Bàn tròn về văn học Trung-Đông Âu

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi
Thời gian đọc: 28 phút

(Bài viết thuộc Zzz Review số 6, 31-7-2019)

Văn bản sau đây là phần được chép lại từ cuộc thảo luận về văn học Trung-Đông Âu do tạp chí Zzz Review tổ chức, diễn ra vào ngày 26/6/2019. Cuộc nói chuyện được nhà văn, dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng thực hiện với sự đồng hành của Quân Khuê, dịch giả, độc giả chuyên nghiệp, và Đào Lê Na, giảng viên đại học ngành văn chương.

 

Quân Khuê (QK): Chúng ta bàn về văn chương Trung-Đông Âu, vậy chúng ta có nên ấn định một số quy tắc nền tảng nào đó không? Hôm qua nhìn lại, tôi thấy rằng Áo chẳng hạn thuộc Trung Âu, nhưng tôi nghĩ Áo khác biệt với phần còn lại của Đông Âu và Trung Âu, vì lý do ngôn ngữ. Áo rất gần với Đức, các nhà văn Áo chủ yếu viết bằng tiếng Đức, và tác phẩm của họ mainstream hơn. Dùng từ mainstream cũng không đúng lắm, nhưng tôi nghĩ văn chương của nhà văn Áo có rất nhiều cái chung với nhà văn Đức. Chẳng hạn như Thomas Bernhard hay Elfriede Jelinek. Cả hai người này rất đặc sắc, nhưng họ có giống như các nhà văn Đông Âu không?

Trần Tiễn Cao Đăng (TTCD): Một câu hỏi cơ bản: Những nước nào là Trung-Đông Âu? Trước hết, chúng ta xét phương diện địa lý. Tham khảo Wikipedia, ta biết rằng ngay các học giả, các nhà chuyên môn Âu Mỹ cũng không thống nhất được đâu là Trung Âu đâu là Đông Âu. Nói cách khác, không có một tiêu chí duy nhất, tối thượng, không thể tranh cãi nào để phân định Trung Âu và Đông Âu. Xét về mặt thuần túy địa lý thì Đức cũng là Trung Âu. Nhưng nếu ta xét thêm trên phương diện văn hóa, cụ thể là văn chương, thì Đức có nằm trong Trung Âu hay không? Đây là một chuyện phải bàn, không phải chuyện đương nhiên. Một trong các tiêu chí để phân biệt Đông Âu và Trung Âu với phần còn lại của châu Âu là dựa trên chính trị. Nhưng dựa trên chính trị thì cũng không đơn giản, như Quân Khuê đã nói, nước Áo chưa từng trải qua chủ nghĩa cộng sản như các nước còn lại trong khu vực này. Mặt khác, Áo là một phần của Trung Âu. Rồi thì, một tiêu chí khác coi những nước từng là lãnh thổ của vương triều Habsburg là Trung-Đông Âu, tuy nhiên nói vậy thì cần phải xem lại lịch sử từng nước ở khu vực này. Nếu anh chọn tiêu chí đó thì hóa ra, có một số nước tuy về địa lý thuộc Đông Âu nhưng lại “không nằm trong Đông Âu”, ví dụ như Bulgaria hay Albania. Các nước này từng là thuộc địa của đế chế Ottoman, tức Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay, chứ chưa từng là lãnh thổ của vương triều Habsburg. Nhưng trên thực tế, anh không thể loại Bulgaria hay Albania ra khỏi Đông Âu được. Một cách phân chia khác là dựa trên tôn giáo, nhưng cách này cũng không ổn. Nếu anh nói các nước Công giáo và Tin lành là thuộc Tây Âu còn các nước Chính thống giáo thuộc Đông Âu, anh vẫn bỏ sót nhiều nước khác. Chỉ cần thực hiện một động tác đơn giản là tra cứu Wikipedia, anh sẽ thấy cách phân chia này bất cập. Ví dụ: Ba Lan là nước Công giáo, Tiệp là nước Công giáo và Tin lành, còn Albania và Bosnia-Herzegovina là nước Hồi giáo. Thực tại Trung-Đông Âu phức tạp hơn nhiều so với những cách phân chia trên. Đó là là ta chưa kể trường hợp các nước Đông Âu nay độc lập nhưng trước kia nằm trong Liên bang Xô viết (Ukraina, Belarus, Moldova, Gruzia hay Georgia, Armenia, v.v.) Họ có phải là Đông Âu không? Giới thể thao (cúp UEFA), âm nhạc (Eurovision) có bao gồm các nước này, vậy có lý do gì để giới văn chương loại trừ họ ra? Tuy nhiên, để cho đỡ phức tạp thêm vấn đề, tạm thời chúng ta chỉ tính đến các nước Đông Âu là thành viên khối Hiệp ước Warszawa cũ cộng thêm Nam Tư. Nói gọn, tôi đề nghị chúng ta áp dụng cách phân chia đơn giản và quy ước nhất: theo phương diện địa lý.

QK: Thế, nếu dựa theo bản đồ gợi ý của ban biên tập tạp chí Zzz Review, thì Trung-Đông Âu trong câu chuyện của chúng ta là Đông Âu cộng với Áo phải không?

TTCD: Đúng. Đông Âu cộng với Áo.

c490c3b4ng-vc3a0-trung-c382u-_

Đào Lê Na (DLN): Nếu vậy, ý tưởng chính của chúng ta sẽ là về cái gì? Có phải về một điểm chung nào đó giữa Đông Âu cộng với Áo?

TTCD: Phải, chúng ta thử tìm một điểm chung giữa các đất nước này. Tại sao cần kể cả Áo? Bởi vì khá nhiều nước Đông Âu từng là một phần của đế quốc Áo-Hung, và các nước này gắn bó sâu sắc với nước Áo về lịch sử, văn hóa, v.v. Đó là lý do để, cho mục đích của số tạp chí Zzz Review này, chúng ta không loại trừ Áo. Chẳng hạn, ta nói đến Franz Kafka. Ông ấy sinh ra và sống cả đời ở Praha song không phải người Tiệp. Ông là người Do Thái, sống tại Praha mà vào thời đó là một phần của đế quốc Áo-Hung, và ông viết bằng tiếng Đức. Kafka là người nước nào là vấn đề gây tranh cãi. Người Tiệp có thể nhận Kafka là người của mình, người Do Thái cũng có thể tự hào ông ấy là “nhà văn của chúng tôi”. Mặt khác, văn học Đức ngữ (Đức, Áo, Thụy Sĩ) có thể giành ông ấy về mình bởi ông ấy viết bằng tiếng Đức. Chúng ta không loại trừ Áo bởi nước Áo gắn chặt với nhiều nước Đông Âu. Nhưng câu hỏi nền tảng hơn là: Có điểm chung nào giữa các nước Trung-Đông Âu hay không?

