
Hai thập niên trở về trước, phê bình văn chương tại Việt Nam thực sự là một công việc đơn giản khi một tác phẩm hay thường gắn liền với một vài cụm từ không mấy đẹp đẽ như “kiểm duyệt”, “cấm xuất bản”, “thu hồi”. Tính thuyết phục của những con chữ ấy còn được tăng lên đáng kể nếu vị tác giả “bị kết án” được thể nghiệm sáng tác trong các không gian mới như: nhà tù, chốn lưu vong hoặc giản đơn là “được” giam lỏng trong căn nhà của họ.
Xét từ thói quen mua sách dựa trên hai tiêu chí đó, tôi có quyền hy vọng vào tuyển tập Lưng rồng – Bóng đè và những truyện mới của Đỗ Hoàng Diệu khi bỗng dưng… cuốn sách ấy biến mất khỏi hệ thống giá sách Việt Nam. Cũng từ lý do trên, tôi muốn thử đọc và phân tích truyện ngắn của Đỗ Hoàng Diệu như một công thức toán (cho dù toán học chưa bao giờ là sở trường của tôi).
Thực tế – một hiện tại đang trải ra dưới mắt tôi (không phải mắt Trương Chính), “con dấu thu hồi” của Cục Xuất bản, in và phát hành đã phần nào giảm giá trị, nhất là trong bối cảnh nghề “phê bình chỉ điểm” dường như đã thất truyền. Ở chiều ngược lại, có nhiều lý do trời ơi đất hỡi ngoài “vấn đề nội dung” khiến một cuốn sách bị thu hồi: sai luật xuất bản, bìa sách phản cảm hay giản đơn là “một quyết định mồm” của ai đó (tác giả và đám buôn sách cũng không ngoại trừ). Và cho dù có bị “cấm”, vẫn còn muôn ngàn tiểu ngạch dẫn tác phẩm văn chương “hay” đến tận tay người đọc.
Tiếng than từ Đỗ Hoàng Diệu cùng những nhà văn ủng hộ bà vì vậy mà kém sang hơn hẳn, nhất là sau khi cuốn tiểu thuyết Lam Vỹ tỏ ra không mấy đắt khách. Tất nhiên, bài viết này không bàn về Lam Vỹ dù phải thừa nhận dường như tiểu thuyết này chỉ là một truyện ngắn “cỡ gồng”. Mặc dù thế, ta vẫn cần nhắc đến Lam Vỹ và nếu cần cả Hầm mộ (qua những nội dung đã được đăng tải trên mạng) để tính ra số lượng cụ thể công việc được Đỗ Hoàng Diệu thực hiện trong suốt nghiệp cầm bút đến nay. Hai tiểu thuyết, mười truyện ngắn được xuất bản xem ra là một con số khiêm tốn với một nhà văn được nhiều kỳ vọng và đang ở độ tuổi sung sức như Đỗ Hoàng Diệu, đặc biệt là đối sánh với người “nổi” cùng thời điểm với bà là Nguyễn Ngọc Tư. Song ở chiều ngược lại, người ta có quyền bấu víu và tin tưởng vào một thứ văn chương đã đạt độ ngấu, phân biệt với loại văn chương “hơn hớn” mà Diệu dè bỉu.
Đáng tiếc, Lưng rồng – Bóng đè và những truyện mới không đáp ứng được kỳ vọng của tôi, người viết. Thái độ tự tin của Đỗ Hoàng Diệu trong những bài phỏng vấn văn chương không che giấu được một sự thật: tuyển tập truyện ngắn của bà (đặc biệt là 5 truyện ngắn lần đầu được công bố) không có sự đột phá. Bản thân nhan đề của tập truyện đã phần nào xác nhận điều đó. Lưng rồng và 4 truyện ngắn mới dường như quá yếu thế để xác quyết cho một sự trở lại, hứa hẹn lột xác trong văn chương Đỗ Hoàng Diệu. Có lẽ vì vậy mà Bóng đè được nhắc đến trong nhan đề tập truyện ngắn này như một “thương hiệu bảo hộ” cho tác phẩm. Nhưng cũng từ lý do đó, các độc giả lần đầu tiếp xúc với văn chương Đỗ Hoàng Diệu có thể dễ dàng đối chiếu giữa Bóng đè với Lưng rồng và những truyện mới (sau đây viết tắt là Lưng rồng), nhất là khi chúng không được sắp xếp theo một thứ tự lịch đại.
