Jerzy Ficowski, Thời gian của Schulz

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi
Thời gian đọc: 14 phút

(Bài viết thuộc Zzz Review số 6, 31-7-2019)

Ngày 19 tháng 11 năm 1942, trên đường phố Drogobych, một thành phố tỉnh lẻ nhỏ trước Thế Chiến II thuộc Ba Lan (nay thuộc Liên Xô) nổ ra một Aktion do bộ phận sở tại của quân áo đen SS và mật vụ Gestapo khởi xướng nhắm vào cộng đồng người Do Thái. Đây là một sự kiện tương đối nhỏ trong một chiến dịch diệt chủng tầm cỡ; ngày 19 tháng 11, lưu lại trong ký ức số ít cư dân sống sót của Drogobych với tên “Thứ năm đen tối”, cướp đi sinh mạng của khoảng 150 người đi đường. Trong số những người bị sát hại và nằm lại bên vệ đường mãi tới xẩm tối – họ ngã xuống ngay nơi trúng đạn – có Bruno Schulz, từng là thầy dạy vẽ tại trường cấp ba thành phố. Trong vô vọng, các cây viết Ba Lan, và cả các hội nhóm mật, từng cố gắng đưa ông thoát khỏi Drogobych ngay từ lúc sinh thời. Họ trang bị cho ông giấy tờ giả và tiền để có thể tháo chạy và lánh đến nơi an toàn, nhưng cuộc bỏ trốn chưa bao giờ được tiến hành. Tối đó, dưới sự bao bọc của màn đêm, một người bạn của người quá cố đưa thi thể ông đến nghĩa trang Do Thái gần đó chôn cất.

Không còn lại dấu vết nào của nghĩa trang ấy, và những bản thảo chưa xuất bản của Schulz, trao lại cho ai đó giữ gìn, nay đã thất lạc. Chúng biến mất cùng người được ký thác. Và như thế tan vào tro bụi, cùng với một phần trước tác văn chương của ông, một trong những nhà văn Ba Lan ưu tú nhất thế kỷ XX. Bruno Schulz là tác giả hai đầu sách xuất bản trước chiến tranh – Những cửa hiệu quế (1934) dịch và in bằng tiếng Anh dưới tựa Phố cá sấu, và cuốn Viện điều dưỡng dưới đồng hồ cát (1937) – những tác phẩm ngay khi ra mắt đã được giới phê bình văn chương Ba Lan công nhận và Viện Hàn lâm Văn học Ba Lan vinh danh, dẫu phải mất nhiều năm sau bạn đọc quốc tế mới khám phá ra chúng. Nền văn học của một Ba Lan vừa tái sinh trong quãng 20 năm giữa hai cuộc đại chiến tụ hội nhiều tác gia kiệt xuất như Stanisław Ignacy Witkiewicz hay Witold Gombrowicz, những tên tuổi ngày nay được biết đến rộng khắp cũng như dịch sang nhiều thứ tiếng, nhưng trước nhất phải kể tới Schulz, một hiện tượng hoàn toàn khác biệt của văn đàn Ba Lan. Tiểu sử Bruno Schulz vỏn vẹn vài dòng khiêm tốn. Nhà thơ gốc Drogobych chưa từng rời xa nơi chôn rau cắt rốn được lâu. Trong gần 20 năm, ông ở đó dạy Hình hoạ và Thủ công, nhưng chủ yếu sống lánh đời, chỉ duy trì liên lạc với những người thân thiết qua thư tín. Bằng cách đó, ông xoa dịu cô quạnh đời mình mà không phải chịu quấy quả từ những hiện diện bên ngoài. Những lá thư gửi bạn, chỉ số ít sống sót sau chiến tranh, đích thực là khải nguyên văn chương Schulz; trong suốt một giai đoạn chúng cấu thành hoạt động văn chương độc nhất của ông. Trên những khía cạnh khác, hành trình đời ông không mấy trắc trở. Nghệ thuật của ông lớn lên từ những tri nhận cá nhân về thành phố quê hương và về tuổi thơ ông.

