(Bài viết thuộc Zzz Review số 5, 20-4-2019)
Đọc Trần Vũ, có thể thâu gọn: Các miêu tả ân ái lem nhem vớ vẩn, thích làm layer ở mấy chuyện dục tình lesbian, viết cứ như cài cắm tình tiết để twist, đọc như văn chương trường lớp, làm những mô tả đó chưa bao giờ lấn được vào siêu thực mà chỉ gây cảm giác kinh hoàng. Văn chương ấy thể hiện rõ ràng nhà văn không giàu nội lực mà chỉ có giận dữ. Ngôn ngữ Trần Vũ dùng là một món cơm sống sít của một nhà văn tỏ vẻ phong phú và linh hoạt. Trần Vũ chơi với kitsch mà đổ rạp về phía kitsch.
Tên truyện ngắn mở đầu và cũng là tên của tập truyện Phép tính của một nho sĩ của nhà văn Trần Vũ, xác định công thức, khuôn lại một giọng điệu, sẵn một cái nhìn cả chín truyện ngắn, một tuyển tập nho nhỏ gồm những truyện đã rất nổi tiếng một thời như “Cái chết sau quá khứ”, “Ngôi nhà sau lưng Văn Miếu”. Các truyện ngắn trải dài trong không gian và thời gian, từ những nhân vật lịch sử trong gia phả nhà Trần sống quần cư cho đến pá Hổi người đàn ông gốc Ba Tàu lai Miên làm mắm ở Hàm Ninh; từ nho sĩ tên An, thầy học nổi tiếng của thế kỉ 14 đến nhà văn tên Th nổi tiếng của thế kỉ 20, từ mảnh đất Nhã Nam trở thành một thực thể hư cấu đến Santorini lập lờ trong sương mù cổ đại và thần thoại. Và những truyện ngắn ấy rặt toàn những pha gay cấn đến rợn người với những nam nhân sở hữu những sức mạnh khủng khiếp và đàn bà, rất nhiều đàn bà đẹp gai góc với những khoái cảm khổ dâm, họ là những quân cờ trong chiêu bài hư cấu lịch sử kì dị lấn quấn cảm thức tàn lụi, chập chờn ẩn dụ trong một thứ văn chương kitsch.
Không-thời gian của tập truyện đặc quánh, khác thường, như bày cảnh trí sân khấu, định khung sàn diễn: “Vũ trụ là những thời quán, mà mỗi thời quán dài ngắn tuỳ theo kí ức. Kiếp ma vô tận nên tôi đầy kí ức” (trang 11), hình tượng trung tâm: “Mỗi dòng sông ở đầu thế kỉ 13 mang một vẻ đẹp riêng, nhưng dòng sông Thao mang vẻ đẹp của đất nước” (trang 23), tông màu: “Biển ở Hy xanh thẫm. Xanh như không phải biển mà thượng đế đã đổ sơn chung quanh hải đảo” (trang 181), các lớp diễn: “Hột mưa nặng như có huyết, nhiểu xuống da buốt xương tuỷ. Thời gian bỗng ngừng lại ở làng Sình, dài thậm thượt, lê thê… Mỗi khắc mưa là một niên kỷ, đợi cho hạt mưa bám ở mái rỏ xuống sân, mất từng canh” (trang 59). Sân khấu tạo ra một thế giới, một vũ trụ biệt lập, hai “cánh gà” của nó cho phép quá khứ đi vào một bên, tương lai đi vào từ phía bên kia, gặp nhau ở thời khắc hiện tại với phông nền giàu sức biểu tượng, nặng nề mà dễ vụn vỡ bởi các chiều thời gian, trung tâm sân khấu là các nhân vật và những hình tượng kì vĩ có khả năng cứ lớn lên mãi như sau một tấn kịch rực rỡ, như vũ trụ sau một vụ bigbang.
