Bruno Schulz, “Những cửa hiệu quế”

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi
Thời gian đọc: 17 phút

(Bài viết thuộc Zzz Review số 6, 31-7-2019)

Cho tới cái lúc bắt đầu những ngày đông mơ màng ngắn ngủi nhất, sáng tối đều phủ một lớp màn chạng vạng mịn như lông, khi thành phố vươn mình ngày càng sâu vào mê cung của những đêm đông, và miễn cưỡng cựa mình tỉnh thức trước bình minh ngắn ngủi, bố tôi đã đánh mất hẳn mình và hoàn toàn lạc vào cái thế giới kia.

Mặt và đầu ông xùm xoàm những mớ lông và tóc màu muối tiêu cứng hoang dại, tua tủa thành những cụm lởm chởm hay những ngọn chông vọt ra từ những cái mụn cơm, từ lông mày và lỗ mũi, khiến ông trông như một con cáo già nóng tính. Khứu giác và thính giác của ông trở nên bén nhạy lạ thường và nhìn khuôn mặt lặng im căng thẳng của ông là hiểu rằng qua hai giác quan ấy, ông giữ một mối liên hệ thường trực với thế giới ngầm của những hang chuột, góc tối, lỗ thông ống khói và khoảng không bụi bặm dưới sàn nhà. Ông là một người quan sát chăm chú và cảnh giác, một kẻ đồng lõa tò mò của những tiếng sột soạt, những tiếng kẽo kẹt trong đêm, về cuộc sống gặm nhấm bí ẩn chốn sàn nhà. Ông mải mê với nó tới nỗi trở nên hoàn toàn chìm đắm trong một bầu khí quyển bất khả xâm phạm, thậm chí còn chẳng có ý định kể với chúng tôi về nó. Ông thường lật qua lật lại những ngón tay và khẽ cười một mình khi những biểu lộ của thế giới vô hình ấy trở nên quá ngớ ngẩn; rồi ông trao đổi những cái nhìn đầy ẩn ý với con mèo nhà, vốn cũng trong vòng am hiểu về những bí ẩn này, khiến nó ngẩng bộ mặt vằn vện lạnh lùng giễu cợt, khép cặp mắt như hai khe hở xếch với vẻ thờ ơ chán chường. Đôi khi, trong bữa ăn, bố tôi đột nhiên bỏ dao nĩa sang một bên, khăn ăn vẫn còn quấn quanh cổ, đứng dậy với một động tác hệt như mèo, nhón chân đi đến cửa phòng bên và nhìn qua lỗ khóa với vẻ vô cùng cẩn trọng. Rồi, với một nụ cười bẽn lẽn, ông trở lại bàn với chút ngượng ngùng, lầm bầm và thầm thì điều gì không rõ liên quan tới đoạn độc thoại nội tâm luôn hoàn toàn chiếm lấy tâm trí ông.

20190704_173752
Bruno Schulz, tranh của Trông Em Kìa.

Để làm ông xao lãng, lôi ông ra khỏi những suy đoán ngẩn ngơ bệnh hoạn ấy, mẹ tôi bắt ông đi dạo vào buổi tối. Ông đi trong im lặng, không phản đối nhưng cũng chẳng nhiệt tình, hồn cứ để đi đâu. Một lần cả nhà tôi thậm chí còn cùng nhau đến nhà hát.

Chúng tôi lại một lần nữa ở trong cái sảnh bẩn thỉu, tối om, to đùng, đầy tiếng người huyên thuyên buồn ngủ và cảnh hỗn độn vô định ấy. Nhưng khi đã chen lên khỏi đám đông thì trước mắt chúng tôi là cái rèm khổng lồ màu xanh nhạt, như bầu trời của một vòm trời khác. Những chiếc mặt nạ sơn màu hồng to đùng đang phùng má lên bồng bềnh trên nền vải khổng lồ. Bầu trời nhân tạo trải dài về khắp phía, phồng căng vì hơi thở hào hùng của những cảm xúc dào dạt và cử chỉ lớn lao, vì không khí của cái thế giới hư cấu dưới ánh đèn pha sinh ra trên giàn giáo dội tiếng vang của sân khấu. Cái run rẩy lan qua khoảng trời rộng ấy, cùng hơi thở của tấm vải khổng lồ làm những chiếc mặt nạ sống lại và lớn dần lên, hé lộ tính ảo ảnh của vòm trời ấy, tạo nên cái rung động của thực tại mà trong những khoảnh khắc siêu hình, chúng ta trải nghiệm nó như một tia sáng của thiên khải.

