Milan Kundera, Một phương Tây bị bắt cóc, hay bi kịch của Trung Âu

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi
Thời gian đọc: 44 phút

(Bài viết thuộc Zzz Review số 6, 31-7-2019)

Xuất hiện lần đầu trên Le Débat, 1983/5, số 27, tr. 3-23 dưới tên “Un Occident kidnappé, ou la tragédie de l’Europe centrale”, bài luận của Kundera đã nhanh chóng trở thành kinh điển theo một nghĩa rằng ở thế giới châu Âu, không ai nghiên cứu khu vực này mà không biết đến nó, và ở thế giới “Trung Âu” cũng như đặc biệt là Séc cả về những thế hệ sau này, dù thừa nhận hay thường hơn là gắt gao phản đối, không ai có thể tránh đối thoại với nó và với định nghĩa về “Trung Âu” mà Kundera cổ xúy ở đây. Bản dịch này dựa trên bản tiếng Anh của Edmund White đăng trên The New Yorker Review of Books (26/4/1984), so với nguyên bản tiếng Pháp có những lược bớt và bổ sung nhất định của chính tác giả, cũng như nhập hai tiểu mục 2 và 3 làm một. Để rộng đường cho bạn đọc Việt Nam tham khảo, chúng tôi trình bày một bản dịch tích hợp cả hai văn bản đó, với những đoạn riêng cho bản tiếng Pháp được đánh dấu bằng ngoặc vuông [ ] và những đoạn riêng cho bản tiếng Anh được đánh dấu bằng ngoặc móc { }.

– Zzz Review

 

1.

Tháng 11 năm 1956, Giám đốc Thông tấn xã Hungary, mấy phút trước khi văn phòng của ông bị san phẳng bởi hỏa lực pháo binh, đã gửi một bức điện tới toàn thế giới với một thông điệp đầy tuyệt vọng, thông báo rằng Nga đã bắt đầu tấn công vào Budapest. Bức điện kết thúc với câu: “Chúng tôi sẽ chết cho Hungary và cho châu Âu.”

Câu nói này có nghĩa là gì? Chắc chắn nó nghĩa là những chiếc xe tăng của Nga đang đe dọa Hungary, và bằng cách đó, đe dọa chính châu Âu. Nhưng châu Âu bị đe dọa theo nghĩa nào? Những chiếc xe tăng của Nga sẽ vượt qua biên giới của Hungary tiến về phía Tây? Không. Vị giám đốc Thông tấn xã Hungary muốn nói rằng, nước Nga, khi tấn công Hungary, cũng chính là đang tấn công châu Âu. Ông ấy sẵn sàng chết để Hungary vẫn là Hungary và vẫn thuộc về châu Âu.

Dù ý nghĩa của câu nói này có vẻ đã quá rõ ràng, nó vẫn còn khơi gợi nhiều điều khiến chúng ta suy ngẫm. Thực ra, ở đây – nước Pháp, hay ở Mỹ, người ta quen nghĩ rằng thứ bị đe dọa trong cuộc tấn công đó chẳng phải Hungary hay châu Âu, mà là một thể chế chính trị. Người ta sẽ không bao giờ nói rằng Hungary với tư cách quốc gia bị đe dọa, huống hồ là hiểu được tại sao một người Hungary, đang đối mặt với cái chết của chính mình, lại đi kêu lên với châu Âu. Khi Solzhenitsyn lên án sự áp bức của chủ nghĩa cộng sản, ông có gợi đến châu Âu như một giá trị nền tảng, xứng đáng hy sinh thân mình để bảo vệ nó?

Không hề, “chết cho tổ quốc tôi và cho châu Âu” là câu nói mà không ai ở Moskva hay Leningrad có thể nghĩ tới, nhưng nó chính xác sẽ là câu mà người Budapest hay Warszawa nghĩ.

2.

Thực ra, châu Âu nghĩa là gì với một người Hungary, một người Séc, một người Ba Lan? Trong một ngàn năm, quốc gia của họ đã thuộc về cái phần của châu Âu bắt rễ trong Công giáo La Mã. Họ đã tham dự vào mọi giai đoạn lịch sử của nó. Với họ, từ “châu Âu” không phải dấu chỉ về một hiện tượng địa lý, mà còn là một khái niệm tinh thần đồng nghĩa với “phương Tây”. Vào giây phút Hungary không còn là một nước châu Âu, tức là không còn tính phương Tây nữa, nó đã bị đuổi ra ngoài số mệnh của mình, đuổi ra ngoài lịch sử của chính mình: nó đã đánh mất cốt tủy trong căn tính của mình.

Cái châu Âu trên bản đồ (trải dài từ Đại Tây Dương đến rặng Ural) luôn được chia thành hai nửa đã phát triển tách biệt: một bên gắn chặt với La Mã cổ đại và Nhà thờ Công giáo [(dấu hiệu đặc thù: bảng chữ cái La tinh)], còn bên kia được dung dưỡng với Byzantium và Nhà thờ Chính thống giáo [(dấu hiệu đặc thù: bảng chữ cái Cyrill)]. Sau năm 1945, đường phân cách giữa hai nửa châu Âu đã dịch chuyển vài trăm kilomet về phía Tây, và một vài quốc gia từng luôn coi mình là phương Tây một ngày đẹp trời thức dậy nhận ra mình đã ở phương Đông.[1]

Kết quả là sau cuộc chiến, châu Âu chứng kiến sự phát triển của ba tình thế cơ bản: phần châu Âu thuộc về phương Tây, phần châu Âu thuộc về phương Đông, và cái phần phức tạp nhất, về mặt địa lý là Trung, về mặt văn hóa là Tây và về mặt chính trị là Đông.

Tình thế mâu thuẫn của phần châu Âu mà tôi gọi là “Trung” sẽ giúp chúng ta hiểu được tại sao trong suốt 35 năm, những biến động của châu Âu đều tập trung ở đây: Cách mạng Hungary lừng lẫy năm 1956 và cuộc thảm sát đẫm máu liền sau đó, Mùa xuân Praha và cuộc chiếm đóng Tiệp Khắc năm 1968, những cuộc nổi dậy Ba Lan 1956, 1968, 1970 và những năm gần đây. Xét đến sự kịch tính lẫn tầm vóc lịch sử, không có sự kiện nào ở châu Âu trên bản đồ, dù phía Đông hay Tây, có thể so sánh được với chuỗi nổi dậy đó ở Trung Âu.[2] Cuộc nổi dậy nào cũng được gần như toàn dân ủng hộ. Và trong tất cả các trường hợp, không chế độ nào có thể tự bảo vệ mình quá ba tiếng đồng hồ nếu không được Nga chống lưng. Điều đó cho thấy, chúng ta không còn có thể coi những gì diễn ra ở Praha hay Warszawa về bản chất là những biến động đơn thuần của phần Đông Âu, của khối Xô Viết, của chủ nghĩa cộng sản, mà nó là biến động của phương Tây {– một phương Tây bị bắt cóc, phải lưu vong, chịu tẩy não nhưng vẫn luôn kiên trì bảo vệ căn tính của mình}.

[Quả là những cuộc nổi dậy có sự ủng hộ của toàn thể nhân dân như thế là không thể tưởng tượng nổi ở Nga. Nhưng chúng cũng không thể tưởng tượng nổi ở Bulgaria, nơi ai cũng biết là phần ổn định nhất trong toàn khối cộng sản. Vì sao? Bởi vì Bulgaria từ thuở sinh thành đã thuộc về nền văn minh phương Đông, chính nhờ Chính thống giáo mà những nhà truyền đạo đầu tiên lại chính là người Bulgaria. Vì thế hậu quả của cuộc chiến vừa qua đối với người Bulgaria là một sự thay đổi chính trị đúng là lớn lao và đáng tiếc (quyền con người không ở đâu bị trù dập cho bằng Budapest), nhưng không phải cú sốc văn minh giống như đối với người Séc, người Ba Lan hay người Hungary.

 

3.]

Căn tính của một dân tộc hay một nền văn minh được phản ánh và tập trung ở tập hợp những sáng tạo tinh thần mà chúng ta vẫn gọi là “văn hóa”. Khi căn tính này bị đe dọa tiêu vong, đời sống văn hóa phát triển mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, bản thân văn hóa trở thành một giá trị sống và tập hợp được toàn dân quanh nó. Và đó là lý do tại sao, trong mỗi cuộc nổi dậy ở Trung Âu, kí ức văn hóa và những nỗ lực sáng tạo đương thời đóng vai trò lớn đến thế và quan trọng đến thế – lớn và quan trọng hơn gấp rất nhiều lần so với bất kỳ cuộc cách mạng lớn nào ở châu Âu[3].

Chính những nhà văn Hungary tập hợp trong một nhóm lấy tên theo nhà thơ Lãng mạn Petőfi Sándor đã thực hiện phong trào phê phán mạnh mẽ dẫn đến cuộc cách mạng bùng nổ năm 1956. Chính những vở kịch, những bộ phim, những tác phẩm văn chương và triết học suốt những năm trước 1968, cuối cùng đã dẫn đến sự giải phóng của Mùa xuân Praha. Chính việc cấm công diễn vở kịch của Adam Mickiewicz, nhà thơ nổi tiếng nhất của phong trào Lãng mạn Ba Lan, đã châm ngòi cho cuộc nổi dậy lừng danh của sinh viên Ba Lan vào năm 1968. Mối lương duyên này giữa văn hóa và cuộc sống, giữa thành tựu trong sáng tạo với sự tham dự của nhân dân, đã khiến các cuộc nổi dậy của Trung Âu ghi dấu một vẻ đẹp riêng biệt mà những ai sống qua thời đại ấy còn mãi ngây ngất đắm say.

