
Năm qua sách hay bạt ngàn nhiều tấn, hay Nhà nước không nuôi anh em chúng ta!
Zét Nguyễn
Văn học dịch 2018, với tôi, là một năm chói lòa, mấy câu thơ chế cứ gọi là vang vang: “Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua/Sách vở hay ho khắp nước nhà/Nam Bắc thi đua sòn sòn đẻ”. Trong khoảng thời gian 5 năm quan sát tình hình sách vở nước nhà, tôi thấy có lẽ 2018 là một năm sách ra đọc đến kiệt sức. Những năm trước khi chọn Top 10 Văn học dịch nhiều khi tôi phải dùng đến biện pháp châm chước và cử tuyển những cháu vùng xôi vùng xa vào list, dù có một vài cuốn không thật ưng ý. Riêng năm nay tỉ lệ chọi chắc ngang thi vào đại học Bắc Kinh ư?, các siêu sao ùn ùn hiện ra trước mặt thét lớn: Không chọn em thì còn chọn ai? Vâng thì em chọn đây, các bác cứ bình tĩnh.
Và dưới đây là 10 cuốn sách thuộc mảng văn học dịch của năm vừa qua do Madame Z bình chọn. Theo truyền thống tự lập ra, sẽ có một Top 10 nữa, theo sát đuôi.
- Bẫy-22 – Joseph Heller – Lạc Khánh Nguyên dịch
Bố già Harold Bloom từng phán Bẫy-22 chỉ là tác phẩm của một giai đoạn, không phải cho mọi thời, và may quá như nhiều lần, nhà phê bình sai bét nhè rồi nhà phê bình ơi: Ngay từ lúc ra đời năm 1961, tính đến tận gần 60 năm sau, Bẫy-22 vẫn tiếp tục là một kinh điển đương đại. Rất giản dị, vì nó không chỉ nói tới quân đội, và chiến tranh, và những kẻ vừa ngu vừa ác, và rất nhiều chủ đề có thể liệt kê. Nó liên tục nhắc: trong cuộc sống này, chúng ta, hay là Sisyphus?
Zzz Review đã có bài điểm cuốn này rất dài, mời các bác đọc.
- Lời thú nhận của tay lừa đảo Felix Krull – Thomas Mann – Nguyễn Hồng Vân và Trần Đàm Thành dịch
Felix Krull, tuy xuất hiện khá muộn ở Việt Nam, một bước lên luôn thành tượng đài và chủ tịch câu lạc bộ những nhân vật nam tếu và đả phá nhất mọi thời đại. Nếu buộc phải chọn Cuốn Sách Của Năm, thì lòng tôi khổ sở mà thốt lên, đầy day dứt, rằng: Bẫy-22 là tình yêu từ cái nhìn đầu tiên đến từ hồi đầu năm, còn Krull người từ trăm năm nước về như bão tố bèn thành cú chốt hạ cuối năm. Thôi thì ông đầu rau, năm nay chúng ta có một cú đúp.
Hài hước và, tung tẩy, Lời thú nhận của tay lừa đảo Felix Krull là cuốn tự thuật của anh chàng Felix Krull kể lại cuộc đời bảy nổi bảy chìm của nhân vật ba que xỏ lá nhất hạng này từ lúc còn ấu thơ, lớn lên trong nhung lụa, tới lúc gia đình phá sản, trưởng thành, trốn nghĩa vụ quân sự, sang Paris làm chân giúp việc trong một khách sạn, phiêu lưu ái tình không chỉ với một đờn bà, đội lốt, lừa đảo và chu du. Câu chuyện cứ như tiếp diễn mãi mãi, vì đây là một tác phẩm dang dở của Thomas Mann và vì thế không có đoạn kết. Dẫu vậy, có thể nói Lời thú nhận của tay lừa đảo Felix Krull là tác phẩm vượt trội hơn cả Núi thần, và có thể sánh về tầm vóc với Gia đình Buddenbrock, mà ở nhiều trường đoạn, còn đem lại những khoái cảm đọc lớn hơn.
