(Bài viết thuộc Zzz Review số 5, 20-4-2019)
Ngô Minh Ích (Wu Ming Yi) là nhà văn, nhà hoạt động vì môi trường, giáo sư văn chương, nghệ sĩ đa ngành người Đài Loan. Được coi là một trong những nhà văn xuất sắc (với mối quan tâm đặc biệt dành cho môi trường cũng như lịch sử) của văn chương Đài Loan đương đại, Ngô Minh Ích đã có hai tác phẩm được dịch sang tiếng Anh và được giới phê bình văn chương thế giới đón nhận tích cực. Tác phẩm Chiếc xe đạp mất cắp của anh lọt vào vòng sơ khảo giải Man Booker International năm 2018, đã được Phanbook mua bản quyền dịch và phát hành năm 2020.
– Zét Nguyễn
Nghe bản audio của Trạm Radio ở đây:
Câu chuyện tôi muốn kể, dù thế nào cũng phải bắt đầu từ chiếc xe đạp. Hoặc nói cho chính xác hơn, từ chiếc xe đạp bị mất cắp. “Ngựa sắt ảnh hưởng đến vận mệnh cả nhà ta.” Mẹ tôi thường nói thế. Tôi coi mẹ là người theo chủ nghĩa tân duy sử, trong ký ức của mẹ không có nhân vật lớn lao, không có anh hùng, không có vụ oanh tạc Trân Châu cảng, mẹ chỉ nhớ mấy chuyện vặt vãnh như mất ngựa sắt. Mỗi khi bà nói “vận mệnh” bằng tiếng Đài, tôi đều nhớ tới một niềm tin thứ dân mà thứ ngôn ngữ này vẫn còn bảo tồn: nó đặt “vận” ở trước “mệnh”.
Có lúc tôi tự hỏi không biết mình có được coi là một tín đồ xe đạp? Có lẽ không. Tôi không hẳn rất mê đạp xe, nhưng cũng không ghét. Nghiêm túc mà nói, xe đạp có điểm khiến tôi thích mà cũng có điểm khiến tôi không ưa nổi. Tôi thích tạo hình đơn giản của xe đạp, khung sườn tam giác, trước sau gắn thêm hai vòng tròn. Trên đời còn gì đẹp hơn hình ảnh đôi bánh xe được dây xích dẫn động quay đều quay đều băng qua phố xá, rừng rậm, đường mòn và bờ hồ? Nhưng tôi cũng ghét cảm giác đau ê dưới mông sau chặng đạp xe đường dài, ghét những tay chơi xe đạp đeo kính râm, từ đầu đến chân trang bị đồ chuyên dụng, cứ ngỡ mình bảnh lắm song còn chẳng đạp lên nổi đường Ngưỡng Đức, cố ý dựng con xe đắt đỏ bên vệ đường ưỡn bụng khoe khoang. Mỗi lần trông thấy hạng người này trên đường tôi lại mong cho bọn họ tuột xích, nổ lốp, đứt dây phanh.
Có lúc, tôi nghĩ thứ mình thực sự mê mẩn không phải việc đạp xe mà là cái từ “bicycle” (kết hợp “hai” (bi) trong tiếng Latin với “vòng tròn” (kyklos) trong tiếng Hy Lạp) được Pierre Lallement biến đổi từ cụm “bàn chân thần tốc có bàn đạp” (vélocipède à pédales) do cha con Michaux (Michaux père et fils) đặt ra lúc ban đầu, và cái vật liên quan mà nó nói đến.
Không biết từ bao giờ, hễ gặp người khác ngữ tộc, tôi đều thử nhờ họ nói từ “xe đạp”: Bike, vélo, cykel, 자전거, велосипед, jízdní kolo… Thế nên tuy chỉ nói được hai thứ tiếng, song riêng với từ xe đạp thì tôi biết đến ba mươi sáu tiếng khác nhau, tôi là người đa ngữ về xe đạp.