[Cái mà tôi thấy là đẹp, đẹp theo nghĩa đầy đủ nhất của từ này, thì một trí thức Đức hay Pháp lại khá ngờ vực. Họ có cảm giác rằng những cuộc nổi dậy này không thể là chân thực hay được sự ủng hộ của nhân dân được, nếu chịu sự ảnh hưởng lớn đến thế của văn hóa. Thật là quái lạ, nhưng với một số người văn hóa và nhân dân là hai khái niệm không thể dung hòa. Trong mắt họ, khái niệm văn hóa bị đánh đồng với hình ảnh một giới tinh hoa hưởng những đặc quyền. Chính vì vậy mà họ đón chào phong trào của Công đoàn Đoàn kết nồng nhiệt hơn hẳn những cuộc nổi dậy trước đó. Mặc dù, cho dù người ta có nói gì đi nữa, Công đoàn Đoàn kết về bản chất không khác gì những cuộc nổi dậy trước đây, nó chỉ là đỉnh cao của chúng: sự kết hợp hoàn hảo nhất (và được tổ chức hoàn hảo nhất) của nhân dân cùng với truyền thống văn hóa bị săn đuổi, bị bỏ mặc hay đàn áp của đất nước.]

 

3.

Có người sẽ nói: đồng ý là các nước Trung Âu đang phải bảo vệ cái căn tính bị đe dọa của họ, nhưng không phải chỉ riêng mình họ phải chịu cảnh ấy. Nga cũng ở tình thế tương tự đó thôi. Nga cũng đang trên đường đánh mất căn tính của mình rồi. Trên thực tế, không phải nước Nga, mà chủ nghĩa cộng sản mới chính là điều khiến các dân tộc ấy đánh mất bản sắc, và hơn thế nữa, người Nga lại chính là nạn nhân đầu tiên của nó. Đúng là ngôn ngữ Nga đang bóp chết ngôn ngữ của các dân tộc khác trong đế chế Xô Viết, nhưng đó không phải là vì bản thân người Nga muốn “Nga hóa” các nước đó, mà đó là bởi bộ máy quan liêu của chính quyền Xô Viết – một bộ máy từ căn cốt đã không màng đến, chống lại, và vượt ra ngoài ý niệm về dân tộc – cần một công cụ để thống nhất nhà nước của mình.

Tôi hiểu cái lý lẽ này, và tôi cũng hiểu tình thế khổ sở của những người Nga lo sợ rằng người ta sẽ đánh đồng tổ quốc dấu yêu của họ với thứ chủ nghĩa cộng sản bị căm ghét cùng tận kia.

Nhưng chúng ta cũng cần hiểu rằng, người Ba Lan, với lãnh thổ bị Nga chiếm đóng trong hai thế kỉ, ngoại trừ một khoảng thời gian ngắn giữa hai cuộc Thế chiến, suốt thời gian ấy đã luôn phải đương đầu với việc bị “Nga hóa” dai dẳng và khốc liệt.

Ở Trung Âu, vùng biên giới phía đông của phương Tây, bất cứ ai cũng đặc biệt nhạy cảm với những mối nguy từ sức mạnh của nước Nga. Không chỉ có người Ba Lan. František Palacký, sử gia vĩ đại và đại diện tiêu biểu nhất của nền chính trị Séc thế kỷ XIX, trong một lá thư nổi tiếng gửi Quốc hội Frankfurt cách mạng vào năm 1848, đã biện minh cho sự tồn tại tiếp tục của Đế chế Habsburg như thành lũy khả dĩ duy nhất trước Nga, trước “thứ quyền lực đã đạt tới quy mô rộng lớn và đang bắt đầu vươn ra khỏi tầm với của bất kỳ nước phương Tây nào.” Palacký đã cảnh báo về tham vọng đế quốc của Nga, nó khao khát trở thành “một nền quân chủ toàn cầu”, tức là nó tìm kiếm sự thống trị thế giới. “Một nền quân chủ toàn cầu của Nga,” Palacký viết, “sẽ là một thảm họa to lớn, không thể tả hết và không thể lường hết.”

Theo Palacký, Trung Âu phải là một mái nhà của các dân tộc bình đẳng, mà mỗi dân tộc dưới mái nhà ấy, đối xử với nhau bằng sự tôn trọng và được an toàn dưới sự bảo vệ của một nhà nước thống nhất và mạnh mẽ, vẫn có thể phát huy bản sắc riêng của mình. Giấc mơ này, một giấc mơ mọi tâm hồn lớn của Trung Âu đều ấp ủ, dù không bao giờ thành hiện thực trọn vẹn, nhưng sẽ luôn ảnh hưởng sâu sắc và khơi gợi mạnh mẽ. Trung Âu khao khát trở thành một phiên bản cô đọng của chính châu Âu với tất cả sự đa dạng văn hóa của nó, một châu Âu tinh túy giữa lòng châu Âu, một mô hình thu nhỏ của châu Âu được tạo nên từ các dân tộc gắn kết với nhau trên nguyên tắc: sự đa dạng tối đa trong không gian tối thiểu. Vậy nên, làm sao Trung Âu có thể không kinh sợ khi đối mặt với một nước Nga được tạo nên trên một nguyên tắc hoàn toàn đối lập: sự đa dạng tối thiểu trong không gian tối đa?

Đúng như vậy, đối với Trung Âu và niềm khát khao của nó về sự đa dạng, không còn gì có thể xa lạ hơn nước Nga: đồng bộ và đồng bộ hóa, tập trung hóa, với quyết tâm không gì ngăn cản nổi biến mọi dân tộc trong đế chế của mình (người Ukraine, người Belarus, người Armenia, người Latvia, người Litva, v.v.) thành một dân tộc Nga duy nhất (hoặc là, như người ta thường nói trong cái thời đại của những sự khái quát ngôn từ nhằm mục đích lập lờ đánh lận con đen này, thành một “dân tộc Xô Viết duy nhất”.)[4]

Vậy, một lần nữa: chủ nghĩa cộng sản là sự phủ định hay sự đạt thành của lịch sử nước Nga? Chắc chắn là cả hai: phủ định (ví dụ như sự phủ định tính tôn giáo) đạt thành (sự đạt thành xu hướng tập trung hóa cùng khát vọng đế quốc của Nga).

Nhìn từ bên trong nước Nga, khía cạnh thứ nhất – sự đứt đoạn – nổi bật rõ rệt hơn. Nhìn từ quan điểm của các nước bị nô dịch, thì khía cạnh thứ hai – tính liên tục lại được cảm nhận mạnh mẽ hơn[5].

 

4.

Nhưng liệu tôi có đang quá tuyệt đối không khi cứ đặt nước Nga và nền văn minh phương Tây vào thế đối lập? Chẳng phải châu Âu, dù bị chia cắt thành phía đông và phía tây, vẫn là một thực thể thống nhất được nuôi dưỡng bằng tư tưởng Hy Lạp cổ đại và Do Thái-Thiên Chúa giáo?

Tất nhiên là vậy. Những gốc rễ xa xôi thời cổ điển vẫn nối liền nước Nga với chúng ta. Hơn thế nữa, trong toàn bộ thế kỷ XIX, nước Nga đã bị châu Âu thu hút. Và niềm mê say ấy cũng được hồi đáp. Rilke đã tuyên bố rằng nước Nga là quê hương tinh thần của ông, và không ai có thể thoát được sức ảnh hưởng của nền tiểu thuyết Nga vĩ đại, mãi mãi là phần không thể thiếu trong di sản văn hóa chung của châu Âu.

Vâng, tất cả những điều trên đều đúng, mối lương duyên văn hóa của hai châu Âu vẫn sẽ mãi là một kí ức tuyệt vời[6]. Nhưng có một điều cũng đúng không kém, đó là chính chủ nghĩa cộng sản của Nga đã mạnh mẽ đánh thức những mối căm ghét phương Tây ám ảnh trước kia của nó và khiến nó quay ra tàn bạo đối đầu với lịch sử phương Tây.

Nhưng nước Nga không phải chủ đề của tôi và tôi cũng không muốn đi sâu vào những phức tạp vô tận đó, tôi cũng không có hiểu biết chuyên sâu về nó. Tôi chỉ muốn nhắc lại ý này một lần nữa: ở vùng biên giới phía đông của phương Tây – mạnh hơn ở bất kỳ đâu khác – nước Nga được nhìn nhận không chỉ như một cường quốc châu Âu giữa các cường quốc khác mà còn như một nền văn minh riêng biệt, một nền văn minh khác.

Trong cuốn Một châu Âu khác của mình, Czesław Miłosz cũng đã nói về hiện tượng này: trong thế kỷ XVI và XVII, khi người Ba Lan coi người Moskva chỉ là “đám mọi rợ gặp phải và đánh lại những đường biên giới xa xôi. Không ai đặc biệt hứng thú với họ… Chính thời kỳ này, khi người Ba Lan chỉ tìm thấy ở phía Đông một vùng đất trống mênh mông, đã gieo mầm cho hình dung của Ba Lan về một nước Nga nằm đâu đó ‘ở ngoài kia’ – bên ngoài thế giới.”[7]

Những người xuất hiện như là “mọi rợ” là đại biểu của một thế giới khác. Người Nga lúc nào cũng đóng vai này trước mắt người Ba Lan. Kazimierz Brandys, trong cuốn Warsaw Diary của mình, đã kể lại một câu chuyện thú vị: một nhà văn Ba Lan gặp gỡ với nhà thơ nổi tiếng người Nga Anna Akhmatova. Nhà văn người Ba Lan phàn nàn rằng các tác phẩm của ông – toàn bộ các tác phẩm – đều đã bị cấm. Nhà thơ ngắt lời: “Ông đã từng bị bỏ tù chưa?” “Chưa.” “Vậy ít nhất là ông đã bị khai trừ khỏi Hội Nhà văn rồi chứ?” “Chưa.” “Vậy chính xác thì ông muốn phàn nàn về điều gì?” Akhmatova thật lòng thấy khó hiểu.

