Emil Cioran, Trên đỉnh cao tuyệt vọng (trích)

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi
Thời gian đọc: 13 phút

(Bài viết thuộc Zzz Review số 6, 31-7-2019)

Cioran viết tác phẩm đầu tay, Trên đỉnh cao tuyệt vọng (Pe culmile disperării) năm ông 23 tuổi, trong khoảng thời gian vài tuần, khi đang phải chịu đựng một đợt mất ngủ trầm trọng. Cuốn sách – đến giờ vẫn là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của ông – đánh dấu cột mốc bắt đầu của một mối gắn kết mạnh mẽ, chặt chẽ trong đời ông, giữa việc viết lách và mất ngủ:

Tôi chưa bao giờ có thể viết theo cách nào khác ngoài trong cơn tuyệt vọng [cafard] đem lại bởi những đêm không ngủ được. Suốt bảy năm tôi chẳng ngủ được bao nhiêu. Tôi cần trạng thái tuyệt vọng này, và kể cả hôm nay trước khi ngồi xuống viết tôi chơi một đĩa nhạc Gypsy buồn của người Hungary.

– LARB.

Dưới đây là những mảnh ngắn do dịch giả lựa chọn, được dịch từ bản tiếng Pháp của André Vornic và Christiane Frémont năm 1991, có tham khảo bản dịch tiếng Anh của Ilinca Zarifopol-Johnston năm 1992.

shsaazqcc180.jpg
Bìa bản gốc tiếng Rumani.

Tất cả sao quá xa xôi!

Tôi không hiểu tại sao lại phải làm gì đó ở trên đời này, tại sao ta phải có bạn bè và hoài bão, hy vọng và ước mơ. Chẳng phải một ngàn lần hơn nếu lui vào một góc khuất nẻo cuộc đời, xa rời mọi thứ ồn ã và phức tạp hay sao? Nếu vậy, ta sẽ khước từ cả văn hoá và tham vọng, ta sẽ mất tất mà chẳng đạt được gì đổi lại. Nhưng có thể đạt cái gì trên đời mới được? Có những người mà với họ, đạt được gì cũng đều vô nghĩa, bởi họ bất hạnh và đơn độc đến mức bất khả vãn hồi. Tất cả chúng ta đều quá khép kín đối với nhau! Mà dù có cởi mở với người khác hết mức hay dò được hết lòng người, thì ta liệu có soi tỏ số phận họ được chừng nào? Cô độc khi sống, ta phải tự vấn rằng phải chăng sự cô độc khi hấp hối lại chính là biểu tượng của hiện hữu con người. Điểm yếu đáng thương của việc chỉ muốn sống và chết trong quần thể: khả dĩ có chăng một niềm an ủi cho giờ phút lâm chung? Chết trong khi bị bỏ mặc một mình, không kiểu cách mà cũng không cần vờ vĩnh, chẳng phải là hơn sao? Tôi kinh tởm những ai, khi hấp hối, còn có thể chế ngự được bản thân mà làm dáng để gây ấn tượng. Nước mắt chỉ nóng trong cô độc. Tất cả những ai muốn bạn bè vây quanh vào lúc qua đời, họ muốn vậy là bởi sợ và bất lực không dám đương đầu với giây phút cuối đời. Họ tìm cách, vào thời điểm cốt tử ấy, quên đi cái chết của chính mình. Sao họ không có được lòng anh dũng, sao họ không khoá trái cửa lại mà chịu những cảm giác rợn người kia trong minh mẫn và sợ hãi vô biên?

Chúng ta sao mà tách biệt với tất cả! Nhưng chẳng phải tất cả cũng hoàn toàn không thể với tới trước ta ư? Cái chết sâu sắc nhất, cái chết đích thực, là cái chết đơn độc, khi ngay cả ánh sáng cũng trở thành nguyên tắc của cái chết. Những khoảnh khắc ấy chia lìa ta với cuộc đời, với tình yêu, với những nụ cười, với bạn bè – và ngay cả với cái chết. Rồi ta tự hỏi thế thì liệu có tồn tại gì nữa đây ngoài hư vô của cuộc đời và hư vô của riêng mình.

