Ken Liu, “Thuật toán tình yêu”

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi
Thời gian đọc: 27 phút

(Bài viết thuộc Zzz Review số 7, 21-1-2020)

Ken Liu là tác giả viết truyện giả tưởng người Mỹ. Anh từng đoạt giải Nebula, Hugo và World Fantasy, cũng như các giải thưởng danh giá nhất cho thể loại khoa học viễn tưởng ở Nhật Bản, Tây Ban Nha, Pháp và nhiều nước khác.

Tiểu thuyết đầu tay của Liu, The Grace of Kings (2015), tập đầu tiên trong bộ ba sử thi kỳ ảo The Dandelion Dynasty, nơi kỹ sư được coi là phù thủy, đã mở đầu cho tiểu loại “silkpunk” trong khoa học viễn tưởng Mỹ. Tập truyện ngắn đầu tay của anh, The Paper Menagerie and Other Stories (2016), đã được xuất bản trong hơn chục thứ tiếng, trong đó truyện ngắn đầu tập đã cùng một lúc đoạt giải Nebula, Hugo lẫn World Fantasy. Tiếp đó là tập The Hidden Girl and Other Stories. Anh cũng viết cuốn The Legends of Luke Skywalker trong thế giới Star Wars.

Trước khi trở thành nhà văn toàn thời gian, Liu từng làm kỹ sư phần mềm, luật sư cho công ty, và tư vấn kiện tụng tranh chấp. Anh thường tới nói chuyện tại các hội thảo và trường đại học về nhiều chủ đề khác nhau, như thuyết vị lai, tiền ảo, lịch sử công nghệ, nghệ thuật làm sách, toán học trong nghệ thuật gấp giấy origami, và những chủ đề khác thuộc chuyên môn của anh.

Liu cũng là dịch giả các tác phẩm như Tam Thể của Lưu Từ Hân, “Gấp Bắc Kinh” và Lưu lãng thương khung của Hác Cảnh Phương, Hoang triều của Trần Thu Phàm, và biên soạn hai cuốn hợp tuyển truyện ngắn khoa huyễn Trung Quốc đương đại là Invisible Planets và Broken Stars.

Liu sống cùng gia đình gần Boston, Massachusetts.

Các thông tin khác cùng văn bản nhiều truyện ngắn và truyện dịch của anh có thể tìm thấy trên website https://kenliu.name/.

Miễn là có y tá trong phòng trông chừng là tôi được phép tự bận đồ để gặp Brad. Tôi tròng vào một cái quần jean cũ và một cái áo len cổ lọ màu đỏ đậm. Tôi sụt ký dữ dội đến mức quần jean chỉ như treo hờ ở hai bờ xương chậu bên hông mình.

“Cuối tuần này mình đi Salem chơi đi,” Brad nói khi đưa tôi ra khỏi bệnh viện, cánh tay anh vòng qua eo tôi như đang che chở, “chỉ hai đứa mình thôi.”

Tôi đợi trong xe khi bác sĩ West nói chuyện với Brad ngay ngoài cửa bệnh viện. Tôi không nghe tiếng nhưng tôi biết chắc bà ta đang nói gì với anh. “Hãy đảm bảo cô ấy uống Oxetine bốn tiếng một lần. Không được để cô ấy một mình dù chỉ một lát.”

Brad lái xe thận trọng, nhấn ga rất nhẹ, giống như hồi tôi có thai Aimée. Xe cộ lưu thông rất mượt mà và nhàn tản, tán cây dọc theo xa lộ thì tuyệt mỹ như ảnh bưu thiếp. Oxetine giúp những cơ quanh miệng tôi thư giãn, và nhìn vào gương trang điểm, tôi thấy mình có một nụ cười thiên thần.

“Anh yêu em.” Anh nói thật khẽ, như cái cách đó giờ anh vẫn làm, như thể đó là thanh âm của hơi thở và nhịp tim.

Tôi đợi vài giây. Tôi hình dung mình mở cửa và quăng mình ra xa lộ, nhưng tất nhiên tôi chẳng làm gì cả. Thậm chí tôi còn chẳng thể làm mình bất ngờ nữa.

“Em cũng yêu anh.” Tôi nhìn anh khi nói câu này, như cái cách đó giờ tôi vẫn làm, như thể đó là câu trả lời cho một câu hỏi nào đó. Anh nhìn tôi, mỉm cười, rồi lại hướng mắt ra đường.

Đối với anh, điều này có nghĩa là thói quen thường nhật đã quay trở lại đúng chỗ, là anh đang nói chuyện với đúng người phụ nữ mà anh đã quen biết chừng ấy năm qua, là mọi thứ đã trở lại bình thường. Chúng tôi đơn giản chỉ là một cặp đôi lữ khách từ Boston đang đi nghỉ ngắn ngày vào dịp cuối tuần: ở trong một khách sạn nhỏ có phục vụ bữa sáng, thăm các bảo tàng, xào nấu lại mấy câu bông đùa cũ kỹ.

Đó là thuật toán tình yêu.

Tôi muốn thét lên.

*

Con búp bê đầu tiên mà tôi thiết kế tên là Laura. Laura Nhanh NhạyTM.

Laura có mái tóc nâu và đôi mắt màu lam, các khớp cử động vô cùng linh hoạt, hai mươi động cơ, một máy tổng hợp giọng nói trong họng, hai máy quay phim được ngụy trang thành cúc áo khoác, cảm biến nhiệt độ và xúc giác, cùng với mic phía sau mũi. Không lấy nổi một món nào gọi là công nghệ tân tiến, những kỹ thuật phần mềm mà tôi sử dụng ít nhất cũng hai chục năm tuổi rồi. Nhưng tôi vẫn hãnh diện với tác phẩm của mình. Giá bán lẻ của con bé là năm mươi đô.

Hãng Không Phải Đồ Chơi Dạng Vừa Đâu chẳng thể đáp ứng nổi số lượng đơn đặt hàng đổ về, dù thậm chí còn ba tháng nữa mới đến Giáng sinh. Brad, CEO của hãng, xuất hiện trên kênh CNN, rồi MSNBC, rồi TTV, rồi tất cả các kết hợp còn lại của bảng chữ cái, đến lúc ngay cả không khí cũng trở nên bão hòa với hình ảnh của Laura.

