Văn học Việt Nam 2018: Dấu ấn, Hay Ấn mãi không ra dấu?

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi
Thời gian đọc: 11 phút

Giữa cơn triều cường văn học dịch cuồn cuộn đổ như xả đập ập vào mặt năm qua, tôi vẫn miệt mài tìm đọc văn học quê nhà. Dỏng tai, căng mắt, nghe đâu có nói cuốn nào Được, vội bỏ giỏ, chờ sale, mua ngay. Cứ gọi là Tiếng phong hạc phập phồng hơn mươi tháng, trông tin thắng [của đội tuyển Việt Nam] như trời hạn trông mưa. Quả không phụ công chim lợn có lòng hóng, năm nay làng nhà ta cũng có chút rộn: nào Nguyễn Ngọc Tư đoạt giải thưởng văn học LiBeraturpreis và ra tập truyện mới, nào Tuổi 20 bao năm lưu lạc xứ người của Nguyễn Huy Thiệp giờ áo gấm vinh quy, nào cuộc thi Văn học tuổi 20 lần thứ 6 khai quật được một loạt tác giả trẻ viết lạ. Câu hỏi sau rốt khi khép lại cuối năm, lại chỉ giản dị là: thế có cuốn nào hay, cho anh em ta liền tay hốt?

 

Dấu ấn

ve-tu-hanh-tinh-ky-uc

Một cú ấn ra dấu ra má của năm 2018, éo le thay, lại đến từ một cuốn thuộc thể loại ký sự (được ghi ngay trên bìa), cái thể loại ghi chép tư liệu đã giúp bà Svetlana Alexievich giật Nobel 2015 và làm không biết bao nhà phê bình la toáng không cần hư cấu cũng làm nên văn chương: Về từ hành tinh ký ưc của Võ Diệu Thanh.

3157 là con số những người dân thường đã bị giết trong vụ thảm sát ở xã Ba Chúc tỉnh An Giang năm 1978, khi quân Khmer Đỏ (gồm cả đàn ông, đàn bà, trẻ con, cả lính Trung Quốc) đột ngột tấn công biên giới Tây Nam Việt Nam. 40 năm trôi qua, vết máu trên tường chùa Phi Lai nơi người dân chạy tới nương náu vẫn còn, và 40 năm trôi qua, lần đầu tiên tôi được nghe, đầy đủ và rành rẽ, những nạn nhân lên tiếng kể lại những ký ức đau thương.

Về từ hành tinh ký ức là một ký sự rúng động, ghi chép những lời kể của những nạn nhân trong vụ thảm sát này (và cả những người có liên quan tới những cuộc chiến khác nữa): anh Út Nam cùng trốn trong hang núi cùng mấy chục người khi tử thần ở ngay cửa hang, vợ anh đã phải ôm chặt đứa con đang khóc, tiếng khóc như tiếng bom, “có thể nổ tung từng mạng người”, chặt đến mức “con tôi đã chết từ lúc nào rồi”; chị Tư Chỉnh, bị đánh bể sọ, sống sót khi cả làng bị giết sạch, “làng xóm trở thành một đống rác khổng lồ, tưởng như cả trái đất này đều là xác người chồng lên xác người”, mùi hôi đầy trời, phải đi đốt xác để có thể tiếp tục sống, phải đi mót lượm rau núi, cá dưới đìa, dù chính những con cá đó đã rỉa xác người; chú Tư Long, bà nội bị bắn chết khi bị lùa đi vì già quá đi không nổi, còn bác gái thì bị bắn xuyên đầu trong tư thế quỳ, xác “phơi quỳ trong cái nắng tháng Ba đổ lửa”…

Tương đồng ít nhiều về cách thức tiến hành của Alexievich (phỏng vấn và ghi chép lời thuật lại của nhân chứng), cuốn sách của Võ Diệu Thanh tương đồng cả ở giá trị: một tác phẩm xuất sắc, đầy xúc động, nơi những con người nhỏ bé được cất tiếng kể lại những thảm khốc mà chính mình và gia đình mình đã kinh qua.

Dẫu vậy, tác giả Võ Diệu Thanh có lẽ là ca một rất đặc biệt, khi cùng một năm có hai tác phẩm được xuất bản, mà một (chính là tập truyện ngắn Cửa sổ hình tia chớp) thì tệ, một thì có thể liệt vào hàng kinh điển. Thậm chí ngay trong Về từ hành tinh ký ức, cũng có hai phần hay kém rõ rệt: phần mở do chính Võ Diệu Thanh viết dở đến mức tôi muốn bỏ dở, nhưng ngay sau đó, khi đi vào phần các nhân chứng kể lại, thì tôi như đang đọc một cuốn sách khác: khi không màu mè, chỉ cần lời kể chân thực, là đủ khiến người đọc biết, những ký ức qua những lời kể ấy, có thể chạm đến gì, có thể mở ra những gì: “Chỉ nhớ lưng cõng con, chân không, tôi giẫm lên nền chùa đầy máu. Những dòng máu còn nóng. Giống như ai vừa kho cá, đổ nước kho cá dưới chân.” Điểm yếu của tác phẩm còn nằm ở chỗ: ôm đồm. Tác giả gộp nhiều lời kể của những người liên quan tới các cuộc chiến khác nữa, và khi đặt cùng lời kể của những nạn nhân ở Ba Chúc, thì bị lạc quẻ.