Thật vậy, Lưng rồng hay Lam Vỹ, Hầm mộ thực chất chỉ tiếp nối chủ đề lớn mà Đỗ Hoàng Diệu đã ấp ủ, thai nghén để viết nên Bóng đè: thân phận của người đàn bà trong một xã hội nam quyền chật đầy những giáo điều. Trong cái xã hội nam quyền ấy, những người phụ nữ bị ràng buộc trong những quy định khắt khe ngụy trang dưới lớp vỏ là những chuẩn mực đạo đức, truyền thống gia đình, lòng yêu nước, sự sùng đạo v.v… mà thực chất chỉ là các biến dị quái đản từ Nho giáo và suy rộng ra là một thứ Văn hóa Trung Hoa nửa mùa và khuyết tật. Dưới ngòi bút của Diệu, Văn hóa Trung Hoa nam quyền chưa bao giờ ngừng “hãm hiếp” nền văn hóa bản địa Việt Nam mang thiên tính nữ với nạn nhân cụ thể là những thân phận đàn bà. Những toan tính “hãm hiếp” từ phương Bắc được biểu hiện trực diện và quy mô bằng xung đột, chiến tranh giữa hai dân tộc Việt Nam và Trung Hoa từ nhiều đời nay mà dư âm gần gũi nhất chính là “cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía bắc 1979”. Không chỉ vậy, người đàn ông Việt dù “yêu nước nồng nàn, kính trọng dân tộc mình như bố mẹ ông bà tổ tiên” [Lưng rồng, tr10] có đẩy lùi được quân xâm lược phương Bắc, nhưng vẫn bị hấp dẫn, tiêm nhiễm, đồng hóa từ các hệ thống giáo lý Trung Hoa. Chúng biến họ thành những người đàn ông gia trưởng, đa nghi, tham lam và bội bạc, sẵn sàng coi con gái ruột, người vợ, người yêu, người tình như những món hàng hóa không hơn, không kém để đạt được những phồn vinh gia tộc giả tạo cho đến ham muốn xác thịt tầm thường. Giữa “mình và họ”[1] – hai diễn ngôn nam quyền của phương Bắc và phương Nam dường như cũng không thể phân biệt được trong truyện ngắn của Đỗ Hoàng Diệu. Song nếu chỉ có thế thì tại sao phải viết đến 5 truyện ngắn mới khi người ta đã bội thực với thứ văn chương lan man, “minh họa” cho những người đàn bà bị “hãm hiếp” mãi không chừa vậy?
