
Ngôn từ là tất cả những gì chúng tôi có:
Như một lời cảm ơn
Zét Nguyễn
Chớm hè 2018, sau gần 2 năm viết điểm sách văn học ở page Bên phía nhà Z, tôi rơi vào hai đoạn cảm giác tương ứng với hai phần rất nhỏ trong cái câu khét tiếng của Samuel Beckett: “Tôi đang ở đâu, tôi không biết” và “Tôi không thể tiếp tục, tôi sẽ tiếp tục.”
Zzz Review ra đời, mà nhiều bạn bè gọi đùa là The Paris Review của Đông Lào, là nỗ lực của một nhóm có ít nhiều kinh nghiệm trong nghiên cứu, dịch thuật, phê bình văn chương muốn có không gian và thời gian để viết và dịch (nhiều hơn) cho chính mình và độc giả.
Một năm làm Zzz Review với chu trình 1 quý 1 số, thành phần cốt cán tuyền những người đi làm fulltime, ngay trước và ngay sau khi ra số mới, (chúng) tôi thật sự luôn cảm thấy thân thể và tinh thần cháy khét. Nhưng từ khi làm số đầu tiên bộc phát 1&2 của 2018 có 10 người góp chữ với 77 nghìn chữ, đến số 6 của 2019 có 26 người góp chữ với gần 160 nghìn chữ, tôi (và hy vọng không chỉ riêng tôi) không kìm hãm được mà hưởng thụ cái cảm giác “chủ bút phải đấm.”
Nhân kỷ niệm 1 năm ngày Zzz Review xuất hiện, tôi xin dành những lời đầu của số mùa hè năm nay, để bày tỏ lòng biết ơn chân thành đến:
- Những anh chị đã hào hứng góp chữ và cùng ban biên tập trao đổi và sửa chữa để có được bản thảo tốt nhất.
- Những tác giả đã đồng ý cho chúng tôi quyền xuất bản các bản dịch tiếng Việt tác phẩm, cũng như tiểu luận và bài phỏng vấn của mình.
- Những độc giả đã ủng hộ tài chính để chúng tôi triển khai được một tạp chí văn chương trong bối cảnh hiện tại.
- Đội biên tập và chế bản, những công nhân nhà máy mà đến nhận thưởng tết là gạch cũng không có.
Chúng tôi lại đã hoàn thành tiếp một số nữa. Và ngôn từ là tất cả những gì chúng tôi có.
Cho đến số tiếp theo.
***
Số này có thể download toàn bộ dưới dạng file PDF (17 MB) (update 1- PDF hàng hiệu 148 MB đây rồi), epub (5 MB) (update 2- lỗi phần mềm của số này là nguyên một nửa mục lục epub và kindle biến đi đâu mất, nhưng file thì nguyên vẹn, các bạn yên tâm đọc nhé) hoặc kindle (10 MB) hoặc mobi (8 MB) (update 3- số này dày gấp đôi nên cũng được thần-con-vợt bonus hẳn hai lỗi phần mềm, file kindle xem chừng không đọc được trên máy đọc sách, các bạn hãy dùng mobi nhé ;____;). Vì nặng quá nên bản đẹp chúng tôi đã giấu riêng tự sướng . 300 trang plus plus, handle with care.
Nhóm chủ trương: Zét Nguyễn, Y Lán
Cố vấn nội dung số 6: Trần Tiễn Cao Đăng
Phụ trách hình ảnh: Bơ
Thiết kế: Ụt Ịt
Biên tập: Liên Trịnh, Thùy
Liên hệ: zandzpublishing@gmail.com
Xin gửi lời cảm ơn đặc biệt tới:
Sao Mai, Phùng Hồng Minh, Sử Nguyễn, Trông Em Kìa
Lời ngỏ
Chuyện kể rằng mùa tết nọ, khi trình làng xong 88k chữ tướt vô số lít bơ của số Mỹ La tinh hy vọng mới là tập 1, Trần Tiễn cao nhân khuyên nên thừa thắng xông lên làm số có theme văn học Trung-Đông Âu, khi ấy chúng tôi đã đáp lại với thái độ nghiêm túc và trách nhiệm đúng như trí thức thời đại 4.0 cần có: “Đông-Trung Âu là cái chi?” rồi thế nào mà, thấm thoắt thoi đưa, nửa năm sau chúng tôi đã có trong tay ngót 160k chữ hầu các bạn, một con số kinh hãi, nó ngang với hơn một nửa cuốn Lưỡng giới mà mấy ngày nay Madame Zét miệt mài rao bán không ngừng nghỉ, nó tròm trèm nguyên cuốn Vết nhơ của người, nó gấp đôi mọi số chúng tôi từng lê lết cho ra đời trước đó, nó lập một kỷ lục mới cho sự hành xác của chúng tôi và tăng gấp đôi lượng nước mắt nhân tạo phải tiêu thụ của người chị may áo cho chúng tôi, nó khiến chúng tôi băn khoăn tớn tác không hiểu mình đã làm gì nên cơn cớ này cho tới khi nhận ra nguyên do là ở sự ủng hộ quá nhiệt thành của bạn bè anh chị em với những bài vạn chữ đã dịch bay khi lời mời góp chữ còn chưa ráo phím, với những người đã lặng lẽ gánh bớt một phần việc lớn của chúng tôi; vì vậy nếu muốn trách chúng tôi cứ thích dông dài, thì chính những cái tên ó sằm trang trước là nguồn cơn làm nên cái lỗ đen hút thời gian này đó.