Những chiếc mặt nạ rung rung làn mi mắt đỏ, cặp môi tô vẽ thì thầm không thành tiếng, và tôi biết chỉ ít nữa thôi sẽ đến khoảnh khắc khi sức căng của bí ẩn lên tận thiên đỉnh và bầu trời căng phồng của tấm rèm thực sự vỡ tung để tiết lộ những sự kiện choáng váng khó tin. Nhưng tôi không được trải nghiệm khoảnh khắc ấy, vì trong lúc đó bố tôi đã lộ rõ vẻ lo lắng. Ông lần mò mọi chiếc túi trên người và cuối cùng tuyên bố ông đã bỏ quên ở nhà chiếc ví có tiền và mấy giấy tờ rất quan trọng. Sau cuộc hội đàm ngắn với mẹ tôi, trong đó sự trung thực của Adela phải trải qua cuộc đánh giá vội vàng, thì kết luận là tôi về nhà tìm chiếc ví. Theo mẹ tôi, còn lâu nữa mới vén màn diễn và vì tôi là đứa nhanh chân nên chắc chắn sẽ quay về kịp lúc. Tôi bước vào một đêm trời đông sáng rực dưới những đèn đuốc của trời. Đó là một trong những đêm quang đãng, khi vòm trời sao mở rộng và trải dài tới mức như thể bị chia tách và vỡ ra thành vô khối những bầu trời riêng, đủ cho cả một tháng những đêm đông và mang đến những quả cầu phủ bạc và màu sắc đủ cho mọi hiện tượng, mọi cuộc phiêu lưu, biến cố và lễ hội giả trang. Thật quá mức khinh suất khi phái một cậu nhóc đi làm một việc quan trọng và cấp bách vào một đêm như thế, vì trong cảnh tranh tối tranh sáng, những con đường nhân lên, trở nên rối rắm và lẫn hết vào nhau. Sâu trong lòng thành phố mở ra những con đường ảo ảnh, những con đường nhân đôi, những con đường lẩn như trạch và vờ vĩnh. Trí tưởng tượng của ta bị bỏ bùa mê thuốc lú, tạo ra những bản đồ hão huyền từ những nơi nhìn ngoài thì thân thuộc, những bản đồ mà trong đó đường phố ở đúng vị trí của nó và có tên tuổi bình thường của nó nhưng được óc sáng tạo không mệt mỏi của đêm trao cho những cấu trúc mới mẻ và hư cấu. Sự cám dỗ của những đêm đông như thế thường bắt đầu từ mong ước vô hại đi vào đường tắt, một con đường nhanh hơn nhưng ít thân quen hơn. Những khả năng hấp dẫn nảy sinh khi rút ngắn một quãng cuốc bộ rối rắm bằng cách đi con ngõ chưa từng đi nào đó. Nhưng vào lần ấy, mọi chuyện lại bắt đầu theo cách khác.

Mới đi vài bước, tôi nhận ra mình chưa mặc áo khoác. Tôi muốn quay lại, nhưng lúc sau tôi thấy có vẻ việc ấy chỉ tốn thời gian vô ích, nhất là khi đêm cũng không lạnh; ngược lại, tôi còn cảm thấy những cơn sóng ấm trái mùa, như những làn gió nhẹ đêm xuân. Tuyết thu lại thành cụm bông trắng, thành vẩy lông cừu vô hại thơm như hoa violet. Những cụm trắng y như vậy đang lướt ngang trời, bầu trời có mặt trăng nhân đôi nhân ba, phô bày mọi vị trí và pha trăng cùng một lúc.

