Humayun Ahmed, “Kiến”

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi
Thời gian đọc: 14 phút

(Bài viết thuộc Zzz Review số 5, 20-4-2019)

Tượng đài của nền văn học Bengal đương đại, Humayun Ahmed có một văn nghiệp đồ sộ với khoảng 300 cuốn sách. Với người Bengal, nếu như Tagore là nhà thơ vĩ đại thì Humayun Ahmed là nhà văn quốc dân. Văn chương của Humanyun Ahmed đơn giản mà nhức nhối, bi kịch mà hài hước, thường nhật mà đầy ma thuật. Những câu văn của ông thường ngắn, mảnh, ngữ pháp cơ bản, tiết chế, né tránh ngôn từ hoa mĩ. Và những cốt truyện của ông, theo như nhà phê bình Mohammad Shafiqul Islam, cũng nên được hiểu theo lối giản dị nhất, bởi “nếu các nhà phê bình muốn đánh giá Humayun Ahmed dựa trên những lí thuyết như chủ nghĩa Marx, chủ nghĩa nữ quyền, giải cấu trúc, chủ nghĩa siêu thực hay những thứ tương tự, họ sẽ bỏ qua phần văn chương chân xác trong con người ông ấy.”

Dịch theo bản tiếng Anh của Mohammad Shafiqul Islam trong Humayun Ahmed: Selected Short Stories, Anyaprokash xuất bản năm 2016.

– Hiền Trang

kiến

 

“Anh đau chỗ nào?”

Người bệnh không đáp – ông ta nhìn sang người đi cùng ở bên cạnh mình.

Bác sĩ Nurul Afsar, tiến sĩ thực nghiệp, thành viên Trường Y Hoàng gia, trở nên rất bực mình. Có ba lí do cho sự bực mình ấy. Lý do thứ nhất là – đã 8 giờ tối rồi. Ông phải về nhà, và hôm nay là sinh nhật chị dâu ông. Lý do thứ hai là – ông không thích bệnh nhân từ quê lên. Họ hoặc là nói quá nhiều, hoặc là chẳng nói gì sất. Họ lại còn cố mặc cả khi trả tiền nữa. Xoắn bàn tay lại và làm bộ mặt thớ lợ, họ nói: “Liệu ngài có thể bớt chút chút được không ngài bác sĩ? Chúng tôi là người nghèo.”

Lý do thứ ba làm ông không thích bệnh nhân này hôm nay thì không quan trọng bằng. Nhưng với ngài Nurul Afsar thì nó dường như rất đáng kể. Người này có bộ dạng ngốc nghếch. Loại người như thế không thể nào diễn tả chính xác chi tiết bệnh trạng của mình – họ cần người khác giúp.

“Nói đi, anh nói nhanh nào. Tôi còn việc khác phải làm.”

Người này không nói gì. Húng hắng giọng, ông ta lại nhìn người đi cùng. Ông ta cư xử như thể người đi cùng sẽ kể chi tiết bệnh trạng ông. Người kia cũng chẳng nói gì. Liếc nhìn đồng hồ đeo tay, bác sĩ Nurul Afsar nói: “Bò và dê chẳng thể nói về bệnh của mình. Chúng ta phỏng đoán bệnh của chúng. Anh chẳng phải bò cũng chẳng phải dê. Sao anh im lặng? Anh tên chi?”

Bệnh nhân không nói gì. Người đi cùng nói: “Tên ông ấy là Makbul, Muhammad Makbul Hossen Bhuiya.”

“Người khác đang nói tên anh kìa! Anh nói được chứ, hay anh không nói được?”

“Tôi nói được.”

“Tên anh là gì?”

“Muhammad Makbul Hossen Bhuiya.”

“Tuổi?”

“Năm mươi hai.”

“Anh bị làm sao?”

Người bệnh cúi đầu. Giờ Nurul Afsar nghĩ ông ta mắc căn bệnh tế nhị – thật khó kể thẳng.

