Trần Vũ: Một thiếu quê hương

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi
Thời gian đọc: 17 phút

(Bài viết thuộc Zzz Review số 5, 20-4-2019)

Từ điểm nhìn nào đi chăng nữa, vị trí của Trần Vũ trong bản đồ văn chương Việt ngữ cũng bị che mờ bởi những cây viết cùng phong cách, lứa tuổi, thể loại ông lựa chọn và cuối cùng là những cộng đồng-nơi chốn nhà văn này từng lưu lạc. Sự mất kết nối của Vũ với từng mảnh đất lưu trú, bao nhóm người kề cạnh đến công việc mưu sinh cùng những dòng Việt ngữ đẹp đẽ nhưng lạc lõng được ông sử dụng trong ký, truyện ngắn cho đến các khảo cứu lịch sử khiến tác giả ấy… gần như không có chỗ đứng cụ thể trong một trào lưu văn học đáng kể nào. Bất kể, từ lâu, văn chương và con người Trần Vũ đã được thừa nhận hoặc phủ định bởi nhiều nhân vật nổi tiếng như Nguyễn Văn Trung, Thụy Khuê, Đoàn Cầm Thi, Nguyễn Huy Thiệp vv.

Sự có mặt của Trần Vũ tại Việt Nam vì vậy không thực sự ồn ào, khác xa ngày trở về của những áng văn chương lưu vong. Bởi lẽ, thứ người đọc cầm trên tay chỉ là một tập truyện ngắn mỏng (dù thực tế gia tài văn chương của Trần Vũ cũng nằm ở diện khiêm tốn) với nhan đề chẳng mấy bắt mắt Phép tính của một nho sĩ. Tấm bìa sách cùng đôi dòng giới thiệu tác giả – thứ mà một vài nhà phê bình Việt Nam từng vin vào để ca tụng tác phẩm… thực sự là một thảm họa. Những thông tin của biên tập viên của Nhà xuất bản Hội nhà văn và Nhã Nam khiến độc giả có cảm tưởng như mình sắp đọc sách từ một tay mơ: “Trần Vũ sinh 1962 tại Sài Gòn. Theo học tiểu học và trung học đệ nhất Lasan Taberd, học trực tiếp tại trường Bùi Thị Xuân và trường Lê Thị Hồng Gấm. Định cư tại Pháp từ tháng 12-1979. Tốt nghiệp cao đẳng tin học tại Lille. Làm phân tích viên điện toán, quản lý dự án tin học cho Liên hiệp Quốc gia Bảo hiểm Pháp (FNMF). Định cư tại Hoa Kỳ từ 2013.” Hình vẽ bìa đơn giản cùng sắc vàng sến súa gợi nhắc nhiều cuốn sách được thiết kế rất “quê kệch” khác từ Nhã Nam mà chỉ có tên tuổi của Nabokov, Modiano mới có thể cứu chúng khỏi những cửa hiệu sách đầy chật. Nhưng Trần Vũ không phải là một tác gia để được người đọc mặc định mua về như vậy.

