Han Kang, Trắng (trích)

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi
Thời gian đọc: 8 phút

(Bài viết thuộc Zzz Review số 5, 20-4-2019)

Han Kang là một trong những nhà văn quan trọng nhất của văn học Hàn Quốc hiện đại, tác giả của Người ăn chay (채식주의자, NXB Trẻ xuất bản năm 2011) đoạt Man Booker International 2016, nổi tiếng bởi khả năng khắc họa những khía cạnh gai góc của con người bằng lối viết tối giản và sắc lạnh. 소년이온다 (Bản chất của người), tiểu thuyết lấy bối cảnh Phong trào dân chủ Gwangju 1980 đồng thời là tác phẩm được đánh giá cao nhất ở Hàn Quốc của cô. Tiểu thuyết gần nhất, Trắng () được đề cử Man Booker International 2018, đã được Nhã Nam mua bản quyền và dự kiến ra mắt trong thời gian sớm nhất.

– Hà Linh

9780525573067
Bìa bản dịch tiếng Anh của Penguin Random House.

1 – Tôi

Vào mùa xuân quyết tâm sẽ viết về những thứ màu trắng, việc đầu tiên tôi làm là lên một danh sách.

Tã quấn
Áo sơ sinh
Muối
Tuyết
Nước đá
Trăng
Gạo
Sóng
Mộc liên trắng
Chim trắng
Cười trắng
Giấy trắng
Chó trắng
Tóc trắng
Áo liệm

Mỗi khi viết thêm một từ lòng tôi lại xao động. Tôi cảm thấy rất muốn hoàn thành cuốn sách này, cảm thấy quá trình viết nó có lẽ sẽ thay đổi được điều gì đó. Tôi cần một thứ gì, như một thứ thuốc mỡ màu trắng bôi lên vết thương và một miếng gạc màu trắng đắp lên.

Nhưng vài ngày sau, đọc lại những từ mình viết, tôi đã nghĩ.

Ghé mắt nhìn vào những từ này liệu có ý nghĩa gì?

Như khi giương cung, dây cung kim loại thường vang lên âm thanh hoặc buồn bã hoặc kỳ dị hoặc chói tai, nếu tôi lấy những từ này chà lên ngực hẳn cũng sẽ có những câu văn nào đó tuôn chảy. Liệu tôi có thể đắp miếng gạc trắng và trốn giữa những câu văn ấy?

Khó lòng trả lời câu hỏi đó, nên tôi cứ trì hoãn mãi không bắt đầu. Từ tháng Tám, tôi chuyển đến thủ đô của đất nước xa lạ này và thuê nhà ở. Gần hai tháng trôi qua, vào một đêm trời trở rét, nhờ căn bệnh đau đầu như một người bạn thân quen mà độc địa, sau khi hâm nóng cốc nước và nuốt nắm thuốc viên, tôi (bình thản) vỡ lẽ. Rằng, rốt cuộc, ẩn mình trốn tránh là bất khả.

Cảm nhận về thời gian đôi khi sắc lạnh. Đặc biệt là lúc ốm đau. Bệnh đau đầu sớm gõ cửa từ hồi mười bốn tuổi nay tìm về cùng những cơn đau thắt dạ dày bất thình lình, đã làm gián đoạn nếp sinh hoạt của tôi. Suốt thời gian tôi dừng mọi việc đang làm để chống chọi cơn đau, từng giọt thời gian rơi xuống hệt như những viên đá quý được hợp thành bởi vô vàn lưỡi dao cạo, dường như chỉ cần lướt nhẹ qua là đầu ngón tay ứa máu. Tôi cảm nhận rõ rệt, mình đang hít sâu từng hơi thở để sống tiếp từng giây. Kể cả sau khi tôi quay lại nhịp sinh hoạt thường ngày, cảm giác ấy vẫn nín thở đứng nguyên đấy đợi tôi.

