
(Bài viết thuộc Zzz Review số 4, 20-1-2019)
(Zzz Review đăng lại với sự đồng ý của gia đình cố dịch giả Nguyễn Trung Đức. Bản dịch tác phẩm đã được Phanbook phát hành tháng 12 năm 2018.)
Tôi tới làng Comala vì người ta bảo rằng cha tôi, một Pedro Páramo nào đó, đã từng sống ở đây. Chính mẹ tôi bảo vậy. Tôi đã hứa với bà rằng khi nào bà qua đời tôi sẽ tới thăm ông ta. Tôi nắm lấy tay bà trong cử chỉ hàm chứa lời hứa; bởi vì bà yếu lắm rồi, bà sắp tắt thở, còn tôi sẵn sàng hứa làm tất cả. “Con hãy tới thăm ông ta. – Bà khuyên tôi. – Dù con gọi ông ta thế nào đi nữa, ta tin chắc rằng ông sẽ rất vui khi gặp con”. Vậy là tôi không còn cách nào hơn là hứa sẽ làm đúng như điều bà mong muốn. Vì bà nói quá nhiều về điều đó, nên tôi cũng phải nói hoài đến nỗi sau đó tôi phải vất vả lắm mới gỡ được tay mình khỏi đôi bàn tay chết đã giá lạnh của bà.
Trước đó, bà bảo tôi:
— Con chẳng phải cầu xin ông ta điều gì cả. Con hãy đòi cái phần thuộc chúng ta, cái mà ông ta buộc phải cho mẹ mà chưa bao giờ ông ta cho… Với việc bỏ rơi mẹ con mình, ông ta phải trả giá đắt, có thế thôi con ạ.
— Thưa mẹ con sẽ làm đúng như vậy.
Nhưng tôi vẫn chưa nghĩ tới việc thực hiện lời hứa của mình, mãi cho đến lúc đầu óc bắt đầu mộng mơ, trí tưởng tượng trở nên bay bổng. Dần dà tôi bắt đầu dựng nên một thế giới hy vọng xoay quanh cái ngài được gọi là Pedro Páramo, ấy là chồng của mẹ tôi. Vì thế mà tôi đến làng Comala.
***
Lúc ấy đang trong tiết đại thử, gió tháng Tám, hôi mùi cỏ xà phòng ẩm mục thổi nóng ràn rạt.
Con đường dốc bò lên hoặc trườn xuống: “Bò lên hay trườn xuống hoàn toàn phụ thuộc vào người đang đi trên nó. Đối với người đi ra khỏi làng thì con đường bò lên. Đối với người đang đi vào làng thì con đường trườn xuống”.
— Cái làng ở phía dưới kia gọi là gì, anh bạn có thể cho biết được không?
— Comala, thưa ngài.
— Anh bạn chắc chắn đây đã là làng Comala chứ?
— Đúng thế, thưa ngài.
— Vì sao nó lại có vẻ buồn thế kia?
— Vì nó dãi dầu với nhật nguyệt, thưa ngài.
Tôi mường tượng ra cái làng ấy qua những hồi ức của mẹ tôi, qua nỗi nhớ của bà giữa những tiếng thở dài của bà. Bà thường sống não lòng vì làng Comala, mong ngày về làng nhưng không bao giờ về. Giờ đây tôi trở lại làng thay bà. Tôi nhìn những sự vật này qua lăng kính của bà vì bà đã cho đôi mắt của mình để tôi nhìn: “Khi qua ngọn đèo của những người Colimotes thì ở đó hiện ra quang cảnh ngoạn mục của một bình nguyên xanh với những cánh đồng ngô chín vàng. Rồi từ đó con sẽ thấy làng Comala trắng tuyền màu đất, sáng lung linh trong đêm mờ!” Tiếng nói của bà bí hiểm, gần như thầm thì như thể bà đang nói với chính mình… Mẹ tôi…!
— Ngài đến Comala có việc gì, nếu như ngài có thể nói cho tôi biết được? – Tôi nghe thấy người ta hỏi mình.
— Tôi đến thăm ông cụ nhà tôi, – tôi trả lời.
— À! – Ông ta nói.
Rồi cả hai chúng tôi cùng im lặng.
Chúng tôi đi xuống, vừa đi vừa nghe thấy tiếng chân lừa rộn ràng nện trên mặt đất. Trong cái oi nóng của tháng Tám, những con mắt mệt mỏi vì cơn buồn ngủ như muốn nổ tung ra.
— Sẽ có cuộc vui để mừng ngài, – tôi lại nghe thấy tiếng nói của người đi cạnh mình. – Sau nhiều năm không một ai qua đây, dân chúng sẽ mừng rỡ khi nhìn thấy có người đến làng.
Sau đó y nói thêm:
— Dù ngài là ai đi nữa, dân chúng sẽ mừng rỡ khi trông thấy ngài.
Trong ánh nắng phản chiếu, bình nguyên hiện ra tựa như một cái hồ trong suốt xua tan hơi nước để làm nổi bật đường chân trời xám màu ghi. Phía sau đó là một dải núi. Xa hơn nữa, cõi mông lung muôn thuở.
— Ông cụ thân sinh ngài có đặc điểm gì, nếu như tôi có thể được biết?
— Tôi không được rõ lắm, – tôi trả lời. – Tôi chỉ biết cụ tên là Pedro Páramo.
— À, thế à!
— Vâng, người ta bảo rằng cụ tên là thế đấy.
Tôi lại nghe rõ một tiếng à của người dắt lừa.
