(Bài viết thuộc Zzz Review số 6, 31-7-2019)
Là ngọn cờ dẫn đầu của nền văn học Ba Lan, Olga Tokarczuk đã đột ngột chinh phục cộng đồng nói tiếng Anh khi nhận giải thưởng Man Booker International danh giá. Chúng tôi đã có cơ hội ngồi xuống trò chuyện với nữ tác giả có ảnh hưởng này, và trao đổi về các tác phẩm của bà trong bối cảnh chủ nghĩa bảo thủ đang gia tăng ở Ba Lan.
Tiểu thuyết gia người Ba Lan Olga Tokarczuk hồi tưởng lại cơn sốc khi, được ở tại một điền trang lâu đời ở Scotland nhờ vào một học bổng dành cho tác giả, bà phát hiện ra một số đồ nội thất có niên đại từ thế kỷ 16. “Chúng tôi không có những hiện vật bền lâu như vậy,” bà nói, “Ba Lan là hành lang trung tâm của châu Âu.” Với người dân, chiến tranh, và các chế độ thay nhau nắm quyền lần lượt diễn ra, đồ vật như vậy chỉ có thể tìm thấy ở trong bảo tàng.
Trong nhiều năm, Tokarczuk, 56 tuổi, đã được nhận tới tấp các giải thưởng ở Ba Lan và hầu như khắp cả châu Âu, nhưng bà vẫn ít được khen ngợi trong cộng đồng nói tiếng Anh. Điều này đã thay đổi vào tháng Năm, khi tiểu thuyết Flights của bà đoạt giải Man Booker International, nâng cao tiếng nói của bà trong cộng đồng nói tiếng Anh một cách đáng kể. Vài tháng sau đó, tác phẩm eco-thriller (tạm dịch: sinh thái ly kỳ) Drive Your Plough Over the Bones of the Dead được xuất bản bằng tiếng Anh.
Tôi gặp Tokarczuk trong văn phòng đại diện của bà vào tháng trước, giấu mình trong một con phố nhỏ hẹp (vốn từng là nơi ở của các người đánh xe ngựa và ngựa thời xưa) ở Notting Hill – một khu rợp lá cây và giàu có ở London. Từ tiền sảnh nhỏ, tôi được dẫn vào một phòng có trần cao ngút hút ánh mắt tôi đến đỉnh của những kệ gỗ sồi cũ đầy ắp toàn sách là sách và những thư mục rải rác đây đó. Ở giữa phòng là một cái bàn gỗ dài ngoằng, ít nhất một trăm năm tuổi. Phải mất một lúc tôi mới chú ý đến chính Tokarczuk, gần như lẫn vào thiên đường dành cho người mê sách này. Bà ngồi một mình trên chiếc ghế thấp, trông càng nhỏ bé hơn so với chiếc bàn và cuộn mình vào một chiếc khăn choàng, một cặp kính gọng tròn, dày, phản chiếu ánh sáng mùa thu yếu ớt và che khuất tầm mắt.
Bằng tiếng Anh, chúng tôi nói chuyện về một vài chủ đề khó nhằn, trong đó có chính trị biên giới, một vấn đề gây tranh cãi ở Trung và Đông Âu. Bản thân Tokarczuk sống trong một căn nhà nhỏ chỉ cách biên giới Séc khoảng 200 mét, ở Silesia, một khu vực bao gồm một phần của Ba Lan, Cộng hòa Séc, và Đức. “Tôi bị mê hoặc bởi khái niệm biên giới,” bà nói. “Một cuốn sách khác của tôi, House of Day, House of Night, là một nghiên cứu về vùng biên giới, bởi vì ở thời điểm đó tôi nhận ra rằng vùng biên giới luôn nằm giữa hai bên – bình minh đó thú vị hơn nhiều so với ngày hay đêm.” Vào năm 2015, Tokarczuk giành giải Brückepreis, giải thưởng được trao cho mọi lĩnh vực – những người chiến thắng khác bao gồm chính trị gia, diễn viên và nhà sử học – những người dành cả cuộc đời làm việc và cống hiến cho sự thấu hiểu chung giữa các nền văn hóa.
“Cái thần thoại về biên giới dịch chuyển hiển hiện rất rõ trong gia đình tôi – bạn có tưởng tượng được không, bà tôi được sinh ra gần Lvov, nay là Lviv ở Ukraina, và, khi vẫn sống ở cùng một nơi, quốc tịch của bà đã thay đổi tận 3 lần? Bà là công dân Áo-Hung, Liên Xô và Ba Lan.” Chính sự uyển chuyển này – mà bà nhận thấy sự thiếu vắng đáng lo của nó ở điền trang Scotland – đã xuất hiện hết lần này tới lần khác trong Flights. Khi tôi hỏi về mối liên hệ, bà đã nhắc tới nhà triết học và tị nạn chính trị Ba Lan Zygmunt Bauman, người đã phát triển khái niệm về “tính hiện đại lỏng” (liquid modernity). Trong cuốn sách cùng tên, ông tuyên bố: “Những gì đã bị cắt rời không thể được dán lại với nhau. Từ bỏ mọi lý tưởng về sự toàn diện, tương lai cũng như quá khứ, bạn là người tiến vào thế giới hiện đại lỏng.”