Và như thế, ở mép vách đá vô hình nơi góc sắc thời gian không ngừng được mài bén hơn từng khắc, chúng ta bước tới. Chông chênh đặt một chân xuống rìa đời, không hở chút nào cho ý chí chen ngang, không nao núng, ta cất bước tiếp theo vào hư không. Chẳng phải vì chúng ta dũng cảm phi thường mà bởi ngoài làm vậy đâu còn cách khác. Bây giờ, ngay giây phút này, tôi vẫn cảm nhận được sự chênh vênh hiểm nghèo ấy. Không tính toán, tôi liều lĩnh tiến vào dòng thời gian mình chưa sống, vào trang sách mình chưa đặt bút viết.

Cửa

Chuyện đã lâu rồi.

Trước khi ký hợp đồng thuê tôi có quay lại xem căn nhà đó một lần.

Cửa nhà vốn màu trắng nhưng đã ngả màu theo thời gian. Bẩn thỉu, nhiều chỗ tróc sơn, gỉ sắt bám đầy. Nếu chỉ vậy thì nó cũng chỉ lưu lại trong trí nhớ của tôi như một cánh cửa quá mức cũ kỹ và nhếch nhác. Điều đáng nói là số 301 được viết trên cánh cửa.

Ai đó – có lẽ là một trong số những người từng thuê ngôi nhà này – đã dùng một vật nhọn, hẳn là một cái dùi, khắc ba con số lên mặt cửa. Tôi đưa mắt nhìn thật kỹ theo thứ tự khắc các nét. Số 3 góc cạnh và to đùng, to những ba gang tay. Số 0 nhỏ hơn một chút, nhưng lại đập vào mắt trước cả số 3 nhờ được khắc đi khắc lại nhiều lần đến sậm hẳn. Cuối cùng, được khắc sâu nhất, dài nhất, bằng tất cả sức lực, là số 1. Theo vết rạch của những vạch thẳng và nét cong thô bạo, nước gỉ sét đỏ bầm lan ra, rỏ xuống, đông lại như những vết máu đã khô từ lâu. Ta chẳng tiếc gì hết. Cả nơi ta ở, cả cánh cửa ta đóng mở mỗi ngày, cả cái cuộc đời chết tiệt này của ta.Ba con số nghiến răng, chòng chọc nhìn xoáy vào tôi.

Đó là cửa căn nhà tôi định thuê, nơi tôi định trú ngụ từ mùa đông ấy.

Xếp sắp đồ đạc xong, hôm sau tôi liền mua ngay một thùng sơn trắng cùng một cây chổi quét sơn to. Tường bếp và phòng không được dán giấy nên lốm đốm đủ vết ố to nhỏ. Nhất là quanh mấy cái công tắc, đen kịt. Để sơn có bắn lên người cũng không quá lộ, tôi mặc bộ đồ thể thao màu xám nhạt, khoác áo len trắng ra ngoài, rồi bắt đầu sơn. Ngay từ đầu tôi đã không có ý định sơn thật tươm tất. Dẫu bị vấy bẩn, vết bẩn trắng cũng hơn vết bẩn thường.Nên không một chút bận tâm, tôi điềm nhiên lựa những vết ố bẩn mà vung chổi. Tôi quét sơn trắng xóa đi vết mưa ngấm rất to trên trần nhà và cả những vết màu nâu nhạt trong hốc tủ dưới bồn rửa bát, sau khi lau sạch bằng giẻ ẩm.

Cuối cùng tôi đi ra ngoài sơn cửa. Mỗi nhát chổi quét lên cánh cửa chằng chịt vết thương là một chút bẩn thỉu được xóa sạch. Ba con số khắc bằng dùi biến mất. Những vệt nước gỉ như vết máu cũng biến mất. Tôi quay vào căn phòng ấm áp nghỉ một tiếng rồi lại ra ngoài xem, màu sơn đã thâm lại. Vì dùng chổi thay ru lô nên nhát quét hằn rất rõ trên cửa. Tôi quét đè thêm một lớp sơn dày nữa để che những vết hằn rồi trở vào phòng. Một tiếng sau, khi tôi xỏ dép lê chạy ra ngoài xem cánh cửa lần nữa thì tuyết đang hối hả rơi. Từ bao giờ, con ngõ đã tối om. Đèn đường vẫn chưa bật. Một tay cầm thùng sơn, một tay cầm chổi quét, tôi đứng co ro, ngây người dõi nhìn chuyển động của những bông tuyết đang rơi như hàng trăm sợi lông vũ trải trên nền trời.

