Roberto Bolaño, 2666 (trích dịch)

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi
Thời gian đọc: 17 phút

(Bài viết thuộc Zzz Review số 4, 20-1-2019)

Sách đã được Nhã Nam phát hành năm 2020, bản dịch của Quân Khuê và Trần Tiễn Cao Đăng.

  1. PHẦN VỀ CÁC NHÀ PHÊ BÌNH

Lần đầu tiên Jean-Claude Pelletier đọc Benno von Archimboldi là vào Giáng sinh năm 1980, ở Paris, khi anh mười chín tuổi và đang theo học văn chương Đức. Đó là cuốn D’Arsonval. Chàng Pelletier trẻ tuổi ngày ấy đã không nhận ra rằng cuốn tiểu thuyết là một phần của một bộ ba (gồm Khu vườn, với chủ đề nước Anh và Chiếc mặt nạ da, chủ đề Ba Lan, cùng D’Arsonval, rõ ràng mang chủ đề Pháp), nhưng sự thiếu hiểu biết, sơ suất hay khiếm khuyết về thư mục này, chẳng qua chỉ vì anh còn quá trẻ, không làm vơi đi chút nào sự kỳ diệu và lòng ngưỡng mộ mà cuốn tiểu thuyết khuấy động trong anh.

Từ ngày đó trở đi (hay từ những giờ khắc tinh mơ khi anh kết thúc sự đọc thơ trẻ của mình) anh trở thành một nhà nghiên cứu Archimboldi nhiệt thành và khởi cuộc kiếm tìm thêm những tác phẩm khác của tác giả này. Đó chẳng phải là công việc dễ dàng. Tìm được sách của Benno von Archimboldi trong thập niên 80, kể cả ở Paris, là một nỗ lực đầy ắp khó khăn. Trong khoa tiếng Đức trường đại học hầu như không tìm thấy tham chiếu nào đến Archimboldi. Các giáo sư của Pelletier chưa bao giờ nghe nói tới ông. Một vị bảo nghe tên quen quen. Mười phút sau, Pelletier bực bội (và kinh hoàng) nhận ra người mà giáo sư của anh nghĩ đến là một họa sĩ Ý, và vị giáo sư cũng nhanh chóng bộc lộ là chẳng biết gì về người đó.

Pelletier viết thư cho nhà xuất bản in cuốn D’Arsonval ở Hamburg nhưng không nhận được phản hồi. Anh cũng sục sạo mấy nhà sách tiếng Đức ít ỏi mà anh có thể tìm thấy ở Paris. Cái tên Archimboldi xuất hiện trong một từ điển văn học Đức và trong một tạp chí của Bỉ dành cho – chẳng rõ nghiêm túc hay đùa, anh không bao giờ biết được – văn chương Phổ. Năm 1981, anh cùng ba người bạn trong khoa tiếng Đức có một chuyến đi đến vùng Bavaria, và ở đó, trong một tiệm sách nhỏ ở Munich, trên đường Voralmstrasse, anh tìm được hai cuốn nữa: một cuốn mỏng tên là Kho báu của Mitzi, chưa tới trăm trang, và cuốn tiểu thuyết chủ đề nước Anh đã nhắc ở trên, Khu vườn.

Đọc hai tiểu thuyết này chỉ củng cố thêm nhận định anh đã có về Archimboldi. Năm 1983, ở tuổi hai mươi hai, anh bắt tay vào dịch D’Arsonval. Không ai yêu cầu anh làm việc này. Vào thời điểm đó, không nhà xuất bản nào ở Pháp quan tâm đến việc in tác giả người Đức có cái tên buồn cười ấy. Pelletier bắt tay dịch cuốn sách là bởi anh thích nó, và bởi anh thích công việc dịch thuật, mặc dù anh cũng từng nghĩ có thể nộp bản dịch, kèm bài giới thiệu nghiên cứu về tác phẩm của Archimboldi, thành luận văn của mình, và – tại sao không nhỉ – như là nền tảng cho luận án tương lai của anh.