Bi kịch của Trần Vũ nằm ở việc ông thường xuyên được dẫn tên trong các công trình nghiên cứu, luận án, luận văn về văn học Việt Nam ở hải ngoại, bất chấp thực tế là tác phẩm của ông… chậm được lưu hành trong nước theo một cách khó hiểu. Trong nhiều trường hợp, có cảm tưởng người ta buộc phải thêm tên Trần Vũ cho đầy đủ những gương mặt làm nên nền văn chương của người mang dòng máu Việt ở trời tây, hơn là việc đọc và cảm nhận những tác phẩm ông viết. Thật vậy, Trần Vũ đã phải chờ đợi để có cho mình một tấm vé gia nhập “sân khấu văn Việt” khi chẳng còn nhiều người viết lẫn người đọc đoái hoài đến chúng một cách tử tế. Ông xếp sau một danh sách dài những cây viết “lưu vong” lớn tuổi như Phạm Duy Khiêm, Võ Phiến, Dương Nghiễm Mậu, Nguyễn Thị Hoàng (trong một số case – tuổi già và cái chết đã giúp họ may mắn có mặt tại Việt Nam sớm hơn dự liệu). Ông chìm hẳn so với những nhà văn nữ hải ngoại cùng lứa như Đoàn Minh Phượng, Linda Lê, Thuận (thật bất hạnh khi văn chương của ông lại mượt mà và giàu tính nữ) vv. Ông cũng không có may mắn như Nguyễn Thanh Việt, Ocean Vương – những người dạo chơi làng văn nhưng gặt về nhiều giải thưởng lớn. Ông bị gán là thân cộng sản khi tham gia tạp chí Hợp Lưu, ngợi ca thứ văn chương của “gã đồ tể” Hoàng Phủ Ngọc Tường, đối kháng với các nhà văn thế hệ trước và sau này khi viết các tiểu luận kêu gọi canh tân đất nước, quân đội… Và còn nhiều tiếng oan nữa vv. Nhưng văn chương của Trần Vũ thực sự là gì? Người Việt Nam tại đất nước Việt Nam lại chỉ có thể đọc chúng một cách công khai vào cuối thập niên thứ hai ở thế kỷ này. Và phần nhiều trong số đó (đáng buồn thay) lại ít được các nhà phê bình nhắc đến khi nói về tên tuổi của Trần Vũ.

Dễ nhận thấy, Phép tính của một nho sĩ là một cuốn sách thiệt thòi, của một tác giả thiệt thòi đã xuất hiện trong giai đoạn mà thời sự văn học Việt Nam chẳng có gì đặc biệt. Nghệ sĩ Việt Nam dường như khoái cảm với việc tác phẩm của mình bị cấm, bị đình bản hơn quan tâm đến sự sống dù trầy trật của nó. Nhiều nhà văn bằng lòng với những diễn giải tác phẩm tối nghĩa, mang màu sắc ca tụng về những vấn đề vĩ mô mà chính cuốn sách của họ không hề đề cập, hơn là chấp nhận những sự đọc sâu, bình tĩnh và chiêm nghiệm từ phía người đọc. Số còn lại, những tác gia “gạo cội” từ Nguyễn Xuân Khánh, Nguyễn Huy Thiệp đến Tạ Duy Anh chịu thỏa hiệp với các đơn vị xuất bản khi những “đứa con lạc thời” của mình được tái xuất trên thị trường sách thêm lần nữa, bất chấp việc chúng chỉ là những tiểu thuyết, truyện ngắn ít giá trị khi bị tách khỏi bầu không khí thời sự tại thời điểm ra mắt.

Cụm từ “lần đầu tiên” truyện ngắn của Trần Vũ được in tại Việt Nam, do đó không còn nhiều ấn tượng khi tên ông đã được nhắc đến quá nhiều lần còn tác phẩm lại xuất hiện theo cách im hơi, lặng tiếng nhất. Song cũng vì lẽ đó, người đọc không phải đọc Trần Vũ trong tâm thế của một người dân đứng trước “bộ áo choàng” của hoàng đế. Sự “vô hình” của Trần Vũ cùng sự vắng mặt của những tác phẩm làm nên tên tuổi ông biến việc đọc Phép tính của một nho sĩ trở nên thoải mái và nhẹ nhàng. Độc giả được phép bỏ qua gợi ý từ việc “đọc tôi” trong văn Trần Vũ từ các nhà phê bình, nghiên cứu văn chương xuất sắc như Đoàn Cầm Thi, Thụy Khuê hay Nguyễn Văn Trung, những ngợi ca và miệt thị về ông trên diễn đàn talawas hay Tienve. Việc lấy tên truyện ngắn Phép tính của một nho sĩ thay vì Ngôi nhà sau lưng Văn Miếu dù vô tình hay hữu ý cũng đẩy người đọc vào một cuộc thí nghiệm kỳ quặc tựa trường hợp cho sinh viên nhạc viện phân biệt các sáng tác giữa Beethoven và máy tính. Thế nhưng, trong trường hợp của người viết bài điểm sách này có vẻ như thí nghiệm ấy đã thành công.

