(Bài viết thuộc Zzz Review số 6, 31-7-2019)
Nhà nước Ba Lan chấm dứt tồn tại năm 1795. Những sự kiện dẫn đến kết quả này thường được mệnh danh là “[các] cuộc chia cắt Ba Lan”, khi lãnh thổ Cộng hòa Ba Lan lần lượt bị chia về tay ba tên hàng xóm: Nga, Phổ, Áo. Sự thủ tiêu nhà nước Ba Lan trước đó đã từng nắm trong tay một lãnh thổ mênh mang giữa châu Âu, bao trọn cả những vùng ngày nay là Litva, Belarus và một phần Ukraina, đã tác động nghiêm trọng đến thế cân bằng những lực lượng chính trị trên lục địa châu Âu, cũng như những nguyên tắc pháp lý hiện hành trong quan hệ quốc tế. Ba đợt chia cắt Ba Lan đã hợp pháp hóa những hành vi bạo lực và gây hấn không được phép, biến bạo lực thành một phương pháp hành động được khoan thứ rộng rãi.
Nhưng bất kể những hậu quả trên diện rộng là gì, thì việc chia cắt Ba Lan trước nhất là một đòn mạnh giáng lên tinh thần người Ba Lan. Nó dẫn đến sự bộc phát tình cảm, bùng nổ những cảm xúc tuyệt vọng, nỗi mong mỏi những điều đã mất đi, và những lời thổ lộ tình hiếu thảo tận tụy với đất nước Ba Lan – được coi như Đất-Mẹ bị xúc phạm, thậm chí bị hạ sát của người Ba Lan. Văn hóa Ba Lan thời kỳ này tràn ngập biểu tượng hình ảnh nấm mồ, hoặc Ba Lan như một người phụ nữ bị xiềng hoặc bị đẩy xuống mồ, còn trong lĩnh vực tư tưởng nổi trội nhất là nỗi thôi thúc giành lại độc lập, thậm chí có thể gọi là sự sùng bái tự do, song song với khao khát giáng đòn thù xuống những kẻ thù của dân tộc. Vì tổ quốc được coi là “mẹ” của dân tộc, nên từng công dân Ba Lan đều trở thành đứa con của người mẹ chung đã bị sát hại, nghĩa là lứa trẻ mồ côi có nghĩa vụ báo thù cái chết của người. Nền tảng đạo đức [ethos] của người Ba Lan hậu chia cắt xoay quanh khái niệm tự do, nghĩa vụ chiến đấu giành lại Ba Lan, bổn phận trung hiếu với tổ quốc. Vào thế kỷ 19 khi ở châu Âu đang phát triển lý thuyết về nhà nước và mối quan hệ giữa nhà nước với công dân, người Ba Lan lại rất thờ ơ với những vấn đề đó. Với họ, khái niệm “nhà nước” chỉ nhắc lại thế lực ngoại lai áp đặt lên mình, hơn nữa – như với nước Nga – lại là thế lực có tính chuyên chế, một điều người Ba Lan chưa từng phải trải qua trong lịch sử nghìn năm của mình. Cứ thế, trong văn hóa Ba Lan, trong tâm thức và hành vi của người Ba Lan, khái niệm “nhà nước” đã bị truất ngôi nhường cho khái niệm “tổ quốc”. Chính “tổ quốc” mới là nền tảng tinh thần cho khối thống nhất dân tộc và căn tính dân tộc.
Nhiệm vụ bảo hộ chính cho tinh thần cộng đồng ấy được trao cho văn học. Hơn nữa văn học đã đóng vai trò đặc biệt trong việc hình thành ý thức dân tộc của người Ba Lan, chiếm vị trí hàng đầu trong số những giá trị văn hóa chủ đạo. Thực tế, văn học giai đoạn Lãng mạn đến nay vẫn được coi là thống soái đời sống tinh thần Ba Lan. Có vài nguyên do làm nên hiện tượng này. Thứ nhất, văn học và nhất là thơ ca giai đoạn này thấm đẫm lịch sử thời đại, vì thế phải đối diện với những vấn đề cơ bản vẫn trăn trở cả một thế hệ người Ba Lan lớn lên ngay sau khi mất độc lập: những câu hỏi về vai trò của cái Ác trong số phận thiên định của thế giới, về cuộc đấu tranh giữa tự do và chuyên chế – hai nguyên lý chính điều khiển lịch sử từ xa xưa đến sau này, và về tính hợp pháp của việc nổi loạn chống lại cưỡng bức và tù hãm. Hai nữa, thời kỳ Lãng mạn chứng kiến sự nảy nở vô số thiên tài thơ như Adam Mickiewicz và Juliusz Słowacki, vô số những nhân vật mang tài năng thiên phú như Zygmunt Krasiński và Cyprian Norwid, và còn rất nhiều cá nhân không rực rỡ bằng, nhưng đủ là đóng góp lớn cho bất cứ nền văn học châu Âu nào. Và thứ ba, vì văn học Ba Lan đã khám phá ra một cõi tự do, trong đó tự do phát ngôn hoàn toàn không bị hạn chế bởi sự áp bức từ bất cứ chính quyền nào.
Sau năm 1831, văn học bắt đầu bị phân đôi: một bên là những tác phẩm sáng tác ở Ba Lan, bên kia là những tác phẩm viết trong cộng đồng kiều dân, đặc biệt là ở Pháp. Chính nước Pháp là nơi những tác giả Ba Lan danh tiếng, trên nhất là Mickiewicz và Słowacki, rồi đây sẽ sống và sáng tác, và bất chấp những biện pháp kiểm duyệt, tác phẩm của họ vẫn tìm về được với người đọc trong lãnh thổ Ba Lan đã chia cắt – điều này rồi sẽ tác động sâu sắc lên tâm thức và cảm nhận của người đọc, cũng như trình độ của các sáng tác văn học trong nước.
Năm 1831 cũng là năm bắt đầu chuỗi nổi dậy với mục đích giành độc lập, chống lại nước Nga. Cái nôi và cũng là địa bàn chính của cuộc nổi dậy từ mùa thu 1830 là Vương quốc Lập hiến Ba Lan, một tiểu quốc bán độc lập ra đời sau Hội nghị Vienna (1815) nhằm xác lập trật tự chính trị châu Âu sau khi Napoléon đại bại. Là một mảnh cắt ra từ phần chia của Nga, tiểu quốc này phụ thuộc vào Nga qua mối liên minh cá nhân (nghĩa là Sa hoàng Nga cùng giữ ngai vàng Ba Lan), nhưng lại có quân đội riêng của mình (dù tổng tư lệnh là người em trai khét tiếng của Sa hoàng), có một hệ thống giáo dục Ba Lan đến tận cấp đại học, và một hiến pháp tự do – một điều chưa có tiền lệ ở châu Âu thời đó.
Một điều nghịch lý là chính những quyền tự do tương đối được công nhận trong Hiến pháp của Vương quốc Lập hiến Ba Lan lại là nguyên nhân dẫn đến nổi dậy. Những quyền này đã tạo ra không khí tự do nhất định về tư tưởng và phát ngôn, kích thích lòng khao khát tái thiết lại nhà nước Ba Lan tự do, ít nhất cũng trên phần lãnh thổ thuộc Nga. Cùng lúc đó, không khí tự do trong nước lại buộc nhà cầm quyền ra tay riết róng hạn chế những quyền tự do dân sự được hiến pháp cho phép; điều này gây ra mối căng thẳng thường trực giữa chính quyền và quần chúng.
Cuộc Nổi dậy tháng Mười một (nổ ra vào ngày 29/11), khi thất bại, đã khởi đầu một đợt di cư lớn: khoảng 9000 người cả binh lính lẫn thường dân – chủ yếu là giới trí thức – theo nhau rời khỏi Ba Lan. Sự chia cắt giữa cộng đồng kiều dân với đất nước rồi đây sẽ trở thành nét chính yếu quy định lịch sử Ba Lan thế kỷ 19.
Giai đoạn Lãng mạn còn trải qua hai đợt động binh có tính xã hội nhằm giành độc lập nữa. Thứ nhất là vào Mùa xuân các dân tộc năm 1848, song song với những phong trào cách mạng đang lan khắp châu Âu (tuy không lan tới phần lãnh thổ thuộc Nga), thứ hai là cuộc Nổi dậy tháng Giêng vào ngày 22/1/1863. Cuộc Nổi dậy tháng Giêng chủ yếu diễn ra trong lãnh thổ thuộc Nga, với kết cục rất bi thảm. Những dân thường vũ khí sơ sài mở chiến tranh du kích chống lại quân đội chính quy Nga, thêm nữa lại đúng giữa mùa đông.
