Trương Gia Giai, Ngang qua thị trấn Ngàn Mây (trích)

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi
Thời gian đọc: 15 phút

(Bài viết thuộc Zzz Review số 5, 20-4-2019)

Trương Gia Giai sinh năm 1980 tại một thị trấn nhỏ ven biển ở Giang Tô.
Từng làm diễn viên kịch nói, biên kịch, chủ bút tạp chí, nhà văn.
Từng được đề cử giải Kim Mã cho biên kịch xuất sắc nhất trong phim điện ảnh Đao kiến tiếu.
Tác giả dẫn đầu bảng sách bán chạy của Amazon 2013.
Năm 2013, trở thành nhà văn ăn khách nhất văn đàn Trung Quốc, vượt lên trên cả Hàn Hàn và Quách Kính Minh.
Chịu ảnh hưởng sâu sắc của Vương Gia Vệ, kết cấu câu chuyện của Trương Gia Giai rất giống phong cách làm phim của đạo diễn họ Vương, không đi theo trình tự tuyến tính mà là tổng hòa của những lát cắt ngẫu nhiên. Quan niệm “muốn dùng phong cách Châu Tinh Trì để kể câu chuyện của Vương Gia Vệ”, nên giọng văn của Trương Gia Giai đa phần tưng tửng trào lộng, nhưng vẫn khiến người đọc nhói lòng.
Ngang qua thị trấn Ngàn Mây là tiểu thuyết mới nhất của anh, xuất bản năm 2018, lập tức trở thành hiện tượng xuất bản, gây chấn động văn đàn. Bằng cách đưa người đọc về với một vùng quê nên thơ mà bình dị, Trương Gia Giai đã khắc họa rõ nét cuộc sống của cả thế hệ thanh niên Trung Quốc đến từ nông thôn: chí hướng cao xa, nhưng hoang mang và lạc lõng trước cuộc sống phồn hoa ở thành thị, không biết mình thuộc về đâu. Tên gọi “Thập Tam” của nhân vật chính đồng âm với “thất tán” trong tiếng Trung, nên cả cuốn sách là những chuyến giã từ trong đời cậu ta, giã từ quê hương, giã từ người thân, giã từ người thương.
Sách đã được Văn Việt mua bản quyền và dự kiến xuất bản trong năm 2019. [Update: sách đã xuất bản tháng 6-2019]

– Tố Hinh

Ngang Qua Thị Trấn Ngàn Mây

Chương 1: Núi rừng, gốc đào, Vương Oanh Oanh

1

Đầu hè, dưới mái hiên, Lưu Thập Tam cắn hết vốc hạt dưa, bảo bà ngoại, “Con cảm giác có người đang nhớ bà cháu mình.”

Bà đáp, “Nhớ có ích gì, sao không cho tiền ấy.”

Cát cánh nở đầy thị trấn, bồ công anh bay vượt qua tán lựu, dạt vào ruộng lúa dưới chân núi. Trong lòng đa số người, quê hương sau này sẽ thành một chấm đen, như hòn đảo lẻ loi ngàn đời không thay đổi.

Bà ngoại nói, tổ tiên đời đời chôn cất ở đây, nên gọi là quê hương.

Thị trấn nhỏ trong núi, tựa như đội đất chui lên. Từ khi đỗ đại học rồi rời quê, ngoài những dịp Tết nhất ra, Lưu Thập Tam chẳng bao giờ trở lại. Bà ngoại tên đầy đủ là Vương Oanh Oanh, mở tiệm tạp hóa tại nhà đã mấy chục năm. Bà vận áo ngắn tay hoa nhí, mái tóc bạc phơ vấn lại thành búi, cánh tay giấu trong bao tay áo, tất bật chạy đi chạy lại.

Trời ấm dần lên, bia bán chạy như tôm tươi, bà chồng từng két bia lên rồi hổn hển lau mồ hôi, “Mày có phụ một tay không, không làm bà giết.”

Lưu Thập Tam rầu rĩ đáp, “Con không ở mãi xó rừng rú này được đâu.”

Bà hỏi, “Bán bảo hiểm thế nào rồi, kiếm được không?”

Lưu Thập Tam thở dài, “Tiền không quan trọng, con là đang khởi nghiệp.”

