Sự ra đời của Thư viện Công cộng Pringles được biểu trưng bởi một hình ảnh hết sức kỳ lạ: một quả trứng khổng lồ bên trên đặt một cuốn sách. Và đằng sau đấy là những sự việc còn kỳ lạ hơn thế. Một bộ não phát nhạc chơi nhạc không kể ngày đêm. Sự biến mất bí hiểm đến đáng sợ của ba người lùn diễn xiếc. Và bản thân quả trứng kia cũng được đẻ ra bởi một con quái vật. Bộ Não Phát Nhạc là một truyện ngắn độc đáo mang màu sắc siêu nhiên của một tác giả đương đại tiêu biểu hiện nay.
– Ngọc Dao
Lúc đó, tôi là một đứa trẻ – có lẽ là bốn hay năm tuổi. Chuyện xảy ra ở quê nhà của tôi, Coronel Pringles, vào nửa đầu thập kỷ 1950. Một đêm nọ, chắc hẳn phải là thứ Bảy, chúng tôi dùng bữa tại khách sạn; chúng tôi chẳng ăn ngoài thường xuyên lắm, không phải vì chúng tôi nghèo khổ gì cho cam, dù thật sự chúng tôi có một cuộc sống có vẻ giống vậy vì những thói quen khắc khổ của bố tôi cùng với sự nghi hoặc bất di bất dịch của mẹ tôi với những món ăn mà bà không tự tay chuẩn bị. Một vài tình thế bí ẩn đã đưa đẩy chúng tôi đến nhà hàng sang trọng của khách sạn vào tối hôm đó, đặt chúng tôi ngồi, căng thẳng và không thoải mái, xung quanh một chiếc bàn ăn trải khăn trắng và bày biện la liệt những bộ dao nĩa bằng bạc, những ly rượu vang cao kều, và cả những bộ chén đĩa bằng sứ viền vàng. Chúng tôi ăn mặc thơm tho lịch sự, như những thực khách khác. Quy tắc ăn mặc vào thời đó tương đối nghiêm khắc.
Tôi vẫn nhớ dòng người lũ lượt đứng lên bê những thùng đầy sách đến chiếc bàn nhỏ giống như bệ thờ ở góc xa căn phòng. Hầu hết là hộp carton, mặc dù cũng có cả hộp gỗ, thậm chí vài chiếc còn được sơn màu hay đánh véc ni. Ngồi đằng sau chiếc bàn là một người phụ nữ nhỏ nhắn đeo chuỗi ngọc trai trên người mặc bộ váy màu xanh dương lấp lánh, mặt đánh bự phấn và mái tóc bạc trắng được tạo hình giống như một quả trứng tua tủa lông. Đó là Sarita Subercaseaux, người sau này trở thành hiệu trưởng trường trung học của thị trấn trong suốt thời gian tôi ở đây. Bà tiếp nhận những chiếc hộp, xem xét bên trong, và ghi chú vào một cuốn sổ. Tôi theo dõi hoạt động này với một sự chú ý sát sao nhất. Một số hộp đầy ặp sách đến mức không thể đóng nắp lại được, một số hộp khác trống đến nửa, bên trong chỉ có mấy cuốn văng qua văng lại, tạo thành những âm thanh đáng sợ. Nhưng số lượng sách không quyết định nhiều lắm đến giá trị của những chiếc hộp này, dù thật sự thì số lượng cũng khá quan trọng, cũng như sự đa dạng của các đầu sách. Một chiếc hộp lý tưởng sẽ có toàn bộ các đầu sách đều khác nhau; loại tệ nhất (và cũng thường xảy ra nhất) là kiểu bên trong chẳng có gì ngoài những bản sao của cùng một cuốn sách. Giờ tôi không nhớ ai đã giải thích nguyên tắc này cho mình, có lẽ nó là sản phẩm từ những suy luận và tưởng tượng của chính bản thân tôi. Nếu là thế thì cũng điển hình thôi: tôi luôn luôn sáng tạo ra những câu chuyện hoặc kế hoạch để hợp lý hóa những gì tôi không hiểu rõ, và tôi hầu như chẳng hiểu rõ cái gì bao giờ. Dù sao thì lời giải thích ấy liệu có thể đến từ đâu được nữa đây? Bố mẹ tôi không cởi mở lắm, tôi thì chẳng biết đọc, thời đó lại chưa có ti vi, còn đám bạn hàng xóm thì cũng ngu dốt hệt như tôi vậy.
Đứng tách ra mà nhìn thì khung cảnh này có một vẻ như kiểu trong mơ, và cách chúng tôi ăn mặc như thể là để chuẩn bị chụp hình vậy. Nhưng tôi chắc chắn rằng chuyện đã xảy ra giống hệt như cái cách tôi tả lại. Khung cảnh này đã trở đi trở lại với tôi trong những năm qua, và cuối cùng thì tôi cũng đã tìm ra được một giải thích hợp lý. Vào thời điểm đó, các kế hoạch chuẩn bị cho việc thành lập Thư viện Công cộng Pringles hẳn đã được triển khai, và một ai đó hẳn đã tổ chức một cuộc quyên góp sách, với sự trợ giúp của chủ khách sạn ấy: “đổi sách lấy bữa tối,” hay cái gì đó tương tự vậy. Lời giải thích ấy nghe có vẻ hợp lý, ít ra là vậy. Và sự thật là thư viện được thành lập đúng vào thời điểm đó, tôi đã xác minh được vào lần gần nhất tôi ghé qua Pringles, là một vài tháng trước. Hơn nữa, Sarita Subercaseaux còn là Thủ thư Trưởng đầu tiên. Trong suốt tuổi thơ và thời niên thiếu, tôi là một trong những người ủng hộ nhiệt thành nhất của thư viện, có lẽ là nhiệt thành nhất trong tất cả, với tần suất mượn sách là từ một đến hai cuốn mỗi ngày. Và Sarita luôn là người ghi thẻ mượn sách cho tôi. Chi tiết này trở nên quan trọng khi tôi bắt đầu vào cấp ba, bởi bà chính là hiệu trưởng của ngôi trường tôi theo học. Bà lan truyền tin đồn tôi là độc giả cuồng nhiệt nhất của Pringles dù tuổi đời vẫn còn trẻ, và điều này đã tạo dựng nên cho tôi danh tiếng thần đồng và làm cuộc đời của tôi đơn giản hơn rất nhiều: tôi tốt nghiệp với những con điểm xuất sắc, mặc dù chẳng học hành gì.
Trong chuyến đi gần nhất đến Pringles với hy vọng xác nhận lại ký ức của mình, tôi hỏi mẹ liệu rằng Sarita Subercaseaux có còn sống hay không. Bà cười phá lên.
“Bà ấy mất nhiều năm lắm rồi!” mẹ tôi nói. “Bà ấy mất trước cả khi con sinh ra. Bà ấy đã già khi mẹ vẫn còn là một cô gái…”
“Không thể nào!” tôi khẳng định. “Con nhớ rất rõ về bà ấy. Ở thư viện, rồi ở trường…”
“Đúng vậy, bà ấy làm việc ở thư viện và trường cấp ba, nhưng đó là lúc trước khi mẹ kết hôn. Con hẳn đã nhớ nhầm sang những chuyện mẹ kể cho con.”