Cuộc Nổi dậy tháng Giêng, cùng con số nạn nhân đáng sợ sau đó, là mốc kết thúc triết lý giành độc lập thông qua phong trào vũ trang. Rồi sau người Ba Lan sẽ còn quay lại với lý thuyết này, dựa trên những nguyên tắc đạo đức đã đúc kết trong văn học Lãng mạn, vào Thế chiến thứ nhất khi điều kiện trở nên thuận lợi hơn.
Nhưng cộng đồng kiều dân Ba Lan – thành phần tích cực trong phong trào 1848, có phần kém thế trong Nổi dậy tháng Giêng – vẫn còn một cơ hội tham gia hoạt động vũ trang với mục tiêu gây dựng lại nhà nước Ba Lan nữa: đấy là cuộc chiến tranh trên bán đảo Krym (1853-56), Thổ Nhĩ Kỳ chống lại Nga. Rất nhiều người trong số kiều dân lên đường đến eo Bosphorus tham chiến trong phe Thổ – trong đó có cả Adam Mickiewicz, nửa vì nhiệm vụ ngoại giao, nửa khác hy vọng được tham gia chiến đấu. Chính đấy là nơi nhà thơ qua đời ngày 26/11/1855, hoàn cảnh cụ thể ra sao vẫn còn chưa được rõ. Nhưng rốt cuộc, hiệp định hòa bình giữa Thổ và Nga cũng chẳng hề nhắc đến vấn đề Ba Lan. Và nỗ lực ấy của người Ba Lan hóa thành vô ích.
Kỷ nguyên Lãng mạn là kỷ nguyên có tầm quan trọng thiết yếu đối với diện mạo nền văn học Ba Lan. Không chỉ đưa lại cuộc cách mạng ngôn ngữ trong văn học, khiến ngôn ngữ trưởng thành mau chóng để có khả năng diễn đạt vô số vấn đề về tồn tại và siêu hình, nó còn mở rộng phạm vi các thể loại văn học, sinh ra những thể tài chưa từng thấy trước đây, ví dụ tiểu thuyết bằng thơ hay “kịch mở”; nó tìm về lại với lịch sử cũng như đối diện với những thử thách trong tương lai. Vừa có tính dân tộc lại vừa phổ quát, văn học Lãng mạn vẽ ra bức chân dung tinh thần của “con người thời đại” Ba Lan, cùng lúc lại chiêm nghiệm những vấn đề căn bản của tồn tại con người, như tự do cùng những đối thể của tự do từng tồn tại trong lịch sử. Đây cũng là kỷ nguyên của những thiên tài văn chương, trong đó thơ ca lên đến những thành tựu cao nhất. Một buổi hoàng kim như vậy sẽ không bao giờ đến lần hai.
Trong văn học Lãng mạn người Ba Lan đã tạo ra phương tiện diễn đạt cái trải nghiệm động trời là đánh mất độc lập, và qua đó thiết lập kênh đồng cảm với những kẻ khác cùng chung cảnh ngộ mất tự do. Quan trọng hơn, qua đó người Ba Lan nhập vào diễn ngôn toàn châu Âu về các khái niệm liên quan đến tự do, đặc biệt là tự do chính trị như một quyền dân tộc và một nhân tố ràng buộc các cộng đồng sắc tộc. Thêm nữa, họ đem vào cuộc tranh luận toàn châu Âu vĩ đại này góc nhìn lịch sử và tình cảm, trong đó tự do được coi như một ân sủng đã mất và một cách tồn tại tập thể đã bị hủy hoại. Những tác phẩm Ba Lan ưu tú trong giai đoạn chia cắt đều gắn bó với những ý tưởng này.
Thực tế, nhận xét trên không chỉ đúng với giai đoạn Lãng mạn, vẫn thường được hiểu là bắt đầu từ năm 1822 với sự ra mắt tập Ballad và truyền thuyết (Ballady i romanse) của Adam Mickiewicz. Xét trên những ý tưởng chính chi phối đời sống tinh thần Ba Lan trong thời đại chia cắt – tự do, và trên hết là dân tộc tính, nghĩa là sự tồn tại vĩnh hằng của tình thống nhất sắc tộc bất kể nhà nước đã không còn – thì mọi tác phẩm viết từ sau 1795 đều hợp thành một tổng thể liền mạch không thể tách khỏi thời kỳ Lãng mạn, bất kể có khác biệt về thi pháp, về những loại hình và thể loại nổi trội cụ thể, bất kể cuộc bút chiến mỹ học ồn ào giữa hai phe Lãng mạn và Cổ điển.
Lý do là vì sự phát hiện khái niệm “dân tộc” đã trở thành bước ngoặt của toàn thế kỷ. Chính qua những khái niệm “dân tộc” và “tính dân tộc” này mà Ba Lan thật sự được trả lại địa vị một thực thể chủ động và độc lập. Những khái niệm này cũng trở thành giá trị, chúng không chỉ xây đắp một tinh thần Ba Lan mới mà còn loại bỏ những câu hỏi về nhà nước và tư tưởng trung ương tập quyền khỏi đầu óc người Ba Lan suốt nhiều năm. Thực tế là những câu hỏi đó đã chìm xuống nhường chỗ cho “tổ quốc”, cho tồn tại về tinh thần, xoay quanh tình cảm, khát vọng và biểu tượng.
Những khái niệm tổ quốc và tính dân tộc thường gắn với chủ nghĩa Tình cảm vẫn ngự trị văn học Ba Lan, mà gương mặt chủ yếu là Kazimierz Brodziński, nhà thơ và nhà phê bình nổi bật nhất của trào lưu này. Tác phẩm của ông cùng nhiều nhà thơ tú ngôn xảo ngữ nhưng tầm thường hơn đã gây dựng hình ảnh “người Ba Lan”, một nông dân gắn bó với làng quê, chuyên tâm cày xới đồng ruộng, yêu quý trật tự, sự thanh lặng và hòa hợp trong đời sống. Thể loại văn học hàng đầu ca ngợi những giá trị và hình mẫu sống này là thể sielanka (thơ điền viên), có thể thấy rõ là lấy cảm hứng từ những hình mẫu cả cổ điển (Theocritus) và đương thời (chủ yếu là ở Đức: Salomon Gessner, Hermann và Dorothea của Goethe, những lập luận lý thuyết của J. P. Richter), cũng như của truyền thống văn học điền viên Ba Lan thế kỷ 16-17. Nhờ đó văn học có thể tìm kiếm một căn tính hay gốc gác bản địa bằng cách tiếp nối những mô hình và lý tưởng nông thôn, nay được bổ sung nhờ phát hiện mới là văn hóa bình dân, đặc biệt là folklore, được coi như nguồn suối “Ba Lan tính” bản địa không bị lai tạp những ảnh hưởng ngoại lai.
Những lý tưởng và hình ảnh tương tự về đời sống viên mãn còn thấy trong trào lưu Cổ điển giai đoạn chia cắt, mà thành tựu lớn nhất là Quý tộc thôn quê ở Ba Lan (Ziemiaństwo polskie); tác phẩm này học tập văn học cổ điển, chủ yếu là Georgics của Vergilius, nhưng cũng học tập cả văn học điền viên dân tộc như chủ nghĩa Tình cảm. Xét trên mặt chung nhất, cả Tình cảm và Cổ điển đều đặt cùng một câu hỏi: căn tính dân tộc và dân sự của người Ba Lan. “Người Ba Lan” là ai? Người ấy vung kiếm, hay cầm cày, chiến đấu hay lao động? Và lựa chọn nhất trí của họ là lao động, mà trên hết là lao động trên đồng ruộng, được họ coi là nguồn gốc căn tính lẫn sự cứu rỗi cho mình. Khía cạnh “nông thôn” của thế giới, lời hô hào nung chảy kiếm rèn lưỡi cày, sẽ đề ra một căn tính mới cho người Ba Lan, sau khi vứt bỏ một trong những nội dung quan trọng nhất để định nghĩa dân tộc: thanh kiếm.