Phép tính của một nho sĩ gồm chín truyện ngắn với bối cảnh lịch sử có biên độ kéo dài tới cả ngàn năm (!), từ thế kỷ thứ XII đến thế kỷ XX. Sự khác biệt về mặt thời gian trong từng truyện ngắn phần nào biểu hiện sự cắt ghép, chọn lọc mang tính khiên cưỡng của tác giả lẫn biên tập viên. Nhưng ở khía cạnh khác, chúng cũng cho thấy mối quan tâm đặc biệt của Trần Vũ với lịch sử Việt Nam. Đó là một điều kỳ lạ, nếu không muốn nói là kỳ quặc từ một nhà văn “thiếu quê hương” như Trần Vũ. Thực vậy, cái sơ yếu lý lịch sơ sài của tập sách vẫn không giấu nổi một thực tế: Trần Vũ là một con người lang bạt. Ông sinh ra tại Sài Gòn, trưởng thành và làm việc tại Pháp, rồi Hoa Kỳ. Tác phẩm ký Hiệp hội tương tế Bắc Việt nghĩa trang cung cấp thêm những chi tiết nhân thân phức tạp khác: Trần Vũ là người gốc Hoa, định cư tại Bắc kỳ, di cư vào Nam. Cuộc đời Trần Vũ phần nào gợi nhớ ra những nhà văn gốc Trung Quốc khác từ Hồ Dzếnh đến Lý Lan, tuy nhiên xét trên phương diện nào thì thái độ lựa chọn từ quốc tịch, chính trị, văn chương, chủ đề tác phẩm đến ngôn ngữ viết của ông đều phức tạp hơn nhiều lần so với những cây viết “chính thống” trên. Vô hình trung, sự “lưu vong căn tính” này cũng khiến chủ đề lịch sử và ngôn ngữ Việt mà Trần Vũ sử dụng trong tác phẩm của mình trở thành “nhạy cảm”, đặc biệt là trong những thử nghiệm sáng tạo, đặt mình vào vị thế “bên thắng cuộc” như truyện ngắn “Bên trong pháo đài”. Song Phép tính của một nho sĩ mới chỉ trưng ra một Trần Vũ nhẹ nhàng và tinh tế, phần nào gợi nhắc những truyện ngắn của nhà văn quá cố Hòa Vang hay một nữ nhà văn mà giờ này ít người điểm tên bà trên diễn đàn nghệ thuật là Trần Thùy Mai.

Dĩ nhiên, những nhận xét, so sánh nêu trên có phần khập khiễng. Nhưng sự thật là vậy, thái độ cảnh giác của tác giả, NXB Hội nhà văn đến các biên tập viên cho cuốn sách đã khiến Phép tính của một nho sĩ phô ra những nét dịu dàng, mướt mải, thậm chí là hơi sến của Trần Vũ. Ở chiều ngược lại, chín truyện ngắn (đa phần là truyện ngắn lịch sử) với một lối viết truyền thống, không quá nặng các yếu tố kỳ ảo đem lại sự khác biệt của Trần Vũ so với các tác giả trẻ đương đại như Đinh Phương hay Kim Hòa dù họ cùng thể nghiệm trong một thể tài “nóng”. Không chỉ vậy, sức hấp dẫn của tập truyện ngắn nằm trong chính thứ mỹ học cổ kính, nhưng ít người quan tâm trong văn chương hiện đại: số phận của cái đẹp, hay chính xác hơn là bi kịch của cái đẹp. Trong 9 truyện ngắn dù lấy bối cảnh lịch sử hay hiện đại, cái đẹp vẫn là thứ Trần Vũ khát khao tìm kiếm, ngợi ca, hủy diệt rồi xót thương cùng cực. Trong “Phép tính của một nho sĩ”, hai con yêu quái trong truyền thuyết, cổ tích Việt Nam bỗng chốc được Trần Vũ hình tượng hóa thành hai linh hồn thiếu niên ngây thơ và thanh sạch. Nhưng chúng vẫn chỉ là hình ảnh minh họa cho người thầy vĩ đại Chu An. “Gia phả” còn đi xa hơn khi tuyệt đối hóa vẻ đẹp hình thể của nhân vật phản diện Trần Thủ Độ bằng đoạn văn mô tả trần trụi “Độ sớm phát triển cơ thể. Bắp tay nở nang, bả vai đồ sộ. Phóng đao, đâm giáo, dùng đoản côn, tráng đinh khắp làng Tức Mặc, không ai hơn Độ. Sự phát triển của cơ thể chỉ đưa đến gia tăng tính dục. Độ mạnh về đường sinh lý, những chiều đi tập võ về, Độ thường cởi trần trùng trục, đứng trần truồng khoe thân trước đám thôn nữ. Ai không muốn cho xem, Độ cho tiền bắt xem. Ai bỏ chạy, Độ rượt theo đánh.”

