Franz Kafka, Quan sát (trích)

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi
Thời gian đọc: 5 phút

(Bài viết thuộc Zzz Review số 6, 31-7-2019)

Sáu đoản văn từ „Betrachtung“/„Quan sát“, tác phẩm đầu tay của Franz Kafka, in năm 1912 tại Nhà xuất bản Ernst Rowohlt ở Leipzig, lúc tác giả 29 tuổi.

 

Cuộc dạo chơi bất chợt

Nếu như vào một buổi tối ta dường đã quyết tâm sẽ ở nhà, đã vận bộ đồ mặc trong nhà, dự định sau khi dùng bữa sẽ nán lại bên chiếc bàn ăn dưới ánh đèn tỏa rạng để làm một thứ công việc hay tham gia một trò chơi nào đó mà thường là sau khi kết thúc thì người ta sẽ đi ngủ, nếu như ở bên ngoài thời tiết đang xấu khiến cho việc ở nhà trở thành một điều hiển nhiên, nếu như ta đã ngồi im lặng bên bàn đủ lâu để khiến việc ra đi sẽ gây nên một cảm giác ngỡ ngàng chung, nếu như bây giờ ngoài cầu thang đã sẩm tối và cổng nhà đã đóng, và nếu như bây giờ, bất chấp tất cả, vì một cảm giác bất an chợt ùa tới, ta sẽ đứng dậy, ngay lập tức thay bộ đồ mặc trong nhà bằng quần áo đi đường, tuyên bố rằng mình phải ra đi, sau một thoáng chia tay sẽ rời khỏi căn phòng, tuỳ thuộc vào tốc độ đóng sập cánh cửa phía sau lưng mà phỏng đoán mức độ giận dữ của những người ở lại, nếu ta đã bước ra ngoài ngõ phố, với tứ chi bỗng trở nên dẻo dai phi thường bởi trạng thái tự do bất ngờ mang đến, nếu chỉ vì quyết định này mà ta có cảm giác làm chủ được mọi năng lực quyết đoán, nếu ta nhận ra với ý thức rõ ràng hơn mức thường tình rằng cái sức mạnh khiến dễ dàng tạo ra những thay đổi chóng vánh nhất và khả năng chịu đựng chúng lớn hơn nhiều so với cái nhu cầu thay đổi mà ta vốn có, và nếu ta cứ đi tiếp trên những ngõ phố dài, – nếu như vậy thì trong buổi tối này ta đã thoát hẳn vòng cương tỏa của gia đình giờ đây đang chìm vào cõi vô hình, trong lúc ta, hoàn toàn trở nên rắn rỏi và nổi bật trong bóng đêm, đang tung vó trỗi dậy với hình hài thật sự của chính mình.

Những ấn tượng như vậy sẽ còn được gia tăng, nếu vào giờ tối muộn này ta đi đến nhà một người bạn, để hỏi thăm sức khỏe người ấy ra sao.

 

Nhìn bâng quơ qua cửa sổ

Ta sẽ làm gì vào những ngày xuân đang ào ạt tới này? Sáng nay trời xám xịt, vậy nhưng nếu bây giờ bước đến cửa sổ ta sẽ ngạc nhiên khi tựa má vào tay nắm cửa.

Ở phía dưới kia ta nhìn thấy ánh mặt trời, dĩ nhiên đã vào lúc hoàng hôn, phản chiếu trên gương mặt của một cô gái trẻ thơ, cô bé ấy đang đi và thơ thẩn ngắm nhìn xung quanh, và đồng thời ta cũng thấy bóng một người đàn ông đang tiến nhanh tới từ phía sau làm che mờ gương mặt ấy.

Rồi người đàn ông đã đi qua, và gương mặt cô bé giờ đây bừng sáng.

Những kẻ chạy qua

Nếu trong đêm khuya ta đi dạo qua một ngõ hẻm và có một người đàn ông chạy ngược hướng, từ xa ta đã thấy rõ y – bởi ngõ hẻm trước mặt là một con dốc và trăng rằm đang toả sáng – thì ta sẽ không tóm lấy người này, cho dù y yếu ớt và rách rưới, cho dù có ai đó đang đuổi theo y và la hét, mà ta sẽ để cho người này chạy tiếp.

Bởi bấy giờ là lúc đêm khuya, và ta nào đâu có liên can gì tới việc ngõ hẻm đang dâng cao trong ánh trăng rằm trước mặt, và ngoài ra, biết đâu hai kẻ đó chỉ làm một cuộc rượt chơi, biết đâu cả hai đang đuổi theo một người thứ ba, biết đâu kẻ thứ nhất vô tội mà lại bị truy đuổi, biết đâu kẻ thứ hai đang có ý định giết người, và như vậy ta sẽ trở thành đồng loã của một vụ sát nhân, biết đâu cả hai chẳng hay biết gì về nhau, và mỗi người đều vô tình chỉ muốn trở về giường của mình, biết đâu đấy chỉ là những kẻ mộng du, biết đâu kẻ thứ nhất đang cầm theo vũ khí.