Tã quấn

Đứa trẻ mới ra đời được quấn trong lớp tã trắng như tuyết. Để đứa trẻ đang ở trong tử cung ấm áp và chật hẹp hơn bất cứ đâu không hoảng sợ khi thình lình bị đẩy ra thế giới bao la vô tận, y tá ôm nó thật chặt.

Một con người lần đầu tiên trong đời biết thở bằng phổi. Một con người không biết mình là ai, đây là đâu, chuyện gì vừa bắt đầu. Con thú non nớt nhất giữa những loài thú non, yếu ớt hơn cả con chim mới nở hay con chó mới sinh.

Người phụ nữ nhợt nhạt vì mất máu nhìn gương mặt đang khóc của đứa trẻ. Người phụ nữ sửng sốt nhận lấy đứa trẻ quấn trong tã. Một con người vẫn chưa biết cách dỗ cho tiếng khóc kia nín. Một con người vừa mới trải qua cơn đau đớn khó tin. Đứa trẻ chợt nín khóc. Vì một mùi nào đó. Hai con người vẫn đang kết nối. Đôi mắt đen không nhìn thấy của đứa trẻ hướng về phía khuôn mặt người phụ nữ – về phía phát ra âm thanh. Hai con người vẫn đang kết nối, không hay chuyện gì vừa bắt đầu. Giữa sự im lặng thoảng mùi máu. Giữa hai cơ thể cách nhau lớp tã quấn màu trắng.

Áo sơ sinh

Mẹ tôi kể rằng đứa trẻ đầu tiên mẹ sinh ra mới sống được hai giờ đồng hồ đã chết.

Mẹ tả đó là một bé gái mặt trắng như bánh trăng tròn[1], tuy bị đẻ non hơn một tháng nên người nhỏ xíu, nhưng mắt mũi miệng rất rõ nét và xinh xắn. Mẹ bảo không thể quên khoảnh khắc đứa trẻ mở đôi mắt đen láy nhìn mình.

Hồi đó, vì bố tôi được điều về dạy trường làng nên mẹ theo bố về ở ngôi nhà hẻo lánh dành cho cán bộ trong làng ấy. Một sáng, giữa lúc chưa hề chuẩn bị gì vì cũng còn lâu mới đến tháng sinh, thình lình mẹ tôi vỡ nước ối. Quanh mẹ không có một ai. Chiếc điện thoại duy nhất trong làng nằm ở tiệm tạp hóa đối diện bến xe cách nhà hai mươi phút đi bộ. Đợi bố đi làm về cũng phải hơn sáu tiếng nữa.

Đó là một ngày đầu đông sương giá giăng. Người mẹ hai mươi ba tuổi của tôi lê vào bếp đun nước rồi khử trùng kéo theo hướng dẫn từng nghe được từ đâu đó. Mẹ lục hộp đồ khâu vá, có một tấm vải trắng khéo may vừa một manh áo sơ sinh nhỏ. Vừa cắn răng chịu cơn đau, mẹ vừa khâu áo, mặc cho nước mắt lã chã rơi vì sợ. Khâu xong áo, mẹ lôi một cái chăn đơn ra làm tã quấn, rồi chống chịu cơn đau càng lúc càng dữ dội và dồn dập.