Trong môi trường trưởng thành của tôi, xe đạp (腳踏車) là một từ mang tính khu vực, nếu bạn nghe ai đấy gọi xe tự quay (自轉車) thì người ấy nhất định chịu nền giáo dục của Nhật, nếu gọi ngựa sắt hoặc xe Khổng Minh (孔明車) thì tiếng mẹ đẻ của anh ta là tiếng Đài, nếu gọi xe đơn (單車) hay xe tự hành (自行車) thì rất có khả năng người này đến từ miền Nam Trung Quốc. Có điều, giờ những cách dùng từ này đều đã lẫn lộn cả, không còn tính phân biệt nữa.
Tôi vẫn thích nhất cách mẹ tôi phát âm tiếng Đài, gọi xe Khổng Minh với ngựa sắt.
Nhất là cái từ ngựa sắt ấy đẹp quá, nó kết hợp cả tự nhiên lẫn sức người. Bạn có thể tưởng tượng đấng tạo hóa cố ý để lại trong đất thứ đá quặng chứa sắt, con người đào lên rồi đúc thành thép các bon xong lại chế tạo thành hình dáng một con ngựa. Nhưng thế giới này chính là vậy đấy, đôi khi có những điều đẹp đẽ hơn hẳn những điều khác mà vẫn cứ bị những điều khác thay thế. Đổi từ ngựa sắt thành xe đơn, hay xe đạp, đối với tôi là chuyện ngu xuẩn, thụt lùi văn hóa.
Tôi cũng mê mẩn tính độc đáo cá thể của ngựa sắt, tức là con ngựa sắt được chế tạo ở thời đại nào đều chỉ thuộc về thời đại đó. Tôi tin rằng có một ngày ai đó sẽ biên soạn được một cuốn sử ký ngựa sắt, trong đó dùng những mẫu xe tiêu biểu để đánh mốc thời gian, ví dụ như năm Fuji Monarch thứ nhất, năm Kennet thứ nhất, năm Xe đua Hạnh Phúc đùm ba số thứ nhất. Xét từ điểm này, bạn có thể coi tôi là người theo chủ nghĩa duy vật lịch sử: thế giới có ngựa sắt và thế giới không có ngựa sắt, tất sẽ biến đổi khác nhau.
Nghe trên Spotify:
Vừa rồi tôi đã nói, nếu muốn ôn chuyện gia tộc tôi, cần bắt đầu từ những chiếc xe đạp bị mất trộm. Chuyện này có thể lội ngược về tận năm Minh Trị thứ ba mươi tám, 1905.
Nếu có tìm hiểu sơ qua về lịch sử hẳn bạn sẽ biết, tháng Một năm đó, quân đội Nga sau một trăm năm mươi bảy ngày bị vây khốn tại Lữ Thuận Khẩu đã đầu hàng quân Nhật, một tháng sau chiến dịch cuối cùng của cuộc chiến tranh này, tức trận Phụng Thiên nổ ra, trận thắng này chưa biết chừng là nguồn cơn khiến dã tâm quân sự của Nhật Bản bắt đầu trở nên méo mó. Không lâu sau, Kerala Ấn Độ xảy ra đại địa chấn 8,6 độ richter khiến 19000 người thiệt mạng, ở Trung Quốc Tôn Trung Sơn thành lập Đồng Minh hội; cũng vào tầm thời gian đó, chiến hạm HMS Dreadnought được trang bị toàn bộ pháo hạng nặng (All-Big-Gun) của đế quốc Anh bắt đầu lắp sống tàu, mở ra thời đại mới cho chiến hạm hiện đại. Còn Fritz Richard Schaudinn thì phát hiện ra mầm bệnh giang mai, căn bệnh đen tối đã giày vò biết bao con người.
Ông ngoại tôi ra đời vào năm ấy.
