
Bùi An Bình
Đọc Bernhard luôn có liên tưởng về một người sơn nền nhà. Người đó lê chổi sơn tới tất cả mọi hóc hẻm trong căn phòng, và đến cuối cùng, tự nguyện nhốt chính mình vào một góc phòng, hai chân đứng trên diện tích tối thiểu sơn chưa quét tới, và để rốt ráo, tự quét sơn lên chính mình, chấp nhận mọi sự khó chịu nhất để hạ nhục bản thân. Dường như tất cả những hằn học nhằm vào người khác chỉ là nền để sỉ vả bản thân, rằng: anh thậm tệ ghê tởm cùng cực nhưng tôi còn buồn nôn hơn cả anh.
Trong một bài viết trước đây cũng ở trên Zzz Review, tôi từng nói mình yêu thích Linda Lê thế nào. Ở chị thỏa mãn nhiều thứ tôi vẫn chờ đợi bấy lâu: một dạng văn chương triền miên, dằn vặt không xuống dòng và hạn chế hội thoại hết mức, mang cho ta cảm giác yên thân. Thế nên phải biết tôi sung sướng ra sao khi gặp Thomas Bernhard, đỉnh cao mà chị vươn tới.
Tuy nhiên, đọc Bernhard luôn có những lúc phải quẳng sách vì ngán tận cổ. Đốn hạ là cuốn thứ hai của Bernhard mà tôi đọc, sau Diệt vong – cuốn cũng làm tôi mất thời gian vì phải bỏ mứa mấy lần. Ở Đốn hạ, với lối viết nhai đi nhai lại đặc trưng của văn học hậu hiện đại, nửa đầu cuốn sách tôi đã bao lần phải cười sặc và quả quyết sách nên đổi tên thành: “Ngồi trên ghế bành tôi nghĩ bụng”. Rất may, sau đó mọi sự thay đổi.
Thành thực mà nói ngay từ Diệt vong, tôi đã không có quá nhiều ấn tượng. Tất nhiên tôi thích lối hành văn của Bernhard, hâm mộ cách ông không ngại va chạm, nhưng ở nó dường như vẫn thiếu một thứ mơ hồ mà người ta gọi là tư tưởng, hay chính xác hơn, một tư tưởng rõ rệt, thứ có vẻ nên là viên kim cương trên vương miện của Bernhard bởi văn của ông không thuộc loại “ân phước thẩm mỹ”, như Nabokov nói.
Nhìn thoáng qua (trong con mắt của cá nhân tôi), Diệt vong có vẻ lại hơn luôn Đốn hạ. Đầu tiên, dễ thấy là ở vẻ ngoài đồ sộ hơn. Sau nữa, Diệt vong đánh tới khu vực nhạy cảm nhất, là gia đình, tức bố mẹ đẻ ra mình, anh em lớn lên cùng mình, lại ngay giữa tang gia; trong khi đó, Đốn hạ đơn giản là nhắc tới những người bạn trong giới nghệ thuật. Và quả thật, đọc hết phần “ngồi trên ghế bành tôi nghĩ bụng”, tôi vẫn thấy Đốn hạ không có gì quá bất ngờ, dù vẫn luôn thú vị (kèm những lúc chán không buồn chết). Rồi đột ngột, nhân vật thức tỉnh và văn chương thăng hoa theo! Một người quẫy đạp trong hang nước đột nhiên tìm thấy một điểm sáng để ngoi lên. Từ viên kim cương sáng chói này, ta bỗng nhìn lại toàn bộ cái vương miện và thấy Bernhard đã dày công dựng nền móng cho nó như thế nào, để cuối cùng, hoàn thiện làm ta lóa mắt. Chính từ đây, tôi đánh giá Đốn hạ là cuốn sách của năm của tôi, thay vì những kiệt tác mọi thời đại của Dostoevsky, những bất ngờ thời đại của Thomas Pynchon hay Joseph Heller, thuyết giống nòi của Carl Jung hay tinh thần “khổ dâm” kiểu Nietzsche… dù tất nhiên, so sánh ở đây là điều khập khiễng.