Brandys nhận xét: “Đó là những lời an ủi đặc trưng kiểu Nga. Chẳng có gì là kinh khủng với họ, nếu đem so với vận mệnh của nước Nga. Nhưng những lời an ủi này chẳng có ý nghĩa gì. Vận mệnh nước Nga không hề nằm trong tâm thức của chúng tôi, nó xa lạ với chúng tôi, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì với nó. Nó đè nặng lên chúng tôi nhưng nó lại không phải là di sản của chúng tôi. Đây cũng chính là phản ứng của tôi đối với văn học Nga. Tôi sợ nó. Thậm chí đến hôm nay một số truyện ngắn của Gogol và tất cả những gì Saltykov-Shchedrin viết vẫn còn làm tôi thấy kinh hãi. Tôi mong giá như mình chưa từng biết đến thế giới của họ, chưa từng biết nó có tồn tại.”[8]

Tất nhiên những nhận định của Brandys về Gogol không hề phủ nhận giá trị nghệ thuật của những tác phẩm của Gogol, mà bộc lộ nỗi sợ hãi cái thế giới mà nghệ thuật đó gợi nên: một thế giới thu hút và mê hoặc chúng ta – miễn là chúng ta không ở trong thế giới ấy, nhưng cái giây phút nó khép lại và bao lấy chúng ta, nó mới bộc lộ sự xa lạ đến đáng sợ. Tôi không biết liệu nó có tồi tệ hơn thế giới của chúng ta không, nhưng tôi chắc chắn biết nó rất khác biệt: người Nga biết về một quy mô khác của thảm họa (rộng hơn nhiều), một hình dung khác về không gian (mênh mông đến nỗi nó nuốt trọn vô số dân tộc trong đó), một nhịp độ khác về thời gian (chậm và kiên nhẫn), một cách cười khác, một cách sống khác, một cách chết khác.[9]

Đây là lý do tại sao phần châu Âu mà tôi gọi là Trung Âu lại cảm thấy sự thay đổi vận mệnh xảy ra sau năm 1945 không chỉ đơn thuần là một thảm họa chính trị: nó còn là một đòn tấn công vào nền văn minh của họ. Ý nghĩa thực sự ẩn sâu đằng sau sự phản kháng của họ là cuộc tranh đấu để bảo vệ căn tính của mình – hay nói cách khác, bảo vệ tính phương Tây của mình[10].

 

5.

Giờ đây không còn bất kì ảo tưởng nào về chế độ của những đất nước vệ tinh của Nga. Nhưng điều chúng ta đã quên mất là bản chất cái bi kịch của họ: đất nước họ đã biến mất khỏi bản đồ của phương Tây.

Tại sao sự biến mất này vẫn như vô hình với thế giới?

Chúng ta có thể tìm được nguyên nhân từ bản thân Trung Âu.

Lịch sử của người Ba Lan, người Séc, người Slovak, người Hungary là một lịch sử hỗn loạn và rời rạc, với một thể chế nhà nước trong quá khứ đã luôn yếu hơn và không được liên tục như thể chế của các dân tộc lớn hơn của châu Âu. Bị kìm kẹp giữa một bên là Đức và một bên là Nga, các dân tộc Trung Âu đã tiêu hết sức lực vào cuộc tranh đấu để tồn tại và bảo vệ ngôn ngữ của mình. Bởi chưa từng hoàn toàn được hòa nhập vào ý thức chung của phương Tây, họ vẫn là phần ít được biết đến nhất, mỏng manh yếu đuối nhất của phương Tây – thậm chí càng khuất lấp hơn bởi tấm màn là những ngôn ngữ quái dị và gần như không thể tiếp cận.

Đế chế Habsburg đã có một cơ hội tuyệt vời để biến toàn Trung Âu thành một nhà nước vững mạnh. Nhưng tiếc thay, họ lại bị giằng xé giữa tinh thần dân tộc Đại Đức đầy hiếu thắng và sứ mệnh Trung Âu của chính mình. Họ đã không thành công trong việc xây dựng một liên bang gồm những dân tộc bình đẳng, và thất bại của họ là nỗi bất hạnh của cả châu Âu. Cảm thấy bất mãn, các dân tộc Trung Âu khác đã phá vỡ đế chế vào năm 1918 mà không hề nhận ra rằng, dù đế chế ấy có nhiều yếu kém, nó vẫn là thứ không thể thay thế. Vì thế, sau Thế chiến thứ I, Trung Âu đã biến thành một khu vực gồm nhiều nhà nước nhỏ bé và yếu kém, và chính sự mong manh này đã trở thành tiền đề cần thiết cho đầu tiên là cuộc chinh phục của Hitler, và cuối cùng là chiến thắng của Stalin. Có lẽ vì lý do này, trong kí ức tập thể của châu Âu, những nước này dường như luôn là nguồn cơn của những rắc rối tai hại.

Và, xin nói thật, tôi cảm thấy Trung Âu phạm phải sai lầm như thế là bởi cái mà tôi sẽ gọi là “hệ tư tưởng của thế giới Slav.” “Hệ tư tưởng” là một cách gọi tạm, bởi nó chỉ là một ý tưởng huyền hoặc về chính trị được phát minh ra vào thế kỷ XIX. Người Séc (dù được cảnh báo gay gắt từ những vị lãnh đạo đáng kính nhất của họ) thường ngây thơ giương thứ “hệ tư tưởng Slav” này như một tấm khiên phòng vệ trước người Đức hung hăng; trong khi đó, người Nga lại thích tận dụng nó để biến những tham vọng đế quốc của mình thành danh chính ngôn thuận. “Người Nga thích gọi mọi thứ của Nga là ‘Slav’, để sau này có thể gọi mọi thứ của Slav là Nga,” nhà văn vĩ đại người Séc Karel Havlíček khẳng định vào năm 1844,[11] cố gắng cảnh báo đồng bào mình về lòng nhiệt tình ngớ ngẩn và phi thực tế của họ dành cho Nga. Phi thực tế, bởi vì người Séc, trong lịch sử một ngàn năm, chưa từng có bất kỳ tiếp xúc trực tiếp nào với Nga. Tuy ngôn ngữ có chung gốc gác, người Séc và người Nga chưa bao giờ ở chung một thế giới, không có lịch sử cũng chẳng có văn hóa chung; Tuy nhiên, mối quan hệ giữa người Ba Lan và người Nga lại luôn là một cuộc tranh đấu sống còn.

Vào khoảng sáu mươi năm trước, [Józef Konrad Korzeniowski – vốn được biết dưới tên] Joseph Conrad – đã cảm thấy rất bực bội vì cái mác “tâm hồn Slav” mà người ta cứ thích gắn cho ông và những cuốn sách của ông chỉ vì cái gốc gác Ba Lan đó: “Tính cách Ba Lan với tình yêu đầy nghĩa hiệp với những bổn phận đạo đức và sự tôn trọng khoa trương dành cho quyền cá nhân không hề liên quan gì tới cái được giới văn chương gọi là ‘tinh thần Slav’ cả.” (Tôi vô cùng thấu hiểu điều này! Tôi cũng thấy chẳng gì lố bịch hơn cái thói suy tôn những “bề sâu” tù mù, thói ủy mị sáo rỗng và ồn ào về “tâm hồn Slav” mà tôi cứ bị gắn vào hết lần này đến lần khác!)[12]

Tuy nhiên, khái niệm thế giới Slav giờ đã trở thành một khái niệm phổ biến trong ngành nghiên cứu lịch sử thế giới.[13] Do đó sự chia cắt châu Âu vào năm 1945, sự kiện đã thống nhất cái “thế giới” Slav mà người ta vốn tưởng tồn tại ấy (bao gồm cả những người Hungary và Rumani tội nghiệp với ngôn ngữ tất nhiên chẳng hề liên quan gì đến tiếng Slav – nhưng thôi, bận tâm mấy chuyện nhỏ nhặt ấy mà làm gì?), dường như là một giải pháp gần như tất yếu.

 

6.

Vậy nên, tất cả là tại Trung Âu khi phương Tây còn không hề nhận thấy sự biến mất của nó?

Không hoàn toàn là như thế. Vào đầu thế kỷ này, mặc những yếu kém về chính trị, Trung Âu là một trung tâm văn hóa lớn, có lẽ là lớn nhất. Về mặt này, ngày nay người ta đã công nhận tầm quan trọng của Vienna, thành phố của Freud và Mahler, tầm quan trọng và tính độc đáo ấy rất khó giải thích đầy đủ nếu không được nhìn nhận trên nền những thành phố và đất nước khác cùng tham gia và có đóng góp về mặt sáng tạo cho nền văn hóa Trung Âu. Nếu trường phái Schönberg đã xây dựng hệ thống 12 cung thì Bartók Béla, nhà soạn nhạc người Hungary, mà theo tôi là một trong hai hoặc ba nhà soạn nhạc vĩ đại nhất thế kỷ XX, biết cách khám phá đến tận cùng những khả năng độc đáo của nhạc chủ âm. Với những tác phẩm của Kafka và Hašek, Praha đã tạo ra trong thế giới tiểu thuyết một đối trọng tuyệt vời với tác phẩm của Musil và Broch thành Vienna. Tính động trong văn hóa của các nước không nói tiếng Đức càng trở nên mạnh mẽ hơn sau năm 1918, khi Praha đem đến cho thế giới sự cách tân của phương pháp cấu trúc luận và Nhóm Ngôn ngữ Praha[14]. Và tại Ba Lan, bộ ba vĩ đại Witold Gombrowicz, Bruno Schulz, và Stanisław Witkiewicz mở đường cho chủ nghĩa hiện đại châu Âu những năm 1950, chính là cái mà chúng ta vẫn thường gọi là kịch phi lý.

Một câu hỏi được đặt ra là: liệu toàn bộ sự bùng nổ sáng tạo này chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên về mặt địa lý? Hay là nó bắt nguồn từ một truyền thống lâu dài, một quá khứ chung? Hay nói cách khác: liệu có thể nói về Trung Âu như một thể thống nhất văn hóa đích thực có lịch sử riêng của nó? Và nếu đúng là có một thể thống nhất như vậy, liệu nó có thể được xác định về mặt địa lý? Đường biên của nó là đâu?

Sẽ chỉ hoài công nếu ta cố gắng vẽ đường biên chính xác của nó. Trung Âu không phải là một nhà nước: nó là một nền văn hóa hoặc một số phận. Những đường biên của nó chỉ là tưởng tượng, phải được xác định, và xác định lại trong mỗi hoàn cảnh lịch sử mới.

Ví dụ, ngay từ giữa thế kỷ XIV, Đại học Charles tại Praha đã tập hợp các trí thức (giáo sư và sinh viên) đến từ Séc, Áo, Bayern, Saxony, Ba Lan, Litva, Hungary và Rumania với ý tưởng manh nha về một cộng đồng đa dân tộc mà ở đó mỗi dân tộc đều có quyền sử dụng ngôn ngữ riêng của mình: quả vậy, chính dưới sự ảnh hưởng gián tiếp của trường đại học này (nơi nhà cải cách tôn giáo Jan Hus từng làm hiệu trưởng), những bản dịch đầu tiên của Kinh Thánh sang tiếng Hungary và tiếng Rumani đã ra đời.