Việc ông ngoại tôi ra đời không phải sự kiện lịch sử hệ trọng gì, đương nhiên cũng không có báo giấy nào đưa tin, song mẹ tôi lại cột chặt ngày sinh của ông với một trang báo, hay nói cách khác, với một chiếc xe tự quay. Mẹ bảo, ông ngoại từ nhỏ đã nung nấu muốn có một chiếc xe tự quay để chở kê, chở đồ đạc, hoặc xa hơn có thể chở người vợ trở dạ tới bệnh viện trên thị trấn, đây là chí nguyện suốt cuộc đời ông. Mà cái nguyện vọng ngày nay xem ra có vẻ nhỏ nhoi này lại bắt nguồn từ một tờ báo cũ, Đài Loan nhật nhật tân báo ra ngày 27 tháng Chín dương lịch năm Minh Trị thứ ba mươi tám.
Nghe nói cụ ngoại tôi là người mù chữ, tờ báo nọ được cụ nhặt về lúc lên thị trấn bán cá, vừa là món quà đánh dấu sự chào đời của đứa con trai, vừa tượng trưng cho kỳ vọng con mình có ngày thoát nông gia nhập vào hàng ngũ kẻ có học. Tờ báo luôn được ông ngoại tôi gấp thành cỡ chiếc khăn mùi soa, rồi bọc lại bằng hai lớp vải thô, cất trong một chiếc hộp sắt thời bấy giờ còn rất hiếm.
Ông thậm chí từng nhờ một người biết chữ trên thị trấn đọc cho nghe tin tức đăng trên tờ báo nọ, nhờ vậy mà ông nắm làu làu chuyện xảy ra vào ngày mình ra đời. Nghe mẹ tôi kể lần đầu bà được thấy tờ báo “xốp giòn, vàng ệch” ấy, ông ngoại chỉ vào mẩu tin nho nhỏ đăng dưới góc phải mà đối với ông là một tin tức cực kỳ quan trọng, mẩu tin có tiêu đề “Xe tự quay quay đâu mất rồi” đưa tin danh y Đài Nam Nhan Chấn Thanh khi ấy đạp xe đi thăm bệnh, đến nơi liền xông xáo vào thẳng nhà người bệnh, người bệnh cho rằng xe dựng ở ngoài không ổn lắm, bèn sai đứa ở ra dắt xe vào trong nhà thì phát hiện xe đã bị người ta đạp đi mất, “như hoàng hạc không biết bay về đâu”.
Người nghiên cứu lịch sử thứ dân thời Nhật trị có lẽ sẽ biết, bấy giờ một chiếc xe tự quay giống như một cỗ Mercedes, không, phải tương đương một căn nhà lầu, bị mất trộm là việc hệ trọng đến mức có thể lên cả báo giấy. Mẩu tin mất trộm này khiến ông ngoại tôi cả đời cứ xuýt xoa: “Năm ông ra đời đã có người có ngựa sắt để mà mất trộm rồi, đúng là đáng ngưỡng mộ.”
Ông ngoại tôi mất năm 1945, năm kết thúc chiến tranh thế giới, lúc ấy ông đang độ tráng niên… Nguyên nhân cũng là vì một chiếc xe tự quay mất trộm, có điều vẫn không phải xe của ông, bởi cả đời ông tôi chưa từng sở hữu chiếc xe tự quay nào, ông chưa kịp hoàn thành chí nguyện của mình thì đã nhắm mắt. Bà ngoại tôi sinh chín người con đều do một tay bà đỡ trong tiểu trấn đỡ đẻ, đứa nào đứa nấy đều lớn khỏe… chuyện này quả là nỗi bất hạnh đối với một hộ nông thanh bần lại đã mất đi trụ cột gia đình.
Nghe trên Soundcloud:
Đương nhiên, nếu hầu chuyện mẹ tôi đủ lâu, bạn sẽ được bà kể cho nghe về con ngựa sắt bị mất trộm thứ ba của nhà chúng tôi, cùng chuyện chị năm tôi. Con ngựa sắt này thì thuộc về cha tôi thật, đó cũng là con ngựa sắt đầu tiên của ông, hãng xe, mẫu xe đều không rõ.
