(Bài viết thuộc Zzz Review số 6, 31-7-2019)
Nghe bản audio của Trạm Radio ở đây:
Vạn Lý Trường Thành hoàn tất tại góc xa nhất về phương Bắc. Từ phía Đông Nam và Tây Nam, hai nhánh chia ra rồi gộp lại tại đây. Nguyên lý xây dựng từng phần này cũng được hai đại phu đoàn phía đông và tây áp dụng ở quy mô nhỏ hơn. Cách tiến hành như sau; nhóm gồm hai mươi phu xây một đoạn thành dài khoảng năm trăm thước, trong khi một nhóm tương tự sẽ xây một đoạn thành khác cũng dài y như thế để gộp với đoạn đầu tiên. Nhưng sau khi hai đoạn thành gộp lại ở vị trí một ngàn thước, việc xây dựng lại không được tiếp tục tiến hành từ vị trí này; thay vào đó, hai nhóm phu xây lại chuyển đến tiếp tục xây ở một khu hoàn toàn khác. Theo lẽ tự nhiên, xây dựng kiểu này sẽ để lại nhiều khoảng trống rất lớn, chỉ có thể vá lại từ từ, từng chút một, một số đoạn thậm chí chỉ được vá sau khi có bố cáo thiên hạ rằng tường thành đã xây xong. Kỳ thực người ta còn kháo nhau rằng có những khoảng trống chưa bao giờ được vá, nhưng lời quả quyết ấy cũng có thể chỉ là một trong nhiều huyền thoại nảy sinh từ công cuộc xây tường thành, vốn không thể chứng thực, ít nhất bởi một người có đôi mắt và khả năng phán xét, vì độ kì vĩ của nó.
Thoạt nghĩ, người ta có thể thấy rằng xây tường thành liên tục, hoặc ít nhất là liên tục trong hai nhánh chính, sẽ thuận lợi hơn mọi bề. Suy cho cùng thì bức tường, như đã được tuyên bố và cả thế giới biết đến, được dự định dùng làm lá chắn chống lại người phương Bắc. Nhưng tường thành chắn thế nào được nếu nó không có cấu trúc liên tục? Bức tường như thế không những không che chắn được gì mà còn là một mối nguy hiểm chực chờ. Những khối tường bị bỏ trơ trọi giữa vùng hoang mạc rất dễ bị dân du mục kéo đổ, nhất là những bộ lạc quan ngại trước công cuộc xây tường thành này, họ đổi chỗ dựng lều nhanh đến bất ngờ, y như bầy châu chấu, và có lẽ còn có cái nhìn tổng quan về tiến độ tường thành hơn những người phu xây như chúng ta. Tuy nhiên, việc xây tường thành có thể sẽ không thể thực hiện bằng một cách nào khác. Để hiểu được điều này, chúng ta cần cân nhắc việc sau: Bức tường sẽ trở thành lá chắn trong hàng thế kỷ: theo đó, sự chăm chút chu đáo nhất cho công trình này, việc áp dụng những nguyên lý kiến trúc từ ngàn đời và của mọi dân tộc, tinh thần trách nhiệm không ngừng nghỉ của phu xây là những tiền đề không thể thiếu cho việc xây dựng. Đúng là với những công việc đơn giản, có thể tuyển chọn những phu xây công nhật không lành nghề trong bá tánh, đàn ông, đàn bà, và con nít đều được, miễn chịu dốc sức vì món tiền công; nhưng đối với việc giám sát, thậm chí chỉ với bốn nhân công thôi, cũng cần đến một chuyên gia uyên thâm về thuật xây cất, một người có khả năng thấu hiểu và tiên lượng được những rủi ro có thể xảy ra. Nhiệm vụ càng cao, yêu cầu càng lớn. Cần nhiều những người như thế, nếu không nói là với số lượng rất lớn, do công cuộc xây dựng đòi hỏi.
Công cuộc xây dựng không phải diễn ra mà không suy tính. Năm mươi năm trước khi viên gạch đầu tiên được đặt xuống, trên toàn cõi Trung Hoa, vốn được bao quanh trong bức tường thành ấy, thuật xây cất, nhất là xây cất bằng gạch, được công nhận là nhánh kiến thức quan trọng nhất, và tất cả các thuật khác chỉ được công nhận nếu nó liên đới đến thuật này. Tôi vẫn còn nhớ khá rõ khi chúng tôi còn là lũ trẻ chưa vững trên đôi chân, đứng trong khu vườn của thầy mình và được ra lệnh xây một bức tường từ đá cuội; rồi thầy vén tà áo, lao thật nhanh vào bức tường, và tất nhiên làm nó đổ sập, rồi mắng chúng tôi té tát vì xây tường yếu như thế đến mức đứa nào cũng vừa khóc vừa chạy theo mọi hướng để tìm về cha mẹ. Một việc vặt nhưng thể hiện tinh thần của thời đại.