Trong sân trồng một cây đào, bà đứng dưới gốc cầm chổi quét sân, liếc xéo nó: “Hay thế này, bà bán quách nhà đi, cho mày tiền khởi nghiệp nhé.”

Lưu Thập Tam ôm chầm lấy bà, “Con yêu bà nhất.”

Bà đá nó ra, “Thôi thôi, tránh ra đi.”

Lưu Thập Tam hỏi, “Trưa nay ăn gì?”

Bà châm điếu thuốc đáp, “Ai rỗi hơi lo cơm cho mày, đi kiếm tiền đi.”

Tháng Sáu ve đã râm ran từ lâu, kêu ra rả không dứt, khi gần khi xa, ong ong như cơn ù tai khi vừa trở dậy. Bà ngoại thò đầu vào cửa giục, “Kiếm nhiều tiền vào, tối nay bà mời cơm, uống hai chén.”

Hai chén rượu với Vương Oanh Oanh chẳng thấm vào đâu. Tối qua bà ít nhất cũng uống đến hai chục chén, ngà ngà mắng nó, “Thất tình có gì mà buồn, yêu đứa khác đi!”

Lưu Thập Tam chống chế, “Nhưng con chưa quên được cô ấy.”

Bà ngoại xót xa ôm lấy đầu nó, dịu dàng dỗ, “Mày xấu nên người ta bỏ là phải. Người ta xinh nên mày không quên được là phải. Khóc thì khóc đi, bà thương mày, bà xui xẻo.”

Lưu Thập Tam khẽ cựa mình, phát hiện bà ôm rất chặt, bèn quờ lấy bình rượu tu cạn, thiếp đi trong lòng bà.

Chắc bà chẳng nhớ chuyện tối qua, nên vẫn xăng xái. Lưu Thập Tam bị đá ra cửa, ngoái lại trông thấy nửa thân đào cao vượt khỏi tường bao, bảng hiệu cũ kỹ của tiệm tạp hóa treo lủng lẳng trên cửa, có mây trắng núi xanh xa xa làm nền.

Lưu Thập Tam cũng bó tay hết cách. Mấy hôm trước, nó còn đang nai lưng ra đi làm ở thành phố, kết quả vừa thất tình vừa thất nghiệp, đau lòng khôn tả. Vương Oanh Oanh xách hai chai rượu gạo đến chỗ nó ở, chuốc cho nó say mèm rồi lôi về.

Bà cụ bảy mươi lái máy kéo cả đi cả về hai trăm cây số, trói thằng cháu ngoại say bí tỉ trong thùng xe. Chính bà cũng than thở, “Đường xóc quá, thằng ngốc này thì nôn liên tục như đứa thiểu năng. Hơi một tí lại phải xuống xe lau cho nó. Khổ quá đi mất.”

Lưu Thập Tam tỉnh lại, trợn tròn mắt nhận ra mình đang nằm trong căn nhà nhỏ giữa núi. Khó khăn lắm mới bứt được khỏi quê, rắp tâm làm nên sự nghiệp, nào ngờ lại bị Vương Oanh Oanh đánh máy kéo tới lôi về thị trấn Ngàn Mây.

Ngôi nhà này lưu giữ tuổi thơ của Lưu Thập Tam. Mỗi khi tan học, nó lại lẵng nhẵng bám lấy bà ngoại hỏi đủ thứ chuyện.

Thằng bé hỏi: “Bà ơi, sao trời cao thế?”

Bà đáp: “Con thấy mây không? Đó là cánh của trời đấy.”

Chẳng biết tự lúc nào, rất nhiều chuyện đã rất nhiều năm.

2

Từ nhỏ đến lớn đều là bà đóng học phí cho nó, mà thu nhập của bà đều bắt nguồn từ tiệm tạp hóa Oanh Oanh. Từ khi nó hiểu chuyện, bà đã ngậm điếu thuốc, lái máy kéo rong ruổi khắp núi rừng, thùng xe đựng hàng hóa đổ buôn đến.

Thuở bé, Lưu Thập Tam giận bà vô số việc, nhưng chủ yếu là ba chuyện: Một, cho ít tiền tiêu vặt. Hai, chơi mạt chược quá nhiều. Ba, không tôn trọng mơ ước của nó.

