Horacio Quiroga (1878-1937) là bậc thầy truyện ngắn nổi tiếng thế giới người Uruguay. Truyện ngắn của ông thường được coi là mẫu mực cho thể loại này trong văn học Mỹ Latinh. Quiroga vốn là người đọc và chịu ảnh hưởng lớn của Edgar Allan Poe nên các câu chuyện của ông thường tập trung vào những yếu tố siêu nhiên, thần bí, và luôn pha trộn một nồng độ đậm đặc yếu tố kinh dị và điên rồ. Ông gây ảnh hưởng lớn trường phái hiện thực kỳ ảo mà đại diện là Gabriel García Márquez.
– Zét Nguyễn
Bốn đứa con trai đần độn của vợ chồng Mazzini-Ferraz ngồi trên băng ghế ngoài hiên suốt cả ngày. Lưỡi thè lè, mắt đờ đẫn và miệng há hốc mỗi khi quay đầu.
Nền hiên làm bằng đất nén, ngăn cách với phía tây bằng một bức tường gạch. Băng ghế được đặt song song cách bức tường khoảng mét rưỡi, và bốn đứa cứ ngồi yên đấy, ánh mắt dán chặt lên những viên gạch. Khi mặt trời dần khuất bóng và biến mất đằng sau bức tường, chúng mới thường cảm thấy vui sướng. Ánh sáng chói mắt luôn là thứ đầu tiên thu hút sự chú ý của chúng, mắt chúng sáng lên từng chút một, và cuối cùng, chúng cất tiếng cười điên dại, đứa nào cũng như bị nhiễm cùng cái cảm giác vui mừng phấn khích đó khi nhìn chằm chằm vào mặt trời xế chiều với niềm vui như con thú nhìn thấy con mồi, như thể mặt trời là một món ngon hấp dẫn.
Những khi khác, vẫn ngồi thành hàng trên băng ghế, chúng ngâm nga lầm rầm không dứt trong hàng tiếng đồng hồ, bắt chước âm thanh của chiếc xe đẩy. Cũng có khi những tiếng ồn ào khiến chúng giật mình bừng tỉnh và rồi chạy vòng quanh hàng hiên, tự cắn lưỡi mình rồi gào lên như mèo. Nhưng hầu hết thời gian chúng chỉ ngồi đó đờ đẫn cả ngày trời, đôi chân bất động và dãi dớt nhỏ ướt hết quần.
Đứa lớn nhất mười hai tuổi và đứa nhỏ nhất lên tám. Bộ dạng nhếch nhác và bẩn thỉu của chúng là minh chứng rõ ràng cho việc thiếu bàn tay chăm sóc của người mẹ.
Tuy vậy, bốn đứa trẻ đần độn này đã từng là nguồn vui của bố mẹ chúng. Sau khi kết hôn được ba tháng, Mazzini và Berta đã hướng thứ tình yêu nam nữ ích kỷ của hai vợ chồng tới một tương lai quan trọng hơn: một đứa con trai. Đối với hai con người đang yêu, còn hạnh phúc nào lớn hơn sự thánh hóa thiêng liêng ở một thứ tình cảm đã được giải phóng khỏi tính ích kỷ đê hèn của tình yêu vô mục đích và – với tình yêu thì còn gì tệ hơn – một tình yêu không chút mảy may hy vọng tái sinh?
Mazzini và Berta đã nghĩ như vậy, và rồi sau mười bốn tháng kết hôn, con trai đầu lòng của họ chào đời. Họ cảm thấy mình đã được hạnh phúc trọn vẹn. Đứa trẻ lớn lên, khỏe mạnh rạng rỡ, trong một năm rưỡi. Nhưng rồi vào một đêm khi được hai mươi tháng, cậu bé bị những cơn co giật khủng khiếp hành hạ. Buổi sáng ngày hôm sau, nó đã không còn nhận ra bố mẹ mình. Vị bác sĩ khám cho cậu rõ ràng có ý định tìm kiếm nguyên nhân căn bệnh ở phía bố mẹ.
