Bohumil Hrabal, Bài học khiêu vũ cho người đứng tuổi (trích)

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi
Bohumil Hrabal at the Canadian embassy in Prague, summer 1990
Thời gian đọc: 11 phút

(Bài viết thuộc Zzz Review số 6, 31-7-2019)

Nguyên tác tiếng Séc Taneční Hodiny Pro Starší A Pokročilé (1964). Dịch theo bản tiếng Anh Dancing Lessons For The Advanced In Age của Michael Henry Heim (New York Review Books 2011), và tham khảo các tài liệu khác.

hình trang 34
Bìa bản dịch tiếng Anh của New York Review Books.

 

[…] tôi đứng ở Prostějov trước biển hiệu hình đại bàng xoè cánh của hãng Weinlich & Sons, Hãng thầu cho triều đình, ông Weinlich đó là người Do Thái, ổng đeo kính kẹp mũi gọng vàng, ăn mặc hoàn hảo, nước hoa thơm phức, cặp dưới nách cuốn sách và ngậm trên môi điếu xì-gà Havana, trông cứ như đang đi vào đại học vậy, hai tay đại diện kinh doanh cho ổng là Fogl và Vertsberger cũng toát đầy vẻ học hành chữ nghĩa, và tôi đứng trước mặt họ, hai tay cầm một đôi giày, cứ như đang đứng trước toà, Chính tay ông làm đôi giày này sao? ông Weinlich hỏi, Một tuần ông làm được mấy đôi? và tôi nói, Hai tá, thế là họ chạy tới chúc mừng tôi và chạy đi tìm cho tôi da dê với da bê rồi bảo tôi nhanh nhanh cho kịp chuyến tàu lửa, và tôi ra đi đắc thắng nhưng khiêm tốn y như tướng Montgomery rời khỏi Tobruk vậy[1], vinh dự được một hãng thầu cho triều đình tuyển dụng, chuyện đó giống như được làm việc với một người có Huân chương Lao động ấy chứ, hãng thầu cho triều đình cũng có mề-đay, huy chương và con đại bàng xoè cánh trên biển hiệu, Kafka và Dvořák may áo quần và làm giày cho hoàng đế Áo, cho cả hoàng tử nữa, còn Vymětal và Popelka là hai nhà cung cấp thịt chính cho vua, họ trưng bày trong mấy tủ kính toàn giăm-bông trang trí với cành vân sam và lá thuỷ tùng, một anh bạn tôi nổi tiếng với tài may áo khoác lễ phục, có lần tôi mời người anh của anh ta về miền này nghỉ ngơi đổi gió, nhưng anh chàng uống rượu mận say ngất ngư suýt chết nếu như bọn tôi không lấy phó-mát tươi băng bó cho, dù sao thì anh chàng này cũng làm cho nhà thầu triều đình Kafka, ông này trên biển hiệu có hình chiếc quần tây màu xanh lá cây và mấy huy chương vàng, và có lần Tướng von Wucherer đặt Kafka may cho ông ta một áo khoác nhẹ màu xanh để mặc dịp lễ Mình Thánh Chúa, nhưng cái cổ áo viền vàng không vừa, thế là vợ ổng, bà tướng Frau Generalin, cũng loại quái vật như nữ hoàng Maria Theresa[2] đó, tới than phiền, nhưng ông già Kafka là người nóng nảy như mấy nhạc sĩ, ổng tóm lấy bà ta vừa xô ra cửa vừa la toáng lên, Nếu cả ngàn người khác mặc vừa thì ông chồng bà cũng phải mặc vừa chứ, đấy, bây giờ các cô biết tại sao tôi đã đi ra nghĩa địa nhiều chuyến rồi, và tôi chỉ thấy toàn thanh niên trai tráng ngủ khì giữa các tấm bia chứ không chịu làm việc, còn ở đây tôi đã bảy mươi rồi mà vẫn vui thú đã đời với các cô em cứ như hoàng đế Áo với cô nương Schratt[3], hứa hẹn làm cho mấy cô những đôi giày khiêu vũ bằng da đỏ như những đôi tôi đã làm cho em gái ông bác sĩ Karafiát, cô ấy cũng sắc nước hương trời, nhưng có một con mắt giả bằng thuỷ tinh, đó là vấn đề, vì ta không hề biết chuyện gì sẽ xảy ra sau đó, một tay thợ làm mũ ở hãng Prostějov có lần kể tôi nghe hắn đã đưa một phụ nữ có một con mắt giả đi xem xi-nê rồi chị ta hắt hơi và con mắt bay vèo ra và suốt lúc nghỉ giải lao cả hai phải bò lồm cồm dưới