Cái đẹp trong tập truyện ngắn của Trần Vũ dường như sinh ra để úa tàn. Nó quá thuần khiết hoặc man dại để duy trì một sự trường tồn, ổn định. Nó mang thiên hướng tự hủy ngay từ khi mới hé nụ. Sự đày đọa cái đẹp trong hình dung của Trần Vũ được biểu hiện qua những lời nguyền, giao kèo, đính ước vv. mà thực tế chính là một hệ thống hủ tục, giáo điều. Trong “Gia phả”, Trần Thị – người con gái đẹp nhất của nhà Trần sinh ra chỉ để trở thành một sinh vật hiến tế cho các cuộc mua bán quyền lực. Bởi vậy, sự trưởng thành đồng hành với nỗi sợ cứ lớn lên trong thân thể nàng. Bức tường nhà Trần – một gia phả vô hình cũng là một nhà giam, tách biệt người con gái này với tình yêu trần thế. Trong “Cái chết sau quá khứ”, Ngự chỉ có thể yêu đàn bà. Nàng mãi mãi không thể trở thành một người đàn bà thực thụ khi chỉ là một trinh nữ dẫu có bước từ ngôi nhà của lão Chu đến cung điện của bậc đế vương. Thực tế, bao khắp những truyện ngắn còn lại trong Phép tính của một nho sĩ, nhà tù đã được dựng lên để bao vây, biệt lập, kiềm tỏa cái đẹp dẫu đôi khi nó được mô tả như một hòn đảo lãng mạn (“Cuộc săn thú vô hình của nhà văn An Nam”), trên miền đất ngoại quốc (“Cánh đồng mùa gặt khô”) hay căn nhà cũ với nền nếp gia phong của mệ Thủy (“Phố cổ Hội An”). Những ngục tù giăng khắp chín truyện ngắn khiến người đọc không khỏi liên tưởng phải chăng đối với Trần Vũ “cái đẹp” phải bị cầm tù. Trong truyện ngắn “Phép tính của một nho sĩ”, “Nhã Nam” hay “Cái chết sau quá khứ”, vẻ đẹp của Trần Vũ dường như còn thoát ra khỏi những hình tượng con người, trở thành khí chất của một quốc gia. Trong thế liên tưởng ấy, những ngục tù cũng hóa thành những mưu đồ của đế quốc. Khi đọc “Cái chết sau quá khứ”, người đọc cảm nhận rằng ba người con gái Ngự, Ngọc Trản và cô gái xưng tôi là tượng trưng cho ba miền Trung Kỳ, Nam Kỳ, Bắc Kỳ. Lão Chu – một người đàn ông tưởng chừng bất tử chính là hiện thân của chủ nhân cái vương quốc còm cõi xoay quanh ba người con gái này. Hắn chạy theo, bị giằng xé giữa các cuộc chiến tranh để giành lấy một sự vương giả, phú quý trường tồn tưởng tượng. Hắn bán đứng từng người phụ nữ một cho những tham vọng viển vông của mình. Hắn bám chân phong kiến, đế quốc xong rút cục… phải chịu chết khi những tham vọng lần lượt đổ vỡ. Cái chết của lão Chu cùng thân phận của ba người con gái cũng là thân phận của xứ sở này sau hoang tưởng được các thế lực linh thiêng, bên ngoài cứu chuộc. Tất nhiên, Trần Vũ không viết một dòng nào về điều này. Ông chỉ viết một văn bản rõ ràng hơn về cuộc cách mạng bị phản bội qua “Ngôi nhà sau lưng Văn Miếu”. Trong đó, nhân vật trung tâm tác phẩm cô Nụ/Nhài vĩnh viễn là một kẻ đi ở bất kể cô sống dưới một chế độ nào, theo cuộc cách mạng nào, tôn thờ hay hủy hoại giá trị nào. Đơn giản vì trong đầu cô luôn mang sẵn một não trạng nô lệ, thân phận con ở cùng với sự lệ thuộc. Đó chính là lý do cô trở về và nhận lại sự ghẻ lạnh của gia đình, mãi mãi không thoát khỏi sự vặn xoắn của thời gian. Chín truyện ngắn của Trần Vũ lờ mờ cho người đọc hình dung ra những nội dung như vậy. Trong mắt của kẻ “thiếu quê hương” như Trần Vũ, rõ ràng Việt Nam một cái đẹp bị tù hãm, là thứ ông không thể chạm vào. Ông sử dụng truyện ngắn để tái tạo những hình dung ấy, nhưng rồi cũng chính ông giam giữ và hủy hoại cái đẹp ấy bằng các kết thúc khiên cưỡng.