Sự thống trị lâu dài tại Ba Lan của chủ nghĩa Tình cảm, cũng như mối liên hệ chặt chẽ của Tình cảm với Lãng mạn, đặc biệt là bộ phận tác phẩm đại chúng, không chỉ là do các lý do mỹ học mà còn do nguyên nhân tư tưởng-chính trị. Những người sống qua tai biến tìm thấy trong chủ nghĩa Tình cảm thứ ngôn ngữ thích hợp diễn tả nỗi đau của mình – từ đó phát triển những thể loại như ai ca, điếu ca, và đề tài thương khóc – được coi như đổ nước mắt vì số phận mình. Có thể nói trong chủ nghĩa Tình cảm, khóc thương không chỉ dành cho đàn bà. Nỗi bi ai ngày một tăng và niềm hoài vọng trữ tình trở thành nội dung chính của văn học Ba Lan, và nói rộng hơn, của cả đời sống tinh thần Ba Lan. Và như thế chủ nghĩa Lãng mạn được thừa hưởng rất nhiều tính chất và khám phá của chủ nghĩa Tình cảm. Vì sống gần gũi thiên nhiên đã được nâng lên thành lý tưởng, văn học Lãng mạn giữ lại âm điệu đồng quê khá rõ rệt, cũng như lòng tôn trọng các hình thức sống đơn giản. Tính nông thôn, sự đơn giản, thiên nhiên, con người sống hòa hợp với thế giới tự nhiên, gần gũi với đồng ruộng và loài vật – đấy là chủ đề đạo lý và mỹ học hợp nhất cả truyền thống thơ ca điền viên cổ, thơ quý tộc Ba Lan xưa, và huyền thoại “người Slav tốt”. Văn chương loại này có thể rất trau chuốt về nghệ thuật, ví dụ Pan Tadeusz của Mickiewicz hay những đoạn rời rạc từ Hồn Vua (Król-Duch) của Słowacki, mà cũng có thể chỉ là những phát biểu trữ tình giản dị, nhất là loại chuyện kể về thế giới giản đơn của những con người tốt bụng. Trường phái từng bị lãng quên trong văn học Lãng mạn Ba Lan này xứng đáng được chú ý và công nhận vì đã giữ gìn một khoảnh khắc của lối sống mất đi chẳng bao giờ tìm lại được, không chỉ của Ba Lan. Khoảnh khắc ấy chứa đựng gốc rễ quá khứ tinh thần chung cho châu Âu, đối trọng lại cộng đồng của nền văn minh khoa kỹ hiện đại.
Văn học Lãng mạn Ba Lan đã góp phần hình thành hai phát hiện lớn của thời đại: “người Slav” và “thế giới Slav”. Quả đúng là J. G. Herder đã đưa “tính Slav” như một hiện tượng văn hóa vào tiêu điểm chú ý, nhưng chỉ đến văn học Lãng mạn Ba Lan, hiện tượng này mới được xem xét ở nhiều góc độ khác nhau, trước hết nêu bật lên hai thực thể khác nhau cùng làm nên khái niệm “thế giới Slav”: Ba Lan và Nga. Những bài giảng của Mickiewicz về văn học Slav ở Collège de France từ 1840 đến 1844 đã trở thành bản đại cương đầy đủ nhất vào thời bấy giờ, vạch ra sự khác biệt tinh thần của rất nhiều thực thể cùng hợp thành khái niệm “thế giới Slav”, mà trên hết là Ba Lan và Nga. Luận đề của Mickiewicz là sự khác biệt này thể hiện rõ nhất trong quan điểm của hai bên về tự do: Nga là hiện thân của “chế độ Sa hoàng”, dạng tồn tại mất tự do ở mức cực điểm, trong khi Ba Lan không chỉ là chiến sĩ vì tự do, mà sự tồn tại tự trị của Ba Lan còn gắn liền với sự lên ngôi của tự do ở châu Âu.
Cả Mickiewicz và một bộ phận lớn tác giả Lãng mạn đều tự lãnh lấy vai trò diễn giải nước Nga, một đất nước khá lạ thường trong con mắt phương Tây khiến người ta có đôi chút e ngại. Đấy là nguyên nhân thành công của cuốn Thư nước Nga của Astolphe de Custine, tác phẩm đã vén tấm mạng bí mật che phủ thế lực vẫn hùng mạnh tuy ít được biết đến ở phương Đông này. Văn học giai đoạn Lãng mạn, bằng nhiều cách khác nhau, đều góp vào mục tiêu bồi đắp thêm chút thông hiểu về nhà nước Sa hoàng. Đấy cũng là mục đích những tác phẩm có tính ký sự thời đó, chủ yếu là của các tác giả Ba Lan bị đày đi Siberia: Nhật ký hành trình Siberia (Dziennik podróży po Kamczatce) của Józef Kopeć, Hồi ký từ Siberia (Pamiętniki z pobytu na Syberii) của Rufin Piotrowski, và các tác phẩm khác. Những hồi ký này không chỉ tìm đến được với độc giả Ba Lan mà còn thu hút lượng độc giả châu Âu đông đảo: các hồi ký Piotrowski gây tác động mạnh mẽ với vai trò cánh cửa khám phá, được dịch ra nhiều thứ tiếng (cả tiếng Anh với nhan đề My Escape From Siberia).
Một thành tựu nữa của văn học Lãng mạn, có lẽ còn quan trọng hơn vai trò cung cấp thông tin và cửa sổ nhìn vào nước Nga, là đưa ra quan điểm có tính sử học và triết học về Nga, như một điển hình của nền chuyên chế hiện đại. Những suy nghiệm kiểu này nên coi là đóng góp chung của cả các bài giảng Mickiewicz thực hiện ở Collège de France lẫn những trước tác chính trị và lịch sử Ba Lan khác vào ngân hàng tư tưởng và tri thức châu Âu về hiện thực lịch sử đương thời.
Nhưng “tính Slav”, với những tác giả Lãng mạn, không chỉ là tập hợp những quan niệm chính trị về Ba Lan và Nga. Nó còn liên quan đến một huyền thoại bộ lạc chứng tỏ tính độc đáo về tinh thần, vai trò và số phận của hai dân tộc ở miền Trung và Đông Âu này. Người cổ động chính cho huyền thoại này thường được coi là J. G. Herder trong cuốn Đại cương triết học về lịch sử loài người, được độc giả Ba Lan đón nhận hào hứng (ví dụ như nhà thơ Kazimierz Brodziński) chính vì đã đưa ra huyền thoại về “người Slav tốt”, hoàn toàn mất đi bản năng gây hấn, biết quý trọng sự tồn tại thanh bình gần gũi thiên nhiên. Với những tác giả Lãng mạn say mê các trạng thái nguyên thủy, mê cuộc sống chưa mang dấu ấn văn minh tiến bộ, hình ảnh “người Slav” này trở thành khám phá phù hợp nhất với những viễn cảnh không tưởng vĩ đại của thời đại, những giấc mơ về bản chất con người chưa vấy bẩn. Vị thế thấp kém của người Slav trong thang bậc văn minh, thực tế lại là ưu thế của họ. Người Slav có thể ban cho phương Tây những ân sủng và chân lý đã đánh mất trong cuộc tiến bước hối hả về thế giới văn minh, công nghiệp, thống trị bởi tiền tài. Người Slav sẽ truyền luồng năng lượng đánh thức châu Âu “già cỗi”, chỉ lối cho họ trở về “nhà của Cha”, như họ gọi, về những cội rễ chung của nhân loại, tự nhiên, và Chúa. Vì thế Nga, Ba Lan cùng các dân tộc Slav khác được khắc họa như một cộng đồng bộ lạc những đứa em trai, mang sứ mệnh trị liệu cho phương Tây. Nhiều mắt xích căn bản trong huyền thoại này được Mickiewicz đưa vào các bài giảng ở Collège de France (đặc biệt có thể kể đến các bài giảng số XI ngày 21/2/1843, số XXV ngày 27/7/1843, số XII ngày 3/3/1843, số XIV ngày 14/3/1843, và rất nhiều bài giảng khóa IV). Nhờ thế huyền thoại ấy càng sinh sôi nảy nở ở châu Âu, đặc biệt vì Mickiewicz đã đưa một mãnh lực thơ ca và sức mạnh tiên tri vào những nhận định của mình.
Trong văn học Lãng mạn, huyền thoại Slav này đã sinh ra một khối lượng lớn tác phẩm – đặc biệt là thơ, tìm cách đánh thức khỏi lãng quên lịch sử cái thế giới đã mất khi bị đạo Thiên Chúa tiêu diệt, có thần thánh và những con người gắn bó và yêu mến thiên nhiên. Những tác phẩm này không nhiều giá trị – biến thơ ca thành huyền thoại đòi hỏi một trí tưởng tượng mạnh mẽ hơn thế nhiều. Trí tưởng tượng ấy có ở Juliusz Słowacki, và trong Hồn Vua thế giới Slav những ngày xưa đã lên tiếng qua một ngôn ngữ thơ ca tinh tế; bản thân tác phẩm này có thể coi là một sử thi Slav.
Văn học Lãng mạn Ba Lan đặc biệt hứng thú với những tiểu văn hóa bên lề, ngoài phạm vi văn hóa cao cấp. Văn hóa nông dân – được gọi là văn hóa “dân gian”, và tính quê mùa là những quan tâm chính của toàn trào lưu này. Hứng thú đó đi kèm với đam mê dân tộc học – những nỗ lực nghiên cứu cái chưa biết, thành quả đôi khi là những tập sưu tầm dân ca có tính chuyên môn rất cao, nhưng trên hết là ở việc phát hiện ra một mẫu hình nhân vật mới: người nông dân Ba Lan cùng bạn hữu, tập quán và những phản ứng tình cảm của anh. Bức chân dung vừa tinh thần vừa xã hội học của người dân quê đã thu hút sự chú ý của rất nhiều nhà văn, chiếm vị trí trọng tâm trong các thể loại trữ tình. Ví dụ ưu việt nhất là Teofil Lenartowicz, nhà thơ/ca sĩ chuyên viết về Mazowsze (Mazovia) cùng dân cư vùng này.