Anh hoàn thành bản thảo dịch cuối cùng vào năm 1984, và một nhà xuất bản ở Paris, sau nhiều tranh cãi và ý kiến trái ngược nhau, đồng ý xuất bản Archimboldi. Dường như thoạt tiên người ta nghĩ cuốn tiểu thuyết không thể bán quá một nghìn bản, vậy mà ba nghìn bản in đầu bán sạch veo sau một số bài điểm sách mâu thuẫn, tích cực, thậm chí nồng nhiệt, dọn đường cho việc in lần thứ hai, thứ ba và thứ tư. Đến khi đó Pelletier đã đọc được mười lăm cuốn của nhà văn Đức, dịch thêm hai cuốn nữa, và gần như được thống nhất thừa nhận là người có thẩm quyền vượt trội về Benno von Archimboldi trên toàn nước Pháp.

***

Đến khi ấy Pelletier đã có thể hồi tưởng về ngày anh đọc Archimboldi lần đầu tiên, và anh nhìn thấy mình, trẻ trung và nghèo kiết, sống trong một căn phòng trên gác xép, dùng chung bồn để rửa mặt đánh răng với mười lăm người khác cùng chia căn gác tối tăm, đi ỉa trong một cái toa lét kinh tởm và bẩn thỉu giống như hố tiêu hay hầm phân hơn, cũng dùng chung với mười lăm cư dân của căn gác, vài người trong bọn đã quay về tỉnh, với mảnh bằng đại học trong tay, hay đã chuyển tới những chỗ tiện nghi hơn chút đỉnh ở ngay Paris, hay vẫn còn ở lại đó – chỉ ít người trong bọn – sống mòn hay chết dần vì kinh tởm.

Anh thấy mình, như ta đã nói, khổ hạnh còng lưng bên những cuốn từ điển tiếng Đức dưới cái bóng đèn duy nhất nhờ nhờ sáng, gầy gò và bền bỉ, như thể anh chỉ là ý chí thuần khiết làm thành xương, thịt và cơ mà không có lấy một gam mỡ nào, đầy đam mê và quyết chí để thành công. Một hình ảnh khá bình thường của sinh viên ở thủ đô, nhưng có tác dụng với anh như thuốc, một loại thuốc khiến anh ứa nước mắt, một loại thuốc (như một nhà thơ Hà Lan trữ tình thế kỷ mười chín đã nói) mở toang những cánh cửa chặn cơn lũ cảm xúc, cũng như cánh cửa chặn lại một điều gì đó thoạt trông giống hệt tủi thân nhưng không phải (nó là cái gì? thịnh nộ ư? rất có thể), khiến trong đầu anh trở đi trở lại, không phải bằng từ ngữ mà bằng những hình ảnh đau đớn, quãng thời gian tập sự thời trẻ, và sau có lẽ là một đêm dài vô vị anh buộc phải đi tới hai kết luận: thứ nhất, cuộc đời mà anh đã sống đến giây phút này đã qua rồi; thứ hai, một sự nghiệp rỡ ràng đang mở ra trước mặt anh, và để duy trì ánh hào quang của nó anh phải kiên định trong quyết tâm của mình, thề có căn gác xép. Điều này có vẻ tương đối dễ.

***

Jean-Claude Pelletier sinh năm 1961 và tới năm 1986 anh đã là giáo sư tiếng Đức ở Paris. Piero Morini sinh năm 1956, ở một thị trấn gần Naples, và mặc dù lần đầu anh đọc Benno von Archimboldi là năm 1976, trước Pelletier bốn năm, mãi tới năm 1988 anh mới dịch tiểu thuyết đầu tiên của tác giả Đức này, Bifurcaria Bifurcata, cuốn sách ra đời và hầu như chìm lỉm trong các tiệm sách nước Ý.