Tôi gặp y ở Los Encuentros, một ngã tư đường. Ở đây tôi đang đứng chờ cho tới khi xuất hiện con người này.
— Ông bạn đi đâu đấy? – Tôi hỏi.
— Tôi đi xuống, thưa ngài.
— Ông bạn có biết làng Comala không?
— Tôi đi về đấy đây.
Rồi tôi theo y. Tôi lẽo đẽo theo sau y, định bụng cố nhanh chân để đi ngang hàng với y, cho tới khi y nhận ra tôi đang theo y và thế là y đi chậm lại. Sau đó chúng tôi đi rất gần nhau, gần như là kề vai, sóng vai nhau:
— Tôi cũng là con của cụ Pedro Páramo, – y nói với tôi.
Trên bầu trời trống trải, một đàn quạ bay, kêu “quạ, quạ, quạ”.
Sau khi vượt qua các ngọn núi, chúng tôi ngày một đi sâu xuống. Chúng tôi đã để lại phía sau mình không khí nóng hầm hập ở phía trên và càng ngày ngập sâu trong thứ không khí nóng không có gió. Tất cả dường như đang chờ đợi một cái gì đó.
— Ở đây nóng nhỉ! – Tôi nói.
— Đúng thế, nhưng cái nóng này đã thấm tháp gì, – y trả lời tôi. – Đợi đấy rồi sẽ biết. Ngài sẽ thấy nóng hơn khi chúng ta tới làng Comala. Làng ấy ở trên chốt đống than lửa của trần gian, ở ngay trên miệng của địa ngục. Chỉ cần nói với ngài rằng rất nhiều người ở đây chết khi xuống tới đáy địa ngục thì lại trở về ngay miệng địa ngục lấy cái chăn.
— Ông có quen ngài Pedro Páramo không? – Tôi hỏi.
Tôi dám hỏi như vậy vì thấy trong mắt y có một giọt niềm tin đọng lại.
— Ai vậy? – Tôi lại hỏi.
— Một mối thù nóng bỏng. – Y trả lời tôi.
Rồi y thúc đàn lừa. Đó là một động tác thừa vì đàn lừa hiện đang đi trước chúng tôi khá xa, chúng nối đuôi nhau đi xuống.
Tôi cảm thấy tấm ảnh mẹ cất trong túi áo sơ mi đang đốt nóng trái tim mình, dường như bà cũng đổ mồ hôi. Đó là một tấm ảnh cũ, gián nhấm bốn xung quanh, nhưng nó là tấm ảnh duy nhất tôi được biết. Tôi tìm thấy nó trong tủ nơi nhà bếp. Nó nằm lẫn lộn với những lá tía tô đất khô, những bông hoa Castilla, những cành lá vân hương nhét đầy trong một cái nồi. Từ độ ấy, tôi giữ kỹ nó. Dường như nó cũng là tấm ảnh duy nhất mẹ tôi đã chụp. Bà chúa ghét chụp ảnh. Có lần bà bảo rằng ảnh là sản phẩm của phép phù thủy. Dường như bà nói đúng bởi vì tấm ảnh của bà thủng lỗ chỗ và hơn thế nữa ở bên ngực phía trái tim có một lỗ thủng to bằng đầu ngón tay.
Đó chính là tấm ảnh tôi mang theo, nghĩ rằng nó sẽ giúp cha tôi dễ dàng nhận ra tôi.
— Xin ngài hãy nhìn, – người dắt lừa dừng lại nói với tôi. – Ngài có nhìn thấy cái ngọn núi tựa như cái bóng đái lợn không? Đó, đó, ở phía sau nó một ít thôi là Media Luna. (Giờ đây tôi quay mặt về phía ấy.) Ngài có nhìn thấy đỉnh núi kia không? Hãy nhìn nó kìa. (Và giờ đây tôi lại quay mặt về hướng này.) Ngài có nhìn thấy ngọn núi xa mờ hầu như không nhìn thấy ấy không? Vậy, đó chính là Media Luna từ đầu cho tới cuối đấy. Như người ta thường nói: ngút tầm mắt mới bao quát được tất cả đất đai của vùng này. Cả Media Luna là thuộc quyền sở hữu của ngài Pedro Páramo. Điều đáng tiếc là các bà mẹ chúng ta đã đẻ chúng ta trên những chiếc giường tồi dẫu rằng chúng ta đều là con trai của ngài Pedro Páramo. Điều hài hước hơn cả là chính ngài đã mang chúng ta, từng người một, đến nhà thờ để làm lễ rửa tội. Có lẽ với ngài cũng đã xảy ra điều tương tự chứ!
— Tôi không nhớ rõ.
— Con c…
— Ông bạn nói gì thế?
— Chúng ta đã tới nơi rồi, thưa ngài.
— Đúng thế, tôi cũng tin là như vậy. Cái gì xảy ra ở đây vậy!
— Một con correcaminos[1], thưa ngài. Ở đây người ta gọi tên những con chim ấy như thế.
— Không, tôi có hỏi thế đâu. Tôi muốn được biết về làng này, mà sao nom nó cô quạnh thế, dường như hoang vắng không một bóng người.
— Không phải chỉ là dường như mà trên thực tế là như vậy. Ở đây không có ai sinh sống.
— Thế còn ngài Pedro Páramo thì sao?
— Ngài Pedro Páramo đã chết từ lâu rồi.
Nguyễn Trung Đức dịch
[1] Kẻ lang thang
Bạn nghĩ sao?