Pablo Neruda, “Thơ ca”

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi
Thời gian đọc: 4 phút

800px-firma_pablo_neruda.svg

… Có biết bao nhiêu là tác phẩm nghệ thuật trên đời… Thế giới của chúng ta không còn đủ chỗ cho chúng… Đến phải treo chúng ra ngoài mất thôi… Có biết bao nhiêu là sách to sách nhỏ… Ai là người có thể đọc hết được tất cả đây?… Ôi, cứ cho là chúng ăn được đi chăng nữa… Cứ cho là khi rơi vào cơn đói khủng khiếp, chúng ta có thể đem chúng làm món salat, xắt chúng ra, nêm gia vị, tra tiêu ớt… Thế nhưng không tài nào thêm được nữa… Chúng ta đã no ứ đến tận cổ rồi… Thế giới đang chìm ngập trong con triều cường sách vở… Reverdy[1] có lần đã nói với tôi: “Tôi đã báo trước với bưu điện, để họ không gửi sách về nhà cho tôi nữa. Không còn lấy đâu ra sức để mở xem những cuốn sách mới nữa. Chẳng còn chỗ để nữa. … Đâu đâu cũng toàn sách là sách, chúng bò lên khắp cả bốn bức tường rồi, tôi sợ rằng, chẳng mấy nỗi, vô phúc mà chúng đổ ập xuống đầu tôi”… Mọi người ai cũng biết Eliot… Khi còn chưa là hoạ sĩ và đạo diễn, còn chưa bắt đầu viết những bài báo tuyệt vời, ông đã đọc thơ của tôi… Tôi vui sướng biết bao nhiêu… Hiếm có ai hiểu thơ tôi đến thế… Nhưng có một lần, ông ấy đọc cho tôi nghe một bài thơ của ông, và tôi, như một kẻ ích kỷ nhất hạng, bỏ chạy và gào lên: “Thôi đi, thôi đủ rồi đấy!…” Tôi chạy vào buồng tắm và chốt cửa lại, nhưng Eliot vẫn cứ đứng ngoài cửa, đọc cho đến hết mới thôi… Tôi cảm thấy rất buồn lòng… Nhà thơ Scotland Fraser lúc ấy cũng có mặt… Ông ấy đã trách tôi: “Tại sao ông lại đối xử với Eliot như thế?…”  Tôi trả lời: “Tôi rất sợ mất một người bạn đọc của mình. Tôi chăm mãi mới được đấy. Ông ấy thuộc đến từng nếp thơ của tôi… Mà Eliot đến là lắm tài… Ông ấy biết vẽ này… Lại viết tiểu luận này… Nhưng tôi muốn nâng niu, gìn giữ ông ấy với tư cách là một bạn đọc, chăm nom ông ấy như chăm một giống cây quý hiếm… Ông hiểu tôi mà, Fraser…” Thực lòng mà nói, nếu mọi chuyện vẫn cứ mãi như thế này, các nhà thơ sẽ chỉ viết cho các nhà thơ… Nhà thơ nào cũng sẽ dấm dúi bỏ vào túi nhà thơ khác sáng tác của mình… bài thơ của mình… hay lén đặt nó vào đĩa của người khác… Quevedo[2] có lần đã lén đặt một bài thơ vào đĩa phủ khăn ăn của nhà vua… Nhưng việc đó thực sự có ý nghĩa cơ… Như thơ ca trên quảng trường giữa ban trưa… Hay là để cho những cuốn sách bị mòn vẹt, rách nát, sau khi chuyền qua hết tay người này đến tay người khác… Chứ còn, như thế này, khi nhà thơ được in để cho nhà thơ đọc không thôi, thì tôi chả buồn chả thiết chả báu gì, tôi chỉ mong sao ẩn trốn được ở một nơi nào đó giữa những vách đá, bên muôn trùng sóng biển, tránh cho xa các nhà xuất bản, các trang sách in… Thơ ca đã mất đi mối dây liên hệ với người bạn đọc xa lạ… Cần phải khôi phục lại nó… Cần phải đi xuyên qua cõi tăm tối để gặp gỡ trái tim của một người đàn ông, hay đôi mắt của một người đàn bà, hay vị khách lạ qua đường, mà vào một buổi chiều tà hay một đêm trời đầy sao, chỉ một câu thơ duy nhất của anh thôi bỗng trở nên là điều không thể thiếu với họ… Lần gặp gỡ bất ngờ ấy đáng giá mọi sự nỗ lực, đáng giá tất thảy những gì đã được viết ra, được đọc, được nghiền ngẫm… Cần phải hoà mình vào giữa những người xa lạ với chúng ta, để họ đột nhiên tìm thấy một phần nhỏ bé của chúng ta trên phố, trên cát, trên những chiếc lá hàng ngàn năm qua lìa cành nơi rừng xanh… để họ dịu dàng nâng lên khỏi mặt đất những gì chúng ta sáng tạo ra… Chỉ khi ấy chúng ta mới là những nhà thơ chân chính… Chỉ nhờ đó mà thơ ca mới trường tồn.

Nguyễn Trí Dũng dịch

Trích từ chương “Thơ ca là nghề nghiệp”, trong tập hồi ký Confieso que he vivido (Tôi thú nhận mình đã sống, di cảo xuất bản năm 1974). Dịch từ bản tiếng Nga:  Hồi ký – Thi ca Признаюсь: я жил. Воспоминания – Поэзия, Издательство: Nhà xuất bản Sách Chính trị (Издательство политической литературы), Moskva,1978. Zét Nguyễn biên tập từ bản tiếng Anh của Hardie St. Martin, Penguin Books, 1978.

[1] Pierre Reverdy (1889-1960), nhà thơ Pháp, là người có ảnh hưởng lớn tới các trường phái nghệ thuật như Siêu thực, Đa Đa, Lập thể. Ông là bạn của Pablo Neruda.

[2] Ở đây Neruda muốn nói đến câu chuyện kể về việc nhà thơ Tây Ban Nha vĩ đại Francisco de Quevedo (1580-1645) đã lén đặt bài thơ tố cáo một triều thần được sủng ái của nhà vua Felipe IV, và sau đó ông đã bị tù bốn năm và chết trong tù.

(Bài viết thuộc Zzz Review số 4, 20-1-2019)

Chấm sao chút:

Đã có 1 người chấm, trung bình 5 sao.

Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3

Người góp chữ

Nguyễn Trí Dũng

Dịch rất nhiều, in cực ít.

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*