Thời gian của Schulz - hình 1
Tranh của Bruno Schulz

Bruno Schulz sinh ngày 12 tháng 7 năm 1892 trong một gia đình tiểu thương. Cha ông, Jakub, vừa là kế toán vừa là chủ một cửa hàng đồ khô, cửa tiệm sau này trong văn chương người con trai trở thành nơi cất chứa một huyễn tưởng dụng công, miền đất thiêng của huyền thoại dòng Schulz. Màn phục sinh trong huyền thoại của cửa tiệm cũng như cuộc tái dựng tuổi thơ với trọn vẹn những cảm xúc phong phú chỉ xảy đến sau khi người cha khuất núi và cửa hàng đã không còn nữa.

Drogobych của Schulz là một thành phố ở Galicia, một tỉnh thuộc đế quốc Áo-Hung, thế lực từ hơn một trăm năm trước đó góp tay xoá tên Ba Lan khỏi bản đồ châu Âu. Trên miền đất bị chiếm đóng này, Bruno Schulz – con út trong một gia đình ba con, được giáo dục tại gia rồi sau theo học một trường lấy tên Hoàng đế Francis Joseph – không lớn lên trong những truyền thống nổi trội của phần nước Áo nói tiếng Đức và cũng không ngụ lại trong địa phận văn hoá Do Thái truyền thống. Nghề buôn bán của cha mẹ ông tách họ khỏi dòng Hasid và sau này ông cũng không học ngôn ngữ tổ tiên mình. Bruno thông thạo tiếng Đức nhưng viết bằng tiếng Ba Lan, thứ ngôn ngữ gần gũi nhất và thuận theo ngòi bút ông nhất.

Thời gian của Schulz - hình 2
Bruno Schulz tại lớp dạy vẽ.

Khi nhà nước Ba Lan giành lại độc lập năm 1918, Schulz 26 tuổi và đã có ba năm học kiến trúc, việc học từng bị gián đoạn ngay trước Thế Chiến I. Ông tự học vẽ và đồ hoạ, dự tính trau dồi cho thành thục rồi theo đuổi sự nghiệp trong mảng này. Các tác phẩm hội hoạ của Schulz cho thấy một tài năng đáng kể nhưng chỉ cho phép ông giành được – với không ít trầy trật – chức giáo viên hình hoạ tại một trường phổ thông. Những ý tưởng truyện của ông manh nha từ thập niên hai mươi. Chúng đánh dấu bước đầu, với độ trễ vài năm tính tới khi ông chính thức ra mắt trên văn đàn, cuộc đời nhà văn Schulz, người rồi sẽ chán ghét những phận sự nghề giáo, dẫu rằng công việc ấy là phương thức trang trải cuộc sống duy nhất của ông. Giữa những ngày sít sao lịch giảng ông dành trọn thời gian rảnh trao đổi về nghệ thuật cùng bạn bè – không phải những người hằng ngày ông gặp trong thành phố, họ còn chưa từng ngờ rằng ông có bất kỳ tham vọng văn chương nào, mà với những bạn thư nơi xa ở các thành phố khác, những tín hữu được ông gửi gắm những đàm thoại nghệ thuật. Những trao đổi qua thư là đầu mối tiếp xúc tinh thần thực sự duy nhất của Schulz với người khác trong nhiều năm. Suốt một thời gian dài ông không cho ai biết những nỗ lực văn chương của mình; trước bạn bè, ông chỉ công khai thực hành hình hoạ và hội hoạ, bất chấp chủ đề đậm tính chuộng khổ trong nhiều tác phẩm. Những sáng tác văn chương đầu tiên, ông đem giấu trong ngăn kéo, không chia sẻ cùng ai.