Được viết trước Chết ở Venice, như chính lời Mann tự thuật: “[Lời thú nhận của tay lừa đảo Felix Krull] được dựa trên ý tưởng giễu nhại, lấy một yếu tố từ truyền thống thiêng liêng, từ kiểu thú nhận tự thuật của quý tộc phong cách riêng kiểu Goethe, và biến nó thành thế giới của những kẻ khôi hài và tội phạm. Cuốn tiểu thuyết này mãi dang dở, nhưng có nhiều chuyên gia coi những phần đã được xuất bản là tác phẩm xuất sắc nhất và thành tựu tài tình nhất của tôi. Có lẽ đây là thứ riêng tư nhất tôi từng viết ra, bởi nó trình bày quan điểm của tôi đối với truyền thống, một thứ vừa đáng yêu vừa hủy hoại và đã chi phối tôi với tư cách là một người viết.”
Phải nói thêm, bản dịch của Nguyễn Hồng Vân và Trần Đàm Thành xứng đáng chia nhau Giải thưởng văn học dịch 2018 với một cuốn khác sẽ nhắc dưới đây.
- Những câu chuyện về khu phố nhỏ ven sông – Jan Neruda – Bình Slavická và Dương Tất Từ dịch
Không ai được quyền bước vào văn chương mà không có ý tưởng mới: khiếp quá cụ nào mà quát câu to hơn còi hơi xe khách thế này, và không biết cụ có mang theo vũ khí gì đặc biệt không? Cụ Jan thì chắc có.
Jan Neruda, nhà văn Séc thuộc trường phái chủ nghĩa hiện thực, được coi là đại diện xuất sắc nhất của văn chương nước này thế kỷ 19, viết như vậy, trong tập truyện ngắn Những câu chuyện về khu phố nhỏ ven sông.
Là một nhà báo kỳ cựu và cực kỳ năng suất, kiêm nhà thơ, và một bậc thầy truyện ngắn, thậm chí còn bị/được coi là mắc kẹt ở thể loại này để thực hiện thể nghiệm, Neruda góp cho văn chương thế giới một tập truyện kinh điển đầy tinh tế và sắc sảo được chắt như nước mắm nhĩ độ đạm cao kể về đời sống những thị dân ở khu phố nổi tiếng Malá Strana của thủ đô Praha mà giờ đây chẳng kém gì Người Dublin của Joyce, ai đi du lịch Séc bèn muốn sắm một cuốn để đồng hành.
Tập trung vào những cái thường nhật, những yêu, thương, ghét, hận, căm, cãi vã, ghen tuông, đố kỵ, cưới, hủy cưới, ốm đau, và chết… giữa những người hàng xóm láng giềng trong khu phố cổ, Những câu chuyện về khu phố nhỏ ven sông được viết từ tay một nhà báo lão luyện mắt cú vọ phơi bày mọi cảnh huống của đời sống ra trang văn bằng giọng văn hài hước mà độc giả hơn nhiều bận phải phì cười vì lắm cảnh tréo ngoe, được chuyển ngữ tài tình qua bàn tay của hai dịch giả. Những nhân vật của Neruda đều thấp thoáng như bước ra từ trong văn học dân gian, và lập tức trở thành cổ điển, đời sống, lúc nào cũng vậy, là đổ xô của mọi ngã rẽ, là cái chết rình rập trước mặt.
- Những nhân chứng cuối cùng: Solo cho giọng trẻ em – Svetlana Alexievich – Phan Xuân Loan dịch
Svetlana Alexievich không còn là một cái tên lạ lẫm với độc giả Việt Nam. Từ lúc bà được trao giải Nobel, mỗi năm lại đều đặn có bản dịch tác phẩm của bà. Và văn chương của bà, nếu ta cứ mạnh dạn liệt những truyện tư liệu của bà vào lĩnh vực văn chương, vẫn không ngừng làm tôi sững sờ và, run rẩy.
