Người ngồi bên tay phải Borges

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi
Thời gian đọc: 49 phút

Nguyễn An Lý

LƯU Ý
Những người chưa từng đọc Borges, 
và những người quá yêu Borges,
đều không nên đọc bài viết này.

Đây có thể là một câu chuyện đẹp. Câu chuyện về ba nhân vật: Chàng thanh niên, Cụ già, và Những người còn lại. Chàng thanh niên đã gặp được Cụ già vào một thời điểm cốt tử trong đời, đã vì cụ, bảo vệ cụ, giải thoát cho cụ khỏi cái hang rồng của Những người còn lại, và hơn hết, đã thương yêu khích lệ để cụ tưởng đã già và bất lực lại bừng nở trong một thời Thanh xuân thứ hai, để lại vĩnh viễn cho hậu thế những trái vàng trái bạc thành quả chung của họ.

Đây cũng có thể là một câu chuyện bi ai. Khi Những người còn lại đã cướp lại cụ nhốt vào hang rồng để cụ qua đời trong đau đớn và cô độc, trái vàng trái bạc thu về lót giường cho con Lindworm nhân bội mãi lên, để chàng thanh niên cô đơn và bị sỉ mạ, lang bạt giữa đời, hoài công hát cho những người chịu nghe về bất công mình phải chịu, tuy bất công ấy có là gì so với bất công mà cụ đã phải chịu, vì rốt cuộc, kiếm thánh của chàng cũng không chống cự nổi Những người kia.

Dù sao thì đây cũng là một câu chuyện rất Borges, không phải bởi vì tự thân nó Borgesian, mà bởi vì những người nào đã một thời gian đọc Borges, dù ghét hay ưa hay hoang mang chẳng hiểu gì, đều không thể không nhiễm lấy một phần giọng Borges, và nếu ở quá lâu bên Borges không thể nào không nộp mình cho cách nhìn thế giới của bậc thầy, và cuối cùng, thấy bản thân mình cũng biến thành một nhân vật trong truyện Borges, một câu chuyện vang lên rất nhiều từ “số phận” hay “quy hồi vĩnh cửu”. Ít ra thì đấy là câu chuyện được kể là đã xảy ra với nhân vật ấy, di Giovanni.

 

Họ gặp nhau là số phận

“Không một phút nào tôi không ý thức được sống bên cạnh Borges là một cuộc sống phong phú và kỳ diệu đến mức nào. Những ngày gần gũi bên nhau ấy thật phong phú không quên được, đến mức ngay cả bây giờ, khi ông đã qua đời hơn một thập kỷ, ông vẫn sống trong hầu hết những giờ làm việc của tôi và thi thoảng, trong đêm, cả trong giấc mơ tôi.” (“Lời nói đầu” bản in đầu, The Lesson of the Master.)

Di Giovanni “gặp” Borges lần đầu qua một tuyển tập thơ, tiếng Tây Ban Nha. Nhờ mách nước của một hiệu sách Boston chàng được biết nhà thơ sắp có chuỗi bài giảng ở Harvard; chàng tới dự, viết thư, đề nghị một dự án tuyển dịch các bài thơ của cụ tương tự dự án chàng vừa thực hiện với một nhà thơ Tây Ban Nha. “Tới đây, bàn tay số phận đã can thiệp vào dữ dội,” chàng ngẫm ngợi, bởi cụ già vốn không bao giờ trả lời thư, nhưng đây, cụ đã trả lời, và mời chàng đến. “Tôi gõ cửa nơi Borges ở, bước vào, và ở lại suốt gần năm năm.” (“Dịch Borges”, Lesson)

Dự án thơ ra mắt ở một ấn hiệu (imprint) của Penguin sau năm năm, một ấn bản song ngữ dày dặn quy tập 279 bài thơ và thơ văn xuôi (con số do tôi đếm) qua bản dịch của 13 dịch giả. “Anh là người duy nhất ở Harvard nhìn tôi như một nhà thơ nghiêm túc,” cụ tác giả nói với chàng chủ biên kiêm dịch giả. “Nhưng tôi coi cụ là nhà thơ mà.” “Tôi cũng coi tôi là nhà thơ, chúng ta giống nhau ở chỗ đó.” (Lời giới thiệu Selected Poems, 1923-1967, 1972) “Bàn tay định mệnh,” di G. ngẫm ngợi, dù thật ra, cũng không có gì lạ: khi đọc tập thơ đó, như chính chàng thú nhận, chàng còn chưa hề biết trên đời có tồn tại hai tập truyện ngắn FiccionesEl Aleph đã mang lại danh tiếng lẫy lừng cho Borges trên thế giới và do đó, lòng hâm mộ cuồng nhiệt trên quê hương mình.

Thời điểm cuốn Selected Poems ra đời thì mọi sự đã đổi khác rất nhiều: khi đó di G. đã làm khách, làm cánh tay phải, làm gậy dẫn đường, làm biên tập viên, làm trợ lý, làm người bầu bạn, làm chỗ dựa tinh thần và vật chất từ sáng tới khuya cho Borges, theo lời chàng kể. Về mặt tiến độ cặp đôi này cũng mắn đẻ không kém: mười đến mười hai tập sách (Borges đếm) đã lần lượt được di G. dịch sang tiếng Anh trong ba năm từ khi họ đến với nhau, trong đó có một cuốn tuyển tập dịch lại The Aleph and other stories 1933-1969 (1978). Với các truyện ngắn trong Bản báo cáo của bác sĩ Brodie, bản dịch đã được hoàn thành trước cả khi bản gốc được gửi báo. Mặc dù về số chữ đơn thuần, mười cuốn của Borges tất không giống mười cuốn của Henry James, nhưng hai người làm việc như di G. miêu tả là “tốc độ sên bò”: di G. đọc câu tiếng Tây Ban Nha của Borges, sau đó đọc câu tiếng Anh của bản thân, cả hai cùng gọt giũa, di G. chép lại trong sổ tay, đêm đó về gõ lại và đánh bóng, rồi tới khi xong thì đọc lại từ đầu bản tiếng Anh cho Borges nghe. Đôi lúc sên sẽ dừng lại khi Borges cần phải vẽ lên bằng ngôn ngữ bức tranh về mảng phía Nam Buenos Aires tuổi thơ mình cho di G. nghĩ ra một từ chính xác (một cử chỉ mà, mặc dù rất thú vị khi kể lại và hẳn nhiên cảm động khi trải nghiệm, khiến cho những người dịch của thời đại Google Images trong một nốt nhạc này rùng mình sợ hãi). Mỗi truyện ngắn hay bài thơ dịch xong di G. lại gửi đăng trên New Yorker cùng các báo khác, xuất hiện đều đặn vài tuần một, đem lại những chi phiếu quý giá bổ sung vào đồng lương Giám đốc Thư viện quốc gia chết đói (như di G. miêu tả) của Borges. Tất cả những điều này được di G. kể lại, nhấm nháp và cảm động, ngót hai chục lần trong các bài viết ngắn, lời nói đầu, hồi ký, chú thích mà một phần dài nhất được tổng hợp trong cuốn The Lesson of the Master (1999; in lại 2009 ở HarperCollins).

Sự hợp tác của tác giả đến cấp độ từng từ như vậy quả là giấc mơ của bất kỳ dịch giả nào. “Đây không phải là bản dịch của tôi, mà bản dịch của hai chúng tôi,” di G. hai chục lần thổ lộ. Về phần Borges, ông từng bày tỏ, như di G. cho biết “Chúng tôi không nghĩ chúng tôi là hai người. Mà thực tế là một tâm trí đang làm việc.” (“Lời nói đầu”, Lesson) (Một bài viết khác di G. lại trích câu này là “… hai tâm trí nhằm đến một mục đích chung” (“Borges và bản tự thuật”, Lesson). “Bản dịch của anh còn hay hơn bản gốc của tôi,” Borges nhiều lần nói với di G., như di G. thường xuyên nhắc lại cảm động và hoài nhớ. Mà quả là tiếng Anh của di G. rất cầu kỳ, sắc bén, ngay cả cách kể chuyện, nhịp điệu và căn thời điểm cũng cực kỳ hấp dẫn, như một nhà báo được ưa chuộng hoặc một hot blogger thời nay. Sản phẩm dịch của hai người ưng ý Borges tới mức cụ phán rằng tất cả những bản dịch sau này đều phải dựa trên bản tiếng Anh của hai người bọn họ. Một tình bạn vong niên đẹp, một sự hợp tác thành công, một sự ngưỡng mộ chung. Mà đấy còn chưa phải là điều làm cho di G. tự hào nhất, khi nghĩ về khoảng thời gian này. Khoảng thời gian này, thành tích lớn nhất của di G. là hai chiến thắng, mà theo như nhận định của di G., thì nhờ đó mà Borges còn có thể tiếp tục viết, thậm chí là tiếp tục sống, những năm cuối đời.

 

Chiến thắng 1: Cải lão hoàn xuân cho cụ già thất thập

Thời điểm gặp di G. ở Mỹ, Borges đã sáu mươi bảy tuổi; FiccionesEl Aleph đã ở phía sau từ lâu; đã trở thành tượng đài sống của Argentina và thế giới, và đã tám năm không ra một cuốn sách mới. “Ông cảm thấy mình sẽ không bao giờ viết gì thêm nữa, và nước Mỹ cũng nghĩ như vậy,” di G. tường thuật. (“Nhớ về Borges”, Lesson) Sau khi nghe di G. quở mắng, Borges trở về nước gửi cho chàng một series thơ mới sáng tác; đêm thứ hai tới Buenos Aires theo lời mời của Borges, chàng dự bữa tối văn chương ở nhà Adolfo Bioy Casares (“mọi người ở đây đều từng nghe nhắc về tôi” – di G. cảm động). Đấy là “một trong những buổi tối quan trọng nhất trong đời Borges”, bởi tất cả mọi người đều cổ xúy Borges ra tập sách mới, bất chấp bản thân cụ khăng khăng phản đối; cụ đi về, chẳng mấy chốc đã sáng tác đủ cho một tập thơ. Và thế là có Ngợi ca bóng tối (1969). Tiếp đó, cụ bày tỏ lòng than tiếc đã ngừng viết truyện ngắn mười bốn năm trước, và đinh ninh sẽ không còn viết lại trong đời. Và đến lúc này di G. xắn tay áo, bắt đầu “một chiến dịch khó nhận thấy để thúc ép cụ, bồi đắp lòng tự tin của cụ, chứng tỏ cho cụ thấy đời viết lách của cụ vẫn còn dài”:

Nhờ tôi giỏi thuyết phục mà ông đã cởi mở hơn một chút, ông dùng tôi làm người nghe để phát triển một câu chuyện khác, nói lớn cốt truyện cho tôi nghe. …
“Một câu chuyện hay đấy,” tôi nói. “Chỉ là viết ‘Pedro Salvadores’ hai lần thôi mà. Có tám trang thôi. Cụ làm được.” …
“Tất nhiên [tạp chí X] thích truyện hơn [thơ] rồi. Chúng ta ai cũng thích truyện. Sao không viết cho họ một cái truyện?”…
Cuối cùng khi viết xong ông cũng thú nhận về truyện mới, nhưng không tỏ ý muốn cho tôi xem. Tôi chờ. Vài ngày sau tôi nói xạo rằng tôi đang thiếu tiền. Ông thò tay vào túi trong, hỏi tôi cần bao nhiêu. Tôi cười đáp, tôi muốn một truyện mới, để tôi dịch rồi bán cho New Yorker như những bài thơ đang dịch…
Ông không chịu nghe; ông nhất quyết đến gặp Frías [chủ nhà xuất bản] đòi in một cuốn chỉ có tám truyện. Tôi bốc điện thoại, gọi Frías, giải thích tình hình. “Hãy từ chối cụ. Bảo cụ phải viết thêm ít nhất ba truyện nữa. Cụ có hết trong đầu rồi, cụ chỉ có lười thôi.” (“Nhớ về Borges”, Lesson)

Và thế là có Bản báo cáo của tiến sĩ Brodie (1970). Di G. thán phục những sáng tác, thơ và truyện ngắn, viết ra vào tuổi thất thập trở đi của Borges: “Borges tuổi già lại quyết tâm sáng tạo ra thứ gì mới mẻ, tự do, riêng tư hơn trước. Về nhiều mặt ông đã thành công; hiển nhiên là lối văn trong những tác phẩm sau này gọn hơn và có trách nhiệm hơn. Ông cảm thấy cuối cùng ông đã tìm được giọng mình muốn nói.” Hiển nhiên, lời ca ngợi này là của một người cảm thấy niềm vui sở hữu, rằng không có mình thì sẽ không có thêm bảy tập thơ và hai mươi lăm truyện ngắn sau này (di G. đếm). Bên cạnh đó, còn có bài tự thuật mà ta sẽ nói kỹ hơn ở dưới.