Phải nói rằng tình hình Archimboldi ở Ý rất khác so với Pháp. Vì một lẽ, Morini không phải là dịch giả đầu tiên của ông. Chuyện là, tiểu thuyết đầu tiên rơi vào tay Morini là bản dịch của cuốn Chiếc mặt nạ da do một người tên là Colossimo dịch cho nhà Einaudi năm 1969. Ở Ý, theo sau Chiếc mặt nạ da là cuốn Những dòng sông châu Âu năm 1971, Di sản năm 1973, và Sự hoàn hảo đường tàu năm 1975; trước đó, năm 1964, một nhà xuất bản ở Rome đã cho ra đời một tuyển tập hầu hết là các truyện ngắn về chiến tranh, nhan đề Thế giới ngầm Berlin. Vậy có thể nói Archimboldi không hoàn toàn xa lạ ở Ý, mặc dù khó có thể cho rằng ông thành công, hay tương đối thành công, hay thậm chí thành công chút ít. Thực tế, ông là một thất bại tuyệt đối, một tác giả của những cuốn sách mòn mỏi nằm trên những giá kệ bụi bặm nhất trong các nhà sách, hoặc còn tồn hay bị lãng quên trong nhà kho các nhà xuất bản trước khi bị đem đi nghiền.

Morini, dĩ nhiên, không nao núng với việc công chúng Ý hầu như không quan tâm gì đến tác phẩm của Archimboldi, và sau khi dịch Bifucaria Bifurcata anh viết hai bài nghiên cứu về Archimboldi cho tạp chí ở Milan và Palermo, một bài về vai trò của định mệnh trong Sự hoàn hảo đường tàu, và bài kia về những cái lốt của lương tâm và tội lỗi trong Lethaea, về bề mặt là tiểu thuyết phong tình, và trong Ngài Bitzius, một tiểu thuyết dài chưa tới trăm trang, trong chừng mực nào đó có nhiều điểm tương tự Kho báu của Mitzi, cuốn sách mà Pelletier đã tìm thấy trong một tiệm sách cũ kỹ ở Munich, cuốn sách kể câu chuyện về cuộc đời của Albert Bitzius, mục sư xứ Lutzelflüh, thuộc tổng Bern, tác giả của các bài giảng đạo đồng thời là một nhà văn với bút danh Jeremiah Gotthelf. Cả hai bài đều được đăng, và khả năng hùng biện hay sức rù quến của Morini trong việc giới thiệu hình ảnh Archimboldi đã vượt qua mọi trở ngại, và năm 1991 bản dịch thứ hai của Piero Morini, lần này là cuốn Thánh Thomas, được xuất bản ở Ý. Đến khi ấy, Morini đang dạy văn chương Đức ở Đại học Tổng hợp Turin, các bác sĩ chẩn đoán anh bị đa xơ cứng, và anh đã gặp phải một tai nạn lạ kỳ và ngoạn mục khiến anh vĩnh viễn gắn với xe lăn.