Mỗi lần nó nói, “Bà chơi ít thôi, dành tiền cho con này, để con thực hiện ước mơ,” bà ngoại lại nghi ngờ hỏi, “Mày mới học lớp Bốn, mơ mộng cái gì?”

Lưu Thập Tam đáp, “Đỗ vào Thanh Hoa, Bắc Đại, rời khỏi Vương Oanh Oanh, đến thành phố lớn.”

Nghe vậy bà liền vơ dao đuổi nó chạy khắp phố. Lưu Thập Tam trèo tót lên cây, nghiêm trang nói vọng xuống, “Vương Oanh Oanh, con nói cho bà biết, bà phải tôn trọng mơ ước của con.”

Bà đáp, “Không thích ở với bà, định học theo mẹ mày lẳng lặng bỏ đi đấy phỏng?”

Lưu Thập Tam đáp, “Con không học theo mẹ, con gửi tiền cho bà, tám vạn mười vạn cũng vô tư!”

Bà bổ dao vào gốc cây, “Bà đợi thế nào được đến lúc ấy, mày cứ đưa tiền mừng tuổi năm ngoái ra đây đã.”

Lưu Thập Tam ngớ người rồi òa lên khóc thảm thiết, “Xấu hổ lắm! Con không học tiểu học nữa đâu! Con thi luôn vào Thanh Hoa, Bắc Đại, lấy vợ đẻ con thôi!”

Mười bốn năm trước, bà ngoại nhận được một bức thư. Bà không biết chữ, nhưng cũng không đưa Lưu Thập Tam đọc mà cất vào hộp bánh quy thiếc cùng mấy món trang sức. Bấy giờ Lưu Thập Tam tò mò lục ra xem lén rồi viết một bức thư trả lời gửi theo địa chỉ trên đó.

Nó viết rất đơn giản: Xin chào, con tên Lưu Thập Tam, cháu ngoại bà Vương Oanh Oanh, hai bà cháu sống rất chật vật, gửi cho ít tiền đi.

Từ đó, nó còn háo hức chờ hồi âm hơn cả bà.

Giữa con phố chính của thị trấn là cửa hàng mậu dịch cũ, về sau sửa thành nhà thờ. Trước cửa đặt hòm thư, đối diện hàng bánh bao. Lưu Thập Tam đeo túi chéo, hỏi bác Trần bưu tá, “Có thư của cháu không? Có thì nhớ đưa cháu, đừng đưa bà Vương Oanh Oanh.”

Bác hỏi lại, “Sao vậy?”

Nó đáp, “Bác già rồi hỏi nhiều thế làm gì, cháu chia hoa hồng cho bác nhé.”

Lưu Thập Tam đợi suốt cả học kỳ, đến Tết, nhân lúc bà ngoại uống say, mới dám dò hỏi người kia rốt cuộc là ai, liệu có gửi tiền không.

Đột nhiên bà ngoại khóc nức lên, khiến Lưu Thập Tam phát hoảng, cuống quýt lau nước mắt cho bà, “Vương Oanh Oanh, bà đừng khóc nữa, đợi con lớn lên ra thành phố sẽ gửi tiền cho bà.”

Sau khi bác Trần qua đời, chẳng có bưu tá mới đến, hộp thư cũng biến mất, mọi người hiếm khi viết bằng bút máy. Bất kể ai trải giấy ra, viết ba chữ anh yêu em, đều có thể trở thành bức thư tình cuối cùng của thế kỷ hai mốt.

Lưu Thập Tam cũng viết một bức, kẹp vào sách Ngữ văn của cô bạn Trình Sương ở lớp học thêm hè năm lớp Bốn, vỏn vẹn mấy chữ: Tớ thấy cậu xinh hơn cả cô Quyên, ăn ô mai không?

Cô Quyên là chủ nhiệm lớp, mới ngoài hai mươi tuổi xuân phơi phới, dì của Trình Sương. Hôm sau lên lớp, cô xách tai Lưu Thập Tam lôi vào phòng Giáo viên, dịu dàng hỏi, “Em thấy cô có xinh không?”

Lưu Thập Tam quả quyết, “Xấu như ma cấu.”