Đó là tất cả những gì tôi tìm hiểu được từ mẹ. Tôi cảm thấy bối rối vì sự chắc nịch của mẹ, đặc biệt bởi vì trí nhớ của bà, không giống tôi, khó có thể sai được. Bất cứ lúc nào chúng tôi bất đồng về một điều gì đó xảy ra trong quá khứ, rốt cuộc bà luôn là người đúng. Nhưng làm sao mà bà có thể đúng trong chuyện này được? Có lẽ tôi đã nhớ nhầm sang con gái của Sarita Subercaseaux chăng, một người con gái không chỉ là bản sao của mẹ mình mà còn tiếp nối bước chân của bà. Nhưng chuyện này cũng vô lý. Sarita đã bước xuống mồ khi vẫn chưa lấy chồng và là điển hình cho những bà phụ nữ độc thân, cái bà gái già kinh điển của thị trấn: luôn ăn mặc chỉn chu; lạnh lùng và xa cách, gương mặt đại diện cho sự cằn cỗi. Tôi khá chắc chắn về điều này.
Quay trở lại chuyện khách sạn. Dòng chảy từ các bàn trong nhà hàng đến cái bệ thờ nhỏ, nơi chất chồng những hộp sách, không hoàn toàn liền mạch. Mọi người ai cũng biết ai – đó là lẽ thường ở Pringles – vậy là khi người ta đứng dậy từ bàn mình để bê hộp sách đến đầu kia của căn phòng, họ dừng lại ở những bàn khác trên đường đi để chào hỏi và tán gẫu với người quen. Những người quen này giữ ý tứ nên không nói quá nhiều, lịch sự giả định rằng những người dừng lại chỗ bàn họ đang phải bê những chiếc hộp không nhẹ nhàng gì cho cam (kể cả khi trên thực tế bên trong chỉ có nhõn vài ba cuốn). Khiến cho những người tay đang bê hộp lại vì lịch sự mà cứ thế tiếp tục tán gẫu, tỏ rõ cho người kia thấy rằng niềm vui từ cuộc nói chuyện hoàn toàn bù đắp được cho công họ bê nặng. Những trao đổi nho nhỏ này, mang đậm tấm chân tình muốn biết về cuộc sống của người kia, là cái thường thấy ở tất cả cư dân của Pringles, hoá ra lại chứa đựng kha khá thông tin, và cũng qua đó mà chúng tôi biết được Bộ Não Phát Nhạc đang được triển lãm ở ngay bên cạnh, trong sảnh chờ của Nhà hát Tây Ban Nha. Không phải vì thế thì chúng tôi đã chẳng hề biết gì và sẽ cứ thế mà về nhà đi ngủ. Tin này đã cho chúng tôi cớ để kết thúc cái bữa ăn tối mà tất cả chúng tôi đều thấy là vô cùng nhạt nhẽo.
Bộ Não Phát Nhạc đã xuất hiện ở thị trấn vào một khoảng thời gian trước đó, và một hội không chính thức các cư dân đã vào cuộc để quản lý nó. Kế hoạch ban đầu là cho các hộ gia đình mượn nó trong một khoảng thời gian ngắn, dựa theo một quy trình thủ tục đã được sử dụng với nhiều bức họa kỳ diệu của Đức Mẹ Đồng Trinh. Người muốn mượn những bức họa này thường là nhà có người mắc bệnh hoặc gặp những vấn đề về gia đình, trong khi lý do để mượn cái cỗ máy mới mẻ thần kỳ này chỉ đơn thuần là tò mò (mặc dù có lẽ tồn tại cả một chút mê tín nữa). Vì cái hội này không có khung tôn giáo, không có cấp quản lý nào để sắp đặt việc xoay vòng, nên tuân theo kế hoạch là điều bất khả thi. Mặt khác, có những người muốn trả quách Bộ Não lại ngay sau đêm đầu tiên, với lý do là tiếng nhạc làm họ khó ngủ; mặt khác, có người lại cho xây dựng những hốc tường và bệ tượng tinh xảo, và cố gắng viện cớ chi phí xây dựng để kéo dài mãi mãi thời hạn cho mượn. Vậy là chẳng mấy chốc cái hội kia đã mất dấu không biết Bộ Não đang ở đâu, và có nhiều người, như chúng tôi, chưa bao giờ được thấy nó và đâm ngờ rằng tất cả mọi việc đều chỉ là một trò xỏ lá. Đó là lý do tại sao chúng tôi lại sốt sình sịch lên khi biết được rằng nó đang được trưng bày ở ngay tòa nhà bên cạnh.
Bố gọi tính tiền, khi hoá đơn được đưa ra thì ông thò tay vào túi lấy ra cái ví nổi tiếng của mình, là vật thể thú vị nhất trên thế giới đối với tôi. Nó to cồ cộ, làm từ loại da màu xanh lục, với những hoa văn phức tạp được chạm nổi, và cả hai mặt trước sau đều có gắn hạt cườm thủy tinh, phác hoạ nên những cảnh tượng đầy màu sắc. Nó từng thuộc về Pushkin, và có một huyền thoại là ông ta mang theo cái ví này trong người vào cái ngày mà ông bị sát hại. Một trong những ông bác của bố tôi từng làm đại sứ ở Nga hồi đầu thế kỷ và đã mua đem về rất nhiều tác phẩm nghệ thuật, đồ cổ, cả những vật dụng kỳ quái, và tất cả đã được người vợ góa của ông phân phát cho đám cháu ruột sau khi ông qua đời, vì cặp vợ chồng này không có con.
Nhà hát Tây Ban Nha là một phần của khu phức hợp thuộc sở hữu của Hội Hoạch Định Tây Ban Nha, nằm ngay cạnh khách sạn. Nhưng chúng tôi không đi thẳng đến đấy. Chúng tôi băng qua đường đến nơi chiếc xe tải đang đỗ, đi vòng qua nó, và quay ngược trở lại. Sự vòng vèo này là để làm vui lòng mẹ tôi: bà không muốn những thực khách trong khách sạn, nếu chẳng may, một cách hi hữu, tình cờ nhìn ra ngoài cửa sổ và mắt đủ tinh để phân biệt nổi ai với ai, kết luận rằng bà đang đi đến rạp hát.
Chúng tôi bước vào sảnh, và nó nằm ở đó, đặt trên một chiếc hộp gỗ bình thường mà Cereseto (quản lý của nhà hát này) đã lấp liếm đi bằng những dải băng xé ra từ giấy trắng, loại dùng để bọc hàng. Bài trí kiểu này thực ra lại khá hay: trông nó giống như một cái tổ khổng lồ, làm người ta liên tưởng đến sự dễ vỡ của những quả trứng và của những thứ được đóng gói cẩn thận. Cái Bộ Não Phát Nhạc nổi tiếng đó được làm từ bìa carton và có kích cỡ của một cái rương. Về mặt hình dạng nó tương đối giống một bộ não thật sự, nhưng về màu sắc thì không, vì nó được sơn màu hồng dạ quang và chằng chịt những mạch máu màu xanh dương.
Chúng tôi đứng thành một vòng bán nguyệt. Không thể nói nổi nên lời, đó là một trong những thứ khiến cho người ta thành ra như vậy. Giọng nói của mẹ cắt ngang sự mê đắm của chúng tôi.