Những nhân chứng cuối cùng, với ý tưởng được nảy sinh từ những chuyến đi cho cuốn sách đầu tiên Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ, quả là một cuốn sách cần đọc song song để được nghe cùng lúc hai giọng, bè cho nhau, mà đồng điệu, không hề lấn át nhau: một của phụ nữ, một của trẻ em. Không dẫn dụ dông dài, Những nhân chứng cuối cùng đi thẳng vào trung tâm: để cho lần lượt hơn trăm trẻ em cất tiếng kể, những đứa bé ở Belarus là nơi đầu tiên của Liên Xô hứng bom đạn, khi Đức đột ngột tấn công vào năm 1941. Những người kể lại giờ đây đã trưởng thành, nhưng ký ức và cảm giác thì vẫn còn nguyên vẹn, với gần như một nhịp chung của đời sống: ngày hôm ấy, 22-6, mọi thứ vẫn diễn ra như thường nhật, em bé đi mua bánh mì, hoa thủy tiên nở, thì đột nhiên “bầu trời tối om và máy bay đen sì”, và thế là chiến tranh nổ ra. Chết chóc ập tới, chia lìa với gia đình, những cơn đói, máu đổ, chạy giặc tản cư, trại mồ côi, thiếu thốn tình thương và sự chở che của bố mẹ và những năm tháng khổ sở và khát khao dài dặc: những em bé ấy, ở độ tuổi non nớt ấy, đã chứng kiến, đã kinh qua, đã sống sót, và giờ đây trên trang giấy họ kể lại: đầy đủ những cảm giác còn tươi sống: ánh sáng chói lòa, mùi chiến tranh, màu hồng trên tro…
Những nhân chứng cuối cùng có lẽ là cuốn ám ảnh nhất trong ba tác phẩm của bà được dịch sang tiếng Việt, vì nó lấy trung tâm là lời kể của những chủ thể yếu ớt, dễ bị tổn thương nhất: trẻ em.
- Trở lại cố hương – Thomas Hardy – Nguyễn Thành Nhân dịch
Dễ hiểu vì sao một nhà văn Anh kiệt xuất khác, D. H. Lawrence, lại coi Hardy là nguồn ảnh hưởng lớn lao lên các tác phẩm của mình, cũng dễ hiểu vì sao Virginia Woolf, một nhà văn đầy kiêu hãnh từng ném sọt rác không biết bao nhiêu tiền bối, lại ngợi ca Hardy và công nhận những điều ông làm được trong khi bà thì yếu kém: khả năng tạo ra những nhân vật “sống như những cá thể và khác biệt như những cá thể” mà vẫn thật như “đồng loại”: trong Trở lại cố hương, Hardy tạo ra một hệ thống nhân vật sống động, chi tiết, với những ham muốn dữ dội, những con người cá thể đặc biệt, vật lộn với bàn tay “đểu cáng của số phận”.
Trong Trở lại cố hương, Hardy kể về số phận của Eustacia Vye, một phụ nữ tóc đen xinh đẹp, có dòng máu lai, và bị coi là hoang dã, phù thủy, mơ ước thoát khỏi chốn hoang địa nơi nàng sống với ông mình, để đến với một Paris phù hoa. Từng dan díu với một tay chủ quán trọ, nhưng cảm thấy anh ta không phù hợp với mình, giờ đây khi một người buôn bán đá quý tên Clym từ Paris trở về vùng quê lạc hậu với mong muốn trở thành thầy giáo, Eustacia vội tóm lấy Clym như một cứu cánh của đời mình.
Trong một cuốn sổ tay, Hardy từng phô bày một quy tắc cho các tiểu thuyết của ông:
“Một cốt truyện, hay bi kịch, nên nảy sinh từ sự dần dần kết thúc của một tình huống xuất phát từ những tham vọng, định kiến, đam mê thường nhật của con người, bởi những nhân vật không quản ngại chống lại những tai nạn thảm khốc sinh ra từ chính những tham vọng, định kiến, đam mê nói trên.”
