được xác định trong các tạp chí pulp Mỹ trong những năm 1920. Ngay từ ban đầu, tạp chí đã là nơi cốt yếu thể hiện quan điểm về sci-fi. Tạp chí ở Pháp không được thành công bằng ở Mỹ, nhưng bất chấp số lượng hạn chế, các tạp chí nghiên cứu lẫn không chuyên do fan lập ra vẫn hoàn thành vai trò của mình bởi chú trọng thường xuyên vào những phân tích và thông tin lịch sử.

Tạp chí Fiction đã đóng góp rất nhiều trong việc thiết lập mô hình này, nhờ thành công và sự tồn tại lâu dài của nó: đây là tạp chí chủ chốt, và có những thời điểm là duy nhất, về sci-fi ở Pháp trong suốt gần bốn mươi năm, từ 1953 đến 1990. Thêm vào không gian suy ngẫm và phê bình này là nhiều tạp chí khác, chẳng hạn Satellite từ 1958 đến 1962, hay Galaxie Univers, trong những năm 1970. Song song đó, các fanzine – các ấn phẩm của fan có lượng in hạn chế – cũng cho phép các fan nhiệt huyết quảng bá quan điểm của họ về sci-fi, có thể kể đến Pierre Versins qua tờ Ailleurs, Jacqueline Osterrath qua tờ Lunatique hay Jean-Pierre Fontana qua tờ Mercury. Khi Fiction ngừng hoạt động, các fanzine khác như Nous les Martiens, Yellow SubmarineCyberdreams trong vài năm đã duy trì một diễn ngôn phê bình có chất lượng. Keep Watching the Skies (KWS), bắt đầu phát hành năm 1992 do Sylvie Denis sáng lập, cho đến nay, với chủ bút là Pascal J. Thomas, vẫn cung cấp những bài điểm sách dành cho fan. Năm 1996, BifrostGalaxies ra mắt, đây là hai tạp chí nghiên cứu mới, là phương tiện giúp phê bình chuyên sâu đến được với công chúng lớn hơn, đến năm 2005 thì gộp lại làm một thành phiên bản mới của Fiction[1]. Từ khoảng chục năm nay, nhiều trang web chuyên sâu cũng được phát triển, một số trang, như ActuSFLe Cafard cosmique, cũng đăng tải các bài phê bình, thời sự xuất bản và phỏng vấn[2].

Như vậy, từ khi sci-fi du nhập vào nước Pháp, vẫn luôn tồn tại những kênh truyền thông định kỳ có khả năng dung chứa phê bình đặc thù cho thể loại này. Các tạp chí giới thiệu trước hết là các tác phẩm hư cấu, truyện ngắn hoặc tiểu thuyết khuyên đọc, còn phê bình ít nhất cũng đề xuất các hướng đọc bổ sung. Độc giả thông qua các bài phê bình ấy trước hết là tìm được cho mình những tiểu thuyết, phim ảnh hoặc truyện tranh cần đọc. Những bài báo bao quát hơn, về lịch sử sci-fi, về một tủ sách, một tác giả hay một chủ đề, đều có kèm theo thư mục tham khảo. Động cơ thứ hai củng cố động cơ thứ nhất, đôi khi không phải dễ mà nhận thấy. Toàn bộ mảng phê bình nuôi dưỡng mong muốn không chỉ hiểu thêm mà cả biết thêm về sci-fi. Bên cạnh việc xuất hiện lặp đi lặp lại của chính các tác phẩm, phê bình trên tạp chí cũng là nguồn gián tiếp xây dựng vốn văn hóa sci-fi. Theo cách riêng của mình, các chuyên gia góp phần mở rộng và thiết lập lãnh thổ cho sci-fi trên quy mô quốc gia hay quy mô thế giới. Ở đây, sự mời gọi tìm hiểu về sci-fi lại cộng hưởng thêm với các cơ chế đọc loại hình văn học này.

Như Richard Saint-Gelais đã chứng minh, đọc sci-fi trên thực tế phải yêu cầu một sự am hiểu mang tính bách khoa (Saint-Gelais, 1999, tr. 139-140). Để hình dung thế giới hư cấu và hiểu những khoản cược của cốt truyện, độc giả buộc phải xác định được và ghi nhớ các từ và khái niệm mà tác phẩm ném ra. Sự am hiểu bách khoa này mang tính tích lũy: độc giả càng đọc nhiều sci-fi thì càng nắm bắt được nhiều mô típ để tái sử dụng và các phản xạ ghi nhớ của anh ta càng chóng điều chỉnh theo các yếu tố trong một tác phẩm mới. Sự am hiểu này vươn đến một chân trời siêu văn bản, bởi lẽ các nội dung trong sci-fi sẽ đạt được hình thức độc lập nhất định vượt ra khỏi các tác phẩm hư cấu sinh ra chúng, trở thành các chủ đề đa ngành.

Phê bình của fan dựa trên nguyên tắc vật thể hóa các thông tin được lưu giữ để đem ra tranh luận ở bên ngoài tác phẩm. Mục đích có thể là tổng kết các cách xử lý khác nhau trước một chủ đề được đưa ra, hoặc vạch ra mối tương quan giữa các tác phẩm của cùng một nhà văn, hoặc cung cấp một nhận định tổng quan về một trào lưu cụ thể. Quá trình khảo cứu mang lại hình hài xác thực cho điều mà Damien Broderick từng gọi là megatext, đại văn bản, nghĩa là tập hợp các hình ảnh và ý tưởng của sci-fi được các nhà văn và độc giả viện dẫn một cách có ý thức (Broderick, 1995). Ở Pháp, tạp chí Fiction suốt một thời gian dài đã được coi là một “bách khoa thư tích lũy” trong mắt fan, vào thời đại còn chưa tồn tại bất cứ kênh truyền thông nào khác, theo nghĩa là tạp chí ấy cho phép biết đến nhiều tác giả hơn, nhiều tác phẩm và chủ đề hơn so với những gì mà một độc giả đơn lẻ hẳn có thể tự mình đọc được[3].

Lý tưởng mà nói, khảo cứu phải có khả năng đóng góp trực tiếp vào đại văn bản này. Cái ý tưởng kỳ dị, “cẩm nang dành cho tác giả sci-fi” mà Jacques Bergier đề xuất năm 1958 trong tạp chí Satellite (Bergier, 1958), chính là cần hiểu theo hướng này. Jacques Bergier dí dỏm đưa ra các hướng ngoại suy cho các tác giả sci-fi, dựa trên các ấn phẩm khoa học thời đó. Trong số các gợi ý ông đề xuất cho những sáng tác tương lai có nào là lưu trữ trọn vẹn nhân cách một người vào một tinh thể pha lê, nào là các loại thuốc có khả năng gây ra tình trạng nhị hóa nhân cách, các phương pháp khuếch đại trí thông minh cùng các hệ sao đủ gần để có thể du hành vũ trụ bằng vận tốc thấp hơn vận tốc ánh sáng. Ở đây, Jacques Bergier viết theo lối hư cấu bằng cách tái hiện một cách trừu tượng cử chỉ sáng tạo của nhà văn.

Jacques Goimard
Jacques Goimard (ngoài rìa bên phải). Hình chụp tại Đại hội Toàn quốc về sci-fi.

Một đại diện của sự khảo cứu chủ động, rất được yêu chuộng trong số các fan, là Jacques Goimard, người mà vào thời mình đã đảm bảo mối liên hệ giữa giới hâm mộ và giới đại học. Hoạt động phê bình của ông được nuôi dưỡng bởi vô số điểm giao với lĩnh vực sci-fi[4]. Trước hết, là một độc giả đầy đam mê, ông từng tham gia ê kíp Fiction suốt những năm 1960 và là điển hình cho tinh thần vừa đại chúng vừa nghiêm ngặt của tạp chí, bởi dù sẵn sàng đón nhận mọi loại hình tác phẩm, ông vẫn không bỏ qua việc xếp hạng chúng theo thứ bậc[5]. Tiếp đến, với tư cách nhà nghiên cứu kiêm giảng viên chuyên ngành lịch sử điện ảnh tại Đại học Paris I, ông từng đối chiếu cách tiếp nhận văn học sci-fi của mình với những bước tiến của các lý thuyết văn học và điện ảnh. Rồi với tư cách chủ biên tủ sách và các hợp tuyển cho Presses Pocket, ông ở vào vị trí đặc biệt thích hợp để dõi theo những biến chuyển của hệ hình thống trị thể loại sci-fi những năm 1980 và 1990. Cuối cùng, là thành viên ban giám khảo giải thưởng Apollo và giải thưởng lớn dành cho thể loại sci-fi, ông nằm trong số những người hâm mộ tích cực nhất[6]. Các bài phê bình của ông, xuất hiện trên tạp chí hoặc dưới hình thức bài tựa, thường xem xét rất nhiều hướng hòng đưa ra một định nghĩa về sci-fi và tìm cách hiểu được phương pháp sáng tác của những nhà văn sci-fi, mà tác phẩm lúc nào cũng nằm trong khung khổ một sự liên văn bản rộng lớn.

Như vậy, dù không phải lúc nào cũng tỏ ra sáng tạo, hoạt động khảo cứu thể loại sci-fi vẫn nằm trong sự tiếp diễn của các sáng tạo nghệ thuật thuộc lĩnh vực này. Phương thức thể hiện đầu tiên của hoạt động đó chính là các bài chuyên mục định kỳ xuất hiện trên các tạp chí và website, bao nhiêu bài là bấy nhiêu lời kêu gọi các fan khác cùng suy ngẫm và đối thoại. Hệ thống gồm phê bình không chuyên, bán chuyên và chuyên nghiệp trong sci-fi đồng thời trở nên dày đặc và lâu đời hơn so với trong bất cứ loại hình văn học “de genre” nào khác, đây là kết quả của chức năng tương tác xã hội hết sức quan trọng mà loại hình phê bình này đã thực hiện được.

Mối liên hệ với hệ thống phê bình này có thể là nguồn gây hiểu lầm giữa giới khảo cứu và các nhà nghiên cứu. Ta thường có xu hướng coi các bài bình giảng, thư độc giả gửi về tạp chí hay trao đổi trên các diễn đàn trực tuyến chỉ thuộc loại thứ yếu[7]. Vậy nhưng, mối quan tâm mà giới khảo cứu dành cho sci-fi không thể tách rời khỏi một hình thức giao tiếp xã hội nhất định. Đọc và phân tích sci-fi là một phần trong lối sống của họ và toàn bộ suy nghĩ trong họ bám rễ trong việc tiếp xúc không chỉ với các tác phẩm mang tính nghệ thuật mà còn toàn bộ môi trường nuôi dưỡng đam mê và suy nghĩ của họ. Các trao đổi này hình thành quanh các nơi chốn có thực, như ở nhà sách, khi ăn trưa hay tại các festival[8]. Chính từ mối liên hệ mật thiết với các tác phẩm và một môi trường cụ thể mà người khảo cứu thể loại sci-fi mới có thể gọt rũa thêm và khẳng định được gu đọc cũng như nhận định của mình.