“Tiếng nhạc đâu?” bà hỏi.
“À, nhỉ!” Bố nói. “Tiếng nhạc…” Ông nhíu mày chúi người về phía trước.
“Có lẽ người ta tắt nhạc đi rồi?”
“Không, không bao giờ nó tắt nhạc, đó là điểm kỳ lạ ở nó.”
Ông chúi nữa chúi mãi, đến nỗi tôi nghĩ ông sắp ngã vào Bộ Não đến nơi, nhưng ông đã đột ngột dừng lại, quay người lại nhìn chúng tôi với một nụ cười toe toét đầy vẻ đồng loã.
Con em gái và tôi tiến lại gần. Mẹ hét lên, “Đừng có đụng vào nó!”
Tôi khao khát muốn được sờ vào nó, dù chỉ là bằng một ngón tay. Và đó không phải là không thể. Trong sảnh chỉ có mỗi mình chúng tôi. Nhân viên quầy vé và nhân viên chỉ đường hẳn đã vào nhà hát xem kịch, lúc này hẳn đã vào hồi chót.
“Ồn thế này thì làm sao mà nghe được!” mẹ nói.
“Chỉ như một tiếng thì thầm. Thế mà người ta lại bảo là vì ồn quá mà họ phải đem trả! Đúng là nhục!”
Mẹ gật đầu, nhưng bà lại đang nghĩ về một nỗi nhục khác. Bố đang mê mải với cái Bộ Não – ông là người duy nhất nghe được tiếng nhạc của nó – trong khi mẹ thì nhìn quanh và có vẻ chú tâm hơn đến những gì đang xảy ra trong nhà hát. Một tràng cười ầm ĩ như pháo nổ dội ra chỗ chúng tôi và làm rúng động cả tòa nhà. Hẳn là khách ngồi chật kín cả rạp. Leonor Rinaldi, Tomás Simari, đoàn kịch của họ đang diễn một trong những vở hài kịch khiếm nhã đã từng được đem đi lưu diễn quanh năm suốt tháng ở các tỉnh; người ta chưa bao giờ mất đi hứng thú với nó. Cái thứ âm nhạc run rẩy, bí mật được cho là tỏa ra từ Bộ Não này khó có thể đọ nổi với từng ấy tràng cười hô hố và tiếng dậm chân.
Mẹ tôi, con dòng cháu giống của những con người với đôi tai tinh tế, những nhà ngâm thơ, diễn kịch, không ưa gì các sản phẩm đại chúng mà Leonor Rinaldi là điển hình. Nói cho đúng hơn là bà hăng hái vận động chống lại chúng. Nhà hát đối với bà là một lãnh thổ tranh chấp, hay một chiến trường, vì nó là nơi mà các tầng lớp khác nhau của Pringles phát động những cuộc chiến tranh văn hóa. Anh bà đứng đầu một câu lạc bộ kịch nghiệp dư tên là Hai Mặt Nạ chuyên tập trung vào thể loại chính kịch; câu lạc bộ còn lại của thị trấn thì được Isolina Mariani cầm trịch, tập trung vào hài kịch châm biếm. Con nhang đệ tử của Isolina Mariani hẳn đã ngồi trên hàng ghế khán giả vào tối hôm đó, say sưa học hỏi và thán phục thứ kịch cọt đầy tính mị dân của Leonor Rinaldi, ngấu nghiến phong cách diễn của bà ta như một thứ sirô tăng lực.
Ác cảm của mẹ cực đoan tới mức trong một vài dịp, khi một trong những đoàn kịch nổi tiếng ấy đến thị trấn, bà bắt chúng tôi ăn tối sớm, sau đó lái xe đưa chúng tôi đến nhà hát ngay trước khi vở kịch bắt đầu và đậu xe tải ở một chỗ gần cổng vào (nhưng không quá gần, và khuất trong bóng tối), để bà có thể xem xem những ai sẽ đến. Thường thì sẽ không có gì bất ngờ: khán giả hầu hết là những người nghèo đến từ ngoại ô, “một lũ trùm dơ bẩn” như cái cách mẹ tôi gọi họ, những người không đáng gì để nhận được một nhận xét khinh miệt kiểu như “Các con có thể kỳ vọng gì hơn ở những kẻ ngu ngốc dốt nát như thế?”
Nhưng thi thoảng thì cũng có một ai đó “đáng kính trọng” trong số họ, khi ấy bà sẽ hăng hái lắm. Bà cảm thấy rằng chuyến do thám của mình có ý nghĩa, từ bây giờ bà đã “nhận thức được vấn đề” và đã biết phải đối xử thế nào với một số nhất định những kẻ rởm đời thích cao giọng. Một lần, bà còn đi xa đến mức phóng ra khỏi xe tải và trách mắng một vị nha sĩ có học thức đang leo lên những bậc thang đi vào rạp hát cùng với các con gái. Bà nói với ông ta rằng bà thất vọng đến thế nào khi thấy ông ta ở đây. Ông ta không thấy xấu hổ khi lại đi ủng hộ cái thứ thô thiển này? Và còn đem theo các con gái nữa chứ! Ông ta định dạy con mình cái kiểu đấy đó à? May mắn là, ông ta không quá xem nặng lời bà nói. Ông ta đáp, với một nụ cười, rằng với ông sân khấu là chốn linh thiêng, kể cả là ở những hình hài thấp hèn nhất, và mục tiêu hàng đầu của ông là cho các con gái tiếp xúc với văn hóa đại chúng dưới dạng thô ráp nhất của nó để chúng có được nhiều góc nhìn. Không cần phải nói, luận điểm của ông ta chẳng gây được ấn tượng gì cho mẹ tôi.
Nào. Hãy quay lại buổi tối đáng nhớ hôm chúng tôi được diện kiến Bộ Não Phát Nhạc. Chúng tôi leo lên xe tải và xe lăn bánh chạy đi. Chúng tôi có một chiếc Ika màu vàng. Mặc dù cả bốn chúng tôi có thể chui lọt người trong cabin đằng trước, nhưng tôi thường ngồi ở phía sau, dưới bầu trời lồng lộng, một phần bởi vì tôi thích như thế, một phần để giữ hòa khí – tôi luôn luôn sa vào những cuộc chiến ồn ào với em gái mình – nhưng chủ yếu là để tôi có thể dành một chút thời gian với người bạn tốt Geniol, con chó của gia đình chúng tôi. Geniol to lớn kềnh càng, màu trắng, giống gì không rõ, đầu thì to bự (giống như người đàn ông trong quảng cáo Geniol, thế nên nó mới có cái tên ấy). Chúng tôi không thể để nó ở nhà một mình vì nó sẽ tru lên gây ồn ào, khiến cho hàng xóm than phiền. Nhưng ở đằng sau chiếc xe tải này thì nó cư xử rất đúng mực.
