(Bài viết thuộc Zzz Review số 5, 20-4-2019)
Kawabata Yasunari (1899-1972) khởi sự viết phần tiếp theo của Ngàn cánh hạc vào năm 1953, phần này có tên Cánh chim trên sóng (Nami chidori) có hai phần cuối là “Đôi mắt mùa xuân” và “Tâm sự người vợ”. Tuy nhiên, do chưa hoàn thiện, hai phần này không được công bố trong bản in thành sách. Độc giả Nhật Bản đương thời chỉ biết đến “Đôi mắt mùa xuân” và “Tâm sự người vợ” qua hai số tháng 3 và số tháng 7, tạp chí Shosetsu Shincho năm Showa 29 (1954). Quyển sổ tay ghi chép của tác giả đã bị một tên trộm lấy mất, làm cho ông không thể viết tiếp Ngàn cánh hạc như dự định dù đã đi thực địa lần hai. Câu chuyện trong Cánh chim trên sóng bắt đầu một năm rưỡi sau khi Ngàn cánh hạc kết thúc, lúc này nam nhân vật chính, Kikuji, đã lập gia đình. Nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh tác giả (1899-2019), người dịch mong phần dịch bổ sung này có thể được công bố với độc giả Việt Nam, góp phần vào việc nghiên cứu Kawabata Yasunari tại Việt Nam.
– An Nhiên
(Phần “Đôi mắt mùa xuân” (1) và (2) đã được đăng trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần ngày 8.1.2019. Zzz Review xin đăng lại toàn bộ hai phần cuối để độc giả được đọc liền mạch.)
Đôi mắt mùa xuân
(1)
Đầu giường ngủ, đèn bật sáng.
Kikuji thức giấc nhưng Yukiko không hay biết, cô vẫn nằm nhìn lên trần, bất động. Mùa xuân đến trong cả hơi ấm tỏa ra từ tấm đệm hai người nằm cả đêm. Kikuji nghĩ vợ đang bần thần tiếc nuối cảm xúc xuân sang trước khi thức dậy.
Ngay cả tư thế nằm ngửa của Yukiko cũng khiến anh có cảm giác như thế. Từ sau khi kết hôn, nằm nhích xuống dưới, bên trái Kikuji đã thành thói quen của cô. Như thể điều đó đã được quy định từ đêm đầu tiên ở nhà trọ núi Izu, khi Yukiko chọn tấm đệm bên trái. Bộ chăn đệm ấy có hoa văn sặc sỡ nên chắc dành cho nữ. Lúc ấy, Kikuji chẳng nghĩ gì nhưng sau khi trở về nhà, Yukiko vẫn trải đệm của mình phía bên trái mà không hề hỏi qua Kikuji.
“Ở nhà em nằm thế nào?” – Kikuji rất muốn hỏi vợ như vậy nhưng không thể nói thành lời. Anh thấy cách Yukiko im lặng chọn chỗ ngủ bên trái có vẻ gì đó đáng yêu làm sao.
Kikuji đã phải cố gắng nhiều, khi chỉ nằm nghiêng bên trái. Cảm giác như bị ép tim. Khi mệt, anh lại nằm ngửa. Cũng có khi anh trở mình khi ngủ.
Nhưng Yukiko chưa hề nằm ngủ quay lưng lại với anh, dù Kikuji bất chợt tỉnh giấc giữa đêm khuya. Kikuji thấy cảm động như thể đó là một sự dâng hiến, phục tùng của người phụ nữ. Không chỉ mỗi sự e dè nữ tính mà chắc hẳn còn thể hiện tình yêu.
Nhưng Kikuji nhớ lại, rõ ràng đêm hôm ấy ở Kitakamakura, quả đúng phu nhân Ota cũng nằm bên trái. Ngực anh như có lửa đốt. Anh tự hỏi những người phụ nữ đi qua đời anh đã thế nào, như thể vội vã dập tắt ngọn lửa ấy. Anh không thể nhớ chính xác. Nhưng hình như những người phụ nữ đều nép mình bên trái anh, thế là anh nằm bên phải họ. Cứ như vậy, bên trái như sứ mệnh của người nữ hay việc để phụ nữ nằm bên trái mình là thói quen của Kikuji. Tóm lại, việc Yukiko nằm bên trái Kikuji cứ như được sắp xếp mà không chút thắc mắc, kháng cự nào thì quả thật lạ lùng. Và trừ khi họ chia tay, việc này sẽ tiếp diễn cho đến lúc họ từ giã cõi đời. Không chỉ chuyện vị trí nằm trái hay phải mà rồi những chuyện tương tự sẽ xảy ra giữa họ. Có thể đó là thói quen của những cặp vợ chồng từ trước đến nay, nhưng cũng có thể là thói quen của riêng Yukiko và Kikuji.
Yukiko cũng hiếm khi nằm ngửa mặt. Hình như cô đang một mình thưởng thức buổi sáng mùa xuân bừng tỉnh mà không biết đang bị Kikuji quan sát. Mi mắt trên hơi động đậy rồi mở ra.