Đêm đó, bầu trời phơi trần cấu trúc nội tại của nó thành nhiều khu, như những buổi triển lãm giải phẫu gần như chính xác, phô bày những vòng xoắn bằng ánh sáng, khối đặc xanh mờ bằng bóng tối, chất plasma của vũ trụ và mạng lưới dệt bằng những giấc mơ.

Vào một đêm như thế, không thể nào đi dọc đường Podwale [Tường Thành], hay bất kì con đường tăm tối nào khác tạo thành mặt phải, hay có thể gọi là lớp lót, viền quanh bốn mặt quảng trường chợ, mà không nhớ rằng vào đêm muộn đến vậy, những cửa hiệu lạ lùng và hấp dẫn nhất đôi khi vẫn mở cửa, những cửa hiệu mà thường ngày người ta chẳng để ý. Tôi thường gọi chúng là những cửa hiệu quế vì có tường ốp gỗ tối màu.

Những cửa hiệu quý báu mở cửa rất muộn này vẫn luôn khiến tôi thích thú vô cùng. Dưới ánh sáng lờ mờ, cửa hàng tối tăm và nghiêm nghị sực mùi sơn, véc-ni và hương; mùi của những đất nước xa xôi và những món hàng hiếm. Bạn có thể tìm thấy ở đó pháo hoa que, hộp ảo thuật, tem của những đất nước đã bị lãng quên, đề can tiếng Trung Quốc, bột chàm, dầu thông từ Malabar, trứng của những loài côn trùng kì lạ, vẹt, chim tu-căng, những con kỳ nhông và giông túi sống nguyên, rễ khoai ma, đồ chơi máy từ Nuremberg, người tí hon bỏ trong lọ, kính hiển vi, ống nhòm và đặc biệt nhất là những cuốn sách hiếm kì lạ, những cuốn sách cũ đóng kiểu folio chứa đầy tranh khắc đáng kinh ngạc và những câu chuyện kỳ thú. Tôi nhớ những ông chủ già nghiêm nghị phục vụ khách hàng với cặp mắt cụp xuống trong sự im lặng kín đáo, đầy hiểu biết và khoan dung với những ý thích bí mật chôn sâu của khách hàng. Nhưng trên hết, tôi nhớ trong một hiệu sách đã từng liếc vội mấy tập sách giới thiệu mỏng bị cấm và rất hiếm, ấn hành bởi những hội kín bí ẩn vén màn những điều huyền bí ít ai biết tới. Hiếm khi nào tôi có dịp ghé thăm những cửa hiệu ấy—nhất là đến với khoản tiền nhỏ nhưng đủ dùng trong túi—nên không thể bỏ qua cơ hội này, bất chấp nhiệm vụ quan trọng đã được giao phó. Theo tính toán của tôi, tôi sẽ phải rẽ sang một con đường hẹp và đi qua hai hay ba con ngõ nữa để đến được con phố có những cửa hiệu đêm. Như vậy sẽ khiến tôi đi xa nhà hơn, nhưng nếu đi tắt qua đường Żupy Solne [Hàng Muối], tôi có thể bù vào thời gian bị trì hoãn đó.

