Danilo Kiš, “Tử toàn thư (Trọn một đời người)”

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi
Thời gian đọc: 45 phút

(Bài viết thuộc Zzz Review số 6, 31-7-2019)

Danilo Kiš (1935-1989) là một nhà văn, tác giả, dịch giả, nhà thơ nổi tiếng người Serbia. Ông sinh ra tại thành phố Subotica ở phía Bắc Vương quốc Nam Tư (hiện nay thuộc Serbia), có cha là ông Kiš Eduard, người Hungary gốc Do Thái, và mẹ là bà Kiš Milica (nhũ danh: Dragićević), một người Montenegro theo Chính Thống giáo. Từ nhỏ, Danilo đã được giáo dục trong môi trường đa tôn giáo, đa sắc tộc và đa văn hóa của Vương quốc Nam Tư thời bấy giờ. Cuộc đời của gia đình Kiš thay đổi đột ngột khi Thế chiến Thứ hai nổ ra, quân Phát xít tiến vào Serbia và tàn sát và bắt đi rất nhiều người Do Thái đến các trại tập trung. Bố của Kiš là ông Eduard bị bắt đến Auschwitz vào năm 1944 và có lẽ cũng đã qua đời ở đó giống như nhiều người Do Thái khác. Sự kiện này ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý cũng như phong cách của nhà văn Kiš sau này.

            Sau chiến tranh, Kiš cùng với gia đình chuyển về sống tại quê mẹ là thành phố Cetinje, Nam Tư và hoàn thành chương trình trung học ở đây. Kiš sau đó theo học tại Đại học Belgrade và trở thành một sinh viên xuất sắc và cũng là người đầu tiên của Đại học này nhận được bằng Văn học So sánh. Ông xuất bản hai tiểu thuyết đầu tiên là Mansarda và Thánh vịnh 44 vào năm 1962. Sau đó ông tiếp tục xuất bản một số tác phẩm như tiểu thuyết Vườn, Tro (1962), tập truyện ngắn Sầu sớm (1969). Với tiểu thuyết Đồng hồ cát (1972), ông nhận được giải thưởng văn chương cao quý nhất của Nam Tư là NIN. Vào năm 1976, ông cho ra mắt tập truyện ngắn gây tranh cãi nhất của mình là Nấm mồ cho Boris Davidovich. Ông chuyển sang sống tại Paris vào năm 1979, và xuất bản tuyệt phẩm hoàn chỉnh cuối cùng của mình là tập truyện ngắn Tử toàn thư vào năm 1984. Ông qua đời tại Paris vào năm 1989 ở tuổi 54 vì bệnh ung thư phổi, trùng với số tuổi của cha mình khi ông bị áp giải đến Auschwitz.

            Kiš được coi là một trong những danh nhân văn hóa vĩ đại của những quốc gia thuộc Nam Tư cũ khi đã có chân dung xuất hiện trên tem bưu chính quốc gia của Montenegro hay Serbia. Ông cũng đã được nhiều người thừa nhận rộng rãi là một trong những nhà văn lớn tầm cỡ thế giới ở thế kỷ 20. Chịu ảnh hưởng từ rất nhiều tác giả lớn như Jorges Luis Borges, James Joyce, Vladimir Nabokov, và Ivo Andrić, Kiš là bậc thầy của nhiều thể loại văn học sáng tác khác nhau như tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ ca, và tiểu luận. Chủ đề nội dung trong các tác phẩm của Danilo Kiš cũng cực kỳ đa dạng khi nó bàn đến các vấn đề về lịch sử, chiến tranh, tôn giáo, và thậm chí các vấn đề chính trị cực kỳ nhạy cảm. Ông được coi là một trong những ứng cử viên cho giải Nobel Văn học trong những năm cuối đời. Dẫu vậy, sau khi ông mất, danh tiếng của ông có phần suy giảm và bị quên lãng vì chưa có nhiều tác phẩm được dịch sang tiếng Anh. Tuy nhiên, gần đây đã có rất nhiều tác phẩm của ông được tái bản và dịch mới và bước đầu đã gây ảnh hưởng trở lại trong giới độc giả và nghiên cứu Âu Mỹ.

            Bản dịch dựa trên bản tiếng Anh The Encyclopedia of the Dead của Michael Henry Heim, Farrar, Straus and Giroux, 1989.

– Lê Vũ Kỳ Nam

 

Hồi năm ngoái, như các bạn đã biết, tôi đến Thụy Điển theo lời mời của Viện Nghiên cứu Kịch nghệ. Một bà Johansson, Kristina Johansson là người hướng dẫn và cố vấn cho tôi. Tôi xem đâu năm hay sáu kịch phẩm gì đó, trong số ấy có một vở diễn rất đạt, vở Đợi Godot – diễn cho các tù nhân xem – là hay nhất. Mười ngày sau, khi về đến nhà rồi, tôi vẫn tiếp tục sống trong cái thế giới xa xăm ấy như thể đang sống trong mơ.

Bà Johansson là một người phụ nữ năng nổ, và bà có ý định sử dụng khoảng thời gian mười ngày để chỉ cho tôi mọi thứ cần phải thấy ở Thụy Điển, tất cả những thứ có thể gây hứng thú cho tôi “dưới tư cách là một phụ nữ.” Bà thậm chí còn đưa vào trong lịch trình chuyến thăm viếng chiến hạm nổi tiếng Wasa, chiếc thuyền buồm được lôi ra từ dưới đống bùn lầy sau hàng trăm năm và được bảo quản như một xác ướp Pharaoh. Một buổi tối, sau buổi trình diễn vở Spöksonaten[1] ở nhà hát Dramaten, bà Johansson đưa tôi đến Thư viện Hoàng Gia. Tôi chỉ kịp nuốt vội một cái bánh sandwich ở bến đậu xe.

Lúc đó tầm mười một giờ, thư viện đã đóng cửa. Nhưng bà Johansson trình giấy phép ra vào cho người gác cổng, và ông ta miễn cưỡng cho chúng tôi vào. Tay ông cầm một chùm chìa khóa lớn, như viên gác ngục hôm trước đã cho chúng tôi vào Nhà tù Trung Tâm để xem vở Đợi Godot. Bà Johansson, sau khi đã giao tôi cho ngài Cerberus[2], nói sáng hôm sau bà sẽ đến khách sạn đón tôi; bà bảo tôi cứ thư thả mà tham quan thư viện, quý ông đây sẽ gọi taxi cho tôi, tôi có cần gì thì cứ việc nhờ ông ấy… Tôi có thể làm gì khác ngoài việc chấp nhận đề nghị tử tế của bà? Ông bảo vệ hộ tống tôi đến trước một cánh cửa khổng lồ, mở khóa, rồi bật đèn cho một thứ ánh sáng tù mù và để tôi lại một mình. Tôi nghe thấy tiếng chìa khóa xoay trong ổ sau lưng mình; vậy là đã tới nơi, tôi đang ở trong một thư viện giống như một địa lao.

Một luồng gió không biết từ đâu thổi tới làm rung rinh đám mạng nhện, nom chúng tựa như những miếng gạc bẩn thỉu, từ trên các giá sách lòng thòng rủ xuống, như lơ lửng bên trên những chai rượu vang lâu năm được tuyển chọn cất dưới tầng hầm. Tất cả các gian phòng đều giống hệt nhau, liên thông với nhau nhờ một hành lang hẹp, và luồng gió mà tôi không tài nào xác định được điểm khởi nguồn luồn lách khắp nơi khắp nẻo.

Đó chính là thời khắc, thậm chí còn trước cả khi tôi xem kỹ những cuốn sách (và ngay sau khi tôi để ý thấy chữ C trên một trong những tập sách trong gian phòng thứ ba), tôi nhận ra: mỗi gian trữ một ký tự trong bảng chữ cái. Đây là ký tự thứ ba. Và, quả đúng như vậy, trong gian kế tiếp mọi cuốn sách đều được đánh dấu bằng chữ D. Đột nhiên, bị thôi thúc bởi một linh cảm mơ hồ nào đó, tôi nhấc chân chạy. Tôi nghe thấy tiếng chân mình dội lại, một hợp âm vang vọng rồi lịm dần trong bóng tối. Tôi tới gian chữ M trong tâm trạng phấn khích và thở không ra hơi, và với một mục đích hoàn toàn rõ ràng trong tâm trí, tôi lật mở một trong những cuốn sách. Tôi đã nhận ra – có lẽ tôi đã đọc về nó ở đâu đó – đây là bộ Tử toàn thư trứ danh. Tất cả mọi thứ đều trở nên rõ ràng trong chớp mắt, thậm chí còn trước cả khi tôi lật mở tập sách đồ sộ ấy.

Thứ đầu tiên tôi thấy là hình ông, bức hình minh họa duy nhất nằm gần giữa trang sách và được bao bọc giữa hai cột chữ. Đó là bức ảnh chụp mà các bạn nhìn thấy trên bàn làm việc của tôi. Nó được chụp vào ngày 12 tháng Mười Một năm 1936, ở Maribor, ngay sau khi ông giải ngũ. Bên dưới bức ảnh là tên của ông và hai con số biểu thị năm nằm trong ngoặc đơn: 1910-79.

Các bạn biết đấy, cha tôi mới mất cách đây không lâu và tôi đã rất gần gũi với ông ngay từ những năm tháng đầu đời. Song, tôi không muốn bàn về chuyện ấy ở đây. Điều mà tôi bận tâm lúc này là ông qua đời trước chuyến đi Thụy Điển của tôi chưa đầy hai tháng. Một trong những lý do chính tôi quyết định thực hiện chuyến đi này là để trốn thoát khỏi nỗi đau buồn. Tôi nghĩ, như nhiều người lâm vào nghịch cảnh vẫn thường nghĩ, rằng thay đổi ngoại cảnh sẽ giúp tôi trốn tránh nỗi đau, cứ như thể chúng ta không phải chịu đựng nỗi buồn bên trong chính bản thân mình.

Ôm ghì cuốn sách trong tay và dựa người vào mấy giá sách gỗ lung lay, tôi đọc tiểu sử của ông, quên bẵng cả thời gian. Giống như trong các thư viện thời Trung Cổ, sách được cột chặt vào vòng sắt gắn trên giá bằng dây xích dày. Chỉ mãi đến khi cố di dời tập sách dày cộp ra gần chỗ sáng hơn tôi mới nhận ra điều ấy.