QK: Có lẽ chúng ta hãy nói đến một số tác giả và tác phẩm cụ thể của khu vực này, từ đó thử suy ra điểm chung nào đó giữa họ.

TTCD: Đồng ý. Chẳng hạn như Lê Na, bạn đã đọc những cuốn nào của nhà văn Trung-Đông Âu?

DLN: Tôi có đọc tác phẩm của Hamvas Béla, ông này thì tôi nhớ rõ vì ông ấy là triết gia, ông viết triết một cách rất giàu văn chương, chứ không phải triết khô cứng. Tôi thích ông đó. Tôi cũng thích Lữ khách và cõi trăng [của Szerb Antal], nó có nhiều hình ảnh, có câu chuyện về những người đi khám phá bản thể mình, có những liên kết, có những câu chuyện kể về tâm linh, tìm thấy ý nghĩa của cái chết.

TTCD: Gần đây có một nhà văn rất quan trọng của văn chương Đông Âu là Krasznahorkai László được dịch ra tiếng Việt, là Chiến tranh và chiến tranh. Cuốn ấy không phải về chiến tranh theo nghĩa đen. Ông không viết về như Thế chiến thứ hai chẳng hạn, mà về chiến tranh theo nghĩa trừu tượng, phổ quát. Theo tôi, đó là một trong số những cuốn hay nhất trong văn chương thế giới mà tôi được đọc, trong những năm gần đây. Krasznahorkai László đang ngày càng nổi tiếng trên thế giới, có nhiều khả năng trong những năm tới ông sẽ đạt giải Nobel. Trên một số diễn đàn văn chương nước ngoài, ông ấy được đánh giá là “Nobel caliber” tức là đúng tầm của nhà văn đoạt giải Nobel.

chien-tranh-va-chien-tranh
Bìa bản dịch tiếng Việt của Nhã Nam.

QK: Khoảng năm 2013-2014, tôi tập trung đọc khá nhiều các tác giả Trung-Đông Âu. Tôi đọc Lữ khách và cõi trăng vào giai đoạn đó. Trước khi cuốn ấy được dịch, tôi đọc bằng tiếng Anh. Trong số những cuốn mà anh Cao Đăng ấn tượng nhất, thì rất tiếc, tôi vẫn chưa đọc Chiến tranh và chiến tranh. Anh Cao Đăng quảng cáo cuốn ấy từ lâu lắm rồi, nhưng cần phải có một tâm thế nhất định mới đọc được.

TTCD: Đúng. Cần có tâm thế.

QK: Tôi có đọc vài cuốn của Bohumil Hrabal, Too Loud a Solitude, I Served the King of England. Tôi rất thích I Served the King of England bởi cái chất humour của tác giả, rất nhẹ nhàng, làm tôi nhớ tới Italo Calvino khi ông viết về sáu phẩm chất cần có của văn chương. Đây là một cuốn minh họa cho chữ “lightness” (nhẹ nhõm, hài hước) của Calvino. Tác phẩm đã dịch sang tiếng Việt thì gần đây tôi đọc Cánh cửa của Szabó Magda và Khi loài vật lên ngôi của Karel Čapek. Ông Čapek này phải nói là đỉnh, đặc biệt là Khi loài vật lên ngôi. Thomas Bernhard có hai cuốn dịch ra tiếng Việt rồi thì tôi chưa đọc. Tôi có đọc hai cuốn khác bằng tiếng Anh. Tôi cũng rất thích ông nhưng tôi thấy ông có nét gì đó của ông László…

TTCD: Krasznahorkai László (cười), đúng là tên khó viết, khó nhớ.

QK: Khi mình dành thời gian cho ông thì mình mới thấu hiểu ổng, có những cuốn sách không thể đọc nhanh được.

TTCD: Một tin vui cho các bạn, theo tôi biết, sắp tới sẽ có một loạt tiểu thuyết của Hrabal được dịch ở Việt Nam, trong đó có cuốn mà Quân Khuê vừa kể, Too Loud a Solitude.

QK: Anh Trần Đức Tài dịch là quá ồn một nỗi cô đơn.

TTCD: Ông này là một nhà văn đỉnh của văn học Đông Âu.

QK: Ông này có ưu điểm là sách của ông không quá dày.

TTCD: Đúng vậy, dày quá cũng là một thách thức lớn. Văn của ông hóm hỉnh và nhẹ nhàng nhưng đọc tới đâu đau tới đó, nhưng bản thân văn của ông rất nhẹ nhàng hóm hỉnh, hài hước đen. Không nghi ngờ gì, ông là một trong những cây bút hàng đầu của văn chương châu Âu. Không chỉ riêng Đông Âu mà là châu Âu. Cũng tốt là ông sắp được dịch sang tiếng Việt, chứ nếu không, có được mấy người như anh em ta, chịu khó tìm đọc bản tiếng Anh.

QK: Dịch ra tiếng Việt thì cũng chẳng bao nhiêu người đọc.

TTCD: Chính xác. Được dịch xong cũng không có bao nhiêu người đọc.

QK: Cuốn Lữ khách và cõi trăng lúc mới ra, tôi nói với chị Ngọc của Sao Bắc là tôi đọc rồi thì chị ấy ngạc nhiên. Vì rất là tình cờ, hồi đấy tôi đang quan tâm đến văn học của Hung, đi mua sách cũ lại vớ được ông này.

DLN: Tôi muốn hỏi cảm giác của anh sau khi đọc cuốn đó, mặc dù anh nói không nhớ nhiều lắm về nội dung, nhưng cái cảm giác tìm ra một viên ngọc thì anh có thấy có gì đặc biệt về thời điểm giữa mình với tác phẩm văn chương đó không?

QK: Có chứ. Không riêng gì cuốn này, mà nói chung, để mình và một cuốn sách gặp nhau thì phải có cái duyên nào đó. Về mặt vật lý, nó rơi vào tay mình. Về mặt tinh thần, mình tiếp nhận được nó. Không phải lúc nào mình cũng rơi vào tình trạng có thể tiếp nhận được, dù đó là kiệt tác tinh hoa.

JourneybyMoonlight_2048x2048
Bìa bản dịch tiếng Anh Lữ khách và cõi trăng của New York Review Books.

