Monique Truong, Cuốn sách muối (trích)

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi
Thời gian đọc: 16 phút

(Bài viết thuộc Zzz Review số 5, 20-4-2019)

Cuốn sách muối là tác phẩm đầu tay của nhà văn người Mỹ gốc Việt Monique Trương. Tiểu thuyết được kể lại qua nhân vật tên Bình, người đầu bếp của nữ văn sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng Gerstrude Stein và người bạn của bà, Alice B. Toklas. Những mảnh Paris những năm 1930 và cả Việt Nam thời Pháp thuộc hiện lên qua giọng kể của Bình. Hài hước, cảm động, đầy trăn trở về những lựa chọn của thân phận lưu vong, tác phẩm được giới phê bình đánh giá cao, và đã được dịch sang nhiều thứ tiếng trên thế giới.

– Zét Nguyễn

 

1

Về ngày hôm đó, tôi có hai bức ảnh và tất nhiên là, cùng những kí ức.

Chúng tôi đến Gare du Nord sớm hơn ba tiếng đồng hồ. Va li, hành lý du lịch nhiều vô kể. Chúng tôi phải bắt hai chuyến taxi từ căn hộ đến nhà ga mới vận chuyển hết số đồ đạc. Một nhóm nhỏ những tay nhiếp ảnh chực chờ ở đó đã tình nguyện trông chừng số đồ đạc chuyển đến đầu tiên trong khi chúng tôi trở về rue de Fleurus để lấy thêm. Hai Madame[1] của tôi chấp nhận đề nghị của họ không chút ngần ngại. Họ có niềm tin gần như rất trẻ con đối với những tay nhiếp ảnh. Hai Madame tin rằng nhiếp ảnh gia biến một dịp bình thường thành sự kiện. Sự hiện diện của họ là dấu hiệu cho thấy sự quan trọng và tiếng tăm tay trong tay đang cùng nhau bước đến. Những máy ảnh chớp sáng như nụ cười rạng rỡ của đám bạn lâu ngày gặp lại đã nhanh chóng sưởi ấm trái tim tập thể của hai Madame. Giống bạn mới khó lòng tin tưởng thì có, tôi nghĩ. Khi ấy, tôi đã ở với hai Madame được nửa thập kỷ. Những tay nhiếp ảnh không ở đó ngay từ ban đầu. Nhưng khi chúng tôi bắt đầu chuẩn bị cho chuyến đi, họ bu quanh số 27 rue de Fleurus đông như kiến. Tôi dễ dàng hiểu được vì sao hai Madame tôi muốn lấy lòng họ. Mỗi một tay nhiếp ảnh ghé qua sẽ luôn kéo theo một phong thư có đựng mẩu báo cắt từ tờ báo hay tạp chí nào đó, trong đó tên của hai Madame được khoanh tròn bằng màu mực đỏ. Những mẩu báo được cắt ra này, được cẩn thận là phẳng, đặc biệt nếu một nếp nhăn vô tình hằn lên mặt của hai Madame, lập tức được cho vào một cuốn album bìa da màu xanh lá. “Xanh là màu của ghen tuông tị nạnh,” hai Madame bảo tôi. Khi nói câu này, họ ngầm trao đổi những ánh mắt thấu hiểu, thể hiện sự khoái trá thấy rõ. Hai Madame của tôi giao tiếp với nhau theo lối kín đáo, nhưng suốt những năm sống chung với họ tôi đã nắm được chìa khóa giải mã. “Xanh” có nghĩa là họ đã chờ đợi mỏi mòn cho đến ngày hôm nay, đã chán ngán thấy nó đến trước ngưỡng cửa của bạn bè và người quen đơn thuần; rằng cuốn album đã ở đó ngay từ ban đầu, sốt ruột chờ đợi thời khắc đến; rằng giờ họ rất nóng lòng muốn lấp đầy nó bằng những tấm ảnh gia đình thuộc diện dễ công khai nhất. “Xanh” ở đây không phải là sự ghen tị của họ mà là của kẻ khác.