Bỗng nhiên, trong tôi ngập tràn đau khổ; tôi cảm thấy mình đã quá lạm dụng lòng hiếu khách và Quý Ngài Cerberus (tôi gọi ông bảo vệ như thế) rất có thể sẽ đến yêu cầu tôi ngừng đọc. Thế nên tôi bắt đầu vừa đọc lướt những khổ văn vừa cố xoay cuốn sách đang mở rộng xa hết mức căng của sợi dây xích hướng về phía luồng sáng lờ mờ tỏa ra từ ngọn đèn. Bụi đóng thành lớp dày quanh bốn cạnh sách cùng với những đám mạng nhện phập phồng chứng tỏ đã lâu lắm rồi không có ai động tay vào những cuốn sách này. Chúng bị xiềng với nhau như những người nô lệ chèo chuyền, chỉ có điều dây xích buộc chúng không hề có ổ khóa nào.

Vậy ra đây là Tử toàn thư nổi tiếng, tôi nghĩ thầm. Tôi đã mường tượng nó là một cuốn sách cổ, một cuốn sách “thiêng liêng”, một dạng giống như Tử thư Tây Tạng hay Kabbalah hay Cuộc đời các vị thánh[3] – một trong những tác phẩm uyên bác về linh hồn con người mà chỉ những bậc ẩn sĩ, những vị giáo chủ, hoặc bậc tu hành mới thưởng thức được. Khi tôi nhận ra mình có thể tiếp tục đọc đến tận lúc rạng đông rồi rời đi mà không có được một chút gì cụ thể về những điều tôi đã đọc dành cho mình cũng như cho mẹ, tôi bèn quyết định chép lại một số đoạn quan trọng nhất và lập nên một bản gần như tóm tắt cuộc đời của cha mình.

Những sự kiện có thật mà tôi đã ghi chép ở đây, trong cuốn sổ tay này, là những sự việc bình thường, bao hàm nhiều nội dung, không hề quan trọng với bất cứ ai ngoài mẹ tôi và tôi: tên họ, địa điểm, ngày tháng. Chúng là tất cả những gì mà tôi ngoáy vội được vào lúc rạng đông. Điều khiến cho cuốn Toàn thư này độc nhất vô nhị (ngoại trừ việc nó là bản duy nhất hiện tồn) ấy là cách nó miêu tả những mối quan hệ, các cuộc gặp gỡ cùng bối cảnh – vô vàn các chi tiết tạo nên cuộc đời của một con người. Những thông tin được dẫn trong đó về nơi sinh của cha tôi chẳng hạn, không chỉ đầy đủ và chính xác (“Kraljevčani, thị trấn Gina, huyện Sisak, tỉnh Banija”) mà còn kèm theo cả những chi tiết về địa lý và lịch sử của chốn đó. Vì nó ghi chép lại mọi thông tin. Tất cả. Miền thôn dã nơi chôn nhau cắt rốn của ông được miêu tả sống động đến mức khi đọc, hay đúng hơn là khi lướt qua những dòng chữ và đoạn văn, tôi có cảm giác như mình đang ở giữa nơi chốn ấy: tuyết trắng trên những đỉnh núi xa xa, những thân cây trụi lá, những đứa trẻ đang trượt băng trên con sông băng giống như trong một bức tranh phong cảnh của Brueghel[4]. Và giữa những đứa trẻ đó, tôi nhìn thấy ông, cha tôi, rất rõ, dù lúc ấy ông chưa phải là cha tôi, thấy chỉ một mình ông, người sẽ trở thành cha tôi, người đã là cha tôi. Tiếp đến, miền thôn dã bất thình lình biến thành màu xanh của lá và cây cối đâm chồi trổ nụ, hồng và trắng, những bụi táo gai nở hoa ngay trước mắt tôi, mặt trời phủ những vòm nắng lên ngôi làng Kraljevčani, tiếng chuông nhà thờ trong làng ngân rộn rã, tiếng các cô bò rống vang trong chuồng, và ánh đỏ phản chiếu mặt trời buổi sớm lấp lóa trên các ô cửa sổ bên dưới những mái nhà tranh và làm tan chảy những trụ băng hình thành từ những giọt nước chảy từ máng xối xuống bị đông cứng.

Sau đó, như thể tất cả mọi thứ đang rộng mở trước mắt, tôi trông thấy một đoàn người đưa tang đang hướng về phía khu nghĩa địa của làng. Có bốn người đàn ông đầu trần đang khiêng trên vai một chiếc quan tài làm bằng gỗ linh sam, và đi đầu đoàn đưa tang ấy là một người đàn ông, mũ cầm trên tay, người mà tôi biết – vì đó là điều được ghi trong sách – là ông nội Marko của tôi, chồng của người quá cố đang được đưa đến nơi yên nghỉ cuối cùng. Trong sách cũng nói mọi thứ về bà: ngày sinh, nguyên nhân mắc bệnh và qua đời, tiến triển của căn bệnh. Sách còn cho biết về trang phục mặc cho bà lúc đem chôn, ai tắm cho bà, ai đặt đồng tiền trên mắt bà, ai buộc cằm cho bà, ai chạm khắc quan tài, nơi mà gỗ được đốn hạ. Điều ấy có thể cho các bạn một ý niệm – chí ít cũng là một ý niệm nào đó – về sự giàu thông tin trong Tử toàn thư nhờ có những người đảm trách công việc đầy khó khăn và đáng ca ngợi: ghi chép lại – chắc chắn là bằng một thái độ khách quan và công tâm – mọi điều có thể ghi lại được và liên quan đến những con người đã hoàn tất hành trình của mình trên cõi trần và bắt đầu khởi hành vào cõi vĩnh hằng. (Bởi họ tin vào phép màu phục sinh trong Kinh thánh và họ sưu tập một danh sách liệt kê khổng lồ để chuẩn bị cho thời khắc ấy. Có như vậy người ta sẽ có thể tìm thấy không chỉ các đạo hữu của mình mà còn – điều này quan trọng hơn – tìm thấy cả quá khứ bị lãng quên của chính họ. Khi thời khắc điểm, bản tiểu sử trích yếu này sẽ được sử dụng như một kho tàng ký ức to lớn và như một bằng chứng độc nhất vô nhị cho sự phục sinh.) Rõ ràng rằng, khi đề cập đến một đời người, tập sách chẳng hề có sự phân biệt đối xử nào, giữa một nhà buôn tỉnh lẻ với người vợ của ông, giữa một linh mục của làng (nghề ông cố nội tôi đã từng làm) với một người rung chuông nhà thờ làng tên Čuk, cái tên cũng được nêu trong cuốn sách. Điều kiện duy nhất để có tên trong Tử toàn thư – điều mà tôi nắm bắt ngay lập tức, nó dường như nảy ra trong óc tôi trước cả khi tôi có thể xác nhận – là không một người nào được ghi danh ở đây có thể xuất hiện trong bất cứ cuốn toàn thư nào khác. Tôi hết sức kinh ngạc lúc mới đọc lướt qua các trang sách – một trong vài ngàn tập sách ở phân mục M – vì sự thiếu vắng những người nổi tiếng. (Điều này được chứng thực ngay tức thì khi tôi lật trang bằng những ngón tay lạnh cóng để tìm kiếm tên cha mình.) Toàn thư không bao gồm danh mục liệt kê riêng dành cho Mažuranić[5] hay Meyerhold hay Malmberg hay Maretić[6], người soạn thảo cuốn sách giáo khoa ngữ pháp mà cha tôi dùng hồi đi học, hay Meštrović[7], người mà cha tôi đã từng trông thấy một lần trên phố, hay Dragoslav Maksimović, một thợ tiện đồng thời cũng là một nghị sĩ Đảng Xã Hội mà cha tôi quen biết, hay dịch giả Taša Milojević, người chuyển ngữ tác phẩm của Kautsky[8], người mà cha tôi đã từng đối thoại một lần tại quán cà phê Sa hoàng Nga. Đó là một tác phẩm nói về một tổ chức tôn giáo hay giáo phái nào đó mà cương lĩnh dân chủ của họ nhấn mạnh tầm nhìn bình đẳng về thế giới người chết, một tầm nhìn mà chắc chắn được truyền cảm hứng từ một số giáo lý trong Kinh thánh nhằm mục đích giải quyết những bất công trong thế giới loài người và ban tặng cho mọi tạo vật của Chúa một vị thế bình đẳng trong Cõi Vĩnh hằng. Tôi cũng mau mắn nắm bắt được rằng Toàn thư không đi sâu tìm kiếm thông tin trong thời kỳ tăm tối của lịch sử và thời gian, và rằng nó chỉ thành hình sau năm 1789 không bao lâu. Nhóm những con người thông thái dị thường này hẳn phải có thành viên trên toàn thế giới, nghiên cứu không mệt mỏi từ đầu đến cuối các tin cáo phó và các bản tiểu sử một cách cẩn trọng, xử lý dữ liệu của chúng, rồi gửi về tổng hành dinh ở Stockholm. (Có thể nào bà Johansson là một trong số họ không nhỉ? Tôi phân vân mất một lúc. Có thể nào bà đã đưa tôi đến thư viện này, sau khi nghe tôi tâm sự nỗi đau buồn của mình, cốt để tôi có thể phát hiện ra Tử toàn thư và tìm được chút ít an ủi từ nó?) Đó là tất cả những gì tôi phỏng đoán, tất cả những gì tôi suy luận về công việc của họ. Tôi tin rằng lý do họ giữ bí mật nằm ở lịch sử đàn áp lâu đời của Giáo hội, tuy nhiên việc chuẩn bị một bộ toàn thư như thế này đòi hỏi một sự thận trọng nhất định ngay cho dù những áp lực về sự phù phiếm của con người đã được ngăn ngừa và những nỗ lực tham nhũng đã bị chặn đứng.