Đấy là vì sự yêu chuộng tính quê mùa cũng đồng thời là sự yêu chuộng tính địa phương, nhận thức về con người bình dân mang theo đặc sắc của vùng đất, tập tục và truyền thống quê họ. Với một nước rộng lớn như Ba Lan, bao gồm cả Litva, Belarus và một phần Ukraina trước khi chia cắt, có rất nhiều cơ hội để các nhà nghiên cứu phát hiện những khác biệt về tinh hoa và văn hóa tinh thần các vùng. Chính nhờ có Mickiewicz cùng vở kịch Đêm vong nhân (Dziady), nhân vật dân gian Litva và Belarus mới được đưa lên vị trí nổi bật, mặc dù chính Ukraina mới vượt xa các vùng khác xét về số lượng. Thảo nguyên, đàn ngựa, thiên nhiên hoang dã, cái đẹp và cuộc sống tự do phóng khoáng, tất cả hợp lại thành hình ảnh văn chương về những miền đất dọc sông Dniepr, và những con người miền đất ấy – các chàng Kozak. Đây có vẻ là không gian văn hóa đã được văn chương đào xới kỹ nhất, xuất hiện dày đặc nhất trong thơ, trong dân ca (những bài dumka do các nhà thơ thời đó viết đến nay vẫn còn được hát), trong tiểu thuyết bằng thơ – có hai tác phẩm đáng chú ý nhất là Maria của A. Malczewski (1824) và Lâu đài Kaniów (Zamek kaniowski, 1828) của S. Goszczyński – cũng như trong văn xuôi, chủ yếu là các tác phẩm lịch sử. Đề tài Ukraina thậm chí còn sinh ra những tác giả chỉ chuyên viết về Ukraina, ví dụ văn có Michał Czajkowski và thơ có Bohdan Zaleski.
Tuy vậy hình ảnh đất nước Ukraina không phù hợp tuyệt đối với những đặc tính nêu trong huyền thoại bộ lạc Slav: có những lúc nó khát máu, cằn cỗi, hay tàn nhẫn. Một phần đó là vì những sự kiện thực trong quan hệ Ba Lan-Ukraina, như những đợt nổi dậy của quân Kozak chống lại giới quý tộc Ba Lan. Nhưng một phần lớn nữa là bởi mỹ học Lãng mạn có nhu cầu đòi hỏi cái hung bạo, cái điên dại, cái kinh hoàng. Đúng là những tính cách ấy có thể tìm thấy trong các xứ sở Ukraina, khiến nơi này trở thành bối cảnh của những tác phẩm vẫn được gọi là “Lãng mạn đen”, như Lâu đài Kaniów của Seweryn Goszczyński, cùng những kịch thần bí của Słowacki: Cha Marek (Ksiądz Marek, 1843) và Giấc mơ bạc của Salomea (Sen srebrny Salomei, 1844).
Thông qua những chi tiết địa phương như thế, phạm vi các tập quán và phong cảnh khai thác trong văn chương Lãng mạn được mở rộng đáng kể, cũng như hệ biểu tượng địa phương: dân thành Kraków đại biểu cho tính linh hoạt và duyên dáng, người miền núi hiện thân của lòng dũng cảm và trí tưởng tượng của người sống trên cao nguyên núi Tatra, dân Kozak hợp nhất cái quen thuộc và cái xa lạ, đứa con miền thảo nguyên bao la phóng khoáng. Như Antoni Malczewski có viết trong bài Maria: “Và thảo nguyên, vó ngựa, chàng Kozak cùng bóng tối – tất cả là một linh hồn hoang dã.” (“A step – koń – kozak – ciemność – jedna dzika dusza”). Cứ thế, văn chương Lãng mạn đã tạo ra những thể thơ miêu tả vẻ đẹp muôn màu của những vùng đất Ba Lan, nhấn mạnh các mặt tiêu biểu về cảnh vật, phong tục, con người. “Bài ca quê tôi” (Pieśń o ziemi naszej) của Wincenty Pol rất được ưa chuộng thời đó một cách xứng đáng.
Một điểm chung của văn học Lãng mạn, có thể nói là xuyên suốt mọi thể loại văn chương, là hình tượng nhân vật chính. Nhân vật chính trong các tác phẩm có dáng dấp tương tự rất dễ nhận thấy, có ý tưởng và phong cách khá gần gũi nhau. Trên hết họ đều là người trẻ – lứa tuổi trước đây chưa bao giờ được đề lên làm nhân vật điển hình. Trong văn học Lãng mạn, họ trở thành lực lượng chính yếu. Đây là khuynh hướng chung của văn hóa châu Âu, nhưng ở Ba Lan nó được công nhận đầu tiên và trên hết trong tuyên ngôn thơ của Adam Mickiewicz “Ngợi ca tuổi trẻ” (Oda do młodości, 1820). Khoác những vai trò, trang phục, mặt nạ văn chương khác nhau, các nhân vật đó vẫn là thanh niên, ít nhất về tuổi tác. Vài người trong số họ đã để lại những cái tên – Gustaw, Konrad – trở thành biểu tượng có sức sống lâu dài trong xã hội. Gustaw là tên một tình nhân bất hạnh, được Mickiewicz lấy lại từ một cuốn tiểu thuyết tình ái đang rất thịnh hành thời đó là Valérie của nam tước phu nhân Krüdener. Konrad, nhân vật chính của phần III Đêm vong nhân, vừa là kẻ nổi loạn vừa là người hy sinh tiêu biểu, mang trái tim bừng bừng những tình cảm trái ngược nhau. Kordian, nhân vật chính trong vở kịch cùng tên của Słowacki, là hóa thân của linh hồn dằn vặt, nỗi chán ngán trước thế giới và lòng trìu mến với cái chết – những đặc điểm chính trong tính suy đồi Lãng mạn. Những thanh niên trong văn học Ba Lan rõ ràng có họ hàng với các tiền thân ở châu Âu, mang nhiều nét tương tự với chàng Werther của Goethe, chàng René của Chateaubriand, và trên hết là với những người hùng của Byron (suốt một thời gian Byron đã trở thành vị chúa ngự trị đời sống văn học thời thượng châu Âu).
Tuy thế khi vào đến Ba Lan, chịu ảnh hưởng của diễn tiến lịch sử riêng biệt, những hình mẫu văn chương thế giới trải qua một sự “đột biến” bản địa. Hình mẫu người ái quốc khi xuất hiện đã nhân lên nhanh chóng, đông đảo. Nhân vật kiểu này có thể mang những hình dáng, đóng những vai trò xã hội khác nhau, nhưng thẳm sâu con người anh ta vẫn là kẻ lãng mạn giàu cảm xúc, với lương tâm nhạy cảm và trái tim yêu thương. Những ưu điểm ấy khiến anh ta càng thấm thía hơn số phận cay đắng chung của đất nước, càng tôn sùng chủ nghĩa ái quốc như một thứ tôn giáo và trưởng thành trong giấc mộng báo thù, dù phải trả giá bằng sinh mạng. Nhân vật này có thể là nhà tư tưởng, là kẻ âm mưu, là người nổi loạn, ở tù, hay tha hương, nhưng lúc nào cũng hy sinh bản thân “vì đại nghĩa”, nghĩa là vì tự do cho tổ quốc. Số phận văn học của những thanh niên này xây dựng theo nguyên tắc đạo đức nghiêm ngặt của nhà ái quốc, họ trở nên thiếu nhạy cảm trước những giá trị và đức tính khác, những nét quyến rũ khác của cuộc đời. Đứng từ góc nhìn ngày nay mà nói, điều ấy làm cho những nhân vật thời Lãng mạn thấp thoáng tính cực đoan, chính thống về tinh thần, nếu có thể gọi như vậy.
Loại hình nhân vật này trên hết chiếm lĩnh thơ ca trữ tình, trong đó có một khuynh hướng nổi bật có thể gọi là thơ ca “kiểu Tyrtaeus”, cổ động đấu tranh vũ trang và thực hiện bổn phận với tổ quốc. Xu hướng này trở thành chủ đạo trong thơ ca bình dân là chính, trong những bài ca lính về cuộc Nổi dậy tháng Mười một, ca tụng tình yêu tổ quốc dưới nhiều dạng vẻ, đề cao tình yêu này hơn quan hệ với phụ nữ. Thực tế, phụ nữ chỉ phải ganh đua tình cảm với tổ quốc Ba Lan, như trong bài ca khuyết danh thường thấy vang lên trong cuộc Nổi dậy: “Hỡi các chị em Ba Lan, hãy nhớ, tổ quốc ta phải chiến đấu giành quyền sống / Độc lập của Ba Lan – đấy là tình địch của các nàng.” (“Pamiętaj, żeś Polka, że to za kraj walka / Niepodległość Polski to twoja rywalka”).