29 bài của 26 nhà góp chữ lần này, không có lấy một bài lạc khỏi theme, cũng đã lập kỷ lục mới về độ drop những cái tên không thể đọc nổi và hầu hết lần đầu tiên nhìn thấy trong đời; chúng tôi hy vọng các bạn khi đi qua hết số này (nếu có?) cũng sẽ thấy họ thân thiết và đáng kính như chúng tôi đã đi qua. Còn nếu các tên lạ làm bạn ngợp, có thể bắt đầu bằng hai ông lớn Séc, hai hot boy quốc dân trong lòng người Việt Nam thế kỷ 21, xem một cụ giáo sư chống giải cấu Mỹ đã lật ngược cách đọc giải cấu trúc với Franz K. như thế nào, và một bà nghiên cứu dịch Milan K. đã bơi ra sao trong vô số tầng diễn giải.
Như để giúp chúng tôi đỡ cảm thấy mình dốt, trong số này cũng có đến ba bài của các đấng bậc thuần xoay quanh câu hỏi: “Đông/Trung Âu là cái chi?”, và chúng tôi không dám hứa đọc xong bạn sẽ biết Đông/Trung Âu là cái chi, nhưng sẽ biết rằng tập đoàn những đất nước nhỏ bé chuyên viết về những mảnh đời nhỏ bé của những con người nhỏ bé này ra thành phẩm toàn hàng khủng tầm cỡ châu Âu và quốc tế. Trước một dàn diễn viên toàn sao sáng như vậy chúng tôi cũng không dám nói nhiều, vậy xin mời các bạn tiến vào thế giới của huyền thoại, dị giáo và ít nhiều phi lý tính.
Số tiếp theo về văn học giả tưởng sẽ ngắn bằng 1/3, xin thề.
Z&Z&Z
31-7-2019
Người góp chữ
Alicia Oanh Le Alicia Trên Bờ Biển, bất đắc dĩ nghiên cứu Kafka, vui chơi không quên nhiệm vụ.
Bình Slavická giảng viên ngành Việt Nam học tại Đại học Charles, Séc. Là dịch giả của tác phẩm Những câu chuyện về khu phố nhỏ ven sông.
Blue Phạm sinh viên toán thích viết văn và những điều xưa cũ.
Bùi An Bình một người thích đọc sách nhưng không thích mô tả bản thân.
Chiêu Dương tức Thu thơ thẩn.
Đào Lê Na giảng viên đại học chuyên ngành nghệ thuật, nhà nghiên cứu văn học và điện ảnh.
Đăng Thư là một bút danh dịch thuật của Trần Đức Tài, sống ở Đà Lạt, có dịch phẩm đầu tay xuất bản từ 1988 và vẫn tiếp tục dịch lai rai.
Huy Nguyen rể trời.
Lê Vũ Kỳ Nam sống nội tâm, yêu màu tím, hay khóc thầm. Hiện đang ở Đà Nẵng.
Miên Túc một người tẻ nhạt.
Ngân sống và làm việc ở Hà Nội.
Nghiêm Quỳnh Trang mẹ bỉm sữa.
Ngọc Dao The Sound of the Mountain.
Ngô Thanh Tuấn sưu tầm sách, đặc biệt quan tâm các tác giả đạt giải Nobel. Hiện sống và làm việc ở Đà Nẵng.
Nguyễn An Lý não cá chép.