Trở lại với hư cấu (thuần túy hay không thì khôn có lẽ không nên hỏi), một dấu ấn khác là cuốn tiểu thuyết, mang nhiều dáng dấp luận đề (hoặc rõ ràng là không, nếu chỉ coi nó tập trung quá mạnh vào ý tưởng dẫn dắt): Tôi ngồi đây chờ cơn bão tới của Nguyễn Hải Nhật Huy, mà Zzz Review từng có bài điểm lẫn bài phỏng vấn với tác giả. Sau một năm đọc lại (theme của tôi năm nay có lẽ là đọc lần hai), tôi vẫn giữ nguyên nhận định về tác phẩm trình hiện xã hội bị truyền thông, chủ nghĩa tiêu dùng chi phối này là một dấu ấn đâu ra đấy: ở khả năng xây dựng cốt truyện và đối thoại, ở sự nghiêm túc của tác giả khi chịu khó tìm tòi và làm nghiên cứu chuẩn bị cho nội dung, ở ý tưởng và kỹ thuật độc đáo (những chương viết về nhân vật Q bị chiếm lốt quả là khác biệt). Dĩ nhiên bên cạnh đó thì điểm yếu vẫn lồ lộ: dài dòng ở quá nhiều đoạn, cái kết thì quá sắp đặt.

dấu ấn 1

Mờ mờ

Phải đến lần thứ 6 của cuộc thi Văn học tuổi 20, tôi mới bắt đầu đọc. Lý do có lẽ là vì tôi kỳ thị cái tên chăng? Vì nghe đã thấy nó quảng cáo cho non xanh húng? Và năm nay tôi hài lòng vì mình đã quyết định đọc, vì có những tác phẩm khiến tôi mở mắt, không phải vì hay, mà chủ yếu vì lạ, không phải vì xuất sắc, mà vì giúp tôi nhận diện ra một xu hướng viết mới, dẫu mờ mờ. Mà thu hoạch được thế, là oách rồi.

Đầu tiên phải kể tên, là tác phẩm Wittgenstein của Thiên Đường Đen, đạt giải Nhì, của Maik Cây. Cuốn truyện dài này gom góp trong nó vài thứ to oạch: sci-fi thế giới tận thế và hậu tận thế với một cú nổ bom hạt nhân biến thành phố Lê thành nơi chết chóc, nơi chính phủ Liên Khu tìm cách lấp liếm di tản toàn bộ dân cư, những linh hồn lang bạt đầy tổn thương trong quá khứ lá lành đùm lá rách ở thiên đường đen trong một không khí sực đẫm cảm hứng tôn giáo và cái chết nơi con mèo không còn được gọi là mèo mà là Debussy, nơi nhân vật thoải mái thả những cái tên riêng của ca sĩ, nhạc sĩ, họa sĩ, văn sĩ, từ không rổn rảng đến rổn rảng (xin không liệt ra đây cho nó đỡ rổn rảng).

Wittgenstein của Thiên Đường Đen có phần mở đầu ấn tượng, tạo được không khí, lối hành văn độc đáo, có tiết chế, gây tò mò: tôi tưởng mình đang đọc Chờ Godot của Beckett. Maik Cây tạo ra một thế giới văn chương phi biên giới, nơi ta đọc văn Việt mà mọi bối cảnh không gian xã hội đều rất phi Việt, nơi độc giả cảm nhận rất rõ, sự đứt gãy về mặt văn hóa và lối viết của thế hệ mới và thế hệ cũ. Liệu có phải, sẽ có một lớp người viết mới, từ những sự đọc và nghe khác, từ những kỹ thuật và tầm nhìn khác, sẽ có những dữ liệu rất cosmopolitan và tạo nên những câu chuyện rất cosmopolitan? Liệu văn Việt khi bị tước hết những thứ liên quan tới Việt, thì có còn đáng đọc, hay “cứ thế mà đọc văn nước ngoài còn hơn” như tôi đã nghe lỏm được bạn trẻ nào bình vậy? Hay nhẽ tiêu chí phải là: bất kể mèo đen hay mèo trắng? Maik Cây (cũng như Hiền Trang dưới đây) là tác giả khiến tôi phải nghĩ và tiếp tục quan sát về những vấn đề còn bỏ ngỏ đó.