Các nhà nghiên cứu, trừ phi phát triển mối liên hệ này theo cách độc lập với những gì họ học được ở trường đại học, ở góc độ nào đó, lại có góc nhìn trái ngược với giới khảo cứu. Với họ, tạp chí và các trang web trước hết mang giá trị tư liệu, hoặc họ tìm thấy ở đó những chỉ dẫn lịch sử, chẳng hạn để tái hiện lại tiếp nhận của người đọc một thời nào đó với một tác phẩm, hoặc họ lượm lặt ở đó những dấu hiệu cho thấy một quan hệ liên văn bản đặc biệt. Phê bình trên tạp chí do vậy cũng có thể hữu ích với các nhà nghiên cứu trong việc thiết lập một lối tiếp cận mang tính sử-địa hoặc xã hội học, bằng cách phát hiện từ đó sở thích của một thời kỳ. Ngược lại, đối với giới khảo cứu, đây lại là nguyên liệu nền tảng cho suy nghĩ của họ. Họ tích cực tham gia vào lĩnh vực văn học mà họ bình luận và phân tích, hệ quả là suy nghĩ của họ cũng đồng thời là hành động. Điều này tương tự với việc hình thành một “văn bản vĩ mô” địa phương, nghĩa là tập hợp các biểu tượng mà về mặt lịch sử vẫn gắn với thể loại sci-fi tại một đất nước cụ thể, bởi quá trình tiến hóa của thói quen tư duy, bởi lựa chọn dịch và xuất bản, cũng như bởi hình ảnh thống trị trong đời sống tinh thần quốc gia đó.

Các nhà nghiên cứu muốn tìm hiểu các tác phẩm sci-fi sẽ hiểu rõ hơn những khoản cược của một bài phê bình hay một mục từ trong bách khoa thư nếu để ý đến ảnh hưởng thường trực của các mạng lưới trao đổi và giao tiếp xã hội này. Tương tự, khi tiếp cận công trình của giới khảo cứu ở Pháp, cũng nên lưu ý rằng các sản phẩm của họ thường có hệ quả, nếu không phải mục tiêu, là góp phần xác định hình hài cho thể loại sci-fi Pháp. Đồng thời với việc cung cấp những dữ liệu thực tế cùng những phân tích thích đáng, giới khảo cứu cũng truyền đạt quan điểm của mình về sci-fi. Họ không thể mong đạt đến tính khách quan mà các nhà nghiên cứu nhận mình có được, nhưng tính chủ quan trong các nghiên cứu của họ lại được bù đắp bằng sự toàn diện của nguồn tư liệu mà họ nắm giữ.

Khảo cứu của các nhà sưu tầm

Không nhất thiết cứ fan nào viết bài cho tạp chí cũng đều có hiểu biết và sự tinh thông. Phê bình trên báo chí mang lại trước hết là một nền tảng cho phép các nhà khảo cứu nuôi dưỡng và truyền lại vốn am hiểu của mình. Đó là những người hoạt động trong lĩnh vực sci-fi – những fan sáng suốt, những nhà phê bình chuyên về sci-fi hay các nhà văn nào đã dần xây dựng cho mình một vốn kiến thức và một thư viện từ việc đọc và nghiên cứu của riêng họ. Nhìn từ góc độ này, việc hình thành nên một diễn ngôn khảo cứu chỉ là hệ quả thứ yếu của một đam mê cá nhân. Sau khi theo đuổi đam mê của mình suốt nhiều năm, một nhà khảo cứu sẽ tìm cách giúp các độc giả khác được hưởng lợi từ những hiểu biết mà anh ta đã thu được với cái giá phải trả là sự kiên trì lâu dài. Mối liên hệ giữa khảo cứu và hoạt động sưu tầm này phần nào đó phải chịu trách nhiệm cho số lượng ít ỏi các nghiên cứu sci-fi ở Pháp. Nhà khảo cứu chỉ nói về những gì họ sở hữu trong thư viện của mình. Các fan Anh-Mỹ rất hiếm khi đề cập đến những tác phẩm không được xuất bản bằng tiếng Anh, trong khi giới Pháp ngữ trước tiên thường phân tích các tác phẩm có sẵn trong kho văn hóa của mình, và đó phần lớn là các tác phẩm được dịch từ tiếng Anh, cộng thêm vài tác phẩm tiếng Pháp chiếm tỷ lệ ít ỏi.

Các công trình phê bình quy mô đầu tiên về sci-fi ở Pháp là sản phẩm của các nhà sưu tầm nổi tiếng. Được xuất bản vào đầu những năm 1970, Encyclopédie de l’utopie, des voyages extraordinaires et de la science-fiction (Bách khoa thư về utopia, những chuyến phiêu du kỳ diệu và sci-fi) của Pierre Versins (Versins, 1984), Panorama de la science-fiction (Toàn cảnh về sci-fi) của Jacques van Herp (Van Herp, 1996) và L’Histoire de la science-fiction moderne (Lịch sử sci-fi hiện đại) của Jacques Sadoul đều là kết quả của quá trình đam mê và lao động suốt nhiều thập kỷ (Sadoul, 1984). Do tính liên văn bản của thể loại sci-fi, mọi nghiên cứu khi bàn về một chủ đề cụ thể mà bỏ mất biến tấu của chủ đề này trong một tác phẩm nào đó thì đều có nguy cơ trở nên không hoàn chỉnh, do vậy mà sai hoặc vô giá trị. Dựa vào thư viện của riêng mình và những năm tháng cá nhân mình đã đầu tư vào đó, các nhà khảo cứu nỗ lực tránh mối nguy này: họ đảm bảo mình thực sự nắm trong tay các bản in được dùng làm tư liệu cho nghiên cứu của họ và họ gắng sức bổ sung những chỗ khuyết thiếu trong tủ sách của mình.

Trong lãnh thổ Pháp ngữ, Pierre Versins là gương mặt ấn tượng nhất của sự kết hợp giữa mong muốn của nhà sưu tầm và nỗ lực của nhà khảo cứu[9]. Khi ông bắt đầu đam mê sci-fi vào đầu những năm 1950, các thư viện công cộng còn chưa nhập thể loại này và hiển nhiên càng không cung cấp một tủ sách hoàn chỉnh. Vì vậy, Versins buộc phải bỏ tiền túi ra để mua về cho mình những tác phẩm ông cần. Hơn nữa, Pierre Versins quan tâm không chỉ đến sách và điện ảnh sci-fi mà còn tất cả những gì có liên quan dẫu gần hay xa đến điều mà ông gọi là “ước đoán lý tính (conjecture rationnelle)”. Do vậy, trong suốt hơn hai mươi năm, ông tập hợp đủ loại đồ vật liên quan đến sci-fi như đồ chơi, các bảo bối công nghệ hay sách cũ và hiếm. Bộ sưu tập này được dùng làm nguồn cơ bản cho tác phẩm quan trọng của ông, Encyclopédie de l’utopie, des voyages extraordinaires et de la science-fiction, trước khi được Maison d’Ailleurs, một bảo tàng kiêm trung tâm nghiên cứu sci-fi, tiếp nhận và lưu trữ[10].

Pierre Versins
Pierre Versins

Công việc khảo cứu của Pierre Versins do đó không thể tách rời đam mê sưu tầm trong ông. Bách khoa thư của ông phản ánh tính chiết trung trong mối quan tâm ông dành cho mọi biểu hiện của cái trạng thái tinh thần mà ông gắn với sci-fi: “Lĩnh vực này, chúng ta định nghĩa nó là những ‘ước đoán mơ mộng lý tính’, và nó không giống chút nào với bức tranh ta vẫn thêu dệt về nó theo thói quen, vì chưa thăm thú được tận cùng các công trình của nó, chưa khám phá được mọi đại lộ của nó, đừng nói gì đến những đường ngang ngõ tắt hay hẻm cụt của nó” (Versins, 1984, tr. 6). Nhà sưu tầm Pierre Versins qua đó đã bày tỏ lòng trân trọng với đông đảo các tác giả của thể loại “ước đoán”, bị lịch sử văn học lãng quên hay coi thường, ông càng ghi chú cụ thể hơn nữa về họ trong trường hợp tác phẩm của họ đã rơi vào tình trạng vô danh bị quên lãng, nhưng lại là những tác phẩm cốt yếu giúp xác định bước tiến hóa trong những biểu hiện hư cấu của phép ngoại suy từ hàng nghìn năm nay, mà trong đó sci-fi kiểu Mỹ chỉ là một trong những hóa thân tương đối mới. Từ đó, bách khoa thư của Versins trở thành một nguồn tham khảo không thể bỏ qua nếu muốn tìm hiểu về một số tác giả như Étienne Cabet hay Louis Geoffroy. Mục từ rất dài về Louis Geoffroy là một bài khen ngợi tác phẩm chủ chốt của ông, Napoléon et la conquête du monde (Napoléon và cuộc chinh phục thế giới)[11], tác phẩm “lịch sử giả tưởng” [uchronie, tương đương với thể loại alternative history của Anh-Mỹ] đầu tiên, xuất bản hai mươi mốt năm trước tác phẩm lịch sử giả tưởng nổi tiếng của Charles Renouvier. Versins trích dẫn nhiều đoạn dài trong tác phẩm này để chứng tỏ sự hợp lý và chặt chẽ của nó, cũng như sự chính xác và tầm quan trọng của những dự đoán khoa học mà nó đưa ra, để rồi kết thúc bằng tỏ ý nuối tiếc bởi một tác phẩm như thế lại có thể bị lãng quên một cách bất công. Nếu không có tham vọng sưu tầm toàn bộ các câu chuyện “ước đoán” của ông và khát khao chia sẻ hiểu biết của ông về chúng thì hẳn thể loại này sẽ không được tính đến trong lịch sử văn học sci-fi. 