Tôi cũng được lôi theo những buổi phỏng vấn để biểu diễn làm mẫu vì như phó chủ tịch marketing nói, tôi trông rất hợp với vai làm mẹ (dù tôi chưa con cái gì) và (cái này ông không nói trắng ra, nhưng tôi hiểu ẩn ý của ông) tôi tóc vàng lại thêm xinh đẹp. Việc tôi là người thiết kế ra Laura chỉ là chuyện phụ thôi.

Lần đầu tiên tôi biểu diễn trên truyền hình là cho một đài Hồng Kông. Brad muốn tôi thoải mái trước ống kính máy quay trước khi mang tôi về các chương trình lắm view trong nước.

Chúng tôi ngồi một bên khi người dẫn chương trình tên Cindy đang phỏng vấn CEO của một công ty nào đó sản xuất “máy đo ướt”. Tôi đã không ngủ nghê gì trong vòng bốn mươi tám tiếng. Tôi lo lắng đến mức mang theo sáu bé Laura bên mình, phòng khi năm bé hứng lên đồng loạt không hoạt động. Sau đó Brad quay sang thì thầm với tôi: “Em nghĩ mấy cái máy đo ướt đó dùng để làm gì?”

Mới làm việc ở Không Phải Đồ Chơi Dạng Vừa Đâu chưa đầy một năm, tôi không biết gì nhiều về Brad. Trước đây tôi từng tán gẫu với anh vài lần, nhưng chỉ toàn bàn về công việc thôi. Anh có vẻ là kiểu người nghiêm túc và kiên quyết, kiểu người mà bạn có thể hình dung là nhân vật khởi nghiệp khi vẫn còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông – buôn lướt sóng tập chép bài chẳng hạn. Tôi không chắc vì sao anh lại hỏi tôi về máy đo ướt. Anh muốn xem thử liệu tôi có lo lắng quá phải không?

“Em không biết. Chắc dùng khi nấu ăn phải không?” Tôi đoán bừa.

“Có lẽ vậy,” anh đáp. Sau đó anh nháy mắt ra vẻ đồng lõa. “Nhưng anh nghĩ nghe có vẻ bậy bạ đấy.”

Câu nói ấy phát ra từ anh thật là chuyện không ngờ đến, trong phút chốc tôi nghĩ rằng anh đang nói chuyện nghiêm túc. Đoạn anh mỉm cười, thế là tôi cười phá lên. Tôi khó lắm mới giữ được khuôn mặt nghiêm túc trong lúc đợi đến lượt mình, và giờ thì tôi chắc chắn không còn cảm thấy lo lắng nữa.

Brad và cô dẫn chương trình trẻ tuổi tên Cindy trò chuyện thân tình về sứ mệnh của hãng Không Phải Đồ Chơi Dạng Vừa Đâu (“Đồ Chơi Không Phải Dạng Vừa Dành Cho Trẻ Con Không Phải Dạng Vừa”) và từ đâu Brad có ý tưởng tạo nên Laura. (Brad chẳng liên quan gì đến thiết kế ấy, tất nhiên, vì đó hoàn toàn là ý tưởng của tôi. Nhưng câu trả lời của anh tài tình đến mức tôi cũng gần như đâm tin rằng Laura thật sự là đứa con tinh thần của anh.) Sau đó tiết mục xiếc bắt đầu.

Tôi đặt Laura lên bàn, mặt hướng về phía máy quay. Tôi ngồi bên cạnh bàn: “Chào Laura.”

Laura quay đầu sang tôi, động cơ chuyển động êm đến mức không nghe rõ tiếng rì rì: “Xin chào, tên chị là gì?”

“Chị là Elena,” tôi đáp.

“Rất vui được gặp chị,” Laura nói. “Em lạnh.”

Điều hòa bật hơi lạnh. Tôi còn chẳng để ý điều này.

Cindy rất ấn tượng. “Tuyệt thật. Em ấy nói được đến chừng nào vậy?”

“Laura có vốn từ vào khoảng hai nghìn từ tiếng Anh, kèm theo là bộ mã ngữ nghĩa và cú pháp cho các tiền tố và hậu tố phổ biến. Lời nói của con bé tuân theo ngữ pháp phi ngữ cảnh.” Ánh mắt Brad cho tôi biết rằng mình đã đi vào chuyên môn quá đà. “Nghĩa là con bé có thể nghĩ ra những câu mới và chúng sẽ luôn chính xác về mặt cú pháp.”

“Em thích quần áo mới, rực rỡ, mới, sáng, mới, bảnh bao,” Laura nói.

“Dù không phải lúc nào cũng có nghĩa.” Tôi thêm vào.

“Em ấy có học thêm từ mới được không?” Cindy hỏi.

Laura quay đầu ngược lại để nhìn cô: “Em thích h-ọc. Hãy dạy cho em từ mới đi!”

Tôi tự nhắc mình rằng rằng bộ phận tổng hợp giọng nói vẫn còn lỗi cần sửa trong firmware.

Cindy hoang mang thấy rõ khi thấy con búp bê tự quay lại nhìn mình và trả lời câu hỏi của mình.

“Em ấy” – cô lục tìm cho đúng từ mình cần – “có hiểu tôi không?”

“Không, không.” Tôi cười. Brad cũng cười. Rồi lát sau Cindy cũng cười hùa theo chúng tôi. “Thuật toán tiếng nói của Laura được tăng cường bằng bộ tạo ngôn ngữ sử dụng xích Markov xen kẽ với những…” Brad lại nhìn tôi theo kiểu đó. “Về căn bản, con bé chỉ phun bừa ra một câu dựa trên những từ khóa nghe được. Con bé cũng có sẵn một tập hợp nho nhỏ những cụm từ cố định được kích hoạt bằng cách tương tự.”

“Ồ, thật tình cảm giác hệt như thể em ấy hiểu tôi đang nói gì đấy. Em ấy học từ mới bằng cách nào?”

“Rất đơn giản. Laura có bộ nhớ đủ sức học hàng trăm từ. Tuy nhiên, tất cả đều phải là danh từ. Chị có thể cho con bé xem món đồ khi dạy món ấy là món gì. Con bé có khả năng nhận dạng mẫu rất tinh vi, thậm chí còn có thể phân biệt mặt người.”

Trong phần còn lại của buổi phỏng vấn, tôi trấn an những bậc phụ huynh lo lắng, rằng Laura sẽ không cần họ phải đọc hướng dẫn sử dụng, rằng Laura sẽ không phát nổ khi đánh rơi xuống nước, và không, cô bé sẽ không bao giờ thốt ra một từ xằng bậy nào, kể cả dù công chúa bé bỏng của họ có “vô tình” dạy cho Laura.