Sau vài ngày, những chi bị liệt của đứa trẻ dần hồi phục, nhưng tâm hồn nó, sự thông minh, thậm chí là cả phần bản năng con người, đã vĩnh viễn biến mất. Thằng bé nằm trong lòng mẹ, một đứa bé đần độn, ngớ ngẩn, tật nguyền, tiêu tùng toàn tập.
“Ôi con trai, con trai yêu quý nhất đời mẹ!” Berta nức nở vì đứa con đầu lòng nay đã thân tàn ma dại.
Người cha lặng lẽ đưa vị bác sĩ ra ngoài.
“Tôi có thể nói ngay với anh, tôi nghĩ trường hợp này hết hy vọng rồi. Thằng bé có thể khá lên, có thể học hành được đến mức sự đần độn của nó cho phép, nhưng chỉ đến thế thôi. Không hơn.”
“Vâng! Vâng…!” Mazzini đồng tình. “Nhưng xin ông cho tôi biết, ông có nghĩ vấn đề nằm ở việc di truyền không, kiểu như…”
“Nếu xét đến mặt di truyền, tôi đã nói với anh những gì tôi nghĩ ngay khi nhìn thấy thằng bé rồi. Còn về phía người mẹ, một bên phổi của cô ấy có vẻ không được tốt lắm. Tôi không thấy vấn đề gì khác nữa, nhưng hơi thở của cô ấy có phần nặng nề. Anh hãy cho vợ đi kiểm tra toàn diện đi.”
Tâm hồn bị giày vò vì tội lỗi, Mazzini dồn hết tình yêu cho đứa con trai, đứa trẻ ngốc nghếch đang phải trả giá cho sự khác thường của người ông của nó. Đồng thời, anh vẫn phải an ủi, không ngừng động viên một Berta đang đau đớn tột độ trước thất bại của việc làm mẹ.
Và lẽ đương nhiên, cặp đôi đặt tất cả tình yêu và niềm hy vọng vào một đứa con trai nữa. Một bé trai khác được sinh ra. Sức khỏe và tiếng cười trong trẻo của nó lại nhen lên niềm hy vọng đã tắt của hai vợ chồng. Nhưng đến tháng thứ mười tám, những cơn co giật giống đứa con đầu lại lặp lại, và khi đứa con trai thứ hai thức dậy vào buổi sáng hôm sau, nó cũng đã trở thành đứa bé đần độn.
Lần này, hai vợ chồng lâm vào tuyệt vọng cùng cực. Dòng máu và tình yêu của họ đã bị nguyền rủa. Là tình yêu của họ! Người chồng, hai mươi tám tuổi, người vợ, hai mươi hai, và tất cả sự yêu thương tha thiết ấy cũng không thể tạo ra được một đứa con bình thường. Họ không còn đòi hỏi nó phải xinh đẹp hay thông minh như mong đợi với đứa con đầu. Họ chỉ cần một đứa con trai, một đứa con trai như bất kỳ đứa trẻ nào khác!
Thảm họa xảy ra lần thứ hai này đã thổi tới ngọn lửa mới cho tình yêu đầy đau đớn, khát khao điên rồ rằng thêm một lần nữa thôi và mãi mãi, tình yêu sâu sắc và thiêng liêng của họ sẽ bù đắp tất cả. Một cặp sinh đôi chào đời, và từng bước từng bước, quá khứ của hai người anh trai lại lặp lại với chúng.
Nhưng dù cho có như vậy, vượt lên trên sự cay đắng tột cùng, Mazzini và Berta vẫn dành tình yêu thương lớn lao cho bốn cậu con trai. Những đứa trẻ phải vùng vẫy và vật lộn để không bị mất đi phần “con” nhất, phần bản năng nhất, chứ không phải phần hồn, phần “người” nữa, vì thứ đó đã thật sự mất rồi. Chúng không biết nuốt, đi lại hay thậm chí là cả ngồi dậy. Đến khi rốt cuộc cũng biết đi, chúng lại luôn đâm phải đồ đạc vì không có chút nhận biết nào đối với chướng ngại vật. Khi được tắm rửa, chúng sẽ kêu meo meo hoặc gừ gừ cho tới khi mặt đỏ ửng. Chúng chỉ có chút sinh khí khi có thức ăn, khi nhìn thấy những màu tươi sáng hoặc khi nghe tiếng sấm. Khi chúng cười, tiếng cười vang vọng với chút lạnh lùng của loài thú, lưỡi thè lè và nước miếng phun ra thành sông. Bù lại, chúng cũng có khả năng bắt chước ở một mức độ nhất định, nhưng chỉ vậy không hơn.
