
(Bài viết thuộc Zzz Review số 7, 21-1-2020)
Edward Morgan Forster (E. M. Forster) thường được biết đến nhiều nhất qua những cuốn tiểu thuyết với lối viết châm chọc được dàn dựng tinh tế, với quan sát kĩ lưỡng về sự khác biệt của các tầng lớp xã hội Anh Quốc đầu thế kỉ XX và sự giả tạo của chúng. Nhắc tới ông là người ta nghĩ đến Howards End, Maurice… và nhất là chuyện tình ngọt ngào vượt giai cấp A Room with a View. Có lẽ so với những thành công ở thể loại tiểu thuyết thì những truyện ngắn ở thể loại viễn tưởng của ông có phần bị lu mờ.
“The Machine Stops” (tạm dịch: Cỗ Máy Dừng) là truyện ngắn phản địa đàng nổi tiếng nhất của Forster, được xuất bản lần đầu tiên trong tạp chí The Oxford and Cambridge Review (tháng 11/1909), năm 1928 được in lại trong tập truyện ngắn viễn tưởng The Eternal Moments and Other Stories của tác giả. Vào năm 1973, tác phẩm này được đưa vào The Science Fiction Hall of Fame, Volume Two và đã thắng giải thưởng khoa học viễn tưởng Prometheus Hall of Fame Award vào năm 2012.
M. Forster mở đầu câu chuyện này bằng một câu đơn giản: “Imagine, if you can…” (Hãy tưởng tượng, nếu bạn có thể…) rồi sau đó mở ra một thế giới mà ông cho rằng rất xa ở tương lai. Thế giới này, đối với xã hội 4.0 hiện đại thì không có gì quá khó khăn để tưởng tượng, nhưng chắc chắn đối với một người sống ở năm 1909 (khi các nhà phát minh chỉ mới đang phát triển công nghệ truyền hình cơ học, một trong những công nghệ đầu tiên để làm ra tivi) thì câu chuyện gần như ở một hành tinh khác.
Khi đọc vài trang đầu, độc giả tương lai sẽ không khỏi giật mình bởi những chi tiết, miêu tả rất tương đồng với thế giới ngày nay. Câu chuyện miêu tả sơ lược về một loại máy có thể cho “hình ảnh từ xa” (distant vision), một “thiết bị trò chuyện” (speaking apparatus) được dùng cho việc giao tiếp có thể cùng một lúc nhận và gửi hình ảnh cũng như âm thanh. Tác phẩm gợi lên một khung cảnh phản địa đàng của xã hội tương lai, và những chiếc điện thoại “truyền hình” là một lời tiên tri u ám dành cho loài người. Tuy Forster không thể nào biết được các thuật ngữ về công nghệ của xã hội hiện đại ngày nay nhưng người đọc vẫn có thể nhận ra được sự có mặt của những khái niệm tương đương với Internet, Smartphone/Tablet, Mạng xã hội, Livestream, chế độ Online/Offline, Video Call… và cả Máy làm thơ (poetry machine) trong câu chuyện cách đây hơn một thế kỉ này.
Hai nhân vật chính trong câu chuyện, Vashti và người con trai Kuno, sống cách nhau nửa vòng trái đất (nơi ở của họ được Cỗ Máy chỉ định). Vashti được Forster miêu tả là “một đống thịt được quấn lại – một người phụ nữ, cao khoảng mét rưỡi, với khuôn mặt trắng bệch như nấm”. Bà ta tự hào cho rằng mình là một con người tiên tiến của xã hội. Việc hằng ngày mà bà phải làm là lên thế giới ảo để giảng về âm nhạc của một nền văn hóa đã chết và tham dự online những buổi thuyết giảng về những chủ đề tương tự thực hiện bởi những người cũng như bà ta, hiếm khi thoát ra khỏi sự cô lập của căn phòng. Vì vậy, khó khăn lắm Kuno mới thuyết phục được Vashti ra ngoài và thực hiện một chuyến đi để đến thăm nơi ở của mình. Ở đó, anh kể cho mẹ nghe về những quan ngại về thế giới đã máy móc hóa này. Kuno tâm sự rằng đã lén tìm đường lên mặt đất, và nhìn thấy những con người sống bên ngoài thế giới của Cỗ Máy. Nhưng nhanh chóng, anh đã bị một Thiết bị sửa chữa (The Mending Apparatus) bắt lại, và đe dọa sẽ đày anh đến cảnh Vô gia cư (Homelessness): bị đuổi khỏi lòng đất và (cho rằng) sẽ chết vì điều kiện sống bên trên.