“Tôi không thể dành thêm thời gian cho anh đâu. Tôi còn phải tới chỗ khác nữa. Nếu anh có điều gì muốn nói, nói ngay đi. Còn không thì ra khỏi đây.”

Người bệnh lại húng hắng giọng.

Người đi cùng bảo: “Ông ấy chẳng bị bệnh gì.”

“Anh ta chẳng có bệnh gì, thế sao anh ta tới đây?”

“Kiến cắn ông ấy.”

“Cái gì cơ?”

“Kiến cắn ông ấy. Kiến.”

Bác sĩ không nên thiếu kiên nhẫn. Họ cũng không nên giận dữ với bệnh nhân. Danh tiếng sẽ giảm sút vì chuyện ấy. Tỏ ra kinh ngạc trước các chi tiết bệnh lý cũng bị cấm tiệt. Bất kể bệnh trạng kỳ lạ thế nào, người bác sĩ phải vờ như ông ta đã từng nghe về nó và đã từng chữa lành cho các bệnh nhân đó. Ngài Nurul Afsar vẫn chân thành tuân theo những quy định cơ bản này về nghề thầy thuốc. Nhưng ông không thể kiểm soát cơn giận dữ của mình hôm nay. Ông buông một lời rầy rà: “Ý anh là sao khi nói kiến cắn anh?”

Lấy ra một mẩu giấy trong túi, người bệnh đáp: “Đọc thư đi. Tất cả đã được ghi trong đó.”

“Thư ai vậy?”

“Thư ngài Kashem.”

“Ngài Kashem là ai?”

“Cử nhân nội ngoại khoa. Ông ấy quê ở vùng chúng tôi. Một bác sĩ rất tốt. Ông ấy bảo tôi tới ông. Ông ấy nói ông sẽ biết ông ấy. Học trò của ông.”

Nurul Afsar không thể nhớ ra mình có học trò nào tên Kashem không. Kashem là một trong những cái tên phổ thông nhất. Mỗi năm trong lớp có đến một, hai Kashem. Ai biết được Kashem nào?

“Thưa ngài, ngài biết ông ấy chứ?”

Chẳng hay gì nếu nói tôi không biết. Học trò cũ gửi bệnh nhân tới. Họ cần được cảm thấy vui lòng. Cho nên Afsar nói với một nụ cười khô khốc: “Có, tôi có nhận ra cậu ấy. Cho tôi xem cậu ấy viết gì.”

“Thưa ngài, ông ấy gửi lời chào.”

“Được rồi, không sao. Đưa tôi lá thư.”

Nhìn thấy thư, bác sĩ nhăn mày. Vấn đề lớn nhất của dân Bengali là họ không thể viết gì vắn tắt. Lá thư dài tới hai trang! Ông đọc:

 

“Gửi ngài tôn kính nhất,

Xin hãy nhận lời chào của tôi. Tôi là học trò của ngài ở khóa bảy mươi ba. Ngài dạy chúng tôi môn Dược lý. Tôi đã nhận điểm cao nhất trong môn của ngài. Vì lí do đó mà ngài đã mời tôi tới uống trà ở nhà ngài.

Mong ngài còn nhớ. Tuy nhiên, tôi gởi ngài Makbul tới chỗ ngài. Makbul là người rất giàu có ở vùng này. Ông ấy bị mắc một căn bệnh quái đản trong bốn năm qua. Nó còn chẳng thể được gọi là bệnh, nhưng tôi không có từ nào khác để gọi nó. Vấn đề là kiến lúc nào cũng cắn ông ta.

Tôi hiểu rằng vấn đề này có vẻ rất nực cười với ngài. Ban đầu tôi cũng thấy như vậy. Tôi đã nghĩ nó là bệnh tâm thần. Giờ thì suy nghĩ của tôi đã hoàn toàn thay đổi. Chính tôi đã chứng kiến kiến bò tới ông ta hàng đàn, bất kể ngài Makbul ngồi đâu.

Mọi hình thức trị liệu, cả tâm lý và sinh lý, như mời thầy trừ tà, thuốc thang, bùa yểm đều đã được thử cả mà không ăn thua. Chẳng còn cách nào khác, tôi gửi ông ta tới chỗ ngài. Làm ơn xin đừng coi nhẹ chuyện này.