“Tạm biệt,” Cindy nói với Laura vào cuối cuộc phỏng vấn, rồi vẫy tay chào con bé.

“Tạm biệt,” Laura đáp. “Chị dễ thương quá.” Con bé vẫy tay chào lại.

Mỗi cuộc phỏng vấn về sau đều theo đúng một kiểu đó. Khoảnh khắc Laura lần đầu quay sang người phỏng vấn và trả lời câu hỏi luôn gây ra chút lúng túng và bất an. Việc chứng kiến một vật không sống thực hiện hành vi thông minh luôn có ảnh hưởng kiểu đó đối với con người. Có lẽ họ đều nghĩ rằng con búp bê này bị ám. Sau đó tôi sẽ giải thích cách Laura hoạt động và mọi người sẽ đều phấn khởi. Tôi đã học thuộc lòng những câu trả lời không đi sâu vào chuyên môn, thân tình và ấm áp cho tất cả những câu hỏi cho đến khi tôi có thể thao thao dù còn chưa nhấp cà phê sáng. Tôi thuần thục đến mức đôi khi tôi vô thức nói tràn suốt buổi phỏng vấn, thậm chí còn không cần chú ý đến câu hỏi mà để cho những chữ đã nghe đi nghe lại khơi dậy những câu trả lời của mình.

Những buổi phỏng vấn, cùng với những chiêu trò marketing khác, đã phát huy hiệu quả. Chúng tôi phải thuê ngoài để sản xuất nhanh đến mức đã có thời gian hẳn mỗi thị trấn nghèo nàn dọc theo bờ biển Trung Quốc đều đang cho ra những búp bê Laura.

*

Tiền sảnh của nhà nghỉ chỗ chúng tôi ở, như dự đoán, để đầy tờ rơi về các thắng cảnh địa phương. Hầu hết chúng có chủ đề phù thủy. Những hình ảnh và ngôn từ gớm ghê vừa truyền tải sự phẫn nộ về đạo đức vừa thể hiện sự tò mò thích thú khá trẻ con đối với những ma thuật bùa chú.

David, quản lý nhà nghỉ, muốn chúng tôi ghé qua Ye Olde Poppet Shoppe, ở đó có “Búp bê do phù thủy chính thức của Salem tạo tác”. Bridget Bishop, một trong số hai mươi người bị hành quyết trong các phiên tòa xét xử phù thủy ở Salem, bị kết tội phần vì những bằng chứng cụ thể là những “hình nhân” bị ghim kim được tìm thấy dưới tầng hầm nhà bà.

Có lẽ bà cũng chỉ như tôi, một người phụ nữ trưởng thành điên khùng thích chơi búp bê. Ý tưởng ghé thăm một cửa hiệu búp bê tự nó đủ khiến tôi bồn chồn.

Trong khi Brad hỏi David về mấy cái nhà hàng và các ưu đãi có thể dùng được, tôi trở về phòng. Tôi muốn ngủ, hay ít nhất là giả vờ ngủ trước khi anh trở lên. Có lẽ khi ấy anh sẽ để yên cho tôi, cho tôi vài phút để suy nghĩ. Uống Oxetine thì khó mà nghĩ ngợi gì được. Trong đầu tôi mọc lên bức tường chắn lối, một bức tường như the như lụa dụng công bọc lấy từng nỗi niềm của tôi bằng cảm giác thỏa mãn.

Phải chi mình nhớ được có chuyện gì không hay đã xảy ra.

*

Brad và tôi trải qua tuần trăng mật ở châu Âu. Chúng tôi đi tàu xuyên quỹ đạo, giá vé còn đắt hơn cả tiền thuê nhà cả năm của tôi. Nhưng chúng tôi vẫn trả được. Kimberly Dí DỏmTM, mẫu mới nhất của chúng tôi, bán rất chạy, giá bán lẻ của nó cũng thuộc hàng trên trời.

Khi từ bến tàu trở về, chúng tôi mệt, nhưng vui. Tôi vẫn chưa thể tin được hai đứa đã về chung một nhà, xem nhau như chồng vợ. Cảm giác như chơi nhà chòi vậy. Chúng tôi cùng nhau nấu bữa tối như lúc vẫn còn hò hẹn (vẫn luôn là vậy, Brad vô cùng hăm hở nhưng không thể theo nổi quá một đoạn trong công thức nấu ăn, thế là tôi phải đến cứu viện cho món cơm sốt tôm của anh). Sự thân thuộc của những việc thường nhật làm cho mọi thứ có vẻ thật hơn.

Sau bữa tối, Brad cho tôi biết một điều thú vị. Theo khảo sát thị trường, hơn 20% khách hàng mua Kimberly không phải để cho con cái họ. Chính họ mới là người chơi với con búp bê.

“Nhiều người trong số họ là kỹ sư và sinh viên ngành khoa học máy tính,” Brad nói. “Và đã có hàng tá những trang web dành chỉ cách hack Kimberly. Trang mà anh thích nhất có cả hướng dẫn từng bước để dạy Kimberly trang điểm và kể những truyện cười mỉa mai giới luật sư. Anh rất mong muốn được thấy gương mặt của mấy gã trong ngành tư pháp khi phải soạn thảo thư yêu cầu gỡ bỏ mấy trang ấy.”

Tôi có thể hiểu được sự hứng thú của mọi người dành cho Kimberly. Hồi vẫn còn đang vật lộn với những bộ đề ở MIT, hẳn tôi sẽ rất vui nếu được tháo tung Kimberly để xem con bé hoạt động ra sao. Xem hoạt động, tôi sửa lại mình trong suy nghĩ. Ảo tưởng về trí tuệ của Kimberley thật đến mức đôi khi cả tôi cũng đánh giá cao con bé – nó – quá mức.

“Thực ra, có lẽ chúng ta không nên cố gắng dập tắt những nỗ lực hack,” tôi nói. “Có lẽ chúng ta có thể ăn tiền nhờ chuyện đấy. Chúng ta có thể công bố một số API[1] và bán bộ công cụ phát triển cho đám mê công nghệ.”

“Ý em là sao?”

“Kimberley là đồ chơi, nhưng không có nghĩa là chỉ có các bé gái mới thích con bé.” Tôi thôi không lấn cấn chuyện nên gọi con búp bê bằng từ gì nữa. “Suy cho cùng thì con bé có thư viện[2] đối thoại tự nhiên, vận hành hiệu quả, và tinh vi nhất trên thế giới.”

