Tận thế hay không khi loài vật lên ngôi?

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi
Thời gian đọc: 11 phút

(Bài viết thuộc Zzz Review số 6, 31-7-2019)

Diễn biến mà Karel Čapek xây dựng cho Khi loài vật lên ngôi dường như là một dòng dự cảm về một tận thế không xa của con người khi nhìn từ chính logic của hiện thực, rằng nếu giữ mãi cách thức tồn tại như này thì tận thế gặp con người là điều đương nhiên. Nhưng xem chừng, hai âm tiết “tận thế” có vẻ như không dùng được dễ dàng như thế. “I was born” – đó là cách con người có mặt trong cuộc đời này – dạng bị động. Cái cây “được” sinh ra, con gà “được” sinh ra, con người “được” sinh ra. Bởi một thế lực to lớn bao trùm nào đó. Không ai biết. Chỉ biết tất cả: cây, gà, người – không giống gì được quyền tự lựa chọn cho hiện diện lần đầu của mình. Tất cả, trong đó có con người, cùng thuộc vào một dòng chảy kì vĩ của vũ trụ. Bởi vậy, giả sử con người có bị hủy diệt, theo như “nhà tiên tri” Čapek, thì đó cũng chỉ là một biến động vi mô trong dòng chảy lớn đó. Thế giới này hẳn không bị hủy diệt khi con người bị hủy diệt. Trong dòng chảy, 65 triệu năm trước, khi mặt đất chuẩn bị chứng kiến sự tuyệt chủng của loài khủng long to lớn, hẳn không ai ở đó sốt sắng, cuống quýt rằng tận thế đã đến. Vậy thì con người, liệu đủ khả năng gây ra được tận thế?

Loài người? A, đúng loài người. Họ từng chút một, họ bắt đầu từ trên các vùng núi cao lần xuống những vùng bờ biển còn sót lại của các lục địa; nhưng suốt một thời gian dài, đại dương nồng nặc mùi hôi thối xác sa giông thối rữa. Các lục địa dần dần tăng diện tích trở lại nhờ phù sa bồi đắp của các dòng sông; biển lùi dần từng chút một, và rồi tất cả gần như trở lại trước kia. Xuất hiện một truyền thuyết mới về một trận Đại Hồng Thủy do Thượng Đế ra tay để trừng trị tội lỗi của con người. Và sẽ có nhiều huyền thoại mới về những vùng đất đã biến mất dưới đại dương, và những vùng đất ấy sẽ trở thành cái nôi của nền văn minh loài người; có lẽ sẽ có những truyền thuyết mới về những nơi từng được gọi là Anh Cát Lợi, Pháp Lang Sa và Nhật Nhĩ Man.

Vừa rồi có lẽ là lời độc thoại của Karel Čapek ở cuối tác phẩm và có vẻ như ông cũng đã không cho con người quyền làm nên “ngày tận thế” vĩ đại.

Tận thế
Karel Čapek

Čapek đã không để con người “tuyệt chủng” hoàn toàn. Tác giả đã không để “ngày tận thế” được xảy ra. Nếu muốn lạc quan, có vẻ như đây là những tia hi vọng mong manh nhen nhóm lên ở cuối tác phẩm, niềm hi vọng về sự bền bỉ của con người, một cú lội ngược dòng ngoạn mục của “loài người thân yêu”, sự hồi sinh từ những khe kẽ rất nhỏ trong một tấn lụi tàn. Trong một vở kịch tên R.U.R, các robot toàn năng của Rossum của chính tác giả, một vở kịch có tính điềm báo cho một nền quân chủ mới dưới sự trị vì của robot và sự phục tùng của loài người, đến phút chót, đạo diễn Čapek bất ngờ tung ra sự xuất hiện một cặp robot yêu nhau như một hứa hẹn cho sự trở lại của tính người giữa vương quốc robot. Niềm hi vọng chan chứa ấy trong cả hai tác phẩm dễ làm người ta cho rằng tác giả yêu thương con người tha thiết, rằng sau tất cả… vẫn cứ là con người. Tuy nhiên, thử nghĩ mà xem, nếu để Čapek mạnh dạn viết thêm một season về phần đời tiếp theo sau khi “chết đi sống lại” của con người, chắc hẳn sẽ lại có thêm một loài nào đó, không phải Sa giông, không phải rô-bốt thì có thể là loài Sa-bốt sẽ soán ngôi con người thôi. Điểm nhìn của Čapek có lẽ rộng hơn khi quan sát vũ trụ này: Sa giông là một loài, con người là một loài, bản chất thế giới này là sự luân chuyển vị thế, vai trò của một loài này sang loài khác. Con người chẳng tạo ra thế giới mà nằm trong vòng lặp, hoặc là dòng chảy của Vũ Trụ. Trước kia có trận Đại Hồng Thủy nhấn chìm cả Atlantis của loài người, giờ cũng có một Tân Đại Hồng Thủy sắp nhấn chìm hòn đảo của Sa giông. Nếu coi một trận đại hồng thủy như là cột mốc của một “ngày tận thế”, nhân loại, hoặc “sa” loại chẳng qua là đang trải qua từ tận thế này sang tận thế khác.

