
Số này có thể download toàn bộ dưới dạng file PDF to (52,6 MB), nhỏ (6,07 MB), epub (2,41 MB) hoặc kindle (5,9 MB) (lần này cái gì cũng nhỏ bé xinh xẻo, mỗi tội link bị lệch và có khuyến mãi vài trang trắng để lấy số đẹp).
Nhóm chủ trương: Zét Nguyễn, Y Lán
Phụ trách hình ảnh: Bơ
Thiết kế: Ụt Ịt
Biên tập: Liên Trịnh
Liên hệ: tapchi@zzzreview.com
Lời ngỏ
“Tứ nguyệt thị tối tàn nhẫn đích quý tiết.”
T. S. Eliot の The Waste Landで ございます。
Tháng Tư đến, cao cao tại thượng là chỉ số UV, đê đê tại hạ là tinh thần làm việc; quê với phố loa phường rộn rã, lốc với phây dân mạng thở than; tuy ngắn dài kỳ lễ khác nhau, song sale mạnh hàng nào cũng có. Kẻ có tiền dập dìu du hí, người mỏng lưng hội sách lượn chơi; ba chị em Gorgon Zzz chúng tôi thì miệt mài con mắt ngồi đây gấp rút nốt những dòng cuối hầu các bạn (ta nghe hè dậy bên lòng mà chân muốn đạp tan phòng, hè ôi – là lời của những người nhà không có máy lạnh).
Sự kiện lớn của tháng này tuy thế xin được bỏ phiếu cho không phải là Hội đem polymer đổi giấy hay sự trở lại của Victor Hugo trong lòng người hâm mộ, mà là sự giáng phàm của nhà văn năm nào cũng được phím giải Nobel mà mãi chưa thấy Mura Diêm Liên Khoa, tuy không hẳn vì cảm động trước tấm tình con dân Việt Nam cuối cùng cũng được yêu ông qua sách bìa cứng mà vì Bảo Ninh mà ông mê nức nở: “Giả sử bộ tiểu thuyết này không phải ra đời ở Việt Nam, thứ tiếng mẹ đẻ đã đem lại sinh mệnh cho tiểu thuyết này không phải là tiếng Việt mà là tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức,… không biết liệu nó sẽ được ngợi ca rầm rộ như thế nào trên thế giới?”
Trong buổi nói chuyện ở trường Nhân văn Tp. Hồ Chí Minh mà ai đó đã nhiệt tình up nguyên vẹn lên YouTube và theo thiển ý của chúng tôi là hay và chân thành hơn nhiều buổi giao lưu ngoài Hà Nội, Diêm lảo sư có nói, đại khái tôi không chỉ tự hào về Cao về Mạc mà về mọi nhà văn châu Á từng đoạt giải (Nobel), người dân Trung Quốc quá sùng bái Âu Mỹ, chúng ta cần tự hào về châu Á của chúng ta hơn, Trung Quốc cần đọc nhiều văn học của các nước xung quanh hơn. Đồng chí Diêm nói vậy chúng tôi rất tán thành; vậy trong số này là mười hai (trên tổng số mười tám) bài về các nước xung quanh mời các bạn hân thưởng.
Số lượng này (đã rút xuống rất nhiều kể từ lên khung đầy tính ATSM ban đầu) thực sự chỉ là nhúm muối bỏ vào biển Hàm Hải, nhưng chúng tôi cũng vui mừng vì vẫn giới thiệu được đây đó một tác giả mới, một tác phẩm mới, hay một cách nhìn mới, từ một vùng đất tưởng như chưa có gì là chưa được khai quật. Dĩ nhiên, có được điều đó là nhờ sự ưu ái và tin tưởng của bạn bè gần xa, hầu hết đều am tường và say mê hơn chúng tôi rất nhiều về những nền văn học, những tác giả mà họ giới thiệu, khiến số này có thể nói rất nhàn vì chỉ rung đùi vểnh râu đọc bài các bạn/anh/chị gửi về. Sợi một khôn xe, tay lẻ khó vỗ; bổn review chỉ lấy điều được kết giao bằng hữu mới, giáp mặt kỳ nhân cũ từ lâu văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình làm vui mà thôi.
(Mặc dù có chút thất vọng vì không có ai gửi về đam mỹ hay manga bất chấp đã lớn tiếng kêu gọi.)
*
“Hành trình về phương Đông” là theme của số này. Cũng có chút lạ lùng vì không có ai đặt câu hỏi về bản thân chữ “phương Đông” trong theme; bởi phương Đông không chỉ ngầm ý có phương Tây, mà phương Đông ngầm ý con mắt dõi theo của phương Tây, cái hệ định vị của phương Tây hay ít nhất là một thế giới xẻ đôi, đã xa lắm từ cái thời có một “Trung”, một “Việt”/“Nam”, một xứ sở nơi mặt trời đăng ký hộ khẩu, một nước lớn đón bình minh lên.