Có khao khát ghé vào những hiệu quế chắp cánh, tôi rẽ sang một con đường tôi biết và chạy thay vì đi bộ, chú tâm kẻo bị lạc đường. Tôi đi qua ba, bốn con phố, nhưng vẫn chẳng thấy dấu hiệu của ngã rẽ mà tôi muốn. Hơn thế, vẻ ngoài của con phố trông khác với những gì tôi tưởng. Cũng chẳng thấy dấu hiệu nào là có những cửa hiệu kia. Con đường tôi đang đứng đây toàn những ngôi nhà không có cửa ra vào, mà cửa sổ đóng im ỉm thì đã lóa mắt bởi ánh trăng phản chiếu. Ở bên kia những ngôi nhà này—tôi nghĩ—chắc hẳn là con đường có lối ra vào nhà. Tôi đi nhanh hơn, khá là rối trí và bắt đầu từ bỏ ý định ghé vào mấy hiệu quế. Giờ tôi chỉ muốn nhanh chóng thoát khỏi đây, đến một khu nào trong thành phố này mà tôi biết rõ hơn. Tôi đến cuối đường, chẳng biết nó sẽ dẫn tới đâu. Tôi thấy mình đứng trên một con phố lớn nhà cửa thưa thớt, rất dài và thẳng. Tôi cảm nhận được cả hơi thở của không gian rộng lớn trên người mình. Đứng gần vỉa hè hay giữa những khu vườn là những biệt thự đẹp như tranh, nhà riêng của người giàu. Khoảng trống giữa chúng có những công viên và tường bao các vườn cây ăn quả. Cả khu này trông như phần cuối đường Lesznianska, nơi hiếm có người ghé qua. Ánh trăng lọt xuống qua ngàn vệt mây phơ phớt, như những vẩy bạc ở trên trời. Khung cảnh trắng nhờ sáng như ban ngày—chỉ có những công viên và vườn tược là các khối đen trong cảnh tranh phủ bạc ấy.

Khi nhìn kĩ hơn vào một tòa nhà, tôi nhận ra đấy là đằng sau trường trung học, tôi chưa từng thấy phía đó bao giờ. Tôi đang tiến về phía cổng, và thật ngạc nhiên, nó đang mở; tiền sảnh sáng đèn. Tôi bước vào và thấy mình đứng trên tấm thảm đỏ trải lối đi. Tôi hy vọng có thể lẻn qua mà không ai biết, rồi ra phía cổng trước, một lối tắt ngoạn mục.

Tôi nhớ vào lúc muộn như thế, trong lớp học của thầy Arendt, có khi sẽ có một lớp học ngoại khóa mà vào mùa đông vốn luôn tổ chức vào tối muộn, chúng tôi tham dự hào hứng, được cổ vũ bởi lòng say mê nghệ thuật mà người thầy tài năng ấy khơi dậy trong chúng tôi.

Một nhóm nhỏ lũ học sinh cần cù gần như lọt thỏm trong căn phòng tối tăm rộng lớn, trên tường lô nhô những cái bóng khổng lồ của đầu chúng tôi dưới ánh sáng từ hai ngọn nến con cắm trong chai. Thật tình chúng tôi cũng chẳng vẽ gì nhiều trong mấy buổi học ấy, và ông thầy cũng chẳng đòi hỏi gì nhiều. Mấy thằng nhóc còn mang gối êm từ nhà đến và nằm duỗi mình trên ghế để đánh một giấc ngắn. Chỉ mấy đứa chăm chỉ nhất mới ngồi quây quanh ngọn nến, trong vòng ánh sáng vàng của nó. Chúng tôi thường phải chờ rất lâu thầy mới tới, giết thời gian bằng những cuộc chuyện trò uể oải. Cuối cùng cánh cửa dẫn sang phòng thầy cũng mở và thầy bước vào—lùn, có râu, hay cười bí ẩn và im lặng kín đáo, từ thầy toát ra mùi bí hiểm. Thầy đóng cánh cửa phòng làm việc sau lưng mình một cách cẩn thận: trong khoảnh khắc, chúng tôi có thể thấy qua đầu thầy một đám đông những cái bóng thạch cao, những mảnh tượng cổ điển tạc hình những đàn con đau khổ của Niobe, của Danaus, của Tantale, nguyên cả điện thần Olympus vô sinh buồn bã, hàng năm trời héo hon trong cái bảo tàng đắp bằng thạch cao ấy. Phòng thầy mờ tối ngay cả giữa ban ngày, ánh sáng dày đặc vì những giấc mơ của những cái đầu thạch cao, vì những cái nhìn vô hồn, những khuôn mặt nhìn nghiêng xám ngoét và những nghĩ suy tan vào hư vô. Đôi khi chúng tôi thích nghe trước cánh cửa ấy—nghe sự im lặng nặng trĩu những tiếng thở dài và thầm thì của những vị thần vụn vỡ đang héo mòn trong chán chường tẻ nhạt vào buổi hoàng hôn của họ. Thầy bước đi hết sức đĩnh đạc và sùng đạo tới tới lui lui giữa những chiếc ghế dài còn thừa nhiều chỗ, mà chúng tôi đang ngồi vẽ thành nhóm nhỏ giữa những bóng xám của đêm đông. Không gian tĩnh lặng và ấm áp. Mấy đứa bạn cùng lớp đang ngủ. Nến tàn dần trong chai. Thầy cẩn thận lôi ra từ cái giá sách rất sâu, đầy những tập sách cũ, những tranh chạm, tranh khắc gỗ và tranh in cũ rích. Với những cử chỉ bí hiểm, ông cho chúng tôi xem những tranh in thạch bản cũ, phong cảnh ban đêm, những lùm cây trong ánh trăng, những con đường trong công viên mùa đông lạnh giá, những nét viền đen trên tấm phông nền là ánh trăng màu trắng.