Tuy nhiên, có một điều khiến tôi ngạc nhiên không thua gì so với những hoạt động bí mật của nhóm người này, ấy là văn phong của họ, một sự pha trộn không tưởng giữa tính súc tích của thể loại toàn thư với ngôn ngữ hùng biện trong Kinh thánh. Lấy một mẩu thông tin ngắn mà tôi ghi được trong sổ tay của tôi làm ví dụ: ở trong đó thông tin được cô đọng trong một vài dòng mà độ súc tích của nó cao đến mức đột nhiên như thể có phép thuật tâm hồn người đọc choáng ngợp bởi cảnh đẹp lộng lẫy và một chuỗi những hình ảnh lướt nhanh. Ta thấy một đứa trẻ ba tuổi được bế theo đường mòn lên núi gặp ông ngoại vào một ngày nắng oi ả, trong khi ở phần hậu cảnh – mặt bằng thứ hai hoặc thứ ba, nếu như nó được gọi như vậy – có những người lính, các nhân viên hải quan, cảnh sát, tiếng gầm đại bác xa xa và tiếng sủa nghèn nghẹt. Ta thấy các hình ảnh mô tả súc tích trình tự xảy ra các sự kiện trong Thế chiến Thứ Nhất: những đoàn tàu nghiến bánh ken két chạy ngang qua một thị trấn nhỏ ở vùng quệ, một đội kèn tây đang cử nhạc, tiếng nước chảy ồng ộc nơi cổ bi đông, kính vỡ loảng xoảng, những chiếc khăn tay đang vẫy vẫy… mỗi thông tin đều được ghi riêng thành một đoạn văn, mỗi giai đoạn đều mang hồn thơ và ý nghĩa ẩn dụ của riêng nó – không phải lúc nào cũng theo trình tự thời gian mà là một sự cộng sinh kỳ lạ giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Làm sao ta có thể giải thích khác cho lời bình bi ai trong đoạn văn – “album ảnh” bao trùm năm năm đầu tiên cha tôi sống cùng ông ngoại ở Komogovina – cơ chứ? (Lời bình, nếu tôi nhớ đúng, ghi: “Đây chắc chắn sẽ là những năm tháng đẹp nhất cuộc đời ông.”) Tiếp đến là những hình ảnh cô đọng của tuổi thơ ông, được rút gọn lại, phải nói như vậy, thành các biểu tượng: tên thầy cô và bạn bè, “những năm tháng tươi đẹp” của cậu bé tương phản với hậu cảnh các mùa trong năm đến rồi đi, mưa tạt văng trên một gương mặt hạnh phúc, những buổi tắm sông, một chiếc xe trượt đang lao như tên bắn từ trên đồi xuống cuốn theo tuyết trắng, đi câu cá hồi – rồi đến, hoặc nếu có thể thì hiện ra đồng thời – những người lính trở về từ chiến trường Châu Âu, một chiếc bi đông trong tay cậu bé, một cái mặt nạ chống khí độc vỡ tan bị bỏ lại trên gờ hàng rào phòng thủ. Rồi những cái tên, những câu chuyện đời. Người đàn ông góa gặp vợ tương lai của mình, Sofija Rebrača, người gốc Komogovina, tiệc cưới, nâng cốc chúc mừng, cuộc đua ngựa của làng, cờ đuôi nheo và ruy băng bay phần phật, lễ trao nhẫn, hát hò và nhảy kolo[9] bên ngoài cửa nhà thờ, cậu bé mặc áo sơ-mi trắng với một nhánh hương thảo cài trên ve áo.

Ở đây, trong sổ tay, tôi chỉ ghi duy nhất mỗi từ “Jraljevčani,” nhưng Toàn thư dành tận vài đoạn văn dày đặc cho khoảng thời gian này, bao gồm những cái tên người cùng ngày tháng. Nó miêu tả ngày hôm đó cha tôi tỉnh giấc thế nào, tiếng chuông đồng hồ cúc cu treo tường đánh thức ông ra khỏi giấc ngủ chập chờn ra sao. Nó nhắc đến tên những người đánh xe ngựa, tên những người hàng xóm trong đoàn tháp tùng, đến một bài nói sinh động của ông hiệu trưởng, lời khuyên ông này dành cho người mẹ mới của cậu bé, đến những lời căn dặn của vị linh mục, lời chúc phúc của những người đứng chờ ở bìa làng để vẫy tay chào tạm biệt lần cuối.

Như tôi đã nói, không một thông tin nào bị thiếu, không một thông tin nào bị loại bỏ, ngay cả tình trạng đường sá hay màu sắc bầu trời, rồi là danh sách của cải vật chất của trưởng tộc Marko được hoàn chỉnh cho đến tận chi tiết cuối cùng cũng được nhắc đến. Không gì bị quên lãng, dù là tên tác giả của những cuốn sách giáo khoa cũ và của những cuốn sách vỡ lòng chứa đầy các lời khuyên ý nghĩa, những câu chuyện có tính cảnh báo và những truyện ngụ ngôn trong Kinh thánh. Mọi giai đoạn cuộc đời, mọi trải nghiệm đều được ghi lại: từng con cá cậu bé bắt được, từng trang sách cậu bé đã đọc, tên của tất cả những loại cây cỏ cậu bé đã hái.

Và đây là cha tôi ở độ tuổi thanh niên, cái mũ đầu tiên, lần đi xe ngựa đầu tiên lúc bình minh. Đây là tên họ các cô gái, ca từ những bài hát vang lên vào thời đó, nguyên văn một bức thư tình, những tờ báo ông đã đọc – toàn bộ tuổi trẻ của ông được gói gọn trong một đoạn văn duy nhất.

Bây giờ thì ta đang có mặt ở Ruma[10], nơi cha tôi trải qua thời trung học. Có lẽ ví dụ này sẽ cho bạn một ý niệm về mức độ biết-tuốt, như người ta từng nghe đồn, của Tử toàn thư. Nguyên lý rất rõ ràng, nhưng tầm hiểu biết uyên thâm và sự cần thiết ghi chép lại tất cả, tất cả những thành tố tạo nên cuộc đời một con người, đủ để làm người ta choáng váng. Trong đây ta có lịch sử vắn tắt của Ruma, một bản đồ khí tượng, một bản mô tả chỗ tiếp hợp hai tuyến đường sắt, tên xưởng in và tất cả những gì được in ra vào thời điểm đó – mọi tờ báo, mọi cuốn sách; những vở kịch được các gánh hát lưu động đưa lên sân khấu và những trò hút khách của các đoàn xiếc lưu động; một bản mô tả cái lò gạch… nơi chàng trai trẻ đang tựa vào cây keo gai và thì thầm những lời lãng mạn xen lẫn các từ ngữ tục tĩu vào tai của một cô gái (ta có toàn văn lời tán). Và tất cả mọi thông tin – đoàn tàu, xưởng in, phần kết của Chàng ngốc tự mãn, chú voi làm xiếc, đường ray rẽ nhánh về hướng Šabac[11] – tất thảy chúng góp mặt ở đây chỉ vì chúng có liên quan đến cá nhân đang đề cập đến. Còn có cả những bản trích lục học bạ: điểm số, những bức vẽ, tên họ các bạn cùng lớp cho đến tận năm học áp cuối cấp (phần B), khi mà cậu trai trẻ cãi nhau với giáo sư L.D, giáo viên dạy lịch sử và địa lý.

Đột nhiên, ta có mặt tại trung tâm một thành phố mới. Đó là năm 1928; cậu trai trẻ đang đội một chiếc mũ mang phù hiệu năm học cuối và đã để ria mép. (Cha tôi để ria suốt phần đời còn lại. Duy có một lần, khá gần đây, ông tuột tay để lưỡi dao cạo trượt qua nên ông cạo sạch bộ ria. Khi trông thấy ông, tôi òa khóc bởi ông là một ai đó khác. Trong những giọt nước mắt của tôi, thấp thoáng một nhận thức mơ hồ rằng rồi đây khi ông qua đời tôi sẽ nhớ ông biết nhường nào.) Giờ thì chàng thanh niên đang đứng trước quán Café Central, rồi đến rạp chiếu phim, nơi đó có một chiếc dương cầm dạo nhạc trong lúc các cảnh phim Chuyến du hành đến Mặt trăng[12] xuất hiện trên màn ảnh. Tiếp sau đó, ta thấy anh đang đọc những cáo thị mới được dán lên bảng tin ở Quảng trường Jelačić, một trong số đó – tôi nhắc đến nó chỉ vì hiếu kỳ – là thông báo về một bài diễn thuyết của Krleža[13]. Cái tên Anna Eremija – một bà dì của cha tôi, bà ấy có một căn hộ trên đường Jurišić ở Zagreb[14], nơi mà cha tôi sẽ lưu trú sau này – xuất hiện bên cạnh những cái tên: Križaj, ca sĩ opera, người mà anh đã từng một lần bước vượt lên trước ở Khu Phố Thượng[15]; Ivan Labus, bác thợ sửa giày cho anh; và một cái tên hiển nhiên phải có, Ante Dutina, chủ cửa hàng bánh ngọt nơi anh thường đến mua bánh mì…

 

Trong năm 1929 xa xưa ấy, những ai đến Belgrade[16] theo tuyến đường sắt Cầu Sava có lẽ cũng có cùng một niềm vui thích khi tới nơi như người ta cảm nhận được ngày nay. Bánh xe lửa nghiến lên giàn khung kim loại kêu xủng xoảng mỗi lần tàu chạy qua các trụ cầu, nước sông Sava có màu lục nhuộm sắc nâu của bùn, đầu máy rúc một hồi còi rồi giảm tốc, và cha tôi hiện ra ở cửa sổ khoang hạng hai, đang chăm chú ngắm nhìn khung cảnh phía xa xa của một thành phố xa lạ. Buổi sáng thật trong lành, sương mù đang dần bốc lên cho chân trời ló dạng, luồng khói đen phụt ra từ ống khói của con tàu chạy bằng hơi nước Smederevo, tiếng một hồi còi nghèn nghẹt báo hiệu tàu thủy đi Novi Sad sắp khởi hành.

Ngoại trừ một vài khoảng thời gian ngắt quãng ngắn ngủi thì cha tôi ở Belgrade gần năm mươi năm, toàn bộ các trải nghiệm của ông – tổng cộng khoảng mười tám ngàn ngày đêm (432.000 giờ) đều được đề cập cả ở đây, cuốn sách về những người đã khuất này, chỉ trong vỏn vẹn có năm sáu trang gì đấy! Thế nhưng, chí ít thì trong một bản phác họa rõ ràng, trình tự thời gian được tôn trọng: các đoạn đời lần lượt trôi tựa như dòng sông thời gian hướng đến cửa sông, hướng đến cái chết.