 

DLN: Tôi cũng muốn chia sẻ là tôi thích Lữ khách và cõi trăng hơn Kinh cầu những đứa trẻ chưa ra đời. Lý do là nó cũng rơi đúng vào thời điểm tôi đang quan tâm vấn đề về đi tìm ký ức. Trong cuốn đó thì nó cũng nói về vấn đề này: đi tìm ký ức, đi tìm bản ngã, đi tìm bản thân mình. Giống như thể có duyên, tình cờ mình đang quan tâm đến vấn đề đó thì mình tìm thấy cuốn này, nó cũng nói những vấn đề mà mình quan tâm, về ký ức, về thân phận con người. Đây là điều khiến tôi thấy cuốn này hấp dẫn hơn Kinh cầu những đứa trẻ chưa ra đời. Nhưng biết đâu mười năm sau mình lại thích cuốn của Kertész hơn.

QK: Nói tới Đông Âu thì tôi nghĩ có mấy nước lớn: Hung, Ba Lan, Tiệp. Những nước còn lại có vẻ không có quá nhiều tên tuổi. Có vài nhân vật đáng kể, nhưng không đông đảo đến mức ta nhìn thấy cả một nền văn chương. Albania chẳng hạn, không biết làm thế nào lại xuất hiện Ismail Kadare. Ông là một tên tuổi lớn, nhưng mình không hình dung được ông ở đâu ra, ông đứng trên vai người khổng lồ nào.

TTCD: Romania có một số nhân vật đặc sắc. Chẳng hạn như các nhà văn và nhà tư tưởng lớn lưu vong sang Tây Âu như Mircea Eliade, Emil Cioran, Paul Celan, Eugène Ionesco. Tuy nhiên, đúng như Quân Khuê nói, có thể nói những nền văn học mạnh nhất trong khu vực này là Hung, Tiệp, Ba Lan. Nói về văn chương Tiệp, không thể không nhắc tới một tác phẩm lớn mà đến giờ vẫn chưa được dịch ra tiếng Việt, là Vận mệnh người lính tốt Švejk trong Đại chiến thế giới của Jaroslav Hašek.

DLN: Tôi rất thích Khi loài vật lên ngôi của Karel Čapek.

TTCD: Ngoài Khi loài vật lên ngôi, còn có Hoa cúc xanhR.U.R. của Karel Čapek gần đây được dịch ra tiếng Việt cũng rất đáng đọc. Phải nói là cần cám ơn nhà làm sách đã chịu khó tìm những tác giả lớn.

QK: Những năm gần đây, sự xuất hiện của một số nhà làm sách mới đã làm đa dạng thêm thị trường văn học dịch.

TTCD: Nhìn qua danh sách này, ta có thể thấy dần dần độc giả Việt đang được tiếp xúc với nhiều tác gia quan trọng của văn chương Trung-Đông Âu.

QK: Đúng, nhiều người được dịch rồi.

TTCD: Krasznahorkai László thì hẳn rồi. Thomas Bernhard cũng có rồi, Karel Čapek, có. Szabó Magda, có, hơi ít. Bohumil Hrabal, có, Márai Sándor, nhiều. Ông này, Ismail Kadare, chưa. Thật ra, Kadare có cuốn Viên tướng của đạo quân những người đã chết được dịch ra tiếng Việt, nhưng văn nghiệp của ông này lớn hơn như vậy nhiều.

QK: Ông này có tận mấy chục cuốn.

TTCD: Đúng rồi, tận mấy chục cuốn. Nên thành ra ông này coi là chưa được dịch thì đúng hơn. Nádas Péter, chưa. Ivan Klíma, có. Elfriede Jelinek, có. Jaroslav Hašek, chưa. Vị này, Bruno Jasieński, hình như chưa dịch.

QK: Tôi biết đúng cái cuốn dịch sang tiếng Anh là I Burn Paris. Nghe nói đây cũng là nhà văn rất lớn, nhưng bản dịch tiếng Anh thì mới có cuốn đó.

TTCD: Có một nhận xét khá phổ biến về văn chương Đông Âu. Rằng nhà văn Đông Âu thường viết về những con người nhỏ bé bị đặt vào trong hoàn cảnh éo le mà họ không thể thoát ra, vậy họ phải chấp nhận số phận và phải tìm cách dẫn dắt cuộc đời mình trong hoàn cảnh đấy. Tôi nghĩ điều đó đúng chứ không sai, trong một số tác phẩm, nổi bật nhất là Hrabal trong quá ồn một nỗi cô đơn, hay Vận mệnh người lính tốt Švejk trong Đại chiến thế giới của Jaroslav Hašek. Nhưng vấn đề là ở chỗ…

QK: Khó mà khái quát hóa được tất cả.

TTCD: Phải, tôi đang định nói điều đó. Bất kỳ mưu toan nào hòng khái quát hóa theo cách như vậy đều sẽ thất bại, vì đối tượng mình đang nói tới, văn chương Trung-Đông Âu, phong phú hơn vậy rất nhiều. Chỉ cần so sánh với những nhân vật trí thức/nghệ sĩ đầy ưu tư về tinh thần của Nádas Péter là rõ.

QK: Bản thân từng tác giả cũng không tự đóng mình trong khuôn mẫu.

TTCD: Chính xác. So sánh với trường hợp của văn học Mỹ La tinh là sẽ thấy ngay. Một số người hễ nói đến văn học Mỹ La tinh thì hầu như chỉ biết đến hiện thực huyền ảo của García Márquez, hơn một chút nữa thì biết Borges. Nhưng văn học Mỹ La tinh phong phú hơn như vậy rất nhiều.

QK: Nền văn học đã lớn thì nó phải phong phú.

TTCD: Đúng. Bên cạnh hiện thực huyền ảo, có những nhà văn trước sau như một kiên trì với chủ nghĩa hiện thực. Chẳng hạn như Mario Vargas-Llosa. Ông ấy từ đầu đến cuối kiên trì với hiện thực. Một người khác tương tự là Carlos Fuentes, một nhà văn lớn. Chúng ta không thể dùng cụm từ hiện thực huyền ảo để mô tả họ được. Clarice Lispector và Hilda Hilst của Brazil cũng là những tác gia mà anh không thể đơn giản dán nhãn một chủ nghĩa nào đó cụ thể. Các nhà văn thế hệ sau này càng như vậy. Roberto Bolaño, Horacio Castellanos Moya, César Aira, v.v. là những tác gia xuất sắc và đều xa lạ với hiện thực huyền ảo hoặc khó mà trói được vào duy chỉ một chiếc áo hiện thực huyền ảo. Cho nên, khi nói đến văn học Mỹ La tinh mà trong đầu anh chỉ nghĩ đến hiện thực huyền ảo thì tức là anh lầm rồi. Văn học Trung-Đông Âu cũng vậy.