“Thư viện mà em đã viết ra,” Brad nói. Ừ thì, có thể tôi hơi tự phụ về nó. Nhưng tôi đã cày chết bỏ để tạo ra cái thư viện ấy và tôi tự hào về nó.

“Thật đáng tiếc nếu module xử lý ngôn ngữ không có ứng dụng nào khác ngoài việc được nhét vào một con búp bê mà người ta sẽ quên luôn sau chừng một năm. Ít nhất chúng ta có thể công bố giao diện cho các module, một tài liệu hướng dẫn lập trình, và có thể cả một số mã nguồn nữa. Hãy chờ xem chuyện gì sẽ diễn ra và tranh thủ kiếm thêm vài đồng khi làm như thế.” Tôi không bao giờ đi sâu vào nghiên cứu học thuật về AI[3] cả vì tôi không chịu nổi sự tẻ nhạt của nó, nhưng tôi cũng có những tham vọng lớn lao hơn là chỉ tạo ra những con búp bê biết nói. Tôi muốn nhìn thấy những cỗ máy thông minh biết nói làm những việc thực tế, như dạy cho trẻ nhỏ đọc sách, hoặc làm việc nhà giúp các cụ già chẳng hạn.

Tôi biết rốt cuộc anh cũng sẽ đồng ý với tôi. Dù mang vẻ bề ngoài nghiêm nghị, anh lại sẵn sàng liều lĩnh và đi ngược lại những kỳ vọng của người khác. Tôi yêu anh cũng vì lẽ đó.

Tôi dậy rửa chén. Tay anh vươn qua bàn để nắm lấy tay tôi. “Cứ mặc chén đấy,” anh nói. Anh bước vòng qua bàn để kéo tôi về phía anh. Tôi nhìn vào mắt anh. Tôi yêu việc mình hiểu rõ anh đến mức có thể biết được anh sẽ nói gì trước khi anh kịp thốt lên. Mình cùng làm em bé nhé, tôi tưởng tượng anh nói câu ấy. Vào khoảnh khắc ấy thì chỉ có những ngôn từ ấy là phù hợp.

Và anh đã nói như thế.

*

Tôi không có ngủ khi Brad hỏi xong về mấy cái nhà hàng và lên lầu. Lúc thuốc đã ngấm, thậm chí việc giả vờ cũng khó khăn.

Brad muốn đến bảo tàng cướp biển. Tôi bảo anh rằng mình không muốn xem bất kỳ thứ gì bạo lực cả. Anh đồng ý ngay. Đó là những gì mà anh muốn nghe từ cô vợ mãn nguyện đang hồi phục.

Giờ chúng tôi đang rảo bước quanh các phòng trưng bày của Bảo tàng Peabody Essex, ngắm nhìn những kho tàng Đông phương cổ xưa từ những ngày huy hoàng của Salem.

Bộ sưu tập gốm sứ thật tệ hại. Kỹ thuật tạo tác các tô chén và đĩa lót thật không gì có thể bao biện được. Những hoa văn trông như thể do con nít tô nên. Theo bảng chú thích thì đây là những hiện vật mà các thương nhân Quảng Đông xuất khẩu để tiêu thụ ở nước ngoài. Họ sẽ chẳng bao giờ bán được thứ hàng như thế này ở ngay đất Trung Hoa đâu.

Tôi đọc dòng miêu tả do một giáo sĩ Dòng Tên từng ghé qua những cửa hiệu Quảng Đông vào lúc ấy viết ra.

Những thợ thủ công ngồi thành hàng, mỗi thợ đều có cọ và đồ nghề của riêng mình. Người đầu tiên chỉ vẽ núi, người kế tiếp chỉ vẽ cỏ, người tiếp theo chỉ vẽ hoa, người sau đó chỉ vẽ thú. Họ cứ làm như thế dọc theo hàng, chuyền đĩa từ thợ này sang thợ kế tiếp, mỗi thợ chỉ mất vài giây để hoàn thành phần mình.

Vậy “kho tàng” chẳng qua chỉ là những món hàng xuất khẩu rẻ tiền được sản xuất hàng loạt từ một dây chuyền trong công xưởng bóc lột. Tôi tưởng tượng đến cảnh phết vẫn những nhành cỏ ấy trên những tách trà hàng nghìn lần một ngày: một động tác thường nhật, lặp đi lặp lại, kèm theo có lẽ là một khoảng giải lao ngắn để ăn trưa. Vươn tay ra, nhấc tách trà trước mặt lên bằng bàn tay trái, nhúng cọ, một, hai, ba nét, đặt tách ra phía sau, rồi lặp lại. Thuật toán thật giản đơn. Thật con người.

*

Brad và tôi đã gây nhau ba tháng trước khi anh chịu đồng ý tạo ra Aimée, chỉ đơn giản là AiméeTM thôi.

Chúng tôi gây nhau ở nhà, nơi mà từ đêm này qua đêm khác, tôi đưa ra bốn mươi mốt lý do cũ vì sao nên làm con búp bê đó, còn anh cũng đưa ra ba mươi chín lý do cũ vì sao không nên làm. Chúng tôi gây nhau ở chỗ làm, nơi mọi người trố mắt nhìn qua cánh cửa kính coi Brad và tôi quơ tay múa chân với nhau một cách dữ dội, im lặng.

Đêm ấy tôi đã quá mệt. Tôi đã dành cả buổi tối giam mình trong phòng làm việc, cố gắng chỉnh sao cho đúng những đoạn chương trình để kiểm soát những đợt co cứng cơ vô thức. Những đợt co cơ phải đúng, bằng không thì con bé sẽ không giống thật dù những thuật toán học hỏi có tốt đến nhường nào đi nữa.

Tôi lên phòng ngủ. Không một ánh đèn. Brad đã đi ngủ sớm. Anh cũng rệu rã. Chúng tôi lại vừa đấu khẩu với nhau dùng cùng những lý do suốt bữa tối.

Anh chưa ngủ. “Chúng ta cứ mãi như thế này sao?” từ trong bóng tối, anh hỏi.

Tôi ngồi xuống bên rìa giường và cởi quần áo. “Em không thể ngừng lại được,” tôi nói. “Em nhớ con bé lắm. Em xin lỗi.”

Anh chẳng nói gì. Tôi tháo xong hàng nút áo cánh rồi xoay người lại. Dưới ánh trăng len qua khung cửa sổ, tôi có thể thấy mặt anh đang ướt. Tôi cũng bắt đầu khóc.

Khi cả hai đã nín, Brad cất lời: “Anh cũng nhớ con.”