 

Đam mê cái phi lý

Không gì có thể biện bạch được cho việc sống. Ở bên bờ vực đời mình, ta làm sao còn có thể viện dẫn nổi những lý luận, những nguyên nhân, kết quả hay những đắn đo đạo đức cho được? Hiển nhiên là không. Do vậy việc sống chỉ còn lại những lý do vô căn cứ. Trên đỉnh cao tuyệt vọng, chỉ lòng đam mê cái phi lý là còn rọi lên sự hỗn độn một luồng sáng ma quỷ. Trong khi tất cả những lý tưởng hiện thời – đạo đức, thẩm mỹ, tôn giáo, xã hội, v.v… – không thể chỉ dấu đường hướng và mục đích cho đời ta nữa, làm sao để bảo vệ cuộc đời ấy khỏi hư vô? Ta chỉ có mỗi cách bám chặt vào cái phi lý và sự vô dụng tuyệt đối, vào một thứ về cơ bản không bền vững, nhưng lại là huyễn tưởng có thể tạo ra ảo ảnh về sự sống.

Tôi sống bởi núi kia không biết cười, mà loài sâu cũng không biết hát. Niềm đam mê cái phi lý chỉ sinh ra ở những cá nhân đã được thanh tẩy hết mọi thứ, nhưng vẫn dễ phải trải qua những hoá thân ghê gớm sau này. Với những người đã mất tất cả, chỉ còn niềm đam mê này ở lại. Vậy bùa ngải nào đã quyến rũ họ? Một số người sẽ không ngần ngại trả lời ngay: Sự hy sinh nhân danh nhân loại hay lợi ích chung, lòng tôn thờ cái đẹp, v.v… Tôi chỉ thích những người đã thử, dù là ngắn ngủi, tất cả những điều này. Chỉ có họ mới từng sống một cách tuyệt đối, chỉ có họ mới có tư cách nói về cuộc sống. Nếu ta có thể tìm lại tình yêu và lòng thanh thản, thì chỉ có thể bằng sự anh hùng chứ không phải một cách không ý thức. Một tồn tại mà không hàm chứa sự điên rồ lớn lao thì mãi mãi vô giá trị. Một tồn tại như thế khác nào tồn tại của một hòn đá, một mẩu gỗ hay cỏ dại? Tôi khẳng định với lòng thành thật nhất, rằng cần phải mang trong mình một sự điên rồ lớn mới có thể muốn trở thành đá, mẩu gỗ hay cỏ dại. Chỉ khi nào ta đã nếm đủ những ngọt ngào độc địa của cái phi lý, ta mới được thanh tẩy hoàn toàn, bởi chỉ khi ấy ta mới đẩy sự phủ định tới biểu hiện cao nhất của nó. Và chẳng phải mọi biểu hiện cao nhất đều phi lý hay sao?

 

Về thực tại của thân thể

Tôi sẽ không bao giờ hiểu được tại sao người ta có thể gọi thân thể là ảo ảnh, cũng như tôi sẽ không thể hiểu làm sao người ta có thể tưởng tượng được tinh thần nằm bên ngoài bi kịch sự sống với đầy những mâu thuẫn và khiếm khuyết. Như thế rõ ràng là không có chút ý thức nào về da thịt, hệ thần kinh, và mỗi cơ quan. Với tôi, đây là điều không thể hiểu nổi, cho dù tôi ngờ rằng cái sự không ý thức này là điều kiện thiết yếu của hạnh phúc. Những người gắn bó với tính phi lý của sự sống, từ trước khi ý thức xuất hiện đã bị nhịp điệu hữu cơ chế ngự, họ không biết đến trạng thái khi thực tại về thân thể luôn luôn hiện diện trong ý thức. Thành thử, sự hiện diện này sẽ trở nên một căn bệnh cốt yếu của sự sống. Bởi, lúc nào cũng cảm thấy chân, bụng, tim mình, cứ luôn ý thức về mỗi phần nhỏ nhất trong thân thể mình, chẳng phải là một căn bệnh hay sao? Thực tại của thân thể là một trong những thực tại khủng khiếp nhất. Tôi rất muốn biết tinh thần sẽ như thế nào nếu không có tất cả những dày vò của xác thịt, hay là ý thức ra sao nếu không có sự nhạy cảm của hệ thần kinh. Làm sao ta có thể hình dung được một sự sống thiếu đi thân thể, làm sao ta có thể tưởng tượng một tồn tại tự thân và nguyên thủy của tinh thần? Bởi tinh thần là hoa trái của một rối loạn trong sự sống, cũng như con người chỉ là một loài vật đã phản bội nguồn gốc của mình. Sự tồn tại của tinh thần là một dị dạng của sự sống. Tại sao tôi không từ bỏ tinh thần? Nhưng việc từ bỏ ấy chẳng phải nó chính là một căn bệnh của tinh thần, trước cả khi là một căn bệnh của sự sống hay sao?