gầm ghế tìm kiếm, nhưng rồi chị ta tìm thấy nó, lau sạch, kéo mi mắt lên, và bốp! ấn nó lọt vào, à, nhân tiện nói luôn, chuyện làm bánh cũng là một nghệ thuật chẳng kém chuyện làm giày, anh Adolf nhà tôi là dân làm bánh có nghề đó nghe, lùa cái xẻng xúc bánh vào lò cũng giống như thụt bi-da vậy, và nếu người kiểm tra mà thấy mấy cô em liếm ngón tay khi đang nhào bột nặn bánh là mấy cô ăn một cú đấm vào mặt liền, và mỗi lần người thợ bánh đi tiểu thì hắn ta phải rửa tay, trong khi đó người thợ giày thì có thể ngoáy mũi suốt ngày tuỳ thích, thợ mổ thịt cũng phải rửa tay cho sạch nữa, hồi đó trong trung đội của tôi có một anh chàng tên là Kocourek, Miroslav Kocourek, và anh Kocourek này có một ngón tay bị thương phải băng bó, rồi một ngày kia anh chàng đang nhồi dồi gan thì miếng băng biến mất luôn vào một khúc dồi nào đó, do rất có khả năng kẻ ăn phải miếng dồi có miếng băng sẽ là một tên binh nhì cắc ké nào đó nên anh chàng quên béng đi, nhưng thử đoán xem, các cô em, lại trúng ngay ông bác sĩ quân y mới chết! phải, ông ta đang ăn miếng dồi gan thứ ba, và vừa cắn vào là ông ta nhận ra ngay công trình của anh chàng kia và nôn oẹ ra hết và Kocourek bị cho ra mặt trận, nhưng anh ta có chết trận không? không, anh ta trở thành anh hùng và được thưởng đủ thứ huy chương, có lần tôi hay đẩy xe cút kít chở mấy con dê trói dính chùm đến lò mổ, rồi một ngày kia có hai con dê con cứ nhảy nhót đi theo cạnh bên tôi và mấy con dê lớn cứ liếm tay tôi, và khi tôi dừng lại nghỉ mệt giữa một cánh đồng thì hai con dê con này lại liếm tay tôi, và tôi oà khóc nức nở, tôi sẽ làm gì với tay thợ mổ đây? tôi, một người ngưỡng mộ nghệ thuật Âu châu Phục hưng, thêm nữa, lòng tôi rối bời bời và tôi mà không móc con dao làm bếp ra để tự mổ bụng mình thì đúng là phép lạ đó, cho nên tôi đã chuyển từ nghề làm giày sang nghề nấu bia và được huấn luyện thành người chuyên làm mạch nha và lên đường đi một vòng xứ Hungary, ối chà ở Sopron họ có nhà máy bia mới tuyệt làm sao! một toà nhà đỏ rực viền sơn trắng có cửa sổ màu xanh lá cây, kiểu vùng Tyrol, bên trong chỉ toàn gạch men trắng, và mỗi cửa sổ đều có những chiếc thang nhỏ để phòng hờ có hoả hoạn thì lính cứu hoả có thể trèo lên trèo xuống như lũ khỉ ở Dresden, và Budapest! chỗ gì mà quá đã! có một con đường toàn màu trắng có những cửa sổ đỏ, đường kế tiếp lại màu xanh lá cây với cửa sổ vàng, rồi những con đường xanh dương và những con đường mạ vàng và những con đường lốm đốm, suốt cả thời chiến dân xứ ấy vẫn ăn bánh mì trắng tinh, và Đô đốc Horthy[4] của họ đã ra lệnh xử tử hết đám thuỷ thủ do Matoušek cầm đầu, ông ta cho bịt mắt hết cả cái đám tội nghiệp đó, do đã có một vụ nổi loạn hay binh biến gì đó, mấy cô em ơi, còn nói đến bia thì lúa mạch phải ngon và sạch, ta không được để cho nó nẩy mầm quá sớm đâu nghe, mấy cô, rồi ta ngâm lúa mạch vào nước âm ấm và chuyển sang xưởng mạch nha, ở đây lúa mạch được xới được đảo bằng xẻng gỗ và bắt đầu nẩy mầm thành mạch nha, rồi từ đó mới đi tới lò sấy bằng lửa cho khô ráo, rồi cho vào những trống quay, nơi các loại mạch nha, à, có mạch nha Munich để làm bia đen và mạch nha Pilsen để làm bia vàng, mạch nha sẽ được tách khỏi bông lúa, thứ bông này làm thức ăn gia súc là khỏi chê luôn, và sau đó mạch nha được nấu nhiều giờ trong phòng ủ bia, nó được nấu nhừ ba lần để tăng tối đa lượng đường, rồi mới cho hoa houblon