(Bài viết thuộc Zzz Review số 6, 31-7-2019)
Nádas Péter, sinh năm 1942 tại Budapest, là nhà văn và nhà viết kịch người Hungary. Ông được coi là một trong những nhà văn đương đại quan trọng nhất của Hungary, được các nhà phê bình so sánh với những tên tuổi văn chương lớn như James Joyce, Thomas Mann và Marcel Proust. Ngoài việc là tác giả của những tiểu thuyết đồ sộ như A Book of Memories (tạm dịch Sách về ký ức, viết trong 12 năm), hay Parallel Stories (tạm dịch Những cuộc đời song song, 3 tập, mất 18 năm để hoàn thành), ông cũng là một nhà phê bình văn chương và thời cuộc sắc bén. Truyện ngắn “Kẻ nói dối” (“Liar, Cheater”) được trích trong tập Fire & Knowledge, tập hợp các truyện ngắn và tiểu luận của ông xuyên suốt bốn thập kỷ từ những năm 60 đến cuối thế kỷ 20, bản dịch của Imre Goldstein.
– Quân Khuê
Mùa xuân năm ấy, tôi đã biết đọc biết viết.
Trên đường tới trường, tôi thấy có cái gì là lạ. Trong một chiếc xe kéo lớn màu đen, một khối đen sền sệt đang sôi ùng ục. Xe kéo được đun bằng củi, rồi chất sền sệt ấy được đánh sang một xe cút kít. Nó bốc mùi thối hoăng. Tôi đâu biết đó là nhựa đường. Nhưng nhìn người ta sửa đường bằng cái thứ ấy thì quá khoái. Cả cái kiểu nó nguội dần đi nữa. Tôi đang trên đường tới trường.
Trong giờ ra chơi đầu tiên tôi chợt nghĩ, giờ mà ra xem các chú công nhân sửa đường thì thích hơn là ngồi trong lớp học chẳng để làm gì. Vả chăng, mình đã biết viết rồi. Tôi xé tập vở lấy một tờ giấy và viết như sau:
KÍNH GỬI CÔ GIÁO CÔ VUI LÒNG CHO CON TÔI NGHỈ BỞI VÌ HÔM NAY LÀ SINH NHẬT CHÁU CHÚNG TÔI MUỐN TỔ CHỨC ĂN MỪNG
Rồi tôi ký tên bố. Bằng chữ in đẹp.
Đang giờ học, tôi mang tờ giấy lên cho cô giáo. Cô đọc, gật đầu, cho tôi về nhà. Tôi sướng lắm. Nhưng không đi về nhà. Tôi đứng bên lề đường hàng tiếng đồng hồ, mãi tới khi các chú công nhân sửa đường dừng tay và bắt đầu rửa ráy. Họ tuột áo xuống thắt lưng mà rửa, dùng cái chậu thiếc ngay trước một kho chứa dụng cụ cửa để mở. Họ dội nước từ can lớn vào cánh tay của nhau. Nhưng việc ấy không còn thú vị nữa. Không như cái cách chất màu đen kia chợt biến thành vỉa hè. Tôi nghĩ thậm chí cho đến hôm nay tôi cũng có thể làm một thợ sửa đường khá giỏi nếu cần. Tôi theo dõi mọi sự việc. Từng cử động một. Kể cả chuyện rửa ráy.
Tối hôm đó chuông reo. Bố mẹ bảo tôi ra mở cửa. Một phụ nữ rất thanh lịch đang đứng trên cầu thang tôi tối. Cô ấy đội mũ, mang găng tay. Trông cô ấy rất giống cô giáo tôi, nhưng cô giáo tôi chưa bao giờ ăn mặc lịch lãm như vậy. Cô luôn ăn mặc giản dị. Vả lại cũng hơi khó tin cô giáo lại đứng ngay trước cửa nhà mình. Tuy nhiên người bấm chuông đúng là cô.