Cả phòng Giáo viên cười ồ lên, cô Vu dạy Toán ghé sang hỏi, “Còn cô thì sao?”

Lưu Thập Tam phân vân giây lát rồi đáp, “Chắc cô Quyên định đánh em đấy, cô cứu em với.”

Cô Vu nói, “Cô ấy đánh là dĩ nhiên, giờ chỉ xem cô có đánh không thôi.”

Lưu Thập Tam trả lời, “Cô trẻ hơn cô ấy nên xấu vừa vừa thôi.”

Cô Vu ra lệnh, “Ra hành lang, đứng dựa vào tường đến khi tan học.”

Lưu Thập Tam hỏi lại, “Cô không hỏi em thấy hiệu trưởng thế nào à?”

Mọi người trong phòng Giáo viên vội ngừng tay làm việc, bao nhiêu con mắt như đèn pha đổ dồn vào nó. Nó nhổ toẹt một bãi, “Ranh con chẳng ra sao, học thêm hè mà huy động từng này người thì khác gì học chính?”

Kết quả nó bị đưa từ phòng Giáo viên sang phòng Hiệu trưởng.

Hiệu trưởng vừa rót một chén trà, Lưu Thập Tam đã bưng ngay lên uống, khiến thầy ngạc nhiên ra mặt, “Thầy rót cho thầy cơ mà.”

Lưu Thập Tam thổi lá trà, nhấp một ngụm rồi chặc lưỡi, “Đắng ngắt, có tiền người ta đã uống nước quýt cho ngọt rồi.”

Hiệu trưởng gõ gõ xuống bàn, “Thập Tam viết thư tình dở ẹc.”

Lưu Thập Tam khinh khỉnh liếc thầy, “Em đọc hết sách trong thư viện trường rồi, thầy dựa vào cái gì mà nghi ngờ năng khiếu văn học của em.”

Hiệu trưởng cười cười đưa cho nó một quyển sách cũ nát, bìa còn lốm đốm mấy vết cháy sém, viết bốn chữ khải: Nhân gian từ thoại[1].

Lưu Thập Tam lật qua lật lại, đầu ong lên, ặc ặc, đã văn ngôn lại còn đọc theo hàng dọc.

Hiệu trưởng nói, “Mấy hôm nữa tôi sẽ kiểm tra em.”

Óc Thập Tam nảy số thật nhanh, nó đáp ngay, “Năm 1997, Hồng Kông trở về.”

Hiệu trưởng hỏi, “Em nhắc tới chuyện này làm gì?”

Lưu Thập Tam nghiêm trang dõng dạc, “Hồng Kông trở về, thế giới đại đồng, tàn dư phong kiến nhà thầy còn đọc chữ phồn thể, định phản động à?”

Hiệu trưởng lẳng lặng đặt chén trà xuống, để cuốn sách vào lòng Lưu Thập Tam, xoa đầu nó rồi nghiêm nghị nói, “Em đọc đi, đọc kỹ vào, thằng lỏi con, đọc không hiểu thầy giết đấy, cút ra.”

3

Lưu Thập Tam sinh ra ở thị trấn Ngàn Mây, là cháu ngoại bà Vương Oanh Oanh, người thừa kế tiệm tạp hóa. Các bạn gái trong lớp đua nhau viết nhật ký, bà ngoại mua buôn hai thùng đầy sổ nhật ký sặc sỡ, vừa khai giảng đã bán hết veo. Bạn gái nào cũng kè kè quyển nhật ký bên mình, cứ như bên trong giấu đầy bí mật vậy.

Lưu Thập Tam chẳng thèm, làm gì có ai có sổ bí mật to bằng nó. Thực ra cũng không thể coi là sổ được, chẳng qua nó dùng giấy kẻ ô riêng của nhà máy điện tử Đông Tín đóng lại mà thôi. Trang đầu tiên là lời mẹ dặn, nó nắn nót chép lại:

Nhớ chăm học, đừng ham chơi. Lớn lên thi đỗ vào Thanh Hoa, Bắc Đại, ra thành phố kiếm việc, lấy một cô vợ yêu con, sống thật hạnh phúc.

Từ trang thứ hai, Lưu Thập Tam thơ bé mới viết kế hoạch của mình:

Học thuộc tất cả các bài, chưa thuộc thì cố học cho thuộc.