Sau đó là một loạt những tình thế khác: cuộc cách mạng của người ủng hộ Hus, phong trào Phục Hưng Hungary dưới thời Corvin Mátyás với tầm ảnh hưởng lan ra quốc tế, Đế chế Habsburg xuất hiện gồm ba nhà nước thành viên độc lập: Bohemia, Hungary và Áo; cuộc chiến chống lại người Turk, cuộc Phản Cải Cách của thế kỷ XVII. Vào thời điểm này, đặc trưng riêng biệt về văn hóa của Trung Âu đã bất ngờ xuất hiện trong sự bùng nổ choáng ngợp của nghệ thuật baroque, một hiện tượng đã thống nhất cả khu vực rộng lớn này, từ Salzburg cho đến Vilnius. Trên bản đồ châu Âu, một Trung Âu baroque (đặc trưng bằng sự thống trị của phi lý tính và tầm ảnh hưởng áp đảo của nghệ thuật thị giác cũng như đặc biệt là âm nhạc) đã trở thành cực đối lập với một nước Pháp cổ điển (đặc trưng bằng sự thống trị của lý tính và tầm ảnh hưởng áp đảo của văn chương và triết học). Chính trong giai đoạn baroque này người ta có thể tìm thấy nguồn cội của những bước phát triển vượt bậc trong nền âm nhạc của Trung Âu, từ Haydn đến Schönberg, từ Liszt đến Bartók, đã kết tinh sự vận động của âm nhạc toàn châu Âu.

Vào thế kỷ XIX, các cuộc đấu tranh dân tộc (của người Ba Lan, người Hungary, người Séc, người Slovak, người Croat, người Slovene, người Rumani, người Do Thái) đã đẩy vào thế đối lập các dân tộc dù tách biệt và bế quan tỏa cảng, nhưng lại cùng trải qua một trải nghiệm hiện sinh: trải nghiệm của một dân tộc phải đưa ra lựa chọn tồn tại hay không tồn tại, hay nói cách khác, phải chọn giữa việc duy trì đời sống dân tộc đích thực với việc bị đồng hóa vào một dân tộc lớn hơn.

Thậm chí ngay cả người Áo, dân tộc thống trị trong đế chế đó, cũng không thể tránh được việc phải đối mặt với lựa chọn nghiệt ngã này: họ phải lựa chọn giữa căn tính Áo của họ với việc nhập vào cái thực thể Đức lớn hơn. Người Do Thái, tương tự, cũng không thể thoát khỏi vấn đề này. Nhưng với việc từ chối bị đồng hóa, chủ nghĩa phục quốc Do Thái cũng ra đời ngay giữa lòng Trung Âu đã chọn con đường giống như mọi dân tộc Trung Âu khác.

Thế kỷ XX lại chứng kiến những tình thế khác: sự sụp đổ của Đế chế Habsburg, những vụ thôn tính của nước Nga, giai đoạn kéo dài của các cuộc nổi dậy tại Trung Âu mà thực ra chỉ là những ván đánh cược lớn vào một giải pháp mù mờ.

Vì thế, Trung Âu không thể được định nghĩa và xác định qua những biên giới chính trị (bởi chúng thiếu chân xác, chúng luôn bị áp đặt qua những cuộc xâm lược, chinh phục và chiếm đóng) mà phải bởi những tình huống chung tập hợp các dân tộc ấy, không ngừng tổ hợp họ theo những cách mới, theo những biên giới tưởng tượng luôn biến động đánh dấu một vùng lãnh thổ với những kí ức giống nhau, những vấn đề và xung đột giống nhau, một truyền thống chung giống nhau.

 

7.

Cha mẹ của Sigmund Freud đến từ Ba Lan nhưng cậu bé Freud lại dành cả thời thơ ấu ở Morava, giống như Edmund Husserl và Gustav Mahler; tiểu thuyết gia người Vienna Joseph Roth cũng có gốc gác Ba Lan; nhà thơ vĩ đại người Séc Julius Zeyer sinh ra tại Praha trong một gia đình nói tiếng Đức, dùng tiếng Séc là quyết định của riêng bản thân ông. Trong khi đó, tiếng mẹ đẻ của Hermann Kafka lại là tiếng Séc, và con trai ông, Franz lại chọn tiếng Đức hoàn toàn. Nhân vật chủ chốt trong cuộc nổi dậy tại Hungary năm 1956, nhà văn Déry Tibor, sinh ra trong một gia đình Đức-Hung, và người bạn mến yêu của tôi Danilo Kiš, một tiểu thuyết gia xuất sắc, là người Hung-Nam Tư. Ngay cả trong những đại diện tiêu biểu nhất của mỗi đất nước cũng có những nút thắt về số phận dân tộc phức tạp làm sao!

Và tất cả những cái tên tôi vừa nêu trên đều là những cái tên Do Thái. Thực vậy, không có nơi nào trên thế giới được ghi dấu ấn sâu sắc bởi thiên tài Do Thái hơn Trung Âu. Nơi đâu cũng xa lạ, nơi đâu cũng là nhà, cách biệt khỏi những tranh cãi giữa các dân tộc, người Do Thái ở thế kỷ XX là yếu tố quốc tế chủ chốt gắn kết Trung Âu: họ là chất keo gắn kết nó về trí thức, là sự cô đọng tinh thần của nó, là người tạo ra sự thống nhất tinh thần của nó. Đó là lý do tại sao tôi yêu quý di sản Do Thái và mãi níu lấy nó với bao thiết tha và hoài nhớ, như thể nó là di sản văn hóa của chính mình.

Một lý do khác nữa khiến tôi rất trân quý người Do Thái: số phận của dân tộc họ dường như cô đọng, phản ánh và trở thành hình ảnh biểu tượng cho số phận của cả Trung Âu. Trung Âu là gì? Một vùng bất định tập hợp các dân tộc nhỏ bé nằm giữa Đức và Nga. Tôi xin nhấn mạnh: dân tộc nhỏ bé. Thật vậy, dân tộc Do Thái là gì nếu không phải một dân tộc nhỏ bé, cái dân tộc nhỏ bé điển hình nhất? Dân tộc duy nhất trong các dân tộc nhỏ bé của mọi thời đại đã sống sót qua mọi đế chế và bước tiến giày xéo của lịch sử.

Nhưng thế nào mới là một dân tộc nhỏ bé? Tôi xin đưa ra định nghĩa của mình: một dân tộc nhỏ bé là một dân tộc mà bản thân chính sự tồn tại của nó có thể lâm vào nguy nan bất cứ lúc nào; một dân tộc nhỏ bé có thể biến mất và nó biết điều đó. Một người Pháp, một người Nga, hay một người Anh không quen với việc nghi ngờ chính sự tồn tại của dân tộc mình. Quốc ca của họ chỉ nói về vinh quang và vĩnh cửu. Tuy nhiên, quốc ca Ba Lan lại mở đầu bằng câu: “Ba Lan vẫn chưa lụi tàn…”

Là một tập hợp của các dân tộc nhỏ bé, Trung Âu có cách nhìn nhận của riêng nó về thế giới, một cách nhìn xây nên từ lòng hoài nghi sâu sắc về Lịch sử viết hoa. Lịch sử, vị thần của Hegel và Marx, hiện thân của lý tính phán xét chúng ta và quyết định vận mệnh của chúng ta, lịch sử đó là lịch sử của những kẻ đi chinh phục. Những dân tộc Trung Âu không phải những kẻ đi chinh phục. Họ gắn liền với Lịch sử của châu Âu, họ không thể tồn tại bên ngoài nó, nhưng họ nằm ở mặt trái của Lịch sử, họ là nạn nhân của nó và người ngoài cuộc đối với nó. Chính quan điểm tỉnh táo không lừa mị này về lịch sử đã trở thành nguồn cội cho tính độc đáo của nền văn hóa của họ, cho trí tuệ của họ, cho cái “tinh thần thiếu nghiêm túc” luôn mỉa mai đùa cợt những vinh quang và hào nhoáng. “Đừng bao giờ quên rằng chỉ duy bằng cách đối đầu với Lịch sử theo nghĩa đó chúng ta mới có thể kháng cự lại lịch sử của ngày nay.” Tôi rất muốn khắc câu nói này của Witold Gombrowicz lên cánh cổng vào Trung Âu.

Vậy nên, chính trong khu vực của những dân tộc nhỏ bé nhưng “vẫn chưa lụi tàn” này mà sự yếu ớt của châu Âu, của toàn châu Âu, trở nên rõ ràng hơn ở bất cứ đâu. Trên thực tế, trong thế giới hiện đại của chúng ta, nơi quyền lực đang có xu hướng ngày càng tập trung vào một vài quốc gia lớn, tất cả các dân tộc châu Âu đều có nguy cơ trở thành các dân tộc nhỏ bé và chịu chung vận mệnh ấy. Theo nghĩa này, vận mệnh của Trung Âu sẽ tiên liệu cho vận mệnh của châu Âu nói chung, và nền văn hóa của nó mang lấy một ý nghĩa đáng kể[15].

Chỉ cần đọc những tiểu thuyết xuất sắc nhất của Trung Âu cũng đủ thấy điều đó[16]: trong Những kẻ mộng du của Hermann Broch, Lịch sử xuất hiện như một quá trình suy tàn dần dần của các giá trị, Người không có phẩm chất của Robert Musil vẽ nên một bức tranh về cái xã hội hưng phấn đến độ không nhận ra rằng mình sẽ biến mất ngay ngày mai, với Người lính tốt Švejk, Jaroslav Hašek nói rằng giả ngu đã trở thành lựa chọn khả dĩ cuối cùng để giữ lại tự do cho chính mình, những viễn cảnh tiểu thuyết của Kafka thì nói với chúng ta về một thế giới không có ký ức, về một thế giới đến sau thời gian lịch sử[17]. Tất cả những tác phẩm nghệ thuật vĩ đại nhất của Trung Âu trong thế kỷ này, thậm chí cho đến cả ngày nay, đều có thể được hiểu như một chiêm nghiệm lâu dài về sự cáo chung khả dĩ của con người châu Âu.