Tôi biết rằng điều này có vẻ khó tin nhưng mãi cho đến khi đám thợ ảnh xuất hiện, tôi mới hiểu được rằng hai Madame của tôi, à thì, không hẳn là của tôi; thuộc về một đất nước rộng lớn hơn bất cứ đất nước nào tôi từng đặt chân tới; rằng người dân nơi ấy có quyền ấp ủ lời tuyên bố họ thuộc về cộng đồng đó. Tất nhiên, số 27 rue de Fleurus luôn có nhiều khách khứa, nhưng chuyện này thì khác. Hai Madame của tôi thích tiếp khách nhưng cũng rất vui lòng tiễn khách đi. Nhiều người đến với hi vọng có một chỗ ngồi cố định nơi bàn trà của hai Madame, nhưng tôi luôn biết rằng sau bình trà thứ ba họ sẽ phải ra đi. Hai Madame đã phải trả tiền để tôi ở với họ. Tôi đã luôn nghĩ đó là sự mỉa mai thú vị. Nhưng đám thợ ảnh lại đánh dấu sự khởi đầu của điều gì đó mới mẻ. Nhóm hâm mộ mới này thường đòi hỏi đủ điều mà lại xáo động không yên. Tôi rất ngạc nhiên khi thấy họ không yên phận với việc gõ cánh cửa ở số 27 rue de Fleurus, lịch sự xin vào để uống ngụm trà. Không, đám thợ ảnh muốn hai Madame của tôi đi với họ, bỏ lại rue de Fleurus sau lưng, khóa nó lại bằng một cái chìa khóa. Ở Gare du Nord ngày hôm ấy, ánh đèn chớp sáng của máy ảnh chiếm trọn tâm trí tôi, không hiểu vì sao, những thứ này chưa bao giờ thôi làm tôi sợ. Chúng là ánh đèn vờ như soi sáng nhưng thực chất chỉ tổ làm ta lóa mắt. Ánh chớp lóe trước cơn bão lớn đây mà, tôi từng nghĩ vậy. Nhưng tôi cho rằng ấy là mối lo âu của người thủy thủ trong tôi đang lên tiếng. Đã mười một năm trôi qua kể từ lần cuối tôi thực sự vượt đại dương. Đối với hai Madame tôi thì là hơn ba mươi năm rồi. Đại dương với họ chỉ còn là kí ức, một vùng xanh rộng lớn tĩnh lặng trải dài giữa nơi này và nơi kia. Đối với tôi nó còn sống và dữ tợn, một sự gợi nhớ rằng khoảng cách không thể đo lường bằng sự mênh mông của biển cả, rằng đó chỉ là sự khởi đầu.

Ban đầu khi hai Madame bắt đầu chuẩn bị cho chuyến đi, họ muốn mang Basket và Pépé theo cùng. Tàu SS Champlain sẵn sàng chấp chứa chó và thú cưng các kiểu miễn là chúng đi cùng một người chủ ở khoang hạng nhất. Tuy nhiên, vấn đề lại nằm trên đất Mỹ. Không một khách sạn nào hoặc ít nhất là không khách sạn nào trong lịch trình của họ chấp nhận những bạn đồng hành thuộc loài bốn chân. Cuộc bàn bạc ngắn gọn diễn ra trong nước mắt, nhưng tựu trung là ngắn gọn. Những năm gần đây, hai Madame tôi đã trở nên thực dụng. Thậm chí việc con chó xù và con chihuahua yêu dấu bị bỏ lại ở Paris, sẽ rên ư ử, hoặc trong trường hợp của con chihuahua, sẽ sủa ăng ẳng hằng tháng trời nếu không muốn nói hằng năm trời, ngay cả việc ấy cũng không làm họ trì hoãn chuyến trở về. Chắc chắn là giữa tôi và mấy con chó không đời nào có chuyện chia ly sướt mướt, đặc biệt là con chó xù Basket. Hai Madame tôi mua nó ở Paris trong một chương trình xiếc chó vào mùa xuân năm 1929. Cùng năm đó ít lâu sau, tôi cũng gia nhập hộ khẩu ở rue de Fleurus. Tôi đã luôn ngờ rằng do thời điểm đến đây sát nhau đã làm con vật này đối xử với tôi thậm tệ. Gì thì gì, sự ghen tị vẫn là một bản năng. Mỗi buổi sáng, hai Madame đòi tắm Basket bằng dung dịch nước lưu huỳnh. Hẳn không nơi nào có thể có một con chó sạch sẽ hơn. Khách khứa đến rue de Fleurus thường ngắt ngang câu chuyện chỉ để trầm trồ khen lông nó và sắc hồng nơi lớp da non. Lúc đầu, tôi nghĩ nước lưu huỳnh đã làm đổi màu lớp áo khoác xoăn tít màu trắng của Ông Hoàng đó. Nhưng rồi tôi nhận ra chỉ đơn thuần là nó bị rụng lông, lớp da giống màu vỏ xúc xích của nó đang dần hiển lộ, một màn thoát y đáng xấu hổ chẳng ngờ gì do những buổi tắm sáng mà ra. Thế là hai Madame bắt đầu “diện” cho Basket những bộ đồ nhỏ xíu như áo choàng mỗi khi nhà có khách.