Và quả đúng tuân theo nguyên tắc năm hồi của bi kịch kinh điển, năm phần của Trở lại cố hương khắc họa từ khúc dạo đầu đến lúc rơi vào thảm kịch, của không chỉ Eustacia, mà còn của Clym, và cả mẹ Clym.
2018 có thể coi là một năm dành cho những kiệt tác kinh điển được dịch sang tiếng Việt. Và Thomas Hardy, nhà văn tiêu biểu và xuất sắc của văn chương Victoria, xuất hiện với tác phẩm được giới phê bình đánh giá rất cao Trở lại cố hương – một cuốn tiểu thuyết chớm bờ hiện đại, thậm chí còn được coi là hiện đại đến táo bạo vì những chủ đề cấm kỵ vào thời bấy giờ.
- Hai kinh thành – Charles Dickens – Đăng Thư dịch
Một kinh điển khác đến từ thời Victoria của Anh, và luôn là một lựa chọn đúng đắn: Charles Dickens, với tiểu thuyết lịch sử Hai kinh thành. Nguyên tắc khẩu súng của Chekhov, khi ứng dụng vào các tác phẩm của Dickens, hầu như không bao giờ bị trật: mọi chi tiết đều có dụng ý của nó, mọi nhân vật xuất hiện, dù nhỏ đến đâu, rồi sẽ có vai trò của nó, mọi số phận đều sẽ được giải quyết, mọi nút lỏng đều sẽ được thắt gút.
Mở đầu bằng một chuyến xe thư báo tin hồi sinh của một người mất dạng từ lâu, kết thúc bằng cảnh lên đoạn đầu đài của một nam chính hy sinh vì tình yêu, vì nghĩa lớn, Hai kinh thành với hệ thống nhân vật và sự kiện được xây dựng chặt chẽ, đầy những cú twist bất ngờ, được viết bằng một thứ văn chương uyển chuyển, mượt mà, giàu ẩn dụ, tập trung vào số phận cá nhân trong giai đoạn lịch sử biến động – Cách mạng Pháp năm 1789 – xứng đáng là một trong những cuốn tiểu thuyết xuất sắc nhất của Dickens.
Một cuốn sách khác mà tôi nhắc ở trên xứng đáng cùng nhận Giải thưởng dịch thuật không phải cuốn nào khác mà chính là Hai kinh thành, một dịch phẩm kiệt xuất của dịch giả Đăng Thư. Đây là một bản dịch với độ chính xác lên đến mức gần tuyệt đối, được tái tạo lại bằng một thứ tiếng Việt mượt mà, chỉn chu, của một dịch giả đã đang ở trong giai đoạn chín muồi về tay nghề. Một bản dịch khó lòng bị vượt qua, trong cả thế kỷ tới.
- V. – Thomas Pynchon – Thanh Trúc dịch
Một trong những tác gia đương đại khó đọc nhất thế giới đã về đây, đã về đây! Pynchon được nhắc đến như một huyền thoại, văn chương ông cũng được đối xử như một huyền thoại: kính nhi viễn chi, nhắc nhiều, không mấy ai đọc. Và quả V. không dành cho tất cả. Cuốn tiểu thuyết đầu tay từng được đề cử Giải Sách Quốc gia Mỹ này, khi đọc, cần bút và giấy, và trang wiki riêng dành cho V., để vẽ hệ thống nhân vật, để đọc tóm tắt và lần theo nội dung của từng chương. Với mỗi chương một tiêu đề tưng tửng, với giọng kể đều đều, V. là một tập hợp những truyện ngắn với một loạt các nhân vật và các câu chuyện nhiều khi tưởng chừng không dính líu gì với nhau.