Đáng tiếc cho Wittgenstein của Thiên Đường Đen, từ rất sớm thôi, chỉ vài trang sau mở đầu, tôi đã dò ra, không lẫn đi đâu được, cái mùi uốn éo, cái mùi xộc lên ngay từ dòng text bìa “Sớm thôi, khi cái chết đã ngự trị trên xác thịt yếu hèn”. Quả, không dễ gì để dựng được nên một thế giới như vậy, cái thế giới hậu tận thế, bởi cần một độ dày nhất định về chi tiết và một kỹ năng kể cấp cao. Quả, rất nhiều tác giả lớn trên thế giới đã làm hỏng. Mà, Wittgenstein của Thiên Đường Đen thì vừa mỏng vừa rổn rảng đến dày đặc những ngôn từ hoa lá và cảm giác và thiếu hẳn bề dày của nhân vật. Kết quả là, tất cả mọi thứ đều rã rượi, không thể ôm gói được những thứ to tát mà cuốn truyện dài này tham vọng bao chứa.

mờ mờ

Một tác giả khác của cuộc thi Văn học tuổi 20 mà tôi thấy rất có triển vọng, là Hiền Trang của Giấc mộng lang thang trên đồng cỏ úa, một cái tiêu đề sách nghe đã muốn oặt vì chất tản văn. Nhưng bất ngờ thay, nó không phải tản văn (ơn giời), mà là những câu chuyện có nhiều ý tưởng là lạ, rất Kafka, với bối cảnh như bị cắt rễ và cho thả lửng: nhân vật/người kể chuyện là màu vàng của ngôi nhà của Van Gogh, một cô gái bị cắt cổ trong rạp phim mà cuối truyện không hề đưa ra thủ phạm, một người băn khoăn cái gì khiến ta là người, thích trườn, và tiến hành trườn, và thậm chí biến thành rắn, chuyến xe bus tới địa phủ cho những người muốn chết… Các câu chuyện của Hiền Trang đều có chung chủ đề: người trẻ cô đơn không kết nối không định vị trong đô thị ám ảnh bởi cái chết. Ý tưởng lạ là thế, nhưng các truyện nói chung đều nhàn nhạt trong cách triển khai, chúng luôn thiếu bề dày về nội dung cần đào sâu thêm nữa. Truyện hay nhất trong tập với tôi có lẽ là “Chuyến xe đi tới Địa phủ”, và một phần trong “Giấc mộng đêm hè” thì cực kỳ xuất sắc ở đoạn nam nhân vật chính chỉ phút trước phút sau bước lại vào nhà hát và phát hiện ra thấy nó hoang tàn của một trăm năm sau. Hai chiều thời gian chập lại làm một, lâu lắm rồi tôi mới đọc được một đoạn bất ngờ té ghế đến vậy.

dsc08520

Một cuốn sách nữa khiến tôi đọc lại trong năm nay là Những vọng âm nằm ngủ của Huỳnh Trọng Khang: đọc lại không phải vì hay quá phải đọc lại lần nữa, mà vì lần đầu đọc thấy dở quá, nhưng đến khi đọc một loạt văn học tuổi 20 và những cuốn khác còn dở kinh hoàng hơn, buộc phải quay lại để có một chút tương quan.

Những vọng âm nằm ngủ với tôi là một bước thụt lùi so với tác phẩm đầu tay Mộ phần tuổi trẻ, dù nhìn thoáng qua thì thấy nó kỳ công hơn, cốt truyện phức tạp hơn (rất nhiều), kỹ thuật viết đầu tư hơn với nhiều giọng kể. Nhưng những cái thoáng qua ấy hóa ra lại là điểm yếu trí mạng: Nó rối rắm hơn vì chỉ một cuốn tiểu thuyết ngắn mà tham vọng đụng đến bao chuyện, lan man hơn vì tích hợp không biết bao nhiêu nhân vật và chi tiết vào, thế nên đã lẩu còn lẩu hơn, và không mấy bất ngờ, cuốn tiểu thuyết này vẫn bị lặp lại những điểm yếu từ cuốn trước: những sai sót nghiêm trọng (chết người hay không tùy mỗi người) về mặt lịch sử và địa lý. (Zzz Review đã đăng tải một bài review rất chi tiết và công bằng ở số đầu tiên).

Nhưng quả đúng là khi đọc trong tương quan, tôi bèn thấy nó đường được trở lại: cái giọng văn rất tự nhiên của tiểu thuyết đầu tay ấy vẫn còn đây, cái cách tuôn trào mọi suy tư rồng rắn được chảy một cách rất nhịp. Dẫu có chê nhạt, thì vẫn phải công nhận một điều: Trọng Khang vẫn viết trội hẳn lên giữa các cây văn trẻ.

dsc07821

Mãi không ra dấu

2018, giống như 2017, tiếp tục chứng tỏ một điều rất lớn cho tôi: tác giả rất lớn vẫn có bom xịt. Một điều hiển nhiên đến thế, vẫn làm tôi ngỡ ngàng: Nguyễn Huy Thiệp với Tuổi 20 yêu dấu và Nguyễn Ngọc Tư với Cố định một đám mây.