Tôi có thể tự mình tắm táp và mặc quần áo, xin cảm ơn. Dù vậy, giống như Basket, tôi cũng có kha khá người hâm mộ. À thì, có lẽ chỉ một hoặc hai người. Trái lại, con chó chihuahua Pépé lại nhỏ thó và đáng ghét. Nó còn không giống một con chó, nhìn đâu cũng chỉ thấy cặp mắt thò lõ và cái mũi nhỏ ươn ướt. Lẽ ra là nó chẳng đáng có một người hâm mộ nào, nhưng nó, cũng như Basket, là ví dụ điển hình cho việc tình cảm của hai Madame tôi thỉnh thoảng cũng đặt nhầm chỗ. Tất nhiên là hai Madame đã mời tôi về ở chung với họ. Thử tưởng tượng họ mời Basket và Pépé mà không phải tôi mà xem. Không đời nào. Chúng tôi, hãy nhớ nhé, cho đến lúc đó, đã ở cùng nhau hơn nửa thập kỷ. Tôi đã cùng họ chu du khắp nơi, dù thật sự phạm vi chỉ từ Paris đến căn nhà mùa hè của họ ở Bilignin. Khi tôi gặp họ, cả hai Madame của tôi đều đã ngoài năm mươi. Lúc đó, họ không còn thú vui du lịch nữa. Một chuyến đi, đối với họ, đã trở thành chuyển động qua lại yên ổn giữa một nơi thoải mái này đến nơi thoải mái khác, một chuyến xe qua những tông màu trầm lặng của miền quê nước Pháp.

Chuyến hải trình đã thay đổi mọi thứ. Hai Madame tôi bắt đầu chuẩn bị trước hàng tháng trời. Họ đặt may váy mới, găng tay mới và giày mới. Không có gì xa hoa, nhưng mọi thứ đều sang trọng: áo chẽn thêu hoa và mấy loài chim, những bộ đồ du lịch bằng thứ vải tuýt đẹp đẽ với viền và cúc áo bằng nhung nâu, giày giống hệt nhau ngoại trừ gót và kích cỡ. Đôi lớn được đóng với gót chỉ nâng lên một chút. Gót giày trông như giày nữ sinh nhưng độ lớn thì như giày đàn ông. Đôi nhỏ hơn cao hơn nhiều nhưng không đến nỗi chót vót. Hãy nhớ, cả hai Madame của tôi đều rất chú trọng đến sự thoải mái.

“Chúng ta sẽ đi tàu hỏa từ Paris đến Le Havre, tàu SS Champlain sẽ đỗ ở đó. Từ đó, Đại Tây Dương sẽ chấp chứa chúng ta trong sáu bảy ngày, và rồi thành phố New York sẽ hiện ra trước mắt. Từ New York, chúng ta sẽ tiến về phía Bắc đến Massachusetts, rồi hướng về miền Nam đến Maryland và Virginia, rồi qua phía Tây đến Ohio, Michigan, Illinois, Texas, California, đi hết bờ Thái Bình Dương và rồi, có lẽ là quay trở lại.” Khi hai Madame của tôi vạch trên bản đồ cuộc hành trình dự định, tên của mỗi thành phố – New York, Boston, Baltimore, Cleveland, Chicago, Houston, San Francisco – giọng cao vút lên đầy hứng khởi khác hẳn với chất giọng bèn bẹt thường ngày. Giọng họ đặc biệt run lên khi đề cập đến máy bay. Họ muốn thấy nước Mỹ của mình từ góc nhìn thực sự của thế kỉ hai mươi, họ nói với đám thợ ảnh. Thử tưởng tượng, họ nói với nhau, chuyến bay kì diệu không còn là một lối nói tu từ. Họ đang xem xét chi phí để mua một chiếc máy bay riêng, tất nhiên là một chiếc cũ. Nói gì thì nói, hai Madame tôi vẫn còn rất thực dụng.

