Antoine de Gaudemar, Thất bại của Kundera: Tác giả « Lời đùa cợt » đã để mất tính hài hước?

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi
???????????????????????
Thời gian đọc: 4 phút

(Bài viết thuộc Zzz Review số 6, 31-7-2019)

Tiểu thuyết thứ tám của ông, « Căn cước », gồm một câu chuyện hời hợt và một văn phong lờ đờ, thậm chí cằn cỗi như một trò chơi ô chữ.

« Căn cước », tiểu thuyết thứ tám của Milan Kundera, vừa ngắn vừa khô như một tấm thẻ cùng tên gọi. Chantal và Jean-Marc yêu nhau. Một ngày Chantal buồn bã nhận thấy rằng đàn ông không còn quay lại mỗi khi nàng đi ngang. Để chứng minh cho nàng rằng sự thật không phải thế, Jean-Marc bí mật viết cho nàng những lá thư ngưỡng mộ. Đầu tiên Chantal thấy thích thú, nhưng nhanh chóng khám phá sự gian trá của Jean-Marc và tức giận. Jean-Marc cam kết là chàng thành thực, chàng đã hành động như thế để chứng tỏ cho nàng tình yêu của chàng. Họ chia tay nhau, rồi ngay sau đó gặp lại ở Luân-đôn, làm lành và quyết định không bao giờ xa nhau. Một kết thúc có hậu.

Thế còn căn cước? Trong đời sống Jean-Marc cái gì cũng làm một chút, thầy dạy trượt tuyết, người vẽ hình họa, nhà báo. Từ ngày yêu Chantal chàng đến nàng « ở ghé nhưng sang », và hơi lo lắng cho đời nàng. Chantal làm việc trong ngành quảng cáo, một « thành trì bảo thủ », nơi nàng phải tưởng tượng ra các chiến dịch nhố nhăng cho chủ, một thằng cha cuồng cả Marx lẫn Freud. Nhưng nàng có khả năng nhị phân, đến cơ quan thì vác « mặt nghiêm túc », về nhà gặp Jean-Marc thì mang « mặt đùa cợt ». Cách đó mấy năm, Chantal mất một đứa con lên năm tuổi, nhưng cuối cùng nàng cũng thấy thế làm may, vì cái chết của nó đã khiến cuộc sống của nàng thay đổi, nàng ly dị chồng và gặp Jean-Marc… Còn về phía Jean-Marc, khi phát hiện ra thái độ lạnh lẽo của mình với một người bạn cũ đang hấp hối ở bệnh viện, chàng cũng có khả năng nhị phân. Là người tình của Chantal, chàng đóng luôn cả vai gián điệp theo dõi nàng, hằng ngày viết những lá thư bí mật và ký là C.D.B. theo Cyrano de Bergerac, người đã giả danh để tỏ tình. Jean-Marc và Chantal đôi khi khiến nhau phát hoảng về mối quan hệ của họ. Ta là ai, khi có thể lẫn lộn hình bóng của người ta yêu với một kẻ xa lạ ? Nhỡ ta hiểu sai căn cước thật của người ta yêu ? Nhỡ ta đã nhầm người ta yêu với một kẻ khác ? v.v.

Sau « Chậm » (1995), « Căn cước » là tiểu thuyết thứ hai mà Kundera viết thẳng bằng tiếng Pháp. Sinh ra ở Tiệp năm 1929, di cư sang Pháp từ năm 1975, ông cũng đã đổi ngôn ngữ viết trong ba tập tiểu luận cuối. Lựa chọn này, tuy không gây hậu quả nghiêm trọng trong thể loại phi hư cấu, lại khiến các tiểu thuyết của ông gần như biến dạng. Ba năm trước, « Chậm » đã khiến độc giả bối rối: Kundera vẫn giữ nguyên cấu trúc bằng những biến đổi quấn quít vốn mang lại niềm vui lớn lao khi đọc các tiểu thuyết trước của ông, nhưng ta cảm thấy trong « Chậm » một sự dè sẻn và cố ép kỳ quặc, giờ đây còn bị phóng to hơn nữa trong « Căn cước ». Lần này, tác phẩm vẫn được dàn dựng đâu vào đấy, nhưng cằn cỗi như một trò chơi ô chữ. Nó được viết bằng một thứ văn phong nghèo nàn, đờ đẫn, mang lại cảm giác về sự mới tập tành, gần như vô cảm. Tất cả để phục vụ một câu chuyện không mấy thú vị.