Những biểu tượng giật gân, bối cảnh rùng rợn đồng thời cũng là nhan đề nhiều truyện ngắn của Diệu như “Lưng rồng”, “Bóng đè”, “Lửa đạo”, “Những sợi tóc màu tang lễ”, “Dòng sông hủi” v.v. có lẽ khiến nhiều nhà báo, nhà phê bình và bạn văn của Diệu thích thú. Tôi đoán vậy qua làn sóng bài viết ngợi ca Diệu thu được từ kết quả tìm kiếm về “Lưng rồng”. Có lẽ, Lưng rồng và những truyện ngắn mới sẽ còn nhận được nhiều đánh giá tích cực hơn nữa, nếu không dung chứa “Bóng đè”. Tôi mạnh dạn đoán xét như thế qua việc xem điểm số đánh giá mà độc giả dành cho ba tác phẩm đã xuất bản của Đỗ Hoàng Diệu trên Goodreads: Bóng đè đạt 1.75 điểm, Lưng rồng đạt 3 điểm, Lam Vỹ đạt 3.3 điểm. Theo tôi đó là tín hiệu đáng mừng cho sự trở lại của một nhà văn sau hơn một thập niên tuyệt tích. Càng mừng hơn nữa là sự trở lại ấy cũng không mất công sức đầu tư nhiều lắm khi tác giả chỉ “Ouroboros” lại “Bóng đè” dưới những lớp ngôn từ rối rắm và đồng bóng hơn. “Lưng rồng” đánh dấu một bước tiến lớn trong sự phát hiện “hung thủ hãm hiếp” người phụ nữ Việt. Sau Nho giáo, Diệu nhận ra Đạo giáo, Phật giáo, Thiên chúa giáo và cả Tà giáo nữa vv đều là những chiếc “bóng đè” lên người đàn bà. Nghe có vẻ buồn cười nhưng tôi là kẻ nói láo có sách. Trong “Lưng rồng”, kẻ giết người – gã thợ xăm hình xác nhận “Tao là cha, là phụ mẫu, đức thánh hiền, là Khổng Tử, Trang Tử, Lão Tử của mày, là trí tuệ, thân xác mày. Đừng kháng cự vô ích”. Trong “Lửa đạo”, người thiếu nữ bị kẹt ở lưng chừng vì những giáo điều từ Cửa Phật và Cửa Nhà Chung đều từ chối nàng và thai nhi bé bỏng. Trong “Linh hồn”, gã đàn ông cho vay linh hồn – kẻ nuôi mèo đen (ám chỉ hình tượng Quỷ Satan?) chính là người đã cướp đi sinh mạng của người phụ nữ yêu chồng sau khi tha hóa chị thành một kẻ dâm dục. Bởi những kẻ thù mạnh như vậy, nội dung, motip 10 truyện ngắn của Diệu gần như không có sự khác biệt.
Nếu trút bỏ đi lớp vỏ hình thức, đặc biệt là sự bạo liệt của những chi tiết tính dục, cốt truyện được Diệu duy trì trong 10 truyện ngắn có thể viết gọn lại trong một công thức như sau: người con gái đẹp (người viết nhấn mạnh) bị hết người đàn ông này đến người đàn ông khác lừa gạt, hứa hẹn, dọa dẫm để làm tình. Chính xác hơn, ám ảnh về sự chiếm đoạt thân xác người đàn bà đẹp gần như là yếu tố tiên quyết để làm nên nội dung của toàn bộ các tác phầm được Đỗ Hoàng Diệu viết ra. Tôi đã cố tìm một chi tiết để chứng tỏ truyện ngắn của Diệu có bao chứa những chi tiết, nội dung về tình yêu. Song có vẻ như nỗ lực này của tôi là hoàn toàn vô ích. Bởi lẽ, những “tình yêu” mà Diệu đề cập trong truyện ngắn chỉ là những ham muốn đơn thuần về mặt thể xác. “Bóng đè” đã viết gì về câu chuyện thành vợ chồng của nhân vật nữ chính. Đó gần như là một cuộc làm tình chớp nhoáng, sau giây phút đầu tiên hai nhân vật đắm chìm trong ánh mắt nhau tại một không gian nhuộm đầy sắc dục – khu nhà mồ của bảo tàng Dân tộc học (toàn tượng người với sinh thực khí khổng lồ, mô tả hành vi giao phối…). “Vu quy” viết về một người phụ nữ… tuyển chồng với những lần làm tình bất tận. “Mộng du” – một truyện ngắn tệ hơn cả về tình yêu. Nội dung của truyện viết về một ông họa sĩ bị vợ phản bội. Ông ta cưỡng hiếp con gái riêng của vợ (?) trong một “khoái cảm điên rồ và hợp lý”. Tôi phải nhắc về “Lưng rồng” cho dù tôi không thích truyện ngắn này. Cô gái điếm, người được bạn gái tên Huệ ngợi ca là “tiên”, ôm mộng hoàn lương với giấc mơ hạnh phúc bên người chồng “yêu nước”. Nhưng rồi cô lại hóa thành “Mị Châu dâm đãng” vì ham muốn xác thịt với gã học trò thợ xăm trẻ tuổi.