Như vậy, lựa chọn những đối tượng nào là do chính sách tuyển chọn đã có từ trước, trong khi xử lý đối tượng đó như thế nào lại tùy thuộc vào gu của nhà khảo cứu. Miễn là một công trình cung cấp được nhiều thông tin chính xác thì nó sẽ không bị đòi hỏi nghiễm nhiên phải khách quan. Trong các ghi chú ông đưa ra, Pierre Versins bảo vệ quan điểm và các ý kiến của mình. Qua mục từ “Honte et science-fiction” (Sự hổ thẹn và sci-fi”, ông chỉ trích các tác giả phủ nhận mình viết sci-fi bởi họ nghĩ tác phẩm của mình quá chất lượng nên khó có thể coi là sci-fi được. Ông mỉa mai các nhà phê bình Anh-Mỹ vì chỉ biết mỗi sách vở nước mình và coi thế giới nói tiếng Anh là nguồn gốc của Frankenstein, “tác phẩm gây ấn tượng mạnh với họ hẳn là vì nó được viết bằng tiếng Anh và vì Boris Karloff [diễn viên đóng vai quái vật của Frankenstein] là người Mỹ” (Versins, 1984, tr. 213). Tuy nhiên, Bách khoa thư của Versins lại không phải bộ sưu tập những câu trả lời tuyệt đối, cũng không phải tuyển tập các ý kiến của tác giả. Như ông nêu rõ trong phần Lời dẫn, cuốn sách này hướng đến việc cho phép “vào một ngày nào đó viết ra công trình nghiên cứu thực sự toàn diện mà chúng ta mong chờ bấy lâu” (Versins, 1984, tr. 6). Trong mắt tác giả, tác phẩm này chỉ là một thành quả bước đầu và chỉ được sử dụng để truyền tải một kiến thức chưa có đủ độ chín qua thời gian. So với nghiên cứu toàn diện đó, bách khoa thư của Versins vẫn là sát nhất, đến mức nó vẫn là nguồn tham khảo chính, đồng thời là nguồn thông tin về các tác phẩm bị rơi vào quên lãng, nhưng giờ đây đã được những người yêu thích sci-fi biết đến rộng rãi, và là lời chứng minh cho phương pháp mô đun cấu thành nên văn hóa sci-fi. Quả vậy, các thông tin quý giá có thể nằm rải rác ngẫu nhiên trong các ghi chú và đôi khi sẽ rất vô ích nếu trực tiếp tìm một câu trả lời, như có thể thấy qua mục từ “sci-fi” với duy nhất một câu: “Nếu mà đọc tới tận đây rồi bạn vẫn chưa biết đó là gì…” (Versins, 1984, tr.802). Phương pháp soạn bách khoa thư, dù là đối với Pierre Versins, cũng hao hao với cách hình thành một vốn văn hóa sci-fi.

Bách khoa thư Versins
Bách khoa thư của Pierre Versins

Hai công trình khảo cứu tổng quan khác thời kỳ này cũng là sản phẩm của một đam mê cá nhân, và phản ánh khuynh hướng của những người biên soạn cũng như nội dung tủ sách của họ. Panorama de la science-fiction (Toàn cảnh về sci-fi) của Jacques van Herp là công trình đầu tiên ở Pháp đưa ra một hướng tiếp cận sci-fi theo chủ đề một cách toàn diện. Cuốn này trình bày kết quả khảo cứu theo một mô hình tổ chức khác, trong đó vốn hiểu biết đáng kể của Van Herp được trình bày lớp lang theo từng chương bàn về từng chủ đề, hoặc từng dữ liệu lịch sử hay địa lý, hoặc những vấn đề chung. Jacques van Herp đặc biệt đào sâu tác phẩm của các tác giả có óc tưởng tượng khoa học đã viết trước cả khi sci-fi xuất hiện, theo một quan niệm rất rộng về thế nào gọi là sci-fi. Mọi truyện có viện đến những hình ảnh khoa học, hay thậm chí một phần giả tưởng duy lý, do vậy đều thuộc vào một thể liên tục sci-fi mà trong đó sci-fi kiểu Mỹ chỉ là một biểu hiện gần đây.

Jacques Sadoul
Jacques Sadoul (chính giữa hình). Hình chụp tại Đại hội Toàn quốc về Sci-fi.

Jacques Sadoul, ngược lại, trong Histoire de la science-fiction moderne (Lịch sử sci-fi hiện đại), chỉ nói về các tác phẩm đã có từ khoảng hơn năm mươi năm nay, bởi đó là những gì ông yêu thích và những gì ông sở hữu trong thư viện của mình. Có trong tay một bộ sưu tập lớn các tạp chí pulp và các tạp chí khác của Mỹ, cũng như rất nhiều tiểu thuyết Pháp, Anh và Mỹ, ông trình bày một lịch sử “thiên vị và không toàn diện”[12] các tác phẩm, đồng thời điểm lại theo từng năm các nhà văn và tác phẩm quan trọng cũng như độc đáo. Giữa các tóm tắt cốt truyện, các mốc thời gian ra đời và biến mất của các nhà xuất bản, ông đưa ra rất ít phân tích và chỉ phác họa vài điểm gần gũi giữa một số tác giả. Bản biên niên ký này nhằm mục đích làm điểm tựa cho các fan cần tạo lập cho mình một vốn đọc cá nhân và làm xuất phát điểm cho một cuốn sử sci-fi chính xác hơn (Sadoul, 1984, tr. 20). Tuy nhiên đây vẫn là cuốn sách duy nhất trong loại đó và suốt một thời gian dài không có công trình nào bàn về lịch sử sci-fi Pháp thay thế được cho nó[13]. Cách tiếp cận sci-fi mang tính kể chuyện của ông đủ để làm hài lòng các fan, họ tìm được ở đó cách riêng để nắm bắt thể loại văn học này, như một bức tranh ghép gồm các tác phẩm không thể đồng hóa được với nhau.

Trên thực tế, dẫu các cuốn khảo cứu tổng quan này có thể có vẻ thật ấn tượng, nhưng cũng không nên phóng đại vai trò của chúng trong số những đại diện cho sci-fi ở Pháp. Quả vậy, trong một giới mà cơ sở là những trao đổi bình đẳng, không ai có được quyền uy trí tuệ không thể chối cãi. Dĩ nhiên cũng tồn tại những tiêu chí đảm bảo có một lượng cử tọa nhất định, chẳng hạn vị trí quyền lực chắc chắn của ban điều hành một tạp chí hay một tủ sách, cũng tương tự như ta sẽ nhận thấy các phân tích được đưa ra sẽ thay nhau giữ vị trí quan trọng trở lại, nhưng giá trị đầu tiên của một bài phê bình sci-fi là đã đọc được cuốn sách mà bài phê bình ấy nhắc đến và nắm bắt được một vốn văn hóa chắc chắn trong lĩnh vực này, và quả thực giá trị ấy được gần như toàn bộ các fan sci-fi chấp nhận. Hệ quả là, dù Pierre Versins, Jacques van Herp và Jacques Sadoul có đọc sâu hiểu rộng, dù cần có một hiểu biết có tính bách khoa thì mới có thể soạn ra những bộ sách họ đã viết, thì những phán xét, nhận định họ đưa ra vẫn chẳng có gì là mang tính quyết định hết, mỗi độc giả vẫn phải tự hình thành nên quan điểm của riêng mình xuất phát từ một nguồn tư liệu mở rộng.

Tương ứng với bức tranh ghép các tác phẩm là một tập hợp đa dạng những quan điểm, được diễn đạt qua một công trình tổng luận khác cũng vào thời kỳ ấy, L’Effet science-fiction (Hiệu ứng sci-fi) của Igor và Grishka Bogdanoff (Bogdanoff, 1979)[14]. Tác phẩm với nhan đề phụ là “đi tìm một định nghĩa” này tuy nhiên lại bắt nguồn từ một quá trình tích lũy tương tự với các nhà bách khoa thư và các nhà viết sử biên niên đầu tiên về sci-fi. Anh em nhà Bogdanoff, sau một cuộc khảo sát kéo dài tới vài năm với vô số nhân vật, đã xếp hạng và tập hợp lại toàn bộ các quan điểm này, xếp hạng theo góc nhìn của các tác giả, từ phủ nhận và không biết gì cho đến những nhận định hiểu biết của những người thông thạo. Tác phẩm này, cũng giống như Bách khoa thư của Versins và Lịch sử của Sadoul, vẫn bị chê là rời rạc. Ngay cả các ý kiến dựa trên một nền tảng kiến thức không thể chối cãi về sci-fi cũng không đạt đến được một luận đề thống nhất và chặt chẽ. Trước hằng hà sa số những quan điểm khác nhau, độc giả của L’Effet science-fiction được khuyến khích nên tự hình thành cho mình một quan điểm riêng.

Việc không thể đi đến được một định nghĩa cuối cùng là điểm chung giữa cả giới fan lẫn giới khảo cứu. Sci-fi, bao gồm cùng lúc cả văn học, điện ảnh, truyện tranh, tranh minh họa, thậm chí các vấn đề triết học hay xã hội, là tên gọi chung chỉ một tập hợp những hiện tượng và sáng tác, lại càng khó gộp vào một vùng đất có ranh giới rõ ràng bởi những chủ đề mới và những cách thức mới để xử lý và kết hợp các hình thức cũ cứ không ngừng xuất hiện. Diễn ngôn của khảo cứu, bắt nguồn từ một văn bản vĩ mô xác định về mặt lịch sử-địa lý, bị chi phối bởi tình trạng tạm thời của các sự kiện và kiến thức. Ở điểm này, nguyên do dẫn đến sự thiếu chắc chắn nằm cả ở thứ đã có thể được tái sáng tạo lẫn ở thứ đã có thể được khám phá lại trong những tác phẩm cũ ít được biết đến hoặc những tác phẩm thuộc về truyền thống nước ngoài. Chính bởi lý do này mà Pierre Versins và Jacques Sadoul nhấn mạnh tính chất dang dở của các công trình tổng quan dù sao cũng rất ấn tượng của họ. Về bản chất, các công trình của họ thiên về chưa hoàn thiện.