QK: Tôi nghĩ thế này. Mình hãy tập trung vào Đông Âu, chỉ Đông Âu thôi. Nếu nhìn Đông Âu dưới giai đoạn chủ nghĩa cộng sản thì mình có thể thấy được một số điểm chung của thời điểm đó, của giai đoạn đó. Có phải hầu hết những tác giả mình nói ở đây có nhiều tác phẩm không thể được lưu hành vào thời đó?

TTCD: Một số. Bây giờ nếu như mình nói về thời kỳ cộng sản thì mình phải loại ra một số tác giả. Ví dụ như Kafka mình không tính, Čapek mình không tính, Bruno Schulz mình không tính, vì họ đều mất trước thời cộng sản. Márai Sándor mất năm 1989 nhưng rời Hung từ năm 1948. Witold Gombrowicz cũng gần như vậy; tuy ông mất vào thập niên 1960 nhưng ông lưu vong một thời gian dài ở Argentina và về cơ bản ông không sống dưới chế độ cộng sản. Nếu chỉ kể các nhà văn Đông Âu sống dưới thời xã hội chủ nghĩa thì đúng là họ có mẫu số chung.

QK: Đúng, một số điểm chung. Có những điều họ viết ra mà giới cầm quyền thời đó không hài lòng. Ismail Kadare là một trường hợp như vậy.

TTCD: OK, hoặc Milan Kundera, Bohumil Hrabal. Hrabal là một trường hợp thú vị. Có vài tác phẩm ông phải xuất bản qua đường underground bởi vì không nhà xuất bản nào của nhà nước in cả. Mặt khác, có một thời điểm ông phải chấp nhận thỏa hiệp với chính quyền. Ông phải viết một bài phát biểu với đại ý là công nhận chủ nghĩa xã hội. Do việc đó mà ông bị một số nhà văn và bạn hữu trách móc nhưng chính quyền thì có phần nới lỏng, cho phép ông in. Đó là lựa chọn của Hrabal, nhưng người khác như Kundera thì chọn cách lưu vong.

Một nhà văn đáng chú ý khác là Ismail Kadare. Tác phẩm tôi định nói tới tiếc là chưa được dịch ra tiếng Việt. Đó là Cung điện những giấc mơ, bản tiếng Anh là The Palace of Dreams. Tác giả viết về một đất nước không được kể tên vào thời Trung cổ hay gì đó. Ở đất nước ấy có một cơ quan chuyên kiểm duyệt các giấc mơ. Trong cơ quan đó có những chuyên viên có khả năng biết được trong dân chúng ai đang mơ cái gì, thu thập các giấc mơ đó, phân tích chúng, mổ xẻ chúng, nhằm qua đó phát hiện ra “giấc mơ chủ” có khả năng gây họa đến tương lai của hoàng đế và vương triều đương vị.

QK: Quá hay. Nó rất gần với 1984.

TTCD: Nếu có một cái gì thú vị trong văn học Đông Âu, thì đó là, ở Tiệp vào thời điểm trước Thế chiến thứ hai, lại có đến hai người cùng viết theo kiểu có tính chất tiên báo hoặc có tầm viễn kiến về tương lai của nhân loại. Thứ nhất là Kafka qua Lâu Đài. Người thứ hai là Karel Čapek.

QK: Khi loài vật lên ngôi.

khi-loai-vat
Bìa bản dịch tiếng Việt của Tao Đàn.

 

TTCD: Mình lấy làm thú vị là hai ông này ở cùng thế hệ. Franz Kafka và Karel Čapek. Cái mình quan sát được là: Kafka sinh năm 1883, cùng một thế hệ với James Joyce và Marcel Proust. Cùng thời điểm đó, James Joyce và Marcel Proust ở Anh và Pháp lại phát triển theo con đường khác hẳn, đi tìm sự cách tân trong bản thân nghệ thuật kể chuyện, nghệ thuật tiểu thuyết. Nói một cách nôm na là con đường “nghệ thuật vị nghệ thuật”. Trong khi đó ở Đông Âu, hai nhà văn cùng thế hệ ở Tiệp mà lúc đó là một phần của Đế quốc Áo-Hung là Kafka và Karel Čapek. Hai ông này, nếu mình đọc kỹ, đặc biệt là Kafka, thì mối quan tâm chủ yếu của họ không phải là cách tân nghệ thuật tiểu thuyết. Mặc dù ông viết theo một cách hoàn toàn của riêng ổng, đó là do tài năng nội tại của ổng. Thật ra với Kafka thì động lực chính khi viết không phải là tìm giọng điệu tiểu thuyết hoặc cách tân nghệ thuật, mà ông quan tâm nhiều hơn đến những vấn đề lớn của sự tồn tại. Từ mối quan tâm đó mà mới có những câu chuyện.

QK: Nội dung quyết định hình thức.

TTCD: Chính xác. Theo nghĩa nào đó là nội dung quyết định hình thức hoặc theo nghĩa nào đó là vị nhân sinh mà không phải vị nghệ thuật.

QK: Không thật sự quan tâm đến hình thức.

TTCD: Karel Čapek cũng vậy. Khi Karel Čapek viết những cuốn như Khi loài vật lên ngôi

QK: Nhìn lại ta thấy cách viết của Karel Čapek quá hiện đại.

TTCD: Chính xác. Qua đó ta thấy những nhân vật như Kafka hoặc Čapek là những nhà văn đích thực như thế nào. Bởi vì cái họ quan tâm đầu tiên không phải là bản thân nghệ thuật tiểu thuyết hay hình thức; cái họ quan tâm đầu tiên là vấn đề. Bởi vì bản thân họ là nhà văn lớn cho nên họ đủ tài năng để tạo ra hình thức phù hợp cho nội dung đó. Nói vậy dĩ nhiên không có nghĩa rằng Joyce hay Proust không có nội dung. Câu chuyện không thô thiển như vậy. Nói gì thì nói, nội dung và hình thức là hai mặt của cùng một thực thể.

DLN: Mình chọn cách viết làm sao để nói lên được cái mình muốn nói và để người đọc tiếp cận một cách sâu sắc. Nó đa nghĩa đa tầng, với những biểu tượng, những ẩn dụ, những nghĩa ngầm, khác với cách nói trực diện của báo chí. Nhà văn lớn thì, thì dù chú trọng hơn đến nội dung, người ta vẫn nghĩ đến hình thức tối ưu để chuyển được ý nghĩa. Ở phía ngược lại, hình thức mới mẻ kia cần một nội dung tương thích với nó.

