Jorge Luis Borges (1899–1986) là một nhà văn chuyên viết truyện ngắn và nhà thơ người Argentina, một nhân vật chủ chốt trong nền văn chương tiếng Tây Ban Nha với những tác phẩm đã trở thành điển phạm của châu Mỹ Latin trong thế kỷ XX. Sách của ông bắt đầu được dịch và xuất bản rộng rãi ở Mỹ và châu Âu sau khi ông được trao giải Prix International cùng Samuel Beckett năm 1961. Danh tiếng quốc tế của ông cũng được củng cố bởi các giải Miguel de Cervantes năm 1969 và giải Jerusalem năm 1971, bên cạnh sự bùng nổ của các nhà văn Mỹ Latin thuộc thế hệ sau trong những năm 1960 và 1970.
“El espejo y la máscara” (“Tấm gương và chiếc mặt nạ”) là truyện ngắn thứ bảy trong tập El libro de arena (Sách cát) do nhà Emecé xuất bản lần đầu năm 1975 ở Buenos Aires.
– Nguyễn Huy Hoàng
Sau trận Clontarf, nơi người Na Uy bị làm nhục, Quốc vương Ái Nhĩ Lan vời quế quán thi nhân của ông ta đến và bảo: “Những chiến công kỳ vĩ nhất cũng bớt phần xán lạn nếu không được rèn giũa trong từ ngữ. Trẫm muốn khanh ngâm chiến thắng của trẫm và khúc ca ngợi trẫm. Trẫm sẽ là Aeneas; khanh sẽ là Virgil của trẫm. Khanh nghĩ mình có thể gánh vác trọng trách này không, biến hai ta thành bất tử?”
“Vi thần tuân lệnh, thưa bệ hạ,” nhà thơ nói. “Thần là Ollan. Suốt mười hai mùa đông thần đã khổ luyện về vận luật. Thần nằm lòng ba trăm sáu mươi truyền thuyết là nền tảng của thi ca đích thực. Những truyền thuyết Ulster và Munster nằm trên dây đàn hạc của thần. Luật pháp cho phép thần tùy nghi vận dụng những từ ngữ cổ xưa nhất và những ẩn dụ phức tạp nhất của ngôn ngữ. Thần đã thuần thục bí mật của sự viết, là thứ bảo vệ nghệ thuật của chúng ta khỏi con mắt phàm phu của kẻ tục tử. Thần có thể ca ngợi tình yêu, những anh hùng trộm gia súc, những cuộc viễn hành, những trận chiến. Thần rành rẽ phả hệ thần thoại của mọi vương tộc Ái Nhĩ Lan. Thần có những hiểu biết về thảo dược học, chiêm tinh học, toán học và giáo luật. Thần đã đánh bại mọi địch thủ trong cuộc tỉ thí công khai. Thần đã rèn thuật châm biếm, là thứ gây ra những bệnh về da, trong đó có bệnh phong. Thần biết cách dùng kiếm, như đã chứng tỏ trong trận chiến của người. Chỉ một điều thần không biết: làm sao để cảm tạ món quà người ban.”
Nhà vua, vốn dễ mệt mỏi trước lối văn tự dài dòng của người khác, nói một cách nhẹ nhõm: “Trẫm biết rõ những điều đó. Trẫm mới hay chim sơn ca đã hót ở Anh. Khi mưa và tuyết qua đi, khi sơn ca trở về từ vùng đất phương Nam, khanh sẽ ngâm những khúc tụng ca trước triều và trước hội tao đàn. Trẫm cho khanh trọn một năm. Khanh hãy đánh bóng từng từ và từng chữ. Phần thưởng, như khanh đã biết, không thể không xứng đáng với điển lệ hoàng gia của trẫm hay những đêm cảm hứng không ngủ của khanh.”
“Tâu bệ hạ, phần thưởng lớn nhất là được thấy long nhan của người,” nhà thơ, cũng là một triều thần, nói.
Y cáo lui, đã thấp thoáng vài câu trong đầu.