Cô xoa đầu tôi bằng bàn tay mang găng, rồi xoa cổ tôi mạnh hơn bình thường một chút. Cái cách mà cô tôi thường làm. Cô cho tôi một thỏi sô cô la. Nhưng nhân dịp gì? Cô nói chúc mừng sinh nhật, và, cô nói cô muốn đến thăm tôi nhân dịp sinh nhật và ăn mừng cùng cả gia đình, đó là lý do cô mặc váy đẹp và đội mũ, đó cũng là lý do cô mang sô cô la, và cô cười thật rạng rỡ như người ta vẫn cười vào những dịp lễ.
Chúng tôi đứng trong hành lang tối.
Cửa vẫn mở vì tôi không thể đóng lại. Chẳng hiểu sao, tôi không nhích nổi tay, mặc dù tôi biết mình cần đóng cửa. Tôi cũng không nói được lời nào. Mặc dù tôi biết lẽ ra mình phải cảm ơn và mời cô vào. Nhưng tôi không nói được lời nào. Cô giáo vờ như không để ý gì. Mặc dù tôi thấy là cô có để ý. Rồi cô nhẹ nhàng bước qua hành lang cứ như đã ghé thăm nơi đây nhiều lần.
Ánh sáng hắt ra từ dưới cánh cửa phòng khách. Đôi giày cao gót của cô giáo tiến gần đến cửa; rồi cô dừng lại, và gõ cửa bằng bàn tay mang găng. Cô không gập các ngón tay lại, cô gõ bằng nắm tay. Cô mở cửa, bên trong ánh sáng chợt ùa ra, cô lưỡng lự giây lát xem tôi có đi theo không. Nhưng tôi không nhúc nhích được. Tôi hẳn muốn nhúc nhích, nếu như cô không đi vào phòng khách hoặc nếu chuyện gì đó khác xảy ra. Rồi cô khép cánh cửa sau lưng mình.
Và trong hành lang tối còn lại một mình tôi chỉ với một dải ánh sáng hẹp hắt ra từ dưới cửa. Tôi có cảm giác một điều gì kinh khủng sắp sửa diễn ra trong đó. Trong đó, nơi ánh sáng hắt ra. Một điều gì đó thật kinh khủng thậm chí tôi không thể tưởng tượng ra. Tôi đã cố tưởng tượng. Nhưng mọi thứ im lìm. Như thể bố mẹ không có trong phòng khách và cô giáo chưa hề bước vào. Có lẽ không có ai trong phòng khách cả. Chỉ có ánh sáng vẫn hắt ra từ đó. Và tôi có thỏi sô cô la trên tay. Kể cả hôm nay không phải là sinh nhật tôi. Nó vẫn sẽ đến. Một lúc nào đó. Tôi vẫn phải chờ đợi nó.
Tôi chạy vào nhà tắm. Cánh cửa sập lại cái rầm. Tôi nhận ra cánh cửa kêu rầm bởi vì tôi dập cửa sau lưng mình. Nhưng tôi không thể nào bình tĩnh lại. Trong đó thậm chí còn tối hơn. Thỏi sô cô la trên tay mềm đi. Tôi va phải bồn tắm. Lòng bàn tay tôi cảm nhận được khe hở giữa bồn tắm và tường mà mỗi khi tắm tôi luôn nhòm vào nhưng chưa bao giờ thấy đáy. Đó là một cái khe rất sâu. Và cái khe giúp tôi. Tôi ném thỏi sô cô la vào khe, nhưng không may nó mắc lại phía sau bồn tắm, tôi nghe thấy rõ ràng, mặc dù tôi không muốn nó bị kẹt, bởi tôi những muốn cái khe phải sâu tuốt đến tận sàn để thỏi sô cô la rơi thẳng xuống dưới đó.
Thỏi sô cô la phía sau bồn tắm: chuyện này khiến mọi việc tồi tệ thêm.