Tròng trắng mắt Yukiko hơi trắng xanh nhạt, như sứ trắng bóng có đường nét tỉ mỉ. Kikuji cũng nhớ làn da sứ trắng ấm áp. Khi nhìn hàm răng trắng sáng và tròng trắng mắt Yukiko cùng lúc, anh cảm nhận những ánh sáng tương tự đang gọi nhau.
Đôi môi đã lau sạch son khi ngủ đang khép lại, mắt phản chiếu ánh đèn đầu giường, mí trên hơi động đậy.
Kikuji tỉnh ngủ, chân nhẹ bổng. Anh nằm ngắm khuôn mặt nhìn nghiêng thẫn thờ của Yukiko, bất chợt thấy một giọt lệ chảy từ khóe mắt. Giọt nước mắt lăn chậm về phía tai cô nhưng không rơi hẳn xuống mà dừng ở mang tai.
– Em sao vậy?
Kikuji đưa tay lau giọt nước mắt, ngay lập tức, nước mắt cô trào ra như thể nước đọng sẵn trong mắt Yukiko. Nhưng đó là những giọt lệ mới dâng tràn.
– Em sao vậy?
– Em nằm mơ. Em thấy ác mộng.
– Mơ sao?
– Mơ ghê lắm…?
– Mơ ghê lắm là sao..?
– Em sợ quá!
Yukiko nói và dùng hai tay che mắt, như lau nước mắt, má cô ửng hồng.
– Em nói sợ vậy chứ mơ thấy gì?
Yukiko vẫn che mắt, quay người về hướng Kikuji. Cô xoay khuỷu tay che mắt để giấu mặt, dáng như bảo vệ ngực, thu người nhỏ lại. Kikuji bỏ ý định ôm cô.
– Em có nói mớ gì đó không?
Yukiko nói với vẻ lo lắng.
– Ờ, anh không biết nhưng có lẽ anh đã thức dậy vì nghe tiếng Yukiko không chừng.
– Hình như em cũng tỉnh giấc vì tiếng mớ của mình. Em nói gì đó lớn lắm thì phải.
– Ưm, anh cũng không biết mình có nghe hay không nữa.
– Ôi, anh ghẹo em.
Yukiko buông tay ra nhìn Kikuji,
– Nếu anh thức giấc vì tiếng em mớ, sao không nói gì đó với em? Anh dậy rồi mà, xấu ghê!
– Không, đó là do anh không nghe. Có thể sau khi Yukiko hét lên, anh mới tỉnh giấc. Tại thấy Yukiko có vẻ yên bình, cho đến khi thấy em khóc.
– Em sợ quá, sợ đến mức không dám khóc một lúc lâu.
– Vậy chứ giấc mơ thế nào?
– Không, em không muốn nhớ lại đâu. Sợ đến mức không nhớ gì hết.
Yukiko nhắm mắt, kề mặt gần sát ngực Kikuji, như thẹn thùng.
Kikuji nhận ra cô nói dối. Yukiko nói dối hoặc đang che giấu điều gì đó. Cô mơ một giấc mơ không thể kể cho Kikuji nghe. Sau khi tỉnh dậy vì cơn ác mộng, với đôi mắt như đang dõi theo điều gì đó, rồi chảy nước mắt, mặt ửng đỏ thì không thể là thẹn thùng.
Kikuji ôm Yukiko lại gần một cách thô bạo, lồng ngực anh cứng lại vì một cơn ghen tuông thình lình. Yukiko run lên. Cứ nghĩ cô mơ thấy người yêu cũ trước khi lập gia đình, một sức mạnh căng cứng toàn bộ cơ thể Kikuji, đến tận đầu ngón chân.
– Em sợ quá!
Yukiko nắm chặt cổ áo Kikuji như bám víu vào anh.
Kikuji hôn cô, môi Yukiko lạnh ngắt. Chỉ Kikuji nóng bừng, trán Yukiko trắng bệch như mất máu. Thình lình Kikuji buông lỏng, anh run lên vì sợ.
Phải chăng phu nhân Ota đã hiện lên trong giấc mơ của Yukiko?
Yukiko trườn khỏi cánh tay Kikuji, nhìn đồng hồ,
– Muộn mất!
Cô ngồi dậy.
(2)
Nhận điện thoại của Yukiko báo Kurimoto Chikako đang đến nhà mình, Kikuji rất bất ngờ.
– Kurimoto đâu có việc gì phải đến nữa nhỉ? Bà ấy nói gì?
– Đang tức giận lắm! Sư phụ mua lại chén trà đó từ tiệm rồi đem đến đây.
– Chén Oribe à?
– Đúng vậy.
– Đúng là cố chấp, thật hết biết…
Kikuji chau mày, buột miệng.
– Bà ấy nói định làm gì?
– Sư phụ định trả lại chúng ta và có ý chờ anh.
– Em nói bà ấy đem về giùm anh được không? Nhà mình không cần thứ đó..