Tôi may mắn vì khi đến tuổi hai mươi, vừa vượt qua kỳ thi cuối cùng của trường cấp thấp nhất, việc xây tường thành mới vừa bắt đầu. Tôi nói may mắn là bởi nhiều tiền bối trước đó dành được những học vị cao nhất cũng chẳng biết phải làm gì với kiến thức của mình hàng năm trời sau đó, và trôi dạt một cách vô ích, với những hoạch định kiến trúc vĩ đại trong đầu mình, để rồi chìm sâu nghìn dặm vào nỗi vô vọng. Nhưng những người rốt cuộc được tuyển vào làm giám sát, dù là cấp thấp nhất, vẫn thực sự xứng đáng với nhiệm vụ của mình. Họ là những người thợ đá đã suy nghĩ nhiều, và vẫn không ngừng nghĩ suy về việc xây tường thành, những người cùng với hòn đá đầu tiên họ đặt xuống nền tự cảm thấy mình là một phần của tường thành. Những thợ đá như thế không chỉ khao khát làm việc của mình bằng cung cách cẩn trọng nhất, mà còn nôn nóng được nhìn tường thành được xây xong trong bộ dạng hoàn hảo trọn vẹn nhất. Những phu xây công nhật không nôn nóng như thế, vì họ chỉ quan tâm đến tiền công của mình, còn những người giám sát cao hơn, thậm chí những người giám sát ở hạng trung, từ góc độ của mình cũng có thể thấy đủ những bước tiến của công cuộc xây dựng để giữ tinh thần mình luôn được tự tin và phấn khởi. Nhưng để khích lệ những người giám sát cấp dưới, khi mà khía cạnh tinh thần vượt lên hẳn những nhiệm vụ tủn mủn cụ thể, những biện pháp khác phải được thực hiện. Ví dụ, người ta không thể trông chờ họ đặt hết tảng đá này lên tảng đá khác hàng tháng hay hàng năm trời ở một miền núi không dân cư cách quê nhà hàng trăm dặm; sự vô vọng của công việc nhọc nhằn như thế, vốn là mục tiêu không thể hoàn thành được dù trong cả kiếp người, cũng đẩy họ vào tuyệt vọng, và trên hết là khiến họ làm việc kém hiệu quả hơn. Chính vì lý do này mà người ta quyết định chọn hệ thống xây dựng từng phần. Năm trăm thước có thể hoàn thành trong khoảng năm năm; tuy nhiên, đến thời điểm đó, những người giám sát, như đã thành thường lệ, sẽ khá kiệt quệ và mất hết lòng tin vào bản thân, vào tường thành, vào thế giới. Theo đó, dù vẫn đang lâng lâng bởi cuộc ăn mừng đầy hoan hỉ đánh dấu sự hoàn thành của hàng nghìn thước tường thành, họ bị đưa đi xa, thật xa, nhìn thấy trong chuyến hành trình những đoạn tường đã xây xong ở chỗ này hay chỗ nọ, đi qua những phố thị nơi những thượng quan sinh sống và được trao cho những huy hiệu danh dự, nghe tiếng reo hò của phu đoàn mới từ những miền sâu miền xa của đất nước, thấy rừng cây bị đốn hạ để phục vụ cho công cuộc xây tường thành, thấy núi non bị đẽo gọt thành đá tảng xây tường thành, nghe những bài kinh tụng thiêng liêng mà trong đó những người kính đạo cầu cho bức tường được hoàn thành. Tất cả những điều này làm vơi đi nỗi bồn chồn trong họ. Cuộc sống bình lặng nơi quê nhà, nơi có lúc họ từng nán lại, tiếp cho họ thêm sức mạnh. Sự sốt sắng khiêm tốn khi người ta nghe những báo cáo tin tức của họ. Sự tự tin của những dân làng quen sống thanh bình luôn tin tưởng vào ngày công cuộc xây tường thành được viên mãn. Tất cả điều này thắt chặt thêm những sợi tâm hồn. Như những đứa trẻ ngập tràn hy vọng, họ từ giã quê hương xứ sở; ham muốn lại được lao động trên bức tường thành của đất nước trở nên không thể cưỡng lại được. Họ lên đường sớm hơn mức cần thiết; hơn nửa số dân làng tiễn họ một đoạn dài. Đám đông, với biểu ngữ và khăn choàng phấp phới, đều đổ ra đường. Chưa bao giờ họ thấy đất nước mình vĩ đại, trù phú, xinh đẹp, và đáng yêu đến thế. Mỗi đồng bào đều là anh em, mà vì họ, người ta xây tường thành bảo vệ, và cũng chính họ sẽ đáp lại công ơn ấy bằng cách cảm tạ suốt kiếp với tất cả những gì họ có. Đoàn kết! Đoàn kết! Vai kề vai, những vòng tròn gồm những anh em, một dòng máu không còn bị giới hạn trong vòng tuần hoàn nhỏ hẹp của một cơ thể, mà ngọt ngào cuộn trào và trở về suốt cõi Trung Hoa vô tận.
Vậy nên, hệ thống xây tường thành từng phần cũng có thể hiểu được, nhưng người ta chọn cách này còn là vì những lẽ khác nữa. Chẳng có gì lạ khi tôi cứ vòng vo Tam Quốc với câu hỏi này lâu như thế; dù thoạt nhìn có vẻ không quan trọng, đây lại là một trong những vấn đề then chốt nhất trong toàn bộ đại cuộc xây tường thành. Nếu tôi truyền đạt và khiến cho những quan điểm và cảm nhận trở nên dễ hiểu vào lúc ấy, tôi sẽ không đào đủ sâu vào câu hỏi này.