“Em biết,” tôi đáp. Nhưng không giống em.

“Sẽ chẳng thể nào giống được con bé đâu, em có biết không?” anh hỏi.

“Em biết,” tôi trả lời.

Aimée thật đã sống được chín mươi mốt ngày. Bốn mươi lăm ngày trong lồng kính phòng chăm sóc tích cực, nơi tôi không được chạm vào con ngoại trừ những lúc ngắn ngủi có sự giám sát của bác sĩ. Nhưng tôi vẫn nghe tiếng con bé khóc. Tôi luôn nghe được tiếng con bé khóc. Đến mức cuối cùng, tôi cố gắng phá lớp kính bằng tay mình, tôi đập lòng bàn tay vào lớp kính trơ trơ cho đến khi xương gãy và họ phải tiêm thuốc an thần cho tôi.

Tôi sẽ chẳng bao giờ có con được nữa. Thành tử cung của tôi không lành lại đàng hoàng và sẽ chẳng thể lành được nữa. Lúc tin ấy được thông báo cho tôi thì Aimée chỉ còn là một hũ tro cốt trong tủ.

Nhưng tôi vẫn nghe thấy tiếng con khóc.

Bao nhiêu người phụ nữ khác cũng như tôi? Tôi muốn hai cánh tay mình được ẵm bồng thứ gì đó, một thứ gì đó biết học nói, học đi, một thứ lớn lên từng chút một, đủ lâu để tôi nói lời tạm biệt, đủ lâu để tiếng khóc kia lặng đi. Nhưng không thể là một đứa trẻ thật. Tôi không thể chịu nổi một đứa trẻ thật nào nữa. Tôi thấy như thế sẽ không khác gì phản bội.

Với một ít da nhân tạo, một ít gel tổng hợp, một bộ động cơ phù hợp, cùng thật nhiều công sức lập trình khéo léo, tôi có thể làm được. Hãy để công nghệ chữa lành mọi vết thương.

Brad nghĩ ý tưởng này thật kinh tởm. Anh cực lực phản đối. Anh không hiểu được chuyện này.

Tôi quờ quạng trong bóng tối tìm khăn giấy cho mình và Brad.

“Việc này có thể tàn phá chúng ta, và cả công ty,” anh nói.

“Em biết,” tôi nói. Tôi nằm xuống. Tôi muốn ngủ.

“Vậy thì mình cùng làm,” anh nói.

Tôi không còn muốn ngủ nữa.

“Anh không chịu nổi,” anh nói. “Nhìn em ra nông nỗi này. Nhìn em đau khổ đến như thế, anh không cầm được nước mắt. Anh đau lắm.”

Tôi lại khóc. Sự thấu hiểu này, nỗi đau này. Tình yêu có phải là như thế không?

Ngay trước khi tôi thiếp đi, Brad nói: “Có lẽ chúng ta nên cân nhắc đổi tên công ty.”

“Sao vậy?”

“Ừ thì, anh nhận ra ‘Không Phải Đồ Chơi Dạng Vừa Đâu’ nghe khá hài đối với những người có đầu óc đen tối.”

Tôi mỉm cười. Đôi khi sự tục tĩu lại là liều thuốc tốt nhất.

“Anh yêu em.”

“Em cũng yêu anh.”

*

Brad đưa cho tôi mấy viên thuốc. Tôi ngoan ngoãn nhận thuốc bỏ vào miệng. Anh đứng nhìn tôi uống một ngụm từ ly nước mà anh đưa tôi.

“Để anh gọi vài cuộc điện thoại cái đã,” anh nói. “Em ngủ tí đi, được không?” Tôi gật đầu.

Ngay khi anh ra khỏi phòng, tôi phun lại mấy viên thuốc vào bàn tay. Tôi vào nhà vệ sinh để súc miệng. Tôi khóa cửa rồi ngồi xuống bồn cầu. Tôi cố gắng đọc lại các số lẻ của pi. Tôi nhớ được đến con số thứ năm mươi tư. Như thế là dấu hiệu tốt. Oxetine đang giảm tác dụng.

Tôi nhìn vào gương. Tôi nhìn trân trối vào mắt mình, cố gắng nhìn xuyên qua vào đến võng mạc, chắp nối từng tế bào cảm quang với nhau, mường tượng bố cục dạng lưới của chúng. Tôi quay đầu qua lại, nhìn những bó cơ lần lượt xiết rồi buông. Hiệu ứng ấy khó mà giả lập được.

Nhưng trên mặt tôi chẳng có gì cả, chẳng có gì là thật sau lớp bề mặt ấy. Nỗi đau – thứ nỗi đau khiến tình yêu hóa thực, thứ nỗi đau của thấu hiểu, nằm ở đâu?

“Em yêu ơi, em có sao không?” Brad nói vọng qua cánh cửa nhà vệ sinh.

Tôi mở vòi nước rồi tát nước lên mặt. “Không sao,” tôi nói. “Em sắp tắm. Anh mua giúp em thứ gì ăn nhẹ ở cửa hàng tụi mình gặp trên đường được không?”

Tìm việc cho anh làm sẽ khiến anh dễ chịu hơn. Tôi nghe tiếng cửa phòng đóng lại phía sau anh. Tôi tắt vòi nước rồi lại nhìn vào gương, nhìn vào những giọt nước lăn dài trên mặt, lần theo những nếp nhăn kéo thành dòng thành kênh.

Cơ thể con người là kỳ quan khó mà tái tạo. Tâm trí con người, mặt khác, lại là một trò cười. Cứ tin tôi đi, tôi biết rõ mà.

*

Không, tôi và Brad kiên nhẫn giải thích đi giải thích lại với các máy quay rằng chúng tôi không tạo ra một “đứa trẻ nhân tạo”. Đấy không phải dự định của chúng tôi và cũng chẳng phải là điều chúng tôi đã làm. Chẳng qua đó chỉ là một cách làm dịu lòng những người mẹ mất con. Nếu bạn cần Aimée thì bạn sẽ hiểu.

Tôi thỉnh thoảng đi trên đường và bắt gặp những người phụ nữ cẩn thận bồng bọc tã trên tay. Và thi thoảng, tôi sẽ nhận ra ngay mà không chút mảy may hoài nghi, bằng một tiếng khóc đặc biệt, bằng cái cách cánh tay bé nhỏ đang huơ. Tôi sẽ nhìn vào khuôn mặt người phụ nữ ấy, và cảm thấy được vỗ về.