Trên nền sân khấu biểu tượng hiểm trở là bi kịch cao độ, Trần Vũ vận dụng tham chiếu các mô-típ bi kịch Hi Lạp cổ đại với hai động lực là Thần Ái Tình và Thần Chết/Thần chiến tranh: kịch tính nảy lên trong các quan hệ loạn luân (trong các truyện như “Gia phả”, “Cái chết sau quá khứ”), con đấu tố cha mẹ (“Cái chết sau quá khứ”), sự phản bội (“Phố cổ Hội An”, “Trưa nắng Hàm Ninh”) và bi kịch lớn nhất là miểng chai quá khứ, cắt vào da thịt làm lịch sử phải rỉ thứ máu độc, các nhân vật khiêu khích cái thiêng và lịch sử bằng quan hệ tình dục trước bàn thờ tổ tiển, trong Chùa và bằng tình dục để nhìn vào lịch sử máu me, nhịp ái ân là nhịp chiến trận: “Chuyện của Loan với Lữ, mỗi ngày trở nên thác loạn, Như lịch sử bước đến giai đoạn phải tàn sát không đừng được…” (“Phố cổ Hội An” – trang 177). Truyện ngắn “Gia phả” mang tính sân khấu đậm nét, tóm gọn lịch sử vài trăm năm của một gia tộc, một triều đại lớn trong hai chục trang qua giọng kể của U Đào, Gia Sư, và Thiếu Đế, những nhân vật yếu ớt sống bên cạnh những hình tượng kì vĩ thay đổi lịch sử; tác giả dựng lên tấn kịch hời hợt, bằng máu pha trộn nước mắt trong ngày Trần Thị ra đời, rồi thì những vuốt ve của phụ nữ với nhau trước bàn thờ tổ tiên mơn trớn những cái nhìn của người đã khuất (mơn trớn cả những nữ văn sĩ Việt Nam một thời), cương cứng lên bằng màn bạo hành của Thủ Độ (tại sao là Thủ Độ mà không phải là Trần Thủ Độ) với Trần Thị, và xẹp lép với cảnh tù giam lỏng của Thiếu Đế, sống mà nơm nớp lo sợ bị thủ tiêu. Kết thúc tấn kịch, Thiếu Đế lẽ ra là nhân vật rất hay, kẻ thất bại được số phận lựa chọn, hiện thân cho hưng thịnh suy vong tất yếu của bất kì triều đại nào, vì thế, khái quát, nhưng tác giả lại dàn dựng sơ sài cái kết thúc tráng lệ ấy, bằng nghi tục của các vua Trần về ở phủ Thiên Trường, đứng soi rọi mình trước “Cả một bức tường khổng lồ soi ánh trăng sáng như một trụ tháp ngà dát bạc” (trang 41), nghi tục đặc âm tính, một chi tiết hư cấu lịch sử đi ngược lại huyền thoại đầy nam tính của gia tộc nhà Trần. Thiếu Đế cảm thấy “… máu như thông chảy trong cơ thể, sảng khoái, rã rượi, ngọt lịm như say, toàn thân tôi vẫn ngồi yên trong ngai mà như đang ân ái với nhiều cung nữ, với Chiêu Thánh, với Thuận Thiên, với Linh Từ Quốc Mẫu” (trang 42) không khác gì một màn kích dục, cách nhìn của tác giả thì thâm sâu, sẵn sàng một giọng điệu khiêu khích, giễu nhại mà không sao tạo ra được một tiếng cười cay đắng hay một cái giật mình trống vắng trước điểm mù của lịch sử. Lịch sử đầy những hố chông cạm bẫy, lịch sử từ quan điểm người thắng cuộc là tường thành, hư cấu lịch sử không phải bạ gì viết nấy, viết không khéo dễ đào sâu cho lịch sử một hào sâu định kiến.
Đến truyện ngắn “Nhã Nam”, nhân vật tôi, là nhà văn Trần Vũ, vào vai Ulysses trở về Nhã Nam, với ấn tượng “Năm trước về, tôi ấn tượng trở về quá khứ, năm nay bước vào tương lai. Quá khứ hung bạo và tương lai hung bạo” (trang 88). Ulysses của thời hiện đại, Ulysses đã tha hoá, nhiễm phép thuật của Calypso, bóp méo địa lý, thời gian, Ulysses bé tẹo teo chui ra chui vào chiếc bình Nhã Nam, mỗi lần trở về dẫu ngắn ngủi nhưng lại sống trong nhiều lớp thời gian cùng một lúc với Nguyễn Ứng Long, Nguyễn Trãi hay cụ Đán rồi lướt qua những trận đánh của máu me được dựng lại trong hình thức kịch. Chỉ khi ở trong chiếc bình Nhã Nam, nhân vật tôi thoắt ở Tây Bắc rồi lộn về Guns n’ Roses, thoả thuê vùng vẫy trong cái cường tráng vùng nhiệt đới rồi lại ngụp lặn trong mặc cảm người ngoài, càng cố hiểu thực tại càng bé nhỏ. Ulysses muốn trình bày thực tại theo cách mình muốn, không phải theo cách nó đang xảy ra.