vào để tạo vị đắng cho bia, rồi sau đó tất cả chuyển vào những bể to trong một phòng ủ đặc biệt ở đó người ta cho thêm men vào, bia thường thì phải ủ một tháng, bia lager thì ba tháng, trí nhớ tôi còn ngon lành mà, phải không? mấy cô sẽ thấy không còn nhiều loại bia như thế đâu, men tạo thành những lớp sóng bọt lăn tăn cho bia lager, và trước khi bia được đóng thùng tô-nô hay đóng vào chai thì lớp bọt ấy được vớt hết cho vào một bình thiếc và rót từng lượng nhỏ vào từng thùng bia để cho bia sáng lấp lánh, những loại bia Munich long lanh có thể phải ủ tới sáu tháng, và khi đã tới lúc đục thùng lấy bia ra thì đích thân ông tổng thống tới dự và nếm thử, tôi từng biết một cô thợ may tên là Husáková, tôi đã dạy cho cổ mấy bài học về nghệ thuật và vệ sinh tình dục, và tôi bảo cô ấy vấn đề chính là nhét cho chặt kín mấy khe nứt, và cô ấy cố sức lôi kéo tôi chạy vào rừng để nhét chặt cái khe của cổ, nhưng tôi nói chuyện đó ai cũng làm được, phải làm gì trước đó chưa từng có mới đáng kể, nhưng các bà các cô lúc nào cũng muốn lặp lại chuyện cũ, hồi đó có lần một chủ nhà hàng than phiền với tôi là khách hàng của ổng thường xoá những dấu ông đã vạch trên tấm lót ly bia để ghi nhớ khách đã gọi bao nhiêu ly, nghe thế cô gái đẹp ngồi cạnh tôi bèn nói, tôi có một dấu vạch mà không ai có thể xoá được, thưa ông, còn tất nhiên là bia lager phải cho vào thùng để lên men đủ sáu tháng, loại bia ngọt Pardubice Porter có 18 phần trăm độ cồn giống như loại bia Nusle Senator của chúng ta, bia Brno Dragon có 14 phần trăm như loại Bráník Special và Budějovice Crystal, ôi các cô em, thứ bia long lanh ngây ngất đó, các loại bia Pilsner đắng đó, các loại Cardinal và bia ủ hơi ngọt mà người ta bán ở quán U Fleků và U Tomáše đó, tại sao không ai thấy là sự tiến bộ có thể tốt trong chuyện làm cho con người thành con người, nhưng với bánh mì và bơ và bia thì tiến bộ là chính bệnh dịch, họ phải chầm chậm bớt cái công nghệ khốn kiếp của họ đi, ở những nhà máy bia ngon thời xưa người ta đốt lửa bằng củi dưới một nồi đồng và lửa đi lên đun nóng lớp đồng mà làm cho bia có màu như caramen, tôi còn nhớ rõ mà! đúng là tuyệt thú! còn loại lúa mạch đen mà người ta thường làm bánh mì sẽ được cất trong vựa lúa cho tới tháng Mười một và toàn bộ bông lúa đều biến thành hạt và chỉ tới lúc đó họ mới đập lúa, bánh mì đó mới là bánh mì nghe, mấy cô em, đúng là món quà của Chúa ban cho con người, bánh mì đó mà mà nướng lên thì xa hàng dặm cũng nghe mùi thơm, để càng lâu càng ngon, đó là lý do mà hoàng đế thích đi xe ngựa bốn bánh hơn đi ô-tô, ông ta cũng thích rượu vang nữa và rồi chết trong nhà vệ sinh, và các cô em lẽ ra phải thấy ổng làm cái chuyện nghệ thuật Âu châu Phục hưng với cô nương Schratt kia, lúc đó tôi đang phiên gác ở Meidling và tôi thấy hết trơn, cô nương Schratt kia đang đứng trên một cái thang hái mận còn hoàng đế giữ thang cho cô ta rồi lén nhìn dưới váy cô ta như nhà thơ Goethe vậy, chuyện đó cho thấy ông Batista đã đúng như thế nào khi ổng nói là vật bảo vệ hạnh phúc gia đình tốt nhất chính là một thân thể nẩy nở, hoàng đế này thích mặc áo Kaiserrock, một kiểu áo khoác của vua chúa, loại áo choàng dài sậm màu, cài khuy kín hết đằng trước, rõ ràng con nhà quý tộc hoàng phái, nhưng dòng họ hoàng đế này cũng có nhiều chuyện rắc rối y như mọi gia tộc khác, con trai ổng, cậu hoàng thái tử, buộc phải cưới Công chúa