***

Manuel Espinoza đến với Archimboldi bằng một con đường khác. Trẻ tuổi hơn Morini và Pelletier, Espinoza nghiên cứu văn chương Tây Ban Nha, không phải văn chương Đức, ít nhất trong hai năm đầu đại học, bởi vì, bên cạnh những nguyên nhân buồn bã khác, anh mộng trở thành nhà văn. Các tác giả Đức mà anh có (chút ít) quen thuộc là ba con người vĩ đại: Hölderlin, vì lúc mười sáu tuổi anh nghĩ định mệnh sắp đặt cho anh trở thành thi sĩ và anh đã ngấu nghiến mọi tập thơ tìm được; Goethe, vì năm cuối cấp hai một giáo viên có tính hài hước giới thiệu anh đọc Nỗi đau của chàng Werther, mà anh sẽ tìm thấy trong nhân vật chính một tinh thần gần gũi; và Schiller, bởi vì anh đã đọc một trong những vở kịch của ông. Sau này anh phát hiện ra tác phẩm của một tác giả hiện đại, Jünger, anh đã làm quen với ông bằng cách thẩm thấu hơn mọi cách nào khác, vì các nhà văn Madrid mà anh ngưỡng mộ (và trong sâu xa ghét cay ghét đắng) không ngớt nói về Jünger. Vậy có thể nói rằng Espinoza chỉ quen thuộc với mỗi một tác giả Đức và người đó là Jünger. Đầu tiên anh nghĩ tác phẩm của Jünger thật tuyệt diệu, và vì nhiều đầu sách của tác giả này đã được dịch sang tiếng Tây Ban Nha, Espinoza tìm và đọc tất không khó khăn gì. Anh đã mong nó bớt dễ dàng hơn một chút. Trong khi đó, nhiều người anh quen không chỉ là người hâm mộ Jünger; một vài người còn là dịch giả của Jünger nữa, tuy nhiên Espinoza không quan tâm mấy đến chuyện đó, vì vinh quang mà anh thèm muốn là vinh quang của tác giả, không phải của dịch giả.

Năm tháng trôi qua, lặng lẽ và tàn nhẫn như thường lệ, Espinoza vấp phải vài sự không may khiến anh thay đổi cách suy nghĩ. Ví dụ như, chẳng lâu la gì, anh đã phát hiện ra nhóm hâm mộ Jünger chẳng hâm mộ Jünger như anh từng nghĩ, thay vào đó, như mọi nhóm văn chương, họ ngả nghiêng theo mùa. Thu, đúng, họ ái mộ Jünger, nhưng đông tới họ thình lình chuyển sang mê Baroj và xuân về chuyển sang cuồng Ortega, và vào mùa hè thậm chí họ rời khỏi điểm hẹn ở quán bar để đổ ra đường ngâm nga những vần thơ đồng quê vinh danh Camilo José Cela, một điều mà chàng Espinoza trẻ tuổi, về căn bản yêu nước, hẳn sẽ sẵn sàng đón nhận vô điều kiện nếu những biểu hiện đó được khởi đầu trên một tinh thần ham vui, hội hè, nhưng lại không tài nào có thể coi chuyện đó là hoàn toàn nghiêm túc được như kiểu các nhà hâm mộ Jünger giả hiệu.

Tồi tệ hơn, anh khám phá ra các thành viên trong nhóm nghĩ gì về những thử sức của anh đối với mảng tiểu thuyết. Ý kiến của họ tiêu cực đến nỗi có những lúc – ví dụ như những đêm không ngủ được – anh bắt đầu hết sức nghiêm túc nghi ngại liệu có phải họ đang đóng trò vờ vịt để gạt anh ra, để anh ngừng quấy rầy họ, không bao giờ thò mặt ra nữa.

Thậm chí tồi tệ hơn nữa là khi Jünger xuất hiện bằng xương bằng thịt ở Madrid và hội ái mộ Jünger tổ chức một chuyến đi đến El Escorial cho ông ấy (một ý thích lạ lùng của bậc thầy, viếng thăm El Escorial), và khi Espinoza cố tham gia chuyến tham quan, bằng bất cứ tư cách nào cũng được, anh bị khước từ vinh dự đó, như thể các nhà hâm mộ Jünger xem anh không đáng làm một phần của nhóm bảo vệ tác giả người Đức, hoặc họ sợ anh, Espinoza, có thể làm họ xấu hổ vì một bình luận ngây ngô, kỳ cục nào đó, mặc dù cách giải thích chính thức được đưa ra (có lẽ vì động cơ khoan dung chăng) là anh không nói được tiếng Đức trong khi mọi người khác đi dã ngoại với Jünger đều nói được.