Công thức 2 mà tôi muốn lưu ý là những cô gái trong truyện của Diệu thường rơi vào cảnh “làm đĩ” dù ngẫu nhiên hay cố ý. Và cũng như những người phụ nữ bước ra từ văn chương Tự lực văn đoàn trước năm 1945, những người phụ nữ trong văn chương của Diệu dường như không thể thoát khỏi được thân phận “làm đĩ” đó. Điều này khiến tôi không khỏi liên tưởng tới một quan điểm của nhân vật Chương trong Đời mưa gió: “Tuyết là người yêu của tôi, anh chỉ nên biết thế thôi. Và đĩ, thì ai ai cũng đĩ, chỉ khác có một đằng đĩ với một người và một đằng đĩ với nhiều người.” “Lưng rồng” là câu chuyện về một cô gái điếm đi xăm hình để chiều lòng người chồng mới cưới, nhưng rồi biến thành “Mị Châu cả tin và dâm đãng”. “Bóng đè” là câu chuyện chiếm đoạt thân xác của những linh hồn nam trong dòng họ của gã chồng tên Thụ với người vợ mới cưới. “Tình chuột” viết về Vy – một cô gái vì muốn lấy anh chồng Việt Kiều mà bị lừa gạt, trở thành món hàng trao tay của những gã đàn ông tham lam sắc dục. “Cổ thụ” viết về Huệ – một cô gái đi làm điếm sau cuộc hôn nhân không tình yêu với Toàn. Những cô gái trong truyện của Diệu thường rơi vào cảnh “làm đĩ” dù ngẫu nhiên hay cố ý.
Trong văn chương của Diệu, không tồn tại những phụ nữ xấu, các vẻ đẹp thanh tân hay những người phụ nữ quá tuổi. Tất cả các nhân vật nữ chính trong tác phẩm của Diệu đều đang ở độ chín của thanh xuân với nhan sắc mà cánh đàn ông phải thèm muốn. Vẻ đẹp của người thiếu nữ trong “Lưng rồng” được nhận định chỉ bằng một câu thoại: “Đằng ấy là tiên”. “Lửa đạo” mô tả nhân vật nữ là “một cô gái trẻ, sáng sủa, thông minh, lớn lên trong sự nuôi dạy tử tế và tình thương yêu vô hạn của hai đấng sinh thành nhân hậu”. Vẻ đẹp của Dực trong “Những sợi tóc màu tang lễ” khiến “bác bảo vệ cơ quan luôn nhìn khoảng trống phía dưới cằm Dực và nuốt nước bọt vào bảy giờ”. Cô gái trong “Vu quy” thậm chí còn tự nhận ra vẻ đẹp của mình bằng một lời xác quyết tự tin “tôi là thiên thần”. Chính vì họ đẹp như “con cháu của Thúy Kiều” (tôi cũng không hiểu vì sao Diệu lại so sánh vẻ đẹp của người con gái Việt Nam với một người đàn bà Tàu!), cuộc đời của họ phải trải qua bao sự truân chuyên như… tất cả phụ nữ đẹp trên đời dường như đều có chung một bi kịch. Ta vẫn thường gọi cái bi kịch đó bằng một cái tên rất chung chung, sến súa và vô nghĩa “Bi kịch của cái đẹp”. Nếu muốn thoát khỏi bi kịch, họ chỉ có lựa chọn khả dĩ duy nhất là chết. Tất nhiên, còn giải pháp khác là đi tu nhưng xem ra những người đàn bà trong truyện ngắn của Diệu không được cửa phật và nhà chung ưu ái lắm.