Cuối cùng, mẹ tôi một mình sinh con. Một mình cắt dây rốn. Mẹ mặc cho đứa trẻ lấm máu manh áo mình vừa khâu. Xin con, đừng chết. Ôm đứa trẻ lọt thỏm trong lòng bàn tay đang khóc những tiếng mong manh, mẹ thì thầm nhắc đi nhắc lại. Hai mí mắt đứa trẻ đang nhắm chặt, sau một giờ đồng hồ, không thể tin nổi, đã hé mở. Bốn mắt đen nhìn nhau, mẹ lại thì thầm. Xin con, đừng chết. Thêm một giờ nữa trôi qua, đứa trẻ tắt thở. Mẹ nằm nghiêng, ôm đứa trẻ đã chết vào ngực, đau đớn cảm nhận từng giây cơ thể nhỏ bé ấy lạnh dần. Mẹ không khóc nữa.

Bánh trăng tròn

Mùa xuân trước, ai đó đã hỏi tôi. Hồi nhỏ, chị có từng trải qua chuyện gì khiến mình trở nên gần gũi với nỗi buồn không? Đó là trong buổi thu âm một chương trình radio.

Khoảnh khắc đó, cái chết này mơ hồ hiện lên trong tâm trí tôi. Tôi đã lớn lên trong câu chuyện này. Con thú non yếu ớt nhất giữa các loài thú non. Đứa trẻ trắng trẻo, xinh xắn như bánh trăng tròn. Câu chuyện về đứa trẻ tôi đã lớn lên ở nơi đứa trẻ ấy chết.

Trắng như bánh trăng tròn là như thế nào, tôi từng rất tò mò và đến năm bảy tuổi, lúc nặn bánh trăng khuyết[2]tôi bất chợt nhận ra. Những chiếc bánh được nặn hình bán nguyệt từ bột gạo trắng tinh nhào kỹ, lúc chưa được hấp chín nhìn đẹp đến mức như không thuộc về thế giới này. Nhưng đống bánh vớt ra đĩa sau khi hấp, dính lấy đám lá thông trông thật thất vọng. Những chiếc bánh đi qua nhiệt và hơi của bếp hấp đã đổi hẳn màu sắc và bề mặt, bóng loáng nhờ dầu vừng béo ngậy dĩ nhiên ăn sẽ ngon, nhưng chúng đã trở thành thứ gì khác hẳn bột gạo trắng tinh đẹp đến thoát tục trước đó.

Bánh trăng tròn mẹ nói chắc chắn là bánh trước khi hấp rồi, giây phút đó tôi đã nghĩ vậy. Khuôn mặt đứa trẻ ấy chắc chắn vô cùng thanh sạch. Suy nghĩ ấy khiến lồng ngực tôi nặng trịch như bị sắt đè lên.

Mùa xuân đó, ở trong phòng thu tôi đã không nhắc đến chuyện này. Thay vào đó, tôi kể câu chuyện về chú chó từng nuôi thời nhỏ. Chú chó trắng đã chết năm tôi lên sáu ấy có nửa dòng máu thuộc giống chó săn Jindo nên đặc biệt linh lợi. Tuy còn một bức ảnh đen trắng chụp chung rất tình cảm, nhưng tôi hầu như không có một ký ức gì về nó cả. Tôi chỉ nhớ rõ nhất hôm nó chết. Bộ lông trắng, đôi mắt đen, chóp mũi vẫn còn ươn ướt. Từ sau ngày hôm đó, và cho đến tận bây giờ, tôi đã trở thành một người không thích chó. Một người không thể vươn tay ra xoa đầu và vuốt ve lưng chó.

Hà Linh dịch

[1]Một loại bánh truyền thống của Hàn Quốc, được làm từ bột gạo tẻ và nặn hình tròn dẹt, thường xuất hiện trong lễ cưới hoặc lễ mừng thọ.

[2]Hay còn gọi là songpyeon, bánh Trung thu truyền thống của Hàn Quốc, làm từ bột gạo tẻ nặn hình bán nguyệt, có nhiều vị và nhiều màu.

Chấm sao chút:

Đã có 0 người chấm, trung bình 0 sao.

Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3

Người góp chữ

Hà Linh

Của Chuột và Chồn.

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi

1 Trackbacks & Pingbacks

  1. Một năm đọc sách: 2020: Đọc ngắn | Zzz Blog

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*