Ngoài ra cũng còn một lý do bí mật cho việc tôi thích ngồi đằng sau: vì tôi không thể nghe được cả nhà đang nói gì trên cabin xe, điều đó có nghĩa rằng tôi không biết chúng tôi đang đi đâu, và hành trình sẽ có một cái không khí phiêu lưu bất ngờ. Khi khởi hành tôi biết cả nhà sắp đi đâu, nếu chịu chú ý một tí, nhưng vừa leo lên xe tải một cái, thể nào mẹ cũng lại nổi hứng tò mò về một cái gì đó và sẽ yêu cầu bố đi vòng lại đầu đường hay sang đường khác để bà có thể nhìn một ngôi nhà, một cửa hàng, một cái cây, hay một tấm biển nào đó. Ông thì lại đã quen chiều lòng bà, và điều đó có nghĩa là thay vì chỉ chạy khoảng vài trăm mét theo đường thẳng, chúng tôi sẽ lái xe khoảng năm dặm, đi theo một lộ trình ngoằn ngoèo như mê cung. Đối với mẹ tôi, người chưa bao giờ rời khỏi Pringles, đó là cách để mở rộng thị trấn từ bên trong.
Đêm đó, những gì chúng tôi phải làm là rẽ ở góc đường và đi thêm ba khối nhà nữa là về đến nhà mình. Nhưng chúng tôi lại rẽ ngoặt sang đường khác, và điều này chẳng làm tôi ngạc nhiên. Trời rất lạnh, nhưng lại chẳng có tí gió nào. Đèn đường ở các giao lộ, được treo trên bốn đường dây điện nối vào cột điện ở các góc đường, đứng im như tờ. Và, trên đầu chúng tôi, Dải Ngân Hà sáng rực cả lên và nhấp nha nhấp nháy. Tôi cho Geniol ngồi trên chân mình và ôm chặt nó vào ngực. Nó không chống cự. Bộ lông bạch tuyết của nó phản chiếu những ánh sao. Chúng tôi chạy thẳng tới quảng trường và rẽ sang đại lộ. Ngồi dựa lưng vào cabin, tôi có thể thấy tòa tháp vuông của tòa thị chính chạy lui về đằng xa và tôi đoán chúng tôi đang đi đến nhà ga, để thỏa mãn một trong những cơn cao hứng của mẹ. Nhà ga nằm ở rất xa, và chỉ mới đưa ra phỏng đoán như thế đã làm tôi thấy bải hoải. Geniol đã ngủ gật. Đi qua vài khối nhà của đại lộ, nhà cửa bắt đầu thưa thớt dần, nhường chỗ cho những khoảnh đất lớn đã bị xâm chiếm bởi cây kế và cẩm quỳ. Những ô đất bí ẩn đó chẳng thuộc về ai. Mi mắt tôi bắt đầu sụp xuống…
Bỗng dưng Geniol giật mình, nhảy xuống khỏi chân tôi chạy sang một bên thùng xe và tru lên. Sự khích động của nó làm tôi hoảng hốt và ngạc nhiên. Cố rũ mình khỏi giấc ngủ, tôi đưa mắt nhìn và chợt hiểu lý do tại sao chúng tôi lại đi vòng sang đường khác, và tại sao bố lại đi chậm lại vào lúc này, chiếc xe gần như đã đứng yên tại chỗ: chúng tôi đang đi qua rạp xiếc. Em gái tôi thò đầu ra cửa sổ đằng trước và hét lên những lời không đầu không đuôi: “César! Rạp xiếc! Rạp xiếc!” Tôi đã biết, tất nhiên rồi, rằng một đoàn xiếc đã đến thị trấn; tôi đã thấy những hàng người dài trên hè phố, và bố mẹ đã hứa đưa chúng tôi đến đó vào ngày hôm sau. Tôi nhìn chằm chằm, hoàn toàn bị mê hoặc. Những chấm và đường kẻ ánh sáng in bóng qua tấm bạt của lều xiếc, to lớn như một ngọn núi, và cả cái lều sáng lên với ánh sáng toả ra từ bên trong. Một tiết mục đang được biểu diễn: chúng tôi có thể nghe thấy tiếng nhạc ầm ĩ và những tiếng hò reo của khán giả. Mùi những con vật khác đã làm Geniol bồn chồn. Đằng sau cái lều này, trong bóng tối, tôi nghĩ mình có thể thấy được bóng những con voi và lạc đà đang di chuyển giữa những cỗ xe kéo.
Nhiều năm về sau, tôi rời bỏ Pringles, như những người trẻ tuổi có thiên hướng nghệ sĩ hay văn chương thường rời bỏ những thị trấn nhỏ, khao khát những món ăn văn hóa mà thủ đô hoa lệ hứa hẹn. Và bây giờ, nhiều năm sau chuyến di cư, một ý nghĩ nhói lên rằng có lẽ tôi đã bị ảo vọng làm mờ mắt, vì những đêm tuổi thơ ở Pringles quay trở lại với tôi, cái nào cái nấy đều sống động và muôn hình muôn trạng, đến nỗi tôi không thể không tự vấn liệu có phải tôi đã đánh đổi sự giàu có để lấy sự nghèo nàn hay không. Cái đêm mà tôi đang dựng lại là một ví dụ điển hình: một cuộc quyên góp sách, một buổi biểu diễn tại nhà hát, và một rạp xiếc, tất cả cùng diễn ra một lúc. Có quá nhiều thứ để cho ta chọn, và ta buộc phải lựa. Nhưng đâu cũng chật kín người ngồi. Rạp xiếc cũng không phải là ngoại lệ. Khi lái xe ngang qua cổng vào, chúng tôi có thể thoáng nhìn thấy các gia đình đang ngồi chật ních bên trong và những hàng ghế đang rên xiết dưới sức nặng của đám đông khán giả. Trong vũ đài, những chú hề đã sắp đội hình thành một kim tự tháp bằng người, nó đổ nhào xuống, khiến người ta cười ầm lên. Hầu như tất cả mọi người đều ở rạp xiếc. Những cư dân Pringles hẳn đã nghĩ rằng đây là nơi an toàn nhất.
Đến đây thì tôi cần có một lời giải thích. Rạp xiếc này đến thị trấn vào ba ngày trước, và gần như ngay tức khắc cả đoàn đã phải kinh qua một cuộc scandal chấn động. Một trong những bảo bối của nó là ba người lùn. Hai trong số đó là đàn ông: họ là anh em sinh đôi. Người thứ ba là một phụ nữ đã kết hôn với một trong hai người song sinh. Và hiển nhiên bộ tam đặc biệt này có một vấn đề làm cho nó khó có thể ổn định, và dẫn đến cuộc khủng hoảng đã xảy ra ở Pringles. Người phụ nữ và em rể của mình là tình nhân, và vì một lý do nào đó bọn họ lại chọn thị trấn chúng tôi làm nơi cao chạy xa bay cùng với số tiền tiết kiệm của anh chồng bị cắm sừng. Chúng tôi đáng lẽ đã không bao giờ biết được âm mưu thú vị này nếu không có sự kiện kéo theo sau đó: sau khi cặp tình nhân biến mất một vài giờ, thì người chồng cũng bốc hơi, cùng với khẩu súng chín li và hộp đạn của chủ rạp xiếc. Mục đích của anh ta chẳng thể rõ ràng hơn. Cảnh sát được thông báo ngay lập tức với hy vọng rằng họ sẽ ngăn chặn được tấn bi kịch. Tất cả nhân chứng (các anh hề, nghệ sĩ đu dây, huấn luyện viên xiếc thú) đều đồng tình với nhau về mức độ giận dữ của người chồng khi anh ta phát hiện sự việc, và quyết tâm của anh ta trong việc thực hiện một vụ trả thù đẫm máu. Người ta không thể xem nhẹ lời anh chàng này, vì anh ta là một gã nhỏ thó có thiên hướng bạo lực và nổi tiếng với cơn thịnh nộ có khả năng hủy diệt. Cái thứ vũ khí anh ta đánh cắp có tính sát thương ở cả cự ly ngắn lẫn dài, và chẳng cần phải học cũng dùng được. Sở cảnh sát huy động toàn bộ nhân lực sẵn có, và dù cho các cấp quản lý của rạp xiếc cứ nhất mực muốn giữ bí mật, thì tin tức này vẫn lan ra xung quanh. Điều này là không thể tránh khỏi, vì nơi ẩn giấu của những kẻ chạy trốn – tính cả cặp đôi ngoại tình lẫn kẻ truy đuổi họ – chỉ có thể được phát hiện với sự giúp đỡ của cộng đồng. Thoạt tiên, đây có vẻ là một công việc đơn giản: thị trấn khá nhỏ và cung cấp đặc điểm nhận dạng của các đối tượng là việc dễ như không, chỉ cần sử dụng từ “người lùn”. Cảnh sát được bố trí tại ga xe lửa, trạm dừng xe bus đường dài, và hai vòng xoay ở hai đầu thị trấn, nơi những con đường dẫn ra ngoài phân nhánh (chúng vẫn chưa được mở ra vào thời điểm đó). Những biện pháp này chỉ càng xác nhận thêm rằng những người lùn vẫn còn đang lưu lại Pringles.