Đốn hạ xuất bản lần đầu năm 1984 ở Đức. Đây là cuốn thứ hai trong bộ ba về nghệ thuật của Bernhard (trước đó là Kẻ thua cuộc (Der Untergeher, tạm dịch) về âm nhạc và sau đó là Các bậc thầy già (Alte Meister) về hội họa), tập trung vào nhà hát kịch và từng gây náo động rồi bị cấm tại Áo khi một số người nhận ra họ trong câu chuyện.
Bối cảnh là một buổi dạ yến nghệ sĩ mà nhân vật tôi rất chán ghét nhưng cuối cùng không hiểu vì sao vẫn đến (và đến sớm). Nhân vật này, như đã nói ở trên, dành quá nửa thời gian “ngồi trên ghế bành tôi nghĩ bụng”. Ông này nghĩ cái gì? Nghĩ đến những thứ ghê tởm, ô uế nhất của các nghệ sĩ đêm đó. Giống như hạ Goethe trong Diệt vong, các nhân vật bị Bernhard sỉ nhục lần này đều đáng ngưỡng mộ theo quan điểm chung (được phong hàm giáo sư, trao huân chương danh dự, tranh treo ở bảo tàng, nghệ sĩ hàng đầu ở nhà hát kịch hàng đầu,…). Bản thân nhân vật tôi cũng từng hâm mộ cuồng nhiệt những người này.
Thú vị nhất trong yến tiệc lại chính là nhân vật tôi. Nhân vật này có đầy đủ những mối nguy hiểm theo kiểu Schopenhauer: một là bị xã hội xa lánh (người này ngồi một mình trên ghế bành gần cửa ra vào, cảm nhận sự ghét guổng mà mọi người trong phòng nhạc nhằm vào mình), hai là hoài nghi (giống như ở Diệt vong, nhân vật tôi trong Đốn hạ luôn chạy từ góc nhìn này sang góc nhìn kia, thường là đối nghịch, về cùng một vấn đề và sau rốt, cũng chẳng biết đâu là sự thật), ba là suy đồi đạo đức (như đã nói, sau khi chửi người khác hết mình, nhân vật này thừa nhận mình tởm lợm hơn cả).
Sau khi chuyển từ ghế bành với những miên man thù hằn về quá khứ, nhân vật này chuyển sang ghế ăn với những cái nhìn ác cảm về hiện tại. Ở đây, khi đối diện với người sống và các câu chuyện sống, truyện trở nên sinh động hơn (dẫn tới dễ đọc hơn). Tuy vậy, cơ bản tới đây truyện vẫn mang không khí một người buồn ngủ kể chuyện. Chỉ tới những trang cuối cùng, khi bỗng nhiên nhân vật chính bị chế giễu thức tỉnh, kéo theo sự thức giấc của nhân vật tôi, kim cương mới hé lộ: lão diễn viên nhà hát kịch Burgtheater đứng dậy định bỏ đi nhưng cuối cùng quyết định ném vào mặt toàn bộ những người ở buổi yến tiệc rằng lão chán ghét các buổi yến tiệc thế này, chán ghét vinh quang của diễn viên nhà hát kịch Burgtheater mà lão hết sức huênh hoang tự hào ít phút trước đó, lão chỉ muốn được yên thân, vào rừng sống và đốn hạ cây rừng.
Thật thú vị, hết sức thú vị! Tỉnh cả ngủ, cười đau cả bụng. Trước đó, những màu mè giả tạo trong giới trí thức hàng đầu thành Vienna đã hết sức nực cười nhưng dù gì, vẫn còn an toàn trong vỏ bọc giả tạo. Bây giờ, nó chính thức bị người trong cuộc, kẻ được tôn vinh hàng đầu, chọc vỡ, chảy ra toàn những ung mủ tanh tưởi. Chưng hửng làm sao, bẽ bàng làm sao.
