“Tôi tới làng Comala vì người ta bảo rằng cha tôi, một Pedro Páramo nào đó, đã từng sống ở đây. Chính mẹ tôi bảo vậy. Tôi đã hứa với bà rằng khi nào bà qua đời tôi sẽ tới thăm ông ta. Tôi nắm lấy tay bà trong cử chỉ hàm chứa lời hứa; bởi vì bà yếu lắm rồi, bà sắp tắt thở, còn tôi sẵn sàng hứa làm tất cả.” Đọc những câu mở đầu Pedro Páramo của Juan Rulfo, tương tự như phần mở đầu trong cuốn truyện vừa Michael Kohlhaas của Kleist và tiểu thuyết Hành khúc Radetzky của Joseph Roth, ta biết mình đang nằm trong tay một bậc thầy kể chuyện. Những câu văn này, với một sự chính xác và mạch lạc đầy mê hoặc kéo người đọc bước vào cuốn sách, gợi lên cái vẻ của một câu chuyện đã được kể lại, đã được đánh bóng, giống như đoạn đầu một truyện cổ tích.
Nhưng đoạn mở đầu sáng sủa, rõ ràng này chỉ là nước đi đầu tiên của cuốn sách. Trên thực tế, Pedro Páramo là một tác phẩm phức tạp hơn nhiều so với cái ta có thể hình dung từ những câu đầu tiên. Tiền đề của nó – một người mẹ qua đời cử con mình đi ra thế giới, cuộc tìm kiếm người cha của đứa con trai – biến đổi thành một hành trình trong địa ngục qua nhiều giọng kể. Câu chuyện diễn ra ở hai thế giới: Comala của hiện tại, mà Juan Preciado, nhân vật “tôi” trong những câu đầu tiên, đang đi đến; và Comala của quá khứ, ngôi làng trong ký ức người mẹ và tuổi trẻ của Pedro Páramo. Tác phẩm đổi đi đổi lại giữa giọng kể ngôi thứ nhất và thứ ba, giữa hiện tại và quá khứ. (Những câu chuyện lớn không chỉ được kể bằng thì quá khứ, chúng kể về quá khứ.) Comala quá khứ là ngôi làng của người sống. Comala hiện tại là chỗ của cái chết, và những cuộc gặp gỡ sẽ đến với Juan Preciado khi cậu ta đến được Comala đều là với các bóng ma. Páramo trong tiếng Tây Ban Nha chỉ một vùng đất bỏ hoang, cằn cỗi. Không chỉ mình người cha cậu tìm kiếm đã chết, mà tất cả mọi người trong làng đều đã qua đời. Chết rồi, họ không còn gì để bộc lộ ngoại trừ những gì là cốt yếu.
“Cuộc đời tôi mang theo rất nhiều im lặng,” Rulfo từng nói. “Cả trong văn của tôi cũng vậy.”
Rulfo nói ông đã mang theo Pedro Páramo bên trong mình trong nhiều năm trời rồi mới biết phải viết nó thế nào. Đúng hơn, ông viết ra hàng trăm trang để rồi vứt đi – ông từng gọi tiểu thuyết là một bài tập lược bỏ. “Việc viết các truyện ngắn đã rèn giũa cho tôi,” ông nói, “và làm tôi thấy được sự cần thiết của việc biến mất và để cho các nhân vật tự do muốn nói gì thì nói, khiến cho tác phẩm xem ra thì thiếu cấu trúc. Nhưng trong Pedro Páramo có cấu trúc, một cấu trúc đi ra từ im lặng, những manh mối lơ lửng, những cảnh bị cắt đi, nơi mọi thứ diễn ra trong một thời gian đồng thời, tức là phi-thời gian.”
Pedro Páramo là một tác phẩm huyền thoại được viết bởi một nhà văn cũng đã trở thành huyền thoại trong thời ông sống. Ông sinh năm 1918, tại một ngôi làng ở Jalisco, chuyển lên thủ đô Mexico năm mười lăm tuổi, học luật tại trường đại học rồi bắt đầu viết, nhưng không xuất bản, vào cuối thập niên 30. Các truyện ngắn đầu tiên của ông được đăng trên tạp chí vào thập niên 40 và đến năm 1953 thì một tập truyện ngắn được xuất bản với tên gọi El llano en llamas (tạm dịch: Bình nguyên trong lửa). Hai năm sau đấy, Pedro Páramo xuất hiện. Hai cuốn sách đã xác lập vị thế của ông trong văn học Mexico, một giọng văn nguyên bản chưa từng có. Lặng lẽ (hay ít nói), nhã nhặn, tỉ mỉ, uyên bác, và tuyệt không hề có những sự vờ vĩnh, Rulfo là kiểu một con người vô hình kiếm sống bằng những cách thức hoàn toàn không liên quan gì đến văn chương (nhiều năm trời ông làm nghề bán lốp xe), một người có vợ và con cái, và cả đời ông, các buổi tối đa phần được dành cho việc đọc và nghe nhạc. Ông cũng cực kỳ nổi tiếng, được tôn sùng bởi các bạn viết. Rất ít nhà văn cho ra đời các tác phẩm đầu tay khi đã ngoài bốn mươi, càng hi hữu hơn khi các tác phẩm này ngay lập tức được công nhận là tuyệt tác. Và thậm chí còn hi hữu hơn nữa khi một nhà văn thành công như vậy lại không viết thêm một cuốn sách nào. Trong nhiều năm, một cuốn tiểu thuyết của Rulfo có tên gọi La Cordillera được nhà xuất bản của ông hứa hẹn là sắp in, bắt đầu từ cuối thập niên 60 – rồi được tác giả tuyên bố là đã tiêu huỷ nó, một vài năm trước khi ông qua đời năm 1986.
Ai nấy đều hỏi Rulfo tại sao ông không in thêm tác phẩm nào nữa, như thể mục đích cuộc đời một nhà văn là cứ thế viết tiếp và xuất bản tiếp. Nhưng thực ra mục đích cuộc đời một nhà văn là viết ra một tác phẩm lớn – một cuốn sách sẽ trường tồn – và đó là việc Rulfo đã làm được. Không cuốn sách nào đáng đọc một lần nếu nó không đáng đọc đi đọc lại nhiều lần. García Márquez từng nói sau khi ông phát hiện được Pedro Páramo (và Hoá thân của Kafka, những tác phẩm được đọc quan trọng nhất trong những năm đầu ông cầm bút), ông có thể đọc thuộc lòng từng đoạn dài và sau cùng là biết rõ từng trang từng trang một, ông đã ngưỡng mộ và muốn được thấm đẫm nó đến như vậy.
Cuốn tiểu thuyết của Rulfo không chỉ là một trong những tuyệt tác của văn học thế giới thế kỷ hai mươi mà còn là tác phẩm đem lại nhiều ảnh hưởng nhất; quả vậy, thật khó mà phóng đại tác động của nó đến văn học Tây Ban Nha bốn mươi năm qua. Pedro Páramo là một tác phẩm kinh điển của kinh điển. Một cuốn sách mà dường như khi nhìn lại, ta thấy nó không thể không được viết. Một cuốn sách đã tác động mạnh mẽ đến bộ mặt của văn chương và vẫn tiếp tục âm vang trong các tác phẩm khác. Bản dịch của Margaret Jill Costa, hiện thực hoá lời tôi hứa với Juan Rulfo khi chúng tôi gặp nhau ở Buenos Aires một thời gian ngắn trước khi ông qua đời, rằng Pedro Páramo sẽ có một bản dịch tiếng Anh đầy đủ và chính xác, là một sự kiện văn học quan trọng.
(1994)
Susan Sontag
Ngọc Dao dịch
Dịch từ tập tiểu luận Where the Stress Falls của Susan Sontag, NXB Picador, 2001. Tiêu đề do người dịch đặt.
(Bài viết thuộc Zzz Review số 4, 20-1-2019)
Người góp chữ
Ngọc Dao
The Sound of Mountain.
Leave a Reply