Tôi thì, theo mức nào đó, vẫn còn khá mê tín. Tôi nghĩ rằng số phận hẳn là đang lắng nghe cái thứ mơ mộng về du lịch và phi cơ này. Làm sao tôi không nghĩ vậy cho được khi lá thư lại được gửi đến rue de Fleurus trong cùng ngày hôm đó? Nó trở thành một sự kiện hẳn hoi. Hai Madame chuyển cho tôi phong thư đặt trên cái khay nhỏ bằng bạc. Họ bảo họ đã giật mình khi nhận ra rằng trước đây họ chưa từng thấy họ tên đầy đủ của tôi được viết ra. Điều hẳn đã khiến họ giật mình hơn là việc nhận ra trong suốt ngần ấy năm tôi làm cho họ, tôi chưa từng nhận một lá thư nào trừ lá này. Tôi không cần phải nhìn phong thư mới đoán ra. Thư của anh hai tôi. Không ai bên đó biết được có thể tìm tôi ở đâu, biết rằng số 27 rue de Fleurus là nhà tôi. Tôi hít ngửi phong thư trước khi mở ra. Nó có mùi của một thành phố xa xôi, cái mùi oi nồng dự báo trời sắp mưa. Nếu hai Madame không ở trong phòng, tôi hẳn đã dùng lưỡi nếm nó. Tôi dám chắc sẽ nhận ra vị mặn quen thuộc của muối, nhưng cái tôi muốn biết là loại nào: nhà bếp, mồ hôi, nước mắt hay biển cả. Tôi muốn cái vật bao ngoài bằng giấy này tiết lộ bản thân nó với tôi, nói cho tôi biết trước khi ngôn từ hiện ra rằng vì sao phải mất gần năm năm trời, anh tôi mới hồi đáp lá thư đầu tiên và duy nhất tôi gửi về nhà.

Tôi viết thư cho anh vào cuối năm 1929. Tôi đang say và ngồi một mình ở một quán café đông đúc. Tháng Mười Hai năm đó mà sống ở Paris thì thật tệ hại. Tất cả những nơi ưa thích của tôi hoặc là quá đông đúc hoặc tiêu điều vắng vẻ đến thảm hại. Mọi người hoặc đang nhấm nháp vang xịn để chúc tụng hoặc nốc ừng ực men say mà không cần biết loại gì, nhấn chìm bản thân chẳng buồn để ý đến điều độ, nâng ly tiêu sầu, dốc rượu để thăng hoa. Vẻ mặt thì muôn hình vạn trạng nhưng tháng Mười Hai năm đó, ở đâu người ta cũng chỉ nói một chuyện: “Người Mỹ đang bỏ về.” Nhưng thế vẫn tốt hơn, những kẻ còn ở lại không còn ngạo mạn, không còn quá tự tin kiêu hãnh nữa. Tiền, mọi người kháo nhau, là thứ cần có để những điều như vậy sống được. Đúng vậy, người Mỹ đang bỏ về, nhưng còn phụ thuộc bạn là ai để nó thành nguyên cớ vui hay buồn.