Cũng chính vì lẽ đó, so với các tập truyện ngắn mang nặng “hơi thở cuộc sống”, nội dung từ Phép tính của một nho sĩ có phần hơi đơn điệu. Chưa kể, sự xơ cứng trong việc tạo ra những cái kết đột ngột khiến bản thân người đọc cảm thấy hụt hẫng, thay vì bất ngờ vì tính độc đáo từ chúng. “Phép tính của một nho sĩ” – truyện ngắn được lấy tên làm nhan đề của tập sách có thể xem như thí dụ của phong cách nêu trên. Cũng như Hòa Vang, Nguyễn Huy Thiệp vv, Trần Vũ đã viết nên một truyện “cổ tích” mới xoay quanh tích truyện “Đầm Mực” hay người học trò thủy thần của Chu Văn An. Thế nhưng, so với tác phẩm của những nhà văn được nêu tên, “Phép tính của một nho sĩ” chưa thể đạt đến tầm vóc của một truyện ngắn xuất sắc bất chấp những đoạn miêu tả rườm rà, ma mị: “Tôi với Tiểu Khanh chết đi ở giấc canh khuya, khi mặt sông đã hóa bùn và nước sông đã đặc tóc. Song tóc Tiểu Khanh làm sông Tô Lịch chảy mềm mại và từ bấy mang màu tóc Tiểu Khanh. Sông xanh tóc con gái ước mơ và kiên nhẫn (…) Chết, khi tuổi trẻ ngập kín hồn là tuyệt phúc. Vì chết mà nụ cười vẫn tươi. Còn mang hồn nhiên thánh thoát. Tôi nói Tiểu Khanh đừng ngại chết. Tiểu Khanh biết tôi nói dối. Vì chết khi chưa kịp sống, là chết oan. Tiểu Khanh hiểu mà vẫn thương lời nói dối. Chết đi không than trách. Sử Giao Châu không chép, nhưng tôi mang ánh mắt của Tiểu Khanh xuống tuyền đài. Ánh mắt còn chứa chan tình yêu đất này và lấp lánh niềm hoài cảm.” Những chi tiết mở đầu ấn tượng của Trần Vũ về một thiên sử mà Lĩnh Nam chích quái, Việt điện u linh tập về thần tích Tô Lịch cho đến những sự tích dân gian đã mặc nhiên bỏ qua tưởng chừng hé lộ ra một câu chuyện kỳ ảo hấp dẫn. Tuy nhiên, rút cục hai con ma dai ấy mãi mãi vẫn chỉ là nhân vật phụ, làm nền cho hình tượng Chu An vĩ đại và cô đơn. Không thể phủ nhận, “Phép tính của một nho sĩ” là một truyện ngắn giễu nhại khéo léo khi tạo ra những tình huống gây tranh cãi cho người đọc. Trong đó, tình tiết hay nhất của tác phẩm nằm ở sự bất lực, yếu đuối của nhân vật “tôi” và Tiểu Khanh trong việc can thiệp, giúp đỡ người thầy của mình chống lại nạn tham quan đang nổi lên giữa triều đình nhà Trần. Sự yếu đuối và hồn nhiên của loài quỷ thần trong một thế giới liêu trai khiến cho con mắt thấu thị của Chu An phút chốc trở nên một siêu năng lực vô dụng. Dẫu thế, “sáng tạo lịch sử” trong “Phép tính của một nho sĩ” không ảnh hưởng nhiều đến việc mô tả, ngợi ca nhân vật Chu Văn An: “Quốc gia ở tính nhân, ở lòng chính trực. Lấy một thân thầy chống với thói gian tà, lấy một thân thầy cảnh cáo lương tri quốc dân. Thầy hiểu lượng vàng mua chuộc, bồ thóc nhấn chìm, chính vì vậy phải lấy một con người với hai tay trắng để chống với đám đông gậy gộc, để sự can đảm tăng thêm can đảm, để sự tự tin, và chân lý càng thêm sáng”. Để tăng phần ấn tượng cho sự ngợi ca Chu Văn An, Trần Vũ (một phân tích viên điện toán) không quên tạo ra một công thức: Lim (Ct)Tg = ∞. Việc tạo ra một công thức gán cho Chu An đồng nghĩa với việc Trần Vũ khẳng định đây là một truyện “giả sử”. Hơn thế nữa, đó có thể là một sự giả định về việc tồn tại một ý chí Chu An bất diệt, được nối tiếp trong thân xác một gã nhân viên điện toán viết văn, hoặc tệ hơn là ngầm thông báo về một thế giới – nơi hồn ma tiếp tục tồn tại lẫn lộn với người sống.