Trước hết, cần phải nói rằng, vào thời đó, những thành tựu đạt được không thua kém gì công trình tháp Babel, nhưng do thánh thần thuận ý, hay ít nhất cũng là theo tính toán của con người, chúng lại khác xa công trình này. Tôi nói điều này là bởi trong những ngày đầu xây cất, có học giả nọ viết một quyển sách mà trong đó, ông đã làm phép so sánh một cách triệt để. Trong sách, ông cố gắng chứng minh tháp Babel không đạt được mục tiêu của nó, không phải bởi lý do thường được người ta nhắc đến, hay ít nhất là trong những lý do chúng ta đã biết, lý do quan trọng nhất vẫn chưa được tìm ra. Bằng chứng của ông không chỉ được trích lục từ sách vở, tấu sớ; ông còn điều tra trên thực địa, và đã khám phá ra rằng tòa tháp không thành, và sẽ sụp đổ, là do phần nền yếu kém. Về mặt này thì dầu sao đi nữa, thời đại của chúng ta cũng vượt trội hơn hẳn thời xa xưa ấy. Hầu như mỗi người có học thức trong thời đại chúng ta đều là một thợ đá chuyên nghiệp và tài đắp nền thì không thể nào có sai sót được. Tuy nhiên, đó không phải là điều mà học giả muốn chứng minh; bởi chính ông cho rằng chỉ riêng Vạn Lý Trường Thành, lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, cũng sẽ làm phần nền vững chãi cho một tòa tháp Babel mới. Tiên thành, hậu tháp. Lúc ấy, hầu như ai cũng có trong tay quyển sách ấy. Nhưng tôi phải thừa nhận rằng, ngay đến tận bây giờ, tôi vẫn không sao hiểu được ông ta hình dung về tòa tháp ấy ra sao. Làm sao một bức tường thành, thậm chí còn chưa giáp một vòng tròn, mà chỉ vỏn vẹn một phần tư hay một nửa vòng tròn, lại có thể làm nền cho một tòa tháp được? Rõ ràng chuyện ấy chỉ được hàm ý về mặt tinh thần thôi. Nhưng nếu như thế thì làm sao phải xây một tường thành thật sự, rốt cuộc cũng là một thứ hữu hình, là kết quả làm lụng cả đời của hàng trăm ngàn người? Tại sao trong sơ đồ của tòa tháp mà người ta phải thừa nhận rằng có phần mơ hồ, lại có những phác thảo và đề xuất chi tiết nhằm huy động nhiều sức người cho một công trình mới mẻ và kỳ vĩ như thế?
Thời ấy, người ta có thể nghĩ ra những ý tưởng điên rồ – cuốn sách của vị học giả kia chỉ là một ví dụ – có lẽ là vì có quá nhiều người muốn cùng chung tay vì một mục đích duy nhất. Bản chất con người, thuần dễ thay đổi, không ổn định tựa cát bụi, không chấp nhận bị kìm hãm. Nếu bản chất ấy giam cầm chính mình, sớm muộn gì nó cũng sẽ điên cuồng xé toạc những tường chắn, những xiềng xích ấy, thậm chí cả bản thân nó.
Có thể những điều trên, dẫu đặt ra bao điều bất lợi cho công cuộc xây tường thành, đã được những vị thượng quan cân nhắc khi đi đến quyết định chọn hình thức xây tường thành theo từng phần. Chúng tôi – ở đây tôi xin nói thay lòng trăm vạn người khác, không hề biết đến những điều ấy cho đến khi mổ xẻ tỉ mỉ những chiếu chỉ từ những vị thượng quan, khi chúng tôi khám phá ra rằng, nếu không có thượng quan, cả những gì học được qua sách vở hay những lý lẽ ở đời cũng không đủ để chúng tôi thực hiện những nhiệm vụ hèn mọn góp vào cả đại cuộc. Trong phòng làm việc của thượng quan, phòng làm việc ấy ở đâu và ai ngồi ở đấy, tôi đã hỏi nhưng không ai biết. Trong phòng làm việc ấy, người ta có thể quả quyết rằng mọi tư tưởng hay ước mong của con người đang xoay vòng, trong khi những mục đích và thành tựu lại xoay theo chiều ngược lại. Qua khuôn cửa sổ, bóng hình phản chiếu của một thế giới trác tuyệt phả xuống đôi tay của những viên lãnh đạo khi họ họa nên sơ đồ.
Vì lẽ đó, một người quan sát chính trực sẽ khước từ quan niệm cho rằng nếu những thượng quan nghiêm túc muốn xây tường thành một cách liên tục, họ sẽ không thể nào vượt qua những khó khăn, trở ngại. Vậy nên, chỉ có thể kết luận rằng họ đã chủ ý lựa chọn xây tường thành theo từng phần. Nhưng xây theo từng phần chỉ là giải pháp chắp vá và do đó không phù hợp. Vậy thì kết luận này nghĩa là thượng quan lại muốn làm điều phi thực tế. Thật là một kết luận kỳ khôi! Đúng là thế, nhưng ở một khía cạnh khác, kết luận này lại có lý.