Tuy nhiên, việc xuất bản các tác phẩm này lại đánh dấu thời khắc trong những năm 1970 khi khảo cứu ở Pháp có thể nắm bắt đầy đủ tư liệu sci-fi. Ở Pháp, thời kỳ này tương ứng với một đợt phát triển quan trọng của ngành xuất bản, khiến người đọc dễ dàng tiếp cận hơn với các tác phẩm khác nhau, cả cũ lẫn mới, thông qua các hợp tuyển và các tủ sách bỏ túi. Khi ấy, phần lớn các kho sách sci-fi được khuyến khích tiếp tục tồn tại, cả ở thư viện lẫn ở các hiệu sách, hệ quả là khảo cứu thư mục học của các nhà sưu tầm giờ đóng vai kim chỉ nam hữu ích trong một kho tư liệu ngày càng mở rộng thì đúng hơn là làm nhiệm vụ hồi sinh lịch sử. Do vậy, các công trình khảo cứu thư mục học là kết quả giao thoa đặc biệt giữa lập danh mục khách quan và tuyển lựa chủ quan. Thay vì đưa ra những phân tích và suy ngẫm thường xuyên về sci-fi, các nhà khảo cứu tìm cách miêu tả những gì đang và từng tồn tại, để nhận biết thể loại hư cấu này bằng cách tổng hợp lại những biểu hiện khác nhau của nó. Như vậy mỗi tập trong Grande Anthologie de la science-fiction (Đại hợp tuyển sci-fi) của Gérard Klein, Jacques Goimard và Démètre Ioakimidis[15] lại tập hợp các truyện ngắn theo một chủ đề cụ thể, như người máy hay siêu nhân, trong khi tổng thể bộ sách tạo thành một thứ bách khoa thư nói về chẳng hạn các câu hỏi mà độc giả có thể đặt ra về các chủ đề khác nhau này. Không những các hợp tuyển này tạo thành các thư viện sci-fi thu nhỏ, mà các phần lời dẫn trong đó còn cung cấp cái nhìn tổng quan đầy đủ về lịch sử và những biến tấu của chủ đề được đề cập trong từng cuốn. Ngoài một ý đồ mang tính bách khoa thư, các công trình này còn khẳng định một tham vọng phê bình, bởi các nhà khảo cứu đã bàn về và đánh giá tầm quan trọng tương đối của từng chủ đề, bằng cách dựng lại nguồn gốc lịch sử và văn học của chủ đề ấy và xem xét những giới hạn của nó.

26 tập Đại hợp tuyển sci-fi
Bìa 26 tập Đại hợp tuyển sci-fi

Dự án tổng quát hóa cuối cùng ở thời kỳ này là xê ri Années de la science-fiction (Sci-fi qua các năm), có mục đích cung cấp một dạng bách khoa thư tương ứng với thời gian thực[16]. Trong những thập kỷ tiếp theo, nối tiếp những nỗ lực phi thường của Versins và Sadoul chỉ có những cuốn bách khoa thư nhỏ gần hơn với dạng sách nhập môn như Le Catalogue des âmes et cycles de la science-fiction (Danh mục các nhân vật và nhóm truyện của sci-fi) của Stan Barets (Barets, 1981), L’Encyclopédie de poche de la science-fiction (Bách khoa thư sci-fi bỏ túi) của Claude Aziza và Jacques Goimard (Aziza và Goimard, 1986), hoặc Passeport pour les étoiles (Giấy thông hành đi những vì sao) của Francis Valéry (Valéry, 2000)[17], thêm vào đó là loại sách giáo khoa mang tính chất dẫn nhập theo mô hình cuốn Panorama (Toàn cảnh) của van Herp, chẳng hạn La Science-fiction (Sci-fi) của Gilbert Millet và Denis Labbé (Labbé và Millet, 2001)[18]. Dù loại sách này thường là sách hướng dẫn rất tiện lợi cho những ai muốn bước vào thế giới sci-fi, song hạn chế về số trang của chúng cùng việc tuyển lựa các tác phẩm theo thiên kiến chủ quan lại khiến chúng không đóng góp được mấy về mặt khảo cứu thư mục học cho sci-fi. Không cuốn bách khoa thư nào có tham vọng và chất lượng như công trình của Clute và Nicholls (Clute và Nicholls, 1999)[19] riêng về sci-fi Anh-Mỹ lại thành công được ở Pháp, nhưng những công trình đáng kể vẫn tiếp tục được bổ sung vào nguồn tư liệu khảo cứu, chẳng hạn L’Histoire revisitée (Lịch sử xem xét lại) của Éric B. Henriet, cuốn sách tổng quan đáng kể về thể loại “lịch sử giả tưởng” (Henriet, 2004), và của Joseph Altairac và Guy Costes về Les Terres creuses (Những vùng đất trũng), xem xét theo trật tự thời gian toàn bộ các sáng tác có nhắc đến những thế giới dưới lòng đất, gồm cả những nền văn minh bị nuốt chửng và những hệ sinh thái hoàn chỉnh (Altairac và Costes, 2006)[20]. Yêu cầu về một thư mục chính xác và toàn diện đã biến thể loại này thành một dạng sách hướng dẫn không thể thiếu nếu muốn có được những kiến thức chắc chắn về một mảng tư liệu khó tiếp cận.

Nhờ sự nhiệt thành của các fan trong việc xây dựng các nguồn tư liệu, các nhà nghiên cứu muốn tiếp cận sci-fi đã có được những công cụ tham khảo đáng tin và phong phú hơn so với phần lớn các thể loại văn chương “de genre” khác. Hơn nữa, các nhà khảo cứu cùng những người đam mê sci-fi nhanh chóng lợi dụng được những khả năng mà Internet đem lại. Chứng tăng nhớ được tạo điều kiện nảy nở trên Internet đã phù hợp hoàn hảo với cách thức vận hành mang tính tích lũy của thể loại sci-fi. NoosfereQuarante-deux đặc biệt mang đến các cơ sở dữ liệu hoàn chỉnh, cũng như đăng cả các bài viết từng xuất hiện trên tạp chí cùng các lời tựa[21]. Trang web Quarante-deux còn cho phép người dùng truy cập một danh sách, tuy chưa hoàn chỉnh nhưng đang dần được bổ sung, của thư viện nghiên cứu của hội, tập hợp gần như toàn bộ các tủ sách và các tạp chí ở Pháp, còn bách khoa toàn thư của Noosfère lại dựa trên các thông tin do chính những thành viên cung cấp rút từ các tủ sách riêng của họ[22].  

Kết quả khảo cứu của các nhà sưu tầm đã mang lại, và vẫn tiếp tục sản sinh ra, những nguồn thông tin đáng tin và bao phủ trên diện rộng. Nghiên cứu ngày một chính xác hơn của các nhà khảo cứu, được hỗ trợ bởi các công cụ tin học có sự hợp tác của các thành viên, có khả năng hỗ trợ cho những phân tích quy mô lớn. Tuy nhiên, góc nhìn của các nhà khảo cứu thể loại sci-fi thì vẫn thế, chỉ dừng ở mức một tạp chí hay một cuốn bách khoa thư. Các nhà nghiên cứu vẫn có thể dựa vào các tác phẩm hoặc cơ sở dữ liệu này để thực hiện nghiên cứu của riêng mình, nhưng sẽ chỉ tìm được ở đó rất ít yếu tố lý thuyết để thiết lập một đối thoại. Bởi khối tư liệu là toàn bộ phạm vi công việc của họ, các nhà khảo cứu vạch ra các điểm mốc và thiết lập đối thoại giữa các tác phẩm, song họ cũng không có ý định phát triển một suy tưởng có khả năng thay thế việc đọc bản thân các tác phẩm. Mọi lý thuyết về sci-fi quả thực đều có nguy cơ trở thành một tác phẩm sci-fi. Chính do vậy mà những người thử dấn thân vào công việc này rốt cuộc phần lớn đều là nhà văn.

Khảo cứu của các nhà văn

Ở Pháp, không hiếm nhà văn trở thành cộng tác viên của các tạp chí hay chủ biên một tủ sách. Mối quan tâm dành cho sci-fi đi đôi với tính sáng tạo có khả năng mang vô số dáng vẻ. Ở mức thấp nhất, các độc giả đam mê cũng tham gia được vào việc tái sáng tạo thế giới mà tác phẩm lấy làm tiền đề. Việc đọc sci-fi dựa trên một sự chấp thuận có chủ ý trước cốt truyện và thế giới. Độc giả đối chiếu những suy diễn và giả định của chính mình với những tiền đề mà tác giả đặt ra và anh ta chỉ chấp nhận tác phẩm ở điểm nào mà anh ta thấy thuyết phục. Trải nghiệm đọc này làm nảy sinh cảm giác về một hình thức đồng sáng tạo, được dẫn dắt và giới hạn chặt chẽ bởi chính tác phẩm, nhưng trong quá trình ấy, độc giả có được một khoảng đánh giá vừa đủ để chiếm lĩnh phần nào đó quy trình ngoại suy đặc trưng của sci-fi. Các độc giả ưa thích cảm giác này thường tìm kiếm các tác phẩm khác cùng loại, do vậy trở thành fan của sci-fi.

Khi các fan này tìm cách cũng trở thành tác giả sci-fi, thì rất nhiều khả năng mở ra cho họ, giúp họ phát triển và lan tỏa trạng thái tinh thần mà họ say mê đó. Thường thì chính từ hàng ngũ fan này đã được tuyển lựa ra những người sáng lập fanzine hay website, các nhà phê bình trên tạp chí, các nhà tổ chức đại hội hay nhóm hội, hoặc chủ biên các tủ sách. Trong số các fan hoạt động tích cực, có thể bắt gặp cả các nhà khảo cứu mà ta đã nhắc đến, và cả những nhà văn, vốn là fan đủ tài năng để nắm bắt được hành động sáng tác sci-fi. Những bộ phận này thường hòa lẫn với nhau, dù rất hiếm khi xảy ra trường hợp một fan có được thành công trong tất cả mọi hoạt động liên quan đến đam mê sci-fi. Pierre Versins, dù có viết tiểu thuyết và truyện ngắn, nhưng lại đóng góp cho việc hình thành văn học sci-fi ở Pháp chủ yếu với tư cách nhà phê bình. Alain Dorémieux và Michel Demuth là những tác giả truyện ngắn xuất sắc, nhưng trên hết đảm nhiệm vai trò không thể thiếu là những nhà trung gian văn hóa trong suốt hơn hai mươi năm, khi cầm trịch FictionGalaxie. Ngược lại, các tác giả quan trọng như Jean-Pierre Andrevon và Philippe Curval đã chứng tỏ tài khảo cứu uyên bác qua nhiều bài báo đăng trên cũng những tạp chí ấy, song ngoài việc họ tham gia phê bình trên báo chí ở thời đại mình, các tác phẩm của họ còn chỉ lối dẫn đường cho sự phát triển của sci-fi Pháp. Trong số những ví dụ thời nay về sự hội tụ giữa khát khao viết và khát khao suy ngẫm về sci-fi, có thể kể đến Gilles Dumay, chủ biên tủ sách Lunes d’Encre, cộng tác viên của tạp chí Bifrost và nhà văn có sách xuất bản dưới bút danh Thomas Day, hay các tác giả tham gia blog Génération Science-fiction (Thế hệ sci-fi), Ugo Bellagamba, Sylvie Denis, Claude Ecken và Roland C. Wagner[23].