Ở chiều ngược lại, tôi suy ra được công thức thứ 3 trong toàn bộ các truyện ngắn của Diệu. Kẻ thù của đàn bà đẹp trong truyện ngắn của Diệu, nói như Tạ Biên Cương, đương nhiên là đàn ông, không loại trừ bất kỳ ai, từ Tây sang Đông, từ Trung Quốc đến Việt Nam, từ già đến trẻ, từ nhà văn, họa sĩ đến những kẻ vũ phu, từ người thành phố đến kẻ nông thôn. Truyện ngắn của Diệu đã viết như thế. Trong 10 truyện ngắn đã công bố của Diệu, những nhân vật đàn ông dù đến từ đâu đều có chung bảy mối tội đầu: ngạo mạn, tham lam, dâm dục, phẫn nộ, phàm ăn, đố kỵ, lười biếng (thực ra phàm ăn là tôi bịa ra cho đủ bảy tội). Nếu không mắc phải những tội ác ấy, những kẻ đó phải chịu một lời nguyền là hóa điên. Đó là người họa sĩ già trong truyện ngắn “Mộng du”. Đó là 5 gã đàn ông trong truyện ngắn “Cổ thụ” sau đêm bị mất đời trai với cô gái mại dâm tên Huệ. Người Thượng trong “Dòng sông hủi” có thể là người bình thường duy nhất trong truyện ngắn của Diệu nếu như ông ta không phải là một người mắc bệnh… phong cùi. Và Diệu, trong nỗ lực chứng minh những kẻ phong hủi cũng hóa rồ trong mùa trăng đã viết “hình ảnh người đàn ông có làn da thương tích, tơi tả múa may dưới trăng và hét lên tiếng hét thống khổ hiện lên từ từ” hay “tắm trăng để cái đau nhiều hơn. Gần nước để cái ngứa tận tim”. Cơn điên là thứ duy nhất ngăn cản đàn ông trong truyện ngắn của Diệu gây ra những tội ác cho đàn bà. “Dòng sông hủi” đã viết về sự sám hối của Công như vậy. Diệu viết: “Công đang lăn lộn trên đất. Tôi nhìn kỹ Công không hề có vết tích của hành hung nhưng anh oằn oại, mắt trợn ngược. Khắp mình Công không nổi sảy, không lên ban nhưng anh cũng rồ dại y như tôi ban nãy. Tôi vụt hiểu, Công đang phát chứng hủi vô hình của người Kinh.” Ngay khi thức tỉnh cơn điên, họ lập tức trở về với bản chất nguyên thủy của mình. Người họa sĩ già trong “Mộng du” đã thốt lên “Hư hư thực thực, con người quái thú… Trời hại tôi người hại tôi tôi hại tôi”. Tương tự, trong “Cổ thụ”, 5 người đàn ông thức tỉnh lại trở về với cuộc sống thường nhật với các hành vi lừa dối vợ con, bạn tình.
Như vậy, để có một tập truyện ngắn có số điểm cao như “Lưng rồng”, tôi có một bài giải toán gồm những bước sau. Bước một, viết tất cả các truyện ngắn theo motip những người đàn bà bị “hãm hiếp”. Bước hai, loại bỏ 3 truyện ngắn từng in trong tập Bóng đè. Bước ba, xây dựng nhân vật. Các nhân vật nam đều phải hội tụ bảy tội ác trong kinh thánh hoặc điên rồ, nếu cả hai thì càng tốt. Các nhân vật nữ đều phải đẹp, trẻ tuổi và… bị nhiều “bóng đè”. Nếu muốn tăng thêm sức nặng cho tội ác của đàn ông hãy viện dẫn thêm Khổng giáo, Đạo giáo, Kitô giáo, Phật giáo… tà giáo. Cuối cùng hãy than vãn nhiều về việc bị cấm viết và thu hồi sách. Thực ra, tôi muốn bàn thêm về những chi tiết lịch sử hay tôn giáo được sử dụng lung tung trong truyện ngắn của Diệu. Nhưng thực tế, đây đâu phải là truyện lịch sử hay tôn giáo mà là những cuộc hãm hiếp. Ta chỉ cần nói về thủ phạm – đàn ông và nạn nhân – phụ nữ. Thế là hết.
Trạch Nam
[1] Từ dùng và cũng nhan đề một cuốn tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương.
(Bài viết thuộc Zzz Review số 4, 20-1-2019)
Người góp chữ
Trạch Nam
Ăn bám bố mẹ.
Bạn nghĩ sao?