 

Tôi không biết

Tôi không biết điều gì là tốt, điều gì là xấu; điều gì được cho phép và điều gì không; tôi không thể ca tụng cũng không thể lên án. Trên đời này, không có tiêu chí cũng như không có nguyên tắc bền vững. Tôi ngạc nhiên thấy một số người vẫn bận lòng với các lý thuyết về nhận thức. Thành thực mà nói, tôi nên phải thú nhận rằng mình không quan tâm chút nào tới tính tương đối trong cái biết của chúng ta, bởi thế giới này không đáng được biết đến. Đôi khi tôi có cảm giác như thể tôi đã có được cái biết toàn thể, vét cạn nội dung của cả thế giới này, đôi khi tôi thực sự chẳng hiểu bất cứ điều gì đang diễn ra quanh mình. Tôi cảm thấy một vị chát, một vị đắng quỷ quái, dữ dội khiến bản thân chuyện chết với tôi cũng hóa thành vô vị. Tôi nhận ra, lần đầu tiên, rằng vị đắng ấy thật khó định nghĩa. Điều này có thể cũng là vì tôi mất thời gian tìm cho nó lai lịch về lý thuyết khi mà nó bắt nguồn từ một vùng hết sức tiền lý thuyết.

Vào lúc này, tôi không tin bất cứ điều gì và cũng không có bất cứ niềm hy vọng nào. Tất cả những gì tạo nên sức quyến rũ của cuộc sống với tôi đều vô nghĩa. Tôi không có tình cảm nào với quá khứ cũng như với tương lai; hiện tại với tôi chỉ như thuốc độc. Tôi không biết mình có tuyệt vọng hay không, bởi thiếu vắng hoàn toàn hy vọng không nhất thiết là tuyệt vọng. Không có từ ngữ nào tóm bắt được tôi, bởi tôi chẳng còn gì để mất. Tôi đã mất đi tất cả vào lúc mọi thứ quanh tôi đang tỉnh thức! Hoa đang nở, chim đang hót khắp quanh tôi! Tôi cách quá xa tất cả mất rồi!

 

Gánh nặng nỗi buồn

Còn nỗi buồn nào ngoài nỗi buồn cái chết? Hẳn là không, bởi nỗi buồn đích thực màu đen, chẳng hề quyến rũ. Nó nói lên một sự chán nản vô song lớn hơn cả sự chán nản từ nỗi u sầu – sự chán nản dẫn tới kinh tởm cuộc sống, dẫn tới trầm cảm vô phương cứu chữa. Nỗi buồn khác hẳn nỗi đau, bởi nổi bật trong nỗi buồn là trầm tưởng, trong khi nỗi đau phải chịu đựng tính vật chất định mệnh của tri nhận giác quan. Nỗi buồn và nỗi đau chỉ có thể dẫn tới cái chết – chứ không bao giờ tới tình yêu hay khoái cảm. Những giá trị của ái tình (Eros) giúp sống không cần suy tưởng, trong cái tức thời và trong nhu cầu bí mật của cuộc sống – do sự ngây thơ cốt yếu của mọi kinh nghiệm tình ái – mang cái vẻ tự do. Ngược lại, buồn và đau đớn có nghĩa là không có khả năng thực hiện một hành vi liên quan hữu cơ tới dòng chảy cuộc sống. Nỗi buồn và nỗi đau biểu lộ sự tồn tại cho ta thấy, bởi nhờ đó mà chúng ta ý thức được về sự cô lập của chính mình; chúng gợi ra trong ta một nỗi lo âu là nơi khởi nguồn thứ tình cảm bi thảm đối với việc tồn tại.

 

Xúc cảm về cái tối hậu

Tôi chỉ biết nói về những niềm vui và nỗi buồn sau cuối. Tôi chỉ yêu những gì biểu lộ ra không dè dặt, không thỏa hiệp cũng chẳng ngập ngừng. Ta còn có thể thấy chúng ở đâu khác ngoài những căng thẳng và co giật tối hậu, cơn cuồng điên của cái kết, cơn say và hưng phấn của những phút giây cuối cùng? Không phải tất cả đều là tối hậu sao? Thế thì nỗi lo âu về hư vô là gì nếu không phải là niềm vui méo mó trước những nỗi buồn sau cuối, tình yêu cuồng nhiệt dành cho tính vĩnh cửu của sự trống rỗng và tính tạm thời của tồn tại? Phải chăng khi đó ta sẽ thấy tồn tại là lưu vong, còn hư vô lại là quê hương?