Cha tôi là người “may com lê”, về sau còn kiêm thêm bán quần bò. Mẹ tôi bảo “may com lê” tương đối hợp với tính cách cha, vì ông là người “miệng hến”, chỉ cần cầm trên tay cây kéo, giấy rập, kim chỉ là cả ngày ông không nói năng gì, chúng tôi chỉ nghe thấy tiếng kéo xoèn xoẹt lướt qua mặt vải, hoặc tiếng máy may như tàu chở quặng chạy trên đường ray. Mẹ tôi thì được huấn luyện thành nữ công nhân bên máy khâu, cặp mắt đẹp của mẹ vì nhìn dán vào một điểm cố định trong thời gian dài mà lúc nào cũng như đang ngủ mơ.
Bấy giờ mẹ tôi đã sinh cho cha được bốn con vịt giời, cái nghèo còn không làm ông tuyệt vọng bằng không có thằng con nối dõi. Có lúc làm việc đến canh khuya, cha lại bảo mẹ hay gửi phắt chị năm về quê ở nhà một người họ hàng xa: “Còn sướng hơn cho nó.” Hồi đầu sinh liền bốn cô con gái, đôi vợ chồng đã đặt cược vào cái thai thứ năm, nếu là con trai thì giữ lại, không đẻ nữa, nếu là con gái thì cho đi, tiếp tục đẻ. Khi ấy mẹ tôi vì nghĩ “vận mệnh” không thể nào đùa giỡn mình như vậy nên mới đồng ý. Nào ngờ đứa thứ năm kết quả vẫn là con gái. Người trước nay luôn cam chịu thuận theo số phận như mẹ tôi duy chỉ có lần này là khăng khăng chống đối, cha tôi cũng vì nỗi bất an trong lòng mà không kiên quyết đến cùng.
Ban ngày hai người họ vì vậy càng nai lưng, ra sức làm việc, nhưng một ngày may bao chiếc sơ mi, com lê không phải chuyện nhanh mà được, thời ấy dù có là một bộ com lê bình dân, từ lấy số đo đến dựng mẫu mặc thử rồi chỉnh sửa, phải mất mấy tuần mới có thể hoàn thành, vì thế mẹ tôi bèn nhận việc của xưởng may gia công về làm tại nhà. Nghe chị cả nói có bận mẹ chuyên may túi, trong nhà vì thế chất đống cả nghìn cả vạn cái túi cùng một kiểu dáng. Ban đêm hai người vẫn không hề từ bỏ hy vọng sinh quý tử, nhằm trông đợi đứa tiếp theo không còn là gái, tên chị năm tôi được đặt là Mãn, ý là đủ, đã đủ rồi.
Có điều ý nghĩa của “vận mệnh” nằm ở chính chỗ không thể bảo đảm cũng như nó luôn có thể chứng minh mọi hứa hẹn của con người đều không đáng tin.
Một năm sau mẹ tôi sinh hạ anh sáu. Nhà thêm một miệng ăn, tình hình kinh tế đương nhiên đâm đầu vào ngõ cụt, đứa thứ sáu đã là con trai, có nghĩa trong số phận “dư ra” một đứa con gái.
Sáng sớm hôm đó cha bế chị năm, lẳng lặng cuốc bộ tới ga Đài Bắc, định bắt chuyến tàu đầu tiên xuống quê gửi chị cho một người họ hàng xa không con cái. Chị năm nửa đêm mới uống một cữ sữa gạo loãng, đang say giấc nồng trong làn mây. Mặt trời đầu hạ đã lên cao, trong thành bắt đầu nhộn nhịp, mẹ tôi từ tinh mơ đã cõng anh sáu đi chợ mua thức ăn, trong ví chỉ vẻn vẹn vài đồng khiến mẹ có đi rã cẳng cũng chẳng mua được mấy thứ, đành ôm tâm trạng chán chường về nhà sớm. Bấy giờ chị cả cõng theo chị tư đã bắt đầu đun nước, chị hai đang vo gạo, chị ba thì giúp lau tủ kính. Anh sáu ở sau lưng mẹ cứ quấy khóc suốt, hệt như cuộc đời sau này của anh, khiến người xung quanh hết sức phiền lòng.