Stéphanie xứ Bỉ, nhưng cậu con lại mê cuồng thân xác của nàng Vetsera, cô nàng có cặp mắt và cặp vú kinh khủng, và chuyện này kết thúc bằng một màn bắn súng kinh khủng[5], có một nàng tên là Dáša làm trong ngành dược và gặp trục trặc chuyện vệ sinh tình dục, cô Dáša ấy khi nghe tôi kể lại chuyện thảm kịch hoàng gia Áo liền nói với tôi là, Nghe này, nếu anh với em là một cặp mà anh bỏ chạy theo con đĩ đó thì em cũng bắn anh chết luôn, đúng thế, bi kịch ngự trị thế gian này và đám nhà văn lúc nào cũng có chuyện để viết, có lần tôi đang đi men theo đường xe lửa thì có một nhân viên hoả xa đi xe đạp chạy tới và khi thấy tôi thì anh ta nhảy xuống xe nói, Nói thật đi, Jirka, cú ghi bàn hôm qua đó không được tính là bàn thắng phải không? và tôi nói, Không, không được, và rồi anh ta đặt một chân lên pê-đan và ngay trước khi nhún chân kia qua yên xe anh ta quay lại nói, Cảm ơn anh, cảm ơn, sự thật luôn chiến thắng, tôi luôn biết anh là người có cá tính mà! người ta cứ hay lầm tôi với mấy trọng tài bóng đá và minh tinh điện ảnh và cả đời tôi có bao giờ làm cầu thủ đâu, à, đá bóng cho vui thì có, Mozart với Goethe cũng đâu có ông nào chơi bóng đá, hay cả hoàng đế cũng thế, không, hoàng đế thì đi săn sơn dương ở Ischl và mặc quần lederhosen, mấy cô biết mà, kiểu quần soóc con trai có hai dây đai choàng qua vai đó, ổng thích dân chúng và thích thịt lợn, suốt cả chính thể của mình ổng chỉ cải cách tiền tệ có một lần thôi, và ổng cho treo cổ hai tên Šlosarek and Hugo Schenk[6] và cho mẹ tôi món tiền thưởng hai mươi lăm guilder, mẹ tôi ấy à, bất cứ lúc nào mẹ tôi chà đạp bắp cải bả đều mang vớ trắng, chúng tôi hồi đi lính đã từng thao diễn với Hoàng thúc Albrecht của hoàng đế Áo, Albrecht là cái ông răng hô đấy, và hoàng đế đã phong cho cái người đã thu xếp ăn ở cho Hoàng thúc Albrecht và ông ta, người đó tên là Kolář, hoàng đế đã phong cho Kolář làm quý tộc vì lòng hiếu khách của hắn, và cái tên Nam tước Kolář này biết ơn tới mức hắn dựng một tượng đài tôn vinh hoàng đế ngay trước nhà hắn, có một hôm mẹ tôi với tôi đi lấy củi, đám lính tráng đang bận bịu với đàn ngựa hoặc đang ăn đồ hộp, và mẹ con tôi đã đẩy về hai xe cút kít đầy củi và hai bó cỏ cho con bò cái ở nhà, con bò nhà tôi trông du côn vậy chứ đã đẻ được mười lăm con bê rồi, cả khu phố tới nhà tôi mua sữa và khi con bò cái đó chết thì cả khu phố thương tiếc nó, nhưng nó để lại con bê cuối cùng và chúng tôi đưa con bê này vào nhà cho nó bú bình, sáng nào con bê ấy cũng vào buồng liếm mặt chúng tôi, anh Adolf của tôi hay nói là con bò tới cạo râu cho anh em tôi, rồi khi con bê đó lớn lên thành con bò cái ông già Zpurný nói từ lúc mới đẻ tới giờ ổng chưa từng thấy con bò nào đẹp như con này, chỉ có một vấn đề duy nhất là con bò này mà nhìn thấy xe lửa hay thậm chí xe đạp là nó cáu tiết lên, cho nên chúng tôi phải gắn cho nó hai miếng che mắt, suốt cả ngàn năm nay Giáo hội cứ ta thán cằn nhằn bảo người Tiệp chúng ta phải kiềm nén ham muốn lại, nhưng làm sao mà hạn chế được trong một nước mà mọi người dân đều hưởng ứng làm theo cuốn sách của Batista dạy cách bảo toàn hạnh phúc hôn nhân, trong đó nói là bất cứ lúc nào một người đàn ông nhìn thấy một phụ nữ đẹp thì anh ta luôn ớn lạnh dọc sống lưng và ý nghĩ đầu tiên của anh ta là làm sao chiếm hữu cô ta, như nhà thơ Bondy đã nói, đưa nàng từ chiều thẳng đứng sang chiều nằm ngang, […]