Tuổi 20 yêu dấu là cuốn sách tiếp theo tôi đọc lại lần hai trong năm nay, để khẳng định là: đích thực kém. Nó là một cú tham của Nguyễn Huy Thiệp, mà tôi nghĩ bởi không ai dám khuyên là thôi vứt đi đừng có in làm gì. Nó nhạt nhẽo đến mức tôi xin dâng lên một bát nước chấm ốc để đổ vào uống cùng cho đỡ. Nó là biểu hiện của triệu chứng ông già đánh son thâm vì nghĩ là mốt của đám trẻ.

không ra dấu 1

Kể về một cậu bé no cơm ấm cật tên Khuê, con một nhà văn nổi tiếng học ở một trường cấp ba nổi tiếng (có người rỉ tai tôi đây là loại văn chương ám chỉ, nhưng vì vốn giang hồ mỏng tựa tờ pô luya tôi mù tịt không biết ai vào ai) bỏ nhà đi bụi, lang bạt kỳ hồ khắp Hà Nội rồi lên tận Lạng Sơn, hẳn nhiên rơi vào hố ma túy không chỉ hút hít mà còn đi buôn, kinh qua bao chuyện, xong được tác giả bốc ra đảo hoang để nhờ thiên nhiên mà lành lặn, cải tạo nhân phẩm giữa những con người đơn sơ chân chất, rồi làm chuyện nghĩa hiệp, mà sống cái đời lương thiện từ đây.

Văn chương gồng gánh đỏ cả mặt, kể chuyện thì vừa vô duyên vừa lê thê như trình bày ở phường (lại thêm phần đề từ toàn trích những đao to búa lớn của những người khổng lồ ở đầu mỗi chương tương phản với phần đi sau của chính tác giả thì lũn cà lũn cũn), cái thu gặt nhất sau khi đọc Tuổi 20 yêu dấu có lẽ là từ “tuột xích”. Tuy vậy, tượng đài Nguyễn Huy Thiệp sau cuốn này không sứt mẻ gì, vì tôi chọn để nhớ ông qua những kiệt tác truyện ngắn khác. Nếu có thể coi, đây là một cú đi hoang giải trí.

Theo chân đại ca sa vào hố dở là tập Cố định một đám mây. Về những số phận cá nhân nhỏ lẻ, những chuyện nho nhỏ đâu đâu, cả một tập truyện ngắn mới của Nguyễn Ngọc Tư chỉ duy nhất có một truyện đọc được: “Vào ngày Linh Ái nở”. Tôi nghĩ mãi về trường hợp này, thì nhận ra, các câu chuyện quá đơn giản nhưng lại âm mưu chứa sức nặng của Nguyễn Ngọc Tư không được đỡ bằng một thứ ngôn ngữ đủ lực. Các truyện trong tập cứ thế trôi vùn vụt không để lại một dấu ấn gì.

không ra dấu 2

Ca chốt hạ cho phần ấn mãi không ra dấu là cuốn sách nhạt nhẽo đến khó tin của văn học 2018: Người Lạ của Mai Thảo Yên. Người lạ kể về đời sống của nghiên cứu sinh tên An ở Örebro, Thụy Điển, với những suy tư về nghề nghiệp, tương lai, những khác biệt về hệ thống y tế, điểm xuyết vài số phận người Việt nơi tha hương. Không điểm nhấn, không chút độc đáo, cốt truyện nhạt nhẽo, kỹ thuật viết thì đơn sơ, Người lạ đạt giải nhì Văn học tuổi 20. Tôi hay nghi ngờ giải thưởng, nhưng thế này thì hơi quá. Tôi xin xí xóa, vừa được đồng bọn nhắc nhở đây là tác phẩm đầu tay. Thôi thì: vượt ra ngoài cây đa giếng nước, văn chương trẻ nước nhà có những bối cảnh mới lạ, với những con người mới.

không ra dấu 3

Zét Nguyễn

(Bài viết thuộc Zzz Review số 4, 20-1-2019)

Chấm sao chút:

Đã có 0 người chấm, trung bình 0 sao.

Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3

Người góp chữ

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi

2 Trackbacks & Pingbacks

  1. [Tổng hợp Review] Giấc mộng lang thang trên đồng cỏ úa | Farewell... April!
  2. [Tổng hợp Review] Giấc mộng lang thang trên đồng cỏ úa – to be updated – Farewell April

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*