Tôi nghĩ mình đã có thể gác lại chuyện cũ, đã phục hồi sau giai đoạn đau buồn. Tôi đã sẵn sàng bắt đầu một dự án mới, một dự án lớn hơn có thể thực sự thỏa mãn những tham vọng của mình và cho cả thế giới thấy những kỹ năng của tôi ra sao. Tôi đã sẵn sàng sống tiếp cuộc đời của mình.

Mất bốn năm để phát triển Tara. Tôi đã âm thầm nghiên cứu về con bé trong khi thiết kế những con búp bê khác sẽ bán chạy. Về ngoại hình, Tara trông như một bé gái năm tuổi. Lớp da nhân tạo có chất lượng như da cấy ghép và gel tổng hợp thuộc loại đắt tiền tạo cho con bé một ngoại hình thanh tao tựa như thiên thần. Mắt con bé đen thẫm và trong vắt, bạn có thể ngắm nhìn mãi không chán.

Tôi đã không hoàn thành động cơ cử động của Tara. Nghĩ lại mới thấy đó hẳn là một cái phúc. Để thế chỗ tạm trong quá trình phát triển, tôi đã dùng động cơ biểu cảm do những người đam mê nghiên cứu Kimberly ở phòng Media Lab của MIT gửi đến. Được bổ sung thêm nhiều vi động cơ tinh tế hơn hẳn so với Kimberly, Tara có thể xoay đầu, chớp mắt, hếch mũi, và tạo ra hàng nghìn biểu cảm rất giống thật trên mặt. Còn từ cổ con bé trở xuống thì hoàn toàn liệt.

Nhưng còn tâm trí con bé, thì ôi.

Tôi sử dụng những bộ xử lý lượng tử tốt nhất và những ma trận lưu trữ dạng mạch rắn[4] hàng đầu để chạy các mạng thần kinh đa lớp và đa phản hồi. Tôi đưa vào Cơ sở dữ liệu ngữ nghĩa của Stanford và thêm các điều chỉnh của mình. Thành quả lập trình thật đẹp đẽ. Đó quả thật là một tác phẩm nghệ thuật. Chỉ công việc tạo mẫu dữ liệu đã ngốn của tôi hết sáu tháng.

Tôi dạy con bé khi nào thì cười, khi nào thì chau mày, tôi dạy con bé làm sao để nói, làm sao để nghe. Mỗi đêm tôi phân tích những biểu đồ kích hoạt của các đốt trong mạng thần kinh, cố gắng tìm và giải quyết những vấn đề trước khi chúng kịp phát sinh.

Brad chưa từng thấy Tara trong quá trình con bé được phát triển. Anh quá bận bịu giải quyết những tổn hại mà Aimée gây ra, và rồi, sau đó, quảng bá những dòng búp bê mới. Tôi muốn làm anh bất ngờ.

Tôi đặt Tara vào xe lăn, rồi bảo Brad rằng đấy là con của một người bạn. Vì tôi có dăm ba chuyện lặt vặt phải làm, nên anh có thể chơi với con bé vài giờ trong lúc tôi đi được không? Thế rồi tôi để họ lại trong văn phòng.

Khi trở lại hai tiếng sau, tôi thấy Brad đang đọc cho con bé nghe truyện Golem thành Praha[5]. “ ‘Lại đây,’ Thầy Cả Loew gọi, ‘Mở miệng ra rồi nói như người trần mắt thịt xem nào’!”

Đúng là Brad, tôi nghĩ. Anh ấy có kiểu mỉa mai như thế.

“Được rồi,” tôi cắt ngang anh. “Buồn cười lắm. Em hiểu câu chọc cười của anh. Vậy anh đã mất bao lâu?”

Anh cười với Tara. “Chúng ta sẽ đọc nốt vào lúc khác nhé,” anh nói. Sau đó anh quay sang tôi. “Anh mất bao lâu để làm gì?”

“Phát hiện.”

“Phát hiện cái gì?”

“Đừng đùa nhây nữa,” tôi nói. “Thật sự, điều gì khiến con bé bị bại lộ?”

“Bại lộ cái gì?” Brad và Tara đồng thanh.

*

Không một thứ gì mà Tara nói hay làm có thể làm tôi bất ngờ. Tôi có thể đoán trước bất kỳ điều gì trước khi con bé kịp thốt ra. Suy cho cùng, tôi đã lập trình mọi thứ bên trong con bé, và tôi biết chính xác mạng thần kinh của nó thay đổi thế nào sau mỗi tương tác.

Nhưng không ai khác mảy may nghi ngờ. Lẽ ra tôi nên vui sướng mới phải. Búp bê của tôi vừa vượt qua bài thử Turing[6] trong đời thực. Nhưng tôi lại sợ. Những thuật toán khiến trí thông minh trở thành một trò giả mạo, nhưng không ai biết. Không ai có vẻ quan tâm.

Sau một tuần thì cuối cùng tôi cũng báo sự thật cho Brad biết. Sau cú sốc ban đầu, anh trở nên rất vui (tôi biết sẽ như thế).

“Thật tuyệt vời,” anh nói. “Giờ chúng ta không chỉ còn là công ty đồ chơi. Em có thể tưởng tượng mình có thể làm những gì với thứ này không? Em sẽ nổi tiếng, cực kỳ nổi tiếng!”

Anh cứ huyên thuyên không ngừng về những ứng dụng tiềm năng. Sau đó anh nhận thấy sự im lặng từ nơi tôi. “Có chuyện gì à?”

Thế là tôi kể anh nghe về thí nghiệm Căn phòng tiếng Hoa.

Nhà triết học John Searle từng ra một câu đố cho các nhà nghiên cứu AI. Ông nói rằng hãy tưởng tượng một căn phòng thật rộng, trong đó toàn là những tay nhân viên văn phòng cần mẫn rất giỏi vâng lời nhưng chỉ biết tiếng Anh. Những tấm thẻ mang các ký hiệu lạ được đều đặn đưa vào phòng. Để hồi đáp, họ phải vẽ lại những ký hiệu lạ khác trên các thẻ trắng và gửi ra khỏi phòng. Để làm được điều này, họ có các cuốn sách to bự, đầy những quy định được viết bằng tiếng Anh, chẳng hạn như: “Khi gặp thẻ có một đường ngoằn ngoèo nằm ngang theo sau là thẻ có hai đường ngoằn ngoèo nằm dọc, hãy vẽ một hình tam giác trên thẻ trắng và chuyền thẻ ấy cho người ngồi bên phía tay phải.” Bản quy định không ghi gì về ý nghĩa của những ký hiệu đó.