Ví dụ như những tiệm mont-de-piété trong thành phố đang làm ăn rất phát đạt. Thật đúng là “Cả núi khoan hồng”. Thật đúng là người Pháp, với kiểu giễu nhại của mình, họ dùng cả bồ đầy những chữ giàu chất thơ để chỉ những cửa hiệu cầm đồ, vốn là nơi chứa toàn những thứ có giá trị nhưng chẳng bao giờ có chất thơ. Tôi nghe nói những tiệm cầm đồ ở Paris chật kín những bộ vét tông kiểu Mỹ cầu kỳ. Vào cuối tháng Mười, khi những chuyện này bắt đầu xảy ra, mấy chỗ đó chỉ có vest vải sọc, vải cốt tông, vải lanh. Tôi nghĩ đây chẳng phải là sự hi sinh to tát gì trong thời điểm này của năm. Paris quá lạnh để mặc những trang phục kiểu này. Tôi thì luôn nghĩ tốt hơn hết là đi cầm những bộ đồ mỏng của mình khi thời tiết thay đổi. Như vậy chúng sẽ được bảo vệ khỏi những con mối háu đói và tiết kiệm được tiền mua long não. Cái đói của tôi cũng đóng chút ít vai trò, có thể nói là mang tính quyết định. Nhưng vào chớm đông năm đó, mọi sự đã trở nên rõ ràng. Người Mỹ còn cầm cố vải sợi to, len ba lớp, vải tweed viền flannel. Quần áo theo mùa chỉ có thể biểu trưng cho một điều. Sự khủng hoảng đang đòi hỏi nhiều không gian hơn trong tủ áo. Sự khủng hoảng đang kéo dài thời gian ngự tại. Những ngày cuối năm 1929 còn mang theo sự phẫn nộ, râm ran đây đó khắp những quán café, về tiền rượu mấy tháng chưa trả, ấy là chưa kể đến hóa đơn khách sạn bị quịt hay tiền nhà quá hạn. “Tiền nhà gửi sang không thể vượt qua Thái Bình Dương,” những người Mỹ tha hương khẳng định. Tiền nhà gửi sang chưa từng được gửi đi, hoặc tồi tệ hơn, không còn đủ, tất cả người Paris lúc đó đều biết. Người Mỹ, không chỉ ở đây mà ngay cả ở Mỹ đã mất nhiều của cải. Một điều ước độc ác nhỏ nhen đã thành sự thật. Tất nhiên là người Paris nhớ mấy đồng tiền Mỹ nhưng chẳng ai nhớ người Mỹ. Dù tôi nghe nói ban đầu người ta thông cảm lắm. Khi người Mỹ vừa mới đến, người Paris thậm chí còn thương họ. Dẫu sao, những linh hồn lạc lối đó vừa tháo chạy khỏi một đất nước mà một chai rượu vang cũng được liệt vào hàng buôn lậu và một ly champagne đã là một trọng tội. Nhưng khi chuyện đã rõ là người Mỹ không có ý định rời đi và cũng không có ý định tỉnh táo, người Paris muốn đòi lại thành phố của họ. Nhưng sự đã muộn màng. Những mô thức hành vi trở nên rõ rành một cách khôi hài. Người Mỹ đến đây để được tận tưởng những điều bị cấm kị tại quê nhà. Đầu tiên, họ tấn công vào những nhà thổ và rồi đến lượt những quán café. Người Paris có thể hiểu hơn ai hết về chuyện ăn chơi đàng điếm, nhưng thói đạo đức giả thì khó mà hiểu cho thông.

“Nhưng còn có người Nga, người Hung, người Tây Ban Nha nữa mà… tuy không nhiều tiền bằng nhưng cũng có những cái dễ thương khác.” Tiếng cười ngay lập tức phát ra sau lời nhận định mách cho tôi biết rằng bàn bên cạnh đang bình phẩm những điều khác nữa ngoài tiền. Khi tụ tập ở quán café, người Paris hiếm khi nói dông dài chuyện tiền bạc. Chỉ vài lời là họ cạn vốn. Thế nhưng, tình dục lại là chuyện hoàn toàn khác, và trường kỳ luôn. Những chuyện tán gẫu cũng như tin tức thế giới về vấn đề này tôi đều nghe được từ những quán café. Tất nhiên, phải mất một thời gian dài tôi mới hiểu được, nhưng càng ngồi lâu thì tôi càng biết nhiều. Tôi học được rằng, rượu là một tay phiên dịch rất trôi chảy, dù là hơi thiếu chuẩn xác. Trong đêm tháng Mười Hai đó, tôi đã đặt lòng tin vào hết ly rượu này đến ly rượu khác, không háo hức uống, mà háo hức thêm một chút chuyện trò. Đêm đó tôi cũng không có nơi nào khác để đi, nên tôi ngồi đó và nhìn chằm chằm vào những bức tường loang lổ thuốc lá của quán café cho đến khi ví trống trơn, bọng đái căng đầy, và tôi say bét nhè. Tồi tệ hơn, rượu đã lừa dối tôi, đã hứa hẹn và rồi thất hứa. Ngày xưa, những ly rượu nhỏ có thể mềm mại hóa sự chắp vá và lởm chởm giữa những từ tiếng Pháp, nhưng đêm đó, rượu lại phóng đại và làm chúng trở nên sắc bén. Nó dọa dẫm sẽ xé toạc và xé toang. Nó dằn vặt tôi bằng những câu hỏi, khinh bỉ tôi sao có thể ngồi đó lượm lặt những tiếng cười, hóng hớt những câu đối thoại dù sự đã rõ rành rành là “người Mỹ đang bỏ về.” Rồi cơn sợ hãi đột ngột chiếm cứ một dòng nghi vấn: “Hai Madame mới của tôi liệu có đi với họ không?” Hoặc câu hỏi đúng ra là “Khi nào?”