Sống hiện sinh, chủ nghĩa cá nhân, tự luyến… là điều phần đa giới mọt đều không xa lạ. Tất cả đều được cô đúc rất dễ thấy trong phần đa các cuốn triết về hiện sinh. Nhưng triết học chỉ là những con dao sắc bén còn văn học đáng sợ hơn, là thứ dẫn dụ con người tới cảnh cầm con dao cắt cổ mình. Đó là lý do tôi chọn Đốn hạ là cuốn sách của năm 2018. Có nhiều thứ ta thấy rõ nhưng vẫn luôn nghĩ nó là thứ xa vời, không liên quan tới mình, nhưng hóa ra không phải vậy. Với Đốn hạ, Bernhard không chỉ sơn chính mình và bạn bè, mà cơ bản, bôi tro trát trấu lên tất cả những ai đọc cuốn sách, cười khả ố lên tất cả những độc giả bị ông ta lỡm rơi vào cảnh bẽ bàng. Cuốn sách khiến tôi bần thần một hồi. Ra thế, giả tạo, giả tạo từ cấp độ cao nhất tới những hành động nhỏ nhất như đăng status mà cứ tưởng mình hiện sinh lắm. Mà giả tạo chính là thứ kìm hãm sự phát triển của bản thân theo thiên hướng cá nhân. Ta đã bị bao bọc quá kỹ trước những quan điểm giả tạo của xã hội và vì lười biếng, tự ru ngủ mình. Thật chán đời khi ta là diễn viên hàng đầu của nhà hát kịch hàng đầu châu Âu khi mà mơ ước của ta chỉ là được yên thân sống trong rừng. Tất nhiên, những người đang đọc những dòng này, cũng đa phần là phế phẩm, giả dối và ru ngủ bản thân, bất chấp từng kêu gọi đời sống hiện sinh. Và tất nhiên, những lời tôi viết lúc này cũng vẫn chỉ là sáo rỗng, lý thuyết. Cái mọi người cần đọc để hiểu là Đốn hạ.
Ở đoạn cuối, đang đà thăng hoa, Bernhard còn đưa ra hàng loạt quan điểm rất hay ho như về tuổi trẻ và tuổi già, bằng lối viết rõ ràng của kẻ đang cười sằng sặc vào mặt cả thế gian. Rất tiếc, ông luôn làm độc giả thất vọng vào trang cuối cùng. Sách bắt đầu bằng lời trích dẫn rất hay: “Âu cũng vì ta không đủ tài làm con người khôn ngoan hơn, mà ta ưa được sung sướng khi ở xa họ” của Voltaire. Thế nhưng, ở trang cuối, như mọi khi, Bernhard lại rất sến và thỏa hiệp, yêu thương tất cả những gì ông chửi trước đó trong cả cuốn sách. Tại sao lại như vậy? Thất vọng quá sức. Hay đây là đòn cuối cùng của Bernhard để thể hiện mình ghê tởm và giả tạo hơn tất cả những người khác thế nào? Dù sao thì, rất thú vị và không thể đòi hỏi cái tuyệt đối ở đây.
Trên đây là một vài suy nghĩ sau khi đọc Đốn hạ. Tất nhiên không spoil chút nào vì dù Bernhard không phải “ân phước thẩm mỹ” nhưng nghệ thuật đưa đẩy của ông mới là lý do ta đọc cuốn này. Thêm một điều nữa cứ day dứt tôi sau khi đọc cuốn sách này, đó là tại sao ở Việt Nam không tìm được gì của Montaigne, người được rất nhiều người hay ho nhắc tới đầy mến mộ? Đó có vẻ là một nhân vật rất đáng đọc.
(Bài viết thuộc Zzz Review số 4, 20-1-2019.
Đã được đăng lại trên tạp chí Nhà văn & Tác phẩm số 34, 2019.)
Người góp chữ
Bùi An Bình
Một người thích đọc sách nhưng không thích mô tả bản thân.
Bạn nghĩ sao?