TTCD: Đúng, hai cái đó phải đầy như nhau thì mới thành một chỉnh thể hoàn hảo được. Trở lại với Kafka và Čapek, Joyce và Proust. Về phương diện đồng đại, các nhà văn này thuộc cùng một thế hệ nhưng hai ông kia ở Tây Âu thì đi con đường này, còn hai ông này ở Đông Âu thì đi theo con đường…

DLN: Vị nhân sinh nhiều hơn.

TTCD: Vị nhân sinh nhiều hơn. Đây là một quan sát chứ không phải kết luận.

DLN: Thật ra cũng không nên kết luận.

TTCD: Không nên kết luận. Bởi vì, bên cạnh đó, ở nước Ba Lan thời trước Thế chiến thứ hai lại có Witold Gombrowicz với Ferdydurke, một cuốn tiểu thuyết khó lòng có thể phân định rạch ròi là “vị nhân sinh” hay “vị nghệ thuật”. Mặt khác, ở Tây Âu, nếu đã có James Joyce và Marcel Proust đặt trọng tâm vào hình thức kể chuyện thì cũng có Thomas Mann và Hermann Hesse bền bỉ viết về những vấn đề lớn của nhân sinh.

Gallimard
Bìa bản dịch tiếng Pháp tác phẩm Cosmos của Witold Gombrowicz, Gallimard xuất bản.

 

QK: Những điều vừa nói trên đây khiến ta chắc phải quay lại một câu hỏi của anh Đăng hồi nãy. Đâu là sự khác biệt mấu chốt giữa nhà văn Trung-Đông Âu và nhà văn ở Tây Âu?

TTCD: Tôi có một quan sát. Xin nhấn mạnh rằng ở đây chỉ là quan sát, còn từ đấy suy ra gì thì sẽ biết sau. Đấy là: khi nói “Tây Âu”, ta không thể dễ dàng đơn giản quy nó thành một khối đơn nhất, mà phải nhớ rằng nó gồm nhiều nước khác nhau. Tuy nhiên, mặc tất cả những khác biệt, các nước Tây Âu có một mẫu số chung – và điều đó đơn giản và hiển nhiên cho nên cần được nhắc đầu tiên – đó là, từ sau Thế chiến thứ hai, các nước Tây Âu không trải qua giai đoạn chủ nghĩa cộng sản. Do vậy, trong thời hậu chiến, nhìn chung Tây Âu có thời gian và cơ hội để phát triển về kinh tế, về xã hội, về văn hóa. Đời sống được nâng cao và do đó, như một hệ quả tất yếu, Tây Âu bước vào thời kỳ hậu công nghiệp, thời của chủ nghĩa tiêu thụ. Trong khi đó Đông Âu có một con đường khác hẳn, họ bị hạn chế nhiều mặt, bị bóp nghẹt và kìm nén bởi chủ nghĩa cộng sản mãi cho đến cuối thế kỷ 20. Vào khoảng năm 1990-91 họ mới thoát ra khỏi kìm kẹp ấy, mới bắt đầu chạy đua để theo kịp Tây Âu trước hết là về mặt kinh tế, sau đó về các phương diện khác. Vậy nên Đông Âu theo nghĩa này thì giống Việt Nam ở chỗ: họ không có nhiều thời gian. Họ không có cái diễm phúc được hưởng chủ nghĩa tiêu thụ từ bao lâu nay như Tây Âu. Tôi nghĩ đó có lẽ là một phần – một phần thôi – lý do khiến tôi thích đọc văn chương Đông Âu hiện đại. Người khác thì không biết, nhưng riêng tôi, tôi đọc khá nhiều văn chương hiện đại của thế giới, nhưng khó có khu vực nào cho tôi cảm giác bị cuốn hút như Đông Âu. Vì có lẽ hình như…

QK: Vì chúng ta có những câu chuyện tương tự của họ nên dễ đồng cảm được. Có sự gần gũi.

TTCD: Chính xác. Dĩ nhiên mình không thể tránh khỏi chủ quan trong những nhận định của mình nhưng đây mình không ngại nói ra. Tức là các nhà văn Tây Âu hiện đại nhìn chung không khiến được mình cảm thấy đồng cảm với họ. Mình khó đồng cảm với các nhà văn Tây Âu nói chung – trừ vài ngoại lệ, đặc biệt là José Saramago.

QK: Mình cũng thấy cái hay của họ và mình tận hưởng cái hay của họ nhưng cái sự đồng cảm về tâm hồn thì mình lại không có.

TTCD: Đúng, đặc biệt với một số trường hợp các nhà văn Tây Âu hiện đại được đánh giá cao ví dụ như Michel Houellebecq, nói thẳng ra mình không thể đồng cảm với ông này vì những mối quan tâm của một nhà văn như Houellebecq là mối quan tâm của một người Tây Âu da trắng điển hình. Nó quá điển hình cho một Tây Âu thừa mứa tự do, thừa mứa tiêu thụ. Chỉ có Tây Âu mới đẻ ra được một nhà văn như Houellebecq. Nhà văn như Houellebecq không thể sinh ra từ Đông Âu được. Nhưng Đông Âu sinh ra những nhà văn như Krasznahorkai László.

Các nhà văn Đông Âu cho ta nhiều đồng cảm hơn bởi vì họ, về cơ bản, cận nhân sinh hơn. Đặc biệt là những người nãy giờ chúng ta nhắc tên: Bohumil Hrabal là một tác giả mà tôi cảm thấy thân thiết vô cùng bởi vì những câu chuyện của ông là về con người, đi sâu vào con người, con người phổ quát chứ không phải con người ở phương Tây hậu công nghiệp. Con người trong tác phẩm của Houellebecq là con người phương Tây hậu công nghiệp chứ không phải con người phổ quát. Còn khi ta đọc Bohumil Hrabal, Krasznahorkai László, ta thấy ở đó con người phổ quát.

QK: Ngôn ngữ thì sao? Khi anh viết bằng một ngôn ngữ lớn Anh, Pháp, Đức, thì hẳn họ có gì đó khác những người còn lại. Tôi nghĩ, khi họ viết bằng ngôn ngữ lớn, họ viết ra cho một cộng đồng người đọc lớn, họ sẽ được nhiều người biết hơn so với khi viết bằng tiếng Ba Lan hay tiếng Tiệp.