Đấy là một cái tội mà nhóm chủ trương Zzz – 100% dân tiếng Anh – sẵn sàng thú nhận. Thứ ngôn ngữ quốc tế ấy đã làm cầu nối cho chúng ta đến với rất nhiều nền văn học khác trên thế giới; thứ ngôn ngữ ấy cũng áp đặt bộ lọc khắt khe và ngây thơ không tự giác của nó cho chúng ta, uốn nắn cái nhìn của chúng ta; một thế nước đôi được phân tích khá thú vị trong bài viết của Stephen Snyder (cũng một ông người Mỹ! nhưng lại là một dịch giả tiếng Nhật!) mà các bạn có thể đọc trong số này. Các bạn cũng có thể để ý thấy sự trớ trêu khi bài phỏng vấn Bảo Ninh đăng trên một trang tiếng Việt lại là bài dịch từ một trang tiếng Mỹ.[1] Rất nhiều bài viết trong số này cũng xoay quanh sự giằng xé Đông-Tây ấy, một đề tài chưa bao giờ hết thú vị (hoặc đau khổ, với người trong cuộc) về căn tính nhà văn hay đơn giản là con-người-phương-Đông.
Nhưng số này cũng đã là một cố gắng tìm về “bản lai diện mục” của tác phẩm, với rất nhiều bài dịch từ nguyên ngữ (so với, chẳng hạn như, số 4 của chúng tôi về Mỹ La tinh), phần lớn của những nhân vật đã và hứa hẹn sẽ đóng những vai trò quan trọng trong nỗ lực giới thiệu văn học Đông Á xa và sâu hơn nữa trong nhiều năm về sau. Lại giống như lần trước, Zzz chỉ dám hứa rằng sẽ trở lại với theme này khi đã đi hết những bước đầu, và lúc đó hy vọng bát muối sẽ nguyên bản và đậm đà hơn nữa.
Cuối cùng, lại xin cảm ơn tất cả những con mắt Đông Á đã dõi theo chúng tôi, người chị Đông Á đã miệt mài may áo cho Zzz Review, và những anh hùng nữ kiệt đã ủng hộ thời gian tâm sức dù bài đã hay chưa kịp đăng trong số này. Số tiếp theo về Văn học Đông-Trung Âu sẽ được mời chào gửi bài khi tháng Tư đã hết.
Z&Z&Z
Ngày Đinh Hợi, tháng Mậu Thìn, năm Kỷ Hợi
[1] Nhà văn Bảo Ninh có xem lại cả bài trước khi đăng.
Người góp chữ
An Nhiên: đang vui thích với công việc hiện tại.
An Thúy: ngày đêm đếm lá và đếm sao.
Alicia Oanh Le: Alicia trên bờ biển.
Blue Phạm: sinh viên toán thích viết văn và những điều xưa cũ.
Hà Linh: của Chuột và Chồn.
Hiền Trang: chả biết làm gì nên viết.
Hoàng Phương: dân công sở, sống tại Sài Gòn. Dịch sách vì ham vui.
Nguyễn Tú Uyên: con Nhân Mã ở trong phòng.
Nguyễn Vinh Chi: cành cây con con của ba tôi.
Phạm Văn Thiều: Là đồng sáng lập và là dịch giả chính của tủ sách “Khoa học và khám phá”, cũng là người được ủy quyền dịch toàn bộ các tác phẩm của nhà vật lý thiên văn Trịnh Xuân Thuận ra tiếng Việt.
Thương Tỉnh Ưu: nội trợ.
Tố Hinh: thợ cày toàn thời gian.
Trạch Nam: ăn bám bố mẹ.
Trần Tiễn Cao Đăng: để người khác nói thì hơn.
Zét Nguyễn: căng phông kẻ bạt.
Mục lục
LỜI NGỎ
ĐIỂM SÁCH
TIỂU LUẬN – NHẬN ĐỊNH
FIC&POE
- Han Kang, Trắng (trích)
- Humayun Ahmed, “Kiến”
- Cho Nam Joo, Sinh năm 1982 (trích)
- Tàn Tuyết, Những chuyện tình thế kỷ mới (trích)
- Mishima Yukio, “Phu nhân Aoi” và “Đạo Thành tự”
- Ngô Minh Ích, Chiếc xe đạp mất cắp (trích)
- Lâm Thanh Huyền, “Mười hai tấm thiếp hữu tình”
- Trương Gia Giai, Ngang qua thị trấn Ngàn Mây (trích)
- Kawabata Yasunari, “Đôi mắt mùa xuân”
- Monique Truong, Cuốn sách muối (trích)
PHỎNG VẤN
DỊCH & BÀN
Leave a Reply