Để loài người một lần nữa sống dậy, Karel Čapek có thực sự tin vào con người không? Thực tế, điều mà Čapek đã cứng đầu làm suốt tác phẩm của mình là day đi day lại một câu hỏi có, không đầy hoài nghi về chính tồn tại của con người trên thế giới này. Ở một thế kỉ nọ, người ta mê mẩn, chìm đắm trong một thứ chủ nghĩa duy lý vừa lên ngôi, sự tự tin đến ngạo mạn của khoa học trong bước chuyển thời đại đem những mộng tưởng đến cho con người về sự toàn trị của chính loài mình. Nhưng sang thế kỉ của mình, Karel Čapek quả quyết đem một sinh vật xấu xí, dị hợm đặt lên bàn cân với loài người – những Adam, Eva đẹp tuyệt trần, chiến thắng con người, đẩy con người tới bờ vực của sự hủy diệt bằng chính những thứ trí tuệ, vũ khí mà con người từng tự hào, say mê. Sự phát triển của Sa giông như một tấm gương soi lại quá trình tiến hóa của loài người, từ hình dạng cho đến nhận thức. Con người có phải là loài duy nhất có những vẻ đẹp, tài năng, tình cảm trong Vũ Trụ này không? Phải có một cuộc gặp gỡ, giao lưu không mấy vui vẻ với Sa giông mà Čapek đã tạo điều kiện, con người mới hay rằng giống loài của mình chưa hẳn đã “cao cấp” đến thế. Trong bộ phim công phu về mặt casting nhân vật của Čapek, con người từ chỗ là nhân vật chính trở thành nhân vật quần chúng, chịu bị dẫn dắt, điều khiển trước một thế lực loài hoàn toàn khác. Lúc đó thì “tận thế” của riêng con người xảy ra, như một quy luật.

Chưa ở đâu, quy luật của “tận thế” lại được diễn giải một cách giản dị và tự nhiên như vậy. Từ đầu đến cuối, mạch truyện cứ tự nó phát triển theo đúng trật tự logic của nó, không bất ngờ, không giật gân. Không có một chi tiết, sự kiện đặc biệt nào làm tụi độc giả vô can với tận thế đột nhiên cảm thấy: “Ồ, biến cố này lớn, chính nó đã làm nên tận thế”, từ khi có một loài (như là) thằn lằn mới bắt đầu được phát hiện trên Vịnh Quỷ Sứ, các vụ làm ăn nhỏ tới lớn của thuyền trưởng Van Toch, rồi dần dà là sự chuyển giao quyền lực từ Người sang Sa giông, những cuộc “chinh phạt” của Sa giông, cho đến cuối cùng là những tâm tư, dự cảm của nhân vật người gác cổng Povondra trước viễn cảnh “tận thế”. Tất cả “hành trình chinh phục tận thế” được diễn giải, cái sau như là một hệ quả tất yếu của cái trước, phù hợp với tiến trình tâm lý và tư duy của các nhân vật con người. Van Toch biến Sa giông thành công cụ của mình: sự tham lam, thực dụng tuy thiển cận nhưng thật hợp lý, ông Povondra ngô nghê mở cửa cho Van Toch vào cái văn phòng đó bàn chuyện làm ăn: chuyện này thường tình, hay các tập đoàn cứ mở rộng buôn bán, trao đổi sa giông từ nước này sang nước khác: lẽ tất nhiên, diễn biến nào khác được khi chúng ta đang sống ở một nơi mà lợi nhuận là sở thích chung của phần lớn đám đông. Một khi đã quen với mạch, thật khó dừng lại một phút nào để nghĩ xem, rốt cục mầm mống của “tận thế” bắt đầu từ điểm nào trên cái đường thẳng không đầu, không cuối đó. Không, tác giả chẳng đổ lỗi thẳng cho bất cứ cá nhân nào, càng không đổ lỗi cho tư bản, cho đế quốc, hay cho xã hội chủ nghĩa, … ngay cả sự dằn vặt của ông Povondra vì mở một cánh cửa để một cuộc đua đi tìm giá trị sa giông thặng dư được bắt đầu, thực tế là ông ta tự đổ lỗi cho bản thân, không ai trách Povondra chỉ vì đã xoay cái nắm cửa đó, thậm chí ông còn có vẻ đáng thương hơn hết thảy trong tác phẩm, vì là kẻ duy nhất cũng sắp chết mà vẫn phải suy tư. “Tận thế” sẽ được xảy đến vì tuân theo mọi logic của đời sống hiện tại mà không một ai nghi ngờ này. “Tận thế” sẽ diễn tiến theo đúng Trật Tự con đường mà con người đã và đang đi rồi. Con người đơn giản đi đến “tận thế”, vì con người đang sống đúng như kiểu của con người.