***

Đó là đoạn kết mọi mối quan hệ giữa Espinoza với hội Jünger. Và đó cũng là khởi đầu của sự cô đơn và một dòng (hay trận lũ) bền bỉ của những quyết định, thường xuyên trái ngược nhau và bất khả thực hiện. Thời gian ấy chẳng phải là những đêm thoải mái, mà kém dễ chịu hơn nhiều, nhưng Espinoza khám phá ra hai thứ giúp anh vô cùng nhiều trong những ngày chập chững ấy: anh sẽ không bao giờ trở thành nhà văn, và, theo cách riêng của mình, anh dũng cảm.

Anh cũng khám phá ra rằng mình là kẻ cay đắng và đầy oán giận, rằng từ anh rỉ ra niềm oán giận, và rằng anh có thể dễ dàng hạ sát ai đó, bất kỳ ai, nếu điều ấy mang đến cho anh một lối thoát khỏi sự cô đơn cũng như khỏi mưa và cái lạnh của Madrid, nhưng đây cũng là một khám phá mà anh thà giấu kín. Thay vào đó, anh tập trung vào nhận thức rằng mình sẽ không bao giờ trở thành một nhà văn và vào việc làm mọi thứ có thể dựa trên lòng dũng cảm mới khơi lộ của mình.

Anh tiếp tục học đại học, nghiên cứu văn học Tây Ban Nha, nhưng cùng lúc ghi danh ở khoa tiếng Đức. Mỗi đêm anh ngủ bốn hay năm tiếng, thời gian còn lại anh ngồi vào bàn. Trước khi hoàn tất bằng văn học Đức, anh viết một tiểu luận hai mươi trang về mối quan hệ giữa Werther và âm nhạc, bài được đăng trên một tạp chí văn chương Madrid và một tạp chí đại học ở Göttingen. Đến năm hai mươi lăm tuổi, anh đã xong cả hai bằng. Năm 1990, anh nhận bằng tiến sĩ văn học Đức với luận án về Benno von Archimboldi. Một nhà xuất bản ở Barcelona phát hành luận án này một năm sau đó. Đến khi ấy, Espinoza đã thường xuyên hiện diện tại các hội nghị và bàn tròn về văn học Đức. Khả năng tiếng Đức của anh nếu không phải xuất sắc thì cũng hơn mức trung bình nhiều. Anh còn nói được tiếng Anh và Pháp. Cũng như Morini và Pelletier, anh có một công việc tốt và thu nhập đáng kể, và anh được sinh viên cũng như đồng nghiệp tôn trọng (trong chừng mực có thể). Anh chưa bao giờ dịch Archimboldi hay bất cứ tác giả Đức nào khác.

***

Ngoài Archimboldi, có một điểm nữa mà Morini, Pelletier và Espinoza cùng chia sẻ. Cả ba đều có ý chí sắt đá. Thật ra, họ còn một điểm chung nữa, nhưng ta sẽ nói chuyện đó sau.

Liz Norton, mặt khác, không phải kiểu mà người ta thường gọi là một phụ nữ nhiều động cơ, ý là cô không vạch ra những kế hoạch dài hạn hay trung hạn và toàn tâm toàn ý thực hiện những kế hoạch đó. Cô không có phẩm chất nào của một người tham vọng. Khi đau khổ, nỗi đau của cô hiển hiện rõ ràng, và khi hạnh phúc, niềm hạnh phúc cô cảm nhận cũng lây lan. Cô không có khả năng đặt ra cho mình một mục tiêu và nỗ lực đều đặn hướng tới mục tiêu ấy. Ít nhất, chẳng mục tiêu nào hấp dẫn hay cuốn hút đủ cho cô theo đuổi nó tới cùng. Dùng theo nghĩa cá nhân, cụm từ “đạt một mục đích” với cô dường như là một cạm bẫy hẹp hòi. Cô ưa từ đời sống, và, trong những dịp hiếm hoi, từ hạnh phúc. Nếu tự do ý chí bị ràng buộc vào những mệnh lệnh xã hội, như William James tin tưởng, và do đó tham chiến còn dễ hơn bỏ thuốc lá, người ta có thể nói rằng Liz Norton là dạng phụ nữ thấy bỏ thuốc dễ hơn là tham chiến.

Cô từng nghe nói chuyện này hồi còn là sinh viên, và cô yêu thích điều ấy, mặc dù nó chưa bao giờ khiến cô đọc William James. Với cô, việc đọc sách kết nối trực tiếp tới niềm lạc thú, chứ không phải tới kiến thức, những bí ẩn, các cấu trúc hay mê cung ngôn từ, như Morini, Espinoza và Pelletier tin phải là thế.

Việc khám phá ra Archimboldi của cô là ít chấn động nhất, kém thi vị nhất so với mọi người. Năm 1988, trong thời gian ba tháng sống ở Berlin, khi ấy cô hai mươi tuổi, một người bạn Đức cho cô mượn một tiểu thuyết của một tác giả cô chưa bao giờ nghe tới. Cái tên làm cô thắc mắc. Sao có thể thế được, cô hỏi người bạn, rằng lại có một nhà văn Đức mang họ Ý, nhưng có chữ von đứng trước, thể hiện ít nhiều tính quý tộc? Người bạn Đức của cô không có câu trả lời. Đó có thể là bút danh, anh nói. Và để khiến sự việc thậm chí lạ lùng hơn, anh nói thêm, ở Đức tên đàn ông kết thúc bằng nguyên âm không phổ biến. Khá nhiều tên phụ nữ kết thúc như thế. Nhưng chắc chắn không phải tên đàn ông. Cuốn tiểu thuyết tên là Người đàn bà mù, cô thích nó, nhưng không nhiều đến mức khiến cô lao ra đường mua tất cả thứ khác mà Benno von Archimboldi từng viết.

***

Năm tháng sau, quay lại Anh, Liz Norton nhận được qua đường bưu điện một món quà từ người bạn Đức của mình. Như mọi người có thể đoán ra, đó là một tiểu thuyết khác của Archimboldi. Cô đọc, thích cuốn sách, nên đến thư viện trường tìm thêm sách của tác giả người Đức có tên Ý này, và tìm được hai cuốn: một là cuốn cô đã đọc ở Berlin, và cuốn kia là Ngài Bitzius. Việc đọc cuốn sau thực sự khiến cô lao ra đường. Mưa đang trút xuống khoảnh sân, và bầu trời trong sân trông như vẻ chau mày của một con robot hay một vị thần hình dạng giống chúng ta. Những giọt mưa chênh chếch trượt xuống những lá cỏ trong công viên, nhưng nếu nó có trượt ngược lên thì cũng không có gì khác biệt. Rồi những (giọt) chênh chếch biến thành (giọt) tròn trịa, bị mặt đất bên dưới bãi cỏ nuốt chửng, rồi bãi cỏ và mặt đất dường như trò chuyện với nhau, không, không phải trò chuyện, mà cãi cọ, những từ ngữ không thể hiểu được của chúng như những mạng nhện kết tinh hay những bãi nôn kết tinh lại trong thoáng chốc, tiếng xao xác gần như không nghe được, như thể thay vì chiều hôm đó uống trà, Norton đã uống một cốc peyote[1] bốc hơi nghi ngút.

Nhưng sự thật là cô chỉ có mỗi trà để uống và cô cảm thấy mình bị ngập chìm, như thể ong ong trong tai cô một giọng nói lặp đi lặp lại một lời cầu nguyện kinh khủng, mà ngôn từ của lời cầu nguyện ấy nhòe dần khi cô cuốc bộ ra khỏi trường, mưa làm ướt chiếc váy xám, ướt đôi đầu gối xương xẩu, mắt cá chân xinh xắn và tất tật, bởi trước khi Liz Norton chạy vào công viên, cô đã quên mang theo dù.


Lần đầu tiên Pelletier, Morini, Espinoza và Norton gặp nhau là ở một hội nghị văn học Đức đương đại tổ chức ở Bremen năm 1994. Pelletier và Morini từng gặp nhau trước đó, tại hội thảo văn học Đức tổ chức ở Leipzig năm 1989, khi Cộng hòa Dân chủ Đức đang ngắc ngoải, và họ gặp nhau lần nữa tại hội nghị văn học Đức tổ chức ở Mannheim tháng Mười hai năm đó (một thảm họa, bởi khách sạn tồi, thức ăn tồi, tổ chức thì nhộm nhoạm). Tại một diễn đàn văn học Đức hiện đại ở Zurich năm 1990, Pelletier và Morini gặp Espinoza. Espinoza gặp Pelletier lần nữa ở một hội nghị văn học Đức thế kỷ hai mươi tổ chức ở Maastricht năm 1991 (Pelletier đọc tham luận “Heine và Archimboldi: Những nẻo đường hội tụ”; Espinoza đọc tham luận “Ernst Jünger và Benno von Archimboldi: Những nẻo đường phân kỳ”), và có thể nói mà không sợ sai mấy rằng từ đó trở đi họ không chỉ đọc bài nhau trên các tạp chí chuyên môn, mà còn trở thành bạn bè, hay giữa họ đã nảy sinh điều gì đó như là tình bạn. Năm 1992, Pelletier, Espinoza và Morini tình cờ gặp nhau lần nữa tại một hội thảo văn học Đức ở Augsburg. Mỗi người đều trình bày một tham luận về Archimboldi. Trong một vài tháng, người ta đồn rằng đích thân Benno von Archimboldi có kế hoạch dự sự kiện lớn này, vốn không chỉ hội tụ các nhà nghiên cứu văn học Đức mà còn khá đông đảo văn sĩ, thi sĩ Đức, tuy nhiên vào giờ chót, hai ngày trước khi khai mạc, nhà xuất bản của Archimboldi ở Hamburg đánh điện đến xin lỗi. Về mọi phương diện khác, hội nghị cũng là một thất bại. Theo ý Pelletier, có lẽ thứ duy nhất đáng quan tâm là một bài giảng của một giáo sư già ở Berlin về tác phẩm của Arno Schmidt (ở đây chúng ta có một cái tên đúng chất Đức kết thúc bằng nguyên âm), đánh giá này nhận được sự chia sẻ của Espinoza, và trong một chừng mực ít hơn, của Morini.

Họ dành thời gian rảnh rỗi, vốn khá rộng rãi, duyệt qua các địa điểm du lịch xoàng xĩnh (theo ý Pelletier) ở Augsburg, một thành phố mà Espinoza thấy cũng xoàng xĩnh, và Morini cho là tạm được, nhưng phân tích tới nơi tới chốn thì vẫn xoàng xĩnh, Espinoza và Pelletier thay phiên nhau đẩy xe lăn cho Morini vì dạo ấy Morini không khỏe lắm, đúng hơn là sức khỏe khá tồi, cho nên hai người bạn đồng thời là đồng nghiệp xét thấy một chút khí trời trong lành không hại gì cho anh, và thực ra có thể tốt cho anh hơn.

Chỉ Pelletier và Espinoza dự hội nghị văn học Đức kế tiếp, tổ chức ở Paris tháng Một năm 1992. Morini cũng được mời, nhưng vào lúc đó do tình trạng sức khỏe của anh tệ hơn bình thường nên bác sĩ khuyên anh tránh làm một số việc, mà cụ thể là những chuyến đi ngắn. Đó không phải là một hội nghị tệ, và tuy lịch trình kín mít, Pelletier và Espinoza cũng dành được chút thời gian để đi ăn với nhau tại một quán ăn nhỏ trên đường Galande, gần Saint-Julien-le-Pauvre, ở đó ngoài việc nói về những dự án và mối quan tâm của mình, trong lúc ăn tráng miệng họ bàn tán về thể trạng sức khỏe (ốm yếu, èo uột, đau khổ) của anh chàng người Ý u sầu, mà tình trạng ốm yếu đã không ngăn bắt tay soạn một cuốn sách về Archimboldi, một cuốn sách có thể sẽ là kiệt tác vĩ đại về Archimboldi, con cá hoa tiêu cần mẫn bơi bên cạnh con cá mập đen vĩ đại là khối tác phẩm của nhà văn Đức nọ, như Pelletier thuật lại lời Morini kể với anh trên điện thoại, nhưng anh không chắc là nghiêm túc hay đùa cợt. Cả Pelletier lẫn Espinoza tôn trọng tác phẩm của Morini, nhưng những từ ngữ vang lên từ Pelletier (nói ra như từ bên trong một lâu đài cổ hay một căn hầm nhốt tù đào bên dưới đường hào của một lâu đài cổ) nghe có vẻ như lời đe dọa trong cái quán ăn nhỏ thanh bình trên đường Galande, giục giã kết cục của một buổi tối vốn khởi đầu trong không khí thân ái và chan hòa.

***

Những điều này không làm suy suyển đến quan hệ của Pelletier và Espinoza với Morini.

Ba người gặp lại nhau tại một hội thảo văn học Đức tổ chức ở Bologna năm 1993. Và cả ba đều góp mặt trên số 46 Tạp chí Nghiên cứu Văn học của Berlin, một số chuyên đề dành cho tác phẩm của Archimboldi. Đó không phải lần đầu họ góp bài cho tạp chí này. Trên số 44, đã có một bài của Espinoza về ý niệm Thượng đế trong tác phẩm của Archimboldi và Unamuno. Trên số 38, Morini đã đăng một bài về tình trạng giảng dạy văn học Đức ở Ý. Và trên số 37, Pelletier đã trình bày tổng quan về các nhà văn Đức quan trọng nhất thế kỷ hai mươi ở Pháp và châu Âu, một công trình ngẫu nhiên khơi ngòi không chỉ một bài phản đối mà thậm chí cả vài lời mắng nhiếc.

Nhưng chính số 46 này mới quan trọng đối với chúng ta, không chỉ vì nó đánh dấu việc hình thành hai nhóm các nhà nghiên cứu Archimboldi đối lập – Pelletier, Morini và Espinoza đối đầu với Schwarz, Borchmeyer, và Pohl – mà số này còn có một bài của Liz Norton, xuất sắc đến mức khó tin, theo Pelletier, lập luận tốt, theo Espinoza, thú vị, theo Morini, một bài tự nó hài hòa (mà không theo yêu cầu của bất cứ ai) với các tiểu luận của ba người bạn, bài báo trích dẫn họ ở nhiều chỗ, thể hiện một kiến thức hoàn chỉnh về các nghiên cứu của họ cũng như các chuyên đề do các tạp chí chuyên ngành hay các nhà xuất bản nhỏ ấn hành.

Pelletier đã định viết cho cô một lá thư, nhưng rốt cuộc lại thôi. Espinoza gọi Pelletier hỏi liệu liên lạc với cô có phải là ý tưởng hay không. Do không chắc lắm, họ quyết định hỏi Morini. Morini không bình luận gì. Tất cả những gì họ biết về Liz Norton là cô dạy văn học Đức tại một trường đại học ở Anh. Và, không giống như họ, cô không phải là giáo sư thực thụ./.

Quân Khuê dịch

[1]. Peyote: Một loại xương rồng Nam Mỹ, chiết xuất của nó có tác dụng gây ảo giác.

Chấm sao chút:

Đã có 1 người chấm, trung bình 5 sao.

Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3

Người góp chữ

Quân Khuê

Thích đi, thích uống, ghét đồ nhựa dùng một lần.

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*