Văn học dịch quý I 2019: Văn chương cái sự đọc thật khó nói

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi
Thời gian đọc: 9 phút

(Bài viết thuộc Zzz Review số 5, 20-4-2019)

Chà, khi trời bắt đầu tung khẩu hiệu, nóng được thì cứ nóng, real feel 41 (update viết xong khổ này tăng lên 43) độ xê, khi hội chợ sách kỷ niệm một cái ngày trên trời rơi xuống mang tên Ngày sách Việt Nam, khi dẫu được Chu An truyền cho chính trực vô hạn mà hậu thế ngày nay mỗi ngày căng mắt khó nhìn thấy Keangnam vì bụi mịn (từ ngày được khai sáng về phần tử li ti này tôi đâm ngờ cái cửa sổ mờ mờ trăng trắng không biết là sương hay là nắng của Mị) tôi lại ngồi tổng kết tình hình văn học dịch của ba tháng đầu năm nay.

banner top

Sách vở vẫn thì bạt ngàn như đồng ruộng, như tài nguyên đất nước mà bài học vỡ lòng năm nào chúng tôi được nhồi đầy: ưỡn ngực: hào sảng: cò bay gãy/mỏi cánh: không hết: Pulitzer, có Pulitzer, Goncourt, có Goncourt, Mỹ La tinh, có Mỹ La tinh, gaylit, có gaylit. Éo le nhiều nỗi, nhiều là thế nhưng không phải cuốn nào cũng hợp tạng, mà cuốn hợp tạng thì không phải có bao trang đều hợp tạng ngần ấy trang. Đọc với điếc gần như là vờn đuổi, nơi độc giả và văn bản dằn mặt, khích lệ, cắn xé nhau, làm nhau hưng phấn, làm nhau thất vọng, đôi khi nói lời cay đắng. Cái sự đọc sự thẩm nó lên lên xuống xuống như cổng parabol trường Bách khoa hay nhẽ ra phải là sơ đồ hình sin, ai giỏi toán xin cứu với.

Đến đây em xin ngâm một câu gần Kiều cho nó máu:

Nghĩ mình phận mỏng cánh buồm,
Sức đâu mà đảm ngồn ngồn sách hay.
Ngày xuân con én ủa nhầm,
Đã bôi bôi trót đăng thì thì đăng.

Sau đây là danh sách những cuốn văn học dịch nổi bật, dù có cuốn hợp tạng người viết, có cuốn không:

  1. Herzog – Saul Bellow

Herzog của Bellow làm tôi nhớ đến Tiền của Martin Amis, đến Morris Zapp trong Đổi chỗ của David Lodge. Loạn thần, hài hước, gái gú, trầm cảm, thấp thỏm sợ dính giang mai, khủng hoảng tuổi trung niên, mọc sừng… rất nhiều tính từ có thể dùng để miêu tả về nhân vật chính Moses Herzog. Ở tuổi 47, Herzog có trong tay: 1 luận án tiến sĩ, 1 cuốn sách tương đối thành công, 2 con, 2 đời vợ, 1 bồ, và vô số thư, những bức thư không gửi. Cuộc hôn nhân thứ 2 tan tành, nhục nhã ê chề, căm hận phẫn nộ, độc giả gặp một Herzog liên tục tự nói chuyện với chính mình, rảnh tay là thảo ý tưởng, đẻ châm ngôn, rảnh chân là nôn ra một cái thư, gửi cho khắp cả nhân loại “Wanda thân mến, Zinka thân mến, Libbie thân mến, Ramona thân mến, Sono thân mến…” Vợ cũ thân mến, Nietzsche thân mến, thằng đã cho ông mọc sừng thân mến… Không theo trình tự thời gian, những chi tiết, những sự kiện, trong quá khứ tuổi thơ, của cuộc hôn nhân cũ, lần lượt thoắt ẩn thoắt hiện, lắp ghép tạo thành gương mặt đời sống của Herzog. Một cuốn sách của hồ hồ hởi hởi mà cũng không kém bi đát.

Cuốn sách đạt giải Sách Quốc Gia Mỹ năm 1965 của tác giả đạt giải Nobel này, cuốn sách lọt vào 100 tác phẩm văn chương Anh ngữ xuất sắc nhất kể từ năm 1923 trở về sau do Time bình chọn này, đảm bảo sẽ cuốn bạn đi như cơn lốc, vào trong những cơn lốc lảm nhảm, những suy tưởng nhảy cóc bất thình lình, những sum suê ngôn từ và ý tưởng.

DSC08722

  1. Tuyến hỏa xa ngầm – Colson Whitehead

Tình cờ bất ngờ, một cuốn sách đạt giải Quốc Gia Mỹ khác, năm 2016, cũng có mặt trong quý I, và còn hơn thế, nó giật luôn Pulitzer 2017 thành một cuốn sách có đúp giải của Mỹ.