Quả thật, phía sau một nhà văn thiên tài, là cái bóng của một tập đoàn biên tập viên, thư ký, đại diện bản quyền và nhà giục tiến độ. Và trong trường hợp di G. trong những ngày đó, là tất cả trong một, cộng thêm vai trò hoàng tử bạch mã mà giờ ta sẽ nói đến hơi kỹ hơn.

 

Chiến thắng 2. Giải cứu khỏi hang rồng

Ở đây ta đã bước một bước khỏi địa hạt văn chương thơ phú, vào địa hạt drama cuộc đời, nhưng câu chuyện vẫn là một câu chuyện đẹp, nhuốm mùi Hollywood. Chuyện là, ngay trước khi sang Mỹ trong chuyến đi định mệnh (với di G.) đó, Borges đã kết hôn. Chàng Borges độc thân vui tính ở tuổi 68 đã kết hôn với Elsa Astete Milln, 57 tuổi, mới góa chồng, một con trai đã trưởng thành, theo mệnh lệnh của bà mẹ 90, hoặc có version bảo trái với mệnh lệnh của bà mẹ 90. Chuyện này sẽ bớt phần lạ lùng, hoặc càng thêm lạ lùng, nếu ta biết Borges và Elsa đã gặp nhau từ thuở đầu hai (“định mệnh xui khiến!” – Elsa kể) và từng dan díu đậm sâu thời trẻ (“buổi hẹn đầu anh ấy đã thề yêu tôi vĩnh viễn” – Elsa kể) để rồi giữa chừng nàng đi lấy chồng cái rụp không thông báo, tới khi bà mẹ thấy tội nghiệp mới nói với chàng. Thế nào đó mà chàng vẫn tiếp tục tán nàng, tán nàng bằng cách viết thư tả tỉ mỉ tủ sách nhà chàng với bộ Britannica, hàng đống bộ Ngàn lẻ một đêm cùng quảng cáo bộ sách kỳ ảo mà chàng vừa soạn vài năm trước. Tất nhiên thư đi không lời đáp, phần vì văn chương nghệ thuật là cái gì rất xa lạ với Elsa. Tới khi biết tin nàng góa bụa, mẹ chàng bèn giục hai người gặp nhau, nàng chìa ra chiếc nhẫn chàng từng tặng, chàng chìa ra tấm ảnh nàng vẫn kẹp sách bấy lâu (di G. kể từ nhiều nguồn kèm rất nhiều bình phẩm). Ít lâu sau đám cưới, hai người dắt díu nhau sang Harvard hưởng tuần trăng mật, đúng hơn là để Borges nhận ghế giảng sư Charles Eliot Norton, một chức vụ luân lưu yêu cầu nhà thơ trình bày sáu bài giảng trong vòng một năm học (các bài giảng bằng tiếng Anh của Borges sau này đã được di G. dọa dẫm, thúc ép bắt viết lại sau khi đã chậm deadline hai năm, thành tập This Craft of Verse). Tới bài giảng thứ hai thì di G. xuất hiện trong hàng ghế khán giả; tới bài giảng thứ sáu, di G. đã thành ông bầu tổ chức tập Selected Poems có cả những nhân vật danh giá như John Updike. Tới khi di G. xách va li chạy về Buenos Aires theo tiếng gọi của Jorges Luis Borges, chàng đã đủ thân thiết để Elsa viết những lá thư dài liên tiếp dặn chàng xách tay mình lông mi giả, chì kẻ mắt, nước hoa, hộp đựng ô, khăn ăn và nến thơm. Elsa và Borges là hai nhân chứng chính khi di G. kết hôn cùng một cô bé Mỹ ở Buenos Aires.

Nhưng Hollywood chưa phải là ở chỗ đó; Hollywood ở khúc tiếp theo, khi chỉ mười ba tháng sau, trở về từ chuyến đi tới Đại học Oklahoma trong phạm vi Hội thảo quốc tế về Borges, Elsa đã cấm cửa di G. vì cho là có ảnh hưởng xấu đến cụ nhà văn. Tới sống bên cạnh Borges và làm việc với Borges nguyên một buổi mỗi ngày, đi kèm vợ chồng Borges qua bao chuyến giảng bài trong và ngoài nước, di G. được tận mắt chứng kiến sự thật kinh hoàng: con người mỗi lần mở miệng trên giảng đài thì cả thế giới đổ xô tới hớp từng lời ấy, tối tối lại trở về một ngôi nhà như Địa Ngục. Đau khổ trước cảnh ngộ của người đàn ông siêu nhân nhưng lại già cả bơ vơ không lối thoát ấy, di G. đã ra tay giải thoát cho bậc thầy. Cụ thể hơn: Di G. đã thiết kế nên cuộc ly dị của Borges với bà vợ kết hôn chưa đầy ba năm.

*

Đến đây, tôi phải làm một việc bất công với di G., đấy là nhảy cóc xuống đoạn sau và tóm tắt cuốn sách thứ hai của di G. mà chàng đã cấu trúc vô cùng tỉ mỉ để đem lại khoái cảm khám phá cho người đọc. Tôi nghi rằng cuốn sách ấy, nhan đề Georgie và Elsa: Jorge Luis Borge và vợ ông: câu chuyện chưa kể (in 2014 tại HarperCollins), được viết ra sau khi đoạn miêu tả súc tích và đắc thắng về chiến tích giải cứu trong cuốn đầu đã nhận được đá đủ xây vài lâu đài, nhằm giải thích cho bạn đọc nói tiếng Anh dốt nát về sự đúng đắn của việc làm ấy (chứ “cuộc sống gia đình Borges bất hạnh là điều cả Buenos Aires đều biết” (Lesson)), cũng như làm được thế khó khăn ra sao. Trong cuốn thứ hai này, chàng đã tận tình chép lại 27 điểm phàn nàn của Borges về sự đối xử ngược đãi của người vợ, mà tôi không hơi sức đâu dẫn ra đầy đủ ở đây. Về phần di G., chàng cũng có khoái cảm liệt kê đầy đủ những trọng tội Elsa liên tiếp phạm phải trong thời gian chứng kiến họ sống với nhau, nhưng đại khái là có vài tội chính:

  1. Tội nhà quê. Tội này của Elsa được minh họa một cách màu sắc qua nhiều chương, nhưng đỉnh cao là buổi tiệc ở căn hộ Đại lộ số Năm của người nhà Rockefeller; Elsa lôi máy ảnh ra chụp khắp các xó xỉnh để về đăng Instagram và còn nhờ một vị khách danh giá ngồi tạo dáng trong WC. “Trong lúc đó tôi chết trong lòng không chỉ là một ít,” di G. đắng cay nhớ lại.
  2. Tội tham tiền. Liên tục rầy rà Borges hãy đòi phí cao hơn trong các buổi nói chuyện ở trường Mỹ, liên tục than phiền khi Borges chia nhuận bút với đồng tác giả (“một lũ thư ký ấy mà!”) hay cưa đôi nhuận bút các hợp đồng dịch với di G. (Tự cụ hỏi chàng chia phần như thế nào với Guillén đấy nhé, di G. thanh minh, “và khi tôi nói là 50-50, ông bảo có lẽ anh nên lấy nhiều hơn chứ”), liên tục nhòm vào các chỗ giấu tiền bí mật của Borges, vân vân.
  3. Tội giám sát. Đỉnh cao là đòi Thư viện quốc gia Argentine xếp cho mình một chức để tiện bề theo dõi, và khi không được, thì gọi đến tra vấn các thư ký về hành tung của Borges hàng ngày: đi đâu? gặp ai? tiếp những cô bé nào, nói chuyện bao nhiêu phút?
  4. Tội ghen tuông. (Thật ra cũng khó khi những tình cũ hoặc những cô bé mới cứ hô một tiếng là Borges lật đật chạy nửa vòng thành phố đến chầu dưới chân.) Ngoài ra Elsa còn ghen với bà mẹ chồng cũng như chính di G., mà theo di G., đó chẳng qua là giành nhau quyền kiểm soát Borges mà thôi.

Ngoài ra thì Elsa còn ngoại tình, một điều mà cả Borges lẫn di G. hình như đều không xếp vào danh sách “tội”. (Không liên quan, nhưng cuốn sách của di G. còn cho tôi biết thời ấy, trong bộ luật hôn nhân gia đình của Argentina, “phát hiện ra người chồng/vợ mình là cộng sản thì không được tính là ngược đãi” [và do đó không phải cơ sở đòi ly hôn].)

Giờ thì, tất cả những ông chồng có vợ nhà quê, tham tiền, giám sát, ghen tuông (ngoài ra còn ngoại tình, ăn cắp vặt, nói xấu mẹ chồng, nói xấu mọi thứ v.v.v.) có thể suy nghĩ xem chừng ấy đã đủ là cớ buộc tội vợ ngược đãi mình hay chưa. Nhưng chúng ta được (di G. cho) biết là với một con người yếu đuối như Borges (dưới sẽ nói tiếp), ngần ấy là đủ để Borges không dám mời bè bạn văn chương đến nhà mình, hay đến nhà bè bạn, thậm chí đã từ chối tới Oxford nhận bằng danh dự vì sợ một chuyến đi khó chịu với Elsa. Vì ông đau đầu với việc Elsa mà những buổi dịch song song cùng di G. không đi đến đâu, cản trở tiến độ dịch và đình đốn bài tự thuật cho New Yorker đã hứa từ lâu, đây có lẽ là cái tội lớn nhất.

Và vì “thằng bé không có gan”, như bà mẹ già to nhỏ, di G. cảm thấy mình cần phải làm lá gan cho ông cụ.