Trong dòng thơ trữ tình này xuất hiện rất nhiều tác phẩm đáng chú ý, nhưng tuyệt tác thi ca nói về số phận người Ba Lan chứa đầy đau khổ, hy sinh và phán quyết những chàng trai trẻ phải tham gia chiến tranh tàn bạo chống kẻ thù là bài thơ của Mickiewicz, “Gửi người mẹ Ba Lan” (Do matki Polki, 1830), thực tế đã báo trước hiện thực lịch sử là số phận Ba Lan sau cuộc Nổi dậy.
Mickiewicz còn là tác giả những vần thơ mở ra một lối mới cho thơ trữ tình lãng mạn. Đó là các bài thơ đạo đức tôn giáo – tên gọi quen thuộc là “các vần thơ trữ tình Rome và Dresden”, bao gồm “Lý tính và Đức tin” (Rozum i wiara), “Trò chuyện ban tối” (Rozmowa wieczorna), và “Nhận định và quan sát” (Zdania i uwagi) từ 1836 – và trên hết là các bài thơ trữ tình Lausanne. “Các bài thơ trữ tình Lausanne”, cách gọi của giới xuất bản đặt ra, bao gồm vài bài thơ viết trong khoảng 1839-1840 khi Mickiewicz nghỉ chân tại Lausanne, nhưng chưa từng xuất bản trong sinh thời tác giả. Đó là: “Dệt tình yêu” (Snuć milość), “Vượt dòng nước lớn trinh tuyền” (Nad wodą wielką i czystą), “Tử thi tôi” (Gdy tu mój trup), “Nước mắt tuôn” (Polaly się łzy) cùng hai bài thơ dở dang: “Ôi, cuối cùng cũng trở về căn nhà cha mẹ” (Ach, już i w rodzicielskim domu) và “Mang tình yêu tôi trốn sang chiếc lá” (Uciec z duszą na listek). Chùm thơ này vẫn được coi là đã mở ra những phương hướng mới phát triển sự nghiệp văn chương của nhà thơ, mà cũng là dấu hiệu cho thấy một hình thể mới của bản thân thơ trữ tình lãng mạn. Sự biến đổi này thể hiện ở việc từ bỏ tính hùng biện và miêu tả – vốn cũng đậm nét trong chính thơ trữ tình của Mickiewicz, và tính súc tích – quay lưng lại với cách diễn đạt dài dòng của chủ nghĩa Lãng mạn lúc trước. Những hiệu quả này có được là nhờ các biện pháp như nhấn mạnh chức năng của từ, chứ không phải của cấu trúc câu, và mở rộng trường nghĩa của từ sang các nghĩa ngụ ngôn và biểu tượng.
Nhưng đem lại “bước ngoặt tất yếu” trong thơ trữ tình lại là Cyprian Norwid, người ý thức rất rõ những mục tiêu thẩm mỹ mình đang hướng tới, cũng như kiên quyết phủ định thơ ca lãng mạn Ba Lan, cả thơ ái quốc tử đạo lẫn thơ sầu thương nhung nhớ, ngưỡng mộ vẻ đẹp của phong cảnh Ba Lan.
Chính chùm thơ Vade-mecum là nơi Norwid hoàn thiện phong cách thơ trữ tình của mình, phần lớn dựa trên thể loại phúng dụ, những tình huống đơn giản, những từ ngữ và biện pháp nghệ thuật được ông sử dụng, làm bật ra nghĩa tiềm ẩn nhờ những gợi ý và ám chỉ cũng tạo nên một hệ thống nghĩa. Chùm thơ này gồm 100 bài thơ ngắn viết vào những thời điểm khác nhau, nhưng được tập hợp thành một chỉnh thể chặt chẽ trong các năm 1865-66. Vì nhiều lý do, nhà thơ không cho in được chùm thơ, kể cả hồi đó lẫn sau này, và bản thảo sau khi tổ chức lại cũng bị hư hỏng không cứu vãn được; chính bản thảo khiếm khuyết ấy là văn bản quen thuộc với người đọc ngày nay.
Norwid đặt rất nhiều hy vọng vào chùm thơ Vade-mecum, cho rằng chùm thơ sẽ chiếm vị trí quan trọng trong quá trình phát triển thơ ca Ba Lan. Trong thư gửi nhà tiểu thuyết J. I. Kraszewski, ông viết không chút dè dặt: “Thơ ca Ba Lan sẽ đi theo định hướng của phần chính trong Vade-mecum, cả về nghĩa, động năng, nhịp điệu và ví dụ. Họ có muốn hay không, cũng vậy thôi.” Ngay nhan đề Vade-mecum (tiếng La tinh, nghĩa là “hãy theo tôi”), hẳn nhiên không chỉ có một nghĩa, nhưng một trong những nghĩa đó là nói đến vị trí của chùm thơ như một bước ngoặt trong lịch sử thơ ca Ba Lan, vẫy gọi các nhà thơ Ba Lan đi theo.
Chiến lược thi ca của Norwid hẳn nhiên không chỉ nằm trong chùm thơ Vade-mecum mà độc giả không được đọc, mà còn trong các bài thơ khác, đã tham gia thực tế vào việc biến đổi thơ trữ tình Ba Lan. Chủ yếu là vì thơ ông đụng đến những mảng hiện thực chưa từng được khám phá trong thơ Ba Lan: nói đến những vấn đề lịch sử cũng như đạo đức trong nửa sau thế kỷ 19, và trên hết, nói về thân phận con người trong kỷ nguyên máy hơi nước và đường sắt, những đỉnh cao của văn minh và đời khốn khó của quần chúng, cũng như tính hai mặt của khái niệm “lao động”, vừa đại diện cho sức sáng tạo mà Prometheus trao tặng, vừa là kìm kẹp tôi đòi. Không nhà Lãng mạn Ba Lan nào hiểu rõ bằng Norwid tinh thần công nghiệp mới của thời đại, hay nhận thức được hết những giá trị khác nhau của nó: từ sự khốn khổ của lẽ tồn tại, đến những thành tựu của văn minh chỉ hướng đến tương lai. Thái độ hai mặt ngay từ quan điểm của nhà thơ đối với thời hiện đại này được trình bày rõ ràng nhất qua biện pháp mỉa mai, khiến hình ảnh thế giới trong thơ vừa được nhìn nhận một cách gần gũi và am hiểu, mà lại vừa quan sát từ khoảng cách xa vời.
Dự án cải tổ, thậm chí đả phá vĩ đại của Norwid không thể thực hiện được ngay trong thời của ông, vì công chúng văn chương hầu như không biết đến ông, và tệ hơn nữa vì thái độ khinh thường đối với ông từ những nhân vật văn hóa hàng đầu Ba Lan lúc đó. Thực tế có thể nói Norwid đã bị người đương thời từ khước. Vì sao? Nhà thơ đã cư xử như mọi nghệ sĩ tiền phong, theo đuổi mục tiêu của mình mà bất chấp cái gọi là “công chúng thực”, đôi lúc còn công khai đi ngược lại công chúng đó. Những tác phẩm của ông dành cho một độc giả ảo, “lý tưởng”, trong lúc độc giả thực tế hoàn toàn không được chuẩn bị để đón nhận những cách tân của ông, vượt xa khả năng tiếp nhận của họ. Norwid rồi sẽ chỉ thiết lập được mối thông hiểu với “lứa cháu sau này”, chữ dùng của chính nhà thơ, nghĩa là những độc giả và người diễn giải đủ khả năng hiểu được thành tựu, khám phá được nghệ thuật độc đáo của ông – điều này rồi sẽ đến trong giai đoạn Nước Ba Lan Trẻ, giai đoạn Norwid được tung hô rất nhiều.
Giữa những thành tựu nghệ thuật của văn chương Lãng mạn Ba Lan, đáng chú ý còn có những thể loại văn học trước nay chưa từng xuất hiện, do đó đã trở thành đặc thù riêng của chủ nghĩa Lãng mạn, thước đo tính sáng tạo của thời này. Đó là thể loại gawęda (“nhàn thoại” hay chuyện phiếm) và thể loại kịch thơ siêu hình.
Gawęda xuất hiện dưới hình thức cả thơ và văn xuôi. Đại diện văn xuôi thành công nhất là Các hồi ký của ông Seweryn Soplica (Pamiątki imć pana Seweryna Soplicy, 1839) của Henryk Rzewuski. Tác phẩm này đánh dấu điểm bắt đầu lịch sử thể loại này, mà cũng là thành tựu lớn nhất trong đó. Ngược lại, trong số rất nhiều nhà thơ gawęda lão luyện, được hâm mộ nhất lại là Władysław Syrokomla, có lẽ là một nhà sử dụng ngôn từ điệu nghệ quá mức.