Tôi phải chiến đấu chống lại chính mình, nổi giận với số phận mình, làm nổ tung mọi rào cản đối với việc biến hóa của mình. Chỉ duy nhất nỗi khát khao cùng cực bóng tối và ánh sáng trong tôi là cần tồn tại! Cho mỗi bước của tôi là một thắng lợi hay một sụp đổ, một thăng hoa hay một cú trượt ngã! Cho cuộc đời cứ luân phiên tới chóng mặt đâm chồi và lụi tàn trong tôi! Cho không gì trong những tính toán tầm thường hay hình dung lý trí của sự tồn tại bình thường làm hại tới những khoái lạc và khổ đau của cõi hỗn độn, hay thú vui bi thảm của sung sướng và tuyệt vọng tối hậu trong tôi!

Sống sót qua những căng thẳng hữu cơ và những tâm trạng cùng cực, đó là biểu hiện của sự xuẩn ngốc chứ không phải sức chịu đựng. Quay về với cuộc tồn tại chán ngắt này để làm gì nữa đây? Không chỉ sau trải nghiệm hư vô mà còn sau cả cực điểm khoái lạc, tôi đều thấy sống sót thật là điều vô nghĩa làm sao. Tôi không bao giờ hiểu được vì sao không ai tự sát ngay khi cực khoái, vì sao việc sống sót lại không có vẻ nhạt nhẽo và tầm thường. Cơn run rẩy quá sức dữ dội nhưng lại quá ngắn ngủi này đáng ra phải thiêu hủy bản thể chúng ta chỉ trong một phần giây. Nhưng, nếu nó không giết được ta, vì sao ta không tự giết mình? Có quá nhiều cách để chết… Tuy nhiên, không ai có đủ can đảm hay độc đáo để mà chọn cách kết thúc như thế, không kém triệt để hơn những cách khác, mà lại có lợi thế là quẳng ta vào hư vô trong lạc thú vô ngần. Tại sao lại bỏ qua con đường này? Chỉ cần một tia tỉnh táo kinh khiếp lóe lên trên đỉnh của sự tiêu tan không thể tránh khỏi cũng đủ cho cái chết, vào những lúc như thế, không còn chỉ giống như là ảo ảnh.

Nếu con người ngày nào đó tới lúc không chịu nổi cái đơn điệu, sự tầm thường của cuộc tồn tại này, mọi trải nghiệm cực đoan đều sẽ trở thành động cơ tự tử. Việc không thể sống sót sau một khoái cảm phi thường như vậy sẽ triệt tiêu tồn tại. Vậy là sẽ không còn ai phải ngạc nhiên khi ta đi băn khoăn về cơ hội tiếp tục hay từ bỏ sự sống sau khi nghe bản giao hưởng nào đó hoặc chiêm ngưỡng cảnh đẹp có một không hai.

Bi kịch của con người, loài động vật lưu vong trong cuộc tồn tại này, nằm ở chỗ chúng không thể thỏa mãn với các dữ liệu và giá trị của sự sống. Với động vật, sự sống là tất cả; với con người, sự sống là một dấu hỏi. Một dấu hỏi kiên định, bởi con người chưa từng nhận được và sẽ không bao giờ nhận được câu trả lời cho những câu hỏi của mình. Không chỉ là sự sống hoàn toàn vô nghĩa, mà sự sống còn không thể nào có nghĩa.

 

Tóm tắt về tình yêu

Tình yêu của loài người sinh ra trong đau đớn giống như trí tuệ bắt nguồn từ bất hạnh. Trong cả hai trường hợp, gốc rễ đều đã mục nát và nguồn cội đã nhiễm độc. Chỉ có tình yêu tự phát của những người xuất phát từ sự quên mình chân thành và một bầu nhiệt huyết nồng nàn mới làm giàu được tâm hồn người khác. Tình yêu sinh ra từ đau đớn chứa đựng quá nhiều nước mắt và than thở nên các tia tình yêu khó mà tránh tắm trong thứ ánh sáng đắng ngắt. Nó có quá nhiều từ bỏ, quá nhiều day dứt và lo lắng nên không thể nói lên thứ gì khác hơn là một nỗi nhịn nhục vô hạn. Nó tha thứ tất cả, chấp nhận tất cả, bào chữa tất cả; thế có còn là tình yêu nữa hay không? Làm sao ta có thể yêu khi ta xa rời mọi thứ? Kiểu tình yêu như thế bóc trần cái trống rỗng của một tâm hồn mắc kẹt giữa Tất cả và Không gì cả, như thể khi mang trái tim tan vỡ, chỉ còn thói Sở Khanh là cứu viện cuối cùng. Về phần Cơ đốc giáo, nó không biết đến tình yêu: nó chỉ biết có lòng khoan dung, một ám chỉ về tình yêu hơn là chính tình yêu.