Thiếu dũng khí vươn ra số đông bạn đọc, ban đầu ông thử viết cho một người đọc cụ thể: người nhận thư. Mãi về sau, quãng 1930, khi tìm được giọng song đôi cùng trao đổi từ phía Deborah Vogel, nhà thơ và tiến sĩ triết học sống ở Lviv, những lá thư của ông – ngay khi ấy đã thường là tuyệt tác của nghệ thuật viết thư – trải qua một cuộc hoá thân, trở thành những phân mảnh táo tợn của một áng văn rực rỡ. Người bạn thư phấn chấn vô cùng, động viên ông tiếp tục. Chính bằng cách này, qua từng lá thư, từng đoạn chữ, mà Những cửa hiệu quế thành hình: từ nhiều xấp vài trang một xếp gọn trong từng chiếc phong bì lâu lâu được thả vào hòm thư. Hẳn không một tác phẩm văn chương nào khác khởi phát theo lối vừa lạ đời vừa tự nhiên nhường ấy. Phải mất thêm vài năm nữa để ta – nhờ hậu thuẫn của tiểu thuyết gia lừng danh Zofia Nałkowska – vượt qua sự kháng cự từ phía các nhà xuất bản trước một tác phẩm quá đỗi cách tân và Những cửa hiệu quế được in thành sách. Vậy là công chúng có thể tiếp cận cuốn sách vốn được thai nghén và triển khai cho chỉ một người đọc, từ một địa chỉ ở Drogobych đến một địa chỉ ở Lviv. Viết theo cách này, Schulz có thể hoàn toàn dửng dưng trước thị hiếu của đám văn sĩ và muôn vàn đòi hỏi sớm nắng chiều mưa của giới phê bình chính thống. Những áp lực này về sau ông sẽ nếm trải, hơn một lần ông khẳng định chúng khiến ông tê liệt, chuyển đổi từ tính trực tiếp không ồn ã của giao tiếp cá nhân sang công việc chất nặng hiểm hoạ hướng về đối tượng chưa biết – và điều này lại xảy ra đối với một người coi nghệ thuật là lời bạch về đức tin, đức tin vào vai trò Con Tạo (demiurgic) của huyền thoại.

Vậy thi pháp huyền thoại dòng Schulz ở đây là gì, quá trình huyền thoại hoá thực tại này là gì? Tôn chỉ nghệ thuật “trưởng thành hướng đến tuổi thơ” của riêng ông lấy đâu làm cơ sở? Tuổi thơ ở đây cần hiểu như giai đoạn khi mỗi cảm quan được đồng hành bởi một hành vi phát kiến của trí tưởng tượng, khi thực tại, chưa được hệ thống hoá bởi trải nghiệm, “tuân” theo những liên hệ mới, đón nhập những hình thức đề xuất cho nó, và sống dậy phong nhiêu với bao thị kiến sống động; tuổi thơ là giai đoạn khi cứ mỗi bước đi lại có những huyền thoại khởi nguyên được sinh ra. Chính tại đây, trong miền tạo tác huyền thoại, cả ngọn nguồn và đích đến sau cuối của văn chương Schulz cư ngụ.

Từ những địa hạt trên thiên giới của huyền thoại Schulz đắm mình vào những tầng sâu của tồn tại đời thường; hay, nói cách khác, Schulz tặng ta màn Thăng Thiên huyền thoại của cái Thường Nhật. Huyền thoại khoác lên hình hài con người, đồng thời, thực tại được huyền thoại hoá cũng trở nên phi con người hơn bao giờ hết. Phỏng đề dễ dàng hoá ra chắc chắn, điều hiển nhiên biến thành ảo ảnh; những khả thể được vật chất hoá. Huyền thoại lẩn quất khắp phố phường Drogobych, biến lũ trẻ khố rách áo ôm chơi thia lia thành những nhà thấu thị đọc tương lai trên kẽ tường, biến người bán hàng thành nhà tiên tri hay con yêu tinh. Nghệ thuật với Schulz là “mạch nối tắt cảm thức [sense] giữa các từ, là màn tái sinh bất thình lình của những huyền thoại nguyên thuỷ”. Schulz nói “Thơ ca là hành vi tạo tác huyền thoại; nó dấn thân tái tạo những huyền thoại về thế giới.”

Cuốn Joseph và các anh em của Thomas Mann, tác phẩm ưa thích của Schulz là một ví dụ xuất sắc cho những mô típ trùng điệp, những câu chuyện trở đi trở lại trong nhiều biến tấu khác nhau, liên tục tái hiện thân từ ngàn xưa. Mann trình hiện điển tích kinh thánh “trên một quy mô hùng vĩ”; còn Schulz, khi tích hợp những cổ mẫu huyền thoại vào vòng cữ của tiểu sử tự thuật, đã hợp nhất gia đình mình và huyền tích. Tác phẩm lớn của ông đáng ra là cuốn tiểu thuyết thất lạc mang tựa Đấng Cứu Thế trong đó huyền thoại Đấng Cứu Thế tới nhân gian biểu trưng cho sự trở về với cái hoàn mỹ hạnh phúc từng tồn tại ở thuở ban đầu – tức là, trong thế giới quan của Schulz, trở về tuổi thơ.