Trong thế giới mà Forster vẽ ra, loài người đã quá phát triển về công nghệ và tiện nghi, họ bắt đầu quá trình de-materialisation (phi vật chất hóa, tinh thần hóa) và cho rằng mình là sinh vật tiên tiến về phần hồn và nhận thức. Mỗi người trưởng thành được trang bị đầy đủ để sống trong một căn phòng dưới lòng đất vì cho rằng môi trường bên ngoài không phù hợp để sống nữa, gần như không ra ngoài, có đầy đủ tiện nghi cho nhu cầu cơ bản và giải trí. Con người không tương tác trực tiếp với nhau mà chỉ trao đổi và thảo luận nhiều lần những ý tưởng cũ (secondhand ideas) với hàng ngàn bạn bè qua thế giới ảo, hài lòng với những yêu cầu được đáp ứng bằng cách bấm nút và qua hướng dẫn của Cuốn Sách (The Book of The Machine). Họ đã dần mất đi xúc giác và cảm giác về không gian, không còn răng hay tóc, mềm nhũn, thiếu sót trong cấu trúc cơ, yếu ớt về thể chất, và tự nguyện chọn Euthanasia (an tử) để khỏi cảm thấy đau đớn. Có lẽ khi sống dưới lòng đất với hoàn cảnh ấy quá lâu thì một số bộ phận cơ thể không cần thiết nữa, từ đó chúng kém phát triển và rồi biến mất, dẫn đến sự phi vật chất hóa.
Ít ai di chuyển thời nay, bởi, nhờ vào tiến bộ khoa học, mọi nơi trên trái đất đều giống y như nhau. Sự giao thương nhanh chóng, mà các nền văn minh trước luôn mong muốn sẽ mang lại nhiều điều, cuối cùng đã tự kết liễu chính nó. Người ta đến Bắc Kinh làm chi khi mà nó y chang Shrewbury? Tại sao phải trở về Shrewsbury khi nó giống hệt như Bắc Kinh? Con người hiếm khi cử động cơ thể; tất cả hoạt động đều tập trung vào linh hồn.
Câu chuyện ngắn chỉ xoay quanh Vashti và Kuno, hai nhân vật đối lập về cả thể chất và tư tưởng. Có thể thấy Vashti là đại diện cho số đông loài người trong nền văn minh này, hoàn toàn tin tưởng và trở thành nô lệ của khoa học và công nghệ. Còn Kuno thì sao? Vì sao nhân vật này vẫn còn giữ lại vài nét quen thuộc của con người cũ, của nền văn minh trước? Vì sao dường như chỉ có kẻ nổi loạn Kuno nhận ra vấn đề của Cỗ Máy và nghi ngờ thế giới xung quanh mình? Forster cũng đã trả lời:
Vì Kuno sở hữu một sức mạnh thể chất nhất định.
Vào những ngày này, có cơ bắp là một nhược điểm. Mỗi đứa trẻ đều được thẩm định sau khi sinh, và đứa nào tỏ dấu hiệu có sức mạnh không cần thiết sẽ bị tiêu diệt. Những nhà nhân đạo có thể phản đối, nhưng để cho một người thể chất khỏe sống mới là việc độc ác; anh ta sẽ không bao giờ hạnh phúc trong tình trạng sống mà Cỗ Máy trao cho; anh ta sẽ mơ đến cây để trèo, sông để tắm, đồng cỏ và đồi núi để chinh phục, bằng chính cơ thể mình. Con người phải thích nghi với môi trường của anh ta, phải không nào? Vào buổi bình minh của thế giới, kẻ yếu của chúng ta sẽ bị bỏ mặc trên núi Taygetus, và trong buổi hoàng hôn, kẻ mạnh của chúng ta sẽ được an tử, để Cỗ Máy được tiến bộ, để Cỗ Máy được tiến bộ, để Cỗ Máy được tiến bộ muôn năm.
Mọi thứ trong cuộc sống của loài người đều phụ thuộc vào một Cỗ Máy khổng lồ, đến mức họ thần thánh hóa Cỗ Máy và thành lập Technopoly – một kiểu tôn giáo xem Cỗ Máy như một đấng tối cao. Loài người phát minh ra Cỗ Máy, rồi sống phụ thuộc vào Cỗ Máy, tôn thờ nó mà không hề biết rằng họ đã tạo ra cái bẫy cho chính mình. Nhưng Cỗ Máy không phải là Chúa, nó hữu hạn, và tới một lúc nào đó, nó sẽ không còn hoạt động trơn tru như trước để phục vụ con người nữa, nó sẽ bị lỗi và ngưng hoạt động. Lúc đó, loài người sẽ ra sao? Forster, với cái nhìn sâu sắc về bản chất con người, đã kết luận rằng mối liên kết giữa linh hồn và thể xác, giữa con người và thế giới tự nhiên, là mạnh mẽ nhất, không gì thay thế được. Cho dù Cỗ Máy sụp đổ, dẫn theo sự sụp đổ đầy đau đớn của một nền văn minh như của Vashti và Kuno, thì ở mặt đất trên kia vẫn còn những cư dân Vô gia cư, và họ chính là niềm hy vọng để xây dựng lại nhân loại và tránh được sai lầm của Cỗ Máy.