Tháng Chín năm đó, năm 1929, cha tôi đăng ký nhập học tại một trường đào tạo trắc đạc, và Toàn thư ghi chép lại việc tạo dựng Trường Trắc đạc Belgrade và cung cấp toàn văn bài diễn văn trong lễ khánh thành trường của ngài hiệu trưởng, giáo sư Stojkovič (ông lệnh cho những kỹ sư trắc đạc tương lai phải trung thành phục vụ nhà vua và đất nước, vì họ gánh trọng trách vẽ lên bản đồ đường biên giới mới của đất mẹ). Tên của những chiến dịch vinh quang và những thất bại cũng không kém phần vinh quang trong Thế chiến Thứ nhất – Kajmakčalan, Mojkovac, Cer, Kolubara, Drina – xen kẽ với tên họ của những vị giáo sư và sinh viên hy sinh trên chiến trường, cùng với điểm số của cha tôi trong những môn học về lượng giác, đồ họa, lịch sử, tôn giáo, và thư pháp. Ta còn thấy cái tên Roksanda-Rosa, cô hàng hoa mà D.M đã “ghẹo,” như cách họ gọi vào thời đó, cùng với những cái tên của: Borivoj-Bora Ilic, quản lý một quán cà phê; Milenko Azanja, thợ may; Kosta Stavroski, ông thường dừng lại chỗ của người này mỗi sáng để mua một chiếc bánh burek[17] nóng; và một người đàn ông tên Krtinič đã từng có một lần gạt tiền ông khi chơi bài. Sau đó là danh sách những bộ phim và trận bóng đá ông đã xem, ngày tháng những chuyến dã ngoại đến Avala và Kosmaj, những đám cưới và lễ tang ông tham dự, tên những con đường nơi ông từng sinh sống (Cetinjska, Nữ hoàng Milica, Gavrilo Princip, Vua Peter I, Hoàng tử Miloš, Požeška, Kamenička, Kosmajska, Brankova), tên tác giả của những cuốn giáo trình địa lý, hình học, phép đo diện tích mặt bằng ông từng học, tựa đề những cuốn sách mà ông yêu thích (Sơn hoàng, Tên cướp Stanko, Những người nông dân nổi dậy), các buổi lễ nhà thờ, những buổi biểu diễn xiếc, những màn trình diễn thể dục dụng cụ, các hoạt động xã hội trong trường, những cuộc triển lãm hội họa (nơi một bức tranh màu nước của cha tôi đã được ban giám khảo khen ngợi). Ta còn đọc được ngày tháng ông hút điếu thuốc đầu tiên, trong nhà vệ sinh trường, bị xúi bởi Ivan Gerasimov, con trai của một người Nga nhập cư, cũng là người sau đó một tuần đưa ông đến một quán cà phê trứ-danh-thời-đó ở Belgrade, nơi có một ban nhạc gypsy và có các bá tước và sĩ quan người Nga nhỏ lệ khi nghe tiếng đàn guitar và đàn balalaika… Không có gì bị bỏ sót: lễ khánh thành đài tưởng niệm Kalemegdan, lần bị ngộ độc thực phẩm vì một cây kem mua ở góc Phố Macedonia, đôi giày mũi nhọn bóng loáng ông mua bằng khoản tiền cha ông thưởng vì đã thi đỗ.

Đoạn văn kế tiếp kể về chuyến đi đến Užička Požega[18] vào tháng Năm, năm 1933. Người đồng hành với cha tôi trên toa tàu hạng hai là Gerasimov bất hạnh có cha là dân nhập cư. Đó là nhiệm vụ đầu tiên của họ: trắc đạc địa hình của Serbia, lập bản tóm tắt về địa chính và vẽ phác họa bản đồ. Họ thay phiên nhau mang vác thước trắc địa và máy kinh vĩ; bảo vệ đầu bằng mũ rơm – lúc ấy là mùa hè, trời nắng như đổ lửa – họ leo lên đồi, người gọi qua kẻ hét lại; rồi mưa thu bắt đầu rơi, lợn bắt đầu dũi đất; gia súc trở nên bồn chồn; máy kinh vĩ phải được giữ trong nhà bởi nó thu sét. Tối tối, họ cùng uống slivovitz[19] với Milenkovič, hiệu trưởng trường làng, rượu vào lời ra, Gerasimov chửi rủa trước bằng tiếng Nga, sau bằng tiếng Serbia, loại rượu brandy này khá mạnh. Gerasimov tội nghiệp chết vì viêm phổi vào tháng Mười Một năm đó, D.M. đứng bên giường bệnh, lắng nghe những lời mê sảng của người hấp hối – hệt như khi đứng trước nấm mồ người chết, cúi đầu, mũ trong tay, suy ngẫm về sự phù du của kiếp người.

Đó là những gì còn đọng trong ký ức tôi; đó là những gì còn lại trong các ghi chép mà tôi ngoáy vội bằng những ngón tay buốt cóng trong đêm, hoặc đúng hơn là trong sáng hôm ấy. Và nó miêu tả toàn bộ hai năm; hai năm có vẻ như đơn điệu, khi mà từ tháng Năm đến tháng Mười một – mùa thảo khấu – D.M. kéo lê cái giá ba chân và máy kinh vĩ lên dốc xuống đèo, mùa chuyển mùa, nước sông dâng tràn bờ rồi rút trở lại, lá đầu tiên chuyển xanh rồi đến ngả vàng, và cha tôi ngồi dưới bóng mát của những cây mận rộ hoa, sau đó trú chân dưới mái hiên của một ngôi nhà khi chớp lóe rọi sáng cảnh đêm và tiếng sấm rung chuyển khắp các hẻm núi.

Hôm ấy là mùa hè, nắng chói chang, và những kỹ sư trắc đạc của chúng ta (cha tôi có một cộng sự mới tên là Dragovič) dừng chân tại một ngôi nhà (số nhà và tên đường được ghi rõ) lúc buổi trưa, gõ cửa và hỏi xin nước uống. Một cô gái bước ra và trao cho họ một bình nước đá mát lạnh, giống như trong truyện cổ tích. Cô gái ấy – có lẽ các bạn đã đoán ra – sẽ trở thành mẹ tôi.

Tôi sẽ không cố kể lại tất cả dựa vào ký ức, mọi chuyện, cái cách mà chúng được ghi chép lại và miêu tả ở trong đó – ngày tháng tổ chức và cách thức lễ đính hôn, đám cưới theo kiểu truyền thống (không đặt nặng chuyện tiền bạc), hàng loạt những tập tục đẹp như tranh vẽ chính là một phần tạo nên sức sống cho bộ sách: tất thảy những gì tôi thuật lại dường như không được đầy đủ và rời rạc so với bản gốc. Dù vậy, tôi không thể không nhắc đến chi tiết rằng văn bản này còn cung cấp danh sách những người làm chứng và khách mời, tên của linh mục hành lễ, những bài ca và lời chúc phúc, những món quà tặng và người tặng, đồ ăn và thức uống. Tiếp đó, theo trình tự thời gian, là khoảng thời gian năm tháng, từ tháng Mười một đến tháng Năm, giai đoạn cặp vợ chồng son định cư ở Belgrade; trong Tử toàn thư có sơ đồ mặt bằng sàn và cách bố trí nội thất, giá mua bếp lò, giường và tủ quần áo, cũng như những tiểu tiết phòng the hiển nhiên mà trong những tình huống như vậy luôn theo cùng một cách nhưng cũng luôn có sự khác biệt. Rốt cuộc thì – và điều này tôi cho là thông điệp chính của các soạn giả – không có sự gì trong lịch sử loài người từng lặp lại, mọi sự mới thoạt nhìn thì có vẻ là như nhau lại không thậm chí là hoàn toàn không có nét tương đồng nào; với mỗi cá nhân, anh ta chính là một vì sao, mọi sự diễn ra thường xuyên mà tuyệt đối không lặp lại, tất cả mọi sự đều lặp lại chính nó đến liên tu bất tận song đều là độc nhất vô nhị. (Đó là lý do tại sao các tác giả của công trình đồ sộ bất hủ Tử toàn thư lại nhấn mạnh sự riêng biệt; đó là lý do tại sao mỗi con người đều thiêng liêng đối với họ.)

Chẳng phải các soạn giả toàn thư ám ảnh với ý niệm cho rằng mỗi con người đều là duy nhất, và mỗi sự kiện đều là đặc biệt sao? Nếu không thì mục đích của việc cung cấp tên mục sư, tên người giữ sổ đăng ký kết hôn, mô tả váy cưới, hay cái tên Gledič, một ngôi làng ngoại vi Kraljevo, cùng với tất cả những chi tiết liên kết con người và nơi chốn sẽ là gì được? Bây giờ, ta đến với những đợt “thực địa” của cha tôi, những lần lưu trú từ tháng Năm đến tháng Mười một – lại là mùa thảo khấu – tại nhiều ngôi làng. Ta thấy cái tên Jovan Radojkovič (trong ngôi nhà của ông này, tối tối các nhân viên trắc đạc uống chịu rượu vang ướp lạnh) và tên của một đứa trẻ, Svetozar, đứa trẻ trở thành con đỡ đầu của cha tôi trước lời yêu cầu của một ông Stevan Janjič nào đó, và cái tên bác sĩ Levstik, người kê đơn thuốc cho chứng viêm dạ dày của cha tôi, hay cô gái có tên Radmila-Rada Mavreva đã cùng mây mưa với ông trên cỏ khô trong một chuồng ngựa tại nơi nào đó.

Về thời gian trong quân ngũ của cha tôi, cuốn sách theo dấu các cuộc hành quân ông cùng tham gia với Sư đoàn Bộ binh đóng quân tại Maribor, nêu cụ thể tên họ và cấp bậc của những sĩ quan và hạ sĩ quan, và cả tên họ những người trong doanh trại ông ở, chất lượng thực phẩm các bữa ăn, chấn thương gối ông phải chịu trong một cuộc hành quân đêm, lời trách phạt vì làm mất một chiếc găng tay, tên của quán cà phê mà ông ăn mừng vì được thuyên chuyển đến Požarevac.