Trân trọng,

Người học trò ngoan ngoãn nhất của ngài,

Abul Kashem

Nhà thuốc Ngôi Sao Xanh, Nandail, Kendua”

 

Người bác sĩ liếc nhìn bệnh nhân, mặt trơ trơ, ngồi yên trong chiếc áo sơ mi mỏng và quấn xà rông. Vẻ ngoài chẳng có vẻ gì là giàu có!

Người bác sĩ chẳng biết nói gì. Nhưng ông phải nói gì đó. Makbul háo hức nhìn ông. Có nghĩa lí gì không, cái sự chịu đựng cổ quái này?

“Kiến có cắn anh không?”

“Vâng, thưa ngài. Lũ kiến tìm đến tôi ngay lập tức khi tôi ngồi xuống bất cứ đâu.”

Nurul Afsar định lên tiếng, “Anh là viên kẹo thơm cho lũ kiến tìm ra à?” Nhưng cuối cùng ông đã kìm được mình.

“Tôi gặp rắc rối lớn, thưa ngài. Nếu ngài có thể chữa khỏi cho tôi, tôi sẽ phục tùng ngài tới chết. Tiền không thành vấn đề, thưa ngài. Cần bao nhiêu tôi có thể chi bấy nhiêu.”

“Anh có đủ tiền không?”

“Có, thưa ngài.”

“Anh có bao nhiêu tiền?”

Người bệnh lặng im. Người đi cùng nói: “Tiền không thành vấn đề với Makbul. Một lakh hay hai lakh đồng[1] – chẳng là gì với ông ấy.”

Lần này, Nurul Afsar có một chút hiếu kỳ. Một đống tiền chỉ là chuyện vặt với một gã mặc sơ mi mỏng và quấn xà rông, thật khó tin. Bản thân ông cũng khá giàu. Ông có khoảng 11 lakh ở tài khoản cố định. Ông đã phải làm việc chăm chỉ mới kiếm được số tiền này, từ 6 giờ sáng tới nửa đêm – gần như không nghỉ một giây phút nào.

Ông còn làm cả thứ Sáu, ngày nghỉ duy nhất trong tuần. Ông tới Chittagong bằng chuyến bay sáng và trở về bằng chuyến bay cuối ngày. Ông là bác sĩ cố vấn cho một phòng khám ở đó. Nhưng người đàn ông này không có vẻ là làm bất cứ việc gì. Làm sao một tay bộ dạng ngốc thế này có thể kiếm chừng ấy tiền? Nurul Afsar mất bình tĩnh.

Makbul nài nỉ bằng giọng nhẹ nhàng: “Xin hãy chữa lành bệnh và trả lại sức khỏe cho tôi.”

“Đây không phải bệnh. Tôi chưa từng nghe có bệnh nào mà kiến liên tục cắn người. Bệnh này thuộc về tâm lí. Tôi sẽ giới thiệu một nhà tâm lí học – hãy đến nhờ ông ta tư vấn. Tôi không có giải pháp nào cho anh cả.”

Đôi mắt dừng lại ở một cảnh tượng kinh dị, Nurul Afsar không thể nói hết câu. Ông nhận thấy một đàn kiến đỏ đang tiến về phía bàn tay phải của Makbul đặt trên bàn. Kiến thường di chuyển theo một hàng, nhưng giờ chúng đang đi thành ba hàng.

Theo hướng mắt bác sĩ, Makbul cũng nhìn về phía đàn kiến. Ông ta chẳng nói chẳng rằng mà cũng chẳng nhấc tay đi.

Nurul Afsar nói: “Bọn kiến này đang tới chỗ anh hả?”

“Vâng, thưa ngài.”

“Kỳ quặc quá!”

“Bọn kiến đã tới cả chân tôi. Thưa ngài, tôi chẳng thể nào ngồi ở chỗ nào được lâu.”