Họ khóc vì nhân loại, hai người ấy, không phải vì bản thân họ. Họ không thể chịu đựng được rằng đây là kết thúc. Trước khi sự im lặng hoàn tất, trái tim của họ đã được mở ra và họ biết đến điều đã từng là quan trọng trên trái đất. Con người, bông hoa của mọi xác thịt, cao quý nhất trong tất cả mọi sinh vật hiện hữu, con người đã từng tạo ra Chúa theo hình ảnh của mình, và đã soi sức mạnh của mình trên các chòm sao, con người trần truồng xinh đẹp đang hấp hối, bị siết cổ trong chính thứ trang phục mà mình đã dệt. Thế kỷ này qua thế kỷ khác hắn đã miệt mài, và đây là phần thưởng của hắn. Quả thật, chiếc áo ban đầu trông có vẻ tuyệt vời, điểm xuyết những màu sắc văn hóa, may bằng những sợi chỉ chối mình. Và nó vẫn tuyệt vời chừng nào nó chỉ là chiếc áo không hơn, chừng nào con người còn có thể rũ bỏ nó theo ý muốn và sống bằng bản chất là linh hồn của anh ta, và cả bản chất, cũng không kém phần thiêng liêng, là cơ thể anh ta. Nhưng tội lỗi chống lại cơ thể – đó là lí do chính họ đang than khóc; hàng thế kỷ ngược đãi nhằm vào cơ bắp và dây thần kinh, và năm cổng thông tin mà chúng ta có thể một mình nắm bắt – xem nhẹ nó bằng thuyết giáo về tiến hóa, cho đến khi cơ thể chỉ còn là cháo trắng, ngôi nhà của những ý tưởng như những động cựa mờ nhạt cuối cùng của một linh hồn đã từng nắm bắt những vì sao.
[…]
“Nhưng Kuno, có thật vậy không? Vẫn còn con người trên mặt đất sao? Có thật là đường hầm này, cái bóng tối bị đầu độc này – không phải là kết thúc?”
Anh trả lời:
“Con đã thấy họ, đã nói chuyện với họ, đã yêu thương họ. Họ đang trốn đâu đó giữa sương mù và đám dương xỉ cho tới khi nền văn minh của chúng ta kết thúc. Hôm nay họ Vô gia cư – ngày mai…”
“Ôi, ngày mai – một kẻ ngu ngốc nào đó sẽ khởi động lại Cỗ Máy, ngày mai.”
“Không bao giờ,” Kuno nói, “không bao giờ nữa. Nhân loại đã học được bài học.”
Điều đọng lại đáng kinh ngạc nhất sau khi đọc “The Machine Stops” có lẽ là câu hỏi mà người đọc tương lai nào của E. M. Forster cũng đặt ra: “Tại sao ông thấy được những điều này, một cách chính xác như vậy?” Đơn giản là ông có trí tưởng tượng quá siêu phàm, hoặc khả năng logic chính xác để nhìn thấy hướng đi của khoa học và nhân loại, hay là ông dùng Cỗ máy Thời gian của H. G. Wells và kể lại về một thế giới mà ông đã chứng kiến? Nhưng khác với H. G. Wells, Forster không đề cập đến vấn đề chính trị và giai cấp ở tương lai mà chỉ tập trung vào sức mạnh độc hại tiềm tàng của phát triển công nghệ. Và đúng như vậy, chỉ hơn một thế kỉ sau, với các ứng dụng di động, mạng xã hội, Internet, robot, trò chơi điện tử… cái thế lực nhân tạo này rõ ràng đang thống lĩnh thế giới không chỉ với sự tiện lợi mà còn khả năng gây nghiện của chúng. Chúng ta đang điều khiển máy móc, hay máy móc đang điều khiển chúng ta? Mỗi ngày chúng ta dành bao nhiêu thời gian trên máy tính và di động? Liệu con người có thể từ bỏ công nghệ, và phải trả những cái giá tương tự như Vashti và Kuno? Có phải đây là con đường tiến hóa của nhân loại? Đó là những suy ngẫm và lo ngại mà Forster muốn gợi lên cho chúng ta, từ hơn một trăm năm trước.
Thanh Thanh
Người góp chữ
Thanh Thanh
Muốn làm nhà thiên văn học nhưng đang bận học tiếng Pháp.
Leave a Reply