Chuyện trò uể oải khiến thời gian trôi đi mà chẳng ai để ý. Nó trôi đi chẳng đều đặn, như thể thắt thành những nút giữa dòng, chốc lại nuốt trôi đâu đó cả một quãng thời gian. Đùng một cái, rất lâu sau nửa đêm, cả lũ chúng tôi thấy mình đang trên đường về nhà qua con đường vườn trắng những tuyết, hai bên là những bụi cây khô và đen. Chúng tôi đi bộ dọc theo rìa bóng tối rậm rạp ấy, quệt vào những bụi cây lởm chởm, những nhánh thấp hơn gãy lách tách dưới chân chúng tôi trong đêm sáng trời, trong thứ ánh sáng trắng đục dối lừa. Ánh sáng trắng khuếch tán, lọc qua tuyết, qua lớp không khí trắng nhạt, qua không gian mờ đục, như thể tờ giấy xám có tấm tranh khắc mà trên đó những bụi cây dày là những nét vẽ sâu đen sì trang trí. Vào giờ khuya khoắt ấy, đêm đang sao chép lại cảnh đêm trên bản khắc của thầy Arendt, diễn lại những mộng tưởng của ông.

Trong những bụi rậm đen ngòm ở công viên, trong tấm áo choàng rậm rạp của những lùm cây, trong đám cành con kêu răng rắc là nơi ẩn náu, hang ổ, sào huyệt của bóng tối mượt mà sâu kín nhất, đầy những mơ hồ, những cử chỉ bí mật, những cái nhìn ngầm ý. Ở đó ấm và yên tĩnh. Chúng tôi mặc áo khoác dày ngồi trên tuyết mềm, cắn những quả hạt dẻ thừa thãi trong cái mùa đông như thể mùa xuân ấy. Trong đám cây nhỏ, những con chồn lặng lẽ dạo bước, chồn mactet và cầy mangut, những con vật chân ngắn dáng thon dài, mình đầy lông lá, bốc mùi da cừu, đang tìm kiếm lục lọi. Chúng tôi ngờ rằng trong số chúng có cả lũ vật trưng bày trong tủ trường học, dù đã bị moi ruột và trụi sạch lông, vẫn cảm thấy vào cái đêm trắng ấy trong bộ lòng rỗng không của chúng cất lên tiếng nói của bản năng bất diệt giục giã đi tìm bạn tình, và quay về với bụi cây để có vài khoảnh khắc ngắn ngủi của cuộc sống ảo ảnh. Nhưng dần dần, ánh lân quang của thứ tuyết mùa xuân ấy mờ đi: sau đó nó biến mất, nhường chỗ cho bóng tối dày đặc đen ngòm trước bình minh. Vài đứa chúng tôi ngủ quên trong tuyết ấm, mấy đứa khác mò mẫm trong bóng tối tìm cửa vào nhà mình và nhắm mắt bước vào giấc ngủ của bố mẹ và anh em chúng, vào một chuỗi không ngừng những tiếng ngáy sâu đã bắt kịp với chúng sau chuyến về nhà muộn. Những buổi học vẽ khuya khoắt ấy lúc nào cũng mang vẻ lôi cuốn bí ẩn với tôi, nên giờ tôi không thể bỏ qua cơ hội nhìn phòng học vẽ một lát. Tuy vậy, tôi quyết định sẽ chỉ dừng lại một chút thôi. Nhưng khi đi lên cầu thang phụ và những bậc thang bằng gỗ tuyết tùng vang tiếng dưới chân, tôi nhận ra rằng tôi đang ở mé trường hoàn toàn xa lạ. Chẳng có lấy một tiếng rì rầm chen vào sự tĩnh lặng trang nghiêm đó. Ở mé này, hành lang rộng hơn, trải thảm dày và rất thanh nhã. Mỗi góc đều treo đèn nhỏ leo lắt. Rẽ ở góc đầu tiên, tôi thấy mình đứng trong một căn phòng còn rộng và lộng lẫy hơn. Một bên là lối đi vòm kính rất rộng dẫn vào một khu nhà ở. Tôi nhìn thấy một dãy phòng liền rất dài, trang hoàng vô cùng nguy nga. Đôi mắt có thể lướt qua những tấm rèm lụa, những chiếc gương mạ vàng, đồ gỗ đắt tiền, những ngọn đèn chùm pha lê và chìm vào nội thất xa hoa mềm mịn như nhung, lung linh những đèn, những vòng hoa đan kết và những bông hoa hàm tiếu. Sự tĩnh mịch thẳm sâu của những căn phòng trống được lấp đầy bằng những ánh nhìn bí hiểm trao nhau giữa những chiếc gương và những đường trụ ngạch rối rít nháo nhào chạy dọc tường tít trên cao rồi biến mất vào những hình đắp nổi trên trần nhà trắng.