TTCD: Theo tôi biết, các nhà văn Đông Âu được dịch qua tiếng Đức rất nhiều bởi vì, như đã nói trên đây, một số nước Đông Âu, đặc biệt là Tiệp và Hungary ngày xưa là một phần của đế quốc Áo-Hung. Do đó, ở Đông Âu, đặc biệt là Tiệp và Hung, tiếng Đức vẫn là một ngôn ngữ phổ biến.

QK: Họ viết bằng ngôn ngữ đó? Họ có viết bằng ngôn ngữ phổ biến hơn không?

TTCD: Không, họ viết bằng tiếng mẹ đẻ của họ. Quân Khuê nói rõ hơn ý của mình được không?

QK: Ý tôi là trong trường hợp những người viết bằng ngôn ngữ ít phổ biến hơn, điều đó có làm nên sự khác biệt của họ không, so với những người viết bằng ngôn ngữ lớn?

TTCD: Hẳn là có. Người đọc ở nhiều nước khác – những nước mà tiếng mẹ đẻ không phải Pháp/Đức/Anh… – sẽ khó có cơ hội tiếp xúc với tác phẩm của nhà văn Tiệp/Hung/Ba Lan… mà không qua ngôn ngữ trung gian. Đơn giản là, ở nhiều nước, không có nhiều người biết các thứ tiếng đó. Muốn dịch văn của tác giả Đông Âu, người ta không có cách nào khác ngoài đi đường vòng, sử dụng bản dịch Pháp/Đức/Anh…, nghĩa là phải qua một lăng kính chẳng có gì bảo đảm là thực sự trung thực và khách quan. Xét theo khía cạnh này, Việt Nam may mắn hơn. Việt Nam có chung quá khứ cộng sản với các nước Đông Âu, thành ra có một số người từng sống ở Đông Âu – Ba Lan, Tiệp, Hung… – hiện nay sống hẳn ở đấy, và nếu họ chọn con đường dịch văn chương, họ có thể dịch từ bản gốc. Điển hình là Giáp Văn Chung, một dịch giả dịch khá nhiều của các nhà văn Hung. Đó là một trường hợp may mắn, do ngẫu nhiên lịch sử. Hồi nãy tôi nhắc tới tiếng Đức tại vì, do di sản lịch sử mà ở các nước Đông Âu, tiếng Đức tương đối phổ biến, ít nhất là ngang với tiếng Anh. Mặt khác, công chúng Đức và ngành xuất bản Đức cũng quan tâm đến các nước Đông Âu hơn. Nhiều nhà văn Đông Âu được dịch khá đầy đủ sang tiếng Đức, kế đó là tiếng Pháp. Chúng ta không nên quá cậy vào các nguồn Anh Mỹ bởi vì, so ra, văn chương Đông Âu được dịch sang tiếng Anh không nhiều. Điển hình là Krasznahorkai László, được dịch sang tiếng Anh đến lúc này chỉ vài cuốn thôi.

QK: Vài cuốn thôi đúng không anh?

TTCD: Khoảng 4-5 cuốn. Nhưng tác phẩm của ông ấy nhiều hơn vậy nhiều. Các cuốn ấy đều dịch qua tiếng Đức cả rồi theo tôi biết. Nền xuất bản Anh Mỹ đi sau nền xuất bản Pháp và Đức, đó là thực tế.

QK: Trường hợp một số cuốn của Ismail Kadare, rất là tiếc bản tiếng Anh cũng không được dịch từ tiếng Albania mà từ tiếng Pháp. Tôi nghĩ sự thất thoát khá nhiều.

TTCD: Trong trường hợp của Kadare, theo tôi biết, ta có thể tin cậy bản tiếng Pháp vì nó được chính tác giả bảo chứng. Đại ý là, các bạn có thể yên tâm dịch từ bản tiếng Pháp, coi như dịch từ bản gốc. Cũng như trường hợp Phạm Thị Hoài – theo tôi biết, bà ấy bảo rằng bản dịch tiếng Đức của cuốn Thiên sứ có thể coi như bản gốc.

QK: Thật sao?

TTCD: Thật, vì bà ấy biết tiếng Đức, nên bà ấy có thể đọc và sửa bản tiếng Đức. Bà ấy nói các nước khác có thể dịch từ bản Đức, coi như dịch từ bản gốc. Trường hợp Kadare cũng vậy, ông ấy bảo chứng các bản tiếng Pháp. Nhân đây tôi muốn hỏi, tác giả Đông Âu nào chưa được dịch mà nên được dịch? Nên được dịch nhiều hơn?

DLN: Hồi nãy anh có nói tới Bohumil Hrabal.

TTCD: Bohumil Hrabal thì như mình đã nói, bản dịch sắp ra rồi. Bruno Schulz là một tác giả rất nên được dịch. Vận mệnh người lính tốt Švejk trong Đại chiến thế giới của Jaroslav Hašek rất nên được dịch. Trong số này của Zzz Review có một đoạn trích của Bruno SchulzŠvejk. Herta Müller viết rất hay nhưng không thể dịch được. Bởi vì chống cộng (cười).

QK: Tôi quan tâm tới Szabó Magda.

TTCD: Szabó Magda thì Nhã Nam có dịch Cánh cửa.

QK: Mới chỉ Cánh cửa thôi, hy vọng sẽ được dịch thêm. Cánh cửa quá xuất sắc.

s
Bìa bản dịch tiếng Việt của Nhã Nam.

DLN: Olga Tokarczuk thì chưa được dịch lần nào đúng không anh?

TTCD: Zzz Review số này có trích dịch bà ấy. Thật ra, nhắc nói đến văn học Trung-Đông Âu, có điều này mình thấy nên nói tới, đó là theo nghĩa nào đó, thì một bộ phận người đọc Việt Nam và kể cả giới làm sách, vẫn có kiểu phân chia ra mainstream hay không mainstream, hay center và ngoại vi.

QK: Sự phân chia này rất rõ.

TTCD: Cái nhìn này rõ ràng là rập khuôn cách nhìn phương Tây, theo đó, khi nói đến văn chương, cũng như khi nói đến điện ảnh, âm nhạc, anh vẫn cứ nhìn sang Tây Âu nhiều hơn. Bởi vì anh có một cảm giác rằng trung tâm của văn chương là ở đấy. Còn nếu như anh nhìn sang Đông Âu, thì giống như anh đang… chiếu cố nhìn sang xem có tay nào đáng kể không? Chứ nếu không thì anh vẫn cứ nhìn sang Tây Âu nhiều hơn. Cái đó là cái mình nghĩ là câu chuyện của mình, mình nhìn sang Đông Âu để thấy rằng: sự phân chia mainstream hay không mainstream, hay trung tâm và ngoại vi thảy đều là giả tạo.