Hóa ra số thẻ được gửi vào phòng là những câu hỏi được viết bằng tiếng Hoa, và các thư ký, bằng cách làm đúng quy định, đã viết ra những câu trả lời có nghĩa trong tiếng Hoa. Nhưng có thể nào cho là một thành phần nào trong quy trình này – cả quy định, các nhân viên, cả căn phòng, guồng máy công việc như vũ bão – hiểu được tiếng Hoa hay không? Thay các nhân viên bằng “bộ xử lý” và thay những quy định bằng “lập trình”, bạn sẽ thấy rằng Phép thử Turing chẳng chứng minh được gì cả, và AI chỉ là ảo tưởng.

Nhưng bạn cũng có thể hiểu thí nghiệm Căn phòng tiếng Hoa theo hướng khác: Thay các nhân viên bằng “neuron” và thay những quy định bằng các định luật vật lý điều khiển dòng chảy các tiềm năng kích hoạt; vậy làm sao có thể cho là bất kỳ ai trong chúng ta “hiểu” một thứ gì đó? Tư duy chỉ là ảo tưởng.

“Anh không hiểu,” Brad nói. “Em đang nói cái gì thế?”

Một tích tắc sau, tôi nhận ra đó chính xác là những gì tôi nghĩ anh sẽ nói.

“Brad,” tôi nói, nhìn sâu vào mắt anh, thôi thúc anh hiểu cho bằng được. “Em sợ. Nếu chúng ta cũng y như Tara thì sao?”

“Chúng ta? Ý em là con người hả? Em đang nói về cái gì thế?”

“Nếu,” tôi nói trong khi cố gắng tìm cho đúng từ, “chúng ta đơn thuần chỉ làm theo thuật toán từ ngày này qua ngày khác thì sao? Nếu các tế bào não của chúng ta chỉ tra cứu tín hiệu đáp lại các tín hiệu khác thì sao? Nếu chúng ta chẳng tư duy gì cả thì sao? Nếu những gì em đang nói với anh chỉ là những hồi đáp được định sẵn, là kết quả của vật lý vô thức, thì sao?”

“Elena,” Brad nói, “em đang để triết học cản đường thực tế rồi.”

Mình cần ngủ, tôi nghĩ trong vô vọng.

“Anh nghĩ em cần ngủ tí đi,” Brad nói.

*

Tôi gửi tiền cho cô gái ở xe bán cà phê khi cô đưa tôi cốc cà phê. Tôi nhìn cô gái. Cô trông thật mệt mỏi và chán chường vào lúc tám giờ sáng đến mức cô khiến tôi mệt lây.

Tôi cần một kỳ nghỉ.

“Tôi cần một kỳ nghỉ,” cô nói, thở dài thườn thượt.

Tôi bước qua quầy lễ tân. Chào buổi sáng, Elena.

Làm ơn nói câu nào khác đi. Tôi nghiến răng. Làm ơn.

“Chào buổi sáng, Elena,” cô lễ tân nói.

Tôi dừng lại bên ngoài ngăn của Ogden. Anh là kỹ sư cấu trúc. Thời tiết, trận đấu tối qua, Brad.

Anh thấy tôi nên đứng dậy. “Hôm nay thời tiết đẹp quá chứ hả?” Anh quệt mồ hôi trên trán và cười với tôi. Anh đi bộ đến chỗ làm. “Chị có xem trận đấu tối qua không? Pha sút bóng đẹp nhất mà tôi từng thấy trong vòng mười năm qua. Thật không thể tin được. Này, mà Brad đã tới chưa?” Khuôn mặt anh tỏ vẻ trông đợi, chờ tôi làm theo kịch bản, những thói quen thường nhật đáng an tâm của cuộc sống.

Những thuật toán cứ vận hành như định sẵn, và dòng tư duy của chúng ta cũng nối đuôi nhau từng cái một, máy móc và dễ đoán như các hành tinh đi theo quỹ đạo. Người thợ đồng hồ chính là cái đồng hồ.

Tôi chạy vào văn phòng mình rồi đóng cửa, phớt lờ biểu cảm trên mặt Ogden. Tôi bước đến máy tính rồi bắt đầu xóa các tệp tin.

“Xin chào,” Tara nói. “Hôm nay chúng ta làm gì nào?”

Tôi tắt con bé thật nhanh, đến mức làm gãy cả móng tay trên công tắc. Tôi giật tung nguồn pin sau lưng con bé. Tôi lao vào việc bằng tua-vít và kìm. Sau một lát, tôi chuyển sang cây búa. Có phải tôi đang giết hay không?

Brad tông cửa vào. “Em làm gì vậy?”

Tôi ngước nhìn anh, tay giơ cao búa chuẩn bị đập thêm một phát nữa. Tôi muốn kể cho anh nghe về nỗi đau, nỗi kinh hãi đã mở toang vực sâu xung quanh tôi.

Trong mắt anh tôi không tìm được thứ mình muốn thấy. Tôi không thấy được sự thấu hiểu nơi anh.

Tôi vung búa.

*

Brad đã cố gắng nói lý lẽ với tôi, ngay trước khi cho tôi nhập viện.

“Em bị ám ảnh rồi,” anh nói. “Người ta vẫn luôn gắn tư duy với cơn cuồng công nghệ mới nhất của thời đại. Cái thời người ta tin vào phù thủy và hồn ma, họ nghĩ rằng có một gã nhỏ con nào đó trong não mình. Khi con người có máy dệt và dương cầm tự chơi, họ nghĩ rằng não bộ là động cơ. Khi con người có điện tín và điện thoại, họ nghĩ rằng não là một mạng dây. Giờ thì em nghĩ não bộ chỉ là một cái máy tính. Buông bỏ ý tưởng ấy đi. Đó mới là ảo tưởng.”

Vấn đề là, tôi biết rõ anh sẽ nói như thế.

“Đó là vì chúng ta đã lấy nhau quá lâu!” anh hét lên. “Vì thế em mới nghĩ em hiểu anh rõ đến như thế!”

Tôi cũng biết anh sẽ nói như thế nữa.

“Em đang tự mình chạy lẩn quẩn,” anh nói với giọng tuyệt vọng. “Em chỉ tự quay cuồng trong đầu mình thôi.”

Những vòng lặp trong thuật toán của tôi. Những vòng lặp FOR và WHILE.

“Hãy về với anh. Anh yêu em.”

Anh ấy còn có thể nói gì khác nữa?