Nurul Afsar đến gần bên ông ta. Đúng là có hai hàng kiến đang di chuyển tới chân người này.

“Ngài Makbul!”

“Vâng, thưa ngài.”

“Tôi có việc gấp phải làm – tôi phải đi đây. Anh có thể ghé ngày mai không?”

“Tôi nhất định sẽ tới. Tôi sẵn sàng tìm đến bất cứ ai ngài giới thiệu. Thưa ngài, tôi đang vướng vào một rắc rối lớn. Buổi đêm tôi không ngủ được. Lũ kiến bò cả vào mũi tôi nữa.”

“Ngày mai đến nhé. Tôi sẽ nói chuyện với anh ngày mai.”

“Vâng, dĩ nhiên rồi.”

Makbul rời khỏi chỗ ngồi. Nurul Afsar chứng kiến biến cố xảy ra ngay lập tức mà ông không chuẩn bị tinh thần trước. Ít nhất là trong một lúc Makbul dường như đã trở thành điên loạn. Khả năng suy nghĩ và logic của ông ta tụt xuống mức zero. Nurul Afsar trố mắt nhìn Makbul đang gắng sức giết sạch lũ kiến bằng cách hung bạo nhảy dẫm lên chúng và di chân trên sàn nhà. Sau đó ông ta chồm lên bàn và cố nện xuống nghiến nát hàng đàn kiến. Makbul vã mồ hôi như tắm. Đôi mắt ông đỏ đọc. Ông còn rít lên: “Bọn khốn, bọn khốn kiếp!”

Người đi cùng ông ta yên lặng. Mặt cúi xuống, anh ta cứ xỉa răng bằng tăm. Chừng như anh ta đã quen với chuyện này. Chừng như anh ta chẳng thấy có gì quái lạ ở đây.

Nurul Afsar quên sạch về sinh nhật người chị dâu. Sửng sốt, ông nhìn người bệnh. Hai trợ lí chạy xồ vào. Họ cứ đứng đó giữ lấy cánh cửa. Trong mắt họ, nỗi sợ nhiều hơn nỗi kinh ngạc.

Bất thần, Makbul bỗng im lìm và nói nhỏ: “Ngài đừng để tâm. Bầy kiến đã hủy hoại đời tôi. Lũ kiến khốn nạn! Có thể làm ơn rót cho tôi một li nước lạnh được không?”

Một người trợ lý nhanh chóng lấy bình nước trong tủ lạnh. Afsar mừng vì người đàn ông rồ dại nguy hiểm này đã dừng lại màn diễn khùng điên.

Makbul nắm chặt bình trong tay, chờ đợi – ông ta không uống. Cúi đầu, ông thầm thì: “Tôi đi đến đâu bọn kiến cũng vây lấy tôi – hãy nói xem tôi phải làm gì. Tôi đã đặt đĩa đổ đầy nước dưới chân giường. Vô ích!”

“Vô ích ư?”

“Vâng. Tôi không biết bằng cách nào lũ kiến bò được lên giường. Tôi phải thay ga giường mỗi tiếng một lần.”

“Làm sao như thế được?”

“Là thật đó, thưa ngài, một nửa lời cũng không dối trá. Tôi mà nói dối, tôi sẽ thành kẻ cùi hủi. Tôi thậm chí không thể ở bất cứ đâu được lâu. Tôi cần thường xuyên thay đổi vị trí. Tôi còn không thể đứng nổi nữa!”

Vị bác sĩ nhìn chằm chằm vào người đàn ông mà lúc mới đầu trông có vẻ ngu xuẩn, giờ đang khóc rưng rức. Đây là một chuyện rất quen thuộc. Khi những người từ nông thôn lên đã vượt qua sự ngại ngần, họ nói rất nhiều. Họ nói nhiều hơn cần thiết.