Thời hạn đã đến, đó là thời gian của bệnh dịch và những cuộc nổi loạn, y trình bày khúc tán tụng của mình. Y đọc từ tốn và chắc chắn, không liếc nhìn bản thảo lấy một lần. Nhà vua gật gù ưng thuận. Tất cả đều bắt chước cử chỉ của nhà vua, thậm chí cả những người chen chúc ở điện môn, dù không hiểu nổi một từ. Cuối cùng nhà vua cất tiếng.
“Trẫm ghi nhận công sức của khanh. Đó cũng là một chiến thắng. Khanh đã trao cho mỗi từ cái ý nghĩa đích thực của nó và cho mỗi danh từ cái tính ngữ mà các thi nhân xưa đã trao. Không có hình ảnh nào trong khúc tụng ca mà không có gốc gác trong điển phạm. Chiến tranh là tấm mạng đẹp đẽ dệt bằng người và nước của thanh gươm là máu. Biển có những vị thần và mây báo trước tương lai. Khanh đã khéo léo xử lý vần điệu, điệp âm và điệp vận, cường độ, những kỹ xảo của phép hùng biện thâm uyên, sự biến đổi nhịp thơ khéo léo. Toàn bộ văn khố ở Ái Nhĩ Lan có biến mất—cầu cho điều đó đừng bao giờ là thật—cũng có thể khôi phục nguyên vẹn từ khúc tụng ca kinh điển của khanh. Ba mươi viên thư lại mỗi người sẽ sao nó thành mười hai bản.”
Một thoáng im lặng và nhà vua tiếp tục. “Tất cả đều tốt nhưng chưa có gì xảy ra. Trong động mạch máu không chảy nhanh hơn. Không bàn tay nào tìm đến cây cung. Không có khuôn mặt ai bỗng trắng bệch. Không ai thét lên tiếng kêu xung trận, không ai ngực đối ngực với đám Viking. Sau một năm chúng ta sẽ nghênh đón một khúc tụng ca khác, hỡi thi nhân. Như một dấu hiệu cho sự tán thưởng của chúng ta, hãy nhận lấy tấm gương này bằng bạc.”
“Đa tạ long ân, vi thần đã hiểu,” nhà thơ nói.
Các vì sao trên trời trở lại với hành trình sáng rõ của chúng. Một lần nữa sơn ca hót trong những cánh rừng Saxon và nhà thơ quay lại với bản thảo của mình, ngắn hơn lần trước. Y không ngâm nó từ trí nhớ, mà đọc với sự bất an thấy rõ, đôi khi bỏ qua một đoạn như thể y cũng không hiểu hay không muốn làm ô uế những đoạn thơ đó. Bài thơ rất lạ. Nó không phải là một bản mô tả về trận chiến mà nó chính là trận chiến. Trong cái hỗn mang ấy là trận thư hùng giữa Chúa Ba Ngôi mà Một, những vị thần cổ giáo của Ái Nhĩ Lan, và những kẻ sẽ gây chiến hàng trăm năm sau đó ở khởi đầu của Edda. Hình thức cũng không kém phần kỳ dị. Một danh từ số ít đi với một động từ số nhiều. Các giới từ thì xa lạ với văn phạm thông thường. Thô ráp xen kẽ với dịu ngọt. Các ẩn dụ thì tùy tiện hoặc có vẻ như tùy tiện.
Nhà vua trao đổi vài lời với những văn nhân quanh ông và nói: “Khúc tụng ca đầu tiên của khanh trẫm có thể khẳng định là bản tổng hợp thích đáng mọi thứ từng được xướng lên ở Ái Nhĩ Lan. Khúc này vượt lên trên toàn bộ khúc ca trước và còn xóa bỏ nó. Lôi cuốn, diệu kỳ, mê hoặc. Những kẻ vô tri sẽ không xứng đáng với nó, nhưng những kẻ học thức, số ít, thì xứng. Một chiếc hộp ngà sẽ là nơi lưu giữ bản thảo duy nhất. Từ cây bút viết nên một tác phẩm xuất chúng như thế chúng ta vẫn có thể mong đợi một tác phẩm kỳ vĩ hơn.”