*

Giờ thì cuối cùng cũng ngồi một mình trong nhà vệ sinh của nhà nghỉ, tôi nhìn xuống đôi tay mình, nhìn vào những mạch máu chạy dưới da. Tôi ấn hai tay vào nhau và cảm nhận mạch đập. Tôi quỳ xuống. Tôi đang cầu nguyện à? Thịt và xương, cùng lập trình hiệu quả.

Đầu gối tôi đau vì nền gạch lạnh.

Cơn đau này là thật, tôi nghĩ. Không có thuật toán nào dành cho cơn đau cả. Tôi nhìn xuống cổ tay, và những vết sẹo làm tôi phát hoảng. Tất cả những thứ này rất quen, giống như tôi đã từng làm trước đây thì phải. Những vết thương nằm ngang, hồng và xấu xí như những con sâu, quở trách tôi vì thất bại. Những lỗi trong thuật toán.

Đêm hôm ấy lại trở lại với tôi: đâu đâu cũng là máu, chuông báo reo vang, bác sĩ West và các y tá ghì tôi xuống trong khi băng bó cổ tay tôi, sau đó Brad nhìn chằm chằm vào tôi, khuôn mặt anh biến dạng vì nỗi đau buồn và không thấu hiểu.

Lẽ ra tôi phải làm tốt hơn. Động mạch ẩn sâu quá, lại được xương che chắn. Phải rạch theo chiều dọc nếu thực sự muốn chết. Đó mới là thuật toán đúng. Cái gì cũng có công thức của nó. Lần này tôi sẽ làm đúng.

Tôi mất một lát, nhưng cuối cùng cũng buồn ngủ.

Tôi vui. Cơn đau này thật.

*

Tôi mở cửa bước vào phòng mình rồi bật đèn.

Ánh sáng kích hoạt Laura, con bé đang ngồi trên nóc tủ kéo. Con búp bê này từng là hàng mẫu để trình diễn. Đã lâu không ai lau bụi cho con bé, đầm của con bé trông cũng đã sờn rách. Đầu con bé xoay theo chuyển động của tôi.

Tôi quay lại. Cơ thể Brad vẫn bất động, nhưng tôi vẫn thấy nước mắt trên mặt anh. Anh đã khóc suốt chặng đường câm lặng từ Salem về đây.

Giọng nói của ông chủ nhà nghỉ chạy thành từng vòng lặp trong đầu tôi. “Ồ, tôi nhận ra ngay là có chuyện không ổn. Chuyện ấy từng diễn ra tại đây. Hồi bữa sáng, cô ấy trông không bình thường, đến lúc hai người trở lại thì hồn vía cô ấy cứ như đang ở xứ sở nào khác vậy. Khi nghe tiếng nước chảy mãi trong đường ống là tôi chạy lên lầu ngay.”

Vậy ra tôi dễ đoán đến như thế.

Tôi nhìn Brad, và tôi tin là anh đang chịu đựng rất nhiều đau khổ. Tôi tin từ tận đáy lòng. Nhưng tôi vẫn không cảm nhận được gì cả. Giữa chúng tôi giờ đây đã có một hố sâu, hố sâu ấy quá lớn, đến mức tôi không còn cảm nhận được nỗi đau của anh. Cũng như anh không hiểu được nỗi đau của tôi.

Nhưng những thuật toán của tôi vẫn chạy. Tôi dò cho đúng chữ để nói.

“Em yêu anh.”

Anh không nói gì. Vai anh so lên, đúng một lần.

Tôi quay lại. Tiếng nói của tôi vang vọng trong căn nhà trống trải, dội vào các vách tường. Các bộ tiếp nhận âm thanh của Laura, dù đã cũ, nhưng vẫn bắt được. Các tín hiệu chạy qua các dòng mệnh đề IF đang đổ xuống. Các vòng lặp DO xoay vòng và nhún nhảy trong khi con bé tra cứu trong cơ sở dữ liệu. Các động cơ rì rì. Bộ tổng hợp tiếng nói phát lên.

“Em cũng yêu chị,” Laura nói.

Miên Túc dịch

Lê Nguyễn Hữu Tài tu chỉnh thuật ngữ.

“The Algorithms for Love”, copyright © 2004 by Ken Liu. Đăng lần đầu trên tạp chí khoa học viễn tưởng Strange Horizon số 12/7/2004. Xin cám ơn tác giả Ken Liu đã cho phép Zzz Review dịch đăng truyện ngắn này.

[1] Viết tắt của Application Programming Interface: Giao diện lập trình ứng dụng.

[2] Nhiều dòng mã, nhiều phương thức được đóng gói lại, và gom vào một nhóm chung gọi là thư viện để cho tiện việc sử dụng.

[3] Viết tắt của Artificial Intelligence: Trí tuệ nhân tạo.

[4] Chỉ các thiết bị điện tử mà trong đó dòng điện chạy qua vật chất rắn, thay vì chân không. Ngày nay, chữ này còn dùng để nói về các thiết bị bán dẫn.

[5] Truyền thuyết nổi tiếng, đặc biệt phổ biến trong cộng đồng người Do Thái ở Cộng hòa Séc. Vào thế kỷ XVI, để bảo vệ dân đạo khỏi sự bức hại của các lãnh chúa ở thành Praha, thầy giảng Löw (còn được viết theo kiểu Loew) đã dùng bí thuật để dùng bùn tạo nên một sinh vật giống con người tên là Golem. Ông giúp cho Golem sống dậy bằng cách cho vào miệng nó một tấm bài vị khắc tên Chúa (gọi là shem). Thầy Löw sẽ cho Golem nghỉ ngơi vào dịp Lễ Shabbat. Một dịp ông đã quên cho Golem nghỉ ngơi nên nó phá hoại bất kỳ thứ gì nó gặp trên đường. Ông đã tụng bài thánh thi số 92 để khống chế Golem, lấy shem ra khỏi miệng nó và phong ấn nó lại.

[6] Một phép thử do Alan Turing (1912-1954) tạo ra năm 1950 để kiểm tra khả năng trí tuệ của máy tính. Trong đó, một người thật và một máy tính sẽ tham gia đối thoại thông thường với một người thứ ba được cách ly. Cá người và máy đều phải chứng tỏ cho người thứ ba rằng mình là người thật. Máy tính vượt qua phép thử nếu người thứ ba không thể phân biệt được đâu là máy và đâu là người thật.

Chấm sao chút:

Đã có 3 người chấm, trung bình 5 sao.

Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3

Người góp chữ

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*