Thoạt nhìn, nó có vẻ giống với bất cứ nghĩa vụ quân sự hay sự thuyên chuyển nào, nhưng từ lập trường của Tử toàn thư thì cả Požarevac lẫn bảy tháng của cha tôi trong doanh trại ấy là độc nhất vô nhị: sẽ không bao giờ có một lần nữa, không bao giờ, có chuyện một anh chàng D.M ta biết, một kỹ sư trắc đạc, vào mùa thu năm 1935, ngồi vẽ bản đồ gần bên bếp lò của doanh trại Požarevac và nghĩ đến cảnh biển mình thoáng trông thấy trong cuộc hành quân đêm trước đó hai hay ba tháng.

Cảnh biển mà ông thoáng trông thấy, lần đầu tiên, ở tuổi hai mươi lăm, từ trên triền núi Velebit vào ngày 28 tháng Tư năm 1935 sẽ mãi đọng lại trong ông – một phát giác, một giấc mơ mang cảm xúc mãnh liệt không hề suy giảm kéo dài bốn mươi năm, một bí mật, một mộng cảnh không thể diễn tả bằng lời. Sau cả ngần ấy năm, bản thân ông vẫn không chắc cảnh tượng ông trông thấy là biển khơi hay chỉ là đường chân trời, và với ông, biển đích thực duy nhất vẫn là những mảng màu xanh nước biển trên bản đồ nơi mà những vùng biển sâu được biểu diễn bằng sắc xanh dương đậm hơn, những vùng biển nông thì màu nhạt hơn.

Đó là lý do, theo tôi nghĩ, tại sao ông từ chối đi nghỉ xa trong ngần ấy năm, ngay cả lần các cơ quan đoàn thể và cả các công ty du lịch cùng đưa người lũ lượt đến những khu nghỉ dưỡng trên bờ biển. Sự chống đối của ông tiết lộ một nỗi lo kỳ lạ, một nỗi sợ bị vỡ mộng, như thể việc đến gần biển có thể sẽ hủy diệt mộng cảnh xa xưa, cảnh tượng đã làm ông sững sờ vào cái ngày 28 tháng Tư năm 1935 khi lần đầu tiên trong đời ông thoáng thấy, từ phía xa vào lúc tảng sáng, màu xanh lộng lẫy của Biển Adriatic.

Tất thảy những lời thanh minh ông đưa ra để trì hoãn việc đối mặt với biển đều kém thuyết phục theo một cách nào đó: ông không muốn trải qua mùa hè như một khách du lịch tầm thường, ông sẽ không để dành được tiền (điều này chẳng khác xa sự thật bao nhiêu), ông chịu nắng kém (dẫu cho ông trải qua đời mình trong môi trường nóng bỏng da cháy thịt), và chúng tôi để ông yên, ông vẫn ổn khi ở lỳ tại Belgrade sau những tấm rèm đóng kín. Chương này của Tử toàn thư đi sâu vào chi tiết chuyện tình của ông với biển, từ lần thấy biển đầu tiên rất nên thơ vào năm 1935, cho đến lần gặp thật sự, mặt đối mặt, sau đó khoảng bốn mươi năm.

Lần đầu tiên ông thật sự tiếp xúc với biển là vào năm 1975, khi cuối cùng ông cũng đồng ý, sau một cuộc thuyết phục tổng lực từ gia đình, đi cùng mẹ tôi đến Rovinj[20] và lưu trú tại nhà của một số bạn bè đang đi nghỉ hè.

Ông về sớm, không hài lòng với khí hậu, không hài lòng với dịch vụ nhà hàng, không hài lòng với chương trình truyền hình, khó chịu với đám đông, với nước biển ô nhiễm, với loài sứa, với giá cả và lũ “cướp đường” nói chung. Còn riêng về biển, ngoại trừ những than phiền về sự ô nhiễm (“Khách du lịch dùng nó như nhà xí công cộng”) và loài sứa (“Chúng bị mùi người thu hút, giống lũ rận vậy”), thì ông không nói gì, dù chỉ một lời. Ông gạt bỏ biển bằng một cái vẫy tay. Mãi đến bây giờ tôi mới hiểu được lòng ông: giấc mơ kéo dài bao năm về biển Adriatic, mộng cảnh xa xưa đó, đẹp hơn và mãnh liệt hơn, thuần khiết hơn và sâu đậm hơn so với thứ nước bẩn thỉu mà mấy gã đàn ông béo ị vầy vọc cùng với mấy mụ phụ nữ nung núc “đen như cột nhà cháy.”

Đó là lần cuối cùng ông ra bờ biển để nghỉ hè. Giờ đây tôi mới biết ngày ấy có một thứ trong ông đã chết, giống như một người bạn thân – một giấc mơ xa xưa, một ảo ảnh xa xăm (nếu nó đúng là một ảo ảnh) mà ông đã mang trong mình bốn mươi năm ròng.

 

Như bạn có thể thấy, tôi vừa tạo ra một bước nhảy tới vượt qua bốn mươi năm cuộc đời ông, nhưng nói theo trình tự thời gian thì chúng ta vẫn đang ở năm 1937, 1938, thời điểm D.M đã có hai con gái, là tôi và cô em (đứa con trai vẫn chưa ra đời), chúng tôi được hoài thai ở sâu tuốt trong nội địa Serbia, nơi có những ngôi làng như Petrovac trên sông Mlava, hay Despotovac, Stepojevac, Bukovac, Ćuprija, Jelašica, Matejevica, Čečina, Vlasina, Knjaževac, hay Podvis. Các bạn hãy họa đồ vùng đất này trong óc mình, phóng to tất thảy các dấu chấm đại diện cho các ngôi làng trên bản đồ hoặc trên biểu đồ quân sự (có tỷ lệ 1:50.000) đạt đến kích thước thực tế; đánh dấu các con phố và những ngôi nhà ông từng ở; sau đó bước vào một cái sân, vào một ngôi nhà; phác họa sơ đồ phòng ốc; kiểm kê đồ đạc và vườn cây ăn quả, và đừng quên tên gọi của những loài hoa mọc trong khu vườn sau nhà và những tin tức trên tờ báo ông đọc, tin tức về hiệp ước Ribbentrop-Molotov, về cuộc đào tẩu của nội các hoàng gia Nam Tư, về giá mỡ lợn và than đốt, về những kỳ tích bay của viên phi công xuất chúng Aleksić… Đấy chính là đường đi nước bước của các soạn giả toàn thư bậc thầy.

Như tôi đã để cập ở trên, mỗi một sự kiện đều có mối liên kết với định mệnh của cá nhân ông, mỗi lần Belgrade bị ném bom, mỗi đợt tiến công của đội quân Đức sang phía Đông, và mỗi lần rút chạy của chúng đều được xem xét từ quan điểm của ông và tương ứng là cách thức chúng ảnh hưởng đến cuộc đời ông. Trong sách có nhắc đến ngôi nhà ở đường Palmotićeva kèm ghi chú về tất cả những đặc điểm thiết yếu của công trình và những người sống trong tòa nhà, vì tầng hầm của ngôi nhà này chính là nơi ông – và tất cả chúng tôi – trú ẩn tránh những trận bom thả xuống Belgrade; tương tự như vậy, sách có phần miêu tả căn nhà ở vùng quê Stepojevac (bao gồm tên chủ nhà, bản vẽ thiết kế nhà, v.v…), đây là nơi cha che chở chúng tôi trong phần thời gian còn lại của cuộc chiến, sách cũng đề cập đến giá cả của bánh mì, thịt thà, mỡ lợn, gia cầm, và rượu brandy. Các bạn sẽ thấy bản ghi chép cuộc nói chuyện giữa cha tôi với viên cảnh sát trưởng thị trấn Knjaževac và một văn bản, đề năm 1942, cho ông thôi việc, và nếu đọc kỹ, các bạn sẽ trông thấy ông đang nhặt lá trong Vườn Bách thảo, hay dọc con đường Palmotićeva, ép rồi dán vào trong bộ sưu tập mẫu cây khô của con gái mình, rồi ghi rõ “Bồ công anh (Taraxacum officinale)” hay “Cây đoạn (Tilia)” bằng chữ viết tay kiểu thư pháp, kiểu viết mà ông đã từng dùng để điền “Biển Adriatic” hay “Vlasina” trên bản đồ.

Con sông kỳ vĩ cuộc đời ông, cuốn tiểu thuyết gia đình, phân thành nhiều nhánh nhỏ, song song với phần miêu tả về công việc của ông ở nhà máy đường vào những năm 1943-44 là một bản kê vắn tắt hay bản biên niên về số phận của mẹ tôi và chúng tôi, những đứa con của ông – toàn bộ lượng thông tin lớn được cô đọng thành một vài đoạn văn khúc chiết. Theo đó, những thăng tiến ban đầu của ông được gắn kết với số phận của mẹ tôi (bà đi từ làng nọ đến làng kia để đổi một chiếc đồng hồ treo tường cũ, một món quà hồi môn của bà, lấy một con gà mái và một giẻ thịt xông khói) và của lũ trẻ con chúng tôi: bắt đầu đến trường. Nghi lễ buổi sáng (trên nền giai điệu bản “Lilli Marlene[21]” phát ra từ một chiếc đài phát thanh nhà hàng xóm) có ý nghĩa truyền tải không khí gia đình trong ngôi nhà của một nhân viên trắc đạc bị sa thải vào những năm chiếm đóng (những bữa sáng đạm bạc chỉ có cải diếp xoăn với lát bánh mì nướng) và cung cấp ý tưởng về “mốt thời trang” giai đoạn đó: đội mũ len che tai, đi giày gỗ, mặc áo choàng chế từ chăn dùng trong quân đội.