Thể gawęda nảy sinh từ thế giới xã giao quý tộc được mô tả trong đó, đạo đức và não trạng của thế giới ấy trong hiện thực đời sống xã hội hàng ngày. Nhưng trên hết, nó nảy sinh từ ngôn ngữ, từ lối diễn đạt mô phỏng những trò chuyện có tính khẩu ngữ hoặc từ vựng của những nhóm nghề nghiệp đang dần biến mất, như là các palestra (trường đấu vật) quý tộc. Những khung cảnh đặc trưng, những giai thoại hấp dẫn và triết lý sống cao quý, coi hưởng lạc giữa bạn bầu thú vị là một đức tính và nét đẹp của cuộc sống, trở thành cốt lõi đạo đức của gawęda, khiến thể loại này được giới quý tộc đồng cảm và ưa chuộng. Vì phần lớn các câu chuyện kể trong gawęda đều lấy bối cảnh giai đoạn Cộng hòa Ba Lan-Litva sụp đổ, nên chúng được coi là kho tàng truyền thống và là hình ảnh chân thực về giới quý tộc, được coi là lớp người gìn giữ những tính cách dân tộc – dù cũng phải thừa nhận một bộ phận công chúng lại đánh giá hình tượng này thấp kém về đạo đức.
Văn phong gawęda vẫn còn là một đặc trưng dễ nhận thấy trong văn xuôi Ba Lan đến tận ngày nay – ví dụ như Tàu vượt Đại Tây Dương (Trans-Atlantyk) của Witold Gombrowicz.
Gần gũi với văn phong gawęda là thể loại tiểu thuyết lịch sử của thời kỳ này. Tính tiểu thuyết không phải là điểm mạnh trong sáng tác văn xuôi Lãng mạn Ba Lan, nhưng các tiểu thuyết này lại gây chú ý vì minh chứng cho tư tưởng sử luận trong văn chương Lãng mạn, mối ưu hoài về những kỷ nguyên đã mất trong quá khứ xa xôi. Có thể coi khuynh hướng này là khát vọng trở lại với cội nguồn văn chương, đắm mình trong truyền thống dân tộc, cũng có thể coi là tình cảm hướng về quá khứ đa dạng, giữa những mảng màu khác nhau về lối sống và cá tính, nhất là những màu sắc đặc thù như giới quý tộc Ba Lan trong thời đại hoàng kim. Bậc thầy tiểu thuyết lịch sử hiển nhiên là người vẫn được coi là Walter Scott của Ba Lan: Józef Ignacy Kraszewski, tác giả Thời của Sigismund (Zygmuntowskie czasy), Công tước phu nhân Cosel (Hrabina Cosel), và Một câu chuyện cũ (Stara baśń).
Một thể loại trở thành rất nổi tiếng gây ảnh hưởng lớn lên văn hóa Ba Lan là kịch Lãng mạn – trên hết là Đêm vong nhân của Adam Mickiewicz. Phần II và IV ra mắt năm 1823, và phần III mãi đến 1833 mới xuất hiện. Phần I chỉ còn lại dở dang, rất có thể chưa từng được viết hoàn chỉnh. Phần III cũng chưa được hoàn tất trọn vẹn, chỉ gồm 9 cảnh của hồi I. Đêm vong nhân có thể coi như một tác phẩm kết thúc mở được cố tình xây dựng theo cách ấy. Đến liền sau chủ nghĩa Cổ điển, vốn rất coi trọng các quy tắc cấu trúc kịch, hình thức mở của Đêm vong nhân trở thành một thách thức về mỹ học, khiến một số phẫn nộ, số khác ca tụng, nhưng đều coi là một điểm sáng tạo và – cần nói thêm – một đặc thù riêng của kịch thời Lãng mạn. Chính trong Đêm vong nhân mà mỹ học của cái dở dang, rất phổ biến trong văn học Lãng mạn, đã tìm thấy khích lệ và cảm hứng.
Tác phẩm này không chỉ dở dang hay vi phạm nguyên tắc từng phần xuất hiện theo trật tự thời gian, mà còn phế bỏ quy tắc tiếp nối trong các yếu tố cấu trúc khác, cả những khía cạnh quan trọng như số phận các nhân vật chính chẳng hạn. Vở kịch cũng mở ra khả năng cho rất nhiều cốt truyện. Cái kết nổi tiếng của cảnh 8 phần III, đỉnh điểm phần lịch sử của vở kịch, khép lại bằng câu nói đầy ý nghĩa của người lính áp giải nhân vật chính: “hãy để mỗi người tự chọn con đường cho mình” (“każdy w swoję drogę”), mở ra rất nhiều khả năng cho một tương lai không rõ ràng, và cho diễn biến tiếp theo của số phận Konrad trong vở kịch.
Về căn bản, yếu tố duy nhất liên kết những phần gần như độc lập trong vở kịch này là nhan đề, Đêm vong nhân. Đây cũng lại là một chi tiết gây ồn ào, vì nhắc tới một nghi lễ dân gian trong tín ngưỡng tiền Thiên Chúa giáo, gắn với ngày lễ Các Đẳng. Trong phần II vở kịch, nghi lễ này đóng vai trò quyết định, làm nên cấu trúc và ý nghĩa của tác phẩm. Đấy không phải một hứng thú dân tộc học lạc lõng mà đóng vai trò một mẫu gốc, vừa có tính dân gian, vừa có tính phổ quát, bắt nguồn từ buổi bình minh của văn hóa con người. Nghi lễ mẫu gốc này thực hiện trong một nhà kho gần một nghĩa địa: người sống đối thoại với linh hồn người chết, siêu hình học được gọi lên, những bí ẩn của tồn tại được phơi bày, và chính từ sự hòa trộn hiện thực và phép màu này đã ra đời một hình thức kịch Lãng mạn mới.
Sự tiếp xúc giữa hai chiều kích tồn tại – thực tại và siêu hình – là nền tảng cho tất cả các phần Đêm vong nhân, kể cả những phần trong đó nghi lễ này đóng vai trò thứ yếu. Chẳng hạn phần III bao gồm những cảnh lịch sử và đạo đức được mô tả rất đặc sắc, có thể coi là cố gắng đạt tới hình thức diễn đạt hiện thực chủ nghĩa. Nhưng đồng thời tác giả lại đưa các thế lực thiện và ác lên sân khấu, thiên thần và ác quỷ trực tiếp can thiệp vào diễn biến của sự kiện, dù đến từ một không gian tồn tại khác. Vì hai chiều kích này hòa trộn với nhau nên các thế lực kia có mặt cùng lúc, nhận biết được thông qua các dấu hiệu, qua sự can thiệp siêu nhiên, và những sứ giả của hai giới thậm chí còn xuất hiện trong hình hài cụ thể.
Hình tượng nhân vật trung tâm của tác phẩm là Konrad cũng khớp vào sự hòa quện tính vĩnh cửu và tính lịch sử này: là một tù nhân bằng xương thịt trước tòa án chính trị, chàng cũng đồng thời là một nhân vật ở cõi siêu hình, tranh cãi kịch liệt với Chúa về trật tự đạo đức của thế giới, về những tàn bạo xấu xa được ngài chấp thuận cho tồn tại. Vì thế Konrad cũng còn là một kẻ nổi loạn siêu hình, mang theo tham vọng cải cách xã hội. Với những khát vọng đạo đức và triết học của mình, Konrad đã trở thành một nhân vật mẫu gốc trong văn hóa Lãng mạn Ba Lan: một cá nhân vĩ đại được trời phú thiên tài thơ ca, đã đứng lên thách thức quyền uy tối cao là chính Đấng sáng thế. Tùy thế giới quan của mỗi người, cũng có lúc chàng bị coi như hóa thân của sự vô đạo đức, cũng như sự kiêu căng không kém phần tội lỗi.
Một kịch tác gia nổi tiếng khác, tác giả có tính phổ quát nhất trong kịch thời kỳ Lãng mạn, là Juliusz Słowacki. Đặc biệt nhạy cảm với ảnh hưởng của Shakespeare và Thần khúc của Dante, ông trút hết vào các vở kịch, chủ yếu mang tính lịch sử, lần ngược về tận thời kỳ bộ lạc của Ba Lan (Balladyna 1834, Lilla Weneda 1840). Vậy là ông vừa trở thành người sáng tạo một huyền thoại khởi nguyên hoàn toàn mới mẻ, vừa rất phóng tay khi khai thác những nguồn ảnh hưởng kia, chẳng hạn kết hợp trong cùng một tác phẩm bi kịch Shakespeare với cái nghịch dị – như có thể thấy rõ trong cả Balladyna và Lilla Weneda – trong lúc Địa ngục của Dante chủ yếu gợi cảm hứng cho ông phát triển trong kịch của mình mỹ học của cái quái tượng, đi kèm những bức chân dung điên dại về tàn bạo, máu và giết chóc.
