Đảo quốc nọ, hoàng thái tử từ thuở nhỏ đã được cho vời các bậc đại trí khắp nước về dạy dỗ. Tới năm 13 tuổi lên ngôi ngài đã nằm lòng nghệ thuật cai trị mà không hành động, chắc có họ hàng xa với thuyết vô vi của Lão quân, tới 15 ngài đã mang lại hòa bình cho vương quốc. Nhờ sự thông thái của mình, nhà vua thường xuyên đàm đạo với chư thần phù hộ cho đất nước và được biết trong vòng trăm năm tới, đảo quốc sẽ sống trong cảnh thái bình an lạc, chỉ thỉnh thoảng đây đó nảy ra nổi loạn tí con, nhưng cũng đấy cũng thuộc vào trật tự – bởi trật tự sẽ không thể là trật tự nếu không trong thế quân bình với hỗn mang. Thật ra thì kết thúc một trăm năm đó, quân xâm lược ngoại bang sẽ đi tàu chiến chở trọng pháo tới tàn phá xứ sở này, nhưng viễn kiến của nhà vua còn chưa vươn tới mốc đó. Năm 19 tuổi, nhà vua trẻ đã lên tới tột cùng đỉnh núi tri thức, hái bông hoa trí huệ, nắm được câu trả lời tối thượng về sự sống, vũ trụ và vạn vật (mở ngoặc, tuyệt đối không phải là 42), và tới đó ngài không biết phải làm gì nữa. Ngài nghĩ hay là chết, nhưng các triều thần ngăn cản, vì với tình hình hiện tại đào tạo thêm một nhà vua-triết gia nữa thì quốc khố không cân nổi.
Một đêm trong đền, chư thần của vương quốc khuyên ngài hãy xuống khỏi đỉnh núi, thử la cà nơi sườn núi mà thưởng thức những bông hoa tuy kém sắc nhưng vẫn có duyên riêng. Người ta cho xây một thư viện, chở đến tất tần tật mọi cuốn sách từng viết ra trên đảo, nhưng nhà vua đọc vèo một tháng là hết. Các bậc thầy bách nghệ được mời đến dạy, nhưng sáu tháng sau vua đã tự tay xây nên một ngôi nhà biết nói và trồng xung quanh những cái cây chưa từng thấy trên đời. Vua lại bắt đầu phàn nàn về nỗi không có gì làm. Các đại thần lại chụm đầu bàn bạc. “Chỉ có tình ái là không bao giờ cạn,” họ kết luận. Để khỏi xúi bẩy nhà vua đi mèo mỡ khắp giường các thần dân trong nước, chư thần phái xuống một nàng tiên có một không hai trên đời. Không chỉ biến hình tùy ý, nàng còn thay đổi chính bản chất của mình; nhà vua yêu cầu loại người gì nàng sẽ biến ngay thành người ấy, hoặc cô gái đồng trinh mãi mãi ngây thơ trinh trắng, hoặc ả hồ ly tối nào cũng chấm điểm cho vua trên bảng xếp hạng các tình nhân của nàng ta. Nhà vua sưu tập các dạng tình yêu, xứ sở vui cảnh thái bình, thỉnh thoảng đâu đó nổi lên làm phản rồi chết ngóm.
Một hôm nhà vua vừa ngáp vừa phán, nàng hãy trở thành một người không bao giờ đáp ứng nhưng chẳng bao giờ cạn kiệt. Nàng tiên núng nính đi tới, da dẻ đen xì, một mắt vàng, một mắt xanh, hàm trên trống hoác. Nhà vua vừa nhìn thấy đã ọe khan. Nàng tiên bảo: “Tôi đã biến hóa ra đúng như nhà vua muốn.”
“Chư thần hỡi, ít ra nàng cũng lắp đủ bộ nhai vào chứ.”
“Có chứ, một hàm răng tuyệt đẹp ẩn sau cặp môi huyền thoại của tôi.”
Nhà vua trố mắt nhìn nàng, kinh ngạc. “Đã vậy nàng đến đây thì được cái gì?”
“Tôi đến kể chuyện hầu vua.”