Biết làm đề bài ứng dụng.

Đọc trước sách giáo khoa cấp hai.

Cuối kỳ phải lọt top 10.

Từng hàng từng hàng, như một bài thơ không có câu kết. Hễ hoàn thành được điều nào, nó lại đánh một dấu tích.

Thi cuối kỳ lớp Bốn xong, hiệu trưởng hói sọi đứng dưới cột cờ quệt mồ hôi căn dặn, “Chúc các em nghỉ hè vui vẻ!” Học sinh toàn trường nghe xong lập tức giải tán, để lại hiệu trưởng đứng đó chặc lưỡi, “Chậc, tôi vừa nói xong lời mở đầu thôi mà.”

Chỉ mình Lưu Thập Tam không đi. Nó gạch dòng “cuối kỳ phải lọt top 10” đi, thổi đầu bút chì như thổi nòng súng rồi bổ sung kế hoạch hôm nay: 1. Giao hàng hộ bà ngoại. 2. Làm xong bài tập rồi học thuộc hai mươi từ đơn.

Viết xong, Lưu Thập Tam nhảy lên chiếc xe đạp nữ nhỏ xinh, nhấn bàn đạp chạy ra ngoài thị trấn.

Băng qua guồng nước cầu đá, đến con đường mòn chạy qua rừng long não rồi đổ dốc ngược gió. Trước mặt nó là vòm trời bao la, mây trắng bềnh bồng, biển cây chạy dài.

Thấy khung cảnh tráng lệ, thằng nhóc buột miệng chửi thề, mẹ kiếp, sao giữa ruộng lại khuyết một mảng thế kia nhỉ.

Biển lúa bát ngát dập dềnh như tấm áo choàng vàng rực phủ lên dải đất. Thửa ruộng gặt sớm nằm gần đường cái, chẳng khác nào lỗ cháy sém trên sofa do đầu thuốc lá.

Giữa khoảnh ruộng khuyết, khí thế sát phạt đang hừng hực, Vương Oanh Oanh chống tay lên bàn, mê mải xoa mạt chược với ba người nữa, lần lượt là cô Quyên, Mao Đình Đình và Ngưu Đại Điền, bạn cùng bàn với Lưu Thập Tam ở trường. Lưu Thập Tam thầm nhủ, lúc trưa bà dặn nó khi nào tan học thì đem ít mì tôm ra ruộng, bấy giờ chẳng hiểu đầu cua tai nheo gì, cứ ngỡ bà đổi sang làm nông, giờ mới vỡ lẽ hóa ra bà tự đặt hàng, dùng của nhà trồng được.

Sao đánh mạt chược lại phải kéo nhau ra ruộng, sao chỉ gặt nhõn một khoảnh ruộng rồi thôi, hẳn là bà tự tung tự tác.

Lưu Thập Tam lao xe đến cạnh bàn mạt chược mới phanh lại.

“Năm thùng!” Ngưu Đại Điền mười một tuổi, tròn ung ủng, ngồi chồm hổm trên băng ghế, gương mặt béo phị chăm chú, lật bài lên.

“Phỗng!” Vương Oanh Oanh cười khanh khách vì trúng tủ, “Thập Tam đúng là số hên, vừa thò mặt đến bà đã đợi được bài.”

Lưu Thập Tam chẳng buồn ngước lên, lấy mì tôm và phích nước trong làn nhựa ở yên sau ra. Kế hoạch của nó cực kỳ hoàn hảo, vừa tan học nó đã giao mì đến đây như lời bà ngoại dặn, chỉ đợi tiền trao cháo múc là chạy ngay về nhà ôn tập.

Nghĩ đến hai mươi từ đơn đang nằm trong sách đợi nó về học, học hành vui biết là bao, nó lại thấy lòng phơi phới.

Lưu Thâp Tam thoăn thoắt xé gói gia vị, đổ nước sôi vào mì rồi dằn cục đất lên nắp. Nó vờ như không thấy cô Quyên, Ngưu Đại Điền và Mao Đình Đình. Thử nghĩ mà xem, nếu nó hồ hởi chào, “Em chào cô, chào chị Đình Đình. Ngưu Đại Điền sao tan học mày chưa về nhà?”, ắt sẽ có người đáp, “Thập Tam hôm nay thế nào? Ái chà, lại cao lên rồi này. Bố mẹ tao đang đánh nhau, tao không muốn xớ rớ” vân vân, cứ thế cà kê dê ngỗng dây cà ra dây muống, nói mãi nói mãi đến già cả người đi.