Những quan sát của bà về sự liên tục dịch chuyển ở Trung và Đông Âu khiến tôi nhớ lại bài luận hàng chục năm trước của Milan Kundera, trong đó ông đã viết: “Một người Pháp, một người Nga, hay một người Anh không quen với việc nghi ngờ chính sự tồn tại của dân tộc mình. Quốc ca của họ chỉ nói về vinh quang và vĩnh cửu. Tuy nhiên, quốc ca Ba Lan lại mở đầu bằng câu: ‘Ba Lan vẫn chưa lụi tàn…’ ” Nhưng dù sao, chúng tôi tự hỏi liệu sự bất ổn này có mang lại những khả năng mới cho văn học, sản sinh ra những hình thức độc đáo là chủ nghĩa hiện thực huyền ảo và chủ nghĩa siêu thực – từ Kafka đến Krasznahorkai László tới bản thân Tokarczuk.
Giống như văn chương của mình, Tokarczuk bộc lộ sự tò mò mãnh liệt. Ngay khi tôi vừa ngồi xuống chuẩn bị cho cuộc phỏng vấn, bà cướp quyền chủ động bằng cách đặt câu hỏi ngược cho tôi (“bạn có nghĩ rằng cuốn sách này là một nghiên cứu về sự điên rồ không?”) và tôi phải nhất quyết từ chối để không trở thành người bị phỏng vấn. Không ngạc nhiên gì khi biết rằng Tokarczuk đã từng là một chuyên gia tâm lý được đào tạo bài bản và hành nghề trong bảy năm trước khi chuyển hướng sự nghiệp sang viết lách toàn thời gian.
“Hiện thực là một cái gì đó mà chúng ta có thể lĩnh hội từ nhiều góc nhìn – và đây là định nghĩa trước nhất về văn học của tôi,” bà nói, khi tôi hỏi tâm phân học đã ảnh hưởng tới tác phẩm của bà như thế nào. “Chúng ta ở trong một vị trí rất đặc biệt nơi mỗi người có thể nhìn qua đôi mắt và miêu tả những gì ta thấy – đó đã là một cuốn tiểu thuyết.” Nền tảng từng nghiên cứu tâm lý học ở bà có thể được nhận thấy một cách dễ dàng. Các nhân vật trong tác phẩm của bà đánh mất “tính nhân vật” mà trở nên giống với người thật hơn, với khả năng trưởng thành, thay đổi và làm (ta) ngạc nhiên. Bà thể hiện các nhân vật không phải bằng cách quan sát họ, mà bằng cách nhìn của họ và cảm nhận thế giới như họ sẽ làm.
“Nếu bạn hỏi liệu tôi có còn là một tín đồ của Freud hay không, tôi sẽ, tất nhiên là, nói không! Mọi việc không diễn ra như thế,” bà cười. “Nhưng tôi không thể tưởng tượng được một người trí thức đương thời mà lại không biết những ý tưởng cơ bản của Freud. Tôi không nghĩ chúng chính xác trong thực tiễn – tôi coi chúng là những phép ẩn dụ thiết yếu, như thần thoại.” Các nhà văn cực kỳ quan tâm tới phép ẩn dụ và tạo ra huyền thoại; người ta mang những phép ẩn dụ này đi khắp nơi, sống cùng chúng, thường là trong tiềm thức: dẫn đến ảnh hưởng của chúng với cuộc sống chính trị của chúng ta. “Tiền đề của dân chủ là chúng ta phải tự nhận thức được chính mình,” Tokarczuk tiếp tục, “để đưa ra quyết định đúng đắn.”
Tôi đặt câu hỏi về bản dịch và việc tác phẩm có ý nghĩa như thế nào khi được đọc trong một ngôn ngữ khác. Câu hỏi này liên quan trực tiếp tới Flights, một tiểu thuyết triết học về du lịch. Tựa đề gốc trong tiếng Ba Lan, Bieguni, là tên một giáo phái Nga cổ tin rằng cách duy nhất để tránh ác quỷ là luôn di động. Bieguni cũng là một cách chơi chữ, nó sử dụng từ gốc Xlavơ biegać, nghĩa là chạy hoặc trốn thoát. Vì không có một từ tiếng Anh tương đương nào, việc thay đổi tiêu đề là không thể tránh khỏi. Dịch giả Jennifer Croft nghĩ ra từ “flights” và Tokarczuk cũng hài lòng, từ này có nhiều nghĩa – không chỉ là hành trình bằng đường hàng không, mà còn là sự chảy trôi của thời gian, một sự ra đi vội vã, một cuộc di cư, một cuộc chạy trốn, hay một ý tưởng ngông cuồng (flights of fancy). Tuy nhiên, bằng việc thay đổi tựa đề, cuốn sách mất đi một phần ý nghĩa ẩn dụ và siêu hình.