“Tôi không từ một việc gì, thưa ngài. Tôi tráng người bằng hỗn hợp dầu trộn long não. Nó chỉ có tác dụng trong một, hai ngày, rồi đâu lại vào đó. Lũ kiến lại tới. Tôi đã thử tất cả mọi thuốc người ta kê cho tôi để chà xát lên người. Tôi mát xa với mọi thứ người ta gợi ý. Có người bảo tôi dùng phân dơi bôi lên da. Tôi cũng làm. Thưa ngài, chết có lẽ còn tốt hơn.”

Vị bác sĩ nói với người trợ lý: “Gọi cho nhà tôi và bảo mọi người tôi sẽ tới trễ vì một vài công chuyện. Và mang ít trà cho chúng tôi.

“Anh có muốn uống trà không?”

“Vâng, có.”

“Kể tôi nghe nó bắt đầu ra sao, khi nào thì lũ kiến bắt đầu tấn công anh.”

“Thưa ngài, tôi mong được kể chuyện này riêng với ngài.”

“Có gì bí mật vậy?”

“Vâng, đấy là một bí mật.”

“Được rồi, vậy anh sẽ kể chuyện đó riêng cho tôi. Uống trà trước đi đã.”

Người kia lặng lẽ uống trà và chẳng nói gì trong suốt thời gian đó. Khuynh hướng thích nói năng có lẽ chỉ như một đợt sóng. Khi lên cơn, ông ta nói luôn mồm và khi qua cơn, ông trở nên câm lặng. Tiếp đó người đồng hành của ông ta nói, như lúc nãy.

“Ngài bác sĩ, phương pháp chữa trị hiệu quả nhất vẫn còn chưa được nhắc tới. Makbul, ông kể với ông ấy đi.”

“Anh nói đi.”

“Bản thân Makbul đã khám phá ra phương pháp ấy. Phương pháp đó giống như kiểu dĩ độc trị độc vậy. Kiến bò tới nơi nào có mùi mật. Makbul đã thử trét mật đầy lên người. Căn bệnh thuyên giảm một thời gian. Lũ kiến không xuất hiện trong bảy ngày.”

Makbul nói giọng buồn rầu: “Là năm ngày, không phải bảy.”

Bác sĩ hỏi: “Lũ kiến có xuất hiện lại sau năm ngày không?”

“Có.”

“Anh hẳn đã làm rất nhiều thứ để bảo vệ mình khỏi lũ kiến.”

“Vâng, tôi đã lên thuyền bơi ra giữa sông trong vài ngày. Tôi đã cảm thấy thoải mái trong ba ngày đó. Nhưng lũ kiến lại tới vào ngày thứ tư.”

“Làm sao lũ kiến ra tận đó?”

“Tôi không biết, thưa ngài – đó là một lời nguyền!”

“Lời nguyền nào?”

“Tôi muốn kể chuyện đó riêng với ngài.”

Vị bác sĩ sắp xếp một nơi riêng tư. Giờ ông cảm thấy háo hức về toàn bộ sự việc này. Sinh nhật của người chị dâu thi thoảng tới gõ cửa suy nghĩ của ông một cách phiền nhiễu. Ông chưa bao giờ thấy tò mò đến thế về một người bệnh. Mặc dù vậy, ông không muốn coi người này là bệnh nhân. Tình trạng một người bị kiến bao vây không thể coi là một căn bệnh.

Mọi người rời khỏi phòng. Cả người đi cùng Makbul cũng vậy. Cửa đóng. Bằng giọng nhỏ nhẹ, Makbul bắt đầu:

“Thưa ngài, ban nãy tôi đã kể với ngài rằng tôi là một người giàu có. Chuyện này có nguyên cớ lịch sử. Gia đình tôi đã giàu có kể từ thời thuộc địa Anh. Ông tôi từng sở hữu một tòa nhà lớn. Ông có hai con voi – Moyna và Surovi, đều là voi cái.”

“Nói về bọn kiến đi.”

“Tôi sẽ đến lúc nói về nó. Tôi là con một trong nhà. Gia đình tôi có những mảnh đất mênh mông. Quyền lực và tiền bạc làm hỏng con người. Nhân cách tôi cũng không còn trong sáng. Tôi mới chỉ mười sáu, mười bảy tuổi. Chúng tôi có một căn nhà lộng lẫy – từng có nhiều cô gái đẹp đến sống ở đó.