Sự vụng về của một người khi cảm thấy eo hẹp trong một ngôn ngữ mới? Đôi lúc, độc giả sượt qua sự nhạt. Ví dụ, Chantal, ở giai đoạn cuối của thời mới lớn, « từng say sưa một ẩn dụ » : « Nàng đã muốn được là một hương hoa hồng, một thứ hương lan tỏa và chinh phục, bằng cách ấy nàng muốn lách qua tất cả đàn ông, và dùng họ để ôm trọn trái đất. Hương hoa hồng lan tỏa: ẩn dụ của phiêu lưu. Ẩn dụ này khép lại ở ngưỡng cửa cuộc sống trưởng thành của nàng, như lời hứa lãng mạn về một sự chung đụng dịu êm… » Trong « Căn cước », độc giả cũng tìm thấy một vài chỗ không ổn: « Ngọn lửa hỏa táng đưa ta danh thiếp của nó », Chantal tự nhủ khi về nhà, nhễ nhại mồ hôi và đỏ bừng hổn hển.

Đâu rồi những hăm hở châm biếm và hài hước trong những tiểu thuyết viết bằng tiếng Tiệp, đâu rồi những đùa cợt, những điệu valse và những mối tình nực cười, đâu rồi những tưng bừng nhảy từ chuyện con kiến sang chuyện con voi, những biến đổi nhặt khoan, sự mỉa mai bay bổng? Điều mà trước kia từng làm nên sức mạnh, sự châm biếm sắc sảo của Kundera giờ đây có lẽ bị tiêu tan bởi những câu văn trịnh trọng và những suy nghĩ mang tính phổ quát. Ví dụ, Jean-Marc tự hỏi: « Thế nào là một bí mật thầm kín? Có phải đó là nơi ẩn náu những gì cá nhân nhất, độc đáo nhất, khó hiểu nhất của một con người? Có phải những bí mật thầm kín của Chantal đã biến nàng thành người duy nhất mà chàng yêu? Không. Là bí mật những gì tầm phào nhất, lặp lại nhất, ai cũng có nhất: cơ thể và các nhu cầu đại tiểu tiện của nó, các chứng bệnh của nó, những thói kỳ quặc của nó, ví dụ táo bón, hay kinh nguyệt. » Thậm chí sự can thiệp cuối cùng của tác giả vào câu chuyện, sự xuất hiện đột ngột của ông, cũng hóa ra rất nhàm: « Và tôi tự hỏi: ai đã mơ ngủ? Ai đã mơ ngủ nên câu chuyện này? Ai đã tưởng tượng ra nó? Nàng? chàng? Cả hai? Người này vì người kia? Và từ lúc nào trong cuộc đời thực của họ, câu chuyện này đã biến thành một trò đùa bất trắc? (…) Đâu là thời điểm chính xác mà cái thật biến thành không thật, hiện thực biến thành cơn mơ? » Ngài ở đâu, Milan Kundera? Trong khủng hoảng căn cước nào?

Antoine de Gaudemar

Thuận dịch

(Bản gốc tại: https://next.liberation.fr/livres/1998/01/15/ratage-de-milan-l-auteur-de-la-plaisanterie-a-t-il-perdu-le-sens-de-l-humour-son-huitieme-roman-l-id_225022)

Chấm sao chút:

Đã có 2 người chấm, trung bình 5 sao.

Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3

Người góp chữ

Thuận

Tốt nghiệp Khoa văn trường ĐH tổng hợp Sorbonne. Sống và làm việc tại Paris. Tác giả của 8 tiểu thuyết và dịch giả của một số tác phẩm.

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*