– Anh không muốn gặp mặt, đúng không?
– Ờ ờ, anh không muốn gặp, nhưng bà ấy không chịu về à?
– Vừa đúng lúc mẹ ghé. Một mình em cũng khó nên có mẹ vẫn tốt hơn…
– Em gọi điện thoại từ nhà hàng xóm à…?
– Vâng, em mượn gọi để báo anh…
Nghĩ không thể dặn Yukiko nói gì khi cô đang ở nhà hàng xóm, Kikuji im lặng.
– Alô, mẹ em lại hay nói… Còn sư phụ Kurimoto gặp được đối thủ ngang sức. Em gọi riêng mẹ để dặn chừng mà không tác dụng gì.
Yukiko cười, giọng nói vui vẻ ngoài dự tưởng.
– Mẹ mà về trước thì cũng kẹt. Mà… anh dứt khoát không muốn gặp à?
– Đúng vậy, nếu được thì…
– Vậy anh về trễ cũng được. Anh ghé đâu đó. Em sẽ giữ mẹ ở lại cho đến lúc sư phụ Kurimoto chịu về. Em không sao đâu.
– Phiền mẹ quá!
– Được mà. Nhưng nếu sư phụ Kurimoto dứt khoát đòi để cái chén lại thì sao? Chén trà trị giá ba, bốn trăm ngàn yên chứ ít đâu?
– Chắc Kurimoto ra vẻ vậy thôi? Anh không nghĩ bà ta trả lại đâu. Chắc chỉ muốn đem đến cho anh biết là đã mua lại để làm khó anh thôi.
– Nếu vậy, em sẽ trả lại.
Yukiko nói dứt khoát.
– Chút nữa anh thử gọi về nhà hàng xóm cho em là được, để xem sư phụ về chưa.
Sau đó Yukiko cho anh số điện thoại.
Lần đầu tiên Kikuji say rượu trở về nhà sau khi kết hôn. Anh uống được nhưng không uống. Vì anh không cho rằng rượu có thể giúp anh quên đi những u ám liên quan đến phu nhân Ota và Fumiko. Anh vừa không có thói quen đó vừa không cảm thấy có gì hấp dẫn.
Khoảng một tiếng sau khi nghe điện thoại của Yukiko, Kikuji chậm rãi đi quanh Ginza, ghé tiệm rượu nhỏ xíu, chật chội.
Anh không muốn gặp Chikako và cũng muốn tránh mặt mẹ Yukiko. Ngày chủ nhật đầu tiên của tháng Ba, cha cô cùng em gái đến chơi và như có vẻ hài lòng trước tổ ấm ấm cúng của con gái. Sau khi họ về, Kikuji rơi vào nỗi buồn trống rỗng của sự giả tạo. Anh cũng đau khổ khi thấy Yukiko vui mừng. Có lẽ người cha cũng cảm thấy không bình thường nên mới để người mẹ đến xem sao. Trực giác phụ nữ thường nhạy bén.
Đây cũng là quán rượu Kikuji đã từng ghé vào mua hoa diên vỹ năm ngoái, khi Chikako gọi điện thoại cho Kikuji và lần đầu tiên mời Yukiko đến nhà anh khiến anh không về thẳng mà phải ghé đây. Nhưng ở tiệm rượu anh cũng không thấy lòng yên tĩnh. Phu nhân Ota mất đêm hôm sau đó.
Hôm nay, Kikuji cũng thấy lòng không yên. Anh gọi một loại rượu mạnh. Trời chạng vạng tối, người phục vụ thờ ơ khiến Kikuji kéo lại, buộc cô ta uống. Cánh tay cô ta mập mạp, trắng trẻo, mềm mại.
– Uống từ từ thôi, mới giờ này mà say, làm sao người ta làm ăn gì được, lúc đó anh tính sao?
Cô ta đẩy ly của mình về phía Kikuji, kề sát khuôn mặt nóng bừng lại ngả ngớn. Nghĩ cô ta giả vờ say, dục vọng thoáng qua đầu Kikuji. Anh đột ngột đứng dậy, rời tiệm rượu.
Yukiko chạy bước ngắn ra đón anh ở ngạch cửa,
– Còn ở đây.
Cô nói nhỏ vào tai Kikuji.
– Anh uống rượu à?
Yukiko vẻ mặt tươi tắn ngắm chồng.
Chikako cũng ra đến, một tay vịn cửa, vai cong chút kỳ dị.
– Cậu về đến rồi à? Để tôi chờ hơi lâu đấy. Ngắm hoa à?
– Ngắm hoa á…? Hoa ở đâu nở vậy?
Kikuji xoay lưng lại, cởi giày.
– Thì hoa giả. Ở mấy quán rượu hoa nở cả rồi còn gì. Cậu thừa biết mà!
Chikako tiến lại gần như chạm vào vai Kikuji,
– Tôi đang ngồi với mẹ vợ cậu, thật đúng lúc. Lúc trước thì tình cờ gặp cha vợ, thật có duyên.