 

8.

Ngày nay, toàn bộ Trung Âu đã bị Nga khuất phục, với ngoại lệ duy nhất là nước Áo bé nhỏ, nhờ tình cờ hơn là tất yếu, đã giữ được độc lập của mình, nhưng bị tước khỏi bối cảnh Trung Âu, nó đã đánh mất gần hết những phẩm chất riêng biệt cùng tầm quan trọng. Mái nhà chung về văn hóa của Trung Âu biến mất chắc chắn là một trong những sự kiện quan trọng nhất của thế kỷ này đối với toàn bộ nền văn minh phương Tây. Vậy, tôi xin nhắc lại câu hỏi của mình: tại sao nó có thể biến mất thầm lặng và vô danh như thế?

Câu trả lời rất đơn giản: châu Âu không hề nhận ra rằng mái nhà văn hóa của nó đã biến mất là bởi châu Âu không còn nhìn nhận sự thống nhất của chính mình là một sự thống nhất về văn hóa.

Trên thực tế, sự thống nhất của châu Âu dựa trên điều gì?

Vào thời Trung cổ, sự thống nhất ấy dựa trên một tôn giáo chung.

Đến Thời hiện đại, khi vị Chúa thời Trung cổ biến thành một vị Chúa ẩn mình (Deus absconditus), tôn giáo lui xuống, nhường chỗ cho văn hóa, và văn hóa trở thành sự hiện thực hóa những giá trị tối thượng mà nhờ chúng con người châu Âu thấu hiểu bản thân, định nghĩa bản thân và xác định bản thân mình.

Giờ đây, có vẻ như một thay đổi nữa đang diễn ra trong thế kỷ của chúng ta, với tầm quan trọng sánh ngang thứ đã chia cắt thời Trung cổ với Thời hiện đại. Trước đây rất lâu Chúa đã nhường chỗ cho văn hóa, giờ đến lượt văn hóa phải nhường chỗ.

Nhưng nhường cho điều gì và cho ai? Đâu sẽ là lĩnh vực để hiện thực hóa những giá trị tối thượng có khả năng thống nhất được châu Âu đây? Những thành tựu công nghệ? Thị trường? Truyền thông đại chúng? (Những nhà thơ vĩ đại sẽ bị thay thế bằng những nhà báo vĩ đại ư?)[18]? Hay nhờ chính trị? Nhưng mà là kiểu chính trị nào? Cánh tả hay cánh hữu? Liệu có còn tồn tại hay chăng, vượt trên cả cái lối đối đầu tả hữu vừa ngu ngốc vừa không cách nào khuất phục, một lý tưởng chung nào rõ rệt? Có phải đó sẽ là nguyên tắc về lòng khoan dung, sự tôn trọng đối với niềm tin và tư tưởng của người khác? Nhưng chẳng phải lòng khoan dung này, nếu nó không còn có thể bảo vệ tinh thần sáng tạo nào sục sôi hoặc ý tưởng nào táo bạo, sẽ trở nên sáo rỗng và vô dụng hay sao? Hay là chúng ta nên hiểu sự thoái ngôi của nền văn hóa như một sự cứu rỗi để ta hân hoan phó mặc bản thân cho nó? Hay là vị Chúa ẩn mình sẽ quay lại chiếm lấy khoảng trống này và bộc lộ bản thân mình? Tôi không biết, tôi chẳng biết gì nữa hết. Tôi nghĩ mình chỉ biết rằng văn hóa đã lui xuống rồi.

[Hermann Broch đã ám ảnh với ý tưởng này hồi những năm 30. Chẳng hạn ông nói: “Hội họa đã biến thành một thứ phép bí truyền thuộc về thế giới những viện bảo tàng; không còn ai quan tâm đến nó và những vấn đề của nó, nó gần như là di vật từ một thời đại đã qua.”

Những lời ấy nói vào lúc ấy thì thật sửng sốt; nhưng ngày nay thì không. Trong mấy năm qua tôi đã tự mình thực hiện một cuộc khảo sát nhỏ, làm bộ ngây thơ hỏi những người mình gặp rằng họ ưa thích ai nhất trong số những họa sĩ đương thời. Tôi nhận thấy không ai có thể nêu tên một họa sĩ ưa thích đương thời, và hầu hết còn chẳng biết gì về họ cả.

Đấy là một hiện tượng không thể nào tưởng tượng nổi chỉ mới ba chục năm trước khi thế hệ Matisse và Picasso còn sống. Qua chừng ấy năm hội họa đã mất đi chỗ đứng, đã bị dẹp ra bên lề. Đấy là vì tranh không còn đẹp nữa chăng? Hay là chúng ta đã đánh mất khiếu thẩm mỹ và hiểu biết với hội họa rồi? Dù gì thì cũng là thứ nghệ thuật đã tạo ra phong cách của nhiều thời đại, đã đồng hành cùng châu Âu qua bao nhiêu thế kỷ, nay đã từ bỏ chúng ta, hoặc là chúng ta đã từ bỏ nó rồi.

Thế còn thơ ca, âm nhạc, kiến trúc, triết học thì sao? Mất hết rồi, cả chúng cũng mất rồi cái khả năng làm nên sự thống nhất châu Âu, trở thành nền tảng cho nó. Đây là sự thay đổi cũng quan trọng đối với con người châu Âu sánh ngang với cuộc giải thuộc địa ở châu Phi.]

 

9.

Franz Werfel dành một phần ba cuộc đời đầu tiên tại Praha, một phần ba tiếp theo tại Vienna, và một phần ba cuối cùng sống đời di cư, ban đầu là Pháp, sau đó là Mỹ; đây chính là tiểu sử đặc trưng cho một người Trung Âu. Năm 1937, ông đến Paris với vợ mình, bà Alma nổi tiếng, người vợ góa của Mahler, tới đây theo lời mời của Tổ chức Liên hiệp Trí thức thuộc Hội Quốc Liên để tham gia một hội thảo về “tương lai của văn học”. Trong buổi hội thảo này, Werfel đưa ra quan điểm không chỉ chống lại chủ nghĩa phát xít mà còn chủ nghĩa toàn trị nói chung, chống lại sự thiển cận của báo chí và hệ tư tưởng trong thời đại chúng ta, thứ đang trên đà hủy hoại văn hóa. Ông kết thúc bài diễn văn với một đề xuất mà ông nghĩ rằng sẽ chấm dứt được quá trình khủng khiếp này: thành lập một Viện Quốc tế các nhà thơ và triết gia (Weltakademie der Ditcher und Denker). Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, các thành viên của viện này cũng không được để cho các quốc gia đề cử. Việc lựa chọn thành viên chỉ nên dựa trên yếu tố duy nhất là giá trị các tác phẩm của họ. Số lượng thành viên, được chọn lọc từ những nhà văn vĩ đại nhất thế giới, nên giữ ở mức 24 đến 40 người. Nhiệm vụ của viện này, không bị nhuốm bẩn bởi chính trị và tuyên giáo, sẽ là “đương đầu với sự chính trị hóa và man dã hóa của thế giới.”

Đề xuất này không chỉ bị bác bỏ mà còn bị chế nhạo công khai. Hiển nhiên, ý tưởng ấy thật ngây thơ. Ngây thơ kinh khủng. Trong một thế giới bị chính trị hóa tuyệt đối, nơi mọi nghệ sĩ và triết gia đều đã “dấn thân” không cách nào thay đổi, thì làm sao một tổ chức độc lập như thế có thể ra đời? Nó sẽ chỉ mang dáng vẻ hài hước của một thứ tập hợp những tâm hồn cao quý mà thôi.

Tuy vậy, đề xuất ngây thơ này lại khiến tôi cảm động sâu sắc, bởi nó thể hiện sự khao khát đến tuyệt vọng để tìm lại một tiếng nói thẩm quyền về đạo đức cho một thế giới đã bị tước đoạt các giá trị. Nó thể hiện sự mong mỏi đến đau đớn để nghe được tiếng nói yếu ớt của văn hóa, của những Ditcher und Denker[19].

Trong tâm trí tôi, câu chuyện này luôn đi cùng kí ức về một buổi sáng, khi cảnh sát sau khi đảo tung căn hộ của một người bạn tôi, một triết gia nổi tiếng người Séc, đã tịch thu một nghìn trang bản thảo triết học của anh. Cùng ngày hôm ấy chúng tôi dạo bước cùng nhau qua những con phố ở Praha. Chúng tôi đi bộ xuống từ Hradchine, nơi anh sống, về phía bán đảo Kampa, qua cầu Manes. Anh cố nói đùa: làm sao mấy gã cảnh sát giải mã được thứ ngôn ngữ triết luận khá là hũ nút của anh? Nhưng không lời nói đùa nào có thể xoa dịu sự đau khổ của anh, có thể bù đắp cho sự mất mát mười năm tâm huyết nằm trong bản thảo ấy, bởi anh không có một bản sao nào.

Chúng tôi bàn bạc về tính khả thi của chuyện gửi một lá thư ngỏ ra nước ngoài, để xem có thể biến vụ tịch thu này thành một vụ bê bối tầm cỡ quốc tế được không. Chúng tôi hoàn toàn hiểu rằng anh không nên đề gửi một tổ chức hay một chính khách nào mà chỉ nên đề gửi một nhân vật nào đó nằm ngoài lĩnh vực chính trị, một ai đó đại diện cho giá trị đạo đức tất nhiên và chắc chắn, một người nào đó được công nhận rộng rãi toàn châu Âu. Hay nói một cách khác, một nhân vật trong lĩnh vực văn hóa. Nhưng người đó là ai?

Bỗng nhiên chúng tôi hiểu rằng người ấy không tồn tại. Tất nhiên vẫn có những họa sĩ vĩ đại, những nhà viết kịch vĩ đại, những nhạc sĩ vĩ đại, nhưng họ không còn có một vị thế đặc quyền trong xã hội này như một “thẩm quyền về đạo đức” mà châu Âu đều chấp nhận như một đại diện về mặt tinh thần. Văn hóa không còn tồn tại như lĩnh vực nơi các giá trị tối thượng được hiện thực hóa nữa.