Sống như kiểu của Người là sống kiểu gì? Người ta đã từng thử “giết” Chúa để đẩy con người lên vị thế cao hơn, rằng Thế Giới này đang chơi theo một quy luật khác cơ, quy luật của của kinh tế, chính trị, quyền lực… Tác phẩm của Karel Čapek khẳng định rằng, bằng những quy luật tự tạo trong trò chơi của chính mình với Vũ Trụ, con người đang tự giết chính mình. Mọi thứ có lẽ ổn hơn nếu con người có nhiều khả năng mang đức tin trọn vẹn vào một điều gì đó. Nếu sở hữu một niềm tin về một Đấng toàn năng trên mình đang nhìn xuống, hẳn sự huênh hoang sẽ bớt đi, loài người chí ít sẽ biết e sợ, rụt rè hơn với những hành động của mình. Khi loài vật lên ngôi không xuất hiện khuôn mặt của Đấng tối cao đó, không một ai đủ lớn đứng ra nói: “Làm thế này là sai rồi” để ngăn cản những sự táo bạo và liều lĩnh. Sau cùng, chỉ có những quy luật làm nên trật tự xã hội chèo lái con người, con người vô thức đi theo, không hồ nghi, không kháng cự. Khi những trật tự xã hội nhân tạo tham vọng vượt lên trên những quy luật của tạo hóa, con người mất kiểm soát và cái kết tất yếu là sự phân rã của loài người.

Trật tự xã hội đó là gì? Trong kiệt tác của Wolf Meynert (chương 5 phần III) có nói: “Nếu ta lùa hết ngựa, sói, cừu, mèo, cáo, nai, gấu và dê nhốt chung một bầy và buộc chúng phải sống trong cái đám đông phi lý mà ta gọi là Trật tự Xã hội, buộc chúng phải tuân theo những quy tắc sống chung… ta sẽ tạo ra một bầy đàn khốn khổ, bất mãn chia rẽ trầm trọng, nơi không một sinh linh nào có thể sống an nhiên.” Đó là hình ảnh mô tả khá chính xác cái bầy đàn đông đảo, tuyệt vọng, ô hợp mà ta gọi là nhân loại. Con người có nhận ra mình đang mải miết chạy theo một thứ trật tự mù quáng không? Câu trả lời là có. Con người hoàn toàn nhận ra tình cảnh thực tại của mình, cuộc sống chật hẹp với những thối nát, đổ gãy rường cột với đủ thứ tư tưởng, chủ nghĩa bày biện ra như một mâm cỗ với đủ món bùng nhùng, hỗn tạp. Điều này thể hiện rõ hơn hết qua những trang viết của Wolf Meynert: Con người đã sai, rất sai rồi, nếu muốn đúng hơn thì nên kiệm mình nhường chỗ cho một giống loài khác vị lai hơn. Ai đã tạo ra quy luật và những trật tự để tự buộc con người vào cái giá treo cổ đặt sẵn là “tận thế” đấy? Không một gương mặt nào hiện ra, tất cả là lựa chọn của Con Người – khái niệm Con Người tưởng như rất rõ ràng giờ đây trở nên trừu tượng hóa vì nó không ám chỉ được một sinh vật cá thể, dị biệt nào nữa.