[1] Thống tướng Bernard Montgomery (1887-1976), tướng lĩnh quân đội Anh nổi tiếng vì đã đánh bại lực lượng Afrikakorps của Đức Quốc xã ở Bắc Phi năm 1942. [Các chú thích của người dịch.]

[2] Maria Theresia (1717-1780), nữ hoàng đế duy nhất và là người cai trị cuối cùng của Đế chế Áo. Bà trị vì trên ngai vàng Đế chế Áo suốt 40 năm.

[3] Nhắc đến chuyện tình giữa Hoàng đế Franz Josef (1830–1916) và nữ diễn viên Katharina Schratt (1853-1940).

[4] Horthy Miklós (1868-1957), đô đốc hải quân và chính khách Hungary, sau trở thành Nhiếp chính của Vương quốc Hungary từ 1920 đến 1944.

[5] Nhắc đến chuyện Nữ nam tước Marie Alexandrine von Vetsera (1871-1889), tình nhân của Hoàng thái tử Áo Rudolf Franz Karl Joseph (1858-1889). Người ta tìm thấy Vetsera và Rudolf chết trong lều săn của Rudolf, có vẻ như một vụ cam kết cùng tự sát vì tình.

[6] Hugo Schenk (1849-1884), một người Áo là kẻ giết người hàng loạt với sự trợ giúp của đồng loã Karl Šlosarek (1858-1884).

Chấm sao chút:

Đã có 1 người chấm, trung bình 4 sao.

Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3

Người góp chữ

Đăng Thư

Đăng Thư là một bút danh dịch thuật của Trần Đức Tài, sống ở Đà Lạt, có dịch phẩm đầu tay xuất bản từ 1988 và vẫn tiếp tục dịch lai rai.

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*