Không hề ngạc nhiên là họ trở thành chủ đề nói chuyện duy nhất. Nào là đùa giỡn, cá cược, rồi cuộc truy tìm tập thể ở những lô đất trống và nhà hoang, tâm trạng chung ban đầu của mọi người là bối rối một cách phấn khởi và hồi hộp đầy thích thú. Hai mươi tư giờ sau, không khí đã thay đổi. Hai nỗi sợ bắt đầu xâm lấn, một cái thì mơ hồ và đậm màu sắc mê tín, cái còn lại thì rất thực. Nỗi sợ thứ nhất bắt nguồn từ việc phi vụ này, khó hiểu thay, vẫn chưa được giải quyết rốt ráo. Với vô khối minh chứng, cư dân của Pringles bao lâu nay đã cho rằng thị trấn này cái gì cũng hai năm rõ mười, cả về mặt xã hội và địa lý. Làm cách nào mà một thứ gây chú ý như ba người lùn lại có thể biến mất không tăm tích trong cái hộp thủy tinh tí hon này? Nhất là khi ba bọn họ không hợp thành một khối thống nhất, mà được chia ra thành một cặp đôi bỏ trốn và một cá nhân thứ ba truy lùng theo sau, và về phần mình cũng phải trốn tránh những người có thẩm quyền. Cái sự kiện này bắt đầu có màu sắc siêu nhiên. Vóc dáng của một người lùn hoá ra lại làm nảy sinh lắm vấn đề, ít nhất là đối với trí tưởng tượng bồn chồn của tập thể nơi đây. Phải chăng họ nên lật từng tảng đá lên để tìm, ngửa mặt sau của lá ra xem, hay dòm vào trong các tổ kén? Các bà mẹ bắt đầu nhìn xuống giường con cái, và bọn trẻ thì tháo rời đống đồ chơi ra để kiểm tra bên trong.
Nhưng có một nỗi sợ thực tế hơn. Hoặc, nếu không hoàn toàn thực tế, thì ít nhất nó cũng được thể hiện như vậy để hợp lý hoá nỗi sợ kia, cái nỗi sợ không tên. Ở đâu đó ngoài kia là một khẩu súng chết chóc đã được nạp đạn đang nằm trong bàn tay một người đàn ông tuyệt vọng. Không một ai lo lắng rằng hắn sẽ thực hiện kế hoạch của mình (điều này có thể được giải thích mà không cần phải kết tội rằng cư dân Pringles đầy định kiến; bị trùm lên bởi cảm giác hoảng loạn, các cư dân xem những người lùn như là một chủng loài khác mà sự sống hay cái chết là vấn đề được giải quyết giữa bọn họ với nhau và không phải là cái mà thị trấn này quan tâm đến), nhưng súng thì đâu phải bao giờ cũng bắn trúng đích, và tại một thời điểm cụ thể ai cũng có thể xen ngang vào đường đi của viên đạn. Bất cứ ai theo đúng nghĩa đen, vì chẳng có ai biết đích xác những người lùn đang ở đâu, huống hồ là nơi mà bọn họ sẽ đụng độ nhau. Cội nguồn cho sự lo lắng không phải là cái mục tiêu nhắm vào cặp đôi thông dâm bé tí khó tìm kia của người chồng. Cùng cái sự thu nhỏ đầy ảo diệu, là lý do người ta gán cho sự thất bại của cuộc truy tìm, đã khiến mọi người ngờ rằng có bắn kiểu gì thì chắc chắn cũng trật mục tiêu thôi. Bằng cách nào hắn có thể bắn trúng một, hay hai, nguyên tử đang ẩn mình được chứ? Bất cứ ai, hay những người yêu dấu của họ, cũng có thể bị hạ gục bởi những tràng đạn lạc, ở bất cứ thời điểm nào và ở bất cứ nơi đâu.
Lại hai mươi bốn tiếng nữa trôi qua, hai nỗi sợ hãi đã bắt đầu quấn quyện lấy nhau, và thị trấn đã rơi vào cơn mê sảng cấp tính của nỗi lo sợ bị xử tử. Không một ai cảm thấy an toàn ở nhà, và thậm chí ở ngoài đường thì càng tệ hơn. Nhưng những đám đông lại làm người ta thấy yên lòng, càng đông càng tốt: những người khác có thể làm bia đỡ đạn cho họ, và bởi những nỗi băn khoăn vị tha sẽ bay ra khỏi cửa sổ khi đe doạ lơ lửng trên đầu ta, không ai màng đến những con người mà thân thể họ rồi găm chi chít đạn. Đó hẳn đã là lý do tại sao chúng tôi ra ngoài ăn tối, một việc mà hầu như chúng tôi không bao giờ làm. Và ở một cấp độ khác của động cơ, trong địa hạt mê tín, đó hẳn cũng là lý do bố mang theo chiếc ví nổi tiếng của Pushkin, thứ mà ông chỉ dành cho những dịp đặc biệt. Chắc có lẽ bạn cũng nhớ rằng, Pushkin bị giết bởi một phát súng xuyên tim.
Và đến đây tôi sẽ đóng lại phần giải thích để trở lại câu chuyện chính. Nhưng cùng lúc làm vậy, tôi nhận ra mình đã phạm một sai lầm. Hành động vẫn tiếp diễn trong sảnh nhà hát, và điều đó có nghĩa rằng cuốc xe trên đại lộ băng qua rạp xiếc đã diễn ra trước đó, khi chúng tôi đang trên đường đến khách sạn. Và quả thật, khi tôi ngẫm lại cho kỹ, có vẻ như là bầu trời đằng sau tòa thị chính và bên trên rạp xiếc không hoàn toàn tối đen: nó có màu xanh sẫm, sắc hồng chạng vạng vẫn vương lại đây đó, và dọc đường chân trời phía Tây là một lớp ánh sáng trắng lân quang. Bầu trời đầy sao hẳn là một chi tiết thêm thắt, đem lại bởi những sự kiện dựng tóc gáy xảy ra sau đó, trên mái của nhà hát. Sự lẫn lộn của tôi một phần đến từ sự kỳ dị đặc thù của câu chuyện này: mặc dù có một sự logic hết sức hợp lý cho cái thứ tự mà các sự kiện nối tiếp nhau diễn ra, chúng lại cũng tồn tại một cách độc lập, như những vì sao trên bầu trời, nhân chứng duy nhất cho cái hành động cuối cùng, vì vậy mà những bóng dáng chúng tạo thành có vẻ xuất phát từ trí tưởng tượng hơn là thực tế.