Với trực giác của người làm mẹ, mẹ mau chóng phát hiện ra sự biến mất của A Mãn. Hỏi chị cả thì được biết cha tôi đã mang em đi rồi. Những lời rủ rỉ hết đêm này đến đêm khác đột nhiên tái hiện, mẹ hét lên một tiếng “Chết rồi!” đoạn chạy khỏi nhà, vì còn cõng theo anh sáu, bước chạy của mẹ không thể nào bắt kịp bánh tàu hỏa, mẹ lại vòng về, giao anh sáu cho chị cả rồi quả quyết lấy ra một chiếc chìa khóa từ ngăn bí mật của ngăn kéo, mở khóa con ngựa sắt cha ngày nào cũng lau dầu. Không ai biết vì sao hôm đó cha tôi lại không dùng ngựa sắt chở chị năm ra ga mà chọn cách bế chị đi, có lẽ việc này cũng ngầm ám chỉ sự do dự của ông chăng?
Nghe mẹ tôi kể, đó là lần đầu tiên trong đời bà cưỡi ngựa sắt, cũng là lần cuối cùng. (Nhưng chắc chắn bà nhớ nhầm rồi, hoặc tôi ngờ rằng bà cố ý không nhắc đến cái lần đầu tiên thực sự đó.) Thần kỳ thay, mẹ nhanh chóng lĩnh ngộ được cách cưỡi ngựa sắt chỉ trong vòng vài giây ngắn ngủi, như thể hiểu cách kéo sụp mũ gieo mạ ngược chiều gió khi trời mưa, hiểu cách cho con bú, cả làm thế nào cắn chặt răng chịu đựng đau khổ. Mẹ cưỡi ngựa sắt, xuyên qua tòa Ái, tòa Nhân, tòa Hiếu, tòa Trung, chạy qua Bắc Môn, rẽ phải ở Cục Bưu chính vào đường Đông Trung Hiếu, đạp thẳng đến “đầu xe lửa”. Nếu bấy giờ bạn có vừa hay đi qua ga tàu, thể nào cũng sẽ trông thấy chiếc áo vét vải hoa nhí dính lấy tấm lưng ướt đẫm, chiếc váy màu trắng tung bay trong gió như đóa hoa (chiếc vét đó cũng là do cha tôi may) của mẹ. Người mẹ không biết chữ của tôi lao thẳng tới quầy bán vé, gạt phăng biển người đang chầu chực mua vé như thể chạy nạn, hỏi nhân viên bán vé chuyến tàu đi qua thị trấn Y bao giờ chạy, đón khách sân ga số mấy?
Nghe bảo lúc cha tôi gặp mẹ, đầu tiên là kinh ngạc, tiếp đó ánh mắt ngập đầy ân hận, rồi chuyển sang tức giận, thở dài một tiếng, giao chị năm tôi – bấy giờ như sực phát giác số phận mình vừa xoay một vòng nên bắt đầu òa khóc – lại cho mẹ. Rồi vẫn như mọi khi, ông im lìm chắp tay sau lưng rời khỏi nhà ga, còn mẹ tôi lặng lẽ bước líu ríu theo sau. Cha bực bội sải dài bước chân, mẹ sợ không theo kịp cũng chuyển sang chạy bước nhỏ, do vậy mà quên luôn chuyện còn con ngựa sắt. Kết quả là, con ngựa sắt giá trị tương đương với vài tháng thu nhập của tiệm may vì thế mà mất cắp.
Nguyễn Tú Uyên dịch
Người góp chữ
Nguyễn Tú Uyên
Con Nhân Mã ở trong phòng.
Leave a Reply