– Duyên nợ gì, miễn có đi…
– Chén trà Oribe đó, đúng là có duyên. Lúc trước, vì có cha vợ cậu nên tôi không trả lại tiền được, thế là trên đường về tôi ghé tiệm, chén Oribe vẫn còn đó. Cứ nghĩ duyên vẫn không bị đứt đoạn là nước mắt tôi lã chã. Bình Shino thì bị bán mất rồi.
Chikako đi theo đến tận gian bếp. Từ sau lưng Chikako, Yukiko nói với qua,
– Trông anh có vẻ không khỏe. Anh xin phép thất lễ đi tắm một chút đi!
Cô ra hiệu với Kikuji bằng mắt.
Sau đó, khi đem áo quần đến phòng tắm,
– Gần muốn về rồi đó chứ! Phải chi anh gọi điện thoại cho em là được rồi…
– Ờ, anh quên. Em mời mẹ dùng cơm tối chưa?
– Em chuẩn bị lươn rồi đó nhưng cả hai đều đòi chờ anh.
– Vậy lươn nguội lạnh mất còn gì.
Yukiko cúi xuống bộ độ tây đang cầm trên tay,
– Mùi rượu bám vào cả quần áo.
Kikuji nghĩ bụng không biết có vương mùi hương của cô nàng phục vụ không?
Trong lúc chờ Kikuji ngồi xuống, Chikako cẩn thận lấy chén trà Oribe từ trong hộp ra, giảng cho mẹ Yukiko về vẻ đẹp của chén trà.
– Tranh vẽ cành dương xỉ non hợp với mùa xuân, cô nhà cũng nên phục vụ thân mẫu một chén chứ nhỉ? Tôi có đem trà đến đây.
– Nhà tôi không có muỗng lẫn chổi đánh trà đâu.
Kikuji lên tiếng.
– Trà đậm thì dùng ngón tay…
– Kinh!
Kikuji rùng mình.
Rốt cuộc Chikako không thể pha trà, nhưng vẫn đôi co với Kikuji để chén trà Oribe lại căn nhà này.
– Bà để lại thì tôi lại đem bán hoặc đem ra vườn đập vỡ thôi.
Chikako nhìn Kikuji như thể mí mắt bị kéo lên. Cuối cùng, bà ta nhờ mẹ Yukiko giữ chén trà, đợi đến khi Yukio chịu quay lại với trà đạo.
– Tôi hiểu rồi.
Bà mẹ gật đầu thật đơn giản.
Kikuji im lặng trong ngột ngạt.
Tâm sự người vợ
(1)
Chẳng bao lâu sau khi cha và em gái Yukiko đến nhà, mẹ Yukiko cũng đến thăm gia đình mới của con gái. Điều đó khiến Kikuji bất an, liệu rằng vì họ cảm thấy điều gì đó khác thường nên đến để tìm hiểu chăng?
Đã vậy, cả hai lần đều tình cờ chạm mặt Kurimoto Chikako khiến anh nghĩ chuyện không đơn giản. Như thể bị những ân oán trong quá khứ hay vong linh nào đó theo ám.
Nhưng, thật ra, từ sau ngày cưới Yukiko về, không một lần nghĩ đến việc mời cha vợ đến nhà chơi thì Kikuji mới đúng là có vấn đề.
Kikuji biết rõ Yukiko đang giả vờ, nhưng tự thân anh cũng không tài nào biết được độ sâu vực thẳm vốn đang bị sự tăm tối của vẻ giả tạo ghê gớm của bản thân bao bọc.
Và Kikuji cũng không thể biết được người con gái trinh nguyên như Yukiko tiếp nhận sự giả dối của tình yêu bạc nhược của anh ra sao?
– Người làm cho người khác bất hạnh thường nói ở đầu môi chót lưỡi rằng muốn làm cho người ấy hạnh phúc. Cuốn sách Yukiko để trên piano có viết câu đó nhỉ?
Kikuji thử nói vậy với Yukiko rồi cúi xuống,
– Có lẽ rất đúng với anh.
– Không phải đâu. Anh có nói gì đâu mà đầu môi chót lưỡi. Thậm chí quá ít nói là đằng khác. Em chúa ghét mấy người nói sẽ làm cho em hạnh phúc.
– Nhưng trong lòng nghĩ sao nói vậy thôi mà.
– Không phải. Nếu nghĩ vậy thì ai cũng bất hạnh hết sao?
Đôi mắt đẹp của Yukiko sáng long lanh.
– Anh nghĩ đang làm em bất hạnh sao?
Kikuji gật đầu.
– Em đâu có bất hạnh!
Yukiko nói một cách dứt khoát, mặt ửng hồng.
– Ờ, trong sách đó cũng nói, con người ta không bất hạnh cũng chẳng hạnh phúc đến mức như mình nghĩ.
– Có thể vậy, nhưng kiểu nói ba phải quá.
– Em nói cách nghĩ đó ba phải quả là đúng.