Chuyện diễn ra đại loại như sau: Khi đã thỏa mãn nỗi tò mò về Bộ Não Phát Nhạc, bố mẹ tôi đi ra đường, một phần bởi vì chẳng còn gì để xem và một phần vì muốn ra về trước khi những khán giả trong nhà hát bắt đầu ùa ra ngoài. Vở diễn hẳn đã kết thúc; tràng pháo tay vẫn chưa dừng lại hẳn, nhưng chắc cũng chẳng thể tiếp tục được lâu, và mẹ không muốn người khác thấy mình rời ra khỏi đây cùng với đám “trùm dơ bẩn”. Những người không biết gì sẽ có thể nghĩ rằng bà đã tụt dốc về mặt văn hoá, xuống ngang bằng với những người đi theo Tổng thống Peron.
Bà quay người bước đi với một phong thái dứt khoát đến nỗi tôi cảm nhận được thời khắc vàng đã đến: giờ thì đã đủ an toàn cho tôi thỏa mãn khao khát được chạm vào cái vật thể màu hồng to bự này. Không một chút lăn tăn, tôi vươn tay ra. Đầu ngón trỏ tôi chạm vào bề mặt của Bộ Não chỉ trong một phần mười giây. Vì những nguyên nhân sẽ chẳng mấy mà trở nên rõ ràng với bạn đọc, hành động ngắn ngủi đó là một thứ tôi sẽ không bao giờ quên được.
Sự nghịch ngợm của tôi không lọt vào mắt bố mẹ, lúc này vẫn đang bước về phía cửa, nhưng lại lọt vào mắt con em gái, khi ấy con bé tầm hai hay ba tuổi và luôn bắt chước bất cứ thứ gì tôi làm. Được tiếp sức bởi sự liều lĩnh của tôi, nó cũng muốn chạm vào Bộ Não. Nhưng con quỷ nhỏ vụng về này lại chẳng biết cách làm sao cho khéo léo. Con bé không có khái niệm đầu ngón tay. Đứng thẳng người hết cỡ – con bé suýt soát cao bằng chiếc hộp bày Bộ Não – nó giơ đôi tay nhỏ xíu lên và đẩy về phía trước với tất cả sức lực của mình. Khi cảm nhận được những gì sẽ xảy ra, nó nín thở, rồi xả ra một tiếng hét kinh hoàng khi Bộ Não bắt đầu dịch chuyển. Bố mẹ tôi dừng bước và quay lại, và giờ nhớ lại tôi nghĩ là họ đã bước một hay hai bước về phía chúng tôi. Đối với tôi, toàn bộ quang cảnh này đã đạt được một sự chính xác đầy ảo diệu, như thể một vở kịch được diễn tập hàng ngàn lần. Bộ Não nặng nề lăn qua gờ chiếc hộp, rơi xuống sàn và vỡ tan.
Em gái tôi òa khóc, bực bội vì mặc cảm tội lỗi và sợ bị trừng phạt hơn là bởi cái cảnh tượng vừa diễn ra trước mắt chúng tôi, một thứ có lẽ vượt quá khả năng thấu hiểu của nó. Tuy nhiên, tôi đã đủ lớn để trực cảm được những gì đã xảy ra, mặc dù đang vật lộn giữa ngổn ngang là những nỗi hoang mang đầy khiếp đảm, cái trạng thái mà hẳn bố mẹ tôi cũng trải qua.
Cái lớp vỏ hồng của Bộ Não Phát Nhạc đã vỡ tan thành từng mảnh khi tiếp đất, một dấu hiệu cho sự mỏng mảnh vì nó chỉ rơi xuống đất từ độ cao vài chục xen ti mét. Bên trong là một khối đặc trong suốt như gelatin, được tạo hình cho vừa vặn với lớp vỏ bao. Nó bị bẹp đi một chút, và có hơi rung rinh trong cơn dư chấn (mặc dù có thể chỉ là tôi tưởng tượng ra những điều này), cho thấy rằng cái chất liệu này không rắn cho lắm. Màu sắc của nó thì lại không có gì phải băn khoăn. Đấy là màu máu chưa đông hoàn toàn, và không khó để suy ra nguồn gốc của nó, hay những nguồn gốc của nó, vì có hai thi thể đang nằm lơ lửng giữa cái khối đó, trong tư thế bào thai, đầu người này áp vào chân người kia: chính là hai gã người lùn. Trông họ như bước ra từ bộ bài Tây, trên người mặc bộ vét đen bé tẹo, mặt và bàn tay trắng như sứ; sự tương phản màu sắc làm họ nổi bật lên giữa cái màu đỏ đậm của máu, chảy ra từ vết thương trên hai cổ họng, mở toang hoác ra như hai cái miệng đang thét lên.
Tôi nói rằng mình đã nhìn thấy cảnh tượng này với một sự rõ nét đến siêu nhiên, đó là cách mà giờ đây tôi nhìn thấy nó. Vào lúc này tôi nhìn thấy nhiều hơn là vào thời điểm đó. Như thể cái mà tôi thấy là bản thân câu chuyện, không phải như một bộ phim hay một chuỗi hình ảnh, mà là một hình ảnh duy nhất, hình ảnh ấy không chuyển động mà đúng hơn là liên tục ngưng lại. Thế nhưng lại cũng có kha khá chuyển động: một cơn lốc, một vực thẳm những nguyên tử phi lý.