Thực vậy, cái kết dở tệ từ “Phép tính của một nho sĩ” vô tình báo hiệu một thế giới kỳ ảo trong tập truyện ngắn của Trần Vũ (không những vậy thế giới này còn tồn tại trong nhiều truyện ngắn, truyện vừa, truyện dài nổi tiếng khác của tác giả). Đó là một thế giới phi tuyến tính về thời gian lẫn không gian. Thậm chí, đó là một thế giới đan xen giữa các văn bản lịch sử và văn bản tiểu thuyết, hay nói chính xác hơn Trần Vũ cố gắng tạo ra một không gian đa chiều và không có giới hạn. Những đoạn văn trong “Gia phả”, “Cái chết sau quá khứ”, “Nhã Nam”, “Ngôi nhà sau lưng Văn Miếu”, “Cuộc săn thú vô hình của nhà văn An Nam”, dù không nhiều, nhưng cũng kịp hé lộ ra thế giới quan linh dị trong văn chương Trần Vũ. “Gia phả” – truyện ngắn thứ hai trong tập sách làm nhiều người đọc phải bất ngờ, không chỉ bởi những chi tiết tình dục bạo liệt mà còn bởi sự tương đồng đến kì lạ với “Bóng đè”truyện ngắn làm mưa làm gió trên diễn đàn văn chương Việt Nam một giai đoạn dài, đồng thời làm nên tên tuổi của Đỗ Hoàng Diệu. Mặc dù vậy, chúng ta sẽ nói về hai thầy trò này và sự gần gũi của những truyện ngắn được họ sáng tác vào một thời điểm khác. Quay trở lại “Gia phả”, truyện ngắn này thực sự khiến người đọc phải chú ý bởi một sinh vật trong thân xác loài người – U Đào. Bằng một lời nguyền hoặc phép thuật nhiệm màu nào đó, người con gái này đã làm một thực thể siêu hình hầu hạ cho dòng tộc nhà Trần, từ khi họ chân ướt chân ráo trên miền đất Việt cho đến khi suy tàn. Cuộc sống thầm lặng và kéo dài vô tận của Đào giống như Trần Vũ mô tả “thứ ánh sáng huyễn mộng đó đến từ hào quang quá khứ”. Chính U Đào cùng bức tường gia phả “sừng sững vĩ đại, bên trên khắc chi chít tên tuổi của những người trong tộc Trần, cùng những chiến công lừng lẫy” mới chính là những chi tiết đặc sắc của truyện ngắn này. Bởi lẽ, giống như U Đào, bức tường này cũng là một không gian “sống” đặc biệt khi lưu trú biết bao linh hồn người nhà Trần. Đó là một thế giới “quỷ thần” mà những người tộc Trần từng cầu viện thông qua hình thức hiến tế kỳ lạ “loạn luân” mà biểu hiện chính là cuộc hãm hiếp của Trần Thủ Độ với Trần Thị. Song rút cục, thế giới ấy cũng phải chứng kiến người cuối cùng của dòng họ Trần chết trong sự cô đơn và kết thúc câu chuyện.