QK: Nhất là khi mình ở Việt Nam. Giống như một cái xó của thế giới (cười).

TTCD: Đúng rồi. Theo nghĩa nào đó thì câu chuyện lúc nãy ta vừa nói, tại sao mình thấy phần nào đồng cảm với văn chương Đông Âu, là chính vì cái vị thế ngoại vi. Đương nhiên Việt Nam là ngoại vi rồi, theo mọi nghĩa. Nhưng nếu xem xét khu vực châu Âu, thì Đông Âu vẫn bị cho là ngoại vi đấy chứ. Có lẽ chỉ khi nào hoàn toàn không còn những người Đông Âu nhập cư bất hợp pháp sang các nước giàu để làm call girl, vũ nữ thoát y, buôn lậu, v.v. thì Đông Âu mới có thể coi là thoát kiếp “ngoại vi”. Ta cứ hình dung một nhà văn trẻ từ một nước Đông Âu, khi cầm bản thảo mới toanh gửi cho một nhà xuất bản lớn ở Tây Âu, họ ít nhiều không tránh khỏi mặc cảm ngoại vi.

QK: Đấy chính là điều tôi định nói lúc nãy. Tôi muốn nói về ngôn ngữ, tạm gọi là ngôn ngữ thiểu số. Có thể họ có mặc cảm.

TTCD: Theo tôi hình dung, nhà văn Đông Âu có phần giống nhà văn Việt Nam ở chỗ họ có ít nhiều mặc cảm ngoại vi. Nhưng dù sao thì, vị thế của nhà văn Đông Âu vẫn đỡ hơn nhà văn Việt Nam. Dù sao đi nữa họ cũng từ châu Âu, nhất là nếu họ đến từ Tiệp và Hung.

QK: Những đất nước có một quá khứ huy hoàng.

TTCD: Như đã nói ở trên, trong vòng mấy chục năm cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, hai bộ phận tạo thành đế quốc Áo-Hung là Áo và Hung có vị thế ngang nhau. Wien và Budapest là hai thủ đô song song, do đó, Budapest vào thời đó cũng là một trung tâm văn hóa của châu Âu. Do đó ta thấy văn hóa nói chung của Hung, không chỉ văn chương, mà cả điện ảnh, âm nhạc… đều phát triển cao, bởi vì họ đã từng là một trung tâm văn hóa của châu Âu.

QK: Nếu kể trong Đông Âu, nhà văn từ những nước như Romania, Albania, Bulgaria… chắc sẽ có mặc cảm ngoại vi rõ hơn so với nhà văn Hung và Tiệp.

TTCD: Hung đã từng là trung tâm văn hóa châu Âu, còn Bulgaria là một nước ngoại vi. Bulgaria chưa từng là một trong các trung tâm văn hóa châu Âu. Mặc khác, suốt nhiều thế kỷ, nước này bị đế quốc Ottoman đô hộ. Trên nhiều phương diện, một nước như Bulgaria chẳng hạn lạc hậu so với các nước còn lại. Các nước Đông Âu đã cùng trải qua chủ nghĩa cộng sản, cùng đồng loạt thoát khỏi giai đoạn cộng sản ấy, cùng bước vào thời kỳ dân chủ, tuy nhiên, tùy theo di sản lịch sử mà hiện nay họ có số phận không giống nhau. Xét về mặt kinh tế, các nước ngày xưa đã từng là trung tâm, như Hung và Tiệp, cũng như Ba Lan, nay đang phát triển hơn so với các nước phía Nam như Bulgaria, Albania, Romania…

QK: Còn Nam Tư cũ?

TTCD: Nam Tư cũ thì thú thật tôi không nắm rõ bằng. Nhưng Nam Tư cũ có một số nhân vật lớn, ví dụ như Ivo Andrić, người đoạt giải Nobel. Thời kỳ hậu chiến, ở các nước Nam Tư cũ cũng xuất hiện một số nhân vật văn chương đáng kể, chẳng hạn như Milorad Pavić, tác giả của Từ điển Khazar mà tôi đã dịch. Còn nếu nói về thế hệ hậu cộng sản, có những nhân vật đáng chú ý như Dubravka Ugrešić, người Croatia. Một nhà văn khác là Zoran Živković cũng khá đặc sắc. Trong lớp nhà văn trẻ hơn, một người rất nổi bật là Saša Stanišić. Nhưng nhìn chung, theo tôi thấy, nếu nói về chủ lực của văn chương Đông Âu thì không nước nào qua được Hung và Tiệp. Hai nước này sản sinh ra những tên tuổi lớn. Ta nghe tiếng họ là một chuyện, khi ta đọc họ và thật sự bị thuyết phục là chuyện khác. Danh bất hư truyền. Ví dụ như Krasznahorkai László. Trước khi mình đọc ổng, mình đã theo dõi và đọc những gì người ta viết về ổng, các bài review về ổng, tất cả những tán tụng này nọ. Mình biết thế như biết một nguồn thông tin, bên cạnh đó mình giữ một sự hoài nghi nhất định. Nhưng thực sự đọc tác phẩm là một chuyện khác, và mình thực sự bị thuyết phục: Ông này lớn thật! Hay như Bohumil Hrabal, một bậc thầy đích thực của văn chương. Nhưng thật ra, không loại trừ khả năng là, có khi mình chưa biết được những cái tên đáng kể trong văn chương các nước khác đơn giản vì họ chưa được dịch. Chẳng hạn như Nhật là một nước tương đối gần với Việt Nam. Không thể nói là tôi không biết gì về văn chương Nhật. Tôi biết khá nhiều tác giả Nhật. Nhưng có một lần, tôi nghe một nhà văn Nhật sang nói chuyện. Người ta hỏi ông ấy: Theo ông có những nhà văn Nhật nào nên được dịch sang tiếng Việt? Điều thú vị là, ông ấy nêu những cái tên tôi chưa nghe bao giờ. Đơn giản là họ không được dịch sang tiếng Anh. Nghe tới đó, tôi nhận ra điểm yếu của mình là không giỏi tiếng Nhật, có chăng chỉ biết chút ít. Nếu tinh thông tiếng Nhật, đọc tốt các nguồn của Nhật thì hẳn tôi đã có thể biết tên những nhà văn này rồi. Đây là lần đầu tiên tôi nghe đến họ, nhưng ông nhà văn kia khẳng định đây là những tên tuổi lớn. Sau đó tôi tìm, và cũng may tìm thấy vài nguồn nói đến các tác giả đó. Từ đây mình thấy công việc dịch thuật nó quan trọng thật. Chẳng hạn như Serbia, rất có thể nước đó có những tác gia lớn mà chúng ta không biết đơn giản vì họ ít hoặc không được dịch, nhất là sang tiếng Anh. Hồi nãy tôi có nói, chúng ta đừng cậy quá nhiều vào các nguồn tiếng Anh. Bởi vì giới xuất bản Anh-Mỹ có cái nhìn vô cùng thiên kiến.