Đọc từng truyện ngắn, quan sát cách các nhân vật của Trần Vũ đứng trên sàn diễn, ta thấy họ hao hao giống nhau, bị giật dây bởi một ngòi bút hung bạo thách thức nhưng đơn điệu trong cách cường điệu. Lão Chu của “Cái chết sau quá khứ” hay pá Hổi của “Trưa nắng Hàm Ninh”, hai gã đàn ông cô đơn, lỳ lợm, đau căn bệnh cuộc đời, cuộc đời là cái đẹp khó giữ gìn của người đàn bà khiến Lão Chu vác rựa rượt thằng Hiểm chạy băng đồng, dù nó trêu Ngự chưa quá hai câu; pá Hổi ghen tuông cắt xoén những sợi tóc chế Minh, khi thấy nó bị xúc phạm. Cuộc đời trêu đùa sự bất lực của hai gã đàn ông, họ vẽ lại cuộc đời, vẽ lại những vọng tưởng xa xôi, với lão Chu là Chúa của Người Lạ, với pá Hổi là thứ nước mắm tinh tuyền thuộc về kí ức. Lịch sử chỉ tuyền bày ra những thứ trớ trêu kìm kẹp, ước vọng của họ cũng lạc thời hệt như nhà Nho tiết tháo. Bên cạnh đấy là những nhân vật người chồng, lạt lẽo trong tình cảm, ngây ngô đến ngu muội trong cách hành xử và cái tên cũng âm vang giống nhau: Dực và Dần, được cài đặt trong vở kịch một cách ơ hờ, lộ liễu.
Xếp ba truyện “Ngôi nhà sau lưng Văn Miếu”, “Trưa nắng Hàm Ninh”, “Phố cổ Hội An” là xếp cạnh nhau ba người đàn bà bị mắc kẹt, trong dục vọng và trong lịch sử. Nụ mắc kẹt trong sự phản bội và bị phản bội, đi không được, ở cũng không xong, Nụ rơi vào nỗi ô nhục vô thừa nhận, tuồng kịch của Nụ trơ ra những cảm giác tủn mủn. Chế Minh mắc kẹt trong hôn nhân lạt lẽo ra đi để lại rối bời giữa hai người đàn ông mỗi người chỉ thoả mãn được một nửa những gì chế muốn, những thao túng vụng về của chế Minh bằng thân xác dìm tấn kịch xuống cảm giác húp cả hũ mắm mà không mặn. Loan, nhân vật của “Phố cổ Hội An”, loay hoay giữa những dòng thời gian, Loan say ngất, đắm chìm vào huyền sử từ môi Lữ độc thoại, chiến trận giữa tộc Sa Huỳnh và Chàm khát màu càng làm Loan khát tình, và ngược lại, trong cái ái tình khổ dâm giữa Loan và Lữ, người này dùng người kia như một vật tế thần để đằm mình lục lọi quá khứ hào hùng nhằm thoát ra khỏi mảnh đất Hội An đã nằm ở rìa thời gian.
Mỗi truyện ngắn của Trần Vũ là một màn kịch, có những xen đẩy kịch tính lên rất kịch như bàn tay của nhân vật “tôi len lén thả tay, chuồi mình dưới lớp chăn đay, cho bàn tay hoá con trăn trườn lên bụng Ngự… bốn con mắt ẩn trốn cặp mắt rình rập của lão Chu” (trang 46), kịch tính không thể sống sượng hơn của “Bàn tay Lữ như tiên đoán, thả xuống đùi Loan, dưới mặt bàn mơn mơn ở bắp đùi non nàng” (trang 174) trong mâm cơm có cả chồng và con Loan. Cách sắp đặt, châm ngòi cho những cảnh cao trào thường xuyên lạc điệu như xen mẹ Nụ đánh con ở vì tội theo trai, hay Loan trút giận vào con sen vì ám ảnh ánh mắt ngây ngô của nó. Những nhân vật, kịch tính lẫn vào nhau, độ căng trở thành một thứ căng cứng, bí khí vì lúc nào cũng ham muốn độc đáo, chẳng còn chỗ cho riêng tư nhân vật, lấy đâu ra cảm giác thanh tẩy, cảm giác cao độ của mọi bi kịch. Cả tập truyện là màn kịch sượng sùng của cuộc đương đầu giữa cá nhân với dòng lịch sử lớn khắc nghiệt, không một tình tiết nào, lịch sử hay hư cấu lịch sử, soi sáng dòng thời gian mù mịt quá vãng.
Văn chương Trần Vũ giàu cảm hứng, say mê dũng cảm như vào cuộc đi săn, cuộc đi săn vô hình của nhà văn An Nam, thợ săn vọng tưởng, áp đặt cho mình một luật chơi quá khắt khe, khiên cưỡng, trống giong cờ mở, sắp đặt cho con mồi cách chạy trốn dẫn đến kết cục cả hai, thợ săn và con mồi nhìn nhau ngơ ngác, chán chường.
Thương Tỉnh Ưu
Người góp chữ
Thương Tỉnh Ưu
Nội trợ.
Leave a Reply