Chúng tôi đi bộ về phía quảng trường khu phố cổ gần nơi tôi sống vào hồi ấy và chúng tôi cảm thấy một sự cô đơn vô hạn, một khoảng trống, khoảng trống trong không gian của châu Âu nơi văn hóa đang dần dần rút lui và biến mất[20].

 

10.

Trải nghiệm cá nhân trực tiếp cuối cùng về phương Tây mà các nước Trung Âu còn nhớ là vào giai đoạn 1918-1938. [Họ coi giai đoạn đó quan trọng hơn bất cứ thời kỳ nào khác trong lịch sử mình (những khảo sát bí mật đã chứng minh là thế).] Bởi thế, hình dung của họ về phương Tây là hình ảnh của một phương Tây trong quá khứ, một phương Tây mà ở đó văn hóa vẫn chưa hoàn toàn thất thế.

Chính trong nghĩa này mà tôi muốn nhấn mạnh về một bối cảnh quan trọng rằng: thứ nuôi dưỡng những cuộc nổi dậy ở Trung Âu không phải là báo chí, đài phát thanh hay đài truyền hình, tức là phương tiện truyền thông đại chúng. Những cuộc phản kháng ấy được gieo mầm, định hình và thành hiện thực qua tiểu thuyết, thơ ca, kịch nghệ, phim ảnh, nghiên cứu lịch sử, các tờ phê bình văn học, hài kịch đại chúng, những cuộc thảo luận triết học, tức là văn hóa[21]. Phương tiện truyền thông đại chúng, mà người Mỹ và người Pháp sẽ đánh đồng với chính phương Tây trong quan niệm ngày nay, không hề đóng vai trò gì trong những cuộc nổi dậy đó (bởi chúng đều bị nhà nước kiểm soát hoàn toàn.)[22]

Đó là lý do tại sao khi Nga chiếm đóng Tiệp Khắc, họ đã làm mọi điều có thể để hủy hoại nền văn hóa đúng nghĩa ở đây[23]. Sự phá hủy này có ba ý nghĩa: thứ nhất, nó phá hủy trung tâm của phe đối lập; thứ hai, nó làm suy yếu căn tính của dân tộc Séc, khiến nó càng dễ bị nuốt chửng trong nền văn minh Nga; thứ ba, nó đặt dấu chấm hết tàn bạo cho Thời hiện đại, tức là cái kỷ nguyên mà văn hóa vẫn còn đại diện cho sự hiện thực hóa những giá trị tối thượng.

Đối với tôi, hậu quả thứ ba này có vẻ quan trọng hơn cả. Trên thực tế, nền văn minh toàn trị của Nga thực ra là sự phủ định toàn bộ đối với phương Tây ra đời từ bốn thế kỷ trước ở buổi bình minh của Thời hiện đại, được hình thành dựa trên cái tôi biết tư duy và hoài nghi, với đặc trưng là sự sáng tạo văn hóa như là cách bộc lộ cái tôi độc đáo không gì lặp lại đó. Cuộc xâm lược của Nga đã đẩy Tiệp Khắc vào một thời kỳ “hậu văn hóa” và khiến nó trần trụi, yếu đuối bất lực trước quân đội Nga và truyền hình quốc doanh rộng khắp của Nga.

Trong khi vẫn còn rất sốc trước cái sự kiện ba lần bi kịch là cuộc xâm lược vào Praha của Nga, tôi tới Paris và cố giải thích cho những người bạn Pháp của mình hiểu về vụ thảm sát văn hóa đã xảy ra ngay sau cuộc xâm lược vũ trang: “Hãy tưởng tượng mà xem! Tất cả các tờ phê bình văn chương và văn hóa đã bị đóng cửa! Tất cả, không một ngoại lệ! Trong lịch sử Séc ngay cả dưới thời phát xít chiếm đóng cũng chưa từng có chuyện như thế này!”

Lúc đó, những người bạn của tôi nhìn tôi khoan dung với chút ngượng ngập mà mãi sau này tôi mới hiểu. Khi tất cả tờ phê bình Tiệp Khắc bị đóng cửa, cả dân tộc đều biết điều đó, và lặng đi trong đau khổ bởi tầm ảnh hưởng quá lớn của sự kiện[24]. Nếu toàn bộ các tờ phê bình ở Pháp hoặc Anh biến mất, sẽ chẳng có ai chú ý tới, kể cả những biên tập viên của chúng. Thậm chí cả ở Paris, trong những giới văn hóa cao trọng, trong những bữa tiệc tối, người ta chỉ nói chuyện về những chương trình tivi, chứ không phải những tờ phê bình. Vì văn hóa đã lùi bước rồi. Sự biến mất của nó, điều mà tại Praha chúng tôi đã trải qua như một thảm họa, một cú sốc, một bi kịch, thì ở Paris, người ta coi nó như một điều tầm thường, vô nghĩa, hầu như không ai nhận thấy, còn chẳng phải một sự kiện.

 

11.

Sau sự sụp đổ của Đế chế Habsburg, Trung Âu đã mất đi thành trì của nó. Sau Auschwitz, đã quét sạch dân tộc Do Thái khỏi bản đồ, chẳng phải nó đã đánh mất linh hồn mình? Và sau khi bị tước đi khỏi bản đồ châu Âu vào năm 1945, liệu nó có còn tồn tại?

Phải, sức sáng tạo và những cuộc nổi dậy cho thấy nó “vẫn chưa lụi tàn”. Nhưng nếu sống nghĩa là tồn tại trong mắt những người ta yêu, thì Trung Âu không còn tồn tại nữa. Nói chính xác hơn: trong mắt châu Âu mà Trung Âu yêu quý, Trung Âu giờ đây chỉ là một phần của đế quốc Xô Viết, chỉ có vậy, và chỉ vậy.

Và tại sao chúng ta lại nên thấy ngạc nhiên vì điều này? Xét về hệ thống chính trị, Trung Âu thuộc về phương Đông; xét về lịch sử văn hóa, Trung Âu thuộc về phương Tây. Nhưng bởi chính châu Âu cũng đang trong quá trình đánh mất ý nghĩa căn tính văn hóa đích thực của mình, nó nhìn thấy ở Trung Âu không gì ngoài cái thể chế chính trị, hay nói cách khác, trong mắt châu Âu, Trung Âu chỉ là Đông Âu.

Vì thế, Trung Âu phải chiến đấu không chỉ chống lại sự chèn ép bức bối từ người hàng xóm lớn mà còn với áp lực vô hình nhưng liên tục của thời gian đã bỏ lại thời kỳ văn hóa phía sau. Đó là lý do tại sao những cuộc nổi dậy ở Trung Âu luôn có điều gì đó mang tính thủ cựu, có thể nói là gần như ngược thời: họ đang cố gắng trong tuyệt vọng để khôi phục thời quá khứ, thời quá khứ của văn hóa, thời quá khứ của Thời hiện đại, bởi chỉ trong thời kỳ đó, chỉ trong thế giới duy trì một chiều kích văn hóa đó, Trung Âu mới có thể bảo vệ căn tính của chính mình, vẫn được nhìn nhận là chính mình.

Bi kịch thực sự của Trung Âu, như vậy, không phải là nước Nga, mà chính là châu Âu. Châu Âu, cái châu Âu từng đại diện cho một giá trị lớn lao đến nỗi vị giám đốc Thông tấn xã Hungary đã sẵn sàng chết vì nó, và thực sự đã vì nó mà chết. Ở sau tấm rèm sắt, ông đã không ngờ rằng thời đại đã đổi thay và rằng ngay giữa lòng châu Âu, châu Âu không còn được cảm thấy như là một giá trị nữa. Ông đã không ngờ cái câu mà ông đánh điện gửi ra ngoài đường biên đất nước bằng phẳng của mình, sẽ chỉ có vẻ lỗi thời và không ai hiểu được.

Milan Kundera

Chiêu Dương dịch


[1] Những nhà cộng sản Trung Âu, với rất nhiều hành động và nỗ lực để dựng lên chế độ toàn trị ở đất nước mình khi cuộc chiến kết thúc, có trách nhiệm rất lớn. Nhưng họ sẽ không bao giờ thành công được nếu không có sự khởi động, áp lực bạo lực và quyền lực quốc tế của Liên bang Nga khi đó. Ngay sau chiến thắng, các nhà cộng sản Trung Âu đã hiểu rằng không phải họ mà chính Liên bang Xô Viết mới là chủ nhân đất nước họ. Quá trình tan rã chậm chạp của các đảng phái và thể chế Trung Âu đã bắt đầu từ lúc đó.

[2] [Chúng ta có thể xếp vào số đó những cuộc nổi dậy của công nhân Berlin năm 1953 được không? Được, mà cũng không được. Vận mệnh của Đông Đức mang một đặc trưng khác hẳn. Không hề có cái gì là hai nước Ba Lan; ngược lại Đông Đức chỉ là một mảnh nước Đức và sự tồn tại của dân tộc Đức không hề bị đe dọa. Trong tay người Nga, mảnh này đóng vai trò con tin đối với Tây Đức, và Liên Xô thi hành một thứ chính sách rất kỳ khôi, không liên quan gì tới các dân tộc Trung Âu và có lẽ đến một ngày sẽ trở thành điều không hay cho họ. Rất có thể đấy là lý do khiến thiện cảm không nảy sinh được giữa Đông Đức và các nước còn lại. Có thể thấy rõ điều này khi quân đội năm nước khối Warszawa chiếm đóng Tiệp Khắc. Người Nga, người Bulgaria, người Đông Đức đều đáng sợ và bị người ta khiếp sợ. Người lại, tôi có hàng chục câu chuyện về người Ba Lan và Hungary không che giấu sự bất đồng với cuộc chiếm đóng hoặc thậm chí thẳng thừng phá hoại công cuộc này. Nếu thêm vào mối đồng lõa Ba Lan-Hung-Séc ấy sự giúp đỡ thực sự nhiệt tình của người Áo dành cho người Séc cùng lòng căm ghét Liên Xô lan tràn khắp Nam Tư, ta có thể nhận thấy rằng chính từ cuộc chiếm đóng Tiệp Khắc mà khu vực Trung Âu truyền thống đã nổi lên rõ ràng đến kinh ngạc.]