Đêm đó tắt đèn, nàng bắt đầu kể chuyện. Nàng tiên, mà chúng ta sẽ gọi là Scheherazade vì đằng nào liên văn bản cũng huỵch toẹt ra rồi, có giọng nói hết sức kỳ diệu, không du dương mà đều đều như tụng kinh, nhưng cách nào đó vẫn gọi lên những tình cảm cực kỳ tinh tế trong lòng người nghe. Nàng cất giọng, nhà vua tưởng như trước mắt mình là những chấm bướm nối nhau thành những đường quấn quýt bay qua mặt hồ phẳng lặng, soi xuống hồ thành những ảnh tượng, lâu đài, đồng xanh, đại dương sóng cồn và tóc thề thiếu nữ.
Nàng kể cho vua,
về người thợ hát của trời đã ngân dài một nốt từ thuở thế giới ra đời, không bao giờ ngưng thở lấy hơi vì sợ khoảnh khắc ấy đất trời sụp đổ,
về gã khờ ở một đất nước xa lắc, chăm cái cây trước cửa lều qua ba cuộc cách mạng và năm triều vua,
về kẻ tử tù trước giờ hành quyết được cấp bát cơm cuối cùng, đã chia mỗi hạt cơm làm năm để ăn trong những giây vĩnh cửu trước khi trời sáng,
về nhà thơ đã viết bài thơ toàn bích không gì sánh nổi, nhưng cứ cuối tháng lại sửa đi chữ cuối để việc sáng tác không bao giờ ngưng, cùng người đọc trung thành mỗi tháng đến rằm lại tới chép bài thơ từ đầu chí cuối,
về cô gái vì phải lòng một chàng incubus mà thiếp ngủ đến nay đã mười ba năm,
về người vợ đã cắt trái tim mình trao cho người chồng thủy thủ mang theo trên chuyến hải hành, để nàng được rỗng lòng mà ngày ngày tiếp tục sống,
về Đại tư tế ở đền Trái Đất Song Song cùng nữ phụ tế vẫn thi thoảng tới phòng ngài hầu ngủ, khi cám dỗ của nhục thân dâng lên đe dọa cản đường thanh tẩy tinh thần,
về những cá vàng của Aureliano Buendia cùng tấm khăn tang của Penelope,
về người tác giả đã viết 98 truyện ngắn, để rồi sau khi ông chết, nhờ một phát hiện tình cờ người ta hiểu ông đã viết đi viết lại đúng một truyện ấy thôi,
về cặp vợ chồng đã kết hôn 24 lần và ly dị 17 lần trong khi liên tục đóng vai các câu chuyện từ sách vở, tới một ngày có người chọn vở Othello,
về cụ bà khi hấp hối đã nói với cụ ông: “Ơn trời, em chẳng phải lo sẽ đánh mất anh bao giờ nữa”,
về cô dâu 75 tuổi đã quyên sinh sau đêm tân hôn.
…
Tối tối nhà vua bước vào căn buồng tắt điện bừng bừng dục vọng, hứa với nàng sẽ chờ tới khi kể chuyện xong, rồi tới khi trời sáng lại lộn mửa đuổi nàng đi, nhờ đó tránh được cái chết tức thời và tức tưởi.
“Thế còn ta thì sao?” một lần ngài ngắt giữa chừng câu chuyện về người đàn ông đã gửi thư cầu hôn rồi khi nhận được, để nguyên trên bàn không mở qua hàng năm ròng. “Ta cứ phải chờ đến vô cùng chỉ vì sự kém cỏi của đám thầy phụ khoa hay sao?”
Nàng tiên buồn bã nhìn nhà vua. “Thì ngài cho gọi tôi mà.”
Nhà vua ngày càng ủ ê gắt gỏng. Cả ngày chỉ nằm trên giường, như trong cơn sốt vô hình. Đại thần đến báo cáo về tình hình đất nước, nhưng ngài nghe vài câu lại sốt ruột đuổi họ đi. Có nhiều kẻ hiếu sự thì thầm về nguy cơ bạo loạn, nhưng triết lý vô vi nhi trị đã được áp dụng quá thành công đến nỗi có ai ho he cũng chẳng nên cơm cháo gì hết.
Triều thần sốt ruột giục vua ra ngoài chơi đi, thăm thú đất nước đi, để khỏi ngồi không cả ngày. Kết quả khiến họ khiếp vía. Nhìn thấy cô gái nào nhà vua cũng ngỡ là nàng tiên. Để khỏi làm gì manh động, ngài tế ngựa vào những vùng đồng ruộng rộng lớn không người. Đằng xa xa ngài thấy một bóng người mặc váy đứng một mình giữa ruộng. Ngài thúc ngựa, chạy vọt tới cắp lấy cô ta chạy vào rừng. Nhưng khi vật cô xuống đất, ngài nhận ra đấy chỉ là một con bù nhìn.
Nhà vua hóa điên rồi, người ta rì rầm. Còn sợ làm phản gì nữa. Nhà vua đã thành bạo chúa rồi.
“Tại nàng hết cả đấy,” vua bảo.
“Thì ngài cho gọi tôi mà,” nàng tiên đáp, nhưng lần này giọng nói có mùi tội nghiệp.
Nhà vua rầu rĩ vuốt chân nàng. Ngài không dám nhìn lên mặt nàng.
“Hay là gọi người khác đi? Hồi đó ngài đâu có giữ ai lâu quá một tuần.”
“Hồi đó ta còn đang sưu tập. Nhưng giờ thì ta muốn ở lại đây, chừng nào còn chịu nổi.”
“Nhưng người khác thì sẽ làm được việc tôi không làm được.”
“Thế người ấy có biết kể chuyện không?”
“Ngài yêu cầu thì người ta sẽ làm được thôi.”
“Thế người ấy có một mắt vàng một mắt xanh không?”
“Thì chắc là có.”
“Thế người ấy có răng ở dưới không?”
“Giờ thì ngài nói linh tinh rồi đấy.”
“Người ấy có phải là Schehezarade không?”
“Người ấy vẫn là tôi thôi.”
“Người ấy sẽ không phải là nàng.”
Nàng tiên lặng thinh.
“Ta muốn chết,” nhà vua rên rỉ.
“Nhà vua hãy nghĩ cho đất nước. Nếu ngài chết người ta sẽ dựng lên một vua mới kém cỏi lắm.”
“Đất nước cái ccc!” nhà vua nói, rồi dịu lại. “Hay là ta có thể thoái vị rồi dạy dỗ vua mới cẩn thận rồi hẵng chết.”
“Nhà vua thoái vị là ngay lập tức chư thần sẽ phù hộ cho vua mới, tôi sẽ không còn đến đây nữa.”
“Vậy thì xéo luôn cho rồi! Xéo đi, con đàn bà quỷ quyệt đã cướp mất sự thanh thản của ta! Xéo luôn đi và chớ có bao giờ trở lại!” Và nhà vua quăng gối vào nàng.
Nàng tiên đứng dậy đi ra cửa.
“Này! Nàng đi đâu đấy?”
“Đi luôn.”
“Đêm nay đừng có mà đến muộn đấy!”
“Giờ thì ngài cư xử hệt như một cậu bé ẩm ương vậy,” nàng đáp và đi ra.
Đêm ấy nàng không trở lại, đêm sau, đêm sau nữa cũng không. Nhà vua ngủ cả ngày, thức chong chong cả đêm, mồ hôi vã như tắm. Các đại thần cho người tìm cô thiếu nữ xinh đẹp nhất đảo đưa vào phòng ngài, nhưng cô bé nhút nhát hoảng sợ chạy té ra sau khi nhận một tràng giáo huấn về “cái ngàn vàng”.
Nhà vua ốm. Các đại thần có thử bàn kế hoạch đi tìm một cô béo ị xấu ỉn, ghè vỡ hàm răng trên đi rồi cho đeo một bên kính áp tròng màu vàng, nhưng không ai dám thực hành. Nhưng mấy tháng sau, nhà vua đã khỏe lại. Ngài không trở thành bạo chúa như họ sợ, nhưng giờ có thói quen ở một mình trong đền rất lâu.
“Scheherazade sao rồi?” ngài hỏi chư thần.
“Cô nàng dỗi, nhưng cậu hỏi thì cô nàng sẽ quay về thôi.”
“Không không, làm ơn cứ giữ lấy cô ta đi, giờ tôi không có sức nào nhìn cô ấy được.”
“Vậy chúng ta sẽ gửi cô ấy đến dưới tên khác nhé?”
“Thôi không cần.”
Cuối cùng, rủ lòng thương, chư thần cho ngài biết về những con tàu ngoại quốc sẽ tấn công vào đảo khi một trăm năm kết thúc. Không, giờ không còn kịp huấn luyện quân sĩ, chế tạo binh khí nữa. Vũ khí làm ra trên hòn đảo nghèo nàn này không bao giờ đương nổi những máy bay không người lái, những quả bom tàng hình kia. Thật ra là ngài hay bất kỳ ai khác đều chẳng thể làm gì để thay đổi định mệnh được: và định mệnh nói rằng dưới ách áp bức ngoại bang, hòn đảo sẽ bị chiếm đóng và bóc lột, cứ ba chục năm lại đổi chủ một lần.
“Vậy tôi còn phải lo gì? Cho tôi chết đi, rồi cứ để một tên bạo chúa kém cỏi lên thay.”
“Cậu có thể cầm cự đến phút cuối cùng, khiến cho người dân bị áp bức sau này vẫn sẽ mãi nhớ cảnh sống hòa bình, phồn thịnh không gợn bóng mây trong thời đại cậu. Rồi một nghìn năm sau họ sẽ gom đủ ý chí và kiến thức, đủ sức đuổi cổ bọn xâm lược, giành lại độc lập cho hòn đảo. Chúng ta sẽ đảm bảo cho việc đó.”
“Thế rồi thời đại phồn vinh sẽ trở lại chứ?”
“Không, nghệ thuật vô vi nhi trị sẽ thất truyền vĩnh viễn, và dân đảo sẽ trở thành bản sao nhợt nhạt của giống dân xâm lược, vĩnh viễn chạy theo hòng sánh vai cùng họ.”
“Thế thì những trò vè này để làm cái gì?” nhà vua thở dài. “Thôi mặc mấy người muốn làm gì thì làm.”
Nhà vua tiếp tục cai trị thêm nhiều chục năm. Bạo loạn nổi lên rồi tắt đi, người dân sống hạnh phúc hoặc gần như hạnh phúc, mọi bà mẹ trong xứ sở hoài công dạy dỗ mọi cô con gái cầm kỳ thi họa lẫn bảy chữ tám nghề, khiến hòn đảo bùng lên một cuộc phục hưng văn nghệ lớn chưa từng thấy. Nhà vua nuôi đầy nhà mèo trắng một mắt vàng, một mắt xanh.
Tròn một trăm năm, chính xác như đặt hẹn, quân ngoại xâm nổ đại bác bắn vào hòn đảo. Được một tuần đội cung thủ can trường đã chết sạch. Giống dân kỳ lạ kia gào thét bằng thứ tiếng kỳ lạ kia không rõ là mệnh lệnh hay chửi mắng, bao vây cung điện của nhà vua. Nhà vua rút vào trong đền, và nhà sử học cung đình, sau này sẽ còn tác nghiệp lâu dài trong triều đại mới, dâng lên chén thuốc độc.
Uống cạn chén thuốc, nhà vua phóng hỏa đốt bàn thờ. “Xin cho Scheherazade đến gặp tôi,” ngài khấn.
Nàng xuất hiện, cái miệng không răng tuyệt đẹp mỉm cười với ngài.
“Một trăm năm là quá ngắn để chối từ nàng,” vua thì thầm.
Tiếng kèn lệnh chơi bản quốc thiều ngoại bang bên cửa.
(Bài viết thuộc Zzz Review số 4, 20-1-2019)
Người góp chữ
Phan Ta Di
Một chú bé mười bảy bẻ gãy sừng heo.
Leave a Reply