Mẹ, một người rất dễ bị kích động, bắt đầu hét lớn, nhưng tiếng hét của bà chìm lẫn trong tiếng ầm ĩ thình lình dội ra từ trong nhà hát. Một điều gì đó bất ngờ đã xảy ra. Leonor Rinaldi vĩ đại đã được tán thưởng xong, và dàn diễn viên đã được gọi trở lại trước sân khấu đến bảy lần. Các diễn viên đang dợm đi ra cánh gà sau loạt cúi đầu cảm tạ cuối cùng thì những khán giả đứng hẳn dậy từ trên ghế ngồi. Vào khoảnh khắc ấy, lúc các nhân vật đã dần phai đi trên da các diễn viên, đang đứng cùng nhau thành một hàng dài trên sân khấu, mỗi khuôn mặt hay thân hình vẫn còn mang chút dáng dấp từ vở hài kịch, nhưng là một vở hài kịch mà lúc này cốt truyện, cùng với những bất ngờ và sai sót của nó, đã trộn lẫn lên hết cả trong cái hàng dài những dáng hình đang cúi đầu chào và mỉm cười, như thể giờ là phận sự của những vị khán giả, trong khi họ vỗ tay và quét mắt qua hàng người, cái phận sự tự sắp soạn lại câu chuyện trong đầu và chào tạm biệt nó, như một câu chuyện hư cấu mà nó vốn là, cùng với cái phòng khách kiêm phòng ăn giả vờ, bộ xô pha, cái cầu thang làm nhái; các ô cửa sổ sơn màu, những cánh cửa mở ra và đóng lại trong một cơn lũ những nút thắt khôi hài, và toàn bộ phần còn lại của sân khấu… thì đúng lúc đó, khi bầu không khí tưng bừng sắp khép lại, bức tượng thạch cao cỡ lớn của Juan Pascual Pringles, được sử dụng để trang hoàng cho mái vòm nhà hát, vỡ tung ra. Những đường nét trên khuôn mặt cha già dân tộc nổ tung như một vì sao đá phấn, và thế vào vị trí của chúng, các khán giả, lúc này đương sững sờ, trông thấy cái tạo vật kỳ dị nhất mà một deus ex machina từng tạo ra: chính là ả người lùn. Đó là nơi ả đã ẩn trốn, và không một ai có thể tìm ra. Sự kiện này có vẻ là tình cờ: có lẽ rung động từ những tràng pháo tay hay những tiếng hét “Bravo!” đã làm rã rời những phân tử già cả trên cái đầu thạch cao của vị chiến binh anh hùng; nhưng giả thuyết này sớm bị bác bỏ, khi người ta biết ra cú nổ của bức tượng gây ra bởi một nguyên nhân nội tại – cụ thể là việc kích cỡ của người lùn tăng lên. Khi đã được thụ thai, cái kén sát thủ này đã rút vào một nơi trú ẩn an toàn để cho tự nhiên (sau tất cả thì những con quái vật cũng là một phần của tự nhiên) làm công việc của mình. Và, tình cờ thay, quá trình này đã hoàn thành ngay đúng lúc các diễn viên chuẩn bị rời sân khấu; nếu xảy ra chỉ một vài phút sau thì sinh vật đó sẽ nhô ra giữa một nhà hát trống vắng và tối tăm.
Khi diễn ra, nó đã trở thành một màn diễn phụ mà trước đấy hay kể từ đấy chưa ai được chứng kiến. Hai ngàn cặp mắt trông thấy một cái đầu lớn trồi lên từ trong hốc thạch cao, một cái đầu không có mắt, mũi, miệng nhưng lại phủ một mái tóc xoăn vàng óng, sau đó là hai cánh tay múp míp có móng vuốt, và một bộ ngực hồng đồ sộ với hai con mắt ở ngay đúng chỗ lẽ ra là núm vú. Sinh vật này tiếp tục nhô lên cao nữa, theo chiều ngang, gần chỗ mái nhà hát, như một bức tượng quỷ trên máng xối… cho đến lúc, cả người rung lên giần giật, nó giương cao hai cánh, một cánh ra trước và cánh còn lại theo sau – hai cái màng óng ánh khổng lồ phát ra tiếng giống như tiếng bìa carton đập phần phật – và treo mình trong không trung. Phần phía sau cơ thể nó nhìn như một cái túi trương phình lên phủ lông đen. Thoạt tiên, trông nó như sắp rơi xuống chỗ biểu diễn của dàn nhạc, nhưng sau đó nó đã neo mình lại ở độ cao trung bình với những nhịp đập cánh thoăn thoắt và bắt đầu điên cuồng bay xung quanh.
Đám đông đâm hoảng loạn. Một vụ hỏa hoạn chắc cũng chẳng gây ra nhiều khiếp đảm như con dị nhân biết bay đó: không một ai biết chắc nó sẽ làm gì. Những lối đi kẹt cứng người, lối ra bị bít lại; người ta nhảy qua ghế, các bà mẹ tìm con, các ông chồng tìm vợ, và ai ai cũng hét lên thất thanh. Bị cảnh náo động làm cho sợ hãi, nó bay lung tung khắp mọi chỗ, cả nó cũng đang tìm đường ra. Khi nó mất độ cao, những tiếng hét dưới các hàng ghế ngồi lại càng khủng khiếp hơn, còn khi nó bay lên cao trở lại, những tiếng khóc to nhất đến từ khán đài trên cao, nơi mà người ta bị mắc kẹt vì cầu thang đã tắc nghẽn cả. Trong cơn tuyệt vọng, một số người trèo lên sân khấu – dàn diễn viên lúc này đã cao chạy xa bay. Một số người tị nạn từ các hàng ghế đầu của khán đài trên cao cũng trèo xuống và leo qua chùm đèn lên sân khấu. Trông thấy vậy, một số khán giả, vốn đang tìm cách len lỏi trên các lối đi, nhưng thừa biết để vượt qua đám người hỗn loạn này là bất khả thi, đã quay ngược trở lại, cuống cuồng chạy rồi nhảy lên sân khấu. Một điều cấm kỵ đã bị phá vỡ: xâm phạm không gian của tác phẩm hư cấu, là điều mà họ đã trả tiền để không làm; nhưng bản năng sinh tồn lại chế ngự họ.
Về phần người lùn có cánh, cái con chuồn chuồn khổng lồ đó, sau khi lượn qua lượn lại trong không gian nhà hát vài lần với những cái đập cánh đáng sợ của mình, với những lần tăng tốc và và những cú va đập liên tục vào trần và tường nhà hát, cả nó cũng lao mình về phía miệng nhà hát. Sau tất cả, thì đó là việc có lý nhất để làm. Nó bị cái sân khấu tiểu tư sản của Lenor Rinaldi nuốt chửng, và toàn bộ phông màn trên sân khấu đổ sụp xuống.
Khán giả cuối cùng cũng thoát ra được khỏi nhà hát, nhưng một lẽ tự nhiên chẳng ai muốn về nhà. Đường Stegmann chìm trong một đám đông kích động. Các thực khách bước ra khỏi nhà hàng khách sạn với tấm khăn ăn vẫn còn gài quanh cổ áo, nhiều người vẫn còn cầm dao nĩa. Tin tức đã lan truyền ra khắp thị trấn; một người đưa tin không chính thức đã vọt sang rạp xiếc báo tin và đến nơi đúng lúc sô diễn kết thúc, vậy là khán giả bên đấy cũng đồng loạt chạy sang đây. Khi cảnh sát xuất hiện cùng với những hồi còi inh ỏi, họ phải chật vật mới băng qua được đám đông, điều tương tự cũng xảy ra với xe cấp cứu của bệnh viện, cả hội lính cứu hỏa, những người đến đây một cách tự phát.
Khi ào ra khỏi sảnh, đám đông điên loạn đã vô tình giẫm lên cái quả cầu máu. Khi chủ rạp xiếc đến thu xác hai người lùn, ông được bàn giao cho hai cái bóng hình nhăn nhúm mà các anh hề xác nhận và chuyền quanh. Các anh hề, hay bất cứ ai trong đoàn xiếc, đều chưa có thời gian để thay quần áo. Những nghệ sĩ cưỡi thú, nghệ sĩ đu dây, nghệ sĩ diễn trò rùng rợn, nhập hội với đoàn diễn viên của Leonor Rinaldi, cả Tomás Simari và chính Rinaldi, tất cả đứng lẫn lộn với khán giả của nhà hát với rạp xiếc, lúc này cũng đang đứng lẫn lộn vào nhau, chưa kể đến những người hiếu kỳ, hàng xóm ở quanh đấy, và đủ các loại cú đêm. Chưa bao giờ có một cảnh tượng như thế này, kể cả là vào dịp carnival.