Kikuji vừa nói hùa theo một cách hững hờ, trong lòng lại vừa nghĩ đến câu khác trong cuốn sách đó.
“Người vốn đốt cháy tình cảm nóng bỏng từ trước, nay lại nguội lạnh là người hạnh phúc mà cũng là người bất hạnh”.
Kikuji cảm thấy lạnh người khi đọc được những dòng chữ này. Bởi anh nhớ về phu nhân Ota và con gái bà, Fumiko.
Có thể Yukiko đã ngồi ở cây đàn piano và đọc những dòng này. Kikuji có cảm giác hiểu được phu nhân Ota và Fumiko thật mới mẻ trong một Yukiko như vậy. Bằng cách nào đó anh thấy được cánh cửa mở ra.
Cuốn sách có tựa “Hạnh phúc luận”.
Nhưng sau đó, khi ngẫm nghĩ về những lời trong sách, Kikuji không ngừng tự hỏi liệu mình đã đốt cháy lửa tình nồng nhiệt cho phu nhân Ota và Fumiko? Phải chăng người thiêu đốt tình yêu nồng nhiệt chính là phu nhân Ota và Fumiko, chứ không phải Kikuji?
Hay, Kikuji cũng nghi ngờ liệu mình trở nên nguội lạnh từ đó? Có thể nói, anh nguội lạnh bởi phu nhân Ota tự mình ra đi, bởi Fumiko tự mình ly biệt, chứ có lẽ Kikuji chưa nguội lạnh.
Nếu tình cảm nồng nhiệt, cứ tự cháy lên rồi nguội tắt thì Kikuji không có điều đó. Nhưng cũng không thể nghĩ Kikuji chỉ như vậy. Có thể chỉ là một tình cảm nồng nàn không bùng cháy cũng chẳng lụi tàn. Phải chăng là một thứ tình cảm sâu sắc hơn tình yêu cháy bỏng. Đó chẳng phải là sự ăn năn về tội lỗi, nỗi đau tình yêu sao?
Và tóm lại “người hạnh phúc mà cũng là người bất hạnh” là người thế nào? Không có nghĩa lúc tình cảm bừng cháy thì hạnh phúc, đến khi nguội lạnh thì thành người bất hạnh. Phải chăng vì có những kỷ niệm bùng cháy tình cảm mà họ hạnh phúc và cũng bất hạnh? Ngẫm nghĩ thì ai cũng là người hạnh phúc và bất hạnh.
Câu cách ngôn này cực kỳ đơn giản nhưng chẳng phải mơ hồ sao? Kikuji dần cảm thấy như những lời vô nghĩa.
Nhưng nếu dành tình cảm nồng nhiệt nóng bỏng cho phu nhân Ota và Fumiko, sau đó nguội lạnh thì Kikuji đã có thể yêu Yukiko như một người chồng khỏe mạnh rồi.
Rốt cuộc Kikuji không thể trao đổi suy nghĩ với Yukiko.
Không biết vì nhận thấy sự băn khoăn trên mặt chồng không mà Yukiko nói,
– Hôm đó, sau khi đến thăm nhà mình, hình như cha nói với mẹ là Yukiko có vẻ hạnh phúc lắm.
– Hảa?
Kikuji bật thành tiếng.
– Chà, có gì đâu mà anh giật mình? Cho nên mẹ em mới vui quá mà đến chơi đó.
“Hử?” – Có lẽ cha Yukiko đến thăm với mong muốn con gái hạnh phúc. Hoặc giả Yukiko đã diễn đúng với mong muốn của cha mình, Kikuji nghĩ vậy,
– Vợ chồng mình lừa giỏi nhỉ?
Anh cười thân thiện, ra chiều yên tâm.
– Lừa gì đâu chứ?
– Ừ, không lừa. Vì Yukiko trông có vẻ hạnh phúc từ trong trứng nước rồi…
– Anh muốn em nghĩ mình bất hạnh à?
Yukiko nắm lấy tay Kikuji,
– Vậy em sẽ cho anh thấy mình trông có vẻ bất hạnh nhé?
Thế rồi cô ngồi lên đùi Kikuji, kề má gần lại. Yukiko cũng dùng cách tiếp xúc da thịt để bày tỏ tình cảm.
Sakura ở Tokyo đã nở, làn da Yukiko cũng mềm mại, mướt mát hơn. Kikuji có thể biết tối qua Yukiko ngủ đủ giấc hay không qua cảm nhận làn da. Phải chăng, với Yukiko, thần kinh anh trở nên hoạt động đến mức như vậy?
(2)
Cơ thể Yukiko thả lỏng mềm mại, Kikuji rời môi hôn.
Yukiko áp một bên má vào cánh tay Kikuji,
– Em ngạc nhiên quá!
Cô thầm thì như đang trong mơ.
Kikuji không ngờ có thể nghe từ “ngạc nhiên” một cách ngọt ngào như thế này.
– Cứ như đi đâu đó xa lắm.
– Đi xa là đâu?
– Em không biết.