Những tưởng cặp sinh đôi sẽ là điểm cuối cho thế hệ hậu duệ kinh khủng đó. Vậy nhưng sau ba năm, Mazzini và Berta một lần nữa lại khát khao có thêm một đứa con, tin rằng quãng thời gian nghỉ dài như vậy đã đủ để làm nguôi đi số mệnh của họ.
Nhưng niềm hy vọng đã không thành hiện thực. Mong đợi rồi tức giận ghê gớm vì số phận trêu ngươi, người chồng và người vợ ngày càng thấy cay đắng và gay gắt với nhau. Cho tới lúc này, cả hai đều đã nhận trách nhiệm phần mình trong sự khốn khổ mà những đứa con gây ra. Nhưng mặc cảm tội lỗi vì sinh ra bốn đứa con tật nguyền khiến họ khát khao chuộc tội đến tuyệt vọng, cuối cùng, sinh ra một thứ nhu cầu mạnh mẽ là buộc tội đối phương mang thứ gen di truyền thấp kém.
Mọi chuyện bắt đầu với việc thay đổi cách sở hữu: các con của anh, các con của cô. Và vì họ vốn định gài bẫy nhau, cũng như xúc phạm nhau, bầu không khí bắt đầu thay đổi.
“Anh thấy,” Mazzini vừa mới bước vào và đang rửa tay, nói với Berta, “em nên giữ cho các con sạch sẽ hơn mới phải.”
Cứ như không nghe thấy chồng nói gì, Berta tiếp tục đọc sách, sau một hồi mới đáp lại.
“Đây là lần đầu tiên em thấy anh quan tâm đến tình trạng của các con anh đấy.”
Maz quay lại và mỉm cười miễn cưỡng, “Anh nghĩ là con của chúng ta chứ.”
“Được rồi, con của chúng ta. Đấy là cách nói anh thích chứ gì?” cô trợn mắt.
Lần này Mazzini nói thẳng thừng.
“Chắc em không định nói lỗi là tại anh chứ, phải không?”
“Không, không!” Berta tự cười mình, mặt tái xanh. “Nhưng cũng không phải tại em, em đoán vậy! Đấy là tất cả những gì em cần…” cô lẩm bẩm.
“Sao cơ? Cái gì mới là tất cả những gì em cần?”
“Ừ thì, nếu nhất định phải là lỗi của ai đó thì đó không phải của em, anh chỉ cần nhớ thế! Thế thôi, ý em là vậy đấy.”
Người chồng nhìn cô trong giây lát và bùng lên ý hung ác muốn đánh cô.
“Thôi bỏ đi!” cuối cùng anh nói, lau khô tay.
“Được thôi, nhưng nếu ý anh là …”
“Berta!”
“Được rồi!”
Đây chính là xung đột đầu tiên, và kéo theo vô số lần khác sau đó. Nhưng trong những lần hòa giải tất yếu sau đó, tâm hồn cả hai lại đều thấy háo hức và vui sướng khi nghĩ đến một đứa con nữa.
Vậy là một bé gái chào đời. Suốt hai năm qua, sự giận dữ bực bội luôn thường trực với Mazzini và Berta, cả hai cứ canh cánh về một thảm họa nữa sẽ đến. Nhưng nó đã không xảy ra, và cặp đôi dành hết sự yêu chiều cho đứa con gái, khiến nó trở thành một đứa trẻ hư hỏng và cư xử rất tồi tệ.