Giờ thì có lẽ người ta có thể bàn về chuyện ấy mà không phải sợ tai bay vạ gió. Vào thời điểm ấy, đối với nhiều người, cả những người giỏi nhất, cũng có một nguyên tắc bí mật: Hãy cứ cố gắng hết sức để hiểu được sắc lệnh của thượng quan, nhưng cùng lắm cũng đến một chừng mực nào đó thôi; thế là xong, đừng suy tưởng gì thêm. Một nguyên tắc rất thông minh lại có cách diễn giải sâu rộng hơn hẳn trong dị bản thường được nhắc của mình: Đừng suy tưởng thêm, nhưng không phải vì làm thế sẽ nguy hiểm; mà thực sự là làm thế chẳng nguy hiểm chút nào cả. Có nguy hiểm hay không không liên quan gì đến vấn đề này. Cứ nghĩ đến con sông xuân mà xem. Nước sông dâng cao, chảy mạnh hơn, làm đôi bờ sạt lở, mà vẫn xuôi dòng hướng về biển, nơi nó được đón nhận như thể một đồng minh xứng đáng hơn. Hãy nghĩ về những sắc lệnh ở chừng mực như thế. Nhưng sau đó sông đổ tràn bờ, mất hình lạc dạng, giảm tốc độ dòng chảy để chống lại định mệnh của mình mà tạo nên những biển nội địa nhỏ bé, tàn phá ruộng đồng, nhưng nỗ lực bành trướng của nó cũng không thể bền lâu. Nó lại phải trôi giữa đôi bờ, thậm chí trên thực tế còn bị khô cạn trong khốn khổ vào những mùa nóng kéo theo. Đừng suy tưởng về những sắc lệnh đến mức độ ấy.
Dù cách nói này vô cùng hợp lý trong suốt quá trình xây dựng tường thành, nhưng nó lại chẳng liên quan gì nhiều đến bài luận này của tôi. Vấn đề của tôi đơn thuần mang tính lịch sử, không còn những chớp nháng từ đám mây tích lôi vốn đã biến mất từ lâu. Vì vậy, tôi có thể mạo hiểm khám phá nguyên cớ vì đâu lại có cách xây dựng từng phần, đi sâu hơn lời lý giải mà trước đây người ta vẫn đồng thuận. Giới hạn mà năng lực tư duy đặt ra cho tôi còn hạn hẹp, mà lĩnh vực mà tôi sắp băng qua thì thật vô hạn. Vạn Lý Trường Thành sẽ bảo vệ bá tánh khỏi ai? Khỏi dân phương Bắc. Tôi đến từ miền Đông Nam Trung Hoa, dân phương Bắc không thể nào tàn hại chúng tôi ở đó cả. Chúng tôi đọc về họ trong thư tịch của cổ nhân. Những tội ác mà những người đó làm theo bản chất của họ chỉ khiến chúng tôi thở dài dưới hàng cây thanh bình của mình. Trong những bức họa đầy chân thực của các họa sĩ, chúng tôi thấy được dung mạo của lũ khốn kiếp, với những cái miệng rộng ngoác, những chiếc răng nhọn hoắt chìa ra, đôi mắt khép hờ trông như đang tìm kiếm nạn nhân mà hàm răng kia sẽ ngấu nghiến. Khi con chúng tôi ngỗ ngược, chúng tôi cho chúng xem những bức tranh này, bọn nhóc sẽ ngay lập tức sà vào cánh tay chúng tôi mà khóc. Nhưng chúng tôi không hề biết gì thêm về dân phương Bắc. Chúng tôi chưa từng gặp họ, và nếu chúng tôi cứ quanh quẩn mãi trong cái làng này, chúng tôi sẽ chẳng bao giờ gặp họ, cho dù họ có cưỡi ngựa một mạch đến thẳng chỗ chúng tôi thì cũng không gặp được – đất nước chúng tôi mênh mông quá, hẳn không để họ đến được đây đâu, rốt cuộc thì họ cũng trôi vào hư không mà thôi.
Nếu đã vậy, sao chúng tôi vẫn rời bỏ nhà cửa, bỏ dòng suối với cây cầu bắc ngang, bỏ lại mẹ cha, bỏ lại những người vợ than khóc, bỏ lại đàn con cần được chăm lo, đi về một miền xa để được dạy việc, với tâm trí luôn nghĩ về bức tường thành phương Bắc, thậm chí còn xa hơn? Tại sao? Hãy hỏi những thượng quan. Lãnh đạo biết về chúng tôi. Họ, những người đắm mình trong mối lo chung, hiểu chúng tôi, hiểu những mối lo nhỏ nhặt của chúng tôi, nhìn chúng tôi ngồi cùng nhau trong những căn chòi ọp ẹp, và chấp thuận hay không chấp thuận những lời nguyện cầu mà cha cả[1] thường rao tụng vào buổi tối khi những người thân trong gia đình quây quần quanh ông. Và nếu tôi được phép nói lên quan điểm ấy của mình về những thượng quan, tôi xin thưa rằng, theo thiển ý của tôi, guồng máy lãnh đạo đã hiện diện từ trước. Guồng máy ấy không được tập trung như thể một đám quan lại được triệu tập gấp gáp đến một buổi họp vì hảo mộng của ai đó về tương lai, rồi lại đi đến kết luận chóng vánh, để rồi đêm đến, bá tánh bị gõ cửa, bị lôi ra khỏi giường để thi hành những điều đã được định đoạt, thậm chí khi điều ấy chẳng là gì ngoài việc thắp nên một ánh đèn lồng vinh danh đấng thần linh phù hộ cho những đấng quân vương của họ vào hôm trước, để rồi khi ánh đèn thoắt lụi tàn, lại đánh đập họ ra bã ở một góc tối nào đó vào ngày hôm sau. Trái lại, tôi nghĩ những thượng quan vẫn luôn hiện diện, cả quyết định xây dựng tường thành cũng như thế. Những dân tộc ngây thơ từ phương Bắc nghĩ rằng họ chính là nguyên do của việc này! Hoàng đế thật thà, ngây ngô nghĩ mình là người ban ra lệnh ấy! Những phu xây như chúng tôi biết không phải vậy, nhưng phải giữ mồm giữ miệng.