Sự việc ông mạo hiểm giấu mật đường trong áo khoác đem về nhà khi làm lao động phổ thông tại nhà máy đường Milišić có ý nghĩa đối với Tử toàn thư y như vụ đột kích phòng khám nhãn khoa ở khu vực ngay sát bên nhà chúng tôi hay những hành động mạo hiểm của chú tôi, chú Cveja Karakašević, một người Ruma bản địa, người sẽ chôm bất cứ thứ gì có thể trong Câu lạc bộ Sĩ quan Quốc Xã tại số 7 phố French, nơi mà chú được thuê làm “nhân viên cung ứng thực phẩm.” Cũng nhờ vào hành động của chú Cveja Karakašević mà có chuyện kỳ lạ rằng trong khoảng thời gian bọn Đức chiếm đóng, chúng tôi có được đến vài lần ăn tối với cá chép vỗ béo (nghĩa là chúng được nuôi thả cả đêm trong bồn nước tráng men lớn trong phòng tắm nhà chúng tôi) và đưa nó xuống dạ dày bằng rượu champane Pháp cũng được lấy từ cùng Câu lạc bộ Sĩ quan đó, câu lạc bô Drei Husaren, sự kiện này, tất nhiên rồi, không thoát khỏi sự quan tâm của các soạn giả Toàn thư. Tương tự như vậy, và cũng phù hợp với logic của chương trình của họ (rằng không hề có thứ gì là tầm thường trong cuộc đời của một con người, không hề tồn tại sự phân biệt về tầm quan trọng giữa các sự kiện), họ nhập vào tất thảy những lần mắc bệnh của chúng tôi lúc nhỏ – quai bị, viêm amidan, ho gà, phát ban – cũng như một đợt có chấy và căn bệnh phổi của cha tôi (chẩn đoán của họ khớp với lời của bác sĩ Djurović: khí thũng do hút thuốc quá nhiều). Nhưng các bạn cũng sẽ thấy một bản tin trên bảng thông báo của Chợ Bajlonova đăng danh sách những con tin bị hành hình, trong đó có tên những người bạn thân thiết hay người quen của cha tôi: tên của những chí sĩ yêu nước bị treo đung đưa trên những cột điện báo ở Terazije, ngay tại trung tâm của Belgrade; những câu chữ của một sĩ quan Đức đòi xem Ausweis[22] của ông tại một quán ăn tại trạm xe buýt Niš, một đoạn mô tả đám cưới của Četnik ở Vlasontinci diễn ra giữa những tiếng súng nổ suốt đêm.

Những trận chiến trên đường phố Belgrade vào tháng Mười năm 1944 được miêu tả theo quan điểm của ông và từ góc nhìn khi đứng ở Phố Palmoticeva: xe kéo pháo lăn bánh ngang qua, một con ngựa chết nằm ở góc đường. Tiếng động inh tai do xích xe tăng nghiến xuống mặt đường tạm thời nhấn chìm âm thanh cuộc tra khảo một người Volksdeutscher[23] có tên là Franjo Hermann, những lời van xin của anh ta dễ dàng nghe thấy được qua vách tường mỏng của tòa nhà bên cạnh, nơi những sĩ quan an ninh của OZNA[24] trừng phạt người dân nhân danh công lý và báo thù. Loạt đạn súng máy từ sân trong của tòa nhà kế bên dội sang một cách tàn nhẫn giữa một sự yên tĩnh đột ngột liền sau khi một chiếc xe tăng của quân đội Liên Xô đi ngang qua, một tia máu bắn tóe lên tường mà cha tôi nhìn thấy từ cửa sổ phòng tắm, và xác chết của Hermann bất hạnh trong tư thế bào thai – tất cả đều được ghi lại trong Tử toàn thư, kèm theo bình luận của một người quan sát ẩn mình.

Đối với Tử toàn thư, lịch sử là tổng hòa các số phận con người, là sự tổng hợp của những biến cố ngắn hạn. Đó là lý do tại sao nó ghi lại mọi hành động, mọi suy nghĩ, mọi hơi thở sáng tạo, mọi cao điểm trong khi trắc đạc, mọi xẻng bùn, mọi cử động dọn dẹp gạch đá khỏi đống đổ nát.

 

Vị trí công tác cha tôi đảm trách trong Văn phòng Đất đai thời hậu chiến có nhiệm vụ tái đo đạc và ghi chép lại hồ sơ đất đai, một công việc như lệ thường sau những biến động lịch sử lớn lao, được cấp phép xử lý chi tiết theo yêu cầu của văn phòng: chất lượng địa hình, khế ước tài sản, đặt tên mới cho những ngôi làng từng thuộc Đức và đặt tên mới cho những khu đất ở vừa có người đến định cư. Không có thứ gì, như tôi đã nói, bị bỏ sót: đôi ủng cao su đóng lớp đất sét mua được từ một anh lính say rượu; lần tiêu chảy nặng do ăn phải một cuộn bắp cải thối tại một quán rượu rẻ tiền ở Indjija; lần ngoại tình với một người phụ nữ Bosnia làm bồi bàn ở Sombor; vụ tai nạn xe đạp gần Čantavir và kết quả là vết bầm ở khuỷu tay; lần đi nhờ xe chở gia súc trên tuyến đường Senta-Subotica vào ban đêm; chuyện mua một con ngỗng béo đem về nhà để mừng năm mới; trận chè chén lu bù với vài kỹ sư người Nga ở Banovići; chiếc răng hàm được nhổ trên đồng, gần một cái giếng; cuộc mít tinh mà ông bị ướt như chuột lột; cái chết của Steva Bogdanot, một nhân viên trắc đạc, do giẫm phải mìn dây tại bìa một khu rừng nào đó mà người này thì vừa mới chơi bi da với ông ngày hôm trước; sự quay trở lại bầu trời Kalemegdan của Aleksić, chàng phi công biểu diễn các trò mạo hiểm; vụ ngộ độc rượu nghiêm trọng ở làng Mrakodol, chuyến đi trên chiếc xe tải chật cứng vượt qua con đường lầy lội giữa Zrenjanin và Elemir; trận cãi nhau với ông sếp mới có tên Šuput, tại đâu đó trong vùng Jaša Tomić; việc mua được một tấn than Banovići sau khi xếp hàng từ bốn giờ sáng trong Sân ga Danube trong thời tiết âm mười lăm độ; việc mua sắm một chiếc bàn mặt đá cẩm thạch tại chợ trời; bữa sáng với pho mát “Mỹ” và sữa bột tại căn tin của Hội Công nhân Bosnia; thời kỳ bệnh tật và sự qua đời của cha ông; chuyến viếng thăm nghĩa trang theo thủ tục sau đó bốn mươi ngày; trận cãi vã gay gắt với một người tên Petar Janković và một người tên Sava Dragović, hai người này ủng hộ đường lối của Stalin; những lập luận của họ và các lời phản biện của ông (được kết thúc bằng câu chửi thầm của cha tôi “ Đ.m… Stalin!).

Theo cách ấy, Tử toàn thư nhận chìm chúng ta trong tinh thần của thời đại, trong những sự kiện chính trị của nó.

Nỗi sợ hãi bao trùm cha tôi và sự im lặng mà bản thân tôi nhớ rõ – một sự im lặng nặng nề, ngột ngạt – được cuốn sách coi là những nhân tố lây nhiễm: một ngày nọ ông được biết rằng cũng anh chàng Petar Janković đó, đồng nghiệp đồng thời cũng là bà con xa của ông, đang phải trình diện ở Tòa Nhà An ninh Quốc gia vào mỗi sáu giờ sáng để nói chuyện (kết quả của việc bị Dragović (từng nhắc đến lúc trước) tố giác) và sẽ đến văn phòng muộn, bộ mặt anh ta quầng đen và sưng húp vì bị đấm và thiếu ngủ; và chuyện đó cứ thế tiếp diễn, mỗi sáng vào lúc mặt trời mọc, trong tầm sáu tháng, cho đến tận khi Petar nhớ lại tên họ của một số người khác, những người có cùng ảo tưởng về nước Nga như anh ta và nghe đài phát thanh Moskva.

Bỏ qua những dòng chảy phụ – những cuộc cãi nhau, các lần làm hòa, những chuyến đi spa (cả một biên niên sử gia đình thu nhỏ) – bỏ qua những thứ mà cha tôi đem về nhà và những thứ mà Toàn thư liệt kê đầy đủ bằng một sự cẩn trọng dịu dàng đầy yêu thương, tôi chỉ nhắc đến cái máy thu thanh hiệu Orion, Tuyển tập Tác phẩm của Maxim Gorky, cây trúc đào trồng trong một cái thùng gỗ khổng lồ, và một phuy bắp cải chua, vì tôi cảm thấy chúng quan trọng hơn là những món đồ lặt vặt mà cuốn sách đi sâu xem xét, như tấm vải sọc tôi mua cho cha bằng những đồng lương đầu tiên, hay chai rượu cognac Martell mà ông nốc cạn chỉ trong một buổi tối.

Nhưng của cải vật chất chỉ là một phần mà Tử toàn thư đề cập đến, bởi nó không phải là một cuốn sổ cái kế toán kép hay một danh mục liệt kê, cũng chẳng phải là một danh sách họ tên như Sách Các Vua hay Sáng Thế Ký, dù nó cũng chính là một danh sách tên họ; nó xử lý các vấn đề tinh thần, quan điểm của con người về thế giới, về Thượng Đế, những nghi vấn của họ về sự tồn tại của thế giới bên kia, về các tiêu chuẩn đạo đức của họ. Nhưng điều đáng kinh ngạc nhất ấy là sự hợp nhất độc đáo giữa khách quan với nội tại: nó đặc biệt chú trọng đến những sự kiện cụ thể, sau đó tạo ra một liên kết logic giữa các sự kiện ấy với con người, hay thứ mà chúng ta gọi là linh hồn con người. Và trong khi các soạn giả đưa ra một số dữ liệu khách quan nhất định mà không kèm theo bất cứ lời bình luận nào – việc chuyển đổi từ bếp lò sang bếp điện (1969), sự xuất hiện một đốm hói trên đầu cha tôi hay việc ông đột ngột sa vào chứng thèm vô độ món đồ uống tăng lực làm từ quả cơm cháy mà ông pha chế theo công thức đăng trên tờ Politika[25] – thì họ lại diễn giải thú đam mê sưu tập tem bất ngờ xuất hiện lúc tuổi già của cha tôi như là sự bù đắp cho sự bất động kéo dài của ông. Họ tin rằng việc dùng kính lúp săm soi các con tem một phần nào đó thể hiện những ước vọng bị kìm nén thường ẩn náu bên trong những con người trầm tính, kiên định không mấy thích du lịch và phiêu lưu – giống hệt như sự lãng mạn kiểu tiểu tư sản tuyệt vọng đã định đoạt thái độ của cha đối với biển. (Ông thay thế những chuyến đi và hạn chế các ước vọng xa vời bằng những cuộc dạo chơi tưởng tượng, dễ đạt tới hơn, lấy niềm đam mê những con tem về thế giới loài bướm của thằng cháu đầu để tránh không phải xuất hiện với dáng vẻ kỳ quặc trước con mắt của người khác, và cả trong con mắt của chính mình.)