Việc các nhà văn tham gia khảo cứu thể loại sci-fi có thể càng giúp việc đọc văn bản trở nên dễ dàng, nhất là khi việc đọc này diễn ra dưới hình thức suy ngẫm lý thuyết, thường gắn với một quan niệm cá nhân về sci-fi. Quả vậy, góc nhìn của một nhà văn, dù tầm hiểu biết của anh ta về lĩnh vực này rộng hay hẹp, cũng khác đáng kể so với góc nhìn của các nhà khảo cứu khác. Hành động viết kéo theo khả năng xét lại các hình ảnh và ý tưởng trong sci-fi, để làm mới chúng. Nếu nhà sưu tầm khảo cứu mong muốn nhận diện càng chính xác càng tốt những gì đang và đã tồn tại thì nhà văn lại tìm kiếm những hình thức chưa ai biết tới hoặc chưa được gọi tên từ những phạm trù trong quá khứ hay hiện tại. Dẫu vậy, những tuyên ngôn được đưa ra rất hiếm hoi. Một số tác giả từng thử tìm cách chỉ ra sci-fi cần phải là gì, nhưng cũng đã rơi vào tình trạng nói chẳng ai nghe hoặc vấp phải những phản ứng thù nghịch. Chẳng hạn, một bài viết của Daniel Drode, “Science-fiction à fond” (Sci-fi đến tận cùng) (Drode, 1960) vào năm 1960 đã trình bày rất sáng tỏ về một vấn đề mỹ học quan trọng trong thể loại sci-fi, độ vênh giữa phép ngoại suy trong các tác phẩm hư cấu này vốn dựa trên tiền đề những thế giới rất khác với thế giới của chúng ta, và cái ngôn ngữ phổ thông để mang lại hình hài cho những thế giới ấy. Bài viết này ủng hộ cho việc phổ cập hóa các ý đồ viết táo bạo hơn nữa, mà bản thân Daniel Drode cũng đã đưa ra ví dụ qua tiểu thuyết Surface de la planète (Bề mặt hành tinh) của mình. Dù những suy ngẫm này có thể lấy làm chỉ dẫn cho các phân tích văn học đối với các tác phẩm sci-fi, nhưng những nhận xét mang tính lý thuyết kiểu này lại gần như không có tác động gì đến việc viết hay việc đưa ra một định nghĩa thực tiễn về sci-fi.

Hoạt động lý thuyết của các nhà văn đã vượt ra ngoài định nghĩa chặt chẽ về khảo cứu, hiểu như một nỗ lực sưu tầm. Các tác giả không tìm cách phát hiện lại những gì từng tồn tại, mà tìm cách nắm bắt những gì còn chưa được phát hiện, để tinh chỉnh thêm tiếp nhận về một lĩnh vực không ngừng phát triển. Đó có thể là một khái niệm mang tính gợi mở, chẳng hạn “bulle de présent” (bong bóng hiện tại) được Sylvie Denis đọc ra là một mô thức sáng tác trong sci-fi kể từ sau Neuromancien (Denis, 1995). Theo hướng phân tích này, trong các tiểu thuyết của William Gibson, “tương lai bị hòa tan trong tính thường nhật” (Denis, 1994), bởi tác giả dựa trên tiền đề là trong những thập kỷ tới vô số vật dụng gắn với các thương hiệu và doanh nghiệp cụ thể vẫn còn duy trì tồn tại. Lối viết sci-fi này hàm ý từ chối thực hiện “bước nhảy lượng tử nhỏ” (Denis, 1995) cho phép chuyển qua một môi trường đổi khác triệt để làm tiền đề cho thế giới. Ý tưởng về sự bám víu lấy một “bong bóng hiện tại” đặc biệt cho phép hiểu được một số tác phẩm xuất bản ngoài thể loại sci-fi đích thực, khi một số nhà văn như Michel Houellebecq, Maurice Dantec và Bernard Werber ghi nhận tầm quan trọng của khoa học công nghệ đối với cuộc sống thường nhật, mà chỉ đặt trong một bối cảnh hiện tại nối dài. Trong khi các bản chất và các xã hội loài người vẫn mãi bất biến, tiểu thuyết của họ cũng giúp ta thấy được một số thay đổi cụ thể xảy đến do những đổi mới trong khoa học[24].

Có thể thiết lập một đối thoại bổ ích giữa giới khảo cứu và nghiên cứu từ loại hình lý thuyết hóa này, miễn là đừng phóng đại tầm quan trọng của nó ở cấp độ sci-fi như một tổng thể. Chính sách xuất bản cùng những thành công trong công chúng và giới phê bình mới là tác nhân quy định rõ hơn các mẫu hình thống trị sci-fi ở một thời kỳ nhất định; việc lập thuyết cũng phát triển song song với nó, nhưng chỉ đến được với lượng công chúng hạn chế hơn nhiều. Chẳng hạn, khi dùng ẩn dụ một vật thể lượng tử để phân tích sci-fi trong “Pour une approche quantique de la SF” (Vì một lối tiếp cận sci-fi mang tính lượng tử) (Ecken, 2011), Claude Ecken chỉ nói với một lượng nhỏ các fan Pháp đang băn khoăn về khả năng suy tàn của thể loại. Hơn nữa, ông cũng tìm cách thuyết phục họ hãy đứng vào số các fan còn lại. Quả vậy, toàn bộ lập luận ông đưa ra đều nhằm giảm nhẹ mối lo lắng của họ về số phận của sci-fi. Để làm vậy, ông sử dụng xen kẽ hai chiến lược nhằm phù hợp với bộ phận độc giả-khảo cứu cuồng vật lý. Một mặt, ông khai thác những hình ảnh ấn tượng từ vật lý lượng tử. Sci-fi do vậy được gán cho “lưỡng tính sóng-hạt” (Ecken, 2011, tr.116), nghĩa là nó mang bản chất kép, dẫu muốn phân biệt cũng chỉ tổ uổng công: sci-fi  không chỉ bao gồm các tác phẩm sử dụng các vật phẩm của nó, kể cả những vật phẩm hời hợt nhất, mà cả các câu chuyện khiến ta phải suy ngẫm và trừu tượng hóa ở mức độ sâu sắc. Mặt khác, Claude Ecken lại viện đến một khảo cứu lịch sử nghiêm ngặt để chứng minh rằng những khó khăn của thể loại sci-fi ở Pháp bắt nguồn từ việc từ rất xa xưa khoa học đã bị chối bỏ trong văn học, dù điều đó chưa bao giờ ngăn cản các nhà văn sáng tác ra những tác phẩm có giá trị. Dẫu lập luận của ông khiến ta phải suy ngẫm, ông vẫn kết luận bằng một chuỗi rào đón, nhấn mạnh vào sự viển vông của những định nghĩa hẹp, những than vãn về sự suy tàn của sci-fi và những ý đồ sáp nhập hẳn sci-fi vào văn học nói chung. Chứng minh mà Ecken đưa ra, vừa chặt chẽ vừa đùa giỡn, thực sự chỉ nhằm kêu gọi các fan lo âu đừng lo âu nữa mà tập trung vào đọc thay vì đến lượt họ cũng bày đặt lý thuyết hóa nọ kia.

Khi Claude Ecken bảo vệ quan điểm nửa hài hước nửa nghiêm túc của mình, cũng như khi Pierre Stolze tranh cãi với Gérard Klein về tầm quan trọng tương đối của hình ảnh và ý tưởng trong thể loại sci-fi, thì cũng có nghĩa là họ đang bảo vệ khái niệm về sci-fi theo hình dung của chính mình, khái niệm mang tính bản năng và gắn với thực hành viết của cá nhân họ (Stolze, 1998). Tiểu thuyết của Pierre Stolze công khai đùa với tính liên văn bản linh hoạt của sci-fi, đồng thời ghép lại với nhau đủ loại hình ảnh, từ những nhân vật biểu tượng như Marilyn Monroe hay Greta Garbo đến các thực thể văn hóa như ông già Noel hay cha Fouettard [nhân vật chuyên đi theo ông già Noel để đét đít các trẻ em hư], giữa cơn lốc xoáy không-thời gian những stereotype như samurai, đại sư Tây Tạng, khủng long hay các hiệp sĩ Teuton (Stolze, 1986 và 1996). Ngược lại, trong truyện của Gérard Klein, các hình ảnh có giá trị trên hết là bởi nhờ chúng mà các cấu trúc ngầm ẩn được thể hiện ra. Khi Klein, trong tác phẩm Les Seigneurs de la guerre (Những chúa tể chiến tranh) (Klein, 2001), để những người lính từ mọi thời kỳ gặp nhau giữa Aergistal – quả cầu khổng lồ bao trọn thiên hà chúng ta trong một tương lai xa xăm, thì đó là để cho độc giả hiểu chức năng của quả cầu này. Aergistal là cái ngã tư không-thời gian nơi các chiến binh của mọi thời đại loài người chạm trán đến vô tận, nhằm từng bước thanh lọc những khuynh hướng bạo lực khỏi dải Ngân Hà, đồng thời làm một hàng rào chống lại quân xâm lược tiềm năng. Aergistal là một ý tưởng được hóa thân hơn là một hình ảnh sci-fi.

Những chúa tể chiến tranh của Gérard Klein

Đối với các nhà văn sci-fi, khảo cứu do vậy là sự tiếp nối hoạt động sáng tác thông qua các phương tiện khác, một hình thức đối thoại cá nhân với các lý thuyết. Những đóng góp của Gérard Klein cho lý luận về sci-fi gắn với mong muốn bảo vệ và minh họa cho một thể loại sci-fi chặt chẽ, còn các sáng tác của ông cung cấp ví dụ về thể loại đó. Dù là khi ông ủng hộ cho việc tăng cường tính chuyên nghiệp hóa của các nhà văn Pháp (Klein, 1967), khi ông phân tích sci-fi như biểu hiện cho các huyễn tưởng của một tầng lớp trung lưu đam mê công nghệ (Klein, 2005), khi ông đưa ra lý thuyết về “chủ thể tính tập thể” để giải thích cách các nhà văn sci-fi cụ thể hóa các khát vọng chung của xã hội (Klein, 2011), thì Gérard Klein nhà lý thuyết vẫn theo sau tác phẩm của Gérard Klein nhà văn, bằng cách cho thấy các cấu trúc ý tưởng kết tinh ẩn dưới sự sản sinh không ngừng các hình ảnh sci-fi, qua các bài tựa và tiểu luận của mình (Bréan, 2012).