Lấy đề tài là tuyến đường ray ngầm dưới lòng đất giúp những nô lệ trốn thoát vào giữa thế kỷ thứ 19, Tuyến hỏa xa ngầm cùng với Yêu dấu của Toni Morrison, có lẽ, là một combo đọc hoàn hảo về số phận những người nô lệ tìm tự do (trong thất bại, trong thành công). Nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết là Cora, được rủ trốn lên miền Bắc, theo bước chân của mẹ cô Mabel, người được cho là đã đào tẩu thành công mà không để lại chút manh mối nào.

Khắc họa lại một giai đoạn lịch sử tàn bạo của nước Mỹ, với những trang viết đẫm kinh hoàng về đời sống nô lệ ở các đồn điền, Tuyến hỏa xa ngầm đưa người đọc đi một hành trình rất khác với Yêu dấu: nó miêu tả trực diện cách thức mà những nô lệ phải trải qua để đào tẩu, những khó khăn thường trực dồn dập, những cuộc săn nô lệ tàn bạo, những truy đuổi không bao giờ ngớt. Nó đẩy con người đi tìm tự do vào cuộc giằng co vô tận với những kẻ thù cấm cản điều đó.

Whitehead tâm sự trong một cuộc phỏng vấn rằng: Không có quy luật nào quy định chuyện anh được viết gì. Và chính vì thất vọng khi biết rằng tuyến đường ray ngầm ấy là không có thật, anh đã “phù phép” cho nó thành thật trong tiểu thuyết của mình: “Với tôi, đã biến cái con tàu ẩn dụ ấy thành một con tàu thật và để cho mỗi bang mà Cora đi qua trở thành một phương án của nước Mỹ, việc đó mở ra rất nhiều khả thể khác nhau. Tôi có thể tạo ra tự sự của riêng mình về việc làm thế nào nước Mỹ trở thành nước Mỹ bây giờ.”

 

  1. Pedro Páramo – Juan Rulfo

Một viên ngọc của văn học Mỹ Latinh mà bản dịch của Nguyễn Trung Đức đã xuất hiện ở Việt Nam hồi 1987 để rồi hơn 30 không tái bản. Không nổi tiếng đình đám như Trăm năm cô đơn nhưng Pedro Páramo là cuốn sách mà García Márquez thuộc nằm lòng và là nơi ông trở đi trở lại mỗi lần gặp chướng ngại trong khi viết văn. Pedro Páramo là hành trình đi tìm người cha đã ruồng bỏ mẹ con mình của chàng trai Juan Preciado, mà chuyến đi ấy nhanh chóng trở thành một chuyến xuống địa ngục, nơi ngôi làng mà anh tìm đến là một làng ma, và thế giới thực nhanh chóng trở thành địa bàn của những hồn ma vảng vất.

DSC08737 (2).jpg

  1. Chương trình nghị sự – Éric Vuillard

Cuốn sách mỏng đạt giải Goncourt 2017 này là một ví dụ hoàn hảo cho nhỏ mà có võ: ngót nghét chưa đến 150 trang, với văn phong tưng tửng độc đáo giễu cợt vô song, nó tường thuật lại vụ sát nhập Áo vào Đức năm 1938, nơi nó vạch trần một cách sắc lẹm những trò hề làm nên lịch sử, bộ mặt của cái ác, sự lố bịch của chính trị, và sự nhỏ nhoi đến thảm cảnh của những số phận con người bé nhỏ dưới bàn tay ụp xuống của thời đại phát xít.

“Những thảm họa lớn nhất vẫn thường được báo hiệu một cách từ từ”: quả đúng như vậy, tiểu thuyết – có thể gọi Chương trình nghị sự là một cuốn tiểu thuyết? – mà như Guardian nhận định nó đã kéo căng cái định nghĩa ấy đi một đoạn dài – “trong tiếng Pháp nó được là récit – một tường thuật – nó thực sự là một bài luận lịch sử có trang trí văn chương” – bằng từng đoạn phân mảnh, tường thuật lại các sự thật, từng bước một, mà mỗi phân mảnh đóng vai trò như một vở kịch nhỏ, để tổng thuật thành một vở kịch lớn, lột trần sự tầm phào của cái ác, khẳng định “Diễn kịch là nguồn gốc của thế giới.”

DSC08715.jpg

  1. Thẩm phán và Đao phủ – Friedrich Dürrenmatt

Sáng tác vào những năm đói ăn, những tiểu thuyết hình sự của Dürrenmatt, tuy không nổi tiếng bằng những vở kịch kiệt tác như Bà lớn về thăm hay Ba nhà vật lý, nhưng là những tác phẩm hoàn hảo phá những ước lệ mà ta quy cho loại văn chương bị liệt vào dạng á. Thanh tra già Barlach được giao cho một vụ án oái oăm: một cấp dưới bị giết, ông huy động một cấp dưới làm trợ thủ, và cách ông kết liễu kẻ thù của mình cũng oái oăm không kém. Giễu cợt, bất ngờ, đẫm ý vị triết học, Thẩm phán và Đao phủ là một cuốn sách mỏng hoàn hảo.