Như các bạn có thể thấy, cảnh tượng miền tinh thần này khá gần với quang cảnh nơi cửa sông, khi mà những đám tang bè bạn và người thân theo sát nhau đến mức làm cho bất cứ người nào – ngay cả là những người ít có khuynh hướng trầm tư mặc tưởng hơn cha tôi – cũng biến thành triết gia, xét trong chừng mực triết học là sự suy ngẫm về ý nghĩa tồn tại của con người.

Bất mãn với cuộc đời của mình, bị hủy hoại bởi sự u uất của tuổi già mà không có thứ gì làm ông khuây khỏa được, cho dù đó là những đứa con tận tụy hay những đứa cháu tình cảm hay cuộc sống thường nhật tương đối tĩnh lặng, ông bắt đầu càu nhàu và rơi vào tình trạng say bí tỉ thường xuyên hơn. Rượu vào, ông bất thần nổi cơn thịnh nộ, một điều khá bất ngờ đối với một con người vốn vô cùng hiền hòa và có nụ cười hết sức dịu dàng. Ông nguyền rủa Thượng đế, thiên đường, địa giới, người Nga, người Mỹ, người Đức, chính phủ, và tất cả những kẻ chịu trách nhiệm cấp cho ông một khoản lương hưu quá ư còm cõi sau khi ông đã làm việc quần quật trong suốt cả cuộc đời, nhưng ông nguyền rủa cái ti vi nhiều hơn tất thảy, vì nó xấc xược đến mức xúc phạm, nó lấp đầy khoảng trống trong những buổi tối của ông bằng cách mang vào nhà ông thứ ảo tưởng vĩ đại của cuộc đời.

Ngày hôm sau, lại cũng chính ông thầm ăn năn, ông sẽ cho con kim oanh trên ban công ăn, nói chuyện với nó, huýt sáo với nó, nâng chiếc lồng chim lên cao quá đầu như thể đang đong đưa một chiếc đèn lồng giữa cảnh tối tăm của những đau khổ nhân loại. Hay sau khi cởi bỏ bộ đồ ngủ, ông sẽ đóng bộ trong lúc miệng lầm bầm kêu ca, đội mũ, rồi đi bộ tới Phố Takovska, đến bưu điện trung tâm và mua tem. Sau đó, vào buổi chiều, ông sẽ ngồi trên mép một cái ghế dựa với thằng cháu kề bên, sắp xếp tem vào cuốn album bằng một cái cặp nhíp mảnh mai trong lúc nhấm nháp cà-phê.

Thỉnh thoảng, trong cơn tuyệt vọng, ông than vắn thở dài cho quá khứ của mình, kể lể như những người già thường làm: Thượng đế đã không ban cho ông một nền giáo dục thật sự, ông sẽ vẫn là một người dốt nát khi đã nằm dưới mộ, không bao giờ biết được thế nào là sung túc, không bao giờ biết được biển hay đô thị thực sự, không bao giờ biết được một người giàu có và có học thức có thể biết được những gì.

Và chuyến đi của ông đến Trieste[26] cũng kết thúc một cách ê chề như chuyến đi đến Rovinj.

Chuyến đi ấy diễn ra lúc ông đã sáu mươi sáu tuổi và cũng là lần xuất ngoại đầu tiên của ông, và nó cũng phải mất rất nhiều công thúc ép. Và những lý lẽ của ông cũng không dễ gì bắt bẻ: nào là một người thông minh không đi đến một đất nước mà lại không biết ngôn ngữ của nước đó; nào là ông chẳng hề có ý định làm giàu nhờ vào thị trường chợ đen; rồi thì ông chẳng mảy may háo hức gì với món macaroni hay rượu Chianti[27] cả và thích thú với một cốc vang trắng žilavka[28] Mostar hay một cốc vang trắng Prokublje[29] hàng ngày tại nhà mình hơn nhiều.

Chưa hết, chúng tôi lại còn phải thuyết phục ông xin cấp hộ chiếu.

Ông trở về với tâm trạng cáu kỉnh, bẳn gắt, suy sụp hoàn toàn: ông bất hòa với mẹ (đôi giày bà mua cho ông vừa bị nước rỉ vào lại vừa chật), cảnh sát tìm kiếm họ và lục soát hành lý của họ trên chuyến trở về Belgrade.

Có cần tôi chỉ ra rằng chuyến đi tới Trieste – trời mưa như trút mà cha thì không mang theo ô, đứng chờ dưới mái hiên Khách sạn Adriatico như một con chó hoang lạc đường, ướt như chuột lột trong lúc mẹ lục lọi kiếm giày trên cầu Ponte Rosso – xứng đáng được coi là một tình tiết quan trọng trong Toàn thư không? Niềm an ủi duy nhất ông có được trong kỳ nghỉ thảm hại ở Trieste là mua được một số hạt giống hoa bên ngoài một cửa hàng ở đó. (May mắn là trên bao bì các gói hàng đều có hình ảnh hoa minh họa và giá bán rõ ràng, nên ông không cần phải thương lượng gì với cô bán hàng.) Vào thời điểm đó, D.M đã trở thành người hoàn toàn “dồn hết tâm trí vào việc trồng hoa cảnh,” như Toàn thư nhận định. (Nó tiếp tục với việc liệt kê ra tên các loài hoa được trồng trong chậu và trong các bồn hoa cửa sổ ở ban công phía trước và phía sau nhà.)

Ông đồng thời bắt đầu giết thời gian bằng việc vẽ hoa văn các loại cây cỏ khắp nhà, một kiểu bệnh truyền nhiễm hoa cỏ. Sự bùng nổ đột ngột của tài năng nghệ thuật đến một cách bất ngờ. Không hài lòng – vì ông không hài lòng với tất cả mọi thứ – với cái cung cách trát tường phòng tắm mà một sĩ quan về hưu, một thợ sơn nhà mới vào nghề, đã làm (tay này hát vang bài “Hành khúc Đảng viên” cả ngày dài để kiểm soát tốc độ đưa chổi của mình và để lại những mảng tường lớn được trát chỗ dày chỗ mỏng), cha tôi xắn tay áo lên và kiên quyết bắt tay vào việc. Thất bại trong việc loại bỏ các đốm sẫm màu trên tường, ông quyết định ngụy trang chúng bằng sơn dầu, đè lên các đường viền của những vết ố vì ẩm ấy. Và thế là bông hoa đầu tiên – một bông hoa chuông hay bông loa kèn khổng lồ, chỉ có trời mới biết nó là hoa gì – thành hình.

Tất cả chúng tôi đều ngợi khen ông. Hàng xóm ghé qua để chiêm ngưỡng công trình của ông. Ngay cả thằng cháu yêu quý nhất của ông cũng thể hiện sự khâm phục chân thành. Mọi chuyện đã khởi đầu như thế đấy. Tiếp theo là cửa sổ phòng tắm, được ông che lại bằng những chùm hoa thanh cúc tí hon, nhưng ông bỏ ngang, chỉ vẽ có một bên cửa, thành thử mẫu thiết kế được vẽ trực tiếp lên kính ấy cho cảm giác giống như một bên rèm bị gió thổi bay mất.

Kể từ đó, với điếu thuốc vắt vẻo trên môi, ông vẽ cả ngày không biết mệt. (Và trong không gian tĩnh lặng, chúng tôi có thể nghe được tiếng ông thở khò khè như kéo bễ.) Ông vẽ những loại hoa có nét hao hao hoa thật, vẽ khắp mấy cái rương gỗ trầy xước cũ, vẽ trên các chao đèn sứ, những vỏ chai rượu cognac, những lọ hoa thủy tinh trơn, mấy hũ Nescafe, và trên những hộp chứa xì gà làm bằng gỗ. Trên nền xanh biển của vỏ bình xịt soda loại lớn, ông dùng sơn viết tên các quán café ở Belgrade bằng kiểu chữ ông từng dùng để viết tên những hòn đảo trên bản đồ: Đảo Brioni, Vịnh Kotor, Mòng Biển, Thủy Thủ, Rạng Đông, Café Serbia, Cổng Vidin, Cổng Istanbul, Skadarlija, Ba Cái Mũ, Hai Chú Hươu, Dưới Gốc Đoạn, Ba Chùm Nho, Šumatovac, Bảy Ngày, Tháng Ba Trên Sông Drina, Kalemegdan, Kolarac, Đất Mẹ, Thợ Cày, Obrenovac, Oplenac, Thị Trấn Dusan, Cửa Sông, Smederevo, Tù Và Thợ Săn, Dấu Chấm Hỏi, Vận Hội Cuối.

 

Ông qua đời vào đúng sinh nhật mười hai tuổi của đứa cháu đầu, sự việc kỳ lạ này không thoát khỏi được sự chú ý của các soạn giả. Họ cũng không bỏ qua việc ghi nhận sự phản đối của ông đối với việc chúng tôi lấy tên ông đặt cho đứa cháu bé nhất. Chúng tôi tưởng rằng chúng tôi đang giúp cho tính tự phụ của ông được thỏa mãn và ông sẽ xem đó như một biểu hiện của lòng yêu thương và quan tâm đặc biệt, nhưng ông chẳng phản ứng gì ngoài càu nhàu và tôi có thể thấy trong mắt ông thoáng một nét kinh hoàng và đấy cũng chính là ánh nhìn vụt lóe lên đằng sau cặp kính của ông một năm sau đó khi mà ông bất ngờ biết được cái chết chắc chắn đang tới gần. Sự nối tiếp nhau của người sống và người chết, huyền thoại phổ biển về chuỗi các thế hệ, niềm an ủi hão huyền mà con người bịa ra hòng khiến cho ý nghĩ về cái chết dễ bề chấp nhận hơn – trong khoảnh khắc đó, cha tôi trải nghiệm tất cả chúng như một sự xúc phạm, như thể bằng việc làm khó hiểu đem tên ông ban cho đứa trẻ mới ra đời, bất kể nó có máu mủ ruột rà thân thích với ông đến đâu đi nữa, chúng tôi “đang đẩy ông xuống mồ.” Lúc bấy giờ, tôi vẫn không hề hay biết rằng ông đã phát hiện ra ở vùng háng của mình có một khối u đáng ngờ và ông tin, mà có lẽ thậm chí là ông biết chắc chắn, rằng dường như có một cục bướu, một mầm bệnh kỳ lạ và độc hại đang nảy nở trong đại tràng mình.