Tôi chứng kiến vẻ tráng lệ ấy với lòng ngưỡng mộ và nỗi kính sợ, ngờ rằng cuộc phiêu lưu đêm của tôi đã bất ngờ đưa tôi tới mé của thầy hiệu trường, tới khu nhà riêng của thầy. Tôi đứng đó, tim nện thình thịch, trơ như phỗng vì tò mò, sẵn sàng chuồn đi ngay khi có tiếng động nhỏ nhất. Nếu bị tóm bất ngờ, sao tôi có thể biện hộ cho chuyến ghé thăm đêm hôm như thế, cho sự tọc mạch trơ trẽn như thế? Có thể cô con gái của thầy hiệu trưởng đang ngồi trên một trong những chiếc ghế bành nhung lông sâu hút ấy, bất động và không thể trông thấy. Cô có thể sẽ ngước mắt lên nhìn tôi—đôi mắt đen lặng lẽ huyền bí, cái nhìn nặng trĩu không ai chịu nổi. Nhưng nửa đường rút lui, không làm cho xong kế hoạch đã định thì thật hèn. Hơn thế nữa, trong những căn phòng nguy nga dưới thứ ánh sáng mờ mịt của cái giờ không xác định ấy chỉ có một sự im lặng thẳm sâu thống trị. Qua hành lang mái vòm, tôi thấy ở đầu bên kia phòng khách một cửa kính lớn dẫn ra hiên. Mọi nơi tĩnh mịch như tờ khiến tôi đột nhiên thấy bạo hơn. Tôi chẳng thấy có gì quá nguy hiểm khi xuống vài bậc thang tới phòng khách kia, rảo vài bước qua cái thảm lớn đắt tiền và ra đến hiên, từ đó có thể quay về con đường quen thuộc chẳng khó khăn gì.