Lưu Thập Tam lờ đi, nhưng Mao Đình Đình hãm tài lại không hiểu ý, chẳng chịu ngậm mồm ăn mì mà nhất định phải chào hỏi, “Thập Tam ăn gì chưa?”

Nó đành đáp cụt lủn, “Chưa.”

“Ngồi xuống cùng ăn nhé?”

Mao Đình Đình kéo một bó rơm đã chằng buộc cẩn thận ném xuống đất vồn vã vỗ lên, ý bảo nó ngồi, “Chị chia cho một nửa này, em thích vị gì? À, nhà em chỉ có bò kho, ngày nào em cũng ăn vị này à?”

Lưu Thập Tam thở dài, đang định trả lời từng câu một thì Ngưu Đại Điền cũng chẳng chịu lép, tay bưng bát mì, thân hình nung núc thịt quay phắt sang cạnh nó, “Ầy, thấy tổ chim sẻ trên cái cây kia không?”

Hở? Tổ chim ấy à? Sao tự dưng lại nói đến tổ chim?

Lưu Thập Tam sắp ngã vật ra thì cô Quyên tiếp lời, “Đừng phí thời gian nữa! Mao Đình Đình, đến lượt chị đấy, đã nghĩ ra phải đánh quân nào chưa?”

Thấy Lưu Thập Tam đưa mắt nhìn tỏ ý cảm ơn, cô Quyên tủm tỉm cười. Cô đi guốc trong bụng nó, có lần thấy Lưu Thập Tam từ nhà xí đi ra, cởi trần, mặt đỏ bừng, cô hỏi ngay, “Rơi xuống hố phân hả?”

Lưu Thập Tam giật bắn mình, “Em quên mang giấy thôi ạ.”

Cô vặn lại, “Thế là em cởi áo ra lau à? Tay em đang cầm giấy đấy thôi!”

Lưu Thập Tam giật mình ngẩng lên nhìn cô lạnh lùng đáp, “Em đang chuẩn bị trước bài cho chương trình cấp hai, đây là bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học đấy.”

Hào quang tri thức rọi khắp tâm hồn, cô Quyên nhận ra mình đã mất uy.

Càng quan sát, cô càng phát hiện ra nhiều điểm kỳ quặc ở Lưu Thập Tam, ví như chẳng bao giờ chơi pháo giấy, không thèm đọc truyện tranh, nhà mở tiệm tạp hóa mà chẳng có con robot biến hình nào.

Cô Quyên hai mươi tuổi đầu, chưa từng thấy sinh vật nào khắc kỷ đến thế, từ đó đâm ra kính nể thằng nhóc mới mười tuổi, cảm thấy tuổi thơ của nó coi như đi tong.

Dĩ nhiên không chỉ mình thằng bé ấy bị hủy hoại tuổi thơ, Ngưu Đại Điền béo ú đang xoa mạt chược cùng cô rõ ràng cũng đã lớp Bốn mà đánh bài vẫn ngu, ú ớ quẳng ra con năm thùng kia, đủ biết về sau chắc chắn không nên cơm cháo gì.

Nghĩ đến đây, người giáo viên nhân dân La Tố Quyên bực bội xua tay, “Thập Tam về đi, bài tập hè có đủ không? Không đủ cô lại cho thêm.”

Ngưu Đại Điền nghễnh ngãng sán đến nói to, “Cái gì hả cô? Cho em với.”

Cô Quyên đáp, “Bài tập.”

Nó lắc đầu quầy quậy, dạt ngay ra, “Bài tập cái con khỉ, em không thèm.”

Lưu Thập Tam cũng khẩn khoản, “Bài tập cô giao dễ quá, em không cần thêm đâu ạ, cảm ơn cô.”

Cô Quyên tức tối hít một hơi bốc bài rồi ném ra, “Một sọc.”

Mao Đình Đình khẽ hỏi: “Đến lượt chị cơ mà?”