Một trong các chương cuối cùng của Toàn thư mô tả chi tiết lễ tang: tên họ của vị linh mục hành lễ cuối cùng, miêu tả các vòng hoa tang, danh sách những người tháp tùng ông từ nhà nguyện, số lượng nến thắp soi sáng cho linh hồn ông, toàn văn cáo phó trên tờ Politika.

Bài điếu mà Nikola Bešević, một đồng nghiệp lâu năm của ông tại Văn phòng Đất đai đọc trước bục quan tài (“Đồng chí Djuro đã phụng sự tổ quốc với phẩm giá không hề thay đổi trong suốt thời gian từ trước chiến tranh, trong khi bị chiếm đóng đến sau khi chiến tranh kết thúc, trong giai đoạn tái sinh và tái thiết đất mẹ bị tổn thương và tàn phá nặng nề”) được dẫn toàn văn, bởi, cho dù có sự cường điệu và sáo rỗng nhất định, cho dù lời lẽ có sa đà vào lối nói khoa trương, thì bài điều văn của Bešević trước thi thể của người đồng chí vừa qua đời đồng thời là đồng bào của ông rõ ràng là một ví dụ điển hình cho thông điệp và những nguyên tắc được thể hiện trong Tử toàn thư vĩ đại (“Ký ức về anh sẽ mãi trường tồn. Lời ngợi ca và niềm vinh quang sẽ đến với anh!”)

Vâng, hầu như chẳng còn gì, các ghi chép của tôi dừng ở đây. Tôi sẽ không viện dẫn bản kê những vật dụng nghèo nàn ông để lại (áo sơ mi, hộ chiếu, giấy tờ, cặp kính mắt (ánh sáng ban ngày lấp lánh một cách đau đớn trên hai mắt kính trống không vừa được đưa ra khỏi hộp) – nói cách khác, những vật dụng được chuyển giao cho mẹ tôi tại ngay bệnh viện một ngày sau khi ông mất. Tất cả đều được ghi lại cẩn thận trong Toàn thư; đến một chiếc khăn tay hay như những điếu thuốc lá Morava hay số báo Ilustrovana Politika có trò chơi ô chữ đã được giải xong một phần mà ông đang cầm trong tay cũng không bị bỏ sót.

Tiếp đó là tên họ của những bác sĩ, y tá, khách viếng thăm, ngày giờ tiến hành phẫu thuật (Bác sĩ Petrović mổ banh ra rồi khâu đóng lại ngay vì nhận ra rằng việc phẫu thuật là vô ích: khối u đã di căn sang các cơ quan nội tạng thiết yếu khác.) Tôi không có khả năng miêu tả ánh mắt ông nhìn tôi khi ông nói lời tạm biệt tại cầu thang bệnh viện trước cuộc phẫu thuật một hay hai ngày gì đó: Nó chất chứa tất cả sự sống và nỗi khiếp sợ vì biết về cái chết. Tất cả những gì người sống có thể biết về cái chết.

 

Vậy là trong vài giờ ngắn ngủi lạnh cóng và đầm đìa nước mắt ấy, tôi đã đọc lướt hết từ đầu đến cuối những trang sách nói về ông. Tôi mất hết ý niệm về thời gian. Tôi đã ở trong thư viện lạnh giá này một giờ, hay bên ngoài trời đã sáng? Tôi nói rồi, tôi mất sạch ý niệm về thời gian và nơi chốn. Tôi nhanh chóng ghi lại càng nhiều thông tin càng tốt; tôi muốn có được một bằng chứng nào đó, trong khoảng thời gian vài giờ đồng hồ tuyệt vọng của mình, cho thấy rằng cuộc đời cha tôi không hề vô ích, rằng vẫn còn có những người trên đời này ghi chép lại và trao giá trị cho mọi cuộc đời, mọi nỗi đau, và mọi sự tồn tại của con người (một niềm an ủi nhỏ nhoi, nhưng dù sao đó cũng là niềm an ủi).

Đột nhiên, tại một nơi nào đó trong những trang cuối dành riêng cho ông, tôi để ý thấy một bông hoa, một bông hoa dị thường mà thoạt tiên tôi ngỡ là một hình minh họa hay một giản đồ của một loài cây được bảo tồn trong thế giới của những người đã khuất như là một ví dụ cho một loài thực vật đã tuyệt chủng. Tuy nhiên, chú thích lại nhấn mạnh rằng đó là họa tiết hoa quan trọng trong các bức vẽ của cha tôi. Tay run lẩy bẩy, tôi bắt đầu sao chép nó. Hơn hết thảy, trông nó giống một quả cam khổng lồ đã bóc vỏ được tách đôi, chằng chịt những đường màu đỏ tươi tựa như các mao mạch. Trong một khoảnh khắc, tôi thấy thất vọng. Tôi đã quen thuộc với tất cả các bức họa mà trong thời gian rảnh rỗi ông đã vẽ trên tường, giấy bồi, chai lọ, hộp đựng thế mà không có bất kỳ họa tiết nào giống với mẫu hoa này. Ừ, tôi tự nhủ, ngay cả họ cũng có thể phạm sai lầm. Và sau đó, sau khi sao chép quả cam khổng lồ đã bóc vỏ ấy vào sổ tay xong, tôi đọc đoạn văn kết luận và buột miệng thét thất thanh. Tôi tỉnh giấc người đẫm mồ hôi. Tôi lập tức ghi lại toàn bộ giấc mơ mà tôi nhớ được. Và đây là những gì còn lại…

Các bạn có biết đoạn văn cuối cùng viết gì không? Viết rằng D.M vẫn tiếp tục vẽ tranh khi những triệu chứng ban đầu của căn bệnh ung thư xuất hiện. Và do đó nỗi ám ảnh ông dành cho những mẫu hoa lá cỏ cây xảy ra đồng thời với diễn tiến của căn bệnh.

Khi tôi đưa bức tranh cho Bác sĩ Petrović, ông xác nhận, có phần ngạc nhiên, rằng nom nó giống hệt với khối u trong đại tràng cha tôi. Và rằng quá trình nở hoa ấy chắc chắn đã diễn ra trong nhiều năm trời.

Lê Vũ Kỳ Nam dịch


[1] Một vở kịch nổi tiếng của nhà soạn kịch Thụy Điển vĩ đại August Strindberg (1849-1912).

[2] Quái vật canh giữ cổng địa ngục trong thần thoại Hy Lạp.

[3] Cuốn sách ghi lại tiểu sử các vị thánh Công giáo của tác giả Piotr Skarga, một giáo sĩ người Ba Lan. Cuốn sách được coi là một trong những thành tựu của nền văn học cổ điển Ba Lan.

[4] Pieter Bruegel (1525-1569) một trong những họa sĩ vĩ đại nhất của trường phái Phục Hưng Phương Bắc.

[5] Ivan Mažuranić (11/8/1814-4/8/1890): nhà thơ, nhà ngôn ngữ, luật sư và chính trị gia người Croatia, được coi là một trong những nhân vật quan trọng nhất trong đời sống văn hóa và chính trị của Croatia giữa thế kỷ 19.

[6] Tomislav Maretić (13/10/1854-15/1/1938): nhà ngôn ngữ, nhà biên soạn tự điển người Croatia.

[7] Ivan Meštrović (15/8/1883-16/1/1962): điêu khắc gia, kiến trúc sư, nhà văn nổi tiếng người Croatia trong thế kỷ 20.

[8] Karl Johann Kautsky (16/10/1854-17/10/1938): là người Áo gốc Tiệp. Ông là một triết gia, ký giả và lý thuyết gia chủ nghĩa Marx chính thống.

[9] Một điệu nhảy truyền thống tập thể phổ biến ở vùng Đông Nam Châu Âu.

[10] Thị trấn Ruma nằm ở huyện Srem trực thuộc tỉnh tự trị Vojvodina, phía bắc Serbia.

[11] Thị trấn Šabac là trung tâm hành chính của huyện Mačva, nằm ở phía tây Serbia.

[12] Le Voyage dans la Lune là một bộ phim câm của Pháp nổi tiếng được phát hành vào năm 1902.

[13] Miroslav Krleža (7/7/1893 – 29/12/1981): Nhà văn người Croatia đồng thời là một nhân vật xuất chúng trong đời sống văn hóa của Nam Tư.

[14] Thủ đô Croatia.

[15] Upper Town là khu phố gồm nhiều con phố nhỏ trải dài giữa hai ngọn đồi Kaptol và Gradec ở thủ đô Zagreb.

[16] Thủ đô Nam Tư.

[17] Một loại bánh kẹp làm từ lúa mì rất phổ biến ở Tây Á và Đông Âu.

[18] Thành phố tự trị thuộc huyện Zlatibor, nằm ở phía tây Serbia.

[19] Một loại rượu lên men từ mận phổ biến ở vùng Đông và Nam Âu.

[20] Thành phố thuộc Croatia, nằm ở phía bắc biển Adriatic.

[21] Một bản tình ca của Đức phổ biến ở Châu Âu trong thời Thế Chiến Thứ Hai.

[22] Tiếng Đức: thẻ căn cước.

[23] Thuật ngữ tiếng Đức thời Đức quốc xã: nghĩa là người thuộc chủng tộc Đức bất kể có quốc tịch của nước nào.

[24] Cơ quan mật vụ của chính quyền cộng sản Serbia từ năm 1944 đến năm 1952.

[25] Politika là tờ nhật báo phát hành ở Belgrade.

[26] Thành phố cảng ở phía đông bắc nước Ý, trên dải đất hẹp nằm giữa biển Adriatic và Slovenia.

[27] Rượu vang đỏ nổi tiếng vùng Tuscany, miền bắc nước Ý.

[28] Tên một loại rượu vang được ủ từ giống nho xanh trông ở vùng Mostar thuộc Herzegovina, Bosnia.

[29] Thành phố tự trị nằm ở miền nam Serbia.

 

Chấm sao chút:

Đã có 0 người chấm, trung bình 0 sao.

Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3

Người góp chữ

Lê Vũ Kỳ Nam

Sống nội tâm, yêu màu tím, hay khóc thầm. Hiện đang ở Đà Nẵng.

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi

1 Trackbacks & Pingbacks

  1. Share – Danilo Kiš, “Tử toàn thư (Trọn một đời người)” — Zzz Review – Non Performing Life…

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*