Nghe trên Spotify:
* * *
Thậm chí trong quá trình xây dựng, rồi sau đó, đến tận bây giờ, tôi dành trọn cuộc sống của mình cho duy nhất một điều là lịch sử của các dân tộc. Có những câu hỏi mà người ta, ở một chừng mực nào đó, chỉ có thể đào xới đến tận cội rễ nếu làm như vậy. Bằng cách này, tôi đã phát hiện người Trung Hoa sở hữu những thể chế nhà nước và xã hội nhất định, có cái đặc trưng bằng sự rõ ràng, số khác lại đặc trưng bằng sự mơ hồ. Niềm khao khát tìm cho ra nguyên nhân của những hiện tượng này, nhất là những cái mơ hồ, đã luôn hấp dẫn tôi, và hiện vẫn thế, và việc xây tường thành có liên quan cốt lõi đến những vấn đề này.
Giờ thì, một trong những thể chế mơ hồ nhất mà chúng ta đang có chính là bản thân đế chế này. Ở Bắc Kinh, ngay trong triều, ta có thể tìm thấy chút sáng tỏ, dù chúng có vẻ rõ ràng hơn cả chính sự thật. Và những bậc thầy dạy môn lịch sử và pháp luật ở các trường đại học tuyên bố rằng họ biết chính xác những vấn đề này và sẵn sàng truyền đạt kiến thức ấy đến học trò của mình.
Nếu đi xuống những cấp học thấp hơn, thì cũng dễ hiểu khi người đó thấy những hoài nghi về tri thức của người học ngày một phai nhạt. Và một nền giáo dục thiển cận dâng cao như núi quanh những nguyên tắc đã ăn sâu vào tâm trí người ta hàng thế kỷ, những nguyên tắc mà dù giá trị chân lý vĩnh hằng của chúng vẫn không bị sứt mẻ gì, nhưng vĩnh viễn sẽ không ai nhận ra chúng giữa màn sương mù mịt.
Nhưng theo thiển ý của tôi, chính đế chế này mới là điều chúng ta nên hỏi đến bá tánh, bởi suy cho cùng, họ chính là nhân tố chống đỡ cuối cùng của đế chế. Quả thật là về vấn đề này, lại một lần nữa tôi chỉ có thể nói về quê hương mình. Ngoại trừ những đấng thần linh trời đất và những lễ tục thờ cúng họ, vốn đã dàn trải khắp cả năm với bao nét tươi đẹp và đa dạng, thì chúng tôi chỉ nghĩ đến Hoàng đế. Nhưng không phải là đương kim Hoàng đế. Phải chi chúng tôi biết đương kim Hoàng đế là ai hay biết được điều gì cụ thể về ngài thì chúng tôi còn biết đường mà bàn. Chúng tôi luôn cố gắng tìm hiểu về ngài, đấy cũng là cái thú tò mò duy nhất khiến chúng tôi thỏa mãn, nhưng dù điều này nghe rất lạ, hầu như chúng tôi không thể tìm được gì, ngay cả từ dân hành hương, những người đã đi qua nhiều miền đất nước, từ làng gần đến bản xa, hay từ những người thủy thủ, dù họ không chỉ chèo thuyền trên những con suối nhỏ của chúng tôi mà cả trên nhiều con sông thiêng khác. Quả thật chúng tôi nghe được rất nhiều thứ, nhưng không đúc kết được gì cụ thể cả.