Thời gian dòng Schulz – thời gian huyền thoại Schulz – thuần và thuận theo con người, đưa ra bồi hoàn thẩm mỹ cho thời gian vẩn phàm của đời sống thường nhật, thứ khăng khăng giáng vạn vật xuống làm tôi tớ, cuốn đi bao sự kiện và con người trong dòng chảy vô thường. Schulz đề xuất một thứ thời gian chủ quan, tâm lý tính, rồi trao nó tính hiện hữu, tính khách quan bằng cách bắt các diễn biến phải tiến triển theo luật lệ của nó. Việc tính đếm thời gian bằng ngày tháng cũng được chất vấn. Có thể lắm chứ, Schulz viết, “giữa một loạt các năm nối năm không biến cố, Thời gian, kẻ ngược đời vĩ đại, giở giói hạ sinh những năm khác kiểu, hoang đàng, những năm – khác nào một ngón chân thứ sáu, nhỏ hơn hết thảy – mọc dôi ra một tháng mười ba dị hợm.” Những huyễn tưởng của Schulz – huy hoàng, tràn đầy nghịch lý và cả những điều hợp lẽ xuôi tai – là những trang “thứ kinh, đặt ẩn giữa các chương trong cuốn sách Năm vĩ đại.” Chúng là phụ trương huyền thoại Schulz gán thêm cho cuốn lịch, và chính trong ao ước rằng những câu chuyện về cha mà ông lén lút tuồn vào các trang trong cuốn sổ lịch cũ sẽ dần có được sự khả tín ngang với ghi chép thật có trong đó, ông biểu đạt khao khát cá nhân không thuần tuý là khao khát tưởng tượng: làm sao để vật chất hoá những mong mỏi của trí tưởng tượng, để phân cho những tạo phẩm của nó một thực tại khách quan, để xoá đi ranh giới giữa thực kiện và mộng tưởng.

“Tôi có nên kể thế này không: phòng tôi bốn bề tường vây… Tôi nên đi ra theo cách nào đây?” Schulz băn khoăn. “Đây: Thiện ý không biết đến trở ngại; không gì có thể chặn đứng một khao khát đậm sâu. Tôi chỉ cần tưởng tượng ra một cánh cửa, cũ và chắc, giống cửa căn bếp tuổi thơ tôi, có then sắt, có chốt. Không có căn phòng nào tường vây kín tới mức một cánh cửa đáng tin như thế không mở ra nổi, chừng nào ta còn sức khơi gợi ra cánh cửa ấy.” Một bên cửa là đời sống và tự do bó hẹp của đời sống, bên kia – nghệ thuật. Cánh cửa ấy dẫn từ cảnh tù túng của Bruno, một thầy giáo mỹ thuật rụt rè, đến sự tự do của Joseph, nhân vật chính của Những cửa hiệu quế.