 

Tôi không nhớ có hỏi xin bồi bàn giấy và bút chì không, nhưng hẳn là tôi đã làm vậy, vì tôi không bao giờ mang mấy thứ đó trong túi. Những quán café thường cho không những thứ này. Người Pháp bán cả nước lọc nhưng lại cho không những thứ xa xỉ như vậy. Nội dung bức thư khá chán, toàn những chuyện chỉ có anh hai tôi quan tâm như: sức khỏe của tôi, chi phí đồ lót và giày, giá một thẻ métro[2], lương hằng tuần của tôi, thực đơn bữa ăn gần đây nhất của tôi, mưa rơi trên Nhà Thờ Đức Bà, Paris trong màn tuyết mỏng. Tôi đã quên mất rằng trên giấy, ngôn từ của tôi khác lạ thế nào, rằng những kí tự ấy chẳng mấy giống thanh âm chúng thực sự phát ra. Những từ, hầu như tôi không nói nhiều năm nay, đang bỗng đâu tự ùa đến ào ạt. Sự trôi chảy, dẫu sao, cũng chỉ là tương đối. Trên mảnh giấy đó, gửi về phía bên kia của địa cầu, tôi đang rất trôi chảy. Tiếng viết sột soạt, tiếng giấy rột roạt, tôi không muốn thanh âm ấy dừng lại nhưng không còn chỗ trống nữa rồi. Rồi tôi viết bên lề giấy:

“Hai Madame của em có thể sẽ trở về nhà. Em không muốn bắt đầu lại, phải săm soi những mẩu tin tìm người giúp việc, gõ những cánh cửa, rồi lui bước một mình. Em sợ.” Tôi định đặt một dấu phẩy giữa “một mình” và “em sợ”. Nhưng trên giấy, một dấu chấm thay vì một dấu phẩy sẽ biến cảm giác hối hận thành một lời tự thú được diễn đạt thành lời. Tôi hẳn đã có thể sửa lại chỉ bằng nét phẩy nhỏ nhưng rồi tôi đọc đi đọc lại mấy câu này và nghĩ, Như thế cũng đúng.

Dòng đầu tiên từ lá thư anh hồi đáp làm tôi giật mình, làm tôi tự hỏi liệu có đúng là anh viết nó không. “Đến lúc trở về nhà, về Việt Nam rồi,” anh tuyên bố với giọng điệu giống hệt Ông Già, kết thúc bằng sự kiềm nén và kiểm soát một cách cứng nhắc. Nhưng những dòng theo sau đã chứng minh rõ ai là người cầm bút: “Em là em trai của anh và đây là điều quan trọng nhất. Anh không cần tha thứ cho em vì em không bao giờ cần phải xin lỗi anh cả. Anh nghĩ đến em suốt, đặt biệt là mỗi khi Tết đến. Anh mong em trở về để cùng đón tết sau. Bữa ăn ngon và Bao lì xì đang đợi em. Và anh cũng vậy.” Lá thư viết ngày 27 tháng Một, 1934. Lá thư của anh chỉ mất một tháng để đến được rue de Fleurus. Anh không đưa ra lời giải thích nào cho sự chậm trễ hồi đáp mà chỉ nói rằng mọi chuyện ở nhà đã thay đổi. Anh viết rằng tốt hơn hết là tôi nên nghe tận tai. Ý anh là giấy mực không đủ khả năng chất chứa sức nặng của những điều anh phải nói nhưng dẫu sao anh vẫn muốn thử sức mạnh của nó.