[3] Mâu thuẫn này khá khó hiểu đối với người ngoài cuộc; giai đoạn sau 1945 là giai đoạn bi kịch nhất của Trung Âu, nhưng đồng thời nó cũng là một trong những giai đoạn rực rỡ nhất trong lịch sử văn hóa của nó. Dù được viết bởi các nhà văn lưu vong (Gombrowicz, Miłosz), hay ra đời dưới dạng những hoạt động sáng tạo “chui” (ở Tiệp Khắc sau năm 1968), hay cuối cùng được chính quyền tạm thời dung túng vì sức ép dư luận, các tác phẩm phim ảnh, tiểu thuyết, kịch nghệ, triết học ra đời trong thời kỳ này ở Trung Âu thường đều là những đỉnh cao văn hóa của toàn châu Âu.

[4] {Một trong những dân tộc châu Âu lớn nhất (có khoảng 40 triệu người Ukraine) đang dần biến mất. Và sự kiện khủng khiếp, khó tin này đang diễn ra mà cả thế giới không hề nhận thấy.}

[5] Leszek Kołakowski đã viết (trên tờ Zeszyty literackie, số 2, Paris 1983) rằng: “Tuy giống như Solzhenitsyn, tôi cũng tin rằng xét về sự áp bức, hệ thống Xô Viết đã vượt xa thời Sa hoàng… nhưng tôi sẽ không đi xa đến mức lý tưởng hóa một hệ thống mà tổ tiên tôi đã phải đấu tranh chống lại dưới những điều kiện tồi tệ, phải chết, phải chịu tra tấn hay phải chịu bao tủi hổ khác… Tôi tin Solzhenitsyn có khuynh hướng lý tưởng hóa chế độ Sa hoàng, một khuynh hướng mà tôi chắc chắn chẳng những tôi mà bất kì người Ba Lan nào cũng không thể chấp nhận.”

[6] Điểm hội tụ đẹp nhất giữa Nga và phương Tây nằm trong các sáng tác của Stravinsky, nơi cô đọng lịch sử ngàn năm của âm nhạc phương Tây mà vẫn thấm đẫm chất Nga trong âm hưởng. Một cuộc hôn nhân tuyệt đẹp nữa được ca ngợi ở Trung Âu là hai vở opera kinh điển của nhà soạn nhạc vĩ đại cuồng Nga Leoš Janáček: một vở là dựa trên một vở kịch của Ostrovski (vở Katya Kabanova, 1921), và vở kia, tôi ngưỡng mộ vô cùng, dựa trên một tiểu thuyết của Dostoevsky (vở Ghi chép từ nhà chết, 1928). Nhưng rất điển hình, những vở opera này không chỉ không được công diễn ở Nga bao giờ mà ngay cả sự tồn tại của chúng cũng không được biết tới ở đây. Nước Nga cộng sản đã khước từ cuộc hôn nhân thiếu môn đăng hộ đối này với phương Tây.

[7] [Ngay cả giải Nobel cũng không thức tỉnh nổi mối thờ ơ xuẩn ngốc của các nhà xuất bản châu Âu dành cho Miłosz. Suy cho cùng, ông quá tinh tế và là một nhà thơ quá lớn đến độ không thể trở thành nổi tiếng ở thời đại chúng ta.] Hai cuốn tiểu luận Tư duy bị cầm tù (1953) và Một châu Âu khác (1959) của ông là hai cuốn cơ bản: những phân tích sâu sát đầu tiên không rơi vào đối đầu ngu ngốc về chủ nghĩa cộng sản Nga và sự mở rộng về Tây (Drang nach West) của nó.

[8] [Tôi đã đọc một mạch bản thảo bản dịch sang tiếng Mỹ cuốn sách này của Brandys, mà tựa gốc tiếng Ba Lan là Miesiące (Các tháng), còn tựa Anh là Warsaw Diary. Nếu không chỉ muốn ở lại trên bề mặt thứ chính trị đương đại mà đào sâu vào bản chất tấn kịch Ba Lan, tôi xin khuyến nghị đừng bỏ qua cuốn sách tuyệt vời này!]

[9] [Bài viết đẹp nhất và tỉnh táo nhất mà tôi từng đọc được về nước Nga như một nền văn minh riêng biệt là cuốn của Cioran, “Nước Nga và con virus của tự do”, in trong cuốn Lịch sử và không tưởng của ông (1960). Cám dỗ tồn tại (1956) cũng ghi lại nhiều suy tư đặc sắc khác về Nga và Tây Âu. Tôi thấy Cioran là một trong những nhà suy tưởng hiếm có vẫn còn chiêm nghiệm câu hỏi lỗi thời về châu Âu một cách đầy đủ. Thêm nữa người đặt câu hỏi này không phải là Cioran nhà văn Pháp, mà là Cioran con người Trung Âu, đứa con của nước Rumani, đất nước “sinh ra để mất đi, được dựng nên tuyệt vời để bị đánh chìm” (Cám dỗ tồn tại). Người ta chỉ nghĩ về châu Âu trong một châu Âu đã bị đánh chìm.]

[10] {Bản thân từ “trung” đã hàm chứa một mối nguy: nó gợi ra liên tưởng về một chiếc cầu bắc từ nước Nga tới phương Tây. T. G. Masaryk, tổng thống đầu tiên của Tiệp Khắc, đã từng nói về điều này vào năm 1895: “Người ta thường nói rằng người Séc chúng ta có sứ mệnh làm trung gian giữa phương Tây và phương Đông. Điều này thật vô nghĩa. Người Séc không nằm cạnh phương Đông (bao quanh chúng ta là Đức và Ba Lan, tức là, hai nước phương Tây) nhưng cũng không cần tới bất kì lý do gì để có một người trung gian. Người Nga vẫn luôn có những liên hệ trực tiếp hơn và gần gũi hơn với người Đức và người Pháp hơn với chúng ta rất nhiều, và mọi điều các dân tộc phương Tây muốn biết về Nga, họ đều đã trực tiếp tìm hiểu mà không hề cần tới người trung gian.”}

[11] [Karel Havliček Borovský được hai mươi hai tuổi vào năm 1843 khi ông rời tổ quốc đến Nga và ở lại một năm. Khi đến, ông là một người cuồng Slav, nhưng nhanh chóng trở thành một trong những người chỉ trích nước Nga khắc nghiệt nhất. Ông phát triển những ý kiến của mình trong các thư từ và bài báo, sau này tập hợp lại thành một cuốn sách nhỏ. Đây là “những lá thư Nga” khác viết gần như cùng một năm với Custine. Những ý kiến trong đó cũng khá hợp với nhận định của nhà du hành Pháp. (Sự giống nhau rất nhiều khi lên đến mức buồn cười. Custine: “Nếu con trai anh bất mãn khi ở Pháp, hãy nghe lời khuyên của tôi: bảo nó sẽ lên đường đi Nga. Ai đã trải qua đất nước này sẽ vĩnh viễn mừng rỡ vì được sống ở đâu khác.” Havliček: “Nếu anh muốn thực sự làm ơn cho người Séc, hãy bỏ tiền cho họ đi qua Moskva một phen.”) Sự giống nhau này càng thêm quan trọng bởi Havliček, vốn là một người Séc ái quốc xuất thân bình dân, khó có thể mang thiên kiến hoặc định kiến bài Nga được. Havliček là nhân vật điển hình nhất trong chính trị Séc thế kỷ 19, hãy xem ảnh hưởng của ông với Palacký và nhất là Masaryk.]

[12] Có một cuốn sách nhỏ rất thú vị mang tên How to be an Alien, trong đó ở một chương có tựa đề là “Soul and Understatement”, tác giả đã nói về tâm hồn Slav như sau: “Loại tâm hồn khó ưa nhất là tâm hồn Slav vĩ đại. Những người mắc phải thứ này đều là những người tư duy rất sâu sắc. Có thể họ sẽ nói những điều như thế này: ‘Thỉnh thoảng tôi vui quá và thỉnh thoảng tôi buồn quá. Anh có thể giải thích giùm tôi là tại sao không?’ (Không phải thử, bạn không giải thích nổi đâu.) Hoặc là họ có thể nói thế này: ‘Tôi khó hiểu quá… Đôi lúc tôi ước gì mình ở một nơi nào đó khác nơi đây.’ Hoặc là: ‘Khi một mình ở trong rừng vào buổi đêm và nhảy từ cây này sang cây khác, tôi thường nghĩ cuộc đời thật kỳ lạ quá.’ ” Ai lại dám chế giễu tâm hồn Slav vĩ đại như thế? Tất nhiên, đó là George Mikes, tác giả người Anh gốc Hungary. Chỉ có ở Trung Âu người ta mới thấy tâm hồn Slav lố bịch như vậy.

[13] [Chẳng hạn cứ mở cuốn Lịch sử thế giới trong tủ Bách khoa thư Pléiade. Các bạn sẽ thấy nhà cải cách giáo hội Công giáo Jan Hus đứng cùng một chương không phải với Luther, mà với Ivan Bạo chúa! Và nếu muốn tìm một bài đi sâu về Hungary thì chỉ hoài công. Bởi không thể xếp họ vào “thế giới Slav”, người Hungary còn không có chỗ trên bản đồ châu Âu.]

[14] Tư tưởng cấu trúc luận bắt đầu hình thành vào cuối những năm 1920 trong Nhóm Ngôn ngữ Praha. Họ là tập hợp những học giả đến từ Séc, Nga, Đức và Ba Lan. Trong suốt những năm 1930, chính tại môi trường quốc tế này, Mukarovsky đã phát triển mỹ học cấu trúc luận của mình. Cấu trúc luận Praha khởi nguồn một cách tự nhiên từ hình thức luận Séc thế kỷ XIX. (Theo quan điểm của tôi, xu hướng hình thức luận phát triển mạnh mẽ ở Trung Âu hơn ở bất kỳ nơi nào khác là nhờ vị thế áp đảo của âm nhạc, và do đó, là của lý thuyết âm nhạc, thứ vốn là “hình thức luận” từ trong bản chất.) Được khơi gợi từ những phát triển gần đây trong chủ nghĩa hình thức Nga, nhưng Mukarovsky đã vượt ra khỏi bản chất một chiều của nó. Những nhà cấu trúc luận chính là đồng minh của những nhà thơ và họa sĩ tiền phong của Praha (từ đây báo trước một liên minh tương tự sẽ được hình thành tại Pháp ba mươi năm sau đó). Thông qua sức ảnh hưởng của mình, những nhà cấu trúc luận đã bảo vệ nghệ thuật tiền phong trước những diễn giải tư tưởng hệ hẹp hòi vốn đeo đuổi nghệ thuật hiện đại ở khắp nơi. [Tác phẩm của Mukarovsky, tuy được biết đến trên toàn thế giới, nhưng vẫn chưa hề xuất hiện ở Pháp.]