Đó là tín điều của Bruno Schulz – của bậc thầy dị giáo đã đặt ra những thước đo mới cho thời gian, là cách ông ăn miếng trả miếng với cuộc đời. Vậy nhưng lấp ló sau đức tin huyền thoại của nhà văn, hết lần này đến lần khác, là điệu cười trêu ngươi của thực tại, hé lộ bản chất sớm nở tối tàn của những hư cấu gắng giằng co với nó. Nhiều tuyên ngôn lý thuyết của Schulz biểu đạt chuẩn xác và sắc nét những ý tưởng đằng sau tác phẩm của ông, nền tảng, động cơ tâm lý và triết học của chúng. Trước các câu hỏi của nhà văn, triết gia, hoạ sĩ, nhà biên kịch Ba Lan nổi tiếng Witkiewicz bạn ông, Schulz trả lời “Tôi không biết bằng cách nào khi thơ ấu ta chạm đến những hình ảnh nhất định, những hình ảnh mang ý nghĩa trọng yếu với ta. Chúng như những sợi tơ trong một dịch thể: cảm thức về thế giới bám quanh những sợi tơ hình ảnh đó, kết tinh cho chúng ta… Chúng là những ý nghĩa có vẻ đã sớm an bài, đợi sẵn ngay cửa ngõ đời ta. Những hình ảnh này cấu thiết một chương trình, xác định nên lượng vốn cố định của tâm hồn ta, lượng vốn được phân cho ta từ rất sớm dưới hình thức những dự cảm hay cảm xúc nửa chừng ý thức. Tôi thấy dường như phần đời còn lại trôi đi trong thông diễn những uyên tri ấy, trong nỗ lực làm chủ chúng bằng tất cả sự thông thái tích luỹ được, vẽ ra chúng bằng toàn bộ phổ tri thức ta sở hữu. Những hình ảnh sơ khởi ấy đánh dấu những giới hạn sáng tạo của một nghệ sĩ. Tính sáng tạo của anh ta là sự diễn dịch từ những giả định sẵn có. Anh ta giờ không thể khám phá ra điều gì mới; anh ta học chỉ để hiểu thêm, hiểu thêm nữa bí mật ký thác cho anh từ thuở ban đầu, nghệ thuật của anh ta là một luận giải liên miên, là lời bình chú về độc một câu kinh ấn định riêng anh. Nhưng nghệ thuật không bao giờ tháo mở triệt để bí mật ấy. Bí mật mãi không thể tiêu tán. Nút thắt trói buộc tâm hồn không phải kiểu nút mẹo, giựt đúng chỗ sẽ tuột. Ngược lại, càng ngày nó càng xoắn thít chặt hơn. Ta xoay sở, gỡ, lần theo sợi dây, mò điểm kết, nghệ thuật bước ra từ chính những thao tác như thế…

Thời gian của Schulz - hình 3
Chân dung tự hoạ của Bruno Schulz.

Những cửa hiệu quế thuộc thể loại nào? Ta nên liệt nó vào dạng sách gì? Tôi cho rằng đây là một tiểu thuyết tự thuật, không chỉ bởi nó kể ở ngôi nhất và người ta có thể nhận ra ở đó những sự kiện và trải nghiệm nhất định từ chính tuổi thơ tác giả. Nó là một tiểu sử tự thuật – hay đúng hơn, một phả hệ – của tinh thần… bởi nó hé lộ gốc gác tinh thần ở mãi những tầng sâu nơi tinh thần hoà trộn với huyền thoại, lạc giữa vô vàn mê sảng huyền thoại. Tôi luôn cảm thấy gốc rễ của tâm trí cá nhân, nếu theo xuống đủ xa, sẽ tan biến vào một hang ổ huyền thoại nào đó. Đây chính là mực sâu sau cuối không thể bước xuống thêm nữa.” Tác phẩm của Schulz là một biểu hiện nổi loạn chống lại vương quốc “của cái ngày qua ngày, cái cố định và giới hạn mọi khả năng, cái đảm bảo của những biên giới vững vàng mà trong đó nghệ thuật vĩnh viễn bị khoá chặt.” Dù thường được chia lẻ thành chùm các truyện, những viết lách của ông xét về tổng thể mang tính chất của một hệ thống xuyên suốt, mạch lạc, tương tự các hệ thống đức tin. Nghệ thuật của ông là một thực hành thiêng độc đáo nơi huyền thoại được đồng hành bởi thờ phụng, nghi thức, khấn bái. Schulz đào sâu bới tìm cội rễ, hạt giống của những niệm ý và tưởng tượng của ta, bới tìm, theo lời ông, “cái đáy sinh thành của lịch sử.” Ông nói: “Ngay phía bên kia từ ngữ… rầm rầm tiếng gào rú của bóng tối và những yếu tố không thể cùng đong đếm… Và như thế trong ta hoàn thiện trọn vẹn một cuộc thoái bước, một pha rút lui về nội giới, hành trình trở về nguồn cội.” Xoay vần với ngôn ngữ, với ngữ nghĩa học tại những tầng sâu này, để trao hình hài cho cái không thể diễn đạt – đó là đích đến cho hành trình thi ca đi tìm các định nghĩa của Schulz. Việc đọc Rainer Maria Rilke, nhà thơ ông yêu mến nhất, là nguồn an ủi thường trực, là nguồn động viên tinh thần xuyên suốt những trăn trở sáng tạo của ông. “Những cuốn sách của Rilke tồn tại,” Schulz viết trong một lá thư, “là bảo chứng rằng những mớ rối câm lặng của vô số sự thể chưa gãy gọn hình hài trong ta biết đâu sẽ có lúc trồi lên bề mặt, nhờ phép lạ nào đó đã chưng cất cho thành trong vắt.”