 

Trò ảo thuật của cái đẹp

Sự nhạy cảm trước cái đẹp càng tăng lên khi ta lại gần hạnh phúc hơn. Mọi thứ đều tìm thấy trong cái đẹp lẽ sống của mình, sự cân bằng nội tại, một lý do để mình tồn tại. Một vật đẹp đẽ được hình dung như nó vốn có. Một bức tranh hay một cảnh đẹp làm ta vui tới mức khi lặng ngắm nó, ta không thể nào hình dung nó khác với lúc này. Xác định thế giới đẹp có nghĩa là khẳng định nó hiện giờ đúng như cần có. Trong nhãn quan ấy, mọi thứ đều huy hoàng và hài hòa, và những khía cạnh tiêu cực của tồn tại chỉ càng nhấn mạnh vẻ quyến rũ và hào quang của nó. Cái đẹp không cứu rỗi thế giới, nhưng nó giúp ta lại gần hạnh phúc hơn. Trong một thế giới gồm những tương phản, cái đẹp có thể nào là ngoại lệ? Đẹp – và đây là nét lôi cuốn và bản chất đặc thù của nó – chỉ có vẻ nghịch lý khi nhìn từ một điểm nhìn khách quan. Hiện tượng mỹ học giải thích điều kỳ lạ này: trình bày cái tuyệt đối qua hình thức, thể hiện cái vô hạn bằng hình hài hữu hạn. Cái-tuyệt-đối-mang-hình-thức – đã hiện thân vào một biểu hiện hữu hạn – chỉ có thể hiển hiện trước kẻ bị cảm xúc mỹ học chinh phục; nhưng từ bất kỳ một điểm nhìn nào khác, nó trở thành một mâu thuẫn nội tại (contradictio in adjecto). Mọi lý tưởng về cái đẹp đều bao hàm một lượng ảo ảnh không đong đếm được. Tệ hơn nữa, định đề cơ bản của cái lý tưởng ấy, tức cái thế giới này đúng như nó cần có, lại không thể đứng vững khi bị đem ra phân tích một cách cơ bản nhất. Thế giới đáng lẽ phải là bất cứ thứ gì trừ là chính nó lúc này.

 

Sự vô nghĩa của trở thành

Trong suy tư lặng lẽ, khi sức nặng của cái vĩnh hằng đè lên ta, khi ta nghe thấy tiếng đồng hồ tích tắc hay nhịp đập của từng giây, làm sao có thể không cảm thấy sự trống rỗng của việc tiến lên qua thời gian và sự vô nghĩa của trở thành (le devenir)? Tiến xa hơn để làm gì đây, tiếp tục để làm gì đây? Điều mà thời gian đột nhiên hé lộ, thứ ban cho thời gian một tính hệ trọng khủng khiếp bình thường không có, chính là hoa trái của nỗi ghê tởm cuộc sống và việc không thể theo mãi cùng một tấn trò đời. Điều tiết lộ ấy, nếu nó đến trong đêm, tính phi lý của thời giờ đang trôi còn tăng gấp bội vì cảm giác cô đơn choáng ngợp, là bởi – xa khỏi thế giới và loài người – ta một mình đối mặt với thời gian, trong một mối quan hệ nhị phân không khoan nhượng. Thời gian, trong sự ruồng bỏ của đêm, không còn chất đầy các hành động và sự vật: nó triệu hồi một hư vô lớn dần, một cõi trống rỗng ngày càng giãn nở, như một nỗi đe dọa từ thế giới bên kia. Trong tĩnh lặng của suy tư một âm thanh sầu thảm và dai dẳng vang lên, tựa như một tiếng cồng trong một vũ trụ chết. Chỉ có ai đã phân tách tồn tại với thời gian mới trải qua thảm kịch này: chạy trốn tồn tại thì bị thời gian nghiền nát. Và kẻ ấy cảm nhận thời gian tiến lên như cái chết tiến tới gần.

 

 

Nghiêm Quỳnh Trang dịch

Chấm sao chút:

Đã có 13 người chấm, trung bình 4.8 sao.

Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3

Người góp chữ

Nghiêm Quỳnh Trang

Mẹ bỉm sữa.

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*