Thật may cho Kikuji là đèn ngủ đã tắt. Bởi khuôn mặt Kikuji như một con thú bị bắt trói.
– Mình đi đâu đó xa xa đi!
Yukiko cắn nhẹ vào cánh tay Kikuji, rồi nhấc mặt ra.
– Anh, ngày mai chủ nhật. Đưa em đi ngắm hoa đi.
– Không phải đi xa mà ngắm hoa à…? Đi đâu?
– Đi từ Chidorigafuchi đến Takebashi cũng được rồi.
– Chidorigafuchi ở đâu, anh không biết.
– Từ chỗ đại sứ quán Anh đến khu Gosho là Chidorigafuchi, xuống dưới tòa soạn Reader’s Digest là Takebashi. Có công viên Chidorigafuchi nữa.
– Bộ kimono lót của Yukiko có hình chim chidori là do em thích tên đó à?
– Sakura chỗ đó đẹp lắm. Em từng chạy xe ngang qua đó. Xe chạy qua khiến gió thổi những cánh hoa rơi trên mặt đường bay bay. Xe em chạy vượt một chiếc xe buýt du lịch, nghe tiếng hát rất dễ thương vang ra từ cửa sổ xe. Toàn học trò tiểu học. Ở phố Kudan hàng cây sakura cũng nhiều lắm. Chỉ toàn cây non, nhưng… Nếu đi từ Chidorigafuchi thì một bên đường là lá non vườn Gosho, một bên là bờ đê nên hoa không bị bẩn gì cả. Trước khi đến Takebashi trên tường đá thành Gosho có màu xanh của cây cỏ nữa.
– Em đi với ai?
– Một mình thôi. Tại chỉ chạy xe ngang qua nên bây giờ em muốn đi lại.
Tự dưng Kikuji thắc mắc có thật cô đi một mình không, anh gập cánh tay quấn quanh cổ Yukiko.
– Từ hôm đó, em không mơ thấy ác mộng nữa chứ?
Yukiko không trả lời. Cô áp mặt vào ngực Kikuji thật mạnh như để không nói được gì.
– Không mơ thấy ác mộng nữa chứ?
Kikuji hỏi lại.
Yukiko đặt hai lòng bàn tay lên ngực Kikuji, hơi nhích mặt ra và thở nhẹ. Kikuji nắm lấy tay cô, đưa ngón út và ngón áp út lên miệng. Yukiko bị bất ngờ nên rút tay lại,
– Bẩn quá!
– Thơm mà!
– Thơm mùi gì…?
– Mùi cơ thể Yukiko.
– Anh kỳ!
Yukiko thẹn thùng quay người lại.
– Sang xuân nên có mùi nhỉ?
– Anh kỳ quá! Vậy em sẽ xức nước hoa đi ngủ.
Cô ngồi dậy.
– Anh quen mùi cơ thể Yukiko rồi.
– Vậy à? Em không biết mùi đó như thế nào nữa là.
– Không phải mùi hôi cơ thể, em đừng để ý.
– Lúc nãy anh hỏi em có mơ thấy ác mộng nữa không, em hết thấy rồi.
Mãi đến lúc này Yukiko mới trả lời.
Kikuji chạm vào má, xuống cằm Yukiko,
– Nhưng tối qua em không ngủ được, đúng không?
– Sao anh biết?
– Anh biết chứ!
– Không được chủ quan với anh rồi. Đúng là thám tử lừng danh.
Cô nói với giọng nữ sinh,
– Anh không cần để ý chuyện của em đâu.
– Ừm.
Kikuji thả lỏng người,
– Nhưng khi thiếu ngủ, lúc dậy rồi trang điểm, thấy rõ lắm.
– Sao em không ngủ được?
– Chắc tại mầm xanh cây cối đang nảy nở?
– Em nói văn vẻ quá.
Kikuji bật cười khi bị đá giò lái.
– Thật mà! Từ lúc em còn ở nhà, đến mùa xuân là vậy đó.
– Ác mộng hôm trước như thế nào?
– Em thấy sợ!
Yukiko chỉ trả lời như vậy.
Chẳng phải sáng hôm ấy, Yukiko đã tỉnh giấc và khóc vì một giấc mơ sao? Liệu một người phụ nữ trẻ có thể rơi lệ chỉ vì một cơn ác mộng?
Lúc ấy, lòng Kikuji đã trỗi lên một cơn ghen tuông và đến giờ anh vẫn có cảm giác đáng ngờ đó. Yukiko ngồi thẫn thờ trước cây đàn chẳng phải cũng là vì nhớ người yêu cũ trước khi kết hôn sao?
Dường như Kikuji không có tư cách để ghen tuông. Nhưng ghen tuông đây không phải là sự cảm nhận từ việc có tư cách hay không. Ngược lại, càng không có tư cách lòng ghen tuông lại càng mạnh mẽ hơn.
Chỉ cần thành vợ chồng với Yukiko, có thể Yukiko sẽ thổ lộ cho Kikuji nghe tình yêu nồng nàn trước khi kết hôn, kể về người từng nói muốn làm cho Yukiko hạnh phúc.