Chàng đã:

  • bốc điện thoại gọi cho một người bạn văn chương của Borges vốn là luật sư, nhờ tư vấn cách ly hôn êm xuôi cho Borges (bởi luật pháp Argentina thời đó không cho phép ly dị theo kiểu thông thường của thế giới văn minh),
  • viết thư cho ông bạn thân Bioy Casares, thúc giục ông về nhanh vì Borges đang trì hoãn hành động với cớ chờ ông,
  • làm chủ biên để cụ soạn ra 27 điểm kể tội Elsa cho ông bạn luật sư xem xét kết tội ngược đãi,
  • chở Borges đi rút tiền và lo việc tài chính để trả tiền tố tụng,
  • đi kè kè bên Borges để cụ khỏi ngã quỵ về tinh thần hay thú nhận hết kế hoạch bỏ trốn với Elsa trong những ngày cuối cùng,
  • hộ tống Borges bỏ trốn đến Córdoba, Tây Ban Nha (!) nằm lì mấy ngày trong lúc ông luật sư cùng một đội dọn nhà ập đến nhà Borges để giải cứu những cuốn sách quý giá cùng vật dụng cá nhân kẻo sợ Elsa hóa điên đốt mất,
  • tiếp tục chở Borges chạy vòng vòng khắp Argentina giảng bài, thăm thú, viết lách… trong khi luật sư giải quyết trên mặt trận Elsa,
  • tiếp tục hỗ trợ tinh thần Borges vượt qua những tháng ngày độc thân trở lại.

Và tất nhiên, một cái kết đúng kiểu Hollywood, khi Borges bày tỏ nỗi hối tiếc về tấm bằng danh dự Oxford đã vuột khỏi tay vì con mẹ điên, di G. lại bốc máy lên, và trong một nốt nhạc đã thu xếp đâu vào đấy. (Nếu con dao và gương là những đồ vật đặc trưng trong câu chuyện Borges, thì điện thoại hẳn là biểu tượng của di Giovanni.) Như di G. kể, Borges đã lập tức tung tăng lôi chàng tới căn hộ của bà mẹ, hớn hở như một cậu bé: “Mẹ ơi, mẹ ơi, di Giovanni đã lấy lại được bằng Oxford cho con này!”

borges 1921
Borges năm 1921
Nguồn: https://poetrydispatch.wordpress.com/

Đấy là hai chuyện lớn trong thời kỳ di G. ở bên vợ chồng Borges, nhưng đấy là hai chuyện lớn của cuộc đời Borges, theo chàng. “Mỗi cuộc đời, dù có dài hay phức tạp đến mấy, về bản chất đều được tạo thành từ một thời khắc duy nhất, là thời khắc con người ấy tìm ra một lần mãi mãi, mình là ai.” Câu trích trong “Cuộc đời của Tadeo Isidoro Cruz (1829-1874)” này, di G. rất ưa trích lại; và theo di G. “cuộc hôn nhân kéo dài vài năm ấy đã tiết lộ về toàn bộ cuộc đời một con người” (Georgie and Elsa). Tất nhiên, di G. là người có diễm phúc chứng kiến, và tham gia, vào vài năm ấy, và kể lại cho chúng ta được biết.

Trên đây là những mẩu chuyện có tính gossip rất cao, rất phù hợp với “một tay gossip thượng thặng” (chữ của di G.) có cái lưỡi nhọn hoắt chém đâu chết đấy như Borges. Phần tiếp theo sẽ nhanh chóng chuyển sang bóc phốt, và bi kịch, và một nỗi ám ảnh năm chục năm.

 

Họ xa nhau bởi con người

“Ở Argentina đây,” Borges đã nói trong sáng sớm đầu tiên tôi đặt chân đến Buenos Aires, “tình bằng hữu có lẽ còn quan trọng hơn tình ái.” (“Nhớ về Borges”, Lesson.)

Đến giờ vẫn chưa có bản kể nào chính xác về việc họ đã giã từ nhau như thế nào, về mặt vật lý, và vì sao di G. lại kết thúc năm năm ở bên Borges trong khi cụ già độc thân về lại nhà má sống từ năm 71 đến năm 77 tuổi khi bà mất (hoặc có thể có, nhưng tôi quá lười để làm thám tử Google). Chỉ biết rằng các bản dịch di Giovanni cho các tập sách của Borges còn tiếp tục xuất bản đến khi Borges mất, nghĩa là cho đến phút cuối, ít nhất họ vẫn còn có mối liên hệ về tài chính với nhau. Về mặt xã hội, di G. có kèm thêm trong cuốn Georgie and Elsa một tấm ảnh chụp chung ở London “một thời điểm nào đó những năm 80” để chứng minh mình không hề bị Borges từ mặt, đuổi khỏi nhà như những kẻ độc mồm và Những người còn lại vu oan. Bởi cứ theo di G. thấy, Những người còn lại đã tiến hành hẳn một chiến dịch, quy mô hơn và độc địa hơn rất nhiều chiến dịch của chính chàng giải thoát Borges khỏi Elsa, để chia cắt chàng với Borges, không phải trên đời này, mà sau khi cụ mất, trong câu chuyện.

Đầu tiên, tất nhiên, là Elsa. Theo Elsa – và ai có thể không thông cảm với bà – thì chính di G. mới là người rù quến, dẫn dụ, khai thác Borges. “Có một lúc tôi gần như cảm giác mình đang ly dị di Giovanni. Trong một giây tôi cảm thấy không phải Georgie là người đã rời khỏi tôi” – di G. trích lại Elsa trả lời phỏng vấn. Tuy di G. cũng bày tỏ chút lòng thông cảm Elsa, ở cuối cuốn sách kể tội bà, và ngẫm ngợi về sự vắng mặt của Elsa trong các tiểu sử Borges đã đọc cũng như thiếu vắng các thông tin về sau này. “Khi chết, dường như Elsa đã vô danh trôi vào cõi vĩnh cửu không tên.”

(Nhưng di G. cũng chỉ là một thám tử không hoàn hảo. Wikipedia cho ta biết rằng Elsa mất năm 2011, chỉ mấy năm trước khi cuốn sách ra đời, hưởng thọ 100 tuổi – lâu hơn cả Borges, cả di G., cả bà mẹ. Và nếu tin vào bức tranh về cô gái phù phiếm, phất phơ, ngốc nghếch mà di G. vẽ ra, hẳn đấy là một cuộc sống yêu đời nhiều phấn khởi hơn cả ba người đó nhiều.)

Thứ đến là María Kodama Schweizer, một cô gái Argentina cha Nhật, mẹ Đức. María Kodama thua di G. bốn tuổi; từng là học trò Borges, và sau khi mẹ Borges qua đời (ở tuổi 99) đã điền vào khoảng trống bên cạnh Borges. Tiếp nối vào những Norah Lange, María Esther Vázquez, Vlady Kociancich, Margot Guerrero…, những cô gái văn chương xinh đẹp cá tính, nhiều người là sinh viên hoặc kém Borges vài chục tuổi, María Kodama vừa là thư ký, vừa là bạn đồng hành của Borges, trong công việc thường ngày và trong những chuyến du giảng quanh thế giới, và cộng tác với Borges viết hai tập sách và dịch Edda. Một thời điểm nào đó năm 80 tuổi, Borges đã viết di chúc để lại cho Kodama sản nghiệp văn chương của mình; một thời điểm nào đó năm 87 tuổi, Borges kết hôn với Kodama, phát hiện ung thư, được nàng rước về Geneva sống, được nàng chôn hai tháng sau. (Chúng ta vẫn chưa rõ về trật tự chính xác của “ung thư” và “kết hôn”.) Di G. không thể nào không đánh hơi thấy một sự đào mỏ to gan ở đây, đặc biệt là khi việc đầu tiên nàng làm sau khi Borges chết là buông rơi các bản dịch của di Giovanni cho tuyệt bản và đặt Andrew Hurley thực hiện một loạt bản dịch mới (hẳn là với hợp đồng bản quyền thuận lợi hơn).

(Thật ra thì việc đầu tiên nàng làm là lập ra Quỹ nghiên cứu JLB quốc tế, nhưng hẳn trong mắt di G. đấy còn là một sự vi phạm lớn hơn. Dưới sẽ nói thêm chút.)

Chàng thịnh nộ. Làm sao Người ta dám bỏ rơi những bản dịch mà chính Borges đã đặt dấu ấn, thay thế bằng những bản dịch “tồi tệ, kém cỏi”, chưa kể còn dựa trên một toàn tập tiếng Tây Ban Nha “dưới trung bình”, với những lỗi sai trí mạng mà chàng đã góp ý nhưng không thèm sửa! Andrew Hurley, giáo sư và nhà phê bình, và người thứ mười bảy động tay vào dịch Borges (Hurley đếm), đã vội vàng viết một lời nói cuối rất dài cho bản kỷ niệm 100 năm Borges, viện lời “Borges nói rằng… mỗi bản dịch chỉ là một phiên bản… không phải the translation mà là a translation trong một chuỗi không bao giờ ngừng, trong những khả năng bất tận” (“Ghi chú về bản dịch”, Collected Fictions, Penguin 1998). Nhưng với di G., trên đời chỉ có một bản dịch tiếng Anh là chuẩn mà thôi, đấy là bản của di G. và Borges. Bởi khác với những dịch phẩm chỉ biết đội bản gốc của Borges lên đầu, quá trình dịch của Borges và di Giovanni thực sự là biên tập, thêm, bớt, sửa, tráo đổi các chi tiết cho logic, thêm thắt những đoạn chú thích nội văn bản để phục vụ cho bạn đọc tiếng Anh không biết gì về màu sắc địa phương. (“Dịch Borges”, Lesson.) “Người dịch sách Mỹ La tinh càng phải có máu biên tập viên trong mình, xin nhớ như vậy, vì các nhà xuất bản Nam Mỹ chẳng mấy khi hành tác giả kỹ như nhà xuất bản [Mỹ] chúng ta,” chàng có lời khuyên cho dịch giả mới vào nghề (“Sổ tay người dịch”, Lesson).

Kết quả là, bản tiếng Anh của chàng còn chuẩn hơn cả chính “nguyên bản” tiếng Tây Ban Nha của Borges nữa. Từ thuở mới bắt đầu việc dịch chàng đã phải đi chỉ dạy cho mọi người điều đó, chẳng hạn như trong một lá thư cho New York Review of Books: “Các anh phải ghi cho rõ vào rằng bản dịch ‘Pedro Salvadores’ thực hiện với sự cộng tác của tác giả, bởi giờ mấy thằng cha Cảnh Sát Dịch ngoài kia hẳn đã sầm sầm đem đối chiếu và soạn bài ném đá rồi.” (1969, tôi dịch có thêm mắm muối chút) Mãi về sau này chàng còn phải tiếp tục đi thanh minh về những sai biệt đó: “Các biên tập viên kỹ lưỡng ở New Yorker đã chỉ ra cho chúng tôi những lỗi ấy, và Borges không chỉ vội vàng cho sửa trong bản dịch mà còn nhờ tôi sửa sai cho những lần in lại bằng tiếng Tây Ban Nha.” (“Tư liệu Borges”, www.digiovanni.co.uk)

Thêm nữa, bản dịch của chàng hơn xa những kẻ chỉ biết săm soi từ điển rồi bịa ra đủ thứ chơi chữ kỳ công mà họ nghĩ như thế mới xứng tầm của Borges. Trong khi Borges viết rất “đơn giản và trực tiếp”, “một bậc thầy kỹ nghệ truyện ngắn, một nhà kể những câu chuyện trong sáng và có phần cổ giả” (và ngắn, bởi Borges dưới mắt di G. là một ca ADHD vào loại nặng). Những câu chuyện của Borges là những truyện kể, không phải làm văn, hướng tới truyền đạt cho độc giả dù những con chữ có thể bị quên đi chăng nữa. Vì vậy, di G. nhấn mạnh, cần phải diễn dịch ra một thứ tiếng Anh trong sáng hết sức có thể. (Nếu chàng có thấy mâu thuẫn gì ở đây, thì chàng cũng không nói.) “Bản dịch tiếng Anh tốt phải đọc như tiếng Anh,” chàng thịnh nộ. Đặc biệt cần tránh các faux ami, bê nguyên dạng La tinh là từ mượn của tiếng Anh lắp vào những dạng La tinh là dạng thuần của tiếng Tây Ban Nha. “Căn phòng tối” (habitación oscura) thì là căn phòng tối, chứ chốn ngụ cư mờ đục (obscure habitation) là cái bíp gì? (Người đọc sách Nhật hoặc Trung ở Việt Nam hẳn rất quen thuộc với hiện tượng này.) Quá nhiều người dịch đã làm “mờ nhòe” thứ văn xuôi common sense của Borges, đóng góp thêm vào sự quay cuồng của người đọc và sự thánh hóa cụ ở nước nói tiếng Anh. Còn những bản dịch của di G. thì biệt tích hoặc không bao giờ ra mắt. Paul Theroux, một nhà văn Mỹ nào đó, đã thịnh nộ viết thư cho di G. khi bản dịch Hurley xuất hiện: “Đấy không phải Borges. Anh là Borges.” (“Tư liệu Borges”, www.digiovanni.co.uk). Than ôi, giá mà ai cũng hiểu được như Theroux!

Mặt khác, giá mà dịch giả nào cũng có tâm như di G.! Chàng tiếp cận sự dịch Borges với cái nhạy bén của một nhà phê bình và cái tỉ mỉ của một nhà văn bản học. Chàng lần theo từng ấn bản một các tập sách của Borges, kiên nhẫn như một cậu Joycean tập sự. Chàng ghi nhận thói quen của Borges là lẳng lặng chèn bài viết mới vào cả những lần in nối bản, không công bố, không đánh số, không một lời đánh tiếng cho độc giả. Với tính tỉ mẩn của một biên tập viên Mỹ, chàng thề rằng các bản dịch chuẩn của chàng sẽ không có những vấn đề này. Mỗi cuốn sách dịch của chàng với Borges, ngoài hai vạn chú thích, còn gom đủ các lời giới thiệu qua các đời, và đôi khi, ghi chú những xuất nhập và dị bản. (Cũng như cuốn Lesson của chính chàng.) Chàng có những hình dung chính xác về những hình hài mà chàng muốn mặc cho sách Borges, và cực kỳ khó chịu khi thói lắt nhắt của thủ tục và thói tham lam của bọn xuất bản không cho phép chàng và Borges làm những việc, chẳng hạn như, xuất bản bản dịch chừng một chục truyện ngắn mà một nhà xuất bản khác đang nắm bản quyền. “Nhà văn còn không được quyền quyết định về tác phẩm của chính mình!” chàng thịnh nộ. The Aleph and other stories 1933-1969 ra đời gom góp những truyện ngắn chưa bán bản quyền cho bọn mắt không tròng, nhưng để độc giả không phải mua lại thêm một tuyển tập không có gì mới mẻ, chàng đã nài nỉ, thúc ép và hăm dọa để Borges đẻ ra được một bài viết mới: đấy chính là bản tự thuật 20.000 chữ, đẻ ra hồi kỳ còn Elsa. Borges chưa bao giờ có một tác phẩm lẻ nào dài đến thế.

(Ghi chú: Dường như đây không phải là hoặc phát triển từ bài tiểu sử đặt ở đầu cuốn Tuyển tập Jorge Luis Borges của Nguyễn Trung Đức.)

“Dân tình nghĩ tôi chỉ dịch lại bài đó từ một nguyên bản tiếng Tây Ban Nha nào đó của Borges,” chàng thịnh nộ. Thực tế chàng đã vắt Borges ra từng chữ, trong ba tháng, theo một cái sườn chàng lên sẵn và cầm chắc dây cương không để Borges xẹo tới xẹo lui. Bài viết dành cho một xuất bản phẩm Mỹ với đối tượng là độc giả nói tiếng Anh đó có phân nửa quyền sở hữu của chàng. Nhưng trước khi xuất hiện trong The Aleph, bài viết đã được bán cho New Yorker và in trên số ngày 19 tháng 9 1970. Bài viết ký “Jorges Louis Borges, cùng với Norman Thomas di Giovanni” ấy in từ trang 40 đến trang 99 kèm theo một tranh ký họa Borges, xen kẽ với một bài thơ, ba tranh biếm họa, và 79 quảng cáo trong đó có 20 quảng cáo nguyên trang hoặc hai trang (tôi đếm, hy vọng đúng). “Làn da bạn có những dấu hiệu mất đi vẻ trẻ trung ư? Hãy để Equasion trợ giúp. … một bài luận hơi dài về sự không tồn tại của bản thể, cóp nhặt từ Bradley hoặc đức Phật hoặc Macedonio Fernández.” (Tôi sẽ không bao giờ than vãn về 27 lần Tiki xuất hiện trong một bài viết New York Times nữa.)

NY.JPG
Một phần trang cuối của bài New Yorker trong truyền thuyết. Cảm ơn Nguyễn Hoàng đã gửi cho chúng tôi bài trích này.

Nhưng khi chàng đề nghị in bản tự thuật của Borges cùng bài hồi ký “Nhớ về Borges” chung thành một tập sách, kỷ niệm tình bạn đẹp đẽ giữa hai bên, María Kodama gạt phăng. Tệ hơn, nàng còn phủ nhận cả vai trò của chàng trong sự ra đời bài viết. Nàng không có ấn tượng rằng chàng đã cùng viết tiểu sử này. “Vì sao cô ả phải có ấn tượng đó?” chàng thịnh nộ. “Khi chúng tôi soạn bài viết năm 1970, cô ả đâu có đứng ở trung tâm đời Borges, dĩ nhiên chẳng tài nào biết được ông và tôi làm gì trong những buổi làm việc hàng ngày.” (“Lời nói đầu”, Lesson) Bài hồi ký đó chàng đã tự in trong The Lesson of the Master, trên bìa chỉ có ba người bọn họ: cụ, chàng, cùng một cuốn sách mở. (Bìa bản in 2009 khiêm tốn hơn, chỉ có Borges nhìn lên cao.) Bài hồi ký hiển nhiên là nỗ lực của chàng bảo vệ ký ức về ba người, chống lại sự quên lãng và tẩy trắng; điều chẳng ngờ tới là cuốn sách lại tặng cho chàng một lâu đài bằng đá nữa, lần này từ lượng fan quốc tế không biết Kodama, không biết chàng, không biết Borges, chỉ khăng khăng rằng những chuyện chàng kể là bố láo và không thể có: “Những bài viết của tôi là sự tà đạo, mạo xưng đã ngồi bên tay phải Chúa. … Họ không thể tin được rằng tôi đã đóng vai trò trong đời Borges như tôi mô tả… Tôi không việc gì phải chạy tới giành ánh sáng ở bên Borges, bởi ngay từ đầu sự nghiệp của tôi bên ông, tôi đã bị đẩy vào ánh sáng.” (“Lời nói đầu”, Lesson)

Tất nhiên chúng ta sẽ không biết gì về những phản ứng ấy nếu không phải chính chàng đã trích lại cho chúng ta nghe, như từng trích Elsa, thậm chí một cách khoái trá, như một tấm gương méo mó: “Di Giovanni có hàng đống sổ cần phải tính với giới nắm bản quyền, biên tập viên, dịch giả và nhà nghiên cứu, và kết tội họ lần lượt là ác ý, tầm thường, kém cỏi, hũ nút.” (“Lời nói đầu”, Lesson) Nhưng chàng chỉ cần tính sổ với Kodama mà thôi, chàng cam đoan, số còn lại không hề là tính sổ, mà là sự thực. Cô nàng đã không ghi nhận chàng thì chớ. Cô nàng còn vứt luôn bản dịch sang tiếng Tây Ban Nha hoàn mỹ của Marcial Souto, người đã tỉ mỉ cầu kiến chàng từng chút một, để đặt dịch bản khác “amatơ” đặng nhét chung với hồi ký của cô nàng, đi in ở Barcelona.

*

Nhưng thế giới nói tiếng Tây Ban Nha không phải điều di G. quan tâm nhiều. Chàng bỏ sức giảng giải cho giới xuất bản Mỹ hiểu ra rằng không thể để cho những bản dịch của chàng tuyệt bản, không phải vì hợp đồng 50-50 với Borges, mà vì thế giới không thể không có, độc giả không thể không được đọc những bản Anh văn chuẩn sinh ra bên tay phải, bên tai và miệng Borges. Giới xuất bản, còn đang bận rộn tranh đấu với những xứ sở bất chấp bản quyền như Việt Nam chẳng hạn, chỉ lạnh lùng nhìn chàng.

Chàng đã chiến đấu lại như sư tử! Bị xóa khỏi cõi chính thống, chàng xoay sang samizdat. Chàng tự in và phân phát các bản dịch của mình. Thời đại 2.0 (đấy là rất nhiều năm trước) cung cấp cho chàng một công cụ quý báu: chàng tung tất cả bản dịch của mình, nghĩa là gần như trọn vẹn các truyện ngắn của Borges, lên mạng, và để thể hiện thiện ý không vị lợi, cung cấp miễn phí không những những truyện ngắn mà cả nhiều bài viết trong cuốn The Lesson of the Master. Nhưng Kodama đã xách động Viking-Penguin cùng đại diện văn học ở New York sách nhiễu chàng, và host của trang web, như họ vẫn làm trong những lần như vậy, đã gỡ bỏ các truyện ngắn. Chàng thịnh nộ! Nơi đặt dưới những đầu mục bao âu yếm “the missing borges”, chỉ còn chỏng chơ một câu “Trang này đã bị gỡ đi.”

(Chàng vẫn không ngừng chiến đấu! Khôn ngoan, chàng vờ gỡ đi danh sách các truyện trong trang mục lục. Các trang nội dung vẫn còn nguyên. Kết quả Google vẫn hiện ra trang đầu tiên. Tôi đã bắt gặp chàng như thế, lúc đi tìm bản tiếng Anh khi xí xớn dịch Borges lần đầu tiên. Đến giờ, cả các trang trong cũng đã bị gỡ đi, tuy trang chủ – được một người bạn âu yếm tiếp tục trả tiền host chăng? – còn nguyên đó cho thế giới đọc câu chuyện chàng với Borges.

Đến giờ khi chàng đã qua đời, bóng ma chàng vẫn tiếp tục lang thang trong các site chia sẻ sách (chữ nôm gọi là sách lậu) dưới dạng một file epub tổng tập có tên Short Stories of Jorge Luis Borges — The Giovanni Translations, với một cái bìa ghép không thể xấu hơn. Tôi hẳn đã nghĩ có thể đây là sản phẩm của một fan cuồng Borges nào đó (hoặc fan cuồng di Giovanni nào đó, biết đâu), nếu không phải vì đoạn text bìa đặc sệt giọng chàng (và ở đây tôi sẽ dịch nguyên vẹn không mắm muối): “Tổng hợp những bản dịch đã từ lâu tuyệt bản của Giovanni dịch rất nhiều truyện ngắn của J. L. Borges. Những bản dịch tiếng Anh này là sản phẩm hợp tác giữa Borges và Giovanni, và là văn bản tiếng Anh được tác giả ưa chuộng hơn. Chúng đã bị thế chỗ bởi những bản dịch khá tầm thường của Hurley nhờ có người vợ góa của Borges hiện đang quản lý di sản của ông. Hiện tại, đại diện của ông không cho phép các bản dịch Giovanni được in lại, vì đó mà có tập sách này. Phải, đây là một tập sách không phép; phải, khả năng cao là một tập sách bất hợp pháp. ‘Phép’ của tập sách này là sự khẳng định ưu ái của tác giả khi ông còn sống, và quan điểm về tính pháp lý của nó là không thể để lòng tham của một mụ già đánh cắp khỏi con mắt công chúng những ngôn từ tuyệt đẹp của Jorge Luis Borges.” Đến cả trật tự câu – đặt cụm từ quan trọng nhất xuống cuối cùng – cũng là một điều di G. vẫn rao giảng. Công lý của đạo đức quan trọng hơn luật pháp của con người; nhân thể, tổng tập có cả bản dịch của nhiều người khác.

Tuy thật ra cũng không cần thiết phải làm vậy; thư viện trên archive.org cùng văn khố của New Yorker đều lưu lại hết bản dịch của chàng mà.)

Trong cuốn sách mỏng của mình, chàng cũng đã kịp mắng mỏ hết một lượt các nhà nghiên cứu. “Những người viết về Borges vẫn thường đọc ông quá nghiêm túc, trong khi Borges chẳng hề nhìn nhận mình nghiêm túc chút nào.” (“Borges và các nhà diễn giải”, Lesson). Tất cả mọi người đều phạm một lỗi lớn khi đọc Borges: đấy là quá coi trọng cụ, thánh hóa cụ, vẽ ra những sơ đồ phức tạp. Trong khi cụ chỉ là một người đọc, một người chơi. Cụ là một nhà văn hài hước bậc nhất. Cụ viết vì tiếng cười và vì niềm vui. Trìu mến, di G. nhớ lại những lần cùng Borges khúc kha khúc khích trước những trò đùa cài cắm trong các sách, những danh mục tham khảo uyên thâm trích những sách không có thật, những tên nhân vật lịch sử được chế biến từ người quen của Borges và của chính di G. Tai ác, di G. thuật lại những lần một nhà phê bình hay sinh viên hào hứng nào đó chạy tới giảng giải cho Borges ý nghĩa một truyện ngắn nào của cụ: “A, cám ơn! Anh/chị đã làm truyện của tôi hay hẳn lên!” Tuy nhiên, chớ có tin những lời cụ coi nhẹ sách mình, nói mình viết chỉ để mua vui, bởi đấy cũng là trò đùa của cụ.

Borges 1969 ảnh Norman Thomas di Giovanni cung cấp.png
Borges năm 1969. Ảnh di Giovanni đăng trong Georgie and Elsa.

“Họ không soi sáng mà chỉ làm mù mịt thêm,” di G lẩm nhẩm. Với di G., Borges rất đơn giản nếu người ta đã nắm được chìa khóa, như di G. nắm được: quy hồi vĩnh cửu; bản thể phân đôi; thời khắc duy nhất soi sáng cuộc đời. Có gì khó hiểu đâu nhỉ? Đừng có đi tin những nhà phê bình mù quáng đến độ cảm thấy “Borges khó xếp loại đến mức để nghĩ về cụ, người ta đẻ ra hẳn một ngành nghiên cứu gọi là Văn học So sánh.” (“Borges khi chơi: Bản thể, những bản thể”, Lesson) Và cũng đừng đi tìm chìa khóa trong những lời Borges nói về tác phẩm của chính mình! Đùa cả đấy, lỡm nhau cả đấy. Nếu không phải đùa hay lỡm, thì là một sự viết lại lịch sử cố ý, như di G. ghi lại quá trình Borges đã dần dần đánh rơi những tác giả hâm mộ thời trẻ để vùi chôn ảnh hưởng của họ trong những tác phẩm thời đầu mà cụ chối từ. Vậy thì biết tin ai? Tất nhiên là tin di G., người đã khổ công miệt mài khai quật để hiến cho bạn đọc từng giọt chân lý, dù không nhiều. Chẳng hạn như, chớ nghĩ truyện này truyện nọ là Borges hư cấu hóa cuộc đời mình. Nhưng hãy tin rằng Borges đã bắt đầu “Phương Nam” bằng tiểu sử đời Borges chính xác đến từng chi tiết và kết thúc bằng viễn tượng về cái chết lý tưởng của chính mình, bởi di G., người ngồi bên cạnh Borges hàng ngày, đã cam đoan là thế.

Nếu bỏ đi những câu tính sổ (dù được viết duyên dáng sâu cay đến mấy), thì một vài bài đọc kỹ của di G. với Borges trong quyển này có thể kể là hay. Một số sẽ hợp hơn trong một tạp chí nghiên cứu phê bình, nhưng than ôi, di G. không ưa họ. Hoặc họ không ưa di G.; vì ghen tỵ, hẳn nhiên, với người ngồi bên tay phải Chúa.

 

Chứng nhân của Lời biến thành xác thịt

“Mỗi bài thơ, truyện, bài viết của ông đều được ca tụng là kiệt tác; mỗi lời thốt ra về bất kỳ đề tài nào hình như đều hớp hồn mọi nhà nghiên cứu khắp America. Còn với tôi, ông thú nhận nỗi sợ và sự bất tài của mình. … Borges bị cô lập, tàn nhẫn, quỵ ngã, triệt để. Ông là một tượng đài trên bệ.” (“Nhớ về Borges”, Lesson)

“… Chúa với sự mỉa mai tráng lệ ban cho tôi cùng một lúc sách và đui; Thành phố sách ấy người giao quyền cai quản cho cặp mắt không tròng…” (“Bài thơ về những món quà” trong tập Bản thân và người kia (1964)). Năm 1955 được Borges ghi nhớ bằng hai sự kiện: ông được phong làm Giám đốc (bù nhìn) Thư viện quốc gia Argentina, và bắt đầu mù. Điều này có thể đọc được trong mọi bài viết về tiểu sử Borges.

Nhưng chính di Giovanni qua những câu chuyện thường ngày tỉ mỉ mới khiến tôi ý thức được mức độ mà sự mù ảnh hưởng đến không chỉ đời sống, mà cả hoạt động sáng tác và sáng tác của Borges, và qua đó lờ mờ cảm thấy nó đã nhào nặn thức nhận về bản thân của Borges như thế nào. Không thể đi lại được mà không có người hướng dẫn, Borges trong mọi chuyến lưu giảng quốc tế hay trong nước đều cần có người đi kèm, thường là những cô sinh viên/nhà thơ/nhà tiểu thuyết xinh như mộng, hoặc có khi là mẹ ông, cho tới khi là Elsa định mệnh và di G.. Suốt một thời gian dài Borges chỉ sáng tác toàn sonnet là vì đấy là một thể thơ dễ thuộc, dễ nhớ, có thể ghi lại trọn vẹn trong đầu trước khi đọc cho mẹ chép, và sau này là các thư ký ở Thư viện quốc gia. Cuộc hợp tác viết bài tự thuật cũng như dịch các truyện ngắn với di G. phải tiến hành khổ công như vậy vì ông chỉ còn kênh giao tiếp bằng tai. Màu vàng thường xuyên xuất hiện trong những tác phẩm về sau, vì đó là màu ít ỏi mà nửa con mắt của ông còn nhìn được. Và trong những cuộc đọc thơ quốc tế, di Giovanni ngồi bên tay phải ông, thì thầm vào tai giúp ông phản ứng thích hợp với tình hình hội trường. (Nhưng “nghe đồn Borges phải lòng mọi cô gái mà mình gặp, miễn là xinh. Vì sao mù lòa không cản trở điều này thì vẫn không ai biết” – di G. lưu ý (Georgie and Elsa).)

Hẳn có thể (đã?) có nhiều khảo sát về những bài thơ viết về bóng tối trong giai đoạn sau của Borges, hay sự nhân bội những nhân vật bị tù, bị nhốt, bị cách ly trong truyện của ông; cái điều ít ai nghĩ đến là con người thực đang ngày ngày cảm thấy bị cầm tù, bị nhốt, bị mất tự chủ trong thân người ấy; cũng như sức ép lên cây gậy chống của ông ta. Hàng ngày trong năm năm ở Buenos Aires đưa tay ông vịn đi tới Thư viện Quốc gia (“những vỉa hè hẹp của Buenos Aires đã làm tôi tập quen kiểu cua bò ngang và hỏng hết mấy cơ lưng dưới” – “Nhớ về Borges”, Lesson), di Giovanni có những câu chuyện mà tất cả các cô gái bạn đường hẳn chẳng bao giờ biết được, chẳng hạn như đứng cạnh Borges trong nhà vệ sinh “để giúp nhắm chuẩn hướng cho ông cùng vòi rồng của ông” (Georgie and Elsa). Có ai có nhu cầu biết rằng với Borges, “Tiếng Norse cổ” có nghĩa là “đi hái hoa” không? “Tôi chưa bao giờ đọc cuốn sách nào có lắm cảnh tè như thế,” một review trên Goodreads nhận xét.

“Borges dựng lên một cái kén phức tạp … Những nghiên cứu về triết học Ấn Độ – Hindu giáo và Phật giáo – đã trao cho ông một vài khái niệm để ngăn trở những con quỷ ám mình. Một trong số đó là sự kinh tởm bản thân, cái cơ thể đang già lão và mục rữa của bản thân.” (“Nhìn lại”, Lesson) Sự tiếp xúc thường xuyên, gần gũi về thể chất khiến di Giovanni có bằng chứng thường xuyên và gần gũi về sự gớm ghét của Borges đối với “cái túi thịt” đang mang, cũng như niềm tin đinh ninh của Borges rằng những người xung quanh đều thấy mình kinh tởm, và gợi lên trong chàng trai hăng hái thừa năng lượng một niềm thương cảm vô bờ bến.

Rất có thể (cái có thể này của tôi chứ không phải di G.) chính sự tự ti ấy, chứ không phải tự tin, mới là nguồn gốc của “lối nói kháy và hài hước đùa bỡn là điểm chung của Borges và tôi” (“Lời nói đầu”, Lesson), cũng như thói tự giễu lừng danh mà di G. hâm mộ. Có thể đấy là cách đối phó riêng của Borges, tuy cũng không phải riêng của Borges, vì chỉ nội trong thập kỷ vừa qua chúng ta đã thấy bao nhiêu danh hài nổi tiếng đã tự tận vì trầm cảm rồi? Dù sao thì trong rất nhiều câu dí dỏm của Borges mà di G. trích dẫn không biết chán (hai người còn có điểm chung là rất đắc chí với, và thường xuyên giải thích, những câu đùa của chính mình), cái mắc lại trong đầu tôi lại không giống như một câu dí dỏm, mà giống như một câu thách thức, vừa siêu hình, vừa tội nghiệp, của con người biết mình bất lực trước số phận, ngoại trừ trong tâm trí mình:

[một tai nạn liên quan đến quần áo – kiểm duyệt mạnh vì lý do hình tượng]
Khi chúng tôi trở ra phố, tôi bảo, “Tốt hơn là mình quay về nhà cho ông thay đồ.”
“Không, chúng ta sẽ đi tiếp,” ông nói. “Đây chỉ là ảo ảnh mà thôi.”
[tiếp tục kiểm duyệt], nhưng khách trong quán đều ngoảnh đi vờ như không thấy.

(Georgie and Elsa)

(Không rõ khi nằm trên giường hấp hối vì ung thư gan, cạnh cô vợ trẻ vừa cưới được hai tháng, Borges có tự nhủ mình “đây chỉ là ảo ảnh” hay không? Con người đã dành cả cuộc đời để viết về những cuộc chuẩn bị cho cái chết ấy có tìm được cách đối diện với cái chết của mình hay không? Hay bộ não kiệt xuất ấy lúc này đã đầu hàng trước sự phá hủy của hóa học và sự tan rã sinh vật học rồi?)

*

Trong những mẩu chuyện hơi hơi thú vị và rất chi tiết dài dòng trong Georgie and Elsa còn nổi lên một theme khác, dù di Giovanni không quá chú ý đến nó vị chính nó, nhưng gắn liền với Elsa và những câu chuyện về Elsa. Đấy là những mối gió giăng rất kích động, và thỉnh thoảng hơi hơi có thành quả, nhưng nhìn chung vẫn được kết luận bằng từ “thất bại”, của Borges với một lô xích xông phụ nữ. Những câu chuyện ấy có mô típ hao hao giống nhau: gái đẹp, trẻ, viết chung hoặc dịch chung hoặc cộng tác chung với Borges trong một hai dự án nào đấy, được Borges coi là soul mate hoặc nàng thơ, hai người đem nhau đi khắp thế giới, rồi đùng một cái nàng đi lấy chồng. Cứ như đời Borges cũng là một cuộc quy hồi vĩnh cửu, di G. ngẫm ngợi. Phụ nữ, như nhiều người đã để ý, thường vắng bóng trong truyện Borges, bất chấp những nhân vật chính thời kỳ đầu là đỉnh cao của macho; nhưng điều đó không phải vì Borges thuộc vào câu lạc bộ của Wilde và Proust. “Elsa… trong những năm cuối thừa nhận rằng Borges lúc nào cũng yêu ai đó, ông cần tình yêu, ông cần có đàn bà bên mình.” Rất có thể (đây lại là một sự đoán mò của tôi) chàng Borges cực kỳ xinh xắn thời trẻ đã mất đi kha khá tự tin, và sức hút, khi bước vào tuổi thành niên đẫy mỡ (còn tệ hơn khi luôn ở bên ông bạn thân Bioy Casares ngày một cun ngầu; đây cũng là một phỏng đoán hết sức xôi thịt và tầm thường, nhưng có điều gì cuốn hồi ký của di G. dạy tôi, thì đấy là đừng bao giờ khinh thường ảnh hưởng của sự xôi thịt tầm thường lên tâm hồn nhạy cảm ở thượng tầng khí quyển (chữ của di G.). Nhưng có sang chấn cụ thể nào đối với chàng Borges trẻ tuổi thì di G. không cho ta biết; đã có rất nhiều sách tập trung nghiên cứu thời kỳ đầu của Borges (hẳn là hầu hết bằng tiếng Tây Ban Nha), nhưng đọc làm gì, di G. bình phẩm, vì thời kỳ chàng kể lại đã là thời khắc duy nhất của đời Borges.

Và cái thời khắc của đời Borges ấy đã được di G. kể với thật nhiều khoái thú! Những câu chuyện dông dài trong năm năm trời đó được di G. xếp đặt lớp lang tỉ mỉ để rồi ném vào người đọc phát hiện của mình, giống như một nhà văn trinh thám đã nắm tẩy mánh khóe của tên trộm tài danh, giống như nhà ảo thuật đã nhấm nháp trước lời khán giả trầm trồ khen ngợi. Và quả di G. nói đúng. Sự tiết lộ ấy đến như một cú sốc, sang chấn của Borges đến như một sang chấn cho chính người đọc.

(Còn tiết lộ ấy là gì, tôi từ chối nói ra ở đây. Phải để người ta bán sách chứ. Mặc dù nếu là chuyên gia Borges, hẳn các vị đã biết tôi muốn nói đến gì; còn nếu là fan Borges – cảnh cáo thêm lần nữa, các vị sẽ không muốn biết đâu.)

Và từ đó về sau, người đọc – tức là tôi – không còn bao giờ có thể đọc Borges, và cuộc đời Borges, như trước được nữa. Điều đó giải thích rất nhiều điều. Không phải ít là giải thích “một chuỗi dài những mối quan hệ chết yểu với đàn bà – tất cả đều không thể nào quên, tất cả đã bị quên sạch, ông từng túm lại như vậy – cũng như lòng luyến mộ của ông đối với các cô nàng giao tế, rất nhiều người cũng có xí xớn vào văn học một chút. Những lời nói đầu ông viết cho sách họ là một trò đùa ở Buenos Aires. Người ta nói lời nói đầu của Borges là nụ hôn của thần chết” (“Borges và bài tự thuật”, Lesson). Hoặc thói quen của Borges giữa đường bỗng bỏ rơi rồi quay ngoắt lại xỉ vả những tình nghĩa cũ của mình (tuy không chỉ với đàn bà). Chúng ta được biết Victoria, chị dâu của Bios Casares, mà Borges nhạo báng là “Nữ hoàng Victoria” do cung cách cảnh vẻ của bà, ngày trước đã từng được Borges lượn vè vè xung quanh tán tỉnh mà thất bại. Xét trên những điều kiện đó, việc Elsa có thể trụ lại bên cạnh Borges đến tận ba năm cũng quả là một điều kỳ diệu; chỉ có một Elsa-nhà-quê Elsa-yêu-đời mới làm được vậy; và việc María Kodama giành được hai di chúc để lại quyền quản lý di sản cho mình cũng là một nước đi hợp lý và khôn ngoan?

bioy casares, borges, ocampo 1935
Bioy Casares, “Nữ hoàng Victoria” và Borges 1935.

*

Cuối cùng, hai cuốn sách của di G. còn có ngót một ngàn câu chuyện về những sự Borges ngồi ghế giám đốc thư viện làm vì, để phó giám đốc lo liệu mọi sự; Borges chuyên hứa cuội viết bài rồi lên máy bay bỏ về nước và ngạc nhiên khi hai năm sau người ta đến gõ cửa đòi bài; Borges khi bí bách thời gian đã dịch Lá cỏ của Walt Whitman theo phong cách không-hiểu-thì-chém-không-chém-thì-bỏ, khiến di G. và biên tập viên tội nghiệp phải ngồi hiệu đính mấy đêm; Borges nói trạng, nói xạo, nói láo và thẳng thừng nói dối… Mỗi lần như vậy, sau khi bò ra dọn shit, di G. lại trầm ngâm: “Vậy mới là Borges.” Sau khi đã nghe rất nhiều lần di G. công phẫn “Thật là Argentina” vì những chuyện vặt vãnh hơn nhiều của người khác, tôi tự hỏi đấy có phải là version “Ảo ảnh ấy mà” của chàng hay không.

Không ai là vĩ nhân đối với người hầu phòng của mình. Điều kỳ diệu nhất có lẽ là, sau năm năm sống bên, dọn shit, ghi chép tỉ mỉ những quái quắt của Borges, di G. vẫn không ngừng thốt: “Ảnh hưởng của Borges đến định hướng cuộc đời tôi thật không khác gì một phép màu.” (“Lời nói đầu” bản in đầu cuốn Lesson) Không giống như kiểu ngưỡng mộ của những độc giả theo phong trào hay những nhà nghiên cứu (mà chàng chê là) u mê; nhưng sự ngưỡng mộ đó là rất thật. Sự ngưỡng mộ ấy lồ lộ giữa những dòng chữ và từ ngữ của di G., dù có thể chàng cũng không tự biết, dù mỗi câu chàng đều cố gắng la lối yêu cầu mọi người hãy giống tôi, nhìn Borges như một con người.

Cuộc đời của Borges, loanh quanh giữa tủ sách và bàn, là “một cuộc đời chán ngấy” cho đến khi sự chú ý của truyền thông biến nó thành “một gánh xiếc lố bịch”, di G. từng gầm gừ khi nói về sự bùng nổ những cuốn tiểu sử Borges. “Cuộc đời ấy có đủ cho một bản tường trình đầy đặn không, nói gì đến mười lăm bản?” (“Nhìn lại”, Lesson ấn bản 2009). Thế giới chỉ cần bài tự thuật 20.000 chữ của Borges và chàng là đủ rồi. Tuy nhiên, “cuốn tiểu sử thật sự về ông còn chưa được viết. … Ông Borges mà tôi làm việc cùng, chia sẻ chung từng thăng trầm trong đời suốt vài năm là một kẻ bất kham dễ yêu và hào hiệp. Nhưng đồng thời ông cũng thường bất trung, kỳ thị, vô tâm, vô trách nhiệm, và về mặt chính trị thì ỡm ờ. Ông là đại diện khá chuẩn xác của một tầng lớp đặc thù ở Argentina, một người thượng lưu đã rơi xuống đáy. Ông giàu văn hóa, được nuông chiều, ham học hỏi, một tay amatơ hoàn hảo điểm chút nét thiên tài.” (“Ông sống như người đọc”, Lesson) Cuốn tiểu sử thật sự ấy, dĩ nhiên, là Georgie and Elsa 2014.

 

Người kể chuyện và câu chuyện

Mọi việc xảy đến là với người kia, Borges ấy. Tôi thì đi trên phố Buenos Aires, thỉnh thoảng dừng lại – có lẽ do thói quen – nhìn vòm cổng một nhà cũ hay cánh cổng bằng sắt uốn; còn Borges thì tôi được tin qua thư từ, hay nhìn thấy tên ấy trong danh sách hội đồng giáo sư hay trong từ điển danh nhân. Tôi ưa thích đồng hồ cát, bản đồ, kiểu chữ thế kỷ mười tám, từ nguyên, mùi cà phê và văn Stevenson; người kia cũng có sở thích tương tự, nhưng thích theo một kiểu khoe mẽ, khiến chúng trở thành những trò vè sân khấu. Nói rằng chúng tôi có quan hệ xấu thì sẽ là phóng đại; tôi sống và để mình sống tiếp để Borges có thể tiếp tục làm thơ làm truyện, và thơ truyện ấy là lý do cho sự tồn tại của tôi. Tôi cũng không việc gì không thừa nhận người ấy đã viết được dăm ba trang đáng giá, nhưng những trang ấy chẳng tài nào cứu nổi tôi, có lẽ là vì những gì hay thì chẳng còn thuộc về ai nữa – về người ấy cũng không – mà về ngôn ngữ hay là truyền thống. Dù thế nào thì, số phận của tôi là sẽ đến lúc biến đi vĩnh viễn, chỉ còn để lại vài khoảnh khắc của mình trong người kia. Từng chút một, tôi đã dần giao nộp mọi thứ cho người đó, dù người đó có thói quen dai dẳng là xuyên tạc và phóng đại – về điều này tôi có bằng chứng rõ ràng. Spinoza khẳng định rằng mỗi sự vật đều cố gắng mãi mãi là mình; hòn đá muốn làm hòn đá, con hổ muốn làm con hổ. Tôi sẽ còn lại trong Borges chứ không phải trong chính mình (nếu đúng tôi cũng là ai đó), nhưng tôi nhìn thấy mình trong sách của người đó còn ít hơn trong sách của ai khác, hay trong việc tỉ mẩn lên dây guitar. Nhiều năm trước tôi từng cố gạt bỏ người đó, tôi chạy từ những huyền thoại của các vùng dân nghèo rìa thành phố sang những trò chơi với vĩnh cửu và thời gian, nhưng giờ những trò chơi ấy cũng đã thuộc về Borges, tôi sẽ phải đi tìm những điều khác. Cứ thế, cả cuộc đời tôi là một cuộc chạy trốn, tôi đánh mất đi mọi thứ, mọi thứ đều rơi vào quên lãng hoặc rơi vào tay người kia.

Tôi cũng không biết ai trong hai người đang viết trang này.

 

(“Borges và tôi”, 1956, tập Người sáng tạo (El Hacedor) 1960. Dịch theo bản của di G. trong tập sách không phép.
Thật ra cũng không có lý do gì để đưa vào đây cả. Tôi chỉ muốn đọc lại bài thơ/truyện này thôi. Tình cờ thì đây là tác phẩm đầu tiên của nhà văn Hoóc-hết Boóc-hết (Ác-hen-ti-na) mà tôi đã đọc trong tủ sách vuông của Đông Tây một năm nào đó thời phổ thông, và tất nhiên bíp hiểu gì cả.)

Borges và tôi làm…
Borges và tôi dịch…
Borges và tôi muốn…
Borges và tôi viết…
Borges và tôi không muốn…
Borges và tôi dự định…

(Lesson. 26 lần, nhưng đọc như thể 2600 lần vậy. Tôi đếm; không đếm nổi số lần xuất hiện “chúng tôi”.)

nguoi ngoi ban phai borges
Di Giovanni và Borges, không rõ bao giờ. Ảnh di Giovanni trong Georgie and Elsa.

Norman Thomas di Giovanni sinh năm 1933 ở Massachusetts, mất năm 2017 ở London như một công dân Anh. “Norman Thomas” là tên riêng kép của ông, đặt theo tên một mục sư phái Trưởng lão đã sáu lần ra ứng cử tổng thống Mỹ dưới cờ Đảng xã hội chủ nghĩa Mỹ, lá thư của vị này gửi cho bố ông vẫn được gia đình giữ gìn trân trọng. Bố mẹ ông đều là người Mỹ gốc Ý, bố thợ thiết kế cảnh quan, mẹ gái công xưởng – đây là chi tiết được bạn ông cho biết trong cáo phó trên The Guardian.

Tốt nghiệp ngành ngôn ngữ Romance tại một trường đại học tí xíu ở Ohio, ông dành mười năm đầu đời (làm việc) để tổ chức và biên tập dự án dịch thuật thơ của nhà thơ Tây Ban Nha Jorge Guillén lúc ấy đang ở Harvard, đây là kinh nghiệm và cũng là tấm vé đưa ông tới dự án thơ của Borges. Không kể dự án thơ đó, ông đã dịch 10 cuốn sách của Borges; sau đó là một tập thơ García Lorca và một truyện ngắn của Esteban Echeverria mà ông cho là classic của văn học Argentina. Ông có một số tiểu thuyết và sách du ký, rồi về già, ông trở lại viết về làng quê nhập cư Ý nơi ông sinh ra, lúc đó còn không có trên bản đồ. Và tất nhiên, ông là tác giả The Lesson of the Master, và Georgie and Elsa.

Về đời riêng, ông đã bỏ người vợ trong đám cưới có Georgie và Elsa làm chứng, người đã sinh cho ông hai đứa con trai; ông mất bên Susan Ashe, không chỉ là bạn đời không cần pháp lý mà còn là người cộng tác viết và dịch chung với ông vài quyển sách. (Tôi chưa Google ra tuổi đời của Susan Ashe, nhưng ít ra hai người cũng không kết hôn hai tháng trước khi ông mất.) Scott Parker, người bạn đã viết cáo phó cho ông, cũng là người quản lý The Friday Project, ấn hiệu của HarperCollins đã in lại hai cuốn Borges (cùng mấy cuốn dịch và viết của ông) đã miêu tả: “Ông ấy là một người cầu toàn. Một người nóng nảy. Một lão già bẳn gắt. Ông ấy thực sự, vô cùng coi trọng văn chương và con người.” Ngoài ra, ông còn điếc. (Bỗng dưng người ta nhớ đến câu đùa của Borges về ông anh rể điếc khó ưa mà chàng dẫn lại: “Chúng tôi ở với nhau rất hợp. Ông ấy chẳng nghe thấy tôi, còn tôi chẳng nhìn thấy ông.” Nhưng thực tình di Giovanni quả hợp với Scott Parker, “một kẻ rành rành bất kham không ngại đánh bạn cùng những kẻ bất kham đồng loại” (“Lời nói đầu” Lesson 2009.) Edward Ashe, một người bạn khác thì ngẫm ngợi: “Tên ông sẽ luôn gieo nỗi sợ vào lòng những cây viết nào có ý rắp tâm đặt nhầm một dấu phẩy, ăn bớt một dấu phẩy trên.”

*

Di sản cuộc đời di G., tóm tắt lại, là như vậy. Nhưng vậy cũng là quá thừa. Tôi hoàn toàn tin rằng với di Giovanni, “thời khắc duy nhất” đã nằm trọn trong câu chuyện năm năm trời bên Borges, và ánh sáng của điều kỳ diệu ấy, có thể nói, cũng đã khiến chàng mù, và mãi mãi sống trong hầm ngục của mình.

Cuốn Georgie and Elsa ra đời năm 2014, ba năm trước khi chàng qua đời. Ít nhất trước khi chết, chàng cũng đã tìm được hơn một người thông cảm với câu chuyện của mình. Những người viết thuộc thế hệ mới, không biết gì về những tranh chấp xa xưa, hết sức thông cảm với cụ dịch giả già một đời đi tìm công lý: “Những bản dịch thất truyền của Borges”, “Số phận bất công của dịch giả Borges tuyệt vời nhất” (kèm cả ảnh nhà thơ tiếng Bengali là tác giả bài viết chụp chung với di G.) Trên mặt trận xuất bản, ngoài Scott Parker đã in sách cho chàng, còn có Warwick Collins (“nổi tiếng văn chương thế giới”) là người đã giới thiệu hai người với nhau, đã bất tử hóa (?) câu chuyện của chàng và cụ trong Icon (2011) thuộc series tiểu thuyết mini <50 trang Kindle (“lấp lánh” “được thán phục”). “Phải khâm phục Warwick Collins; anh ấy đã một tay làm sống lại cho chúng ta câu chuyện dài ấy một cách tuyệt đẹp,” Norman Thomas di Giovanni (“dịch giả lừng danh với những bản dịch Borges”) khen ngợi. (Những chữ trong ngoặc là trích từ quảng cáo trên Amazon) (Đừng trách tôi mean, tôi chỉ đang học theo di G. trong cuốn Lesson.) Chúng ta có thể tin rằng Collins và Parker, hiện đã chuyển hẳn sang phát hành online và xuất bản crowdsource, sẽ tiếp tục gìn giữ câu chuyện của chàng để chuyển giao cho những người chạy tiếp sức của thế hệ tiếp theo. Có thể những người đó cũng đã xuất hiện. Ai là người gieo epub không-hề-có-bản-quyền vào các site sách lậu? Ai là người tẩn mẩn cài cắm cái tên di Giovanni và những tình tiết trong saga chàng vào hầu như mọi trang Wikipedia liên quan?

Trong thế giới của các version tranh chấp, di G. có một lợi thế lớn so với bà quả phụ Borges: chàng dùng tiếng Anh. Dù hiển nhiên, không phải tất cả những người đọc câu chuyện di G. kể sẽ đọc thấy những điều di G. muốn kể. Bởi suy cho cùng (như di G. nói về Borges đọc Evaristo Carriego, như di G. cho thấy trong sự đọc Borges của chính mình), người ta luôn chỉ đọc thấy ở người khác cái gì ta có trong lòng. Và khi viết về người khác (như di G. cho thấy trong hai quyển sách về Borges mà quá nửa là những điều chàng làm, chàng đùa, chàng cảm thấy, chàng phán xét), là người ta viết về mình mà thôi.

*

Khi đọc di G., tôi đọc thấy một chàng dân nhập cư Ý xuất thân khó nghèo, mãi mãi không cảm thấy thoải mái trên đất Mỹ. Tôi thấy một chàng lùn xủn, xấu trai (xin lỗi di G.! Chàng cũng đã cực lực chê bai ngoại hình Borges trẻ, và cười nhạo Elsa xắm nắm đi thẩm mỹ nguyên gương mặt lúc về già; chàng và Borges cũng đã tích cực nhắc nhở ta về nỗi đau chỉ đơn thuần vì có một cơ thể), một nhân vật bên lề, đi học ngôn ngữ mẹ đẻ và họ hàng đằng ngoại để tìm thấy sự liên quan cho chính bản thân, bắt gặp ở Borges đứa con vô thừa nhận của tiếng Anh không chỉ một tâm hồn đồng điệu mà còn một raison d’être. “Họ làm như ông xuất hiện từ chốn không đâu,” di G. than thở như một tín đồ Poco đích thực. “Khám phá của tôi khi đến làm việc bên ông là, sách của ông chỉ có thể do một người Argentina viết ra mà thôi.” (“Borges và những người diễn giải”, Lesson) Nhưng giới xuất bản tiếng Tây Ban Nha, cùng giới xuất bản Argentina, cùng xã hội Argentina và đàn bà Argentina lại ngược đãi ông; cần có di G. bổ vào, người anh hùng da trắng cứu vị Báu vật Quốc gia già cả da nâu khỏi Những người còn lại da nâu đó.

Di G. khăng khăng đòi giữ gìn sự trong sáng của tiếng Anh như vậy, phải chăng vì (theo Edward Ashe) suốt mấy năm đầu đời chàng cứ ngỡ tiếng Mỹ là thổ ngữ Nam Ý mà cả làng chàng nói? (“Tôi không phản đối Nabokov là thiên tài, nhưng văn viết của ông không phải là tiếng Anh của người bản địa.” “Sổ tay người dịch”, Lesson) Cuối đời chàng trở về với mảnh làng Ý ấy trong tiểu thuyết, có phải là do Borges hay không?

Mặt khác, dù mến Borges, cũng như cả nước Mỹ đã yêu mến Borges, vì ông đồng nhất mình với truyền thống tiếng Anh (“Văn học – tức là văn học Anh,” di G. chép lại lời Borges), trong cách nhìn và cách đối xử với Borges của di G. vẫn có một độ trịch thượng nước lớn không hề che giấu. “Đám dân văn chương Buenos Aires ấy đều là dân amatơ đích thực.” (“Borges và những nhà diễn giải”, Lesson) Và đấy là Borges, người chàng cảm thấy là một cậu bé, một cậu học trò cần thương xót và che chở, có thể bỏ qua nhiều điều vì “vậy mới là Borges”. Những người khác không được hưởng sự hào phóng ấy. María Kodama, suy cho cùng gần gũi với thân phận dân nhập cư thế hệ hai của chàng hơn là Borges “thượng lưu rớt đáy”, đã bị chàng cười khinh bỉ khi “gắng khiến tôi cảm thông trước những lối bỉ mặt và những lời thóa mạ sắc tộc ném vào cô ả khắp các ngóc ngách Buenos Aires” (“Tư liệu Borges”, www.digiovanni.co.uk)

Xã hội Argentina và Nam Mỹ nói chung hứng trọn lòng khinh ghét của một trí thức Boston trước một lũ nhà quê. Trong cùng buổi tiệc khét tiếng có Elsa và máy ảnh, di G. còn chép lại câu chuyện một đại điêu khắc gia Uruguay đi giằng co chai rượu quý với tay người hầu nhà Rockefeller rót ồng ộc vào cốc mình mà bảo, “Tôi đã quen mỗi bữa uống cả lít rồi” (nghe rất gần gũi với “cử chỉ dị mọ rất Lê Lựu” mà Trần Đăng Khoa kể trong Chân dung và đối thoại). “Tôi rất vui mừng: những trò quậy của ông đã làm lu mờ hẳn trò mèo của Elsa,” di G. bình phẩm. (Khả năng cao là hồi ký của ông Uruguay, nếu có, đã mô tả buổi tiệc đó như là sự chiến thắng của sự hồn hậu tự nhiên dân dã trước sự cảnh vẻ làm phách của đám nhà giàu.)

“Bản tự thuật [trên New Yorker của Borges] đã gây chấn động làng văn New York”; di G. khoe, hầu như không hề cho ta biết phản ứng của Buenos Aires có gì trừ hằn học và ghen tỵ với người ngồi bên tay phải Chúa. Di G. ở Argentina năm năm, gặp gỡ đủ loại tinh hoa văn giới Argentina như ta được cho biết; chuyện ông kể về họ ít hơn năm sáu chương ông dành nhạo báng Elsa đã làm phiền từ đại sứ Argentina đến đại sứ Mỹ vì một chiếc áo lông.

*

Còn ở Borges, Borges qua lời kể của di G. nhưng qua bộ lọc kinh nghiệm cá nhân, tôi thấy một nhà văn xứ sở bên lề đã quen lịch thiệp và vồn vã với mọi chứng nhân tiềm năng của xứ sở khai sáng. Di G., như mọi người Mỹ, hẳn không nhận ra mình là người Mỹ; chàng tin rằng mình chỉ là mình, cái người được Borges mời tới thăm đất nước, cái người được đến ngồi cùng bàn tiệc của các vị thần văn chương nước ấy và nghe cả bàn nói, à, đã nghe kể về anh rất nhiều.

Thông minh và ghét đời đến như di G., thường xuyên chê bai Borges quá ngây thơ tin người này người nọ, chàng lại tỏ ra ngây thơ không kém khi khoe ra hết lần này đến lần khác, những thổ lộ, những đề tặng, những món quà, những cử chỉ tin cậy dựa dẫm của Borges với mình, cũng như những chiến công của mình bảo vệ cụ già tội nghiệp. Không chỉ để chứng minh trước những kẻ ngờ vực rằng tôi quả là cánh tay phải Borges, mà là như ôn lại những kỷ niệm đẹp đến mức có thể sống nốt quãng đời còn lại để ôn. (Tôi nghĩ là chàng nói thật. Chừng nào chưa xuất hiện hồi ký của một thanh niên hầu cận, kể rằng chàng nói láo không ngượng mồm?) Dù chính chàng tường thuật không biết bao nhiêu lời Borges khen hão, khen điêu vị đại nhân này hay người đẹp khác. Kể lại để mà cười cợt vô số lần Borges nhẹ như không lôi tên cô gái này, chàng thanh niên nọ lên bìa làm đồng tác giả, chàng lại tự hào nhắc đi nhắc lại Borges coi tôi là cộng sự của mình.

Còn hai chiến tích lớn lao của chàng, bao nhiêu phần là chiến tích của chàng? Bao nhiêu phần là giật dây của Borges? Õng ẹo như một cô gái trước tình nhân, chờ được làng trên xóm dưới đổ xô vào nài nỉ viết đi, in đi, tới đây đi, bỏ nó đi, làm việc đó, Borges chỉ bằng lo sợ, ngập ngừng, vờ vĩnh, từ chối đã (dù có thể không ý thức) khiến di G. và những người xung quanh nói ra đúng những câu thoại, hoàn thành đúng những bước trong kịch bản mà một mình ông không đủ sức tạo ra.

Đi theo câu chuyện của di G. về Borges, rất nhiều lần tôi có cảm giác gai gai rằng Borges là một con người yếu đuối, hãi sợ trước sự chênh lệch giữa hình ảnh bản thân và xưng tụng của xã hội (“lúc nào cũng sợ bị lật tẩy” – trích lời di G. trích Borges) nhưng đã học cách sống sót bằng cách trút lên ngàn lời tâng bốc bất cứ ai đang tình cờ ở cạnh, để làm cái cọc cho mình vớ. (Và bằng những lời hứa cuội, như di G. nhiều lần nhấn mạnh, bằng cách nói láo không ngượng mồm, cốt để thoát khỏi tình huống rắc rối đang lâm vào.)

Những lúc cynical hơn, tôi cảm giác Borges là loài cây tầm gửi, bám vào những cái cây xung quanh, rồi hút cạn nếu không đủ khỏe.

Borges là một con yêu quái, và di G. đã bị trúng bùa. Suốt đời.

Quả thật, di G. đã làm được việc vô tiền khoáng hậu: đem lại hình hài người thật cho vị thánh. Có điều, tôi không biết đó có phải một hình người tôi muốn thấy hay không.

Hoặc ta hãy nói, đây vẫn là vị thánh, vị thánh lớn nhất. Những nhà văn khác bày trò chơi nội văn bản, hành hạ nhân vật đủ vẻ đủ vành. Borges, nhũn nhặn, hiền lành, và không ý thức được hậu quả của việc chơi với con người, đã bày trò chơi ngoại văn bản, với di Giovanni là nhân vật. Không phải là nói – không cần phải nói – Borges ngồi trong góc phòng tính toán, thêu mạng nhện, trong đầu cất tiếng cười hắc ám; ông chỉ làm công việc kể chuyện trực tiếp và đơn giản, cổ giả và trong sáng của mình, và di Giovanni tự viết nên câu chuyện đó bằng cuộc đời mình, rất lâu sau khi tác giả đã khuất núi.

*

Đôi khi tôi tự hỏi, nếu không gặp Borges, biết đâu di Giovanni có thể có một cuộc đời viên mãn hơn? Ông sẽ không bao giờ trở thành người ngồi bên tay phải Chúa. Ông có thể trở thành một nhà phê bình lương cao, một dịch giả năng suất, một người chồng người cha chuyên chú. Ông sẽ không phải sống tròn năm mươi năm vất vả tranh chấp (vì những tranh chấp ấy hầu như bắt đầu từ những tháng đầu tiên ông ở bên Borges) để bảo vệ vị trí của mình.

Nhưng di Giovanni đã chọn đó làm câu chuyện của mình. “Thời khắc duy nhất”. Và trước khi chết ông đã kịp gửi gắm lại câu chuyện ấy cho người khác? (Dù có thể ông không biết, bí mật mà ông đã tận tình canh gác cho Bậc thầy ấy, đã có người khác khai quật ra trước ông 8 năm, và hình như, lại còn là đơn đặt hàng của Kodama.) Vậy cũng có thể kể là viên mãn rồi?

Ít nhất trong thế giới nói tiếng Anh, phúc âm theo di Giovanni vẫn được truyền lại. Tất cả đều là bạn ông, tất cả đều tin tưởng và nhắc lại nguyên xi những lời ông kể; một vài bài review chê bai nhạt nhẽo cũng không hơi đâu đi kiểm tra các sự việc mà cải chính lại ông, bởi thật ra, cũng chẳng ai quan tâm đến mức đó.

Và tôi. Dù tôi, alas, cũng chỉ là người qua đường; tôi không phải người nghiên cứu Borges, tất nhiên càng chẳng phải người nghiên cứu di Giovanni, và viết được từng này chữ là kéo hết cỡ rảnh của tôi rồi vậy.

Tôi đã tóm tắt hai cuốn sách để quý vị không phải đọc, hoặc nếu có đọc thì cũng biết điều gì đang chờ đợi mình. Hoặc tôi đã viết như một cách lộn trái não rũ ra những điều mình đọc phải. Tìm lại tư liệu của bài này, tôi bắt được một chiếc mail hâm mộ cũ viết cho di Giovanni nhưng không bao giờ gửi, vì không có lòng tự tin điếc không sợ súng của chàng. “Tôi vừa đọc hết The Lesson of the Master và muốn cảm ơn ông, không chỉ vì câu chuyện về một tình bạn văn chương tuyệt đẹp (viết bằng lối văn không kém phần tuyệt đẹp), hay đã soi sáng một số điểm trong thói quen và lối viết của Borges, mà cả vì bức chân dung Norman Thomas di Giovanni, một con người rất fine.” Thư viết tháng 2 năm 2014, lúc đó tôi đã viết bản nháp đầu tiên của bài viết này; nếu đợi thêm hai tháng nữa để đọc Georgie and Elsa, mà bây giờ tôi mới đọc, thì hẳn bức thư sẽ từa tựa như thế này: Tôi muốn vặn cổ cả hai ông, di Gio và Borges ạ. Có những điều thực sự không nên biết đến, có những sự hâm mộ chỉ nên nằm yên trên giấy mà thôi.

 

PS. Nói thêm là bản nháp đầu tiên đó, tôi viết trong thời kỳ ngồi sau lưng anh Cao Việt Dũng ở Viện Văn học; chính anh là người đã dụ dỗ tôi đọc lại Borges một cách nghiêm túc lần đầu tiên hậu-Nguyễn Trung Đức, và để lại một chút xíu thành quả; đấy cũng là một trong những điều tôi biết ơn anh. Vì vậy, cứ kể như anh cũng là một nhân vật bên rìa trong câu chuyện.

PPS. xin lỗi vì dòng phun chữ. Trích lời di G. trích ông bạn luật sư trích “ai đó nói: tôi quá vội không thể viết gọn hơn…”

PPPS. Học theo phép Ninja edit của cụ Borges, chúng tôi có thể sẽ lẳng lặng sửa thêm bài này tí chút so với bài đăng trong các file.

20-1-2019 and beyond

(Bài viết thuộc Zzz Review số 4, 20-1-2019)

Chấm sao chút:

Đã có 3 người chấm, trung bình 5 sao.

Hãy là ngôi sao đầu tiên của chúng tôi <3

Người góp chữ

Theo dõi Zzz Review năm bữa nửa tháng của chúng tôi

2 Comments on Người ngồi bên tay phải Borges

  1. Bạn viết rất hấp dẫn. Mình thích ý này: “Kết quả là, bản tiếng Anh của chàng còn chuẩn hơn cả chính “nguyên bản” tiếng Tây Ban Nha của Borges nữa”. Mới đầu nghe thì choáng, nhưng tưởng tượng được : Borges viết tiếng TBN, sau đó dịch cùng di Giovanni sang tiếng Anh, nhờ bàn đi bàn lại, cuối cùng lại tìm được từ Borges thích hơn cả nguyên bản, khiến Borges phải chỉnh lại nguyên bản khi tái bản.
    Mình sẽ đọc lại, bài dài, nhiều chi tiết ngộ nghĩnh. Cám ơn 😉

2 Trackbacks & Pingbacks

  1. Người ngồi bên tay phải Borges – Ếch giời
  2. Vừa chạy vừa giữ mặt nạ, hay là Những sang chấn khi dịch Tàn ngày để lại của Ishiguro | Zzz Blog

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*