Đất chúng tôi mênh mông quá, đến mức không một câu chuyện cổ tích nào có thể chống chọi lại sự rộng lớn ấy. Trời cũng khó lòng bao quát hết được. Và Bắc Kinh cũng chỉ là một cái chấm trong đó, hoàng cung thậm chí còn nhỏ hơn cả một cái chấm. Tuy nhiên, trong vạn tầng lớp trên thế giới này, Hoàng đế chí tôn. Nhưng vị hoàng đế đang sống, cũng là người trần mắt thịt như chúng tôi, cũng nằm trên chiếc giường thoải mái như chúng tôi. Tất nhiên cái giường ấy cũng có thể nhỏ và hẹp. Cũng như chúng tôi, ông ấy vươn vai, và khi mệt, ông ấy cũng ngáp bằng đôi môi được khắc họa tinh tế. Nhưng làm sao chúng tôi biết được điều ấy khi đang ở cách hàng nghìn dặm về phương nam, gần như tiếp giáp với Cao nguyên Tây Tạng? Bất kì điều truyền tụng nào, nếu có đến được chỗ chúng tôi, cũng đã quá trễ, chúng đã trở nên lỗi thời từ lâu rồi. Hoàng đế thì lúc nào cũng được vây quanh bởi đám quân thần hào nhoáng mà bí hiểm – dã tâm và căm hận khoác lên mình tấm da bằng hữu và tôi trung – tạo nên một đối trọng với đế quyền, và thường sẽ nỗ lực để phế truất quân vương bằng những mũi tên độc. Đế chế bất tử, nhưng Hoàng đế thì chao đảo và ngã khỏi ngai vàng. Đúng thế, cả vương triều chìm vào hồi kết và hấp hối trút hơi thở cuối cùng. Những tranh đấu và khổ ải này sẽ chẳng có ai trong bá tánh hiểu được. Như những kẻ đến muộn, như những người lạ trong thành, họ đứng bên lề đường đông đúc, nhâm nhi thức ăn mang theo bên mình, trong khi đằng xa xa trước mặt, ngay giữa sân chợ ngay trung tâm của thành này, người ta đang hành quyết kẻ từng là quân vương.
Mối quan hệ này được thể hiện rất rõ trong một truyền thuyết.
Người mà họ gọi là Hoàng đế, trong giờ phút hấp hối, ban cho bạn, chỉ mình bạn thôi, một thánh chỉ. Bạn, một con người nhỏ bé, một cái bóng mờ nhạt ở một nơi cách xa ánh dương Đế chế đến vời vợi. Ngài ra lệnh cho sứ giả quỳ bên giường mình và thì thầm thánh chỉ vào tai anh. Ngài nghĩ những lời ấy rất hệ trọng nên đã ra lệnh cho sứ giả phải thì thầm lại những lời ấy vào tai mỉnh. Ngài xác nhận những điều được lặp lại là đúng bằng một cái gật đầu. Trước mắt những người đến chứng kiến giây phút ngài băng hà – mọi bức tường chắn đã bị đánh sập và những nhân vật quyền uy nhất của đế chế đang đứng thành một vòng tròn trên những bậc thang rộng và cao – trước tất cả những người này, ngài đã truyền lại thánh chỉ. Sứ giả tức tốc lên đường; một người mạnh mẽ và không biết mỏi mệt. Thúc cánh tay phải, quờ cánh tay trái, sứ giả lần qua được đám đông. Nếu gặp chống đối, anh chỉ việc chỉ vào ngực mình, nơi đặt một huy hiệu ánh dương. Nhờ vậy mà chặng đường thiên lý với anh cũng dễ dàng hơn so với những người khác. Nhưng người thì quá đông, nhà cửa thì bất tận. Nếu gặp đồng trống, anh sẽ phi nhanh đến nhường nào, và chẳng bao lâu bạn sẽ nghe được tiếng anh ta nện trên cửa nhà mình. Nhưng thay vì vậy, anh ta lại hao tổn sức lực của mình một cách công cốc. Anh vẫn đang cố băng qua những tư phòng trong chốn thâm cung mà chẳng bao giờ đến được điểm dừng; mà có làm được thì anh cũng chẳng gặt hái được điều chi. Anh phải tiếp tục tìm đường xuống những bậc thang; mà có làm được thì anh cũng chẳng gặt hái được điều chi. Vẫn còn những sân triều chờ anh vượt qua; băng qua sân triều, anh lại đến một cung điện khác; lại là những bậc thang, những sân triều, rồi lại đến một cung điện khác; cứ hàng nghìn năm như thế; và nếu như rốt cuộc anh có lao mình đến được cánh cổng ngoài cùng – mà chuyện ấy sẽ không bao giờ xảy ra, trước mắt anh vẫn còn có kinh đô – cái trung tâm của cả thiên hạ, chất đầy những thứ rác rưởi lắng đọng. Không ai có thể băng qua nổi nơi này, thậm chí khi mang theo mình thánh chỉ của một người đã khuất. Nhưng bạn thì vẫn ngồi bên cửa sổ khi hoàng hôn buông xuống, mơ về thánh chỉ ấy.
Đó cũng là cách bá tánh nghĩ về Hoàng đế, vô vọng và tràn đầy hy vọng. Họ không biết hoàng đế nào đang ngự trên ngai, thậm chí còn ngờ ngợ tên của vương triều. Ở trường học, người ta dạy rất nhiều thứ về vương triều hết ngày này qua tháng nọ, nhưng sự bất định về chúng lớn đến mức cả những học trò giỏi nhất cũng cảm thấy bối rối. Ở những ngôi làng của chúng tôi, những hoàng đế đã băng hà từ lâu lại được đặt lên ngai vàng, những hoàng đế vốn chỉ có trong thơ ca cách đây không lâu lại vừa truyền bố cáo, được các thầy tu đọc dõng dạc trước gian thờ. Những trận chiến từ cổ sử xa xôi nhất nay vừa được châm ngòi, với gương mặt ngời ngời của người hàng xóm đang xông vào nhà để báo tin chiến trận cho bạn. Những phi tần được cưng chiều trên gối lụa chăn nhung, bị triều thần làm cho sa đọa khỏi lễ nghi cao quý, lòng tham ngày thêm mãnh liệt, dục cuồng ngày một quá độ[2], sẽ còn làm những chuyện tàn ác hết lần này đến lần khác.
Họ càng bị vùi chôn trong quá khứ bao lâu, thì những sắc màu ấy càng tỏa sáng khủng khiếp bấy nhiêu. Cả làng chúng tôi đã thét lên thống thiết nhường nào khi nghe được chuyện một hoàng hậu cách đây hàng nghìn năm từng uống ực máu chồng mình.
Và đó là cách dân làng chúng tôi nhìn nhận những hoàng đế đã băng hà, nhưng lại nhầm lẫn quân vương hiện tại với những đấng đã khuất. Nếu có một lần, chỉ một lần, nào đó trong đời người, có một vị đại thần, trong chuyến thị sát đến các châu quận, tình cờ ghé qua làng của chúng tôi, nhân danh triều đình truyền lại một bố cáo nào đó, kiểm kê danh sách các loại thuế má, kiểm tra lũ học trò, chất vấn những thầy tu về những gì chúng tôi đã làm và đời sống của chúng tôi. Trước khi bước lên kiệu, viên đại thần đó tóm gọn lại đánh giá của mình trong một bài bố cáo dài ngoằng trước đông đảo dân làng. Đến lúc ấy, mặt ai cũng nở một nụ cười, mọi người bí mật nhìn nhau, rồi bắt đám con nít cúi người, cốt không để cho viên đại thần thấy mặt họ. Họ nghĩ, tại sao viên đại thần có thể nói về một người đã khuất như thể người này vẫn còn sống. Vị hoàng đế này đã băng hà từ lâu, vương triều này đã suy tàn, viên đại thần này chắc đang làm trò với chúng tôi. Nhưng chúng tôi vẫn cứ ra vẻ như mình không biết gì để không làm phật ý đại thần. Tuy nhiên, nghiêm túc mà nói, chúng tôi chỉ phụng sự duy nhất đấng quân vương hiện tại, làm trái tức là mang trọng tội. Phía sau chiếc kiệu của vị đại thần đang rời đi thật nhanh, một người nào đó, hoặc một thứ gì đó ngẫu nhiên được chọn làm quân vương của dân làng, bất ngờ trồi lên từ một chiếc bình đã vỡ nát thành tro bụi.
Tương tự, như một thông lệ, bá tánh chúng tôi không bị tác động gì từ các cuộc cách mạng chính trị hay những cuộc chiến tranh đương đại. Tôi nhớ lại một chuyện lúc mình còn trẻ. Tại một châu tuy lân cận nhưng xa xôi, khởi nghĩa nổ ra. Tôi còn chẳng nhớ nguyên nhân từ đâu mà khởi nghĩa, hơn nữa điều ấy cũng chẳng quan trọng. Ở châu ấy, hằng ngày, người ta đều có cớ để nổi dậy. Bọn họ thật là những người cuồng nhiệt. Vào dạo nọ, một gã ăn xin đi qua châu ấy mang truyền đơn của phe khởi nghĩa đến nhà cha tôi. Hôm ấy là ngày nghỉ. Phòng khách nhà chúng tôi toàn là khách khứa. Vị thầy tu ngồi ở giữa và nghiền ngẫm truyền đơn. Đột nhiên mọi người phá lên cười, truyền đơn bị xé thành từng mảnh vụn một cách vô cùng khó hiểu, gã ăn xin được tưởng thưởng hậu hĩnh, nhưng lại bị đánh đuổi ra khỏi nhà. Khách khứa giải tán để tiếp tục tận hưởng một ngày thật tươi đẹp của mình. Tại sao? Thứ phương ngữ của châu lân cận có những khác biệt cơ bản so với phương ngữ của chúng tôi. Sự khác biệt này thể hiện ở một số dạng thức nhất định trong ngôn ngữ viết, với các kí tự mà đối với chúng tôi là rất cổ xưa. Vị thầy tu đọc chưa hết hai trang[3] thì chúng tôi đã đi đến kết luận. Chuyện xưa đã nghe từ lâu, nỗi đau xưa nay đã được hàn gắn. Và dù – theo những gì tôi còn nhớ – một cuộc sống đầy khổ ải được gã ăn xin kể lại đến mức không tài nào chối cãi, chúng tôi cứ cười, lắc đầu, và từ chối nghe tiếp. Đó là cách chúng ta luôn sẵn sàng xóa bỏ thực tại.
Từ những thực trạng này, nếu có ai đó muốn rút ra kết luận rằng chúng tôi, về căn bản, hoàn toàn không có Hoàng đế, người ấy cũng không còn cách sự thật bao xa. Tôi cần phải lặp đi lặp lại điều này: Có lẽ không ai trung thành với Hoàng đế hơn dân phương Nam chúng tôi, nhưng Hoàng đế cũng không hưởng chút lợi gì từ lòng tôi trung của chúng tôi cả. Đúng là trên đường ra khỏi làng chúng tôi có một cây cột, trên đó có một con rồng đang chễm chệ. Mà theo như những gì người ta có thể nhớ được, con rồng ấy thở ra làn hơi đỏ rực hướng thẳng về Bắc Kinh với lòng tôn kính. Nhưng đối với người trong làng, Bắc Kinh còn xa lạ hơn cả thế giới khác. Liệu thực sự có ngôi làng nào mà ở đó nhà cửa san sát nhau, bao quanh ruộng đồng, vượt khỏi những gì chúng ta có thể thấy từ đỉnh đồi, với những con người, vai kề vai, đứng giữa những căn nhà hết ngày lại đêm? Thay vì tưởng tượng ra một nơi như thế, sẽ dễ dàng hơn cho chúng tôi khi tin rằng Bắc Kinh và Hoàng đế là một thứ gì đó như mây, êm đềm trôi dưới ánh mặt trời cùng tuế nguyệt.
Hệ quả của những ý kiến như thế là một cuộc sống khá tự do và không bị gò bó. Dù không có ý gì là xấc xược, quả thật tôi chưa từng bắt gặp được ai trong suốt hành trình của mình có phẩm hạnh thuần khiết như dân làng của tôi. Nhưng đó lại là một cuộc sống không bị đặt dưới luật lệ đương thời mà chỉ sống theo những lời răn dạy từ đời xưa truyền lại.
Tôi không ủng hộ chuyện đánh đồng và cũng không khẳng định rằng những điều như thế đều diễn ra ở mười nghìn ngôi làng trong châu của tôi, hay thậm chí, trong năm trăm châu quận của đất nước Trung Hoa. Nhưng theo nhiều thư tịch về chủ đề này mà tôi từng đọc được, cũng như sơ bộ những gì tôi mục kích, nhất là từ khi có công cuộc xây dựng tường thành, với nhu cầu nhân lực to lớn, trao cho một con người đa cảm cơ hội kinh qua hồn cội của mọi châu quận – hẳn tôi có thể thành thật khẳng định lòng tôn kính Hoàng đế vẫn luôn là nét cơ bản trong khắp bá tánh, cũng y như ở làng chúng tôi. Tuy nhiên, giờ tôi không hề có mong muốn coi thái độ ấy như một đức tính tốt. Quả thật, triều đình mới là nơi chịu trách nhiệm cốt lõi về việc này. Triều đình của đế chế cổ xưa nhất cho đến nay đã không thể phát triển, hay đã phớt lờ chuyện phát triển, thể chế của đế chế sao cho rõ ràng để nó có thể phát huy hiệu quả ngay lập tức và liên tục đến tận những tiền tuyến xa xăm của đế chế. Nhưng mặt khác, vẫn còn điểm yếu nằm ở lòng tin và sức tưởng tượng của con người, khiến họ không thể kéo cả đế chế ra khỏi trạng thái trì trệ ở Bắc Kinh, cũng như khiến nó trở thành một phần quan trọng và hiện hữu trong tim những người vốn không cầu mong gì hơn ngoài việc được cảm nhận cái chạm đó để rồi chết đi.
Thái độ này không thể nào thành một đức tính tốt. Đáng nói hơn cả, có lẽ điểm yếu này chính là một trong những cách quan trọng nhất để thu bá tánh chúng tôi về một mối. Thật vậy, nếu có ai đó dám diễn đạt theo hướng này, thì đó chính là cái nền mà chúng tôi đang sống trên đó. Mổ xẻ vì sao chúng tôi lại có điểm yếu này không chỉ làm thâm tâm chúng tôi bất an, mà còn tệ hơn, làm đôi chân chúng tôi run rẩy. Vì lẽ đó mà tôi không muốn đào sâu hơn những vấn đề này trong thời điểm hiện tại.
Nghe trên Soundcloud:
Miên Túc dịch
(Dịch từ bản tiếng Anh “The Great Wall of China” của Willa và Edwin Muir, 1946, có tham khảo nguyên tác tiếng Đức trên trang https://de.wikisource.org/wiki/Beim_Bau_der_Chinesischen_Mauer_(1931) và bản dịch tiếng Anh của Ian Johnston trên trang http://www.kafka-online.info/the-great-wall-of-china.html)
[1] Nguyên văn của Kafka là “Hausvater.” Trong bản dịch của Willa và Edwin Muir, cũng như của Ian Johnston, chữ này là “father of the house.”
[2] Trong bản dịch tiếng Anh của Willa và Edwin Muir, cụm này là “uncontrollable in their lust.” Trong bản dịch của Ian Johnston, cụm này là “excessive in their lust.” Bản gốc của Kafka thì viết là “ausgebreitet in Wollust.” Xét về nghĩa thì chữ dùng trong bản dịch của Ian Johnston sát bản gốc hơn. Ở đây dịch theo chữ “excessive.”
[3] Trong bản dịch của Willa và Edwin Muir, chữ được dùng là “two lines.” Bản dịch của Ian Johnston, chữ này là “two pages like that.” Trong nguyên văn, Kafka viết “zwei derartige Seiten.” Ở đây dịch theo bản của Ian Johnston để sát nguyên văn nhất.
Người góp chữ
Miên Túc
Một người tẻ nhạt.
Leave a Reply