Mặc dù trong những năm vừa qua, Berta vẫn tiếp tục chăm sóc cho bốn đứa con trai, nhưng sau khi sinh Bertita, cô gần như đã bỏ mặc chúng. Chỉ việc nghĩ đến chúng thôi cũng khiến cô hoảng sợ, giống như nghĩ đến một hành động ác độc nào đó mà cô đã bị ép buộc phải thực hiện. Mazzini cũng vậy, dù ở mức độ nhẹ hơn.
Tuy nhiên, tâm hồn họ không hề được bình yên. Bởi nỗi sợ đánh mất con lần nữa, sự khó chịu nhỏ nhất của cô con gái bây giờ cũng gây ra những bực bội và cáu gắt như những gì mấy đứa con tật nguyền kia khiến họ phải chịu đựng. Sự bực bội đã tích tụ quá lâu tới mức chỉ cần chạm nhẹ, cả người họ cũng sẽ phun trào nọc độc. Ngay từ lúc Mazzini và Berta cãi nhau lần đầu, họ đã chẳng còn tôn trọng nhau, và nếu có bất cứ điều gì khiến người ta thấy thích thú với những thành tựu tàn ác thì đó chính là sự miệt thị người khác. Trước đây họ còn phải kiềm chế vì đó là những thất bại chung, nhưng giờ đã có một kết quả thành công, mỗi người lại càng cho rằng bốn ca thất bại kia là do đối phương ép buộc mình.
Với những cảm xúc như vậy, cặp đôi không còn chút yêu thương khả dĩ nào dành cho bốn cậu con trai. Người giúp việc thay quần áo cho chúng, cho chúng ăn, đưa chúng đi ngủ bằng sự bạo lực khủng khiếp. Bà ta gần như chưa bao giờ tắm cho chúng. Bốn đứa trẻ dành cả ngày đối mặt với bức tường, không nhận được bất kỳ điều gì dù chỉ như một cái vỗ về.
Vậy là cũng đến ngày Bertita tổ chức sinh nhật lần thứ tư. Đêm đó, con bé lên cơn sốt nhẹ vì những thứ đồ ngọt nó nằng nặc đòi ăn cho bằng được. Nỗi sợ nhìn thấy con qua đời hoặc trở thành đứa trẻ đần độn một lần nữa lại ngoác ra trên miệng những vết thương luôn hiện hữu.
Họ không nói gì với nhau trong suốt ba tiếng đồng hồ, và như thường lệ, việc đi lại như chong chóng của Mazzini đã châm ngòi cho cuộc tranh cãi.
“Trời ạ! Anh không đi chậm lại được à? Đã bao nhiêu lần…”
“Được rồi, anh quên. Anh dừng lại đây. Anh có cố tình làm thế đâu.”
Cô cười, khinh khỉnh.
“Không, không, tất nhiên em không nghĩ anh như thế!”
“Và anh cũng chưa từng nghĩ em như thế… Ghê tởm!”
“Cái gì? Anh vừa nói cái gì?”
“Chẳng có gì cả!”
“Không, có đấy, tôi đã nghe anh nói gì đấy! Nghe cho rõ đây, tôi không biết anh nói cái gì, nhưng tôi thề tôi mà là anh thì không bao giờ tôi mong có một ông bố như ông bố của anh!”
Mặt Mazzini trắng bệch.
“Rõ rồi nhé!” anh lầm bầm qua kẽ răng nghiến chặt. “Cuối cùng cũng rõ rồi nhé, đồ rắn độc, cuối cùng cô cũng nói ra điều cô muốn nói!”
“Phải, phải, rắn độc! Nhưng bố mẹ tôi khỏe mạnh, anh nghe rõ chưa? Khỏe mạnh! Bố mẹ tôi không chết vì mê sảng và điên loạn! Tôi đã có thể có con trai như bất kỳ ai khác! Đấy là con trai của anh, bốn đứa đó là con trai của anh!”
Đến lượt Mazzini bùng nổ.
“Đồ rắn độc ghê tởm! Tôi đã nói thế đấy, tôi muốn nói với cô như thế đấy! Hỏi ông ấy xem, hỏi bác sĩ xem ông ấy nói là tại ai mà con trai cô bị viêm màng não: tại bố tôi hay cái phổi thối nát của cô! Đúng là đồ rắn độc!”