Không dễ, và thú thật là khoai, để trả lời câu hỏi, vậy V. viết về cái gì? Về chàng thủy thủ hải quân xuất ngũ nay làm công nhân cầu đường Benny Profane ngao du Manhattan chui xuống cống ngầm truy bắt cá sấu cùng đồng bọn chăng? Hay chuyến truy tìm của Herbert Stencil một thực thể, có thể là một con người, một vật, mang tên V. trong những cuốn nhật ký để lại của cha mình? Một chuỗi những câu chuyện quấn quít vào nhau, nhiều rối rắm, lắm lạc đề, và độc giả rơi vào một ma trận. Có lẽ vì thế mà Pynchon trở thành chủ soái của hậu hiện đại, khi trong tác phẩm của ông, hằn rõ, việc đuổi bắt một cái biểu đạt, mà đến gần áp chót, thì tác giả ban luôn cho một câu, “V. đến lúc này đã là một khái niệm vô cùng tản mác.”
- Lữ khách và Cõi trăng – Antal Szerb – Nguyễn Hồng Nhung dịch
Có đúng như ông Tây phê bình gia người anh Nicholas Lezard bảo, rằng “Chẳng có ai đã đọc mà lại không mê Lữ khách và Cõi trăng?” Bản chất nghi ngờ đồng loại của tôi dấy lên ít nhiều, và tăng lên đáng kể cho đến gần hết phần I của cuốn tiểu thuyết của một trong những nhà văn đương đại nổi tiếng người Hungary này. Và rồi mọi thứ đổi ngoặt từ đó, và từ đó về sau.
Bắt đầu câu chuyện là chuyến du lịch trăng mật đến Ý của đôi vợ chồng Mihály và Erzsi, tưởng êm ả và mật ngọt, nhưng rắc rối nhanh chóng tìm tới và bủa vây, bởi dưới bề mặt có vẻ bình thản và khó hiểu của người chồng lại là một quá khứ thời thiếu niên đầy những rắc rối, với những cơn khó ở, động kinh, luôn cảm thấy vực xoáy dưới chân mình, với những mối quan hệ bạn bè phức tạp. Tình cờ lạc nhau khi bắt nhầm tàu, cuộc đời Mihály và Erzsi cũng đổi hướng hoàn toàn từ đó: Mihály lẩn trốn và trôi dạt hết thành phố này sang thành phố khác của Ý, như một kẻ bị quá khứ đeo đuổi và giờ đây quyết truy tìm và thỏa mãn những ám ảnh chưa được giải quyết năm xưa.
Những tưởng nội dung đầy tăm tối với những dằn vặt của tuổi trẻ, tình yêu, và dục vọng, như vậy, Lữ khách và Cõi trăng sẽ là một chuyến đọc nhọc nhằn cho độc giả, nhưng ngược lại, thấm đẫm yếu tố hài hước và châm biếm, mà đôi chỗ trường đoạn khiến ta bất ngờ khoái chí, cuốn tiểu thuyết vượt xa một suy nghiệm về tuổi trẻ băn khoăn. Nó còn là một giễu nhại đích thực.
- Đời nhẹ khôn kham – Milan Kunderda – Trịnh Y Thư dịch
Một kinh điển đương đại, tác phẩm thường được coi là xuất sắc nhất của Kunderda, đã đáp cánh an toàn xuống tiếng Việt (dẫu có nhiều sứt mẻ, nếu bạn hiểu tôi đang nói về chuyện gì). Zzz Review đã có bài viết về tác phẩm này.
Một phê bình gia viết về nghệ thuật tiểu thuyết rất thành thục nghệ thuật tiểu thuyết khi trở thành tiểu thuyết gia: đó chính là Kundera. Đong đưa với kitsch, rạch ròi trong cách mổ xẻ nhân vật của chính mình, tạo ra những hình mẫu của hình mẫu tâm lý và nhân cách, Kunder quả là một bậc thầy tinh tế của chuyện kể.