Cuối tờ giấy, ở phía bên kia địa cầu, anh trai tôi kí tên mình. Và rồi, cứ như suy nghĩ chợt hiện ra, anh viết thêm mấy chữ “đi mạnh giỏi” nơi lẽ ra đã kết thúc.

Tôi gấp lá thư của anh lại và cất trong túi của bộ đồ ấm duy nhất, và vì thế là bộ đồ ấm đẹp nhất của tôi. Tôi mặc nó với lá thư bên trong đến Gare du Nord ngày hôm ấy. Cái áo được vuốt thẳng thớm, dù có hơi sờn cũ. Lá thư còn nhàu nhĩ hơn. Dầu trên đầu ngón tay tôi, hơi ấm từ cơ thể tôi đã làm thay đổi cấu thành vật chất của nó. Tờ giấy đã trở nên trong suốt vì được lôi ra thường xuyên, được đọc đi đọc lại nhiều lần. Mực đã phai nhạt thành màu tím. Chữ trở nên khó đọc. Dù thực sự là trí nhớ của tôi đã khiến cho hành động này trở nên lỗi thời rồi.

Tấm ảnh đầu tiên của cuộc hành trình được chụp tại đó, nơi nhà ga. Trong hình, hai Madame của tôi ngồi cạnh nhau và nhìn thẳng về phía trước. Họ đang chờ tàu để đến Le Havre, tán gẫu với cánh thợ ảnh, mở to mắt về phía ống kính. Họ có cùng biểu cảm như lúc mang một đôi giày mới. Họ không bao giờ đứng dậy ngay và đi vòng quanh. Họ thích ngồi và để cho những ngón chân từ từ lần mò khám phá nơi nào có lớp da giày và nơi nào nó kết thúc. Một bài tập dễ chịu đối với họ, tôi chắc chắn là vậy, vì họ luôn trao nhau nụ cười mỉm có nét đồng lõa. Tôi ở bên dãy ghế, sau lưng họ, về phía tay trái. Tôi là người đang cúi đầu, mắt nhắm lại. Tôi không đang ngủ, chỉ là đang nghĩ, và thỉnh thoảng bóng tối trợ giúp làm việc ấy. Tôi là người không quen với những lựa chọn, nên những tháng dẫn đến ngày hôm ấy ở Gare du Nord đã hình thành trong tôi một nỗi đau sâu sắc và mới mẻ, đau đáu và dai dẳng. Tôi đã quên mất rằng sự cẩn trọng suy xét cũng mang đến cảm giác như vậy.

Giờ tôi thỉnh thoảng nhìn tấm ảnh này và tự hỏi liệu nó được chụp trước hay sau. Tôi biết, mình chỉ có thể suy đoán thuần túy ngay lúc này. Dù tôi nhớ ra rằng hình như một khi đã quyết định việc gì, tôi thường ngẩng đầu lên theo bản năng, như thể có ai vừa gọi tên tôi. Nếu đúng là như vậy, hẳn là bức ảnh được chụp trong suốt những khoảng khắc trước đó, khi tim tôi còn đang đập mạnh với những nhịp loạn xạ như đoàn tàu đương trờ tới đằng kia, và tất cả những gì tôi nghe thấy trong bóng tối là đoạn điệp khúc giản đơn:

Em không muốn bắt đầu lại
Săm soi những mẩu tin tìm người giúp việc
Gõ những cánh cửa
Lui bước một mình
Và, đúng vậy, em sợ.

Hoàng Phương dịch

 

_____________

[1] Tiếng Pháp. Số nhiều của Madame. Chỉ hai bà chủ của nhân vật Tôi. Nhiều từ tiếng Pháp sẽ được giữ nguyên để thể hiện không khí của câu chuyện.

[2] Thẻ đi tàu điện ngầm

Chấm sao chút:

Đã có 1 người chấm, trung bình 5 sao.

Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3

Người góp chữ

Hoàng Phương

Dân công sở, sống tại Sài Gòn. Dịch sách vì ham vui.

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi

2 Comments on Monique Truong, Cuốn sách muối (trích)

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*