Họ tiếp tục cao giọng cãi nhau cho đến khi tiếng rên của Bertita ngay lập tức khiến cả hai ngưng bặt. Đến một giờ sáng, chứng khó tiêu dạng nhẹ của đứa trẻ đã biến mất, và, như chuyện không tránh khỏi thường xảy ra với các cặp đôi mới cưới mà vẫn yêu nhau sâu đậm, thậm chí chỉ trong giây lát, hai người đã giải hòa, lại càng dạt dào da diết vì đã xúc phạm nhau nặng nề.
Bình minh huy hoàng hé rạng, khi thức dậy, Berta đã nôn ra máu. Rõ ràng, những cảm xúc và trải nghiệm buổi đêm qua chính là nguyên nhân. Mazzini ôm vợ trong vòng tay một hồi, và Berta khóc trong tuyệt vọng nhưng không ai nói lấy nửa lời.
Đến mười giờ, họ quyết định sẽ đi ra ngoài sau bữa trưa. Vì thời gian chẳng còn mấy nên họ bảo người giúp việc đi thịt một con gà mái.
Thời tiết đẹp cũng khiến bốn đứa ngốc không muốn ngồi ì trên băng ghế quen thuộc. Khi người giúp việc đang cắt tiết gà trong bếp, máu chảy ra từng giọt từng giọt (Berta đã học được cách này từ mẹ mình, đảm bảo sự tươi ngon của những thớ thịt), bà ta nghĩ mình cảm nhận được thứ gì đó đang hít thở đằng sau mình. Bà quay đầu lại và nhìn thấy bốn đứa kia, đứng dàn hàng ngang và theo dõi quá trình vừa rồi với ánh mắt đờ đẫn u mê. Màu đỏ… màu đỏ…
“Señora! Lũ trẻ ở trong bếp đây này!”
Berta ngay lập tức xông vào, cô không bao giờ muốn lũ trẻ đặt chân vào bếp, thậm chí ngay cả khi trong những lúc thấy tâm hồn được cứu rỗi, đầu óc lơ lửng đãng trí hay tìm thấy lại được niềm hạnh phúc, cô cũng không thể tránh được cảnh tượng kinh hoàng này! Bởi như lẽ tự nhiên, cô càng yêu chồng và con gái bao nhiêu thì lại càng ghét bỏ nguyền rủa những con quái vật kia bấy nhiêu.
“Đưa chúng ra khỏi đây, María! Ném chúng ra ngoài! Ném chúng ra, tôi đã bảo chị rồi!”
Bốn con thú con tội nghiệp run rẩy và bị xua đuổi tàn nhẫn, quay trở lại băng ghế của mình.
Sau bữa trưa, tất cả mọi người đều ra ngoài. Người giúp việc đi tới Buenos Aires còn cặp đôi và đứa con gái đi dạo quanh mấy nhà gần đấy. Khi họ quay lại thì mặt trời đã sắp lặn, Berta vẫn muốn nói chuyện thêm một lúc với mấy người hàng xóm họ tình cờ gặp trên đường. Cô con gái nhanh chóng chạy về nhà.
Trong khi đó, những đứa ngốc kia vẫn chưa hề di chuyển khỏi băng ghế suốt cả ngày. Vầng mặt trời đã đi qua bức tường, bắt đầu khuất dần về phía sau trong khi chúng vẫn tiếp tục nhìn chăm chăm vào đó, trông thảm hại hơn bao giờ hết.
Bỗng nhiên, có thứ gì đó bước đến ngay giữa tầm nhìn của chúng và bức tường. Đứa em gái của chúng, mệt mỏi sau năm tiếng đồng hồ ở bên bố mẹ, muốn một mình đi lang thang một chút. Con bé dừng lại ở chân tường và nhìn chăm chú lên đỉnh bức tường. Chắc chắn nó muốn trèo lên. Cuối cùng nó chọn một chiếc ghế đã mất phần đệm ngồi nhưng vẫn không thể với tới. Sau đó, nó nhặt một cái hộp dầu hỏa, và với khả năng đánh giá không gian khá tốt, đặt cái hộp ngay ngắn phía trên cái ghế, và nó đã thành công.