Thế giới huyền ảo xuyên không gian và lịch sử của Trần Vũ được thể hiện rõ nhất trong “Ngôi nhà sau lưng Văn Miếu”, mặc dù “Cái chết sau quá khứ” lẽ ra mới là nhan đề hợp lý cho truyện ngắn này. Thời gian trong “Ngôi nhà sau lưng Văn Miếu” đã được Trần Vũ vặn xoắn theo cách thức ít ai ngờ nhất, giúp cho nhân vật chính Nhài gặp lại, sống thêm một lần nữa trong cái gia đình mà cô từng đang tâm rời bỏ, bức hại. Tuy nhiên, cũng có thể thấy sự vặn xoắn thời gian trong truyện ngắn này gần như là một sự không cần thiết. Bởi lẽ chính những nội dung mà nó miêu tả, một nếp nhà hay quan trọng hơn là một gia đình đẹp đẽ đã bị phá hoại bởi người con gái nuôi (vốn thuộc về một giai cấp khác) đã là nguyên liệu đầy đủ giúp “Ngôi nhà sau lưng Văn Miếu” thành một khối “drama” hấp dẫn độc giả. Dẫu vậy, như đã đề cập, truyện ngắn này cũng là một chỉ dấu về những tác phẩm chúng ta “chưa bao giờ đọc” của Trần Vũ.

“Cuộc săn thú vô hình của nhà văn An Nam” cung cấp cho chúng ta một văn bản gần gũi hơn với “Giáo sĩ” và “Giấc mơ thổ”. Dẫu nói đi nói lại, truyện ngắn này không thực sự hấp dẫn khi nội dung của nó đã sa vào những hình thức ẩn dụ khô cứng của dòng văn học phi lý. Nhóm “thợ săn” văn chương đến từ một chế độ đã bị khai tử, một miền đất không chỉ bị đổi tên mà còn mất đi cả những truyền thống văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng – An Nam. Họ đến Hy – một phế đô văn minh nhân loại tìm cho mình những cảm hứng sáng tác văn chương để rồi mắc cạn trong cái bẫy tình dục hoặc chạy theo lối mòn mà những hồn ma nghệ sĩ bỏ lại. Mặc dầu vậy, sự xuất hiện của Garcia hay Ernest – hai nhân vật kỳ quặc gợi nhớ đến hai văn hào García Márquez và Ernest Hemingway khiến người đọc hứng thú. Bởi lẽ, thay vì tạo ra những trò chuyện tưởng tượng hay xuyên không giữa các nhà văn với nhau trong một salon văn học sang trọng, Trần Vũ tạo ra hai “kẻ phu chữ” tầm thường với sự giấu diếm ngón nghề đầy bí hiểm và tăm tối. Việc tạo ra một cuộc săn đuổi hấp dẫn giữa đám nhà văn Việt với “hai con mồi” tưởng tượng cũng là sự chế giễu về những kẻ bế tắc, học đòi cách viết “văn Tây”. Không khó nhận ra những con người thật được Trần Vũ nhắc đến trong “Cuộc săn thú vô hình của nhà văn An Nam” và “Nhã Nam”. Nhưng ông không gọi tên họ bằng sự khinh miệt mà thay vào đó là một niềm cảm thông sâu sắc với sự bí bách của những kẻ tìm đường, nhưng luôn bị ngăn trở bởi rào luật vô hình.