Cô Quyên tức thì đập bàn sẵng giọng, “Đến lượt chị thì chị bốc đi! Tôi bỏ lại vào là được chứ gì!”

Vương Oanh Oanh lớn tiếng, “Một sọc không bỏ lại được! Tôi ù rồi!”

Ngưu Đại Điền rú lên, “Cái đệt! Nhất định phải bỏ lại! Bà già có ba quân hoa! Chết người ta còn gì!”

Thấy bốn người xúm lại cãi vã, Lưu Thập Tam rón rén lỉnh đi, chạy đến chỗ xe đạp. Tốt thôi, họ xoa mạt chược ở khoảnh ruộng xa tít, còn nó sẽ bước vào lãnh địa của tri thức, làm một hoàng tử phong độ huy hoàng.

“Tôi đổi thành chín sọc vậy!”

“Chín sọc cũng ù! Chung tiền chung tiền đi!”

Lưu Thập Tam ra đến bờ ruộng thì nghe tiếng bà ngoại gọi giật sau lưng, “Đứng lại! Bà về với mày!”

Lưu Thập Tam ngoái lại, thấy mọi người dưới ruộng đã giải tán, cô Quyên đập bàn gọi với, “Không được đi, vừa thắng đừng hòng chạy!” Ngưu Đại Điền mải miết vớt gì đó trong bát mì của những người kia, còn Mao Đình Đình đang bận ngẫm nghĩ, “Vô lý thật, sao lại có đến năm quân chín sọc?”

Vương Oanh Oanh chạy vụt qua Lưu Thập Tam, nhảy lên máy kéo, khói đen tức thì phụt ra mù mịt, “Bà đến đằng trước đợi mày, mày mau đi cướp bàn đi.”

Dứt lời, máy kéo đã xình xịch lăn bánh.

Khi Lưu Thập Tam đội bàn lếch thếch nhảy lên máy kéo, rồi lôi xe đạp vào thùng xe, nền trời đã ngả màu lam nhạt, rặng núi đằng xa nhìn như than vẽ lông mày, phóng mắt nhìn qua con đường mòn tối đen như mực, có thể thấy thị trấn lũ lượt sáng đèn, khói bếp hun đỏ ráng chiều.

“Sao bà lại về với con?”

“Trời tối sao nhìn rõ bài nữa.”

“Vớ vẩn, giờ con vẫn đọc được sách học đấy thôi.”

Lưu Thập Tam ngồi trong thùng xe, gắng giữ thăng bằng, cặm cụi làm bài trên chiếc bàn nhỏ.

“Mày chưa có gì vào bụng hả, rau diếp xào thịt, ăn không?”

“Bà lái cho vững vào!” Lưu Thập Tam run tay, hình tam giác vẽ nguệch thành hình trái tim.

“Mày yên tâm đê, trước đây bà là ba đảm đang đấy.” Vương Oanh Oanh cười phá lên, giậm mạnh hai chân, chiếc máy kéo lồng lên như một con bò rừng.

Lưu Thập Tam choáng váng đầu óc, mơ màng trông thấy sao trời lần lượt hiện ra sau màn mây, còn tưởng là ảo giác mà mấy quyển sách giải trí hay nói. Ảo giác cũng được, nằm mơ cũng tốt, miễn là thoát khỏi thực tại.

Sẽ có một ngày nó quên đi cảm giác đặt chân lên nền đất, quên đi những cây cỏ phất phơ lúc này. Bởi nó sẽ phải chăm chỉ học hành theo kế hoạch, ba năm cấp hai, ba năm cấp ba, rồi đỗ vào Bắc Đại, Thanh Hoa, đến thành phố lớn mà mẹ nói.

Nó muốn xem xem thành phố lớn ấy có thực đẹp hơn cả gốc đào trong sân, đẹp đến nỗi đi rồi không muốn quay về nữa không.

Nhưng giờ đây, kỳ nghỉ hè đã bắt đầu. Mấy hôm nữa, Lưu Thập Tam sẽ gặp một cô bé, tên Trình Sương.

Tố Hinh dịch

[1] Tác phẩm phê bình văn học của học giả Vương Quốc Duy.

Chấm sao chút:

Đã có 1 người chấm, trung bình 5 sao.

Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3

Người góp chữ

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*