Phạm Kỳ Đăng sinh năm 1959; 1973-1976: Học phổ thông trường Lê Hồng Phong – Nam Định; 1977-1983 lưu học tại CHDC Đức, tốt nghiệp ngành Lưu trữ văn thư trường Tổng hợp Humboldt; 1991-1992 Đồng sáng lập và biên tập tạp chí Đối Thoại / Tạp chí Văn hóa – Khoa học Xã hội Đức- Việt; Làm thơ (viết các tập Nguyện hồn thi nhân, Mê ca, Ngả muôn ai và Sứ điệp), viết báo và dịch thuật; Sống và làm việc tại Berlin.
Quân Khuê thích đi, thích uống, ghét đồ nhựa dùng một lần.
Sao Mai kẻ yêu sách.
Tăng Linh một con chó.
Thanh Trúc dịch giả tự do, con sen tự nguyện của Om, một con mèo.
Thuận tốt nghiệp Khoa văn trường ĐH tổng hợp Sorbonne. Sống và làm việc tại Paris. Tác giả của 8 tiểu thuyết và dịch giả của một số tác phẩm.
Trần Tiễn Cao Đăng để người khác nói thì hơn.
Trông Em Kìa ngày đêm đếm lá và đếm sao.
Trương Hồng Quang sinh năm 1959 tại Nghệ An, từ 1977-1983 học ngành Ngữ văn Đức tại Đại học Leipzig (CHDC Đức), năm 1985 bảo vệ luận án Tiến sỹ văn học tại ĐH Leipzig về đề tài „So sánh Faust của Goethe và Truyện Kiều của Nguyễn Du“. Hiện sống tại Berlin và hành nghề phiên dịch, biên dịch viên tự do. Các công trình công bố gần đây: Nguyễn Du, Truyện Kiều song ngữ Đức-Việt (chủ biên), Nxb Thế giới, Hà Nội 2015; Isabelle Müller, Loan – Từ cuộc đời một con chim Phượng Hoàng, Nxb Trẻ, TP Hồ Chí Minh 2018 (dịch); Thomas Köck, Atlas/Địa đồ, Kịch, Nhà hát kịch nói Leipzig 2019 (dịch).
Vũ Kiều Chinh 22 tuổi, đã và đang thất nghiệp ở Hà Nội.
Zét Nguyễn trên đỉnh cao tuyệt vọng.
Người góp hình
Hà Linh, Trông Em Kìa
Mục lục
LỜI NGỎ
ĐIỂM SÁCH
- Thất bại của Kundera: Tác giả « Lời đùa cợt » đã để mất tính hài hước?
- Nero, nhà thơ bạo chúa của Kosztolányi Dezső: Sự nguy hiểm của nghệ thuật và tri thức
- Isaac Bashevis Singer – Người kể chuyện tài hoa cho trẻ nhỏ
- Tận thế hay không khi loài vật lên ngôi?
- Những khuôn mặt của Kundera
TIỂU LUẬN – NHẬN ĐỊNH
- Bohumil Hrabal: Đời là cuộc cà kê bất tận
- Đọc Kafka như thế nào: Phần I
- Đọc Kafka như thế nào: Phần II
- Văn học Ba Lan 1939-2000: Những vấn đề tuyển chọn
- Chủ nghĩa Lãng mạn Ba Lan
- Thời gian của Schulz
- Đi cùng Bruno Schulz
- Bàn tròn về văn học Trung-Đông Âu
- Bàn tròn Budapest
- Một phương Tây bị bắt cóc, hay bi kịch của Trung Âu
- Trên đỉnh cao tuyệt vọng
FIC&POE
- Jaroslav Hašek, Vận mệnh người lính tốt Švejk trong Đại chiến thế giới (trích)
- Bohumil Hrabal, Bài học khiêu vũ cho người đứng tuổi (trích)
- Stefan Zweig, Bí mật tày trời (trích)
- Krasznahorkai László, Tây Vương Mẫu giáng hạ (trích)
- Rainer Maria Rilke, chùm thơ
- Nádas Péter, “Kẻ nói dối”
- Olga Tokarczuk, Bieguni (trích)
- Franz Kafka, Quan sát (trích)
- Franz Kafka, “Đương khi xây Vạn Lý Trường Thành”
- Bruno Schulz, “Những cửa hiệu quế”
- Milorad Pavić, Từ điển Khazar (trích)
- Danilo Kiš, “Tử toàn thư (Trọn một đời người)”
PHỎNG VẤN
Leave a Reply