“Chẳng có ai cảnh cáo hay kiểm soát hành động của tôi, dù mẹ tôi ngày đó còn sống. Vài người phàn nàn với mẹ tôi trong vô vọng. Kết cục là tôi còn mắng mỏ họ.”

“Anh không cưới vợ à?”

“Sao không chứ? Tôi kết hôn hai lần. Tôi cũng có cả con nữa. Khi nhân cách một người đã be bét, hôn nhân chẳng thay đổi được gì. Ngắm nhìn đám con gái…”

“Đi thẳng vào vấn đề đi. Anh đang mất thời gian vào mấy chuyện tầm phào.”

“Năm năm trước, tôi mê cô con gái của người họ hàng xa. Cô bé mới mười bốn tuổi hay mười lăm tuổi. Cô bé có vóc dáng đẹp và nước da tối màu. Quả là ai cũng biết con người tôi. Cho nên bà mẹ gian ác của nàng lúc nào cũng theo sát. Nhưng cuối cùng kể cả có ngủ trên sàn phòng mẹ tôi thì cũng không cứu nổi nàng. Một đêm tôi đã làm chuyện đó.”

“Hả?”

“Vâng.”

“Quái lạ. Anh nói như thể chuyện chẳng có gì.”

“Thì hẳn. Chẳng có gì.” Ông ta cười.

“Đừng có cười.”

“Vâng, đương nhiên rồi. Sau đó mụ phù thủy mẹ nàng đêm đó cho nàng ăn bả chuột. Và bà ta treo cổ trên cây xoài sau nhà. Chả qua chỉ để gây khó dễ cho tôi. Bà ta suy cho cùng là một con điếm. Tôi đã thực sự rơi vào rắc rối. Hai người chết! Nhất định sẽ thành vụ án. Cảnh sát sẽ nói đây là một vụ sát nhân.”

“Anh đã phạm tội sát nhân rồi đó thôi?”

“Không hề. Việc gì phải thế? Nếu cần làm, tôi đã chẳng làm trong chính căn nhà mình. Có khối chỗ để làm. Bờ sông là một nơi thích hợp để giết người. Rất dễ tẩy sạch máu ở đó. Sau đó cọ bằng vôi, anh sẽ phải ném cái thây xuống sông, đựng trong bao cùng bốn hay năm viên gạch. Hoàn toàn an toàn! Sẽ chẳng ai để ý cả.”

“Anh đã từng làm vậy bao giờ chưa?”

“Tôi chưa từng bao giờ cần làm vậy. Quay lại câu chuyện – hai cái thây người ở trong phòng. Tôi cảnh cáo không ai chạm vào chúng. Tôi tới đồn cảnh sát.

“Đồn cảnh sát cách nhà tôi mười lăm dặm. Tôi tới đó bằng thuyền mang theo năm ngàn đồng để hối lộ cho cảnh sát. Nhưng một vấn đề khác nảy sinh. Cảnh sát đã ra ngoài điều tra một vụ cướp giật. Ngày hôm sau anh ta mới trở lại. Tôi mất ba ngày mới gọi được anh ta tới chỗ tôi.

“Hồi đó là mùa mưa với dăm ngày tạnh ráo. Trong ba ngày tử thi đã thối rữa và bốc mùi kinh khủng. Tới gần cây mít, chúng tôi thấy một cảnh tượng kỳ dị – hàng triệu triệu con kiến đỏ đang bò lên hai xác chết. Như thể hai con điếm đó đang trùm một tấm thảm đỏ. Chúng tôi không nhìn thấy mặt, tay và chân họ nữa. Toàn bộ lũ kiến chạy ào đi cùng lúc giống như ai đó lật bỏ tấm màn đỏ.”

Giận dữ, bác sĩ nói: “Anh là một con quỷ tội lỗi.”