Và rốt cuộc, liệu chính ta đã không trở nên mệt mỏi, liệu ta đã chẳng uống rượu vang quá chén? Và, ta thở phào khi kẻ thứ hai cũng đã biến mất.

 

Khách đi tàu

 Tôi đứng sát cửa toa tàu điện và hoàn toàn mơ hồ về vị trí của mình trong thế giới này, trong thành phố này, trong gia đình mình. Cho dù một cách bâng quơ tôi cũng chẳng thể bày tỏ rằng mình có quyền đưa ra một yêu sách nào, trên bất kỳ phương diện nào. Tôi hoàn toàn không thể biện hộ về việc mình đang đứng bên bậc cửa tàu này, đang bám vào sợi thòng lọng đu đưa trên đó, đang để cho con tàu chở mình đi, về việc người qua lại dạt sang hai bên để tránh tàu hoặc lặng lẽ đi bách bộ hay dừng chân trước các quầy cửa sổ bày hàng mẫu. – Nào có ai đòi hỏi ở tôi điều này, mà có hay chăng thì cũng đâu hề hấn gì.

Con tàu đến gần một bến đỗ, một cô gái tiến ra cửa toa để chuẩn bị xuống tàu. Nàng hiển hiện thật rõ ràng cạnh tôi, cứ như thể tôi đang chạm vào người nàng. Nàng mặc đồ đen, nếp váy của nàng hầu như không động đậy, áo nàng bó sát thân, cổ áo viền đăng ten trắng, bàn tay trái của nàng úp vào thành tàu, chiếc ô trong bàn tay phải nàng chống xuống bậc cửa thứ hai từ trên xuống. Nước da mặt nàng ngăm ngăm nâu, hai cánh mũi tròn đầy phập phồng theo nhịp thở. Nàng có mái tóc nâu dày, trên thái dương bên phải phảng phất mấy sợi tóc xoăn. Tai nàng nhỏ nhắn và nằm sát đầu, tuy nhiên, do đứng ngay bên cạnh, tôi có thể thấy toàn bộ sống tai bên phải của nàng và cả cái bóng phủ của vành tai.

Dạo đó tôi đã tự hỏi: Cớ sao mà nàng lại không cảm thấy ngạc nhiên về bản thân, cớ sao mà nàng đã mím chặt môi và chẳng hề thốt lên một lời?

 

Mơ ước trở thành người da đỏ

Giá như ta là một người da đỏ, ngay tức khắc có thể khởi hành, đu lên lưng một con ngựa phi nước đại, cúi rạp mình trong gió, chốc chốc lại thoáng rùng mình trên mặt đất rúng động, cho tới lúc nới lỏng đinh thúc ngựa, bởi nào có đinh thúc ngựa, cho tới lúc quẳng dây cương, bởi nào có dây cương, và chưa kịp thấy đồng cỏ đã phát quang hiện lên thì trước mắt đã chẳng còn cổ ngựa và đầu ngựa.

Cây

 Bởi ta giống như những thân cây nằm trong tuyết. Tưởng chúng nằm đó một cách hững hờ, và với một cú đẩy nhẹ, người ta có thể gạt chúng sang một bên. Không, người ta chẳng thể làm được điều đó, bởi những thân cây này gắn liền với đất. Nhưng hãy xem kìa, ngay cả điều này cũng chỉ là một giả tưởng.

Trương Hồng Quang dịch

Chấm sao chút:

Đã có 1 người chấm, trung bình 5 sao.

Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3

Người góp chữ

Trương Hồng Quang

Sinh năm 1959 tại Nghệ An, từ 1977-1983 học ngành Ngữ văn Đức tại Đại học Leipzig (CHDC Đức), năm 1985 bảo vệ luận án Tiến sỹ văn học tại ĐH Leipzig về đề tài „So sánh Faust của Goethe và Truyện Kiều của Nguyễn Du“. Hiện sống tại Berlin và hành nghề phiên dịch, biên dịch viên tự do. Các công trình công bố gần đây: Nguyễn Du,Truyện Kiềusong ngữ Đức-Việt (chủ biên), Nxb Thế giới, Hà Nội 2015; Isabelle Müller, Loan – Từ cuộc đời một con chim Phượng Hoàng, Nxb Trẻ, TP Hồ Chí Minh 2018 (dịch); Thomas Köck, Atlas/Địa đồ, Kịch, Nhà hát kịch nói Leipzig 2019 (dịch).

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi

1 Trackbacks & Pingbacks

  1. Franz Kafka, Zerstreutes Hinausschaun/Nhìn bâng quơ qua cửa sổ & Wunsch, Indianer zu werden/Mơ ước trở thành người da đỏ | Blog Trương Hồng Quang

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*