Những quy tắc về sân khấu “đẫm máu” được ông hoàn thiện trong các tác phẩm cho thấy rõ cả tính độc đáo và một thẩm mỹ táo bạo – là những vở kịch viết sau trải nghiệm Słowacki gọi là “đốn ngộ thần khải”, mà trên hết là Cha Marek và Giấc mơ bạc của Salomea, được mệnh danh rất hợp là kịch thần bí. Hai vở này đều lấy bối cảnh là những giờ khắc cuối của nhà nước Ba Lan, trong Liên minh Bar và cuộc nổi dậy của người Kozak chống lại quý tộc Ba Lan, còn gọi là Cuộc tàn sát ở Humań, nghĩa là những thời điểm bản thân nó đã tàn bạo và đẫm máu. Słowacki tìm được cho hiện thực lịch sử này sự tương ứng về mỹ học trong sân khấu rùng rợn ba rốc, vốn không thiếu những biện pháp ghê rợn phản ánh lại cơn giãy chết của thế giới cũ. Ở đây lịch sử được miêu tả là một khối hỗn độn đẫm máu, nhưng lại bí ẩn, sâu thẳm một cách siêu hình, hé lộ qua những “dấu hiệu” chỉ một nhóm nhỏ đặc tuyển là đọc được. Hiện thực của con người trở thành lãnh địa cho các linh hồn giành giật, từ đó phát lộ sự tồn tại một kế hoạch bí mật vạch ra cho thế giới, mà các tín hiệu từ đó chỉ đến cõi trần dưới dạng những biểu tượng, giấc mơ, dấu hiệu khó giải mã. Vì thế trong kịch thần bí, có sự gần gũi rất căng thẳng giữa siêu hình và lịch sử, giấc mơ và thực tế; giữa con người làm chủ hành động và con người đối tượng chịu hành động của những thế lực độc lập. Đây là một sân khấu lịch sử lớn, nhưng cũng lại mang tính phổ quát.
Cây trụ lớn thứ ba của kịch Lãng mạn Ba Lan là Zygmunt Krasiński, mà tác phẩm nổi tiếng nhất là Phi thần khúc (Nie-Boskiej komedii, 1835). Đây cũng là một tác phẩm lịch sử và siêu hình, cái đó không có gì mới, nhưng mặt khác phần thứ ba của vở kịch, dành trọn cho những biểu hiện trần thế của ý tưởng cách mạng xã hội, lại hoàn toàn mới mẻ. Những quan sát, quá trình đọc sách và nguồn gốc xã hội của chính tác giả trong giới quý tộc đã cho ông sự nhạy cảm đặc biệt với bi kịch của những kẻ bị loại khỏi đấu trường lịch sử. Chính vì thế phần thứ ba Phi thần khúc của ông đã nắm bắt rất hiệu quả những ý tưởng của thế kỷ 19, truyền đạt qua giọng nói của các nhóm xã hội riêng rẽ, và đưa lên sân khấu một nhân vật tập thể đầy đe dọa, xuất hiện lần đầu trong cách mạng Pháp: đám quần chúng nổi loạn gồm những kẻ đói ăn và bị bóc lột. Theo nghĩa này, là một tác phẩm về thời đại các cuộc cách mạng xã hội đang chớm nở, Phi thần khúc là một tác phẩm hoàn toàn sáng tạo, không gì sánh được trong mọi nền văn học châu Âu đương thời.
Chủ nghĩa Lãng mạn Ba Lan mang dấu ấn sự chia tách giữa tổ quốc và cộng đồng kiều dân. Thời điểm đó không có nền văn học dân tộc nào lại đối mặt với những điều kiện tồn tại cực đoan đến vậy. Sự chia tách này là hậu quả cuộc nổi dậy dân tộc chủ nghĩa chống lại Nga năm 1830-31, gọi là cuộc Nổi dậy tháng Mười một. Cuộc khởi loạn này, đôi khi còn được coi là chiến tranh Ba Lan-Nga vì các lực lượng quân sự Ba Lan cũng tham gia vào phong trào khởi loạn, đã kết thúc một cách tai hại. Những biện pháp trấn áp giáng xuống lãnh thổ Vương quốc Ba Lan thuộc Nga cai trị, những người tham gia khởi loạn phải ra tòa án quân sự, nhận những bản án hà khắc, một số bị tử hình. Vì thế với rất nhiều thành viên khởi loạn, rời khỏi nước là một cách tránh hình phạt. Nhưng một nguyên nhân tâm lý quan trọng không kém nữa là họ không thể chấp nhận được phải mất tự do và đưa đầu lại vào ách của nước Nga, nay còn kẹp chặt hơn gấp bội. Những ai đã “hít thở bầu không khí tự do”, như họ nói, trong vòng chín tháng nổi dậy, thì không thể chấp nhận cách tồn tại đã bị giản lược tối thiểu về mặt chính trị, các quyền dân sự và dân tộc đều bị cắt xén. Với những người này, di cư trở thành con đường duy nhất thoát khỏi áp bức lịch sử. Phần lớn họ tới Pháp, vì nước này mở cửa cho những người tỵ nạn Ba Lan, cũng như đến Anh và các quốc gia châu Âu khác, thậm chí đến cả Bắc Mỹ.
Các nhà sử học ước chừng có 9000 người đã rời Ba Lan sau cuộc Nổi dậy tháng Mười một – con số có vẻ không nhiều, nhưng chủ yếu bao gồm thành phần tinh hoa cũng như những thanh niên hầu hết đều được giáo dục cao của Ba Lan. Điều đó tạo nên đặc tính của làn sóng di cư này, mà sau này gọi là Đợt Di Cư Lớn.
Cuộc di cư còn “lớn” là vì những nhà thơ hàng đầu Ba Lan tất cả đều thuộc số ra đi: Adam Mickiewicz, Juliusz Słowacki, Zygmunt Krasiński, Cyprian Norwid, Bohdan Zaleski, và Seweryn Goszczyński. Kỷ nguyên Lãng mạn lớn của Ba Lan vì thế hình thành ở nước ngoài. Cũng chính ở đó, trong những điều kiện tự nhiên bảo đảm quyền tự do ngôn luận, viết lách chính luận đã nảy nở, đặc biệt về những vấn đề xã hội và chính trị, cũng như các thể loại có tính chính luận như tranh luận về thế giới quan, tiểu luận chính trị, sách mỏng, v.v. Cũng chính trong bộ phận kiều dân đã xuất hiện các tổ chức chính trị hiện đại, hình thành ngôn ngữ diễn đạt và phương thức hành động đặc trưng. Hội dân chủ Ba Lan và nhóm của hoàng tử Adam Czartoryski đã đặt nền tảng cho phái tả hiện đại và phái bảo thủ khai sáng. Không may thay, trong cộng đồng kiều dân cũng lại nảy nở những mối quan hệ dựa trên bàn bạc đao to búa lớn, bút chiến ầm ĩ, lăng mạ bừa bãi, chỉ trích và cáo buộc, ghen tị và thù địch. Thứ năng lượng tự hủy diệt mà cuộc sống di dân tiêm nhiễm vào não trạng cũng như cách xử trí việc công ở Ba Lan đã trở thành một di sản đáng buồn.
Nhưng cuộc sống kiều dân cũng đem lại những trải nghiệm hiện đại, ví dụ như lao động. Người di cư trải qua cú sốc bị “hạ giai cấp”. Gần như không ai còn có thể giữ lấy địa vị xã hội đã có ở Ba Lan. Phần lớn phải đi làm những việc công xá thấp, những người khác phải học những nghề nghiệp vốn không tồn tại ở Ba Lan. Kinh nghiệm này có những mặt xã hội và tâm lý khác nhau, nhưng cũng để lại dấu ấn trong văn học, đặc biệt là trong tác phẩm của Cyprian Norwid, đôi khi còn được gọi là nhà văn của thời đại doanh thương và công nghiệp.
Hiện tượng vẫn được gọi là “thuyết cứu thế”, điểm quan trọng, đặc thù của chủ nghĩa Lãng mạn Ba Lan, cũng gắn chủ yếu với cộng đồng kiều dân. Đó là một thái độ đạo đức cũng như triết lý bắt nguồn từ khái niệm dân tộc, và quan điểm Ba Lan là dân tộc được lựa chọn để thực thi một nghĩa vụ lịch sử: cứu rỗi không chỉ nhân dân Ba Lan, mà cả các dân tộc châu Âu khác. Nghĩa vụ này chủ yếu coi tự do là món tài sản quý báu nhất trong thế giới lịch sử, nghĩa là có tính phổ quát, chung cho mọi cộng đồng dân tộc của thời đại. Ba Lan đã được chọn thực hiện vai trò đó vì những khúc đường lịch sử của đất nước này, gồm toàn đau khổ và hy sinh vì độc lập – mà cuộc Nổi dậy tháng Mười một là bằng chứng rõ ràng. Tự do được hiểu không chỉ là giải phóng đất đai Ba Lan, mà còn là tự do của “các dân tộc châu Âu”.