- Bên dòng sông Hằng – Endo Shusaku – Nguyễn Văn Thực dịch
Đây là cuốn sách mà theo di chúc Endo muốn đặt vào quan tài của mình; là cuốn sách có khả năng rửa tên tuổi của tác giả có tác phẩm thời còn non trẻ từng được dịch một lần sang tiếng Việt mà cứ đến ngày kỷ niệm phụ nữ nhiều anh lại muốn hô to, Người đàn bà mà tôi ruồng bỏ; là “Cuốn sách của Nhật nhưng đọc xong muốn đi Ấn” – và có lẽ là một câu tóm rất gọn cho cuốn tiểu thuyết của nhà văn Nhật Bản nhiều lần được đề cử Nobel nhưng rồi bị thua dưới tay Kenzaburō Ōe.
Bên dòng sông Hằng là bốn (và hơn nữa) câu chuyện kể của bốn khách du lịch trên hành trình đến Ấn. Họ là một người đàn ông có vợ qua đời vì ung thư, một nhà văn viết đồng thoại có mối liên hệ đặc biệt với loài vật, một phụ nữ đã li dị chồng cảm thấy mình không có khả năng yêu, hay một cựu chiến binh Nhật ám ảnh bởi những khốc liệt trong rừng già trong cuộc chiến ở Miến. Mỗi người với quá khứ khác nhau tìm đến Ấn để truy tìm một điều gì đó.
Endo được coi là nhà văn Nhật duy nhất “theo đuổi đến chí tử cái khoảng cách vĩnh hằng giữa Nhật Bản và Phương Tây” và chủ đề này hiện ra rất rõ trong cuốn tiểu thuyết đầy âm hưởng tôn giáo này. Có chăng tồn tại một vị Chúa duy nhất, truy tìm một vị Chúa của mình, hay truy tìm ý nghĩa đời sống, các nhân vật, ở một khía cạnh nào đó, đều bắt gặp chính giây phút đốn ngộ của mình.
Bonus những cú gạch đầu dòng đầy súc tích:
MỘT TOP 10 KHÁC
Một lời trần tình: Vì năm nay quá nhiều sách hay, nên tôi có đề thêm một tiêu chí nho nhỏ: ưu tiên cho những cuốn sách lần đầu được dịch, hơn là những bản dịch mới và những cuốn được tái bản. Chính vì thế, dẫu Xứ tuyết của Kawabata, lẫn Yêu Dấu của Morrison đều nằm ở hạng 5* sáng chói, đều đành nhường chỗ cho những gương mặt mới mẻ hơn. Một ngoại lệ duy nhất: Dưới bóng những cô gái đương hoa, với bản dịch tài hoa của Dương Tường.
- Dưới bóng những cô gái đương hoa – Marcel Proust – Dương Tường dịch
- Đời du nữ – Ihara Saikaku – Đào Thị Hồ Phương dịch, Nguyễn Đỗ An Nhiên hiệu đính
- Sóng ngầm – Linda Lê – Bùi Thu Thủy & Hồ Thanh Vân dịch
- Chỉ ngu ngơ mới biết cười – Edith Wharton – Lan Hương dịch
- Mọi thứ được soi tỏ – Jonathan Safran Foer – Nghiêm Quỳnh Trang dịch
- Đốn hạ – Thomas Bernhard – Hoàng Đăng Lãnh dịch
- Mattia Pascal quá cố – Luigi Pirandello – Trần Dương Hiệp dịch
- Mùa thu hoạch xương – Edwidge Danticat – Dương Mạnh Hùng dịch
- Đừng nói chúng ta không lợi quyền – Madeleine Thien – Trang Nguyễn dịch
- Phố Cannery Row – John Steinbeck – Phạm Văn dịch
(Bài viết thuộc Zzz Review số 4, 20-1-2019)
Người góp chữ
I wanna thank me
Bạn nghĩ sao?