Con người thì được nhìn nhận với nhau như một “đám nhân loại”, Khi loài vật lên ngôi còn cho thấy thêm: Con người với Sa giông cũng không nằm ngoài một giuộc. Tiếp nối ý tưởng từ những trận Đại Hồng Thủy, Tân Đại Hồng Thủy, Karel Čapek làm người ta “xúc động” nhận ra rằng, có một mã gen cứ âm ỉ chảy trong cơ thể của muôn loài trong thế giới này. Con người, hay Sa giông bản chất là như nhau trong một cái tiến trình tư duy đã đi theo một lằn ranh bền vững. Sa giông rồi cũng phát triển đến độ con người, từ một khối tưởng như thống nhất, đồng đều, bắt đầu nhận ra những khác biệt, rồi nhen nhóm tham vọng đồng hóa những khác biệt bằng liệu pháp “thủ tiêu” những “kẻ khác”. Cuối cùng, cũng như “thành tựu” tự hủy diệt đã thành tấm gương của loài người, Sa giông cũng sẽ đi qua từng đấy các phân cảnh: Chiến tranh Thế giới thứ nhất, Chiến tranh Thế giới thứ hai, Chiến tranh Thế giới thứ n để cuối cùng dìm xác nhau trên những đại dương, nhường đất đai, lục địa cho những loài mới, cụ thể là nhường cho loài Người phiên bản hai, y hệt loài Người phiên bản một đã từng hào phóng nhường lại cho Sa giông vậy. (Các con số một, hai được sử dụng hết sức tương đối, vì theo mạch tư duy “đã có n tận thế xảy ra”, rất có thể trước đây rất lâu, đã có những loài Người khác, những loài Sa giông khác, những trận Đại Hồng Thủy khác). Những mã gen mà hệ quả tất yếu là sự hủy diệt đấy cứ di truyền từ đời này sang đời khác, loài này sang loài khác như vậy, lại càng làm mạnh hơn cho quan điểm: “tận thế” là một ý niệm tẻ nhạt đến độ mà bất cứ loài nào, từ Người cho đến Sa giông, hình như cuối cùng cũng làm ra “tận thế” được.

Nói như vậy, thế thì còn gì để trông chờ vào con người nữa? Hơn một lần, Khi loài vật lên ngôi làm người ta có cảm giác như đang được nghe da diết một bài văn tế cho cái chết của loài người, là sự tuyệt vọng, chán ngán đến cực độ cái giống loài của chính mình, là bài ca giễu nhại và lời tiên tri về “tận thế”. Nhưng rồi cũng từ chính cái lo lắng, cái chán ghét ấy, vẫn có một đốm sáng nào đó âm ỉ cháy. Tác phẩm kịch về Robot của Čapek có thể được cho là có một happy-ending, Khi loài vật lên ngôi thì mở hơn, chẳng phải là một cái kết mĩ mãn, phân thắng, phân bại. Như chính tác giả tự thú nhận, rằng tác giả vô danh X là một phần của mình, có lẽ trong một mảng rất bản năng và tâm linh nằm ngoài lí trí, Čapek vẫn giữ niềm tin vào tình yêu với con người. Sa giông có Văn Minh của Con Người. Con Người ngoài văn minh, còn có một thứ tuyệt đẹp hơn, đó là Nhân Tính, và biểu hiện là còn “bị giày vò bởi nỗi hồ nghi.” Hồ nghi – vẫn còn một hạt giống để nhân loại tự cứu mình, hạt giống “nhân” trong chính từ “nhân loại”.

Vậy con người có cần làm khác đi một chút hoặc nhiều chút để thay đổi được logic “tận thế” bền vững này không? Có cần làm vài thí nghiệm để phát minh ra một loại đột biến để giống nòi này bớt tham lam, bớt độc tài, bớt tự ảo tưởng và bớt thích làm theo những diễn ngôn “người ta nói” không? Câu trả lời tác giả không nói, cũng chẳng đưa ra một lời khuyên, chỉ có một câu kết: “… sau đó ra sao thì không thể biết được.” Ai cũng biết quy luật của tận thế, những con người buôn bán Sa giông biết về “tận thế”, những con người trao vũ khí cho Sa giông để tiêu diệt con người nhanh hơn càng biết về “tận thế”, những cá nhân được nhắc đến với nhiều suy tư về “tận thế” như ông Povondra thì chết vì tuổi già, cũng chưa chết về “tận thế”. “Tận thế” vẫn còn đó ở phía cuối đường chờ đợi con người, còn lựa chọn cách cư xử, đi tiếp lối đó, hay mày mò để rẽ hướng sang một tương lai khác hơn, thì lại nằm trong câu chuyện của mỗi người không ai biết được.

Vũ Kiều Chinh

Chấm sao chút:

Đã có 3 người chấm, trung bình 4.3 sao.

Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3

Người góp chữ

Vũ Kiều Chinh

22 tuổi, đã và đang thất nghiệp ở Hà Nội.

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi

1 Trackbacks & Pingbacks

  1. Tận Thế Hay Không “Khi Loài Vật Lên Ngôi”? – Take a sad song and make it better.

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*