Kikuji tin rằng nụ hôn đêm nay lẫn nụ hôn hôm du lịch trăng mật chắc chắn là tình yêu nồng cháy. Chẳng phải Yukiko chủ động tiến đến với Kikuji đó sao.
Nhưng chắc chắn, Kikuji biết rằng cũng có một mặt, sự sâu sắc hay hời hợt của tình yêu không liên quan đến mức độ những lần tiếp xúc như thế. Trong con người tồn tại một tình yêu không nói lời yêu, không đưa tay động chạm mà kết thúc, mạnh hơn cái chết, kéo dài đến khi chết. Dù kết hôn với người khác, tình yêu đó cũng không biến mất.
Thật ra, không thể khẳng định hẹn ước dở dang của ta nông cạn hơn tình yêu kết hôn của người khác.
– Nhưng Yukiko đã khóc khi thức dậy mà?
Kikuji run giọng.
– Anh nhớ à?
Yukiko tươi tắn,
– Lúc tỉnh dậy vì cơn ác mộng có anh bên cạnh, em mừng lắm. Cho nên mới chảy nước mắt đó!
Vướng mắc trong lòng Kikuji vụt tan biến.
Trong bóng đêm, Kikuji mỉm cười nghĩ khi lòng người ta nhẹ nhõm, thoải mái mới có thể nói lời ngọt ngào trơn tru.
Dù giả dối hay chân thật, anh vẫn xiêu lòng bởi những lời đáng yêu của Yukiko.
Yukiko nắm cổ áo Kikuji bằng hai tay, đưa trán lại gần. Những khi có cử chỉ thể hiện tình cảm dâng trào như thế, Yukiko vẫn chưa từng ôm anh say đắm.
(3)
Kikuji đến phòng nha vì bị đau răng.
Vị nha sỹ già vốn là người chăm sóc, làm răng giả cho cha anh, nhưng Kikuji không thường lui tới lắm.
Anh nghĩ nha sỹ cũng là bác sỹ nên thử hỏi chuyện kiểu trò chuyện thường ngày. Rằng một người đàn ông vốn đào hoa lãng tử nay kết hôn lại bất ổn trong đời sống hôn nhân. Vậy là sao?
– Àa, là relative psychical không ổn đúng không?
Vị nha sỹ vô tư trả lời.
– Gì ạ? Relative…?
– Dịch ra là tính tâm lý mang tính quan hệ, một từ kỳ cục đúng không? Nghĩa là, tùy người, tùy đối tượng mà không ổn. Chuyện thường ngày ở huyện đó mà.
– Haá..?
– Trường hợp ghét bỏ hay căm hận vợ lắm thì mới…
– Không.
– Hay khó chịu về một điều gì đó của vợ, cho rằng dơ bẩn…
– Không, không phải vậy. Ngược lại mới đúng!
– Ngược lại cũng có. Thậm chí trường hợp ngược lại có lẽ nhiều hơn. Thấy mình cực kỳ đê tiện, quá tôn thờ người phụ nữ v.v. Đàn ông thường hay vậy, không phải bệnh đâu.
Kikuji nằm trên ghế, mắt nhắm, nhưng vẫn thấy vị nha sỹ già cao lớn chói lòa đến mức mí mắt muốn đỏ bừng. Anh nghĩ đến cái đầu hói của ông và suýt bật cười.
– Nhưng nếu kết hôn rồi thì không phải lo lắng. Nếu đây là người phụ nữ bên ngoài thì có thể tiếc rẻ vì để vuột cơ hội ngàn năm có một. Nhưng nếu là vợ thì lúc nào cũng bên cạnh. Cứ nghĩ một cách thoải mái rằng lúc nào bên mình cũng có một người vợ ngoan hiền kề cận thì mấy chuyện đó sẽ mau qua thôi. Không việc gì phải gấp gáp.
– Vâng.
Kikuji tán đồng một cách hờ hững. Anh thôi, không nói năng gì nữa như thể đã giũ bỏ được ẩn ức. Anh quên mất mình không thể nói gì khi đang bị bắt há miệng.
Tuy đi trong giờ làm việc, nhưng sau đó Kikuji chạy xe về thẳng nhà.
Trước công viên Hibuya, các nữ sinh đang xếp hàng hai. Bộ đồng phục xanh đậm với cà vạt trắng nổi bật trong sắc xanh của cây cỏ công viên và hàng cây bên đường.
Hẳn Yukiko cũng có cảm giác dễ chịu như thế này khi xe chạy ngang qua hàng cây sakura ở Chidorigafuchi và nghe tiếng học trò tiểu học hát đồng ca qua cửa sổ xe buýt. Nay Kikuji cảm thấy câu chuyện của Yukiko thật tươi mới làm sao.
Yukiko vừa ra đến cửa, bất ngờ nhìn thấy Kikuji.
– Anh sao vậy?
Cô nghiêng người như muốn bước xuống.