Tôi đã làm như thế. Khi đứng trên lớp sàn gỗ khảm dưới mấy chậu cọ cao tới tận trần nhà, tôi nhận ra lúc này mình đã thực sự đứng trên đất công, bởi phòng khách ấy không có tường chắn trước. Nó giống như một lô gia lớn, chỉ vài bậc thang là xuống tới quảng trường thành phố, một phần được rào kín của quảng trường, vì có mấy món bàn ghế sân vườn nằm ngay trên vỉa hè. Tôi chạy xuống mấy bậc thang đá ngắn và thấy mình một lần nữa đã lại đứng dưới lòng đường. Những chòm sao trên trời đứng cheo leo lộn đầu xuống dưới, mọi vì sao đã quay ngược lại, nhưng mặt trăng, vùi mình dưới chiếc nệm mây êm ái được soi sáng bởi hiện diện vô hình của nó, dường như vẫn còn trước mắt cả một hành trình vô tận, và, miệt mài trong những chu trình thiên giới phức tạp của mình, chẳng hề nghĩ tới bình minh. Mấy cỗ xe ngựa hiện ra lù lù trên đường, chừng như sắp long ra đến nơi, xộc xệch như mấy con cua hay gián què quặt gật gù. Một người đánh xe cúi xuống phía tôi từ trên ghế cao. Ông ta có một khuôn mặt nhỏ đỏ dừ, vẻ tử tế. “Chúng ta đi chứ, thưa cậu?” ông ta hỏi. Mọi khớp nối và dây chằng của cái cơ thể lắm chi ấy rung lên và bắt đầu khởi hành trên những vành bánh nhẹ. Nhưng ai lại giao phó bản thân cho thói tùy hứng của một gã đánh xe khó đoán trong một đêm như vậy? Giữa tiếng lách cách của những trục xe, những tiếng uỳnh uỵch của ghế đánh xe và mái xe, tôi không thế nhất trí với ông ta về đích đến của mình. Tôi bảo sao ông ta cũng gật đầu khoan dung và còn ngâm nga hát. Chúng tôi đi một vòng quanh thành phố. Trước một quán rượu có một nhóm mấy người đánh xe thân thiện vẫy tay chào ông ta. Ông ta vui vẻ trả lời và rồi, không hề dừng cỗ xe lại, ông ta ném dây cương vào đùi tôi, nhảy xuống khỏi ghế đánh xe và nhập hội với các bạn đồng nghiệp. Con ngựa kéo xe già cả lõi đời lơ đãng nhìn quanh rồi tiếp tục nhịp chạy nước kiệu buồn tẻ. Thực ra, con ngựa đó có vẻ đáng tin—nó có vẻ còn thông minh hơn lão đánh xe. Nhưng tôi không biết đánh xe nên phải phụ thuộc vào ý con ngựa. Chúng tôi rẽ vào một con đường ngoại ô, hai bên là vườn tược. Trên đường tiến về phía trước, những khu vườn dần chuyển thành công viên với nhiều cây cao và rồi công viên biến thành rừng.