Và như thế thuyết cứu thế tạo tiền đề cho một số thái độ và lối cư xử nào đó, nhưng đồng thời cũng xem tai biến của cả dân tộc như một thắng lợi đạo đức (một cử chỉ sẽ được dân Ba Lan lặp đi lặp lại sau này); nó coi đau khổ là thiêng liêng, biến hy sinh thành thần thánh và vĩnh viễn. Làm được như vậy là nhờ phép so sánh táo bạo giữa Ba Lan và những khổ hình của đức Kitô. Hy sinh tự nguyện và chịu đau đớn thay kẻ vô tội không chỉ là mối liên hệ biểu tượng giữa những thực thể khác biệt đến như Kitô và Ba Lan, mà so sánh đó còn đưa lại ý nghĩa cứu chuộc. Ba Lan sẽ cứu chuộc tội lỗi cho cả thế giới, cứu thế giới bằng cách trả lại tự do cho các dân tộc. Tóm lại, những ý tưởng đó được diễn tả ngắn gọn trong khẩu hiệu coi Ba Lan là “đấng Kitô giữa các dân tộc”.
Thuyết cứu thế và hình dung về vai trò của Ba Lan chủ yếu gắn với Mickiewicz cùng hai tác phẩm vô cùng nổi tiếng: Các sách về dân tộc Ba Lan và cuộc hành hương Ba Lan (Księgi narodu polskiego i pielgrzymstwa polskiego, 1832) và Đêm vong nhân phần III (1833). Tác phẩm trước, viết bằng văn xuôi quy phạm theo lối Kinh thánh và lập tức được dịch sang các ngôn ngữ chính châu Âu (bản tiếng Pháp của Charles Montalembert xuất hiện năm 1833), không chỉ đề cao thêm vị thế văn chương của Mickiewicz mà còn khiến hành văn kinh thánh như một hình thức diễn đạt nghệ thuật trở nên thịnh hành, cũng như thông điệp tư tưởng hệ của bản thân tác phẩm. Bằng chứng là cuốn Les paroles d’un croyant của Félicité Lamennais, mà thực tế đã bị Giáo hội coi là vi phạm giáo lý Công giáo chính thống.
Thuyết cứu thế bênh vực tính phổ quát của tự do và tính đồng nhất của các dân tộc châu Âu, nhưng cũng không phải không bảo vệ dân tộc đã được chọn làm kẻ gánh vác những tư tưởng đó, làm lãnh đạo tinh thần trong thế giới lịch sử. Vai trò thuyết cứu thế đã trao cho Ba Lan ấy rất dễ dẫn đến sự suy tôn dân tộc và gieo mầm mống cho chủ nghĩa dân tộc sau này. Trong những tác phẩm lớn của văn chương Lãng mạn, những cáo buộc ấy chủ yếu nhằm vào cuốn Các sách về dân tộc Ba Lan và cuộc hành hương Ba Lan.
Cảm thức cứu thế trong cộng đồng kiều dân khi nghĩ về tổ quốc là một hiện tượng lịch sử hơn là bắt nguồn từ triết học lịch sử hay siêu hình học. Kiều dân coi bản thân mình là đại diện của toàn dân tộc, vì thế cũng nuôi tham vọng lãnh đạo toàn đất nước. Những tham vọng đó không giới hạn ở vị trí “lãnh đạo tinh thần”, mà bao hàm cả những quyết định chính trị rất cụ thể, như các âm mưu và kế hoạch, và các phong trào nổi dậy mới – tất cả lại dẫn đến những tai biến lớn hơn, gây nên sự phản đối của bộ phận dân chúng trong nước vốn đã phải chịu đựng áp bức từ phía Nga.
Thời gian trôi qua, trong nước càng lúc càng đánh dấu hỏi về tư cách lãnh đạo của bộ phận kiều dân, hình thành những trung tâm hành động riêng, và sinh ra những nhân vật chính trị và âm mưu riêng, soán chỗ những phái đoàn từ nước ngoài về. Phong trào độc lập lớn tiếp theo, cuộc nổi dậy năm 1863 hay cuộc Nổi dậy tháng Giêng, chủ yếu là quyết định của chính những người sống trong lãnh thổ Ba Lan, sử dụng chính những lực lượng và phương tiện dù rất nghèo nàn của họ. Cuộc đấu tranh trở thành chiến đấu du kích, quân tham gia được trang bị rất tồi – như câu thơ nhấn mạnh “những chàng trai ra trận không vũ khí” (“poszli nasi w bój bez broni”) – và cuộc nổi dậy kết thúc trong một tai biến nữa, kéo theo sự trừng trị đặc biệt tàn khốc từ phía chính quyền Nga. Chính quyền không chỉ xử tử những người cầm đầu và đày rất nhiều người khác đi Siberia, mà còn tịch thu tài sản trên quy mô lớn, giáng một đòn mạnh xuống điền địa của giới quý tộc.
Cuộc Nổi dậy tháng Giêng đã ghi dấu ấn đau đớn lên ý thức và cảm xúc của xã hội. Tai biến này tác động vào cả trí tưởng tượng tạo hình của các họa sĩ, như Artur Grottger, lẫn trí tưởng tượng văn chương của các nhà văn, gồm cả Stefan Żeromski. Đến lượt cuộc nổi dậy này lại được coi là phong trào độc lập lãng mạn nhất trong lịch sử Ba Lan, làm theo những hình mẫu và giá trị của văn học Lãng mạn: hình dung chuyên chế về tổ quốc và khái niệm cấp tiến về bổn phận ái quốc, chủ yếu là hy sinh “vì đại nghĩa”, kể cả chính sinh mạng mình.
Phần nào đó, sự kiện lịch sử có ý nghĩa lớn lao này đã kết thúc thời kỳ thống trị của chủ nghĩa Lãng mạn trong văn hóa Ba Lan. Những thay đổi tiếp đó trong các mô hình văn hóa, tư tưởng xã hội và triết học sinh tồn có rất nhiều lý do, nhưng một trong những lý do quan trọng nhất là phản kháng lại sự thống trị của chủ nghĩa Lãng mạn cùng những hậu quả tàn phá của nó. Bởi vì chủ nghĩa Lãng mạn, về một mặt nào đó, là kỷ nguyên nổi dậy, trong đó – như Norwid đã diễn tả rất thi ca trong Năm đề cương (Pięć zarysów) – những thế hệ đã nối tiếp nhau lớn lên “giữa dòng máu xanh, như trong đồng xa cúc lam: từ những sự kiện trước đó, tới những sự kiện mới đây chấm dứt” (“wśród sinej krwi, jak wśród bławatków: od ostatnich do tylko co zaszłych wypadków”).
Chính trong sự thách thức tính thống trị của chủ nghĩa Lãng mạn mà chủ nghĩa Thực chứng sẽ lớn lên. Tuy thế không phải là chủ nghĩa Lãng mạn không còn được tiếp nối trong văn học và nghệ thuật Ba Lan nữa. Có, và sự tồn lưu của nó còn khá mạnh mẽ, được bổ trợ thêm qua những sự kiện lịch sử như hai cuộc Thế chiến, cuộc nổi dậy Warszawa, và phong trào Công đoàn Đoàn kết đã lật đổ hệ thống Xã hội chủ nghĩa ở Ba Lan. Văn hóa tinh thần Ba Lan, nhất là mảng đại chúng, vẫn dựa trên hệ biểu tượng của chủ nghĩa Lãng mạn và những hình mẫu ái quốc do nó xây dựng. Nghệ thuật tinh hoa và nhận thức xã hội về những nhà lãng mạn lớn chính là mối liên hệ trực tiếp tới sức sống của chủ nghĩa Lãng mạn, không hề cam phận bị xếp vào một hiện tượng lịch sử chỉ được biết đến qua những trang sử đã khép lại.
Alina Witkowska
Nguyễn An Lý dịch
(Bài dịch đã đăng trên tạp chí Nghiên cứu văn học số 6 năm 2013.)
Tài liệu tham khảo
Janion M., Żmigrodzka M., Romantyzm i historia, Warszawa, 1978.
Literatura krajowa w okresie romantyzmu 1831-1863, Kraków-Warszawa, 1975-1992.
Rymkiewicz J.M., Siwicka D., Witkowska A., Zielińska M., Mickiewicz. Encyklopedia, Warszawa, 2001.
Słownik literatury polskiej XIX wieku, J. Bachórz, A. Kowalczykowa cb, Wrocław-Warszawa-Kraków, 1991.
Witkowska A., Literatura romantyzmu, Warszawa, 1986 (hoặc các bản sau).
Witkowska A., Przybylski R., Romantyzm, Warszawa, 1997.
Người góp chữ
ếch giời leo
Leave a Reply