Cuộc lục soát đầu tiên quanh nhà hát được thực hiện bởi toán cảnh sát tay cầm súng đã lên sẵn nòng và được lãnh đạo bởi Cereseto (chỉ có ông là nắm rõ đường ngang ngõ tắt trong chốn này) đã chẳng thu được manh mối gì. Sinh vật đó đã biến mất một lần nữa, cánh kiếc mất dấu cả. Có tin đồn rằng nó đã tìm được đường ra ngoài và bay đi xa. Giả thuyết này đúng ra sẽ làm tình thế dịu đi một chút, nhưng mọi người lại đâm ra thất vọng. Cho đến lúc này, ai cũng đang chờ đợi một sô diễn, họ tụ tập ở đó để chờ xem thêm. Niềm hy vọng sống lại với một sự kiện bất ngờ: từ cái khối to lù lù là nhà hát, vô số dơi và bồ câu bỗng túa ra bay theo đủ mọi hướng. Vì bồ câu thường không bay vào ban đêm, chúng khiến chuyến di cư này có một diễn biến mới lạ thường. Những sinh vật bé nhỏ này hẳn đã cảm nhận được cái bóng ma gớm guốc nên mới ùa đi chạy trốn như thế.
Một khoảnh khắc sững sờ kéo đến, rồi sau đó là một tiếng thét, và một bàn tay chĩa lên. Mọi cái đầu ngửa lên, mọi con mắt đổ về những cái lỗ tường theo phong cách giả Gothic trên mặt tiền nhà hát. Ở đó, ngồi xổm giữa hai tháp canh chính là con quái vật, với đôi cánh sải rộng và một thân thể đang run lên bần bật mà từ đằng xa cũng có thể trông thấy rõ. Ánh đèn pha chói gắt của xe cứu hỏa rọi vào nó. Ở dưới đường, hai trong số những anh hề, trên người mặc bộ đồ sặc sỡ và gương mặt vẽ màu, trèo lên nóc xe con và vẫy hai cái thi thể người lùn bẹp dúm trên đầu mình như thể đang vẫy banner.
Mặc dù những cư dân của Pringles chưa bao giờ thấy một dị nhân kiểu này, họ hầu hết đều là những con người đồng quê đã quen thuộc với quy luật sinh sản. Dù những đứa con của tự nhiên có hình dạng kỳ lạ đến đâu, họ cũng đã nắm rõ những cơ chế căn bản của sự sống. Bởi vậy, đám đông sớm nhận ra rằng ả người lùn chuẩn bị “đẻ”. Tất cả mọi dấu hiệu đều chỉ điểm đến quá trình sinh sản: vụ ngoại tình, khoảng thời gian ẩn mình để cho sự chuyển hóa diễn ra, cái túi khổng lồ ở bụng, việc lựa chọn một chỗ khó tiếp cận, và bây giờ là cái tư thế khom người, cái vẻ tập trung và sự rùng mình. Cái mà không ai có thể biết được là nó sẽ đẻ một hay hai quả trứng, hay vài quả, hay cả triệu quả. Giả thuyết cuối cùng có vẻ là hợp lý nhất, bởi vì hình dạng của nó có lẽ tương đồng hơn cả với giới côn trùng. Nhưng khi lớp lông tơ trên cái túi bắt đầu vỡ ra, những gì xuất hiện chỉ là một cái trứng màu trắng một đầu nhọn và to bằng quả dưa hấu. Một tiếng “Ồ” ngạc nhiên lan qua đám đông. Có lẽ bởi tất cả các ánh mắt đều dán vào cái quá trình xuất hiện chậm chạp của viên ngọc kỳ thú đó, sự ngạc nhiên càng tăng lên khi có một cái bóng khác xuất hiện bên cạnh ả người lùn có cánh: cái bóng tiến dần vào vùng ánh sáng, và chỉ hiện rõ ra hoàn toàn khi quả trứng đã được đặt cân đối trên cái mái đua cao đến chóng mặt. Đó là Sarita Subercaseaux, với mái tóc tổ ong to bự, khuôn mặt hồng đắp đầy phấn, bộ váy xanh dương và đôi giày đế xuồng nhỏ tí. Bằng cách nào mà bà đã leo được lên đó? Bà đang muốn làm gì? Bà đứng cách cái sinh vật kia chỉ vài xen ti mét, lúc này, khi đã đẻ xong, nó quay khuôn mặt không mắt sang nhìn Sarita. Họ có cùng một vóc dáng, cùng toát ra cái vẻ quyết tâm đầy siêu nhiên. Một cuộc đụng độ là không thể tránh khỏi, thậm chí là cả một trận đánh nữa. Cả thị trấn nín thở. Nhưng một việc khác hẳn lại xảy ra. Rùng mình một cái, như thể tỉnh dậy từ giấc mơ, cái sinh vật kia sải cánh rộng hết mức, và, với chỉ một cú đập cánh, nó đã nhấc bổng thân mình lên trên không trung khoảng vài chục xen ti mét. Chỉ với một nhịp đập cánh, nó quay người, thêm một nhịp nữa, nó bắt đầu tăng tốc, và rồi nó bay, như một con khủng long có cánh, vươn đến những vì sao đang vì sự kiện này mà tỏa sáng như những viên kim cương điên loạn. Nó biến mất giữa những chòm sao, và thế là hết. Chỉ đến lúc đó ánh mắt của đám đông mới quay trở lại nóc nhà hát.
Sarita Subercaseaux bình thản trước sự ra đi của dị nhân. Giờ đây, bà ở đó một mình với quả trứng. Chậm chạp từng chút một, bà nâng một tay lên. Bà đang cầm một cái gì đó trong tay. Một cây rìu. Những tiếng la ó trái ngược nhau phát ra từ đám đông. Không! Đừng! Đúng! Đập vỡ nó đi! Dĩ nhiên là mỗi người một ý kiến. Không một ai muốn đẩy cái thị trấn nhỏ bé nằm trên Đồng bằng Nam Mỹ này đến với những hậu quả khó lường mà vụ sinh nở kỳ dị này đem lại, nhưng cái vẻ thuần tuý mỏng manh của quả trứng cũng có cái gì đó thật đặc biệt. Mặt khác, sẽ đáng tiếc thay nếu phải từ bỏ những khả năng có thể xảy ra từ sự kiện vô tiền khoáng hậu này.
Nhưng khi chuyển động cánh tay của Sarita đưa chiếc rìu vào tầm mắt mọi người, hóa ra đó không phải rìu mà là một cuốn sách. Và ý định của bà không phải là đập vỡ quả trứng mà là đặt nó, đầy khéo léo, nằm bên trên quả trứng. Trong lịch sử huyền thoại của Pringles, cái hình dáng kỳ lạ kia, được tạo thành theo cách đó, đã trở thành biểu tượng cho sự sáng lập nên Thư Viện Cộng Đồng của thị trấn.
26 tháng Bảy, 2004
Lê Vũ Kỳ Nam dịch
Nguyên tác tiếng Tây Ban Nha “El cerebro musical” (2004). Dịch từ bản tiếng Anh “The Musical