Tôi không bao giờ quên chuyến hành trình ngời sáng trong cái đêm sáng trời nhất giữa những đêm đông ấy. Bản đồ trời rực rỡ sắc màu trải ra thành vòm trời mênh mang, trên đó hiện ra những vùng đất, những đại dương và biển cả diệu kỳ, đánh dấu bằng đường nét của những dòng và xoáy nước bằng tinh tú, những vệt dài chói sáng những sông núi của trời. Khí trời trở nên dịu nhẹ và lung linh sáng như màn sương bạc. Có thể ngửi thấy hương violet. Dưới lớp tuyết trắng bông như da cừu hiện ra những bông cỏ chân ngỗng rung rinh, mỗi bầu hoa mảnh dẻ hứng một đốm ánh trăng. Cả khu rừng rực rỡ bởi hàng ngàn tia sáng và bởi những vì sao đua nhau rơi xuống từ bầu trời tháng Mười hai. Không gian phập phồng bởi một mùa xuân bí mật, bởi sự thanh khiết không gì sánh bằng của tuyết và hoa violet. Chúng tôi tiến vào một vùng đồi núi. Đường nét những ngọn đồi tua tủa thân cây trơ trụi dâng lên như những tiếng thở dài hoan lạc. Tôi thấy trên sườn dốc vui vẻ ấy những nhóm người lang thang, hái về từ đám rêu và bụi cây những vì sao rơi giờ đã ẩm ướt vì tuyết. Đường trở nên dốc, con ngựa bắt đầu trượt chân và phải nỗ lực kéo cỗ xe kẽo kẹt. Lòng tôi hân hoan. Phổi tôi hít lấy hương xuân hạnh phúc, cái tươi mới của tuyết và những vì sao. Phía trước con ngựa, bức thành bọt tuyết trắng ngày càng cao hơn, khó có thể lội qua đống tuyết tinh khôi ấy. Cuối cùng chúng tôi dừng lại. Tôi xuống xe. Con ngựa rũ đầu thở hổn hển. Tôi ôm lấy đầu nó ấp vào ngực mình và thấy có nước mắt chảy ra từ đôi mắt lớn. Tôi nhận thấy một vết thương tròn màu đen trên bụng nó. “Sao mày không nói cho tao biết?”, tôi thì thầm và khóc. “Cậu bé thân yêu ơi, tôi làm vậy là vì cậu,” con ngựa nói và thu nhỏ lại, như một món đồ chơi bằng gỗ. Tôi rời khỏi nó, thấy trong lòng nhẹ bẫng và vui vẻ. Tôi phân vân không biết nên chờ chuyến tàu nhỏ đi qua đây hay cứ cuốc bộ về thành phố. Tôi bắt đầu đi xuống dọc con đường dốc đổ, ngoằn ngoèo như rắn giữa khu rừng; ban đầu là những bước đi nhẹ nhàng, nhún nhảy; sau đó chuyển thành bước chạy vui vẻ, nhanh nhảu, rồi ngày càng nhanh hơn, cho tới khi như thể đang trượt tuyết. Tôi có thể điều hòa tốc độ của mình và thay đổi lộ trình chỉ bằng cách cử động nhẹ.

Đến ven thành phố, tôi giảm tốc độ bước chạy huy hoàng ấy thành bước đi điềm đạm. Trăng vẫn lênh đênh trên trời cao. Những biến hóa của bầu trời, những hóa thân của tầng tầng lớp lớp vòm trời thành nhiều hình dáng ngày càng phức tạp kia dường như vô tận. Như một cỗ máy trắc tinh bằng bạc, bầu trời hé lộ trong đêm diệu kỳ ấy cái cơ chế nội tại của nó và phô bày những biến đổi vô hạn của phép tính từ bánh xe và bánh răng của nó. Ở quảng trường chợ, tôi thấy mấy người đang thư thái tản bộ. Tất cả họ, say mê với màn trình diễn của đêm hôm ấy, đều bước đi với khuôn mặt ngửa lên, nhuốm bạc bởi ma thuật của bầu trời. Tôi hoàn toàn chẳng lo nghĩ gì về chiếc ví của bố tôi nữa. Bố tôi, ngụp trong những cơn điên loạn, lúc này có lẽ cũng quên mất rồi, còn về mẹ tôi, tôi cũng chẳng cần biết bà nghĩ gì. Vào một đêm như thế, một đêm độc nhất trong năm, người ta sẽ có những suy nghĩ và cảm hứng vui vẻ, người ta sẽ thấy được ngón tay thần thánh của thơ ca chạm vào mình. Tràn đầy những ý tưởng và dự định, tôi muốn đi bộ về nhà nhưng lại gặp mấy người bạn học cắp sách trong tay. Thức giấc bởi ánh sáng của cái đêm dường như không bao giờ kết thúc ấy, họ đang trên đường tới trường.

Chúng tôi cùng nhau dạo bước trên con phố dốc đổ ngát mùi hương violet; chẳng rõ ma thuật của đêm hay ánh sáng của buổi rạng đông đã trải lên tuyết như dát bạc…

Trông Em Kìa dịch

Chấm sao chút:

Đã có 5 người chấm, trung bình 5 sao.

Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3

Người góp chữ

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi

1 Comment on Bruno Schulz, “Những cửa hiệu quế”

2 Trackbacks & Pingbacks

  1. Những cửa hiệu quế – Bruno Schultz – Thuys
  2. Một phương Tây bị bắt cóc, hay bi kịch của Trung Âu | Văn Việt

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*