“Những người giàu có hơn còn tồi tệ hơn. Tôi còn chưa phải quỷ. Quay lại câu chuyện – tôi đốt một điếu thuốc. Ngay khi tôi vứt đi điếu thuốc cháy, bọn kiến trên người cô gái cùng di chuyển. Giống như một con sóng lớn. Rồi chúng bò xuống mặt đất từ trên người cô ta. Chúng tôi lúc này thấy đôi mắt, gương mặt và vài bộ phận khác trên cơ thể đã bị ăn sạch – ở vài chỗ thấy cả xương. Bịt mũi bằng khăn ăn, vị cảnh sát nói: ‘Chúa ơi!’

“Kinh ngạc, tôi thấy toàn bộ lũ kiến bò tới tôi. Đáng sợ đến nỗi tôi chạy mất. Chỉ một lúc bọn kiến lại bò ra. Dường như chúng đang kiếm tìm tôi. Đó là phần khởi đầu. Dù tôi đi đến đâu, chúng cũng vây lấy. Thưa ngài, ở đây có được hút thuốc không? Tôi muốn làm một cữ.”

“Được.”

“Đa tạ Thượng đế.”

Makbul đốt một điếu thuốc. Nhìn ông ta u sầu. Ông ta nhả thuốc như một kẻ mới tập hút, ho hắng. Hít thở một hồi, ông bảo: “Giờ tôi bị ho. Lũ kiến đã vào tận phổi tôi thông qua đường mũi. Chúng sống ở đó. Ngài có biết vì sao tôi lại biết chuyện này không? Khi ho, máu thổ ra cùng xác kiến chết.”

Vị bác sĩ chỉ nhìn.

Nhả một hơi dài, Makbul nói: “Tôi hút thuốc để có thể ho nhiều hơn. Kiến và trứng kiến sẽ phun ra cùng cơn ho và ngài sẽ thấy. Tôi cam đoan sẽ trao hai trăm ngàn đồng tiền mặt cho ai có thể cứu tôi khỏi lũ kiến. Tôi có thể tà ác nhưng tôi không thất hứa. Tôi có tiền theo mình đây. Xin hãy cứu tôi.”

Vị bác sĩ vẫn yên lặng. Đôi mắt ông dán vào cái ly trên bàn viết lớn. Bàn tay trái của Makbul đặt trên bàn. Hai hàng kiến đang tiến tới bàn tay ông ta từ hai góc bàn. Makbul nhận thấy. Ông ta thở dài: “Ngài chẳng thể làm được gì. Tôi nói vậy có đúng không, ngài bác sĩ?”

“Vâng, đúng vậy.”

“Tôi biết mà. Bọn kiến sẽ giết tôi.”

Mê đắm, Makbul nhìn hai hàng kiến. Đôi mắt ông ta sáng lên. Vươn bàn tay trái ra, ông nói nhỏ: “Đến đây, và ăn đi.”

Lũ kiến bất chợt dừng lại – chúng chờ đợi một lát trong do dự.

Makbul nói: “Khi tôi sẵn lòng cho chúng ăn, chúng nghĩ một lát, không bò lên người tôi ngay lập tức. Chúng cũng thảo luận với nhau. Nhìn kìa, ngài bác sĩ – chúng đang không đuổi theo tôi.”

“Vâng, tôi thấy.”

“Chỉ một hai phút thôi. Chúng sẽ thảo luận và rồi sau đó lại bắt đầu đuổi theo tôi.”

Vị bác sĩ để ý thấy đàn kiến bắt đầu truy tìm bàn tay trái Makbul. Một hàng mới xuất hiện cùng với hai hàng kia, mang theo trứng trong miệng. Vị bác sĩ cố phán đoán tại sao lũ kiến lại ngậm trứng mang đi. Chúng muốn gì? Ai đang dẫn đường cho chúng? Đấu thủ tối thượng đó là ai?

Humayun Ahmed

Hiền Trang dịch

[1] Số đếm ở các nước chịu ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ, bằng 100.000.

Chấm sao chút:

Đã có 0 người chấm, trung bình 0 sao.

Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3

Người góp chữ

Hiền Trang

Chả biết làm gì nên viết.

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*