Bốn đứa ngốc kia, thờ ơ quan sát cách đứa em gái giữ được thăng bằng và đang nhón chân để nghển cổ lên phía trên bức tường với hai cánh tay đang vươn ra hết cỡ. Chúng nhìn con bé loay hoay tìm chỗ đặt chân để vươn lên cao hơn.
Cái nhìn của lũ đần độn bỗng như sống dậy, ánh mắt quyết liệt hiện rõ trong tám con ngươi. Mắt chúng không rời khỏi đứa em gái trong khi cảm giác thèm khát đầy ác độc dần khiến khuôn mặt chúng biến dạng. Chầm chậm, chúng tiến về phía bức tường. Cô bé vừa mới tìm được chỗ để chân, đang định giạng chân kia sang bên kia bức tường và thể nào cũng sẽ ngã về bên đó, bỗng thấy một chân mình bị chụp lấy. Bên dưới, tám con mắt đang nhìn chằm chằm khiến con bé sợ hãi.
“Buông ra! Thả em ra!” con bé hét lên, lắc chân thật mạnh nhưng nó đã bị tóm.
“Mẹ! Mẹ ơi! Mẹ ơi! Bố ơi!” con bé gào thét vùng vẫy. Nó cố ngồi yên và bám lấy thành tường nhưng bị kéo xuống và ngã nhào.
“Mẹ ơi, mẹ…” Con bé không thể kêu nữa. Một trong bốn thằng bé đã kẹp cổ nó, túm lấy những lọn tóc xoăn của nó như thể chúng là những chiếc lông gà, và ba thằng còn lại cầm một chân nó lôi về phía nhà bếp, nơi sáng nay con gà đã bị cắt tiết. Con bé bị kẹp chặt cổ, hơi thở mỗi lúc yếu dần yếu dần.
Mazzini, đang ở nhà hàng xóm bên kia đường, nghĩ hình như mình nghe thấy tiếng con gái đang gọi.
“Anh nghĩ con đang gọi em đấy,” anh nói với Berta.
Họ căng thẳng lắng nghe nhưng chẳng nghe thấy gì thêm nữa. Dù vậy, họ vẫn chào tạm biệt hàng xóm ngay sau đó, và, trong khi Berta vào nhà cất mũ, Mazzini đi ra hiên.
“Bertita!”
Không ai trả lời.
“Bertita!” Anh gọi lại bằng thứ giọng đã hơi run run.
Sự im lặng quá tang tóc với trái tim vốn luôn sợ hãi của anh. Một linh cảm khủng khiếp khiến anh lạnh xương sống.
“Con gái tôi! Con gái tôi!” Anh chạy như điên ra phía sau ngôi nhà, nhưng khi đi qua nhà bếp, anh đã thấy một biển máu lênh láng trên sàn. Anh đẩy mạnh cánh cửa đang nửa đóng nửa mở và hét lên một tiếng kinh hoàng.
Berta, khi nghe tiếng gọi con đầy bất an của chồng cũng đã bắt đầu chạy tới, hét gọi. Khi cô định nhào vào nhà bếp, Mazzini như đang nổi cơn điên, đứng chắn ở ngưỡng cửa và ngăn cô lại.
“Đừng vào! Đừng vào!”
Nhưng Berta đã thấy sàn nhà lênh láng máu. Cô chỉ kịp hét lên một tiếng thất thanh, đưa cánh tay lên ôm lấy đầu, dựa vào chồng và cả người trượt dần xuống sàn.
Chiêu Dương dịch
(Bài viết thuộc Zzz Review số 4, 20-1-2019.
Đã được đăng lại trên tạp chí Nhà văn & Tác phẩm số 34, 2019.)
Người góp chữ
Chiêu Dương
Tức Thu thơ thẩn.
Leave a Reply