Cũng theo cách đó, những suy ngẫm của Francis Berthelot và Serge Lehman có lẽ khó tách rời khỏi tham vọng nhà văn trong họ. Francis Berthelot, nhà văn kiêm nhà nghiên cứu, trong tác phẩm Bibliothèque de l’Entre-Mondes (Thư viện Giữa Các Thế Giới) của mình đã đưa ra một phương pháp phân loại cho phép tránh việc phân biệt cứng nhắc thành hai phạm trù văn học nói chung và văn học phi hiện thực chủ nghĩa thuộc các loại khác nhau (Berthelot, 2005). Dưới mác “transfiction” [tạm dịch là “truyện phá thể”], ông tập hợp các tác phẩm mà theo cách này hay cách khác vi phạm các chuẩn mực văn chương hay các quy tắc của thực tế. Khái niệm này cho phép thực hiện một hành trình xuyên qua các thế kỷ và thể loại tương tự như con đường mà tác phẩm của ông đi qua, với nhóm truyện “Rêve du démiurge” (Giấc mơ của Đấng Tạo hóa) rất khó xếp hạng, lấy cùng một vũ trụ làm bối cảnh cho những câu chuyện mang tính biểu tượng, hiện thực chủ nghĩa lẫn huyền ảo. Ra đời từ cùng một nguồn cảm hứng với sáng tác của ông, khái niệm “truyện phá thể” có thể dễ dàng được dùng làm khuôn khổ lý thuyết để hiểu truyện của Berthelot, đồng thời cũng là một điểm tiếp cận độc đáo cho văn chương nói chung.

Sự hội tụ giữa khát vọng của nhà văn và khát vọng của nhà khảo cứu ở Serge Lehman phần nào đó mang hình hài một cuộc kiếm tìm nguồn gốc[25]. Trong sáng tác của ông, cuộc tìm kiếm này đạt tới đỉnh cao vào hai dịp. Aucune étoile aussi lointaine (Không ngôi sao nào xa thế) (Lehman, 2001c), cuốn tiểu thuyết được xây dựng trên một sự liên văn bản mạnh mẽ, kể về chuyến phiêu lưu hoài hương của một trong những nhà du hành vũ trụ cuối cùng, đeo đuổi một cỗ máy hủy diệt vô cùng xưa cũ. Chuyến du hành mang tính thụ giáo này hoàn toàn hướng về quá khứ, bởi nó nhằm lặp lại hành trình của cỗ máy này, đồng thời dần dà biết được bí mật về nguồn gốc của vũ trụ mà ta đã biết, cho đến khi tái thiết vũ trụ đó bằng cách quay ngược thời gian. Mối quan tâm về nguồn gốc này còn được thể hiện đáng chú ý trong Le livre des ombres (Cuốn sách bóng tối) (Lehman, 2005), tuyển tập truyện ngắn này là cơ hội để Serge Lehman quan niệm lại tác phẩm của mình bằng cách trình bày các tác phẩm đó như những mảnh rời rạc của một quá khứ chặt chẽ và có nghĩa.

Mong muốn có một nguồn gốc đủ khả năng trở thành nền tảng cho một tương lai xán lạn đã dẫn Serge Lehman nhà khảo cứu đến chỗ xem xét lại quá khứ của sci-fi ở Pháp. Các tiền đề của cuộc tìm kiếm này nằm trong lời dẫn viết cho một hợp tuyển các nhà văn Pháp, Escales sur l’horizon (Những bến đỗ nơi chân trời), “Les enfants de Jules Verne” (Những đứa con của Jules Verne) (Lehman, 1998). Ở đây có hai câu hỏi liên quan, câu hỏi về tính hợp thức của sci-fi và câu hỏi về vị trí của truyền thống Pháp trong lịch sử sci-fi. Serge Lehman đi tới kết luận rằng “cái nhánh chết của văn chương”[26] tức là trí tưởng tượng khoa học Pháp này vẫn mang những khả năng kỳ diệu và rằng chỉ vì một sự hiểu lầm mà hàng nghìn tác phẩm đã bị rẻ rúng (Lehman, 2006, tr. iii). Do thái độ bi quan trước kỹ thuật sau cuộc Đại Chiến, các tác giả Pháp bị giam cầm trong một thứ “chứng tự kỷ theo chủ đề”, ngăn cản họ trở thành đối trọng với các tác giả Mỹ, vì vậy gây ra một sự “đứt gãy”[27] trong văn chương Pháp. Trong số những “kẻ săn quái vật cổ tích” mà ông nỗ lực khôi phục danh dự, Serge Lehman đối thoại ở khoảng cách cả trăm thế kỷ với tác giả được ông phong là nhà lý thuyết đầu tiên về sci-fi (Lehman, 2011, tr.10), Maurice Renard, một trong những tiểu thuyết gia có trí tưởng tượng khoa học xuất sắc nhất, và là tác giả duy nhất viết về chính trải nghiệm thực tiễn của mình. Bởi các suy ngẫm của Renard là một điểm neo giữ lịch sử đủ vững để cung cấp cho ông một nguồn gốc, Serge Lehman dường như sẵn sàng đưa ra một lịch sử sci-fi bằng tiếng Pháp có khả năng làm tiêu tan sự đứt gãy mà theo ông là thủ phạm cho tính hợp thức yếu ớt của sci-fi[28].

Bong bóng hiện tại, lưỡng tính sóng-hạt, chủ thể tính tập thể, truyện phá thể, những đứa con của Jules Verne: khảo cứu của nhà văn là một nguồn những quan niệm đủ sức thúc đẩy tư duy, bởi công trình của họ là điểm hội tụ giữa một vốn văn hóa cá nhân quan trọng và một khả năng làm mới hệ thống hình ảnh sci-fi. Các ý niệm này luôn có mối liên hệ trực tiếp với tác phẩm, bởi cái đích cuối cho những suy tưởng này rốt cuộc vẫn là hiểu được nguồn tư liệu. Vấn đề là nhận diện mối liên hệ giữa các tác phẩm, lý giải được các lựa chọn chủ đề, dựng lại một thể liên tục lịch sử hoặc thể loại một cách hợp lý, chứ không phải hiệu chỉnh các công cụ phân tích hay hình thành các lý thuyết trừu tượng ứng dụng được cho văn chương nói chung[29]. Để có thể nắm bắt được các suy ngẫm của họ, cũng như để có được những công trình khảo cứu dưới hình thức báo chí hay bách khoa thư, thì nhất thiết phải có hiểu biết trực tiếp về các tác phẩm, nhất là tác phẩm của các nhà văn khảo cứu này, mặt bên kia trong quan niệm về sci-fi của họ.

Serge Lehman
Serge Lehman

Khảo cứu sci-fi ra đời từ một khuynh hướng phân tích phê bình, diễn ra rất mạnh mẽ trong giới do các mối liên hệ động giữa các vũ trụ thực và các vũ trụ sci-fi. Ở Pháp, thoạt tiên, khảo cứu gắn với phê bình trên báo chí, rồi dần trở thành một nỗ lực mang tính hệ thống ngay khi các fan đam mê viết ra các cuốn sử, các bộ sách tổng quan và các bách khoa thư, rồi dùng những bộ sưu tập của chính mình thiết lập nền tảng của một kiến thức trọn vẹn về thể loại văn học mà họ yêu thích. Song song với những nỗ lực có hệ thống này, những nỗ lực mà chính họ cũng được hưởng lợi, các nhà văn dựa vào văn hóa cá nhân của mình để trừu tượng hóa, lập ra các quan niệm về sci-fi vốn cho tới khi ấy chỉ được thể hiện qua chính bản thân tác phẩm. Thể liên tục phê bình này mở ra trong cùng không gian với thể liên tục sáng tác đã sinh ra nó, và được nuôi dưỡng bằng những tranh luận và trao đổi mà phần lớn không xuất hiện một cách hàn lâm dưới dạng bài viết hay công trình nghiên cứu. Như vậy, dù các cuốn sách hướng dẫn và những ý niệm hữu ích có đi ra từ lĩnh vực sci-fi để có mặt tại các thư viện nghiên cứu, thì vẫn nên nhớ rằng đó chỉ là những mảnh trồi theo trật tự rải rác từ một không gian phức tạp và tự trị. Là những cửa ngõ để tiếp cận nguồn tư liệu, chúng khuyến khích mỗi người đi sâu vào không gian này để ở đó tự mình có trải nghiệm riêng về sci-fi.

Vô Diện dịch

[1] Galaxies đã được một ê kíp mới tiếp quản kể từ năm 2006.

[2] Le Cafard cosmique đã ngừng hoạt động nhưng tư liệu trên đó vẫn có thể tra cứu được.

[3] “Tập hợp 290 số Fiction là tổng hợp các nghiên cứu quan trọng nhất từng thấy về chủ đề này, nó là một cuốn bách khoa thư về thể loại sci-fi, cuốn bách khoa thư trường tồn và thường xuyên được cập nhật, cung cấp một công cụ không thể thiếu cho tất cả những ai quan tâm đến thể loại sci-fi (trên hết) và huyền ảo.” (Valéry, 1978, tr. 174).

[4] Một phần các bài viết của Jacques Goimard được tập hợp trong Critique de la science-fiction (Phê bình sci-fi) (Goimard, 2002).

[5] Muốn tìm hiểu thêm về khía cạnh này, có thể tham khảo một bài viết riêng về tác phẩm của Gérard Klein tại Nxb Fleuve Noir, nơi ông có cơ hội nhắc lại tầm quan trọng của một nền sci-fi dành cho đông đảo công chúng, nếu muốn giúp lĩnh vực này phát triển (Goimard, 1974, tr. 9-15).

[6] Các giải thưởng được trao cho truyện sci-fi trước hết có vai trò đảm bảo cho mỗi năm có vài tác phẩm được lọt vào mắt công chúng. Ban đầu đó là các giải mở ra bởi nhà xuất bản, đặc biệt có giải Jules Verne cho thể loại huyền ảo (Prix Jules Verne du Rayon Fantastique) từ 1958 đến 1963. Trong những năm 1970, các giải thưởng được tạo ra trong khuôn khổ hoặc song song với, các festival và hội thảo, nhằm mục đích tôn vinh giá trị những tác phẩm xuất sắc nhất năm, dịch từ ngôn ngữ khác hoặc của các tác giả Pháp ngữ. Giải Apollo và Giải Thưởng Lớn dành cho sci-fi Pháp vẫn là những giải thưởng quan trọng nhất cho tới tận đầu những năm 1990, sau đó giải Apollo bị giải thể, dẫn đến sự thay đổi của Giải Thưởng Lớn dành cho sci-fi, nay đổi tên thành Giải Thưởng Lớn dành cho các tác phẩm xuất phát từ trí tưởng tượng (Grand Prix de l’Imaginaire). Ngoài giải thưởng này, hiện nay còn có nhiều phần thưởng khác dành cho lĩnh vực sci-fi ở Pháp, trong đó có giải Thứ Hai, giải Julia Verlanger và Giải châu Âu vùng Pays de Loire. Xem xét các tác phẩm được trao giải hằng năm sẽ cho phép ta hình dung sở thích nổi bật tại một thời điểm nhất định.

[7] Trong số các diễn đàn về sci-fi, có thể tham khảo các diễn đàn của ActuSF, Cafard cosmique, và Nxb Bélial.

