13 tháng 6, 1996
New York
Borges yêu mến,
Vì văn chương của ông luôn được đóng dấu ấn của vĩnh cửu, viết cho ông một lá thư xem ra không đến nỗi quá kỳ quặc. (Borges, năm nay là 10 năm rồi!) Nếu trong thời đại này có người được định sẵn để trở nên bất tử trong văn học, đấy phải là ông. Ông là sản phẩm rất rõ của thời đại mình, văn hóa mình, nhưng ông lại biết cách vượt lên khỏi thời đại, văn hóa của ông, theo những cách đầy vẻ thần diệu. Chuyện này có liên quan đến sự phóng khoáng và rộng rãi trong tầm mắt của ông. Trong số nhà văn, ông là người ít tự tôn nhất, cũng như rõ ràng và tài hoa nhất. Nó cũng liên quan đến một sự thuần khiết tự nhiên về tinh thần. Dù đã sống một thời gian rất dài giữa chúng tôi, ông đã luyện tập và thành thục kỹ năng tỉ mỉ và biệt lập làm cho ông trở thành một chuyên gia du hành bằng tâm tưởng đến những không gian khác. Ông có cảm quan về thời tính khác hẳn mọi người. Những ý niệm thông thường về quá khứ, hiện tại và tương lai dưới mắt ông đều trở thành thô thiển. Ông ưa nói rằng mọi thời điểm đều hàm chứa cả quá khứ và tương lai, trích lời (như tôi còn nhớ) nhà thơ Browning, người từng viết, đại khái là “hiện tại là khoảnh khắc tương lai đổ ập vào quá khứ”. Đấy, dĩ nhiên, cũng là một phần sự khiêm tốn của ông: ý thích phát hiện ra ý tưởng của mình trong ý tưởng các người viết khác.
Sự khiêm tốn là một phần của sự chắc chắn trong thần thái của ông. Ông là một người đi khám phá những niềm vui mới. Một thái độ bi quan sâu thẳm và bình lặng như của ông không cần phải tỏ ra bất mãn. Nhưng ngược lại, nó cần luôn sáng tạo – và ông, trên hết mọi thứ, là một người sáng tạo. Sự bình an và siêu nghiệm vượt ra ngoài bản thể mà ông đã tìm ra được tôi coi như một mẫu mực. Ông đã chứng minh rằng không cần thiết phải thấy buồn phiền, kể cả khi ta nhìn rõ và không ảo tưởng về sự tồi tệ của mọi việc. Ở đâu đó ông đã nói: một nhà văn – và thêm vào một cách tinh tế: mọi người – phải coi mọi chuyện xảy đến cho mình như một cái vốn (lúc đó ông đang nói về sự mù lòa của bản thân).
Ông đã là một cái vốn lớn lao cho những người viết khác. Năm 1982 – tức là bốn năm trước khi ông mất – tôi có nói trong một cuộc phỏng vấn: “Không nhà văn nào còn đang sống mà có ảnh hưởng hơn Borges đối với các nhà văn khác. Nhiều người sẽ nói ông là nhà văn vĩ đại nhất đang sống… Số nhà văn ngày nay chưa từng học hỏi từ ông hay mô phỏng ông là ít vô cùng.” Giờ đây điều đó vẫn đúng. Chúng tôi vẫn học từ ông. Chúng tôi vẫn mô phỏng ông. Ông chỉ cho người ta những cách tưởng tượng mới, trong khi vẫn phát biểu nhiều lần về sự mang nợ của chúng ta với quá khứ, mà trên hết là với văn học. Ông đã nói rằng chúng ta mang nợ văn học hoàn toàn vì những gì chúng ta đã và đang là. Nếu sách biến mất, lịch sử cũng biến mất và loài người cũng thế. Sách vở không phải chỉ là đống tích cóp tùy tiện những mơ ước và ký ức của chúng ta. Chúng còn cho chúng ta một hình mẫu để vượt ra khỏi chính mình. Nhiều người cho đọc sách chỉ là một cách trốn thoát: trốn thoát khỏi cái thế giới “thật” hằng ngày vào trong một thế giới tưởng tượng, thế giới sách vở. Sách vở còn làm nhiều hơn thế. Chúng là một cách làm người cho đúng nghĩa làm người.
Tôi rất đau lòng phải cho ông hay rằng thời nay sách vở đang trở thành một chủng loại bị đe dọa. Khi nói sách vở, tôi muốn nói đến cả những điều kiện của sự đọc đã tạo ra văn học và những ảnh hưởng tâm hồn từ nó. Chẳng bao lâu nữa, chúng tôi nghe nói, chúng tôi sẽ mở ra trên “màn hình sách” bất kỳ “văn bản” nào mình muốn, và sẽ có thể thay đổi cách trình bày của chúng, đặt cho chúng câu hỏi, “tương tác” với chúng. Khi sách vở trở thành “văn bản” cho chúng ta “tương tác” theo những tiêu chí vị lợi, chữ nghĩa đã trở thành một góc nữa của cái thực tế chạy theo truyền thông và nuôi bằng quảng cáo. Đấy chính là cái tương lai sáng chói đang được xây dựng, và hứa hẹn với chúng tôi, như một thứ có tính “dân chủ” hơn. Dĩ nhiên, cái đó đồng nghĩa với cái chết của sự hướng nội, và của sách vở, không hơn không kém.
Tới thời nay, không còn cần gì đến những đám cháy lớn nữa. Bọn man rợ không phải mất công đốt sách. Con hổ đang ở ngay trong thư viện. Borges yêu dấu, hãy hiểu rằng tôi không vui thú gì khi phải than phiền. Nhưng sự than phiền về số phận của sách vở – nói đúng ra là của chính sự đọc – còn gửi đến ai thích hợp hơn là ông? (Borges, năm nay thế là đã 10 năm!) Tôi chỉ muốn nói là chúng tôi nhớ ông. Tôi nhớ ông. Ông vẫn tiếp tục tạo ra sự khác biệt. Thời đại trước mắt chúng tôi, thế kỷ 21, sẽ thử thách tâm hồn theo những cách mới. Nhưng, ông cứ tin chắc, một số chúng tôi sẽ không từ bỏ Thư Viện Lớn. Còn ông sẽ tiếp tục là bậc thầy và anh hùng của chúng tôi.
Susan.
Nỗ Nêm dịch
(Bài viết thuộc Zzz Review số 4, 20-1-2019)
Người góp chữ
Nỗ Nêm
Bút danh của người không thích bị nhớ là từng dịch loại văn hiếu hỉ.
Leave a Reply