 

 

[15] [Về chủ đề “cách nhìn thế giới của Trung Âu”, tôi đã đọc hai cuốn mà tôi đánh giá rất cao: cuốn thứ nhất văn chương hơn, tên là Trung Âu: lời đồn và lịch sử, một cuốn khuyết danh (ký tên Josef K.) được lưu hành dưới hình thức bản đánh máy ở Praha; cuốn thứ hai triết lý hơn, Il mondo della vita: un problema politico; tác giả là một triết gia người Genova, Václav Bělohradský. Cuốn sách này sắp được Verdier phát hành ở Pháp và xứng đáng được chú ý rộng rãi.] Vấn đề của Văn hóa Trung Âu được xem xét và thảo luận trong một tập san quan trọng do Đại học Michigan xuất bản: Cross Currents: A Yearbook of Central Europe Culture.

[16] [Có một nhà văn Pháp luôn lên tiếng ca tụng tiểu thuyết Trung Âu (mà với ông không chỉ giới hạn trong các nhà tiểu thuyết thành Vienna, mà bao gồm cả tiểu thuyết Séc và Ba Lan nữa) là Pascal Lainé. Ông nói nhiều điều thú vị trong cuốn tập hợp phỏng vấn Si j’ose dire.]

[17] {Tôi cho rằng, với những vì sao sáng trên văn đàn Trung Âu như thế này, với Kafka, Hašek, Broch và Musil, một phong cách thẩm mỹ mới cho tiểu thuyết hậu Proust, hậu Joyce đã hình thành ở châu Âu. Cá nhân tôi ưa thích Broch nhất. Đã đến lúc chúng ta khám phá lại tiểu thuyết gia người Vienna này, một trong những tiểu thuyết gia vĩ đại nhất thế kỷ XX.}

[18] {Nếu từng có thời báo chí dường như chỉ là phụ trương cho văn hóa, thì ngày nay, ngược lại, văn hóa thấy mình như được báo chí chiếu cố, nó trở thành một phần của một thế giới bị thống trị bởi báo chí. Phương tiện đại chúng sẽ quyết định ai được nổi tiếng, nổi tiếng đến mức nào và theo cách diễn giải nào. Nhà văn không còn có thể trực tiếp nói chuyện với công chúng, anh ta phải giao tiếp với họ qua rào chắn mờ đục của truyền thông.}

[19] Bài phát biểu của Werfel không hề ngây thơ và vẫn chưa hề mất đi giá trị trong thời này. Nó khiến tôi nhớ tới một bài phát biểu khác, bài phát biểu của Robert Musil vào năm 1935 tại Đại hội về việc Bảo vệ văn hóa tại Paris. Giống như Werfel, Musil đã nhận thấy mối nguy không chỉ từ chủ nghĩa phát xít mà còn từ chủ nghĩa cộng sản. Việc bảo vệ văn hóa, đối với ông ấy, không có nghĩa là văn hóa phải dấn thân vào một cuộc đấu tranh chính trị cụ thể (như tất cả mọi người nghĩ lúc đó), mà ngược lại, nó có nghĩa là, bảo vệ văn hóa khỏi sự ngu dốt mang tên chính trị hóa. Cả hai nhà văn đều nhận ra rằng trong thế giới hiện đại của công nghệ và truyền thông đại chúng, tương lai của văn hóa sẽ không sáng sủa gì. Paris phản ứng rất hờ hững với những ý kiến của Musil và Werfel. Tuy nhiên, trong tất cả những cuộc thảo luận về chính trị và văn hóa mà tôi đang nghe thấy quanh mình, có lẽ tôi sẽ chẳng có gì để bổ sung cho những điều mà họ đã nói, và tôi cảm thấy, trong những giây phút như thế này, mình thật gần gũi với họ, tôi cảm thấy, trong những giây phút như thế này, mình thực sự là người Trung Âu không gì cứu chữa.

[20] Cuối cùng, sau một hồi lâu do dự, anh rốt cuộc cũng gửi thư – cho Jean-Paul Satre. Phải, vẫn còn một nhân vật văn hóa cuối cùng ở tầm cỡ thế giới: tuy vậy, theo ý kiến của tôi, chính ông và cái lý thuyết “dấn thân” của ông đã cung cấp nền tảng lý thuyết cho sự thoái ngôi của văn hóa như một lực tự trị, đặc biệt và bền vững. Dù là thế, ông cũng nhanh chóng hồi đáp lá thư của bạn tôi với một tuyên bố được đăng trên tờ Le Monde. Nếu không có sự can thiệp này tôi nghi không biết liệu cảnh sát có trả lại (vào khoảng gần một năm sau đó) bản thảo đó cho người bạn triết gia của tôi không. Vào ngày hạ huyệt Sartre, kỉ niệm về người bạn Praha ấy đã sống lại trong tâm trí tôi: giờ đây lá thư của anh sẽ không còn người nhận nữa rồi.

[21] {Nói đến các tờ phê bình, ý tôi muốn nói tới các tờ định kỳ (nguyệt san, bán nguyệt san hay tuần san) được điều hành không phải bởi các nhà báo mà là bởi các nhà văn hóa (nhà văn, nhà phê bình nghệ thuật, học giả, triết gia, nhạc sĩ); họ bàn đến các vấn đề văn hóa và đưa ra bình luận về các sự kiện trong xã hội từ góc nhìn văn hóa. Vào thế kỷ XIX và XX tại châu Âu và Nga, tất cả những phong trào trí thức quan trọng đều được hình thành quanh những tờ phê bình như thế. Các nhạc sĩ Lãng mạn Đức cùng tụ hội quanh tờ Neue Zeitschrift für Musik do Robert Schumann thành lập. Văn chương Nga không biết sẽ ra sao nếu không có các tờ như Sovremennik hay Viesy, cũng như văn chương Pháp phụ thuộc vào Nouvelle Revue Française hay Les Temps Modernes. Tất cả những hoạt động văn hóa tại Vienna thì tập trung quanh tờ Die Fackel do Karl Kraus chủ biên. Toàn bộ nhật ký của Gombrowicz được công bố trên tờ Kultura của Ba Lan, v.v. Sự biến mất của những tờ phê bình như thế khỏi đời sống cộng đồng phương Tây hoặc thực tế rằng chúng đã bị gạt ra ngoài lề, theo tôi, là một dấu hiệu cho thấy “văn hóa đang lùi bước”.}

[22] [Tuy vậy cần nhắc đến một ngoại lệ đáng kể: trong những ngày đầu Nga mới chiếm đóng Tiệp Khắc, chính đài phát thanh và truyền hình qua những chương trình chiếu “chui” đã đóng một vai trò hết sức đáng kể. Nhưng cả lúc đó, cũng chính những đại biểu của nền văn hóa là tiếng nói chính trong những buổi phát ấy.]

[23] {500.000 người (đặc biệt là các trí thức) bị buộc nghỉ việc. 120.000 người chạy ra nước ngoài. Khoảng 200 nhà văn Séc và Slovak bị cấm xuất bản tác phẩm của mình. Sách của họ bị cấm ở tất cả các thư viện công cộng và tên của họ bị xóa khỏi sách giáo khoa. 145 sử gia người Séc bị đuổi việc. Chỉ riêng trong một khoa của trường đại học Praha đã có 50 giảng viên bị đuổi việc. (Vào thời khắc tăm tối nhất của đế chế Áo-Hung, sau cuộc cách mạng năm 1848, 2 giảng viên người Séc đã bị đuổi khỏi trường – một bê bối lớn vào thời đó!) Mọi tạp chí văn hóa và văn chương đều bị đình bản. Nền điện ảnh lớn, nền kịch nghệ lớn của Séc đều không còn tồn tại.}

[24] Tuần san Literarni noviny (Tạp chí văn học) với lượng in 300.000 bản (ở một nước có 10 triệu dân) thuộc quản lý của Hội Nhà văn Séc. Chính tờ báo này qua nhiều năm đã mở đường cho Mùa xuân Praha và sau đó làm nền tảng cho nó. Nó không hề giống với những tờ tuần san như Time nay đã nhan nhản khắp châu Âu và Mỹ. Nó thực sự mang tính văn chương: có thể tìm thấy những bài báo dài về nghệ thuật, những phân tích về các cuốn sách. Những bài với chủ đề về lịch sử, xã hội học và chính trị này không phải do các nhà báo viết mà bởi chính các nhà văn, sử gia và triết gia. Tôi không thấy có dù chỉ một tờ tuần san nào khác ở châu Âu trong thế kỷ này có vai trò lịch sử quan trọng và làm tốt vai trò ấy như nó. Lượng in của các nguyệt san văn chương của Séc dao động từ 10.000-40.000 bản, như thế là khá cao, dù cho bị kiểm duyệt. Tại Ba Lan, các tờ phê bình cũng có tầm quan trọng tương tự; ngày nay họ có tới hàng trăm (!) tờ như vậy đang hoạt động ngầm!

Chấm sao chút:

Đã có 11 người chấm, trung bình 4.9 sao.

Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3

Người góp chữ

Chiêu Dương

Tức Thu thơ thẩn.

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi

1 Comment on Milan Kundera, Một phương Tây bị bắt cóc, hay bi kịch của Trung Âu

  1. Lần đầu tiên tôi dọc Kundera, rất thích, rất sâu sắc. Dịch rất tuyệt. Cảm ơn nhiều

4 Trackbacks & Pingbacks

  1. The Tragedy of Central Europe — Milan Kundera – Suiseki
  2. Ngôn ngữ bá quyền | Văn Việt
  3. Ngôn ngữ bá quyền | Viet Luan - Báo Việt Luận
  4. Light but sound — John Banville – Suiseki

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*


%d bloggers like this: