Susan Sontag coi Machado de Assis (1839-1908) là cây viết vĩ đại nhất của văn học Mỹ Latinh; Harold Bloom liệt ông đứng vào hàng ngũ 100 thiên tài văn chương, cùng với những Dante, Shakespeare, Cervantes; và hẳn nhiên ông được coi là nhà văn xuất sắc nhất của văn học Brazil. Machado sở hữu khối lượng trước tác đồ sộ và đa dạng, từ truyện ngắn, truyện vừa tới tiểu thuyết. Phong cách viết độc lạ và táo bạo của ông khiến các nhà phê bình cho đến tận ngày nay vẫn tiếp tục tranh cãi khi muốn xếp ông vào một trường phái nhất định. – Zét Nguyễn
– Con ngủ chưa?
– Dạ chưa?
– Cha cũng chưa, thế thì ta nói chuyện chút đi. Mở cửa sổ ra. Mấy giờ rồi?
– Mười một giờ.
– Người khách cuối cùng dự bữa tiệc khiêm tốn của nhà ta cũng vừa ra về. Vậy là cuối cùng con đã hăm mốt tuổi, chàng trai à! Đúng ngày này hăm mốt năm trước, ngày 5 tháng Tám 1854, con mở mắt chào đời, một đứa bé tí ti, còn bây giờ con đã là một người đàn ông có bộ ria đẹp, chắc đã quật ngã được vài nàng rồi…
– Kìa cha!
– Thôi, đừng làm bộ mắc cỡ nữa, ta hãy nói chuyện thẳng thắn như đàn ông với nhau đi. Đóng cửa phòng lại. Cha có chuyện muốn nói với con. Hăm mốt tuổi, có thu nhập riêng, một tấm bằng đại học: con có thể làm chính trị, vào ngành luật, làm báo, làm công, nông, thương nghiệp, hay văn chương, nghệ thuật… Con có vô vàn lựa chọn. Hăm mốt tuổi, con trai à, chỉ là khởi đầu. Napoleon và Pitt[1] đều có tài trí sớm vượt trội, nhưng ngay ở tuổi hăm mốt họ vẫn chưa là gì cả. Nhưng dù con chọn nghề nào đi nữa, cha cũng muốn con rạng rỡ, vẻ vang, hay ít ra cũng có tên tuổi, chứ không vô danh tiểu tốt như đám đông tầm thường. Cuộc đời là một trò xổ số khổng lồ đó, Janjão. Ít kẻ thắng và vô vàn kẻ thua, và tiếng thở dài của thế hệ trước sẽ dựng nên hy vọng cho thế hệ sau. Đời là thế; rên rỉ hay kháng cự lại cũng chẳng được gì, chỉ có thể chấp nhận thói đời như vậy, gánh nặng lẫn lợi ích, vinh quang lẫn nhơ nhuốc, và cứ đi tiếp bất kể.
– Vâng ạ.
– Nhưng nói một cách hình tượng, cũng như việc dành dụm cho tuổi già luôn là điều có ích, thì có thêm một nghề dự phòng cũng là một thông lệ xã hội tốt cho con, lỡ khi nghề thứ nhất thất bại hoàn toàn, hay không thoả mãn tham vọng của mình. Đó chính là điều cha muốn khuyên con, con à, vào đúng ngày hôm nay khi con đến tuổi trưởng thành.
– Cảm ơn cha. Nhưng cha có nghĩ đó là nghề gì không ạ?
– Theo cha, không có nghề thứ hai nào hữu ích và thích hợp cho bằng nghề làm ông lớn. Sống hoàn toàn bằng nghề làm ông lớn chính là ước mơ của cha hồi trẻ. Nhưng cha lại không được ông nội dẫn dắt trong chuyện này. Rốt cuộc là con thấy cha như bây giờ, không hề có niềm an ủi hay chỗ dựa tinh thần nào ngoài những hy vọng cha đặt vào con đó. Cho nên hãy nghe đây, con trai. Hãy nghe mà học đi. Con còn trẻ nên tất nhiên còn hừng hực tính bốc đồng, hồ hởi của tuổi trẻ; đừng có từ bỏ những tính chất đó, nhưng phải biết ôn hoà dần, để khi đến bốn mươi lăm tuổi thì con sẵn sàng bước vào giai đoạn chừng mực và vừa phải. Nhà hiền triết nào đã nói “sự nghiêm trang là một bí mật của cơ thể sáng tạo ra để che giấu những khiếm khuyết của tinh thần” thì đó chính là định nghĩa về cốt lõi của việc làm ông lớn. Nhưng đừng nhầm lẫn sự nghiêm trang này với cái kiểu nghiêm trang khác nghe, cái thứ bộc lộ qua tướng mạo của ta nhưng lại hoàn toàn là một điều phản ánh hay phát xuất từ trong tinh thần; sự nghiêm trang mà cha nói đến chỉ là của thể xác mà thôi, cho dù là bẩm sinh hay rèn luyện mà có. Còn khi đến tuổi bốn mươi lăm…
– Dạ vâng, nhưng sao lại bốn mươi lăm?
– Chắc con cũng biết rồi, đây không phải là con số bỗng dưng trên trời rớt xuống, đây là độ tuổi bình thường xảy ra hiện tượng này. Nói chung, người làm ông lớn đích thực thường xuất hiện ở tuổi từ bốn mươi lăm đến năm mươi, dù có trường hợp đến năm lăm, sáu mươi tuổi mới bộc lộ, nhưng hiếm gặp. Cũng có những người thể hiện bản thân ở tuổi bốn mươi và người khác thì sớm hơn, ba lăm, thậm chí ba mươi tuổi; nhưng những trường hợp này không phổ biến. Cha còn chưa nói đến những người làm ông lớn ở tuổi hăm lăm nữa đấy, phát triển sớm như thế là đặc quyền của thiên tài.
– Con hiểu rồi.
– Nhưng hãy đi vào mấu chốt của vấn đề đi. Một khi đã theo nghề này thì con phải cực kỳ thận trọng với mọi ý tưởng mà con có thể ấp ủ, hoặc là để dùng cho riêng con hoặc là cho người khác. Tốt nhất là đừng có ý tưởng nào cả. Con sẽ thấy điều này dễ hiểu nếu con thử tưởng tượng, chẳng hạn, một kịch sĩ liệt hết cử động của một cánh tay. Anh ta, chỉ bằng tài năng và khéo léo, có thể giấu được khuyết tật này với khán giả, nhưng rõ ràng là sử dụng được cả hai cánh tay thì tốt cho anh ta hơn nhiều. Với các ý tưởng cũng vậy thôi; bằng cố gắng mãnh liệt ta có thể bưng bít hay che giấu nó lâu dài, nhưng phải tài ba hiếm có mới làm được, và chẳng có ích lợi gì cho việc tận hưởng cuộc sống bình thường.
– Nhưng ai đã nói là…
– Con ơi, nếu cha không lầm thì con trai cha đã được trời phú cho một mức độ sự trống rỗng tinh thần hoàn hảo rất cần thiết cho cái nghề nghiệp cao quý này. Cha không nói đến chuyện con toàn lặp lại y hệt trong phòng khách những ý kiến con đã nghe ngoài góc phố, hay ngược lại, bởi vì chuyện này, dù có bộc lộ phần nào sự thiếu suy nghĩ độc đáo, nhưng có thể cũng chỉ là do nhất thời không nhớ ra được mà thôi. Không, cha nói đến cái thái độ tủn mủn câu nệ kiểu lãnh tụ của con khi con nêu ý kiến, khen hay chê, về một kiểu cắt may áo vest, kích cỡ cái mũ, hay tiếng cọt kẹt (hoặc không cọt kẹt) của đôi giày mới. Phải, đó mới là biểu hiện nói lên bao điều, mới đúng là dấu hiệu hứa hẹn. Dù vậy, cũng không có gì khó hiểu khi, theo tuổi tác, con có thể bị khổ sở vì những ý tưởng nào đó của riêng con, cho nên điều quan trọng là phải trang bị cho cái đầu những cách phòng thủ vững chắc. Ý tưởng thì ngay trong bản chất của nó vốn đã tự phát và đột ngột, cho dù ta có cố gắng cách mấy thì ý tưởng cũng ào ra và tấn công ta. Đó đúng là điều giúp cho thiên hạ, vốn rất giỏi đánh hơi ra kiểu ý tưởng này, phân biệt được chính xác ngay ai là ông lớn đích thực và ai là ông lớn giả mạo.
– Hẳn rồi, chắc chắn là không thể tránh khỏi.
– Không đúng. Vẫn có cách. Con phải dốc sức ép mình tuân theo một chế độ như hình phạt là hãy đọc các sách cẩm nang về phép tu từ, và nghe những bài diễn thuyết chính trị, và các thứ tương tự. Những trò chơi phòng khách như đánh bài và chơi cờ domino là các cách chữa trị hiệu nghiệm. Đánh bài còn có lợi thế đặc biệt là khiến người ta quen với sự im lặng, và im lặng là hình thức tột bậc nhất của sự thận trọng. Cha không nói như vậy với những hoạt động thể chất như bơi lội, cưỡi ngựa, hay các môn điền kinh, nhưng chính vì những trò đó làm đầu óc thư thái nên lại khiến cho đầu óc phục hồi sức mạnh tinh thần. Mặt khác, chơi bi-da thì tuyệt hay.
– Nhưng tại sao vậy? Chẳng lẽ bi-da không phải là hoạt động thể chất sao cha?
– Cha đâu có nói là không, nhưng có nhiều trường hợp mà thực tế quan sát được lại chiến thắng lý thuyết. Cha khuyến khích con chơi bi-da chỉ vì nhiều thống kê được tổng hợp tỉ mỉ đã cho thấy rằng những người thường chơi bi-da thì quan điểm của họ cũng suôn đuột như cây cơ thọc bi. Tản bộ buổi chiều, nhất là ở những chỗ vui chơi giải trí và trưng bày công cộng, cũng rất nên đi, miễn là con đừng có đi dạo một mình nghe. Bởi vì sự cô độc chính là cái nhà máy sản xuất ý tưởng, và nếu bỏ mặc tinh thần cho nó muốn làm gì thì làm, cho dù là ở giữa đám đông đi nữa, thì nó lại hay hoạt động lung tung vô lý.
– Nhưng nếu con không có sẵn người bạn nào chịu đi hay có thể đi cùng con thì sao?
– Đừng lo; lúc nào cũng có những chỗ tụ tập quen thuộc của những người ăn không ngồi rồi, nơi thổi bay hết mọi hạt bụi cô đơn. Các hiệu sách, có lẽ là do bầu không khí sách vở của nó, hay vì lý do nào đó cha không hiểu, không phải là chỗ thích hợp cho mục đích của ta. Nhưng lâu lâu ghé vô hiệu sách cũng đáng, miễn là con phải bảo đảm là ai cũng thấy con đi vào đó. Có một cách đơn giản để giải quyết chuyện nan giải này: đi vào hiệu sách chỉ để bàn tán về những tin đồn trong ngày, chuyện nổi bật trong tuần, mấy vụ dâm ô hay xì-căng-đan nào đó, một sao chổi vừa lướt qua, hay bất cứ chuyện gì có thể nói (tất nhiên là trừ phi con thích tới gần các độc giả nghiện đọc các mục uyên bác của Monsieur Mazade trong tờ Revue des Deux Mondes[2]); bảy mươi lăm phần trăm các cư dân đáng kính này sẽ lặp lại với con cùng một ý kiến thôi, và chính sự tẻ nhạt ấy lại hữu ích cực kỳ. Cứ tuân theo chế độ đó trong tám, mười, mười tám tháng – cứ cho là hai năm đi – thì con sẽ khiến một trí tuệ phi thường nhất chỉ còn là một thứ quân bình, biết theo khuôn phép, tỉnh táo, và chán ngắt. Cha còn chưa nói tới vốn từ, bởi vì từ ngữ được ngụ ý bằng những ý tưởng chúng chuyển tải; điều hiển nhiên là vốn từ phải thật đơn giản, nhạt nhẽo, và hoàn toàn hạn chế mới được – tuyệt đối không dấu hiệu nào hoa mỹ hay màu mè nổi bật cả.
– Thế thì tệ quá! Thỉnh thoảng cũng không được châm vài câu bay bướm văn hoa…
– Ồ, được mà; có nguyên cả mớ hình dung từ con có thể sử dụng: con rồng chín đầu Hydra, chẳng hạn, hay cái đầu quỷ Medusa, thùng rượu của các nàng Danaid, đôi cánh Icarus, và tất cả những thứ hình tượng khác mà các nhà lãng mạn, cổ điển, và hiện thực sử dụng không chút ân hận bất cứ lúc nào cần tới. Những câu La-tinh cũ mòn, những lời danh nhân nói, những vần thơ nổi tiếng, những châm ngôn pháp luật, những ngạn ngữ dí dỏm – cao kiến nhất là phải có sẵn những thứ đó trong túi để dùng cho những bài diễn thuyết sau dạ tiệc, khi nâng cốc chúc mừng, và các trường hợp tương tự. Caveant, consules – Quan chấp chính hãy lưu ý – là câu hay nhất để kết thúc bất cứ thứ gì có chủ đề chính trị, và cha dám nói như vậy với câu Si vis pacem, para bellum – Nếu muốn hoà bình, hãy sẵn sàng chiến tranh. Có người thích làm mới một câu trích dẫn cũ bằng cách nhào nặn nó thành một câu lạ, độc đáo, và hay ho, nhưng cha khuyên con không nên làm cái trò đó; như thế chỉ tổ làm hỏng cái sức hấp dẫn đáng quý của câu trích ấy thôi. Nhưng mấy câu trích đó nói cho cùng cũng chỉ là trò thêm thắt vặt vãnh, tốt hơn hết thảy những thứ đó chính là những lời sáo rỗng và những tục ngữ dân gian đã lưu truyền qua bao đời, đã in sâu vào trí nhớ của từng người và cả thiên hạ. Những câu này có lợi thế là không buộc người nghe phải gắng sức một cách không cần thiết để hiểu. Lúc này cha không liệt kê ra hết được, nhưng sau này cha sẽ ghi ra giấy sẵn cho. Ngoài ra, nghề nghiệp mới mẻ này của con dần dần chính nó sẽ dạy cho con biết cái nghệ thuật khó khăn là chỉ suy nghĩ những điều đã được người ta suy nghĩ ra trước rồi. Còn sự hữu dụng của một phương pháp như thế thì hãy tưởng tượng một trường hợp giả định. Một đạo luật được thông qua, đưa ra thực thi, nhưng không hiệu quả; tai hoạ còn nguyên. Ở đây có sẵn đề tài để kích thích những bộ óc hiếu kỳ ngồi không, xúi giục những chất vấn nhức đầu, rồi thu thập chi li các tài liệu với nhận xét, rồi phân tích các nguyên nhân khả năng, khả dĩ, và khả nghi, rồi nghiên cứu vô tận năng lực của cá nhân cần phải sửa đổi, bản chất của tai hoạ, rồi đưa ra cách khắc phục, rồi xét tới hoàn cảnh có thể áp dụng. Nói tóm lại, đủ chất liệu cho nguyên cả một lâu đài từ ngữ, ý kiến, và những lời lảm nhảm vô nghĩa. Nhưng con sẽ giúp bạn đồng loại với con thoát được nỗi khổ phải nghe diễn thuyết dông dài chỉ bằng cách nói một câu đơn giản: “Cải cách chứ không phải cách mạng!” Và cái câu ngắn gọn, trong sáng, rõ ràng này, móc từ cái túi khôn dân gian ra, sẽ giải quyết vấn đề ngay tức khắc, và khiến mọi người lên tinh thần như một tia nắng bất ngờ.
– Qua điều này thì, thưa cha, con thấy cha lên án việc áp dụng mọi phương pháp luận hiện đại.
– Để cha nói cho thật rõ ràng. Đúng là cha lên án việc áp dụng chúng, nhưng cha hết lòng khen ngợi chính cái cụm từ “phương pháp luận” đó. Cha cũng sẽ nói y như vậy về mọi thuật ngữ khoa học tân thời, tất cả những từ ngữ đó con phải học thuộc lòng. Mặc dù đặc điểm nổi bật của một ông lớn rất có thể là một thái độ kiên định bất di bất dịch, trong khi các môn khoa học là sản phẩm của nỗ lực hằng ngày của con người, nếu con về sau rồi sẽ thành ông lớn trong đời, con phải trang bị cho mình những thứ vũ khí hiện đại nhất. Bởi vì một trong hai điều này sẽ xảy ra: hoặc là các từ ngữ khoa học này sẽ cũ mòn vì dùng quá nhiều qua ba mươi năm, hoặc chúng vẫn còn nguyên sự tươi mới. Trong trường hợp đầu, chúng sẽ vừa vặn với con như đôi găng cũ; trong trường hợp thứ hai, con có thể đeo chúng trước ngực áo để khoe rằng cả con nữa, cũng am hiểu đâu ra đó như ai. Từ những cuộc chuyện trò vụn vặt, cuối cùng con sẽ dần dần biết được là tất cả những thuật ngữ này cái nào tương ứng với quy luật nào, tình huống nào, và hiện tượng nào; bởi vì cái phương pháp nghiên cứu khoa học khác – từ sách vở và luận án của chính các chuyên gia – không những vừa chán ngắt vừa mệt nhọc mà còn kèm theo nguy cơ tiêm nhiễm cho con những ý tưởng mới, và như vậy là sai về cơ bản. Hơn nữa, nếu con bao giờ thật sự nắm được tinh thần của những quy luật và công thức đó, gần như chắc chắn là con sẽ thích vận dụng chúng ở một mức độ tiết chế nhất định, giống như cô thợ may khôn ranh và khá giả mà một nhà thơ cổ điển đã ca tụng bằng hai câu sau:
Vải càng nhiều nàng càng cắt chi li,
Càng ít đầu thừa đuôi thẹo bỏ đi
Và chắc chắn là một ông lớn mà hành xử như thế là hết sức phi khoa học.
– Trời, nghề này khó quá!
– Chưa hết đâu con.
– Ồ, vậy thì ta cứ tiếp tục.
– Cha chưa nói với con về lợi ích của sự quảng cáo. Quảng cáo là một cô nàng quyến rũ và kiêu kỳ, và con phải ve vãn cô ả bằng những món quà nhỏ, kẹo hạnh nhân, túi ướp hoa thơm, và các thứ bé nhỏ khác để thể hiện tình cảm không thay đổi của con chứ không phải tham vọng táo bạo của con. Mong cô ả ban phát ái tình bằng cách làm những trò anh hùng và hy sinh là chuyện tốt nhất nên để cho Don Quixote với mấy thằng điên khác làm. Ông lớn đích thực sử dụng phương pháp khác. Thay vì bỏ công biên soạn một chuyên luận khoa học về ngành chăn nuôi cừu, y sẽ mua một con cừu làm tiệc mời bạn bè đến chè chén, tin này không thể không khiến dân chúng quanh đó chú ý. Chuyện này dẫn tới chuyện khác, và con chưa kịp nhận ra thì đã thấy tên con đăng báo chí năm, mười, hay thậm chí hai mươi lần. Các uỷ ban và phái đoàn đi chúc mừng anh hùng chiến trận, công dân ưu tú, hay người nước ngoài là tình huống hết sức có ích, cũng như các tổ chức tôn giáo và đủ thứ câu lạc bộ với hội đoàn, bất kể nó chuyên về thần thoại học, săn bắn, hay là múa ba-lê đều tốt cả. Thậm chí cũng có thể kể luôn những sự việc nhỏ nhặt khác, miễn là chúng khiến thiên hạ chú ý đến con. Để cha giải thích. Giả sử con mà té từ trên xe ngựa xuống, chẳng đau đớn gì ngoài một chút sửng sốt bực mình, chuyện đó cũng đủ đánh trống thổi kèn la làng cho thiên hạ biết rồi. Không phải vì bản thân sự việc đó, chuyện đó nghĩa lý gì đâu, nhưng mục đích là để nhắc nhớ lại tình cảm của công chúng dành cho một cái tên thân thiết đối với họ. Con hiểu chưa?
– Dạ, con hiểu.
– Đó là cách quảng cáo bình thường, dễ làm và ít tốn, nhưng còn nhiều cách khác. Cho dù lý thuyết nghệ thuật có nói gì về đề tài này đi nữa, điều chắc chắn là tình cảm gia đình, tình thân bạn bè, và uy tín với thiên hạ tất cả đều cổ vũ cho việc tái hiện bằng nghệ thuật cái diện mạo của một người nổi tiếng hay được yêu mến quá. Chẳng có gì ngăn cản con không được làm một đối tượng lỗi lạc như thế, nhất là khi đám bạn bè sáng suốt của con không cảm thấy sự miễn cưỡng ở con. Trong trường hợp đó, không những phép lịch sự thông thường bắt buộc con phải nhận lời đề nghị vẽ chân dung hay nặn tượng, mà con lại càng không nên ngăn cản bạn bè con tổ chức triển lãm công cộng bức chân dung đó. Bằng cách này tên tuổi của của con sẽ gắn chặt với con người con; những ai đã đọc bài diễn văn mới đây của con, chẳng hạn, nhân đại hội thành lập Liên đoàn Thợ hớt tóc Quốc gia sẽ nhận ra ngay qua những đặc điểm thô kệch của con, rằng con chính là tác giả của một đoạn kết hùng hồn đanh thép như thế, trong đó “những đòn bẩy của tiến bộ” và “mồ hôi trên vầng trán” sẽ chiến thắng “những vực sâu chực chờ” của đói nghèo. Trong trường hợp có phái đoàn mang bức chân dung đó đến nhà con, con phải cảm ơn lòng tốt của họ bằng một bài đáp từ cảm tạ và một bữa tiệc – một phong tục đáng quý, hợp lẽ, và chân thật. Tất nhiên con cũng sẽ mời những bạn bè thân nhất, các họ hàng của con, và nếu có thể, một vài nhân vật nổi tiếng. Ngoài ra, do cái ngày đó là ngày vẻ vang và vui mừng, cha thấy không lý nào lại lịch sự cự tuyệt mấy phóng viên báo chí một chỗ ngồi trong bàn. Trong trường hợp rủi ro là các quý ngài báo chí ấy vì bổn phận ngăn trở mà không dự được, con có thể giúp họ bằng cách tự thảo một bản tin tường thuật những dịp vui mừng này. Và nếu con, vì lý do thận trọng nào đó hoàn toàn dễ hiểu, không muốn tự mình dùng đến những tính từ chói sáng cần thiết, thì hãy nhờ bạn hay họ hàng nào đó thêm thắt vào.
– Mấy chuyện này đâu có dễ, cha ơi.
– Con nói hoàn toàn đúng, con trai. Khó và sẽ mất thời gian, rất nhiều thời gian, thực tế là nhiều năm kiên trì và khổ ải, nhưng hạnh phúc thay kẻ nào đến được Đất Hứa! Những kẻ nào thất bại sẽ bị sự quên lãng nuốt chửng. Còn những kẻ chiến thắng thì không! Hãy tin cha đi, con sẽ chiến thắng. Con sẽ thấy tường thành Jericho sụp đổ trong tiếng kèn thần thánh[3]. Chỉ khi đó con mới có thể nói là con đã thành đạt. Vào ngày đó con sẽ trở thành một vật trang sức không thể thiếu, sự hiện diện bắt buộc phải có, một địa vị cố định trong xã hội. Sẽ không cần gì phải đi lùng sục các cơ hội, uỷ ban, hội đoàn, và câu lạc bộ nữa; chúng sẽ tự tìm đến con với cái vẻ tẻ nhạt, thô thiển của những danh từ đã bị tước mất tính từ, và con sẽ là tính từ cho những bài diễn thuyết nặng nề của họ, đem thơm ngát cho bông hoa của họ, đem tím ngắt cho bầu trời của họ, đem cao quý cho những công dân của họ, đem đanh thép và súc tích cho những bản tin của họ. Và đó là điều quan trọng hơn hết, bởi tính từ chính là linh hồn của ngôn ngữ, thành phần siêu hình và duy tâm của ngôn ngữ. Còn danh từ là thực tế bị lột truồng và sống sượng; nó là chủ nghĩa tự nhiên của từ vựng.
– Và tất cả những điều này, theo cha, chỉ là để dự phòng khi mọi việc khác đều thất bại sao?
– Đúng thế. Nó không loại trừ bất kỳ hoạt động nào khác.
– Ngay cả làm chính trị?
– Ngay cả làm chính trị. Đây chỉ đơn giản là vấn đề tuân thủ một số phép tắc và ràng buộc nhất định. Con có thể tham gia bất kỳ phe đảng, tự do hay bảo thủ, ủng hộ cộng hoà hay giáo hoàng toàn trị, điều cảnh báo duy nhất là con không được gắn bất kỳ ý tưởng cụ thể nào vào những từ này, và chỉ chấp nhận sự hữu dụng của chúng như là những câu khẩu hiệu của thánh kinh.
– Nếu như con vào nghị trường, con có thể lên diễn đàn phát biểu không?
– Con có thể và con phải thế; đó là cách thu hút sự chú ý của công chúng. Còn như đề tài của các bài diễn thuyết, con có thể lựa chọn giữa những tiểu tiết tranh cãi tủn mủn và ý thức hệ chính trị, nhưng nên ưu tiên cho ý thức hệ. Phải thừa nhận là những tiểu tiết vặt vãnh thường không phù hợp với cái vẻ đần độn tao nhã vốn là dấu hiệu của mọi ông lớn thành đạt, nhưng, nếu con muốn thì cứ nhắm vào ý thức hệ – dễ hơn và hấp dẫn hơn. Giả sử con sẽ phải chất vấn các lý do thuyên chuyển Đệ thất Đại đội Bộ binh từ Uruguaiana tới Canguçu; thì chỉ có mỗi ông bộ trưởng quốc phòng nghe con nói thôi, và ông ta sẽ mất cả chục phút để giải thích các nguyên nhân đưa đến quyết định này. Với ý thức hệ thì không như vậy. Một bài diễn thuyết về những khía cạnh bí hiểm nhất của ý thức hệ chính trị, do chính bản chất của nó, sẽ kích động cảm xúc của các chính khách và đám dân chúng ngồi ở hành lang dự thính, khiêu khích những lời tán thán và phản bác sôi nổi. Ngoài ra, nói chuyện đó thì chẳng cần suy nghĩ hay nghiên cứu gì hết. Riêng cái lãnh vực này của tri thức nhân loại thì mọi thứ đã được khám phá, gọi tên, dán nhãn, và đóng gói cả rồi; con chỉ cần lục lọi trong trí nhớ như là móc trong túi thôi. Nhưng con có nói gì đi nữa thì cũng chớ mà vượt qua giới hạn của những điều cũ mèm nhưng đáng thèm muốn đó.
– Con sẽ cố hết sức. Như vậy là không hề cần óc tưởng tượng?
– Tuyệt đối không. Tốt hơn hết là hãy phao tin rằng năng khiếu tưởng tượng đúng là chỉ dành cho phường hạ lưu thôi.
– Và không hề cần triết học?
– Ta phải thật rõ ràng: có chút ít khi viết hay nói thì chắc không sao, nhưng trong thực tế thì chớ. “Triết học lịch sử”, chẳng hạn, là một cụm từ con nên dùng thường xuyên, nhưng cha cấm con đưa ra bất kỳ kết luận nào mà chưa từng có ai khác đã đưa ra rồi. Tránh xa mọi thứ gì có chút hơi hướm suy ngẫm, độc đáo hay tương tự như vậy.
– Còn hài hước?
– “Hài hước” theo con là sao?
– Con lúc nào cũng phải rất nghiêm trang à?
– Còn tuỳ. Bản tính con là vui vẻ, thích hoạt kê, và không cần gì phải giấu giếm hay đè nén nó hoàn toàn – lâu lâu con cũng có thể bật cười và bông đùa. Là ông lớn không nhất thiết là con bắt buộc phải u sầu. Người nghiêm trang cũng có những phút vô tư lự chứ. Chỉ có điều… và đây là điểm cốt yếu…
– Cha cứ nói đi.
– Con không bao giờ được châm biếm – cái kiểu thoáng nhếch mép đầy bí hiểm do mấy tên Hy Lạp suy đồi nào đó nghĩ ra, được Lucian chớp lấy, truyền lại cho Swift với Voltaire, và thành nét tiêu biểu của mọi kẻ hoài nghi và những kẻ tự do tư tưởng đầy trâng tráo. Không. Tốt hơn nên kể chuyện tiếu lâm khiếm nhã, đó mới là bạn chí cốt, những chuyện tiếu lâm tròn trịa, xấc láo, và khiếm nhã rành rành, không cần che đậy hay giả vờ e lệ, loại chuyện đấm thẳng vào mặt ta, nhói đau như bị đạp vào lưng, khiến máu ta sôi lên, và khiến ta cười muốn tuột quần đó. Gì thế?
– Nửa đêm rồi.
– Nửa đêm? À, thế thì chàng trai, con đã bắt đầu tuổi hăm hai rồi đó; con đã trưởng thành hẳn hoi. Ta sửa soạn đi ngủ đi; khuya rồi. hãy ngẫm nghĩ những gì cha vừa nói đó, con trai. Xét cho cùng, cuộc trò chuyện của cha con mình tối nay cũng giá trị chẳng kém cuốn Quân vương của Machiavelli đâu. Giờ đi ngủ thôi.
Đăng Thư dịch
Nguyên tác tiếng Bồ Đào Nha Theoria do Medalhão (1881). Dịch từ bản tiếng Anh How to Be a Bigwig của Margaret Jull Costa & Robin Patterson trong tập The Collected Stories of Machado de Assis (Liveright Book 2018). [Chú thích của người dịch.]
[1] Tác giả muốn nói đến William Pitt (1759–1806) người trở thành Thủ tướng nước Anh trẻ nhất năm 1783 lúc 24 tuổi. Ông thôi giữ chức vụ này năm 1801, nhưng từ 1804 lại làm Thủ tướng cho đến khi qua đời. Ông thường được gọi là William Pitt the Younger để phân biệt với người cha cùng tên (William Pitt the Elder) cũng là thủ tướng nước Anh trước đó.
[2] Nguyệt san văn học, văn hoá và chính trị bằng tiếng Pháp, xuất bản ở Paris từ năm 1829.
[3] Theo sách Joshua trong Cựu ước, các bức tường của thành Jericho sụp đổ trong lúc quân Israel vừa diễu binh quanh thành vừa thổi kèn.
(Bài viết thuộc Zzz Review số 4, 20-1-2019)
Người góp chữ
Đăng Thư
Đăng Thư là một bút danh dịch thuật của Trần Đức Tài, sống ở Đà Lạt, có dịch phẩm đầu tay xuất bản từ 1988 và vẫn tiếp tục dịch lai rai.
Leave a Reply