Học giả Theodore Ziolkowski trong lời giới thiệu Dürrenmatt đã đặt ra câu hỏi, liệu các tiểu thuyết trinh thám hình sự của ông là thuần túy giải trí hay mang sức nặng của triết học? “Dürrenmatt đưa ra câu trả lời của chính mình cho câu hỏi này trong một cuộc nói chuyện về ‘Những vấn đề Sân khấu’ (1954). Từ hồi còn là sinh viên ông đã căm ghét cả định chế phê bình lẫn học thuật, Dürrenmatt thường xuyên xỉ vả cái thời đại đã luyện cho công chúng coi nghệ thuật là thứ gì đó linh thiêng, cao quý, và đầy cảm xúc cao cả – và coi thường bất cứ thứ gì hài hước là tầm thường, mơ hồ, kém cỏi. ‘Nghệ sĩ tồn tại như thế nào trong một thế giới tri thức, thế giới của những người có học đây?’ ‘Có lẽ bằng cách viết tiểu thuyết trinh thám, bằng cách làm nghệ thuật mà không ai nghĩ đó là nghệ thuật. Văn chương phải trở nên nhẹ tênh đến nỗi nó không có tí sức nặng nào trên cái cân của phê bình văn chương ngày hôm nay: đó là cách duy nhất nó giành lại được sức nặng đích thực của nó.’”

DSC08725

  1. Nghiệt tử – Bạch Tiên Dũng

Nghiệt tử là cuốn sách kinh điển cho dòng văn chương đồng tính: cuốn tiểu thuyết văn học đầu tiên viết bằng tiếng Trung về chủ đề này, còn Bạch Tiên Dũng là cái tên kinh điển của văn chương Đài Loan với nghệ thuật kể chuyện đỉnh cao, người được coi là bậc thầy truyện ngắn. (Tập truyện ngắn Người Đài Bắc của ông được đánh giá là một Người Dublin (James Joyce) của văn học châu Á.)

Xin thú thật đây mới là cuốn gaylit thứ hai mà tôi đọc (và cuốn ngay sau là cuốn thứ 3), cơn bão sách lẫn phim Call me by your name trượt qua tôi không chút tác động. Cuốn đầu tiên tôi đọc trong dòng này là Chuyện tình núi Brokeback của Annie Proulx mà đọc xong tôi cũng không lý giải được mối tình ấy là mấy. Nghiệt tử kể về Lý Thanh, một học sinh trung học, vì bị bắt quả tang với nhân viên quản lý phòng thí nghiệm, mà bị đuổi học, rồi bị chính bố ruột đuổi ra khỏi nhà. Lang thang vất vưởng ở Đài Bắc, Lý Thanh lạc vào một công viên là khu vực hoạt động giao lưu của những người gay, đưa chân vào vương quốc bóng đêm, nơi cậu gặp và kết giao với đủ mọi hạng người.

Tôi đọc Nghiệt tử vì tò mò, để rồi bị cuốn vào những câu chuyện đen tối, thảm thương, khắc nghiệt, những vật lộn với chính bản thân, với xã hội, của một nhóm người chui rúc như rắn ngủ đông, trong một xã hội nơi đồng tính bị dè bỉu và khinh bỉ và cấm cản. Những câu chuyện bi đát, bị gia đình ruột thịt ruồng rẫy, bị đẩy vào cảnh làm điếm nam, bị người tình phũ bỏ, tìm đến cái chết vì đau khổ, thường xảy ra dưới màn đêm đen kịt của Đài Bắc.

DSC08734

  1. Một con người – Christopher Isherwood

Một cuốn văn học đồng tính nổi tiếng khác, mà được coi là “một trong những mẫu hình đầu tiên và xuất sắc nhất của phong trào giải phóng đồng tính”. Khác với Nghiệt tử có cách kể chuyện tương đối truyền thống và tập trung vào khắc họa cả một lớp người, một counterculture, Một con người chỉ rọi thẳng vào một con người, George, một giáo sư văn chương ở một đại học Nam Cali, phải đương đầu với nỗi đau mất đột ngột người tình, trong một ngày duy nhất: từ lúc tỉnh giấc đến lúc hết ngày, nơi ông làm mọi việc thường nhật, với những suy tư và quan sát, với nỗi cô đơn lặng lẽ tràn ngập và được viết bằng một thứ văn phong nơi nhân vật chính liên tục tách khỏi chính mình, bằng một giọng văn có phần chua chát, giễu nhại, sắc sảo.

Tờ Guardian, trong loạt bài về 100 tiểu thuyết xuất sắc nhất mọi thời đại, nơi Một con người chiếm vị trí số 83, đã tóm gọn cuốn tiểu thuyết tinh tế, rõ rành như một chiếc camera này khi kết nối nó với tuyên ngôn về mục đích nghệ thuật của Christopher Isherwood vào năm 1939: “Tôi là một chiếc máy ảnh màn trập luôn mở, khá thụ động, luôn ghi lại, không nghĩ ngợi… Một ngày nào đó tất cả những thứ này sẽ được rửa, cẩn thận in ra, chỉnh sửa.”

Zét Nguyễn

Chấm sao chút:

Đã có 3 người chấm, trung bình 4 sao.

Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3

Người góp chữ

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*