Ông nói thêm với một nụ cười: “Chúng ta là những nhân vật trong một truyện kể và nên nhớ là trong truyện kể thì số ba mới là con số đắc thành.”
Nhà thơ cả gan thì thầm: “Ba món quà của phù thủy, những bộ tam và Ba Ngôi không thể bàn cãi.”
Nhà vua nói tiếp: “Như một biểu tượng cho sự chấp thuận của chúng ta, hãy nhận lấy chiếc mặt nạ vàng.”
“Đa tạ long ân, vi thần đã hiểu,” nhà thơ nói.
Một năm nữa trôi qua. Các lính canh cung điện nhận thấy nhà thơ không mang theo bản thảo. Không khỏi ngạc nhiên, nhà vua nhìn y, đã gần như là một người khác. Cái gì đó, không phải thời gian, đã cày xới và biến đổi những đường nét của y. Mắt y như nhìn vào xa xăm hoặc đã bị mù. Nhà thơ xin phép được tâu vài lời với nhà vua. Đám nô nhân rời khỏi điện.
“Khanh chưa viết khúc tụng ca sao?” nhà vua hỏi.
“Thần đã viết,” nhà thơ buồn bã nói. “Nhưng giá Kitô Chúa tể của chúng ta đã ngăn cản thần.”
“Khanh đọc lại đi?”
“Vi thần không dám.”
“Trẫm sẽ cho khanh lòng can đảm khanh cần,” nhà vua tuyên bố.
Nhà thơ đọc bài thơ. Nó chỉ có một dòng. Không dám đọc to nó lên, nhà thơ và vị vua của y nhấm nháp nó, như thể đó là một lời cầu nguyện bí ẩn hay một sự báng bổ. Nhà vua cũng không kém phần sững sờ và rúm ró so với nhà thơ. Hai người nhìn nhau, trắng bệch.
“Ngày trẻ,” nhà vua nói, “trẫm đã giong buồm về phía hoàng hôn. Trên một hòn đảo trẫm đã thấy đàn chó săn bạc cắn chết những con lợn rừng vàng. Trên một hòn đảo khác trẫm đã ăn hương thơm của những quả táo thần. Trên hòn đảo thứ ba trẫm đã thấy những bức tường lửa. Trên hòn đảo xa xôi nhất trong tất cả có một dòng sông vắt qua bầu trời và trong dòng nước đầy tôm cá với thuyền bè. Đó là những điều kỳ diệu, nhưng không so được với bài thơ của khanh, nó bằng cách nào đó đã ôm trọn tất cả. Thần thông nào đã trao nó cho khanh?”
“Lúc bình minh,” nhà thơ nói, “thần tỉnh dậy nói những lời ban đầu thần không hiểu. Những lời ấy là một bài thơ. Thần cảm thấy như mình đã phải tội, có lẽ là tội lỗi mà Chúa Thánh Linh sẽ không tha thứ.”
“Tội lỗi mà chúng ta giờ đã cùng phạm phải,” nhà vua nói thầm. “Tội lỗi vì đã biết đến Cái đẹp, một món quà con người bị cấm đoán. Bây giờ chúng ta phải chuộc tội. Trẫm đã ban cho khanh một tấm gương và một chiếc mặt nạ vàng; đây là món thứ ba, cũng là món quà cuối.”
Ông đặt một con dao vào tay phải nhà thơ.
Về nhà thơ, chúng ta biết rằng y đã tự sát sau khi rời cung điện; về nhà vua, ông ta giờ là một gã ăn mày lang thang trên những con đường xứ Ái Nhĩ Lan, nơi một thời là vương quốc của ông ta, và ông ta chưa một lần nhắc lại bài thơ nọ.
Nguyễn Huy Hoàng dịch
(Bài viết thuộc Zzz Review số 4, 20-1-2019)
Người góp chữ
Nguyễn Huy Hoàng
Là một dịch giả và nhà thơ. Anh sống, chăn lợn, và trồng cây trên sườn một ngọn núi lửa không tên ở Werhoneshire.
Leave a Reply