Tôi bỏ chạy, vào phòng của mình, và ở đây cánh cửa cũng đóng rầm vì tôi dập cửa mạnh, mặc dù tôi không nên dập cửa; lý ra tôi phải rất khẽ cố giấu mình trong bóng tối, giữa những đồ vật trong phòng, đâu đó. Tôi đứng trong phòng mình, bất động. Bất động như thể tôi không hề tồn tại.
Nhưng tôi có tồn tại. Bởi vì từ phòng bên tôi nghe thấy những giọng nói và tiếng cười khe khẽ, nhưng cho dù cố mấy tôi vẫn không thể nghe rõ mọi người nói gì. Và tại sao họ lại cười?
Sự kinh khủng sẽ không trôi qua. Thỏi sô cô la đằng sau bồn tắm. Tôi run rẩy. Và tôi sợ, nhưng trong tuyệt vọng, bởi vì không ai đến bắt tôi.
Cho đến hôm nay tôi vẫn không biết mình sợ gì. Tôi không nhớ làm thế nào mình có thể lê từ giữa phòng trở lại cửa, vẫn còn run rẩy nhưng can đảm hơn, áp tai vào cửa. Tôi không biết mình có thể sợ gì đến vậy; bố mẹ chưa bao giờ đánh hay phạt gì tôi. Liệu có phải tôi không sợ họ mà sợ chính mình, trong lúc áp tai vào cửa? Cho đến tận hôm nay tôi vẫn không biết.
Không có dấu hiệu của bất cứ náo động nào phía bên kia cửa. Một cuộc trò chuyện tĩnh lặng. Như thể cô giáo tôi không hề có ở đó. Kể cả cô có ở đó, cuộc trò chuyện nghe chẳng khác gì các cuộc trò chuyện buổi tối khác. Một cuộc trao đổi êm ả, thư thái. Theo kiểu có thể đưa bạn vào giấc ngủ bởi vì nghe như một chuyện cổ tích đang được kể. Tôi khe khẽ kéo tay nắm cửa xuống. Nheo mắt, tôi bước vào căn phòng đầy ánh sáng.
Ánh sáng ấm áp của ngọn đèn chùm. Mọi người đang uống trà. Mọi người mỉm cười. Như không có gì xảy ra. Như không ai để ý thấy chuyện gì đang diễn ra trong lòng tôi. Như không ai thấy tôi rón rén tiến qua bàn, ngồi xuống tay chiếc ghế bành, tựa đầu vào tay mẹ.
Mẹ xoa bàn tay tôi. Rồi xoa đầu. Chỉ vậy, như tiện tay, trong khi mẹ nói chuyện. Và rồi tôi lùi ra một chút. Nhưng mọi người nói chuyện với tôi, và tôi trả lời được. Duy không ai thốt ra lời nào về sinh nhật.
Cô giáo ra về, và tối hôm ấy mọi thứ vẫn như giống in mọi buổi tối khác. Cả nhà ăn tối. Tôi đi tắm. Rồi mẹ cho tôi đi ngủ, nhưng mẹ không kể chuyện, mà tôi cũng không dám nài nỉ. Nhưng mẹ hôn tôi. Cái hôn ấy mang cái vẻ như là mẹ đã kể tôi nghe một câu chuyện rồi.
Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi.
Cho đến hôm nay tôi không biết mọi người đã nói gì trong căn phòng bên. Nhưng điều ấy không quan trọng.
Còn thỏi sô cô la đằng sau bồn tắm? Nó có bị phát hiện trong lần dọn nhà kế tiếp không? Hay là khe hở quả thực quá sâu? Suốt một thời gian dài tôi cứ kiếm tìm những dấu hiệu, để xem chuyện gì sẽ xảy ra. Bởi vì tôi không thể tìm lại thỏi sô cô la từ đằng sau bồn tắm. Nhưng không có gì xảy ra cả.
Quân Khuê dịch
Người góp chữ
Quân Khuê
Thích đi, thích uống, ghét đồ nhựa dùng một lần.
Leave a Reply