Khi tên tuổi của Schulz trong vai trò nhà văn đe doạ đời sống riêng tư cô độc của ông, công việc sáng tạo dần chùng xuống, ngày một thường xuyên hơn ông rơi vào trạng thái trơ cằn đau đớn của trầm cảm. Ông nói và viết cho bạn bè nhiều lần về những cái tốt đẹp của sự biệt lập, coi nó là cốt yếu cho nghệ thuật của mình, dẫu cùng lúc ý thức sâu sắc tình thế cô biệt của bản thân. Trả lời một bức thư, ông viết “Cậu tung hê quá đáng những thuận lợi của việc tôi sinh sống ở Drogobych. Điều ở đây tôi cũng thiếu, ở đây vẫn thiếu, là sự yên lặng, sự yên lặng có nhạc tính của riêng tôi, con lắc trầm tĩnh chỉ nghe theo trọng lực chính nó, có một đường chuyển động rõ ràng, không bị quấy rầy bởi bất kỳ ảnh hưởng ngoại lai nào. Sự yên lặng trọng yếu này – tích cực, tròn đầy – tự thân nó đã gần là nghệ thuật. Những sự thể hằng mong, tôi cứ tin vậy, biểu đạt thông qua tôi, chúng vận hành trên một điểm yên lặng nhất định, chúng thành hình trong một môi sinh đã được đưa đến trạng thái cân bằng hoàn hảo.” Nơi khác, bàn về Những cửa hiệu quế, ông bộc bạch: “Theo một cách nào đó những ‘truyện’ này là thật; chúng trình hiện cách tôi sống, lá số đời tôi. Nét điển hình trên lá số ấy là một nỗi cô độc sâu thẳm, là sự thu mình khỏi những quan tâm đời thường. Cô độc là xúc tác đưa thực tại đến một độ ngấu nhất định, để ào ào ập xuống những hình thù và màu sắc.”

Nỗi cô độc của Schulz phức hợp, đa diện, không đơn thuần là phương cách sống một kẻ hướng nội né tránh ồn ã cõi người. Thành phố tỉnh lẻ tách biệt khỏi những chủ lưu đời sống và mối gắn bó danh tính kỳ lạ của ông với cộng đồng Do Thái, hai điều này cùng dồn ông, đến một chừng mực nào đó, vào thế cô lập. Sự cô lập còn lớn hơn thế bởi, do nét đơn biệt quá nổi trội của ông mà những cư dân Drogobych nhìn nhận như một dạng lệch lạc tâm bệnh, ông bị tách lìa khỏi chính những người cùng thành phố. Tính Do Thái của ông cũng gây lấn cấn. Trong con mắt những người xung quanh đó là điều rành rành không thể chối cãi, nhưng ông không hề cảm thấy mình như một cư dân thực thụ của khu ghetto. Gắn kết của ông với phả hệ gia đình mình, do vị trí bên lề trong thời hiện tại, chủ yếu nằm ở thời tiền sử, gắn với những tổ tông huyền thoại và Thánh Kinh huyền thoại do chính ông soạn ra.

Jerzy Ficowski

Ngân dịch

(Lời giới thiệu bản tiếng Anh The Street of Crocodiles, Celina Wieniewska dịch, Penguin 1963.)

 

 

Chấm sao chút:

Đã có 2 người chấm, trung bình 5 sao.

Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3

Người góp chữ

Ngân

Sống và làm việc ở Hà Nội.

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*