QK: Điều này làm tôi nghĩ đến chuyện, nếu một người nước ngoài muốn tìm hiểu về văn chương Việt Nam qua các bản dịch tiếng Anh, làm sao họ nhìn thấy được bức tranh toàn diện?

TTCD: Đúng. Cứ thử liệt kê các tác giả Việt Nam được dịch sang tiếng Anh, ta sẽ thấy bức tranh ấy thiên lệch như thế nào.

DLN: Đầu tiên là Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, rồi tác phẩm của Dương Thu Hương, Số đỏ.

TTCD: Phạm Thị Hoài. Nhưng Phạm Thị Hoài hình như không được dịch ra tiếng Anh. Tiếng Pháp, có, Đức, có, Ý, có. Vũ Trọng Phụng thì chỉ có một cuốn được dịch là Dumb luck (Số đỏ) thôi. Truyện Kiều.

QK: Họ sẽ không biết gì về Nguyễn Tuân.

TTCD: Hồ Anh Thái được dịch một số cuốn. Nguyễn Nhật Ánh thì có một cuốn được là Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ.

DLN: Nguyễn Ngọc Thuần được dịch cuốn Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ.

TTCD: Đấy là văn học Việt qua lăng kính của Âu-Mỹ.

QK: Nguyễn Huy Thiệp có được dịch vài truyện ngắn.

TTCD: Có Dương Thu Hương, tuy nhiên trong trường hợp bà ấy thì cần phải nói ngay, người ta dịch bà bởi họ quan tâm trước hết đến khía cạnh chính trị.

QK: Mặc dù văn bà hay. Nhưng lý do chính vẫn là chính trị. Rất là thiên lệch, đúng không? Và nếu như vậy thì nếu trước đây người ta không biết đến Nguyễn Tuân, hiện tại sẽ không biết đến Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Bình Phương…

DLN: Đúng rồi. Những cái tên sau đây sẽ không có: Nguyễn Tuân, Nam Cao, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Ngọc Tư, Phạm Thị Hoài.

QK: Bạn bè quốc tế có hỏi, tôi chỉ biết nói về Nỗi buồn chiến tranh (cười), quay đi quay lại vẫn là Nỗi buồn chiến tranh.

TTCD: Đó, vì thế, quay lại câu chuyện văn chương các nước Đông Âu, ta thấy một phần lớn vấn đề là do họ chưa được dịch, chưa được giới xuất bản Anh-Mỹ quan tâm tới. Nếu thử tìm các nguồn bằng tiếng Pháp, tiếng Đức… thì có lẽ chúng ta sẽ biết hơn một chút.

Chẳng hạn lúc nãy tôi có nói tới trường hợp Krasznahorkai László. Theo tôi tìm hiểu, tác phẩm của ông được dịch sang tiếng Đức có lẽ là hết rồi. Trong khi đó, giới xuất bản Anh-Mỹ chỉ mới dịch 4, 5 cuốn thôi. Hay Mircea Cărtărescu, một tác giả đương đại đáng kể của Romania. Ông này viết không ít, và biết sao không, người Đức dịch có lẽ gần hết của ông ta rồi! Phải công nhận rằng giới xuất bản Đức rất chịu khó, và rất quan tâm đến văn học Đông Âu. Có một sự liên hệ gần gũi cho nên họ chịu khó dịch. Theo tôi biết, Cărtărescu có một tiểu thuyết bộ ba kiệt xuất có nhan đề trong nguyên tác là Orbitor. Giới xuất bản Anh-Mỹ dịch và xuất bản cuốn đầu tiên trong bộ ba này cách đây nhiều năm (nhan đề tiếng Anh là Blinding) và đến giờ không có dấu hiệu gì là họ sẽ dịch tiếp hai cuốn còn lại. Trong khi đó ở Đức người ta đã dịch trọn vẹn ba cuốn của bộ ấy, và những cuốn khác nữa của tác gia này. Và không chỉ nhà văn Đông Âu mới được giới xuất bản Đức “ưu ái” như vậy. Đơn cử trường hợp Mahmoud Dowlatabadi, một trong những nhà văn hiện đại lớn của Iran, đã được dịch tới 6-7 cuốn ra tiếng Đức theo như tôi nhớ, còn dịch ra tiếng Anh thì mới vỏn vẹn 3 cuốn thôi. Người châu Âu dè bỉu người Mỹ là “insular” (tạm hiểu là “khép kín, cục bộ”) không phải là không có lý do.

DLN: Nãy giờ mình đã nói khá nhiều điều về văn chương Trung-Đông Âu. Giờ theo anh, nếu không kết luận, ta sẽ nói gì với độc giả?

TTCD: Một lần nữa, theo tôi chúng ta không nên bận tâm nhiều tới những kết luận nhằm khái quát hóa. Chi bằng, chúng ta hãy đơn giản cùng với độc giả tạp chí Zzz Review, với tâm trí rỗng rang, rộng mở, thưởng thức những tác phẩm đặc sắc được tuyển chọn, sản phẩm tinh thần của những con người thú vị và thâm sâu, mỗi người thú vị và thâm sâu theo cách của mình, mà số phận đã run rủi để sinh ra ở những đất nước gần nhau, được gộp chung lại dưới cái danh xưng rất chi tương đối và võ đoán là Trung-Đông Âu này.

Trần Tiễn Cao Đăng, Quân Khuê, Đào Lê Na

Chấm sao chút:

Đã có 2 người chấm, trung bình 5 sao.

Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3

Người góp chữ

Trần Tiễn Cao Đăng
Quân Khuê

Thích đi, thích uống, ghét đồ nhựa dùng một lần.

Đào Lê Na

Giảng viên đại học chuyên ngành nghệ thuật, nhà nghiên cứu văn học và điện ảnh.

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi

7 Comments on Bàn tròn về văn học Trung-Đông Âu

  1. Tôi cảm thấy cả một bầu trời văn học đang rộng mở và mời gọi sau khi đọc phần trao đổi này. Cảm ơn zzzreview nhiều!

  2. Phân tích quá hay, nhiều thông tin và nhận định hiếm, khó tìm thấy ở bất kì tài liệu nào

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*