Như vậy, nét độc đáo từ Phép tính của một nho sĩ nằm ở việc cuốn sách khiến người đọc có cảm giác luyến tiếc về… những tác phẩm chưa “được xuất bản tại Việt Nam” của Trần Vũ. Nó hé lộ ra những chân trời bị kiểm duyệt mà người đọc buộc phải vượt qua những tường lửa, tiếp xúc chúng một cách vụng về trong miền văn chương “không biên giới nào đó”. Sự chắp ghép rời rạc của tập sách bắt buộc người đọc phải chạy theo các chỉ dấu, sắp xếp chúng theo một trật tự có logic, đưa ra nhận định và hoài vọng về một tư tưởng… đôi khi chính tác giả cũng không lường đến. Trong “chiếc bình của Nhã Nam”, truyện ngắn Trần Vũ đã đến Việt Nam theo một cách kỳ quặc và đánh đố người đọc như vậy. Nhưng xét cho cùng, sự hiện thân của Trần Vũ và tác phẩm của ông đã luôn vô lý và bất an rồi. Nó thể hiện ngay trong sự bảo thủ của nhà văn này khi chỉ viết bằng tiếng Việt, bất chấp việc ông là người gốc Hoa, sinh sống tại Pháp rồi Hoa Kỳ. Nó thể hiện trong chính sự bất ổn của Trần Vũ khi viết, lý giải, kiến tạo lịch sử trong sáng tác của mình. Nó nằm trong những quan niệm chính trị rắc rối của ông, qua những bản tham luận đấu tranh rồi hợp tác, thương lượng rồi thất vọng, thù địch rồi bạn hữu, gây gổ rồi hòa hợp. Phép tính của một nho sĩ là tập hợp của những bất ổn ấy, của khối văn chương bị giằng xé, xếp đặt sao cho vừa một cái bình kiểm duyệt, để thỏa mãn cả nhà văn, nhà xuất bản và cao nhất chính là chính thể Nhà nước hiện tại. Bởi vậy, nó để lại sự day dứt kỳ lạ về thân phận của những cuốn sách “bất khả” đọc, được viết bằng ngôn ngữ Việt vẫn đang lưu lạc, phân mảnh tại nhiều quốc gia trên thế giới này.

Trạch Nam

Chấm sao chút:

Đã có 2 người chấm, trung bình 3.5 sao.

Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3

Người góp chữ

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi

5 Comments on Trần Vũ: Một thiếu quê hương

  1. Nguyễn Thị Hoàng chưa bao giờ là một “nhà văn lưu vong”.
    Bà vẫn ở trong nước & sáng tác thầm lặng chỉ có 1 quyển xuất bản ở hải-ngoại là Nhật Ký Của Im Lặng

  2. Cứ tỏ ra rành rọt mấy chuyện cóp nhặt rồi tự đứng trên tầm cao nào đó mà phán. Hỏi chơi: 1/Dương Nghiễm Mậu, Nguyễn Thị Hoàng là nhà văn “lưu vong” ở những đâu vậy? (Mỹ Tho, hay Mỹ Lai hay Mỹ Thuận? hay nước Mễ?); 2/Khi Trần Vũ xuất bản được 2 tập truyện ngắn (1988, 1993) thì Thuận, Đoàn Minh Phượng đang viết cái gì mà bảo ông chìm hẳn rồi thì bất hạnh?

  3. Giọng viết của bài này không góp ích gì cho đời văn ngoài cái tôi ích kỷ, hậm hực. Dương Nghiễm Mậu, Nguyễn Thị Hoàng lưu vong? Đưa mấy cái tên Thuận, Kim Hòa, Đinh Phương non kém ra đặt lên trên Vũ chỉ thêm sự hài hước mà thôi. Đừng viết bài kiểu này nữa. Thân.

1 Trackbacks & Pingbacks

  1. Trần Vũ – nhã thuyên

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*