[8] Rất nhiều nhân chứng nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc tạo ra cốt lõi giới fan khảo cứu của hai hiệu sách thuộc quyền sở hữu của Valérie Schmidt trong những năm 1950, La Balance, rồi sau đó là l’Atome (Klein, 2004, tr. 10-11). Các hiệu sách vẫn tiếp tục nắm giữ vai trò này tại nhiều thành phố lớn ở Pháp, như hiệu sách Scylla ở Paris. Các nhóm fan cũng có thói quen gặp gỡ quanh các bữa ăn hằng tuần, cổ xưa nhất là bữa trưa thứ Hai ở Paris, khi các nhà văn, nhà xuất bản và khảo cứu tập hợp và cứ mỗi năm lại trao giải Thứ Hai (Giải Thưởng Lớn Mới dành cho thể loại sci-fi Pháp). Từ những năm 1970 có các festival diễn ra tại các thành phố khác nhau ở Pháp, chẳng hạn festival Utopiales ở Nantes, Imaginales ở Épinal hay Imaginaire ở Sèvres.

[9] Pierre Versins cũng đã xuất bản nhiều tiểu thuyết sci-fi hài hước, viết thời luận cho tạp chí Fiction và làm người điều hành câu lạc bộ Futopiens, một hiệp hội những người nghiên cứu sci-fi không chuyên đã cho xuất bản fanzine Ailleurs trở thành nguồn tham khảo của các fan suốt một thời gian dài.

[10] Maison d’ailleurs, Musée de la science-fiction, des voyages extraordinaires et de l’utopie (Bảo tàng sci-fi, những chuyến du hành kỳ diệu và utopia), [truy cập ngày 21 tháng Tám 2012]. Bộ sưu tập này trước đây từng là cảm hứng cho một triển lãm ở trung tâm Kunsthalle ở Berne, rồi ở Bảo tàng Nghệ thuật Trang trí Paris năm 1967.

[11] Louis Geoffroy, Napoléon et la conquête du monde (1812-1832) (Napoléon và cuộc chinh phục thế giới (1812-1832)) (1836), Paris, Tallandier, 1983.

[12] “(…) cuốn sách này đã là một tác phẩm phê bình và không khách quan: đây là một cuốn sử thiên vị và không toàn diện” (Sadoul, 1984, tr.14).

[13] Các bài viết trên tạp chí Univers, với chủ bút là Jacques Sadoul, trong những năm 1970 đã hoàn thành dự án lịch sử của ông khi kể tên các tác phẩm và nhà văn quan trọng nhất từ các tủ sách khác nhau của Pháp. Ngược lại, không một bài phê bình nào xuất hiện trên tạp chí này nữa kể từ sau năm 1980.

[14] Có thể xem thêm cuốn sách cùng tác giả, như một tư liệu lịch sử về thể loại sci-fi trong những năm 1970: Clefs pour la science-fiction (Chìa khóa sci-fi) (Bogdanoff, 1976).

[15] Đại hợp tuyển sci-fi trải qua hai giai đoạn xuất bản, xê ri đầu gồm mười hai tập xuất bản từ 1974 đến 1976, xê ri thứ hai gồm hai mươi tư tập xuất bản từ 1983 đến 1985. Cũng có bốn bộ dành riêng cho sci-fi Pháp xuất bản từ 1988 đến 1990, rồi đến hai bộ cuối xuất bản lần lượt vào các năm 1999 và 2005.

[16] Bộ “Années de la science-fiction et du fantastique” (Sci-fi và kỳ ảo qua các năm) được xuất bản tại nhà Julliard từ 1978 đến 1982, với chủ biên là Jacques Goimard.

[17] Có thể thêm vào đây Dictionnaire de la science-fiction (Từ điển sci-fi) của Denis Guiot, Alain Laurie và Stéphane Nicot (Guiot, Laurie và Nicot, 1998) và La Science-fiction của Lorris Murail (Murail, 1999).

[18] Có thể xem cả La Science-fiction, une littérature du réel (Sci-fi, một loại hình văn học về cái thực) của Raphaël Colson và André-François Ruaud (Colson và Ruaud, 2006).

[19] Có một cuốn Dictionnaire encyclopédique des littératures de l’imaginaire (Từ điển bách khoa về các thể loại văn học bắt nguồn từ trí tưởng tượng) được thực hiện vào đầu những năm 2000 do Jacques Goimard và Stéphane Manfrédo chủ biên, tại NXB L’Atalante, nhưng cho tới nay vẫn chưa hoàn thành. Một công trình tập thể như vậy vấp phải hai khó khăn chính, một mặt là đòi hỏi tài chính cao và mặt khác là thiếu vắng những chuẩn mực khoa học thống nhất phương pháp khảo cứu có khả năng đóng góp cho công trình. Cuốn bách khoa thư của Clute và Nicholls thành công trước hết là do chính bản thân họ có thể soạn phần lớn các mục từ cho ấn bản đầu tiên, và sự năng động của thị trường tiếng Anh cũng cho phép bỏ ra những khoản chi đáng kể để tạo ra được một tác phẩm chất lượng.

[20] Các tác phẩm này được xuất bản bởi Encrage, một nhà xuất bản do Alfu (Alain Fuzellier) thành lập năm 1986. Encrage xuất bản tác phẩm thuộc về các thể loại văn học ít được thừa nhận và tái bản các tác phẩm cũ khó tìm. Nhà xuất bản này cũng xuất bản cả các công trình lý thuyết và các tạp chí chuyên sâu như Le Rocambole, dành riêng cho tiểu thuyết bình dân, Les Cahiers Alexandre Dumas. Các nghiên cứu này rất hiếm khi liên quan đến sci-fi.

[21] nooSFereQuarante-Deux: quelques pages sur la Science-Fiction (Quarante-Deux: vài trang về sci-fi). Đặc biệt, có thể tra cứu toàn bộ các mục từ trong bách khoa thư của Jean-Pierre Andrevon, George Barlow và Denis Guiot (Andrevon, Barlow và Guiot, 1987).

[22] Tư liệu của Noosfere cũng liên quan đến thể loại kỳ ảo, huyền diệu, kỳ dị.

[23] Génération science-fiction, laboratoire nexialiste de psychohistoire littéraire (Thế hệ sci-fi, phòng thí nghiệm tổng ngành về tâm lý sử văn học).

[24] Khái niệm “bong bóng hiện tại” này, được đưa ra vào giữa những năm 1990, cũng có thể sử dụng để nhận diện phần nào đó những bước tiến của mẫu hình thống trị của sci-fi Pháp gần đây, chủ yếu từ chối việc trình bày những tương lai kỳ vĩ mà phần lớn bận tâm đến một tương lai gần, cạnh tranh với những câu chuyện kỳ ảo phi thời gian và chú tâm đến sở thích ngày càng tăng dành cho lịch sử giả tưởng.

[25] Một phần khác rất quan trọng trong tư duy phê bình của Serge Lehman bàn đến cách những hình ảnh trong sci-fi được cụ thể hóa. Về chủ đề này, có thể đọc “La physique des métaphores” (Hình hài thực của những ẩn dụ) (Lehman, 2001b) và “Vers la fiction analogique” (Hướng đến thể loại hư cấu loại suy) (Lehman, 2001a).

[26] Serge Lehman nhắc đến “cái nhánh chết kỳ lạ của văn học” trong “L’héritage du merveilleux scientifique” (Di sản của khoa học huyền diệu) (Lehman, 2003, tr. 23).

[27] “Đâu đó trong lịch sử văn chương Pháp đã từng xảy ra một sự đứt gãy mà âm vang của nó vẫn còn vọng đến ngày nay. (…) Được sinh ra nhờ Jules Verne, làm cho sâu sắc thêm nhờ Rosny anh, mở rộng thêm nữa nhờ thành công tuyệt vời của những bản dịch Herbert George Wells đầu tiên của Nxb Mercure de France trước khi được chính thức thuần hóa bởi Maurice Renard, Théo Varlet, André Maurois và Jacques Spitz (không kể đông đảo các tác giả bình dân như Jean de La Hire, José Moselli hay Léon Groc), sci-fi Pháp nửa đầu thế kỷ dường như đủ tầm để hiện diện, nếu không phải là đứng vững, trước làn sóng Mỹ – ít nhất là trên phương diện số lượng.” (Lehman, 1999).

[28] Một trong những đề xuất mà Serge Lehman đưa ra trong cuộc tìm về nguồn gốc sci-fi từng là cơ hội dẫn đến một trong những cuộc tranh cãi chứng tỏ tầm quan trọng của giao tiếp xã hội trong việc xây dựng nền khảo cứu sci-fi. Đáp lại ý tưởng cho rằng việc phủ định sci-fi xuất phát từ mối liên hệ của nó với siêu hình học, một cuộc tranh luận sôi nổi đã diễn ra suốt nhiều tháng trên diễn đàn của ActuSF, trong mục này: “Từ Sense of Wonder đến sci-fi siêu hình học”, ActuSF, [trực tuyến], [truy cập ngày 21 tháng Tám 2012].

[29] Như vậy, lý thuyết của Francis Berthelot về “truyện phá thể” không hẳn đúng với phần còn lại của giới văn chương: nên cùng xem xét tổng thể các tác phẩm có nguồn gốc khác nhau, bằng cách tập hợp chúng vào một phạm trù mới theo một tiêu chí đa ngành. Điều này sẽ lại dẫn trở lại việc lập ra một lĩnh vực độc lập theo một cách mới.