Cấu trúc câu trong tiếng Ba Lan rất linh hoạt, làm cho câu văn càng dễ trở nên mơ hồ hơn. Nhưng sự mơ hồ ấy là hữu ích, Tokarczuk lập luận, không chỉ với thơ ca mà còn để chỉ trích những chính trị gia: bạn có thể nói một điều gì đó rất ý nghĩa mà không phải trực tiếp nói toẹt ra. Chính trị gia và những nhóm gây sức ép chính trị hàng đầu đã tấn công Tokarczuk ở Ba Lan về những ý tưởng được cho là chống lại chủ nghĩa dân tộc và chống lại tôn giáo của bà. Nhưng khi tôi hỏi về việc này, bà nhắc tôi rằng Drive Your Plough Over the Bones of the Dead (2009) và Flights (2007) được viết trong một thời thế chính trị rất khác. Chỉ hơn một thập kỷ trước, bà tuyên bố, mọi thứ đều mở; trước khi chủ nghĩa toàn cầu hóa trở thành một từ ngữ bẩn thỉu. “Nhưng giờ chúng ta đang sống trong một thời kỳ đóng cửa – tôi có thể nghe tiếng cửa đóng lại,” bà nói. Tôi đáp lại một cách bi quan rằng, tôi cũng nghe tiếng đóng cửa, nhưng trong sự ngạc nhiên của tôi, bà vẫn hy vọng: “Tôi thật sự tin rằng nền dân chủ có một cơ chế tự bảo vệ từ bên trong… một người có thể chống lại chính quyền lỗi thời của ngày hôm nay,” bà nói.
Kể chuyện đóng một vai trò quan trọng trong chế độ tự vệ dân chủ. Đối với Tokarczuk, việc tự nhận thức mình, hay câu chuyện mà chúng ta tự kể về bản thân mình, là nền tảng của nền dân chủ. Bà ca ngợi bộ phim mới ra Clergy vì tác phẩm vạch trần sự thối nát của Giáo hội Công giáo ở Ba Lan, vốn đã có ảnh hưởng rõ rệt lên nhận thức của người dân trước thềm cuộc bầu cử quốc hội năm tới. Spoor, bộ phim chuyển thể năm 2017 của Drive Your Plough Over the Bones of the Dead, có thể có một hiệu ứng tương tự trong giới sinh thái. Tên của nhân vật chính, Janina Duszejko, gần đây đã xuất hiện ở cuộc biểu tình để bảo vệ Rừng Białowieża được UNESCO bảo hộ khỏi lâm tặc – một người đã giơ cao biển hiệu ghi rằng “Janina Duszejko sẽ không tha thứ cho các người”, một sự ám chỉ tới sự trả thù tàn bạo của nhân vật này lên những kẻ cố tình hủy hoại thiên nhiên để kiếm lời. Bản thân Tokarczuk là một người ăn chay, một nhà đấu tranh vì nữ quyền, và một người ủng hộ Đảng Xanh (Green Party), những vị trí hoàn toàn bất hòa với chính phủ cầm quyền ngày càng bảo thủ của Ba Lan.
Tokarczuk đã chứng tỏ bản thân là một trong những nhà văn và nhà tư tưởng hàng đầu châu Âu. Các tác phẩm của bà gây tiếng vang không chỉ nhờ vào giọng văn hấp dẫn, mà còn bởi những lời khẳng định về đạo đức và triết học. Niềm tận tụy với việc khám phá chủ đề về nữ quyền, biên giới và khủng hoảng sinh thái giúp tác phẩm của bà là một niềm vui khi đọc và cả là lời kêu gọi hành động. Trong bối cảnh của bầu không khí chính trị đương đại và sự tàn phá môi trường thấp thoáng – “như tàu Titanic”, theo cách nói của bà – những hệ lụy chưa bao giờ vươn xa hay cấp bách như bây giờ.
Hannah Weber
Blue Phạm dịch
(Bài đã được đăng trên tạp chí The Calvert Journal, một chỉ dẫn về Phương Đông Mới. In lại trên Zzz Review với sự đồng ý của tác giả và tạp chí:
https://www.calvertjournal.com/articles/show/10772/olga-tokarczuk-polands-pre-eminent-novelist
Hannah Weber đọc sách, viết và chụp ảnh về văn học Đông Âu cùng nhiều thứ khác tại đây: http://hannahweber.co.uk/)
Người góp chữ
Blue Phạm
Sinh viên toán thích viết văn và những điều xưa cũ.
Leave a Reply