– Anh quên đồ à?
– Anh bị xoay như chong chóng ở chỗ làm răng, thấy khó chịu quá!
Anh cười và giang rộng hai cánh tay.
– Nói vậy thôi, chứ thật ra vì muốn ngắm Yukiko một chút.
– Ôi!
Yukiko ngả vào vòng tay đang giang rộng chờ đợi của Kikuji.
Tuy ôm cô và cảm nhận niềm vui thần tiên, tự hỏi đây có phải là người vợ ngoan hiền, Kikuji vẫn không thể kể lại lời chuyện trò của vị nha sỹ già.
– Chắc là mấy con sâu nó báo cho em biết.
Yukiko thì thầm.
– Em linh cảm anh về đến à?
– Em định gọi điện thoại…
– Vậy à?
– Sư phụ Kurimoto bị bất tỉnh…
– Hả?
Trong khoảnh khắc, Kikuji cảm thấy máu trong người lạnh ngắt.
– Vừa có người đến báo.
– Ai vậy?
– Là thầy dạy trà, trẻ hơn sư phụ Kurimoto nhiều, chắc cùng hội…
Kikuji buông Yukiko ra, ngồi bệt xuống lối vào.
– Người đó nói hôm nay có đại tiệc trà ở chùa Gokoku, Otowa… Sư phụ Kurimoto cũng đến, lúc ra về khi bước xuống bậc đá thì thấy hoa đỗ quyên nở đẹp quá, đứng lại trò chuyện với người đi cùng rồi lảo đảo rồi ngất luôn…
Vết chàm lớn như nước chảy loang trên ngực trái Kurimoto Chikako lại hiện lên trong đầu Kikuji thật rõ rệt. Thấy cả các màu tím, xanh, đen của vết chàm. Màu như miếng gan bò bị thối rữa.
– Nghe nói được chở đến bệnh viện rồi.
– Bị thương ở bậc đá hay sao?
– Hình như không phải bị thương. Nghe nói là tim bị sao đó!
– Tim á? Tim bà cô đó thiên hạ vô địch chứ chẳng chơi…
Nghĩ dưới vết chàm đó là trái tim Chikako, Kikuji rùng mình lạnh cả người.
– Người đến báo là phụ nữ à?
– Đúng, một phụ nữ, hơn bốn mươi…
Yukiko từ từ ngồi xuống, chạm vào đầu gối anh.
– Em không biết có nên gọi điện đến công ty không, cứ đắn đo mãi, vừa hay anh về đến.
– Anh về đâu phải mấy chuyện đó.
Kikuji nói năng có vẻ thô lỗ.
– Có nói là Kurimoto nhờ đến đây báo cho mình không?
– Đúng đó, chắc rồi… Anh có định đi thăm không?
– Việc gì phải đi chứ?
Yukiko thăm dò sắc mặt Kikuji.
– Vậy cũng được à? Sư phụ Kurimoto chỉ có một mình mà.
– Duyên nợ đã dứt thì không nên nối kết.
– Em đã trả lại chén Oribe rắc rối đó. Em có gửi lời với người đến báo.
– Vậy à? Vậy tốt rồi. Em làm một việc tốt đấy.
– Em cũng thấy băn khoăn quá. Với lại, em nghĩ, nếu bán đi, sư phụ có thể dưỡng bệnh nên…
Cách nói của Yukiko rất đơn giản, nhưng Kikuji cảm thấy cái bóng cố chấp của Chikako như mờ nhạt dần.
Chikako mua lại chén Oribe đen, đem đến trả cho Kikuji, bị từ chối nên đã gửi mẹ Yukiko. Mẹ Yukiko đâu thể đem về nên rốt cuộc cái chén nằm lại nhà Kikuji.
– Không gọi điện cho anh cũng không sao phải không? Mai mốt có ai đến nói gì em cũng mặc.
Nghe giọng Yukiko như hát, Kikuji gật đầu.
Tuy Yukiko khiến anh nhớ lại quan hệ vô đạo đức, tội lỗi của cha con anh, Kikuji vẫn muốn nương tựa, bám víu vào sự trong sáng của cô.
Mặc dù vậy, việc Kikuji về nhà đúng lúc có tin báo Chikako bị bất tỉnh như bị dẫn dắt bởi một lời nguyền.
Kikuji không đi thăm bệnh. Sau đó, có thư của Chikako báo đã khỏe lại và đã về nhà.
Và khoảng đầu tháng Năm, anh nghe tin Chikako qua đời vì bị nhồi máu cơ tim. Chikako ra đi khi ở một mình, không ai hay biết. Quá trưa, vẫn không thấy cửa nhà Chikako mở, người hàng xóm lấy làm lạ và đến lúc đó mới phát hiện. Cảnh sát suy đoán bà ta chết trong khoảng thời gian từ hai đến bốn giờ sáng.
(Chưa kết thúc)
Người góp chữ
An Nhiên
Đang vui thích với công việc hiện tại.
Leave a Reply