Thư mục tham khảo

  1. Altairac Joseph và Costes Guy, Les Terres creuses (Những vùng đất trũng), Amiens, Encrage, 2006.
  2. Andrevon Jean-Pierre, Barlow George và Guiot Denis, La Science-fiction (Sci-fi), Paris: MA, 1987. Xem trực tuyến tại Noosfere.
  3. Aziza Claude và Goimard Jacques, L’Encyclopédie de poche de la science-fiction (Bách khoa thư bỏ túi về sci-fi), Paris: Pocket, 1986.
  4. Barets Stan, Catalogue des âmes et cycles de la S.F. (Danh mục các nhân vật và nhóm truyện sci-fi), Paris: Denoël, 1981, tủ sách “Présence du Futur” (Hiện tại của Tương lai).
  5. Bergier Jacques, L’Aube du magicien (Bình minh của nhà ảo thuật), Joseph Altairac (cb.), Paris: L’Œil du sphinx, 2008, tủ sách “Les Dossiers du réalisme fantastique” (Những tài liệu về cái hiện thực kỳ ảo). [tập hợp lại rất nhiều bài viết của Jacques Bergier, nhất là bài “Vademecum pour auteurs de science-fiction” (Cẩm nang dành cho tác giả sci-fi, Satellite số 8, 9 và 10, tháng Tám đến tháng Mười 1958.]
  6. Berthelot Francis, Bibliothèque de l’Entre-Mondes (Thư viện Giữa Các Thế Giới), Paris: Gallimard, 2005, tủ sách “Folio SF” (Folio sci-fi).
  7. Bogdanoff Grishka và Igor, Clefs pour la science-fiction (Chìa khóa sci-fi), Paris: Seghers, 1976.
  8. Bogdanoff Grishka và Igor, L’Effet science-fiction (Hiệu ứng sci-fi), Paris: Robert Laffont, 1979, tủ sách “Ailleurs et Demain” (Chốn khác và Ngày mai).
  9. Bréan Simon, “GK, SC, SF: Gérard Klein et Subjectivité Collective de la Science-Fiction” (GK, SC, SF: Gérard Klein và chủ thể tính tập thể của sci-fi), trong Les Subjectivités collectives (Những chủ thể tính tập thể), tập tiểu luận do Ugo Bellagamba, Éric Picholle và Daniel Tron biên soạn, Villefranche-sur-mer: Somnium, 2012, tr. 33-52, tủ sách “Sciences & Fictions à Peyresq” (Khoa học và Hư cấu ở Peyresq).
  10. Broderick Damien, Reading by Starlight: Postmodern Science Fiction (Đọc dưới ánh sao: Sci-fi hậu hiện đại), London: Routledge, 1995.
  11. Clute John và Nicholls Peter, The Encyclopedia of Science Fiction (Bách khoa thư sci-fi), London: Orbit, 1999.
  12. Colson Raphaël và Ruaud André-François, La Science-fiction, une littérature du réel (Sci-fi, một loại hình văn học về cái thực), Paris: Klincksieck, 2006.
  13. Colson Raphaël và Ruaud André-François, Science-fiction, Les Frontières de la modernité (Sci-fi, những biên giới của tính hiện đại), Paris: Mnémos, 2008.
  14. Denis Sylvie, “Cyberspace ou l’envers des choses” (Không gian mạng hay mặt trái của sự vật), trong Cyberdreams, số 1, tháng Mười hai 1994. Xem trực tuyến tại Générations science fiction.
  15. Denis Sylvie, “Les Racines du mal” (Nguồn gốc cái ác), trong Cyberdreams, số 4, tháng Mười 1995. Xem trực tuyến tại Génération science-fiction.
  16. Drode Daniel, “Science-fiction à fond” (Sci-fi đến tận cùng), trong Ailleurs, số 28-29, tháng Tư-Năm 1960, tr. 24-31.
  17. Ecken Claude, “Pour une approche quantique de la SF” (Vì một lối tiếp cận sci-fi mang tính lượng tử), trong Bifrost, số 61, tháng Một 2011, tr. 114-143.
  18. Goimard Jacques, “Modeste précis d’ortogologie portative” (Siêu giản lược về Ortog học), tựa cho Steiner, Kurt, trong Ortog, Paris: Robert Laffont, 1975, tr. 7-24, tủ sách “Ailleurs et Demain Classiques” (Chốn khác và Ngày mai – Kinh điển).
  19. Goimard Jacques, “Préface” (Tựa), trong Gérard Klein, Le Sceptre du hasard (Quyền trượng của cái ngẫu nhiên), Robert Laffont, 1974, tr. 9-15, tủ sách “Ailleurs et Demain Classiques”.
  20. Goimard Jacques, Critique de la science-fiction (Phê bình sci-fi), Paris: Pocket, 2002, tủ sách “Agora”.
  21. Goimard Jacques, Ioakimidis, Demètre và Klein, Gérard, dẫn nhập chung cho La Grande Anthologie de la science-fiction (Đại hợp tuyển sci-fi), Paris: Le Livre de Poche, 1974-1976. Xem trực tuyến tại Quarante-deux.
  22. Guiot Denis, Laurie Alain và Nicot Stéphane, Dictionnaire de la science-fiction (Từ điển sci-fi), Paris: Hachette, 1998.
  23. Henriet Éric B., L’Histoire revisitée (1999) (Lịch sử xem xét lại), Amiens: Encrage, 2004.
  24. Klein Gérard, “Malaise dans la science-fiction américaine” (1975) (Sự khó chịu trong sci-fi Mỹ), trong Ursula K. Le Guin, Le Dit d’Aka (nhan đề gốc The Telling), Paris: Le Livre de Poche, 2005, tr. 439-539, tủ sách “Science-fiction”.
  25. Klein Gérard, “Pourquoi y a-t-il une crise de la science-fiction française?” (Tại sao sci-fi Pháp xảy ra khủng hoảng?), trong Fiction, số 166, tháng Chín 1967, tr. 122-128.
  26. Klein Gérard, “Trames et moirés” (Những âm mưu và những thứ lóng lánh) (1986), Trames et moirés, à la recherche d’autres sujets, les subjectivités collectives (Những âm mưu và những thứ lóng lánh, đi tìm các chủ thể khác, những chủ thể tính tập thể), Villefranche-sur-mer: Éditions du Somnium, 2011, tr. 17-153.
  27. Klein Gérard, Le temps n’a pas d’odeur (Thời gian không có mùi), Paris: Le Livre de poche, 2004, tựa, tr. 9-31, tủ sách “Science-fiction”. Xem tại Quarante-deux.
  28. Klein Gérard, Les Seigneurs de la guerre (1970) (Những chúa tể chiến tranh), Paris: Le Livre de Poche, 2001, tủ sách “Science-fiction”.
  29. Labbé Denis và Millet Gilbert, La Science-fiction, Paris: Belin, 2001.
  30. Lehman Serge, “Hypermondes perdus” (Những siêu thế giới đã mất), trong Chasseurs de chimères (Những kẻ săn quái vật cổ tích). L’Âge d’or de la science-fiction française (Kỷ nguyên vàng của sci-fi Pháp), Paris: Omnibus, 2006, tr. III.
  31. Lehman Serge, “L’héritage du merveilleux scientifique” (Di sản của khoa học huyền diệu), trong Tintin chez les savants (Tintin ở xứ bác học), chủ biên Sven Ortoli, Bruxelles: Moulinsart; Paris: Science & vie, 2003, tr. 23.
  32. Lehman Serge, “Les mondes perdus de l’anticipation française” (Những thế giới đã mất trong thể loại viễn tưởng ở Pháp), trong Le Monde diplomatique, tháng Bảy 1999. Xem trực tuyến tại (cần đăng ký) Le Monde diplomatique.
  33. Lehman Serge, “La physique des métaphores” (Hình hài thực của những ẩn dụ), trên báo Europe, số 870, tháng Mười 2001b, tr. 32-50.
  34. Lehman Serge, “Les Enfants de Jules Verne” (Những đứa con của Jules Verne), trong Escales sur l’horizon (Những bến đỗ nơi chân trời), Paris: Fleuve Noir, 1998, tr. 11-52, tủ sách “Grand Format SF” (Sách sci-fi khổ lớn).
  35. Lehman Serge, “Préface” (Tựa), trong Retour sur l’horizon (Trở về chân trời), Paris: Denoël, 2009, tr. 9-23, tủ sách “Lunes d’encre”.
  36. Lehman Serge, “Vers la fiction analogique” (Hướng đến thể loại hư cấu loại suy), trên Solaris, số 138, tháng Tám 2001a, tr. 72-84.
  37. Lehman Serge, Aucune étoile aussi lointaine (1998) (Chẳng ngôi sao nào xa thế), Paris: J’ai Lu, 2001c, tủ sách “Science-fiction”.
  38. Lehman Serge, Le Livre des ombres (Cuốn sách bóng tối), Nantes: L’Atalante, 2005.
  39. Murail Lorris, La Science-fiction, Paris: Larousse, 1999, tủ sách “Guide Totem”.
  40. Sadoul Jacques, Histoire de la science-fiction moderne 1911-1984 (Lịch sử sci-fi hiện đại 1911-1984), Paris: Robert Laffont, 1984, tủ sách “Ailleurs et Demain Essais” (Chốn khác và Ngày mai – Tiểu luận).
  41. Saint-Gelais Richard, L’Empire du pseudo. Modernités de la science-fiction (Đế chế của sự giả dối. Những nét hiện đại của sci-fi), Québec: Nota Bene, 1999, tủ sách “Littérature (s)”.
  42. Stolze Pierre, « La science-fiction : littérature d’images et non d’idées » (Sci-fi: văn học của hình ảnh và phi ý tưởng), in Les Univers de la science-fiction, Galaxies, 1998, p. 182-200.
  43. Stolze Pierre, Greta Garbo et les crocodiles du Père Fouettard (Greta Garbo và những con cá sấu của cha Fouettard), Paris: Hors Commerce, 1996, tủ sách “Hors Bleu”.
  44. Stolze Pierre, Marilyn Monroe et les samouraïs du père Noël (Marilyn Monroe và các samurai của ông già Noel), Paris: J’ai Lu, 1986, tủ sách “Science-fiction”.
  45. Valéry Francis, “Courrier des lecteurs” (Thư độc giả), trên Fiction, số 293, tháng Chín 1978, tr. 174.
  46. Valéry Francis, Passeport pour les étoiles (Giấy thông hành đi các vì sao), Paris: Gallimard, 2000, tủ sách “Folio SF”.
  47. Van Herp Jacques, Panorama de la Science-fiction (1973) (Tổng quan về sci-fi), Bruxelles: C. Lefrancq, 1996, tủ sách “Volumes”.
  48. Versins Pierre, Encyclopédie de l’Utopie, des Voyages Extraordinaires et de la Science-Fiction (1972) (Bách khoa thư về utopia, những chuyến phiêu du kỳ diệu và sci-fi), Lausanne: L’Âge d’Homme, 1984.
  49. Westfahl Gary, “The Popular Tradition of Science Fiction Criticism”, trên Science Fiction Studies (Nghiên cứu sci-fi), số 78, tháng Bảy 1999. Bản dịch: “Truyền thống bình dân trong phê bình sci-fi (1926-1980)”, trên ReS Futurae, số 1.

 Nguyên bản: « Les érudits de la science-fiction en France, une tradition critique endogène », ReS Futurae số 1/2012. Xin cảm ơn tác giả Simon Bréan đã cho phép Zzz Review dịch đăng bài khảo cứu này.

Chấm sao chút:

Đã có 0 người chấm, trung bình 0 sao.

Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3

Người góp chữ

Vô Diện

"Tất cả những việc em làm, dù thích hay không, em đều cố gắng làm thật tốt." - Kundera

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi

Be the first to comment

Bạn nghĩ sao?

%d bloggers like this: