Đi cùng Bruno Schulz

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi
Thời gian đọc: 23 phút

(Bài viết thuộc Zzz Review số 6, 31-7-2019)

1.

Ngụp vào dòng nước đục của Bruno Schulz, tôi để nó thấm qua thế giới; đi qua những dòng chữ đầy kỳ ảo, biến chuyển phức tạp của ông, tôi nảy sinh ham muốn được chìm trong nỗi mặc cảm của những bí mật lén lút, của bóng tối nơi Sáng Thế không thể vươn trọn, bao quanh sự hỗn độn không phải là vô-hình-thức, mà chỉ đơn giản là nơi ý nghĩa của hình thức chìm lẫn vào những cơn hứng khởi, những mối lo sợ khác. Đọc Bruno Schulz, lòng bồn chồn được thắt lại bằng những nút thắt của thực tại. Ông nới rộng cái nhìn của tôi trước sự vật qua những liên tưởng kỳ thú nhưng không hề thiếu sự chính xác đến tài tình. Trong giây phút, tôi những muốn đòi hỏi thực tại nở bung ra những bí mật trong cái nhìn mới, để rồi cảm thấy bất lực trong trận địa của liên tưởng, ngã vào sau những câu chữ một lần nữa, và nhận ra ý nghĩa khi Schulz viết: “Thực tại là bóng của ngôn từ” (Schulz, Letters 117).

Bủa vây bởi những từ. Vậy, cái hấp dẫn đầu tiên của Bruno Schulz đã rõ: đi theo tôn chỉ mà Jacob, nhân vật người bố, Đấng tạo hóa nghiệp dư, tuyên bố—“Bớt đi nội dung và nhiều lên hình thức!”—Schulz dựng lên những hình ảnh mới mẻ của vật chất hòa lẫn vào những tiềm năng, những hình thức chưa được nhận ra, không chính thức, của sự vật. Chúng sẽ lùng bùng lên men tạo thành một thực tại đặc, và các vật, đôi khi là kết quả của những biến hóa dị lệch, được lưu giữ trong các vẻ trạng chồi mới ở vùng đất văn chương. Được giải thoát khỏi hình thức bề mặt, chúng cất lên sự hiện diện được ghi dấu lại bởi các thuộc tính, các liên tưởng kỳ thú, trong cái nhìn khoảnh khắc sâu kín, tỉ mỉ, đầy khoái cảm của Schulz (nhà văn này rất ngưỡng mộ tập Thơ mới của Rilke).

Cái nhìn sâu sắc của Bruno Schulz bao trùm lên cả những tính chất tưởng như vô hình, kết lại thành từ ngữ, bởi vì “gọi tên cái gì đồng nghĩa với việc đưa nó vào Nghĩa (sense) phổ quát” (Schulz, Letters 115). Mà bản chất của thực tại, đối với Schulz, là Nghĩa. Ở đây khía cạnh mà Schulz nói tới là making sense, khía cạnh nhận thức, lĩnh hội. “Nghĩa là yếu tố lôi kéo con người vào quá trình nhận thức” (115). Vì thế, Sense dịch đúng là Nghĩa (Schulz cũng coi sense đồng nghĩa với meaning).

Ra nghĩa thì sẽ có hướng. “Đối với chúng ta, một thứ thiếu Nghĩa không phải là thực tại” (115). Tức là, tinh thần văn chương của Bruno Schulz, vượt qua sự nghiêm chỉnh của hình thức, mang một tính chất đặc biệt khách quan trong cái nhìn theo cảm năng cá nhân. Ở trạng thái lý tưởng, Schulz tôn trực giác, thụ quan, xúc cảm của mình lên một tầm quan trọng và sắp xếp thế giới qua những nghĩa nó trình ra cho cái trực tâm này. Thế giới được áng chừng, và dựng lên đúng với tầm vóc của nó.

Việc nhìn mọi thứ theo mặt nghĩa đưa ta tới một lập luận quan trọng về ngôn từ: “Sự sống của một từ nằm ở việc căng dãn ra tới hàng ngàn mảnh nối, như con rắn bị cắt ra thành từng khúc trong truyền thuyết, những miếng khúc đi tìm lại nhau trong bóng tối” (116). Một chức năng độc quyền của văn chương và thơ ca là trả lại đầy đủ chiều kích của thế giới. Thậm chí, Schulz tin rằng “triết học thực chất là bác ngữ học, cuộc thám hiểm sáng tạo, sâu thẳm vào ngôn từ” (117). Sự vật được biến hóa, nhân cách hóa qua những biến chuyển của từ ngữ; huyền diệu khó tả, chúng chứa đựng bí ẩn không liên can tới giới hạn ‘thực tế’ của con người, ý hướng của chúng chỉ được nghiên cứu ở rìa, giữa các câu chữ. Những chuyển động trong các truyện ngắn của Bruno Schulz mang đầy bất ngờ, thoát khỏi mạch lý trí, mạch của thời gian và không gian.

“Nhưng nếu vì một nguyên do nào đó những giới hạn của thực tại thực dụng được nới lỏng, nếu ngôn từ, giải phóng khỏi sự kìm kẹp, được để yên cho khôi phục lại những luật lệ của nó, thì một sự trở ngược, một sự đảo ngược dòng, sẽ xảy ra; ngôn từ đấu tranh cho những mảnh nối cũ, muốn hoàn thiện bản thân với Nghĩa. Và sự đấu tranh của ngôn từ cho ma trận của nó, nỗi mong mỏi muốn trở về ngôi nhà nguyên thủy của những từ, chúng ta gọi đó là thơ ca” (116). Hướng của Bruno Schulz là trở về. Trở về nguyên thủy là đích hướng của việc trả lại cho thế giới đúng chiều kích của nó: đưa nó về chiều kích thần thoại. Một điều tự nhiên mà Schulz chỉ ra: “Không có mẩu ý tưởng nào của chúng ta mà không bắt nguồn từ những thần thoại, mà không phải thần thoại học đã bị biến đổi, cắt xén, làm cho biến chất” (116). Một câu truyện là một thần thoại được nhào nặn qua những tinh chất thế giới trào ra khỏi vỏ bọc của sự vật. Một từ là ma trận của một từ, nội dung của thực tại giải phóng trong trạng thái lên men, nảy mầm không ngừng. Nhà thơ đưa trả lại chuyển động cho những từ đã bị cắt xén một cách cứng nhắc cho nhu cầu thường ngày, và thế, nghệ thuật của ngôn từ kêu gọi ta thần thoại hóa thực tại, phá vỡ những ước lệ chính thống.

Những điều ở trên không thực sự phải nói kỹ đến nếu Bruno Schulz không biến hóa chúng từ những trải nghiệm riêng tư của mình. Những truyện ngắn trong hai tập Những cửa hiệu quế Viện điều dưỡng dưới đồng hồ cát đều là những tác phẩm mang tính tự truyện, hay nói như Schulz, chúng tượng trưng cho một bảng phả hệ tinh thần mà những gốc rễ của gia đình hòa với “những tiếng lẩm bẩm của cơn mê sảng thần thoại” (Schulz, Letters 114). Những người cổ xưa tin vào những truyền thuyết làm nên vạn vật và chính mình, còn Schulz đi tìm những câu truyện của gia đình để giải thích sự tồn tại của chính mình. Trong tiểu luận trả lời người bạn Stanisław Ignacy Witkiewicz, ông kể về những hình ảnh đã đến với ông thuở bé: một cỗ xe ngựa kéo gắn đèn lồng hiện lên trong đêm tối; một đứa trẻ được bao bọc trong lòng người bố giữa đêm sâu, nhưng bóng tối vẫn xuyên thấu và buông lời nham hiểm dụ dỗ mặc cho tiếng lòng của người bố. Hai hình ảnh này sẽ xuất hiện trong những khoảnh khắc sâu thẳm nhất của văn chương Bruno Schulz. Ở một bức thư trước khi Những cửa hiệu quế được xuất bản, Schulz còn nhắc tới một hình ảnh khác, hồi bảy tuổi, vẫn là một khu rừng trong đêm tối, Schulz tự thiến mình và ngay lập tức cảm giác tội lỗi, đày đọa ập xuống, cảm giác mà Schulz không bao giờ có thể quên. “Có những đoạn nghĩa được cắt ra cho chúng ta bằng cách nào đó, chờ đợi ta ngay trước ngưỡng cửa của sự sống […] Những hình ảnh này chung quy một mục tiêu, một bản định sắt của tinh thần, được dâng tới chúng ta rất sớm dưới hình thức của những báo điềm và trải nghiệm nửa mơ nửa tỉnh. Có lẽ đối với tôi cả cuộc đời này dành ra để giải thích những cái hiểu sâu sắc này, tách chúng ra thành từng mảnh nghĩa mà ta có thể tinh thông, kiểm tra chúng trong cái phạm vi trí thức rộng lớn nhất chúng ta có thể đặt ra” (113).

Trong truyện “Thời của thiên tài”, cậu bé Joseph đứng trước cái lò sưởi đang phun trào lửa, cảm nhận rõ ràng cái ngưỡng của mùa xuân phía ngoài cửa sổ; cậu lôi đống giấy và vẽ ra những sinh vật, như đang dàn xếp con thuyền của Noah. Cái tay ngoe nguẩy theo đường nét, những sinh vật tràn ra hình tượng cùng với ánh sáng chiếu vào những trang giấy. Một cuộc chiến, khốc liệt và man rợ, bọn nó không muốn bị bắt lại bởi đường nét do bàn tay không còn kiểm soát được của Joseph nhào nặn. Những sinh vật quái dị chen nhau chật ních trên mặt trắng, cất lên tiếng kêu đau đớn dưới ngòi bút tàn bạo. “Liệu chúng có đang chờ tôi đặt tên cho, phân giải cho những bí ẩn của chúng mà bản thân chúng không hiểu? Liệu chúng có đang hỏi tôi về tên của chúng, để nhập vào nó và lấp nó với bản chất của chúng?” (Schulz, Viện điều dưỡng dưới đồng hồ cát 26). Ở đây, ta hiểu rằng “thời của thiên tài” bắt đầu sau khoảnh khắc một đứa trẻ đón nhận một mệnh lệnh, một chỉ thị cao hơn. Thời thơ ấu tồn tại quanh những gốc rễ này, nó chìm vào trong những hình thức của bóng tối, những thần thoại, cảm thức thiên tài cắm sâu xuống vô-hình-thức, vượt qua ngoài yếu tố thời gian, và đi đến một thứ: sáng tạo. Truyện “Sách” (xuất hiện ở đầu Viện điều dưỡng dưới đồng hồ cát và trước “Thời của thiên tài”) thách thức Sáng Thế; Joseph luôn lưu giữ ký ức người cha Jacob lật qua lật lại Cuốn Sách, một Cuốn Sách thực thụ, nhưng về sau khi ông cố gắng dỗ đứa con về mảnh ký ức này bằng việc đưa nó cuốn Kinh Thánh, Jacob ngay lập tức thét: “Tại sao bố lại đưa con bản copy đểu, bản chép, bản làm giả vụng về này?” (10). Sáng tạo, như đã nói ở trên, là trả lại đúng chiều kích của thế giới. Ý nghĩa của sự sáng tạo sẽ được bàn kỹ trong thế giới của Schulz. Trong nỗi hoài nhớ về Cuốn Sách, Joseph đã biết rằng “Cuốn Sách là một thứ mặc nhiên tồn tại, rằng đó là một nghĩa vụ” (11). Bruno Schulz viết với niềm hy vọng rằng những trang sách của mình sẽ thuộc về Cuốn Sách thực thụ. Qua việc sáng tác hai tập truyện đặt dưới con mắt của cậu bé Joseph, Bruno Schulz thần thoại hóa thực tại, cái thực tại thấm đậm ký ức chất chứa ông bố Jacob huyền bí và nhút nhát, cô hầu gái Adela khỏe mạnh, điệu đà, và phù phiếm, người mẹ, những người họ hàng, những người làm công tại cửa hàng, căn nhà trên gác chất đầy những số phận gói gọn trong hình thức là những đồ vật tầm thường, nơi những miếng giấy dán tường thi thoảng rầm rì lạo xạo khi ánh sáng đã thoát, nơi trần nhà chứa đựng sự to lớn vĩ đại của bầu trời. Tất cả trú ngụ ở một nơi mà dưới ngòi bút của Bruno Schulz trở nên thật phi thường—thị trấn Drohobycz nơi ông sống xuyên suốt cuộc đời.

 

2.

Không quá khó để tìm hiểu những lý lẽ ở trên. Schulz có nhu cầu mãnh liệt muốn giải thích bản thân xuyên suốt sự nghiệp viết ngắn ngủi của mình: một bài tiểu luận trả lời người bạn Stanisław Witkiewicz, một trong những người đầu tiên ca ngợi Những cửa hiệu quế (“Tiểu luận cho S.I. Witkiewicz”, 1935); một bài tiểu luận đăng báo hai năm sau (“Thần thoại hóa thực tại”, 1936), một bài giới thiệu ngắn cuốn Những cửa hiệu quế gửi cho nhà xuất bản bên Ý, và còn những truyện ngắn không hề che giấu những tư tưởng của ông, “Thuyết luận về manơcanh”, “Sách”, “Thời của thiên tài”, “Xuân”. Mọi câu truyện của Schulz đều mang tinh thần phóng dụ, mơi gọi ý nghĩa, những mảnh nghĩa trích ra từ trải nghiệm cá nhân mà người ta hay ghép nó thành Thần Thoại Schulz Học. Hầu hết các nhà nghiên cứu đều thấy nỗi ám ảnh trở về của Schulz bắt nguồn từ việc từ chối thực tại. Nhưng chỉ có duy nhất Jaroslaw Anders nói rằng: thực ra, Schulz cũng cần Drohobycz. Ông đã nhận xét vô cùng chuẩn xác trong tiểu luận “Bruno Schulz: Tù nhân của thần thoại”: “Trí tưởng tượng của ông [Schulz] cần sự kích thích của những thứ thường ngày để thi hành màn de-familiarization và biến nó thành những phong cảnh ảo diệu cho những truyện kỳ ảo của ông.” (Anders, 11). Ở những bức thư gửi cho những người bạn nữ sau khi cuốn Những cửa hiệu quế được xuất bản, Schulz hiện lên một con người khổ sở, rầu rĩ lấn át những lý tưởng. Một đoạn trong bức thư Schulz gửi Romana Halpern:

“Có vẻ như thế giới, cuộc sống, chỉ quan trọng với tôi khi nó xuất hiện là những chất liệu thô cho sự viết của tôi. Khi tôi không thể dùng cuộc sống cho sáng tạo, hoặc là nó trở nên đáng sợ và nguy hiểm đối với tôi, hoặc là nó buồn chán muốn chết. Để duy trì tính hiếu kỳ, những thúc đẩy sáng tạo, để chiến đấu chống lại quá trình của chán chường và cằn cỗi—đây là những nhiệm vụ quan trọng và khẩn cấp nhất của tôi. Nếu không có sự thích thú, tôi sẽ rơi—còn sống—vào trạng thái bất tỉnh chết người” (Schulz, Letters 151).

Liệu đây có phải động cơ cho nhu cầu luôn luôn giải thích bản thân, luôn luôn đưa lý tưởng cá nhân vào trong những tác phẩm của mình, tạo cho nó một chuyển động sống, một sự áp đặt niềm tin khắc nghiệt lên cá nhân? Có phải đây là một nhu cầu mang ý nghĩa sống chết đối với Schulz, một con người chỉ có thể sống vì nghệ thuật? Sự lỏng của Bruno Schulz luôn luôn đi tìm hướng để duy trì sự tồn tại.

Witold Gombrowicz, nhà văn Ba Lan vĩ đại sống cùng thời với Schulz, người có tình bạn thân thiết với Schulz nhất mà không phải là phụ nữ, trong cuốn Nhật ký đã viết rằng nghệ thuật là thứ bao biện của Schulz trước sự sống, bởi vì Bruno Schulz không thực sống. Khuynh hướng khổ dâm thường thấy ở những bức họa của ông tiềm ẩn ham muốn tự hủy hoại chính mình: “Quỳ gối trước Tinh Thần, anh ta cảm thấy khoái cảm nhục dục. Anh ta muốn trở thành kẻ hầu hạ, không gì khác. Anh ta khao khát sự không tồn tại. […] Nội dung bị vấy bẩn, trở nên bệnh hoạn, ngấm ngầm đối địch, thần bí hóa, và thế giới tinh thần bị biến thành ảo ảnh khoái cảm hoàn toàn của màu sắc và ánh sáng, mục đích tinh thần của nó bị suy đồi. Thay tồn tại bằng nửa-tồn-tại, hoặc bằng bề mặt của tồn tại—đó là những giấc mơ lén lút của Schulz” (Gombrowicz, 524).

Có thể, sự trở về, ước muốn trả lại chiều kích cho thế giới của Schulz, chỉ là một sự bao biện kỳ vĩ cho việc chối bỏ thực tại và thả mình vào trong những khoái cảm của ánh sáng và màu sắc.

Đọc đến đây, chắc người ta nghĩ tôi đang sống trong cái thú xì-căng-đan của cuộc phát giác. Xì-căng-đan vì nó bàn đến một thứ mà không ai thực sự nói về Bruno Schulz ngoài Gombrowicz: khổ dâm. Khổ dâm, đau sướng, bạo động, điều này tương đối rõ, nó còn trần trụi nữa. Con người ốm yếu, bệnh tật liên miên, nhỏ bé, nhút nhát vô cùng, Bruno Schulz lúc nào cũng cảm thấy trần trụi trước thế giới. Giấc mơ lén lút của Schulz, nói chính xác hơn, là muốn lột trần mọi thứ, muốn xé toạc thực tại để cho các nguyên tử trỗi ra xì xầm vào nhau, xung hòa, xen lẫn nhau. Jacob người bố đã phát biểu: “Chúng ta, ngược lại, yêu tiếng kẽo kẹt, sự trì, sự lủng củng của nó. Chúng ta muốn thấy đằng sau từng cử chỉ, từng cử động, sự ì ạch, sự nỗ lực nặng nề, sự bất tiện thô kệch của chúng [nội dung]” (Schulz, Những cửa hiệu quế 40). Ở nghệ thuật, Schulz đi tìm một cuộc ân ái mãnh liệt, một sự hòa hợp tinh thần mà cơ chế của nó là bóp méo và liên kết lại thế giới xung quanh. Một lòng khao khát không tồn tại, nhưng mặt khác nó chính là quy chỉnh thế giới với sự tồn tại của chính mình (một kích thước thật?). Sự cằn cỗi không chỉ làm thâm yếu tâm hồn, nó hăm dọa Bruno Schulz trần trụi qua cái vỏ thực tại, nó là một nỗi sợ toàn vẹn, mà chỉ có những mảnh, những hướng trong những vách nhỏ, kẽ kín của thực tại giải thoát được.

Chống lại sự cằn cỗi, chống lại sự đời tẻ nhạt lúc nào cũng đè nén mình, một con người sinh ra không dành cho sự sống, có lẽ đó mới là chức năng thực sự của văn chương Bruno Schulz. Tôi nghĩ ông biết điều này. “[…] Người anh hùng lẻ loi chống lại sự tẻ nhạt căn bản, vô đáy, đang siết chặt thành phố. Không cần sự hỗ trợ, không cần sự ghi nhận từ phía chúng tôi, con người kỳ lạ tột bậc này bảo vệ cho sự vô ích của thơ ca.” Trong truyện “Thuyết luận về manơcanh”, Joseph đã nói về người bố Jacob như vậy sau phi vụ phối giống và ấp những quả trứng thành một vương quốc chim sặc sỡ, đa loài ở trên căn phòng áp mái của ông. Hình ảnh ông bố ngắm nghía những tranh vẽ màu trong cuốn sách điểu học, những hình thể như muốn trỗi dậy trong ánh nắng, làm tôi nghĩ đến chính Bruno Schulz.

Những đoạn trầm ngâm về số phận Manơcanh trong bảo tàng hay ở chợ của Jacob chỉ ra rõ hơn cho ta thấy mối quan hệ giữa trần trụi, nội dung, và hình thức số phận, đó là một hình ảnh tuyệt vời. “Nội dung không gây cười: nó luôn đầy sự nghiêm túc bi kịch. Ai dám nghĩ rằng các ngươi có thể chơi với nội dung, rằng các ngươi có thể đẽo nó cho một trò đùa, mà trò đùa sẽ không bị gắn liền, không bị ăn vào nội dung như số phận, như vận mệnh? Liệu các ngươi có tưởng tượng ra nỗi đau, nỗi khổ đau giam cầm tối tăm, bổ vào trong nội dung của con manơcanh ấy mà không biết tại sao nó phải là như nó là, tại sao nó phải ở nguyên trong hình thức khuôn ép bắt buộc mà chả là gì ngoài một trò nhại. Liệu các ngươi có hiểu cái quyền năng của hình thức, của biểu cảm, của giả vờ, cái sự chuyên chế độc đoán ép buộc lên cái khối bất lực ấy, và cai trị nó như thể là cái hồn bạo ngược, chuyên chế của chính nó?” (Schulz, Những cửa hiệu quế 40).

“Đám đông rễu cười. Các ngươi có hiểu tính tàn bạo khủng khiếp, sự tàn nhẫn hồ hởi, hóa tạo, của cái tiếng cười ấy? Song chúng ta nên nhỏ lệ, các quý cô, trước số phận của chính chúng ta, khi chúng ta thấy nỗi khổ cực của nội dung bị xâm phạm…” (Schulz, Những cửa hiệu quế 40). Một lúc sau, Jacob khựng lại trước cảnh tượng hãi hùng của những câu hỏi, mắt rực lửa, run rẩy như thể cơ chế của máy đã hỏng.

Cả Jacob và con mình, Joseph, đều thuộc về Vùng Đất của Dị Giáo Vĩ Đại, nhưng cuộc đời và số phận sáng tạo của cả hai người rất khác nhau. Nếu những nghi ngờ của tôi lên văn chương của Bruno Schulz khiến cho ông mang dáng dấp của người bố Jacob, Đấng Sáng Thế dị biệt tôn vinh sự huyền bí, tuyệt diệu của tandeta (dịch nôm na: thứ rác rưởi), thì xuyên suốt những câu truyện, các thành viên trong gia đình, đặc biệt là kẻ thù không đội trời chung, Adela khỏe mạnh, cũng nghi ngại và tỏ ý bất động với những hành động của Jacob. Sự sáng tạo của Jacob lúc nào cũng bừng lên những tia rực rỡ rồi nhũn lại trước sự tấn công của thế giới thực tế, điều này được thể hiện rõ ràng trong truyện “Thuyết luận về manơcanh” và “Mùa chết.” Ông ước muốn được biến thành con chim điêu mang dáng dấp của một nhà tu hành khắc kỷ, nhưng cuối cùng lại thành con gián và con cua, tiếp tục bị ám ảnh bởi những bí ẩn của kẽ nứt trong nhà. Một kẻ tu khổ hạnh giả dối, như Gombrowicz nhận xét về Bruno Schulz (Gombrowicz, 524) bởi đi theo nỗi sợ thế gian là một ham muốn hứng sắc, xuyên tạc, dị lệch.

Còn lại những gì đẹp đẽ, huyền hoặc nhất của mình, Schulz để cho xuất hiện ở những trải nghiệm của Joseph. Những gì mang một tinh thần của các nhà lãng mạn đều tụ hội ở Joseph (rõ ràng nhất là sứ mệnh trở về tuổi thơ). Mùa xuân tầm thường bùng nở tràn lan rồi chóng tàn được Jacob nhớ đến để minh họa cho thuyết sáng tạo của mình, nhưng truyện “Xuân”, một câu truyện về mùa xuân đích thực khi Joseph hòa được vào sự thần thoại vĩ đại của cái thời gian không gian này, là một câu truyện giải cứu công chúa. Sự đối mặt với hình thức chặt chẽ và khép kín không giống ở Jacob đối mặt với cô hầu Adela, ở Joseph đó là đối mặt với cô gái quý tộc xinh đẹp Bianca, người mà cậu đem lòng mến mộ và muốn dâng hiến mình phục vụ. Nỗi lo sợ bị biến dạng không hề đe dọa sự tồn tại của Joseph, ta có cảm giác như Joseph là nhân vật trong bức tranh Kẻ lãng du trên biển sương mù. Một người thực sự chạm vào sự sâu thẳm mà các sự vật vén màn cho mình, uy quyền như một Alexander Đại Đế. Mùa xuân đưa Joseph vào sự tìm kiếm, dẫn Joseph vào câu truyện nằm ở trung tâm, tận gốc rễ nhất, một câu truyện nguyên thủy nhất. Chui vào vết nứt của cây mùa xuân, Joseph đi xuống tầng sâu nhất của gốc rễ và tìm ra câu truyện của bầu trời màn đêm. Lộn trời, một sự thông, Joseph đã nhập vào đúng số phận của mình, một nghĩa vụ. Số phận nặng nề đương nhiên ngăn cản Joseph làm một anh hùng, nhưng cậu có một cử chỉ kiêu hãnh mà tất cả những kẻ không-làm-gì đều tự hào: sự từ chối. Ta đi hết những hiểm trở, khó khăn, biến hóa bất lường của mùa xuân đích thực để đến với sự từ chối trong tích tắc của Joseph. Còn Jacob, đeo bám dai dẳng bởi nỗi mặc cảm, tiếp tục lọ mọ tìm kiếm cái gì đó ở các ngõ ngách, vết nứt, trong hình hài của một con cua, kể cả khi những cái chân đã lìa thân.

“Tại sao ông không từ bỏ, tại sao ông không thú nhận rằng ông đã bị bầm dập khi có đủ lý do để làm vậy và cả khi Số Phận cũng không thể đi xa hơn trong việc đánh bại ông hoàn toàn?” (Schulz, Viện điều dưỡng dưới đồng hồ cát 188). Truyện “Cuộc tẩu thoát cuối của bố” kết thúc tập truyện cuối cùng của Schulz, Viện điều dưỡng dưới đồng hồ cát.

Quá nhiều những bình luận về sự lên men/biến hoá sự vật, về nội dung/hình thức, về thần thoại làm người ta quên mất đi những gì hiển nhiên và tuyệt vời nhất trong văn chương Bruno Schulz: các mùa trong năm và bầu trời. Bruno Schulz là một trong những nhà văn viết về mùa vĩ đại nhất. Tất cả mọi thứ, kể cả những câu truyện, sẽ không diễn ra nếu đầu tiên không có sự nhận thức về mùa. Mùa tạo không gian và thời gian cho văn chương Bruno Schulz. Hay để mượn lời Charles Simic, ta gọi tên một thứ và một thứ khác, đó là cách thời gian đi vào thơ ca. Không gian được thổi vào qua cách ta chú ý đến từng từ, sự chú ý càng mãnh liệt thì những từ càng mở rộng ra. Chẳng phải mùa thứ mười ba quái dị hay mùa thu thứ hai, nằm ngoài bản lề của thời gian chính thống, tạo không gian và thời gian cho những câu truyện riêng của chúng hay sao? Hầu hết các câu truyện của Schulz bắt đầu bằng những miêu tả về mùa, bằng những thay đổi của mùa qua bầu trời, ánh nắng, không khí, màu sắc của tự nhiên. Trời cao được liên tưởng như là cái vòm của không gian sống làm ta cảm giác như đang ở trong những quả cầu phong cảnh. Các quá trình lên men của sự vật, kích thích nhờ trí liên tưởng và cảm năng, được khởi sự bởi mùa màng, vì thế đôi lúc có những câu truyện diễn tiến cùng với biến chuyển của tiết trời (rõ ràng nhất là truyện “Xuân” và “Mùa chết.”) Những gì trác tuyệt nhất trong những truyện của Bruno Schulz chắc chắn không phải sự lắt leo của những cá thể con người và số phận của họ, mà chính là Cuốn Sách Thời Gian với các chương là những mùa. Ở đây ta nhận ra rõ ràng hơn tính kịch trong thế giới này, một cảm giác rất thật, không được áp đặt bởi sự lên men thực tại, chỉ xuất hiện đúng ba lần trong cả hai tập truyện. Cái tấm màn kịch được trang trí giống y hệt bầu trời trong truyện “Những cửa hiệu quế”; khi Joseph bước ra ngoài rạp hát để lấy ví cho bố, bầu trời như chia thành từng mảnh làm cho không gian ở dưới như được mở ra với các kẽ nứt. Khi cơn bão táp mùa đông trong “Cơn bão” làm lu mờ mọi thứ xung quanh căn nhà, Joseph đã tự hỏi liệu thành phố và khu chợ mình ở đã biến mất và bị thay thế bởi những đồ trang trí sân khấu và có phải những tiếng rít, tiếng rên được mô phỏng bởi cái máy nào đó không; “chúng tôi càng thiên về ý nghĩ rằng cơn bão chỉ là một phát minh của màn đêm, một sự trình hiện rẻ tiền trên cái sân khấu hẹp của sự bao la bi kịch, sự vô gia cư mang tính chất vũ trụ và sự cô đơn của gió” (Schulz, Những cửa hiệu quế 80). Và trong truyện “Xuân” khi tiết trời thay đổi, trai gái trổ sắc ra đường vào ban ngày, như một màn trình diễn dạ hội đã được lên dây cót, để rồi lúc đến gần lúc chạng vạng, “mọi ánh sắc biến kịch, trở thành một ngày hội, nồng cháy và âu sầu. […] và bỗng dưng trên cái dàn giao hưởng to lớn, tiềm năng, nồng cháy này, chạng vạng nhanh xiết, nhiều màu sắc, kịch tính hạ xuống như thể chịu ảnh hưởng của những tông trương căng ra một cách bạo lực trong tất thảy những nhạc cụ này” (Schulz, Letters 118). Các Don Juan và người tình bị mê hoặc lậm vào màn đêm, “và trên lan can nứt nẻ đâu đó ở ranh giới của thời gian, ở cái cổng sau của thế giới, họ tìm thấy họ một lần nữa ở cuộc đời xa xưa, ở kiếp trước xa xăm, và, hợp vào thời gian xa lạ, trong những trang phục của thời đã qua, họ nức nở không thôi trước thông tục của thời gian và, leo tới những lời nguyện ước không thể đạt được và bước lên những bậc cảm xúc nồng nàn, họ tiến tới những đỉnh và giới hạn mà vượt quá chúng chỉ có cái chết và trạng thái tê liệt của sự vui sướng không tên” (119). Đó là chạng vạng mùa xuân. Văn chương kỳ diệu của Bruno Schulz, luẩn quẩn quanh năm ở một vùng đất, chạm đến những gì mầu nhiệm nhất khi nó đi đến được cái lõi siêu hình của các mùa thời gian, dai dẳng những chuyển biến sống.

 

3.

Tiểu sử của Bruno Schulz là một phần quan trọng để hiểu văn chương của ông. Ở đây, ta phải thật sự biết ơn nhà thơ Jerzy Ficowski đã dành cả cuộc đời đi xây dựng một chân dung rõ nét về Bruno Schulz. Cuốn sách Vùng đất của dị giáo vĩ đại của Ficowski là cuốn sách mọi độc giả của Schulz phải có.

Sự sụp đổ của Liên Bang Ba Lan-Lithuania cuối thế kỷ mười tám dẫn đến Drohobycz bị phân chia về Đế Quốc Áo. Mảnh đất này có nửa dân số là người Do Thái, nửa còn lại là người Ba Lan quý tộc và những người Ukraina tá điền. Xung động hiếm khi xảy ra giữa các dân tộc; và mặc dù sinh ra trong một gia đình Do Thái nhưng Bruno Schulz được đặt tên theo vị thánh Kito của ngày. Xuyên suốt thế kỷ mười chín, Drohobycz dần dần lấy lại được thế tự chủ hơn, đặc biệt trong việc sử dụng ngôn ngữ. Bruno Schulz hồi trẻ, học ở trường trung học Franz Josef I, đã thành thạo hai ngôn ngữ: tiếng Ba Lan và tiếng Đức. Ông viết truyện “Về nhà” (nằm ngoài hai tập truyện chính) bằng tiếng Đức và có gửi bản thảo cho Thomas Mann, một nhà văn ông rất ngưỡng mộ (đặc biệt là cuốn Joseph và các anh) và có qua lại thư từ (một câu hỏi đặc biệt: có chăng Schulz mô phỏng (hay pervert) hình ảnh nghệ sĩ lý tưởng của mình theo Mann?) Bruno Schulz không hề biết tiếng Yiddish của bố mình. Vào cuối thế kỷ này, thị trấn Drohobycz chứng kiến sự bùng nổ về mặt kinh tế khi những mỏ dầu được phát hiện và khai thác ở các khu vực xung quanh. Sự thay đổi này sẽ được Schulz phản ánh ở truyện “Phố cá sấu”. Những cửa hiệu tạp hóa ở khu Do Thái, nơi gia đình Schulz sống và mưu sinh, bị đẩy lùi nhường chỗ cho những mặt hàng, giá trị mới. Vào những năm 1910, việc học trường kiến trúc ở Lwów liên tục bị gián đoạn vì sức khỏe, Schulz cuối cùng phải bỏ học và về Drohobycz. Ở khoảng thời gian này, người mẹ của Schulz phải chăm lo cho cả người con và người chồng trên giường bệnh. Khi người bố mất năm 1915, những dãy tạp hóa cũng bị phá nát bởi chiến tranh, thực ra chúng đã đóng cửa từ lâu vì không thể theo kịp với tốc độ phát triển của thị trấn. Bruno Schulz ốm yếu sau đó còn phải đón nhận một tin buồn nữa, người anh rể yêu quý tự tử chết, để lại gánh nặng cho Schulz là người chị tâm thần và hai đứa cháu. Không có nguồn thu nhập ổn định nào, năm 1921, Schulz quay trở lại trường trung học xưa mình theo học và làm giáo viên mỹ thuật.

Nghề giáo duy trì cuộc đời trưởng thành của Schulz và ông coi công việc dạy học là một cực hình. Là một con người yếu đuối, Schulz bị đày xuống tận gốc rễ của thời gian. Ông muốn thời gian toàn vẹn, đến nỗi một chút thì giờ lao động cũng đủ để phá hỏng sự yên tĩnh của ông. Vì vậy, vào những giai đoạn cuối cuộc đời, cuộc sống của Schulz lên xuống theo những cơn trầm cảm đến từ công việc và những nỗ lực xin nghỉ phép dài hạn để chuyên tâm cho viết lách. Tuy thế ông vẫn được học sinh nhận xét là một giáo viên dễ mến và nhiệt tâm. Đặc biệt hơn, bọn trẻ lúc nào cũng mong ngóng những câu truyện kể của ông. Có những giờ, để bảo vệ mình khỏi sự chọc ghẹo của bọn học sinh cá biệt, Schulz chỉ ngồi trên lớp kể những câu truyện huyền bí cuốn hút do chính ông sáng tác ngay tại chỗ cho cả lớp nghe.

Quá trình viết của Schulz tương đối đặc biệt, ông lấy sức mạnh từ những người bạn tâm giao với mình. Ông cần những con người giao tiếp trực tiếp với ông trong quá trình sáng tạo, “một cộng sự cho những cuộc thám hiểm.” Cái nghệ thuật thư từ làm ta nhớ mạnh mẽ đến một con người “lỏng” khác, Franz Kafka. Vào những năm 1920s, Schulz có một quan hệ như thế với Władysław Riff, một người bạn đã truyền cảm hứng viết lách cho Schulz, nhưng đáng buồn là Riff qua đời sớm, vào năm 1927. Năm 1930, qua người bạn Witkiewicz, Schulz gặp Deborah Vogel, một người phụ nữ sắc bén, một nhà thơ và có tấm bằng tiến sĩ triết học. Qua những tâm thư với Vogel, tập truyện Những cửa hiệu quế dần dần được hình thành, những câu truyện không còn mắc kẹt trong ngăn kéo nữa, những câu truyện tìm đến được một độc giả trung tâm. Điều này cũng giải thích được phần nào tính trình bày những triết lý trong truyện của Bruno Schulz. Một điều đáng chú ý, nhưng tương đối dễ hiểu, những truyện trong tập Viện điều dưỡng dưới đồng hồ cát cũng được viết từ rất lâu, có lẽ là khoảng thời gian sau cái chết của Riff đến giai đoạn Deborah Vogel. Gần như toàn bộ những lá thư với Riff và Vogel đều không còn vết tích.

Sau nhiều nỗ lực dàn xếp bởi Vogel và người bạn Magdalena Gross, bản thảo của Những cửa hiệu quế đến được tay của Zofia Nałkowska, nữ nhà văn lừng danh thời bấy giờ, và ngay lập tức gây được ấn tượng mạnh. Cuối năm đó, năm 1933, tập truyện được cho in bởi nhà xuất bản Rój danh tiếng. Schulz nhận được những tiếng tăm nhất định, ông gia nhập các salon tri thức ở Warsaw, trở thành người tình ngắn ngủi của Nałkowska, viết một vài bài phê bình cho các tạp chí, và làm bạn thân thiết với Witold Gombrowicz.

Nhưng thành công của tập truyện này không làm thay đổi cuộc đời Schulz, ở Drohobycz, ông vẫn ngụp lội trong công việc giảng dạy, giờ đây dưới danh chức “Giáo Sư” mới được nhà trường phong tặng, không được tăng lương, và vật lộn trong sáng tạo. Cảm giác như cái bản định sắt đã mất dần kiên cố, những cảm hứng ít khi đến, áp lực của một công chúng gây ra một nỗi sợ hãi nhất định, công việc càng trở nên buồn tẻ đến chết. Những năm sau Những cửa hiệu quế và trước Thế Chiến Thứ Hai, sự sống hiện lên rõ hơn một màu rầu rĩ. Schulz tả mình trong một bức thư gửi tới Romana Halpern: “Ở bên trong tôi cái being riêng biệt, cái sự đặc biệt của tôi, chìm vào trong quên lãng, có thể nói, mà không tan rã. […] Cái bản tính quái lạ và khác thường của những quy trình bên trong tôi bịt kín mít tôi lại, khiến tôi vô cảm, đờ đẫn với những màn tấn công của thế giới” (Schulz, Letters 149). Có vẻ như sự cằn cỗi, chán nản đã thắng thế. Trong khoảng thời gian này, Schulz đính hôn với Józefina Szelińska, người mà ông miêu tả rằng đã cho ông sức mạnh và kết nối lại ông với thế giới. Szelińska là người dịch Vụ án của Kafka sang tiếng Ba Lan, Schulz cho mượn tên mình và viết lời tựa. Tuy nhiên, những kế hoạch hôn nhân sớm đổ bể do những rắc rối về mặt pháp lý giấy tờ gây ra những khó khăn và nghi ngại tới Schulz (do Szelińska là một người theo Công giáo, ông đã rút khỏi Cộng đồng Tôn giáo Do Thái, và dự định đăng ký thường dân ở vùng đất khác để được phép cưới Szelińska). Năm 1936, ông đã cho xuất bản tập Viện điều dưỡng dưới đồng hồ cát, nhưng chủ yếu tập hợp lại các truyện đã viết từ trước. Ngày càng ốm yếu và trở nên thất vọng trước cuộc đời, đến năm 1939 Schulz phải nhận một tin chấn động nữa: Thế chiến II bùng nổ, Đức xâm lược Ba Lan. Dù có cơ hội, Schulz tỏ ra lưỡng lự trước việc rời Drohobycz. Ngay khi đã quyết định ra đi, ông bị mật vụ Đức Quốc xã tiêu diệt cùng những người Do Thái khác trên mảnh đất của mình.

 

4.

Ở Schulz tôi tìm gặp một nhà văn đặc biệt, một con người cố gắng níu lấy những hình ảnh trẻ thơ và một tinh thần mở rộng trước mọi sự quyến rũ. Sự âu sầu của cuộc đời nén ông lại trước cái nhìn trở về này, tạo ra cho nó một không gian tinh thần khắc khổ lạ kỳ. Những lù xù của sự nở rộ chuyển hóa đáng sợ, gay cấn, ta cảm nhận được tinh thần của con người này chạy theo không ngừng nghỉ. Di sản duy nhất của tuổi thơ Bruno Schulz chính là một con người không phù hợp để sống. Một fatalism khủng khiếp, theo cách nói của ông. Cách Schulz thi hành chức năng văn chương của mình không phải không giống những bức họa của ông, những người đàn ông, đôi lúc gần như đã trở thành con bọ, con khỉ, thậm chí đã thành một con ngựa, bị càn quét dưới nét vẽ của ông, hút vào cặp chân của đàn bà. Trông chẳng khác gì cái chuồng thú của khiêu dâm và nhục dục, những đường vẽ kiệt quệ tạo nên những đường cong hững hờ. Văn chương kỳ diệu như một chuyển động mở tung ra trong cặp đùi, bờ vai trắng ngần. Khoảnh khắc phát hiện ra Cuốn Sách thực thụ ở những vụn báo lá cải trong xó là khi Joseph bé nhỏ ngả trước cánh tay chắc khỏe của Adela, hấp thụ hương cơ thể của cô, đọc câu truyện ly kỳ đăng trên mục báo qua vai cô.

Văn chương của Bruno Schulz đạt đến những khoảnh khắc cực kỳ thanh khiết. Tôi nhận ra khi đọc Schulz rằng giấc mơ bình yên nhất một người có thể có là khi thuở bé mơ về những cuốc bộ cùng các bạn nhỏ của mình đến trường, không biết trời sáng hay tối. Hay những cảm giác mà chỉ có trẻ nhỏ mới chạm đến, Cuốn Sách của tôi là một thước phim tài liệu truyền hình về một ngôi chùa nào đó, những cú máy quay tròn ngước lên bầu trời rộng với những tán lá sum suê là một khải hoàn đối với tôi, trong một khoảnh khắc hoang vu mà bố mẹ tôi và anh tôi đã tạm thời biến mất. Đi cùng Schulz, tôi như Joseph trên cỗ xe ngựa được dẫn vào những ngách trời tuyệt diệu, lòng đầy cảm xúc.

Tăng Linh


Tài liệu trích dẫn

  1. Anders, Jaroslaw. “Bruno Schulz: The Prisoner of Myth.” Between Fire and Sleep. Yale University Press. 2009. Tr. 1-27.
  2. Gombrowicz, Witold. Diary. Yale University Press. 2012.
  3. Schulz, Bruno. The Street of Crocodiles. Dịch bởi Celina Wieniewska. Penguin Books. 1992.
  4. Schulz, Bruno. Sanatorium Under the Sign of the Hourglass. Dịch bởi Celina Wieniewska. Mariner Books. 1997.
  5. Schulz, Bruno. Collected Stories. Dịch bởi Madeline G. Levine. Northwestern University Press. 2018.
  6. Schulz, Bruno. Letters and Drawings of Bruno Schulz. Biên tập bởi Jerzy Ficowski. Harper & Row. 1988.

Chấm sao chút:

Đã có 4 người chấm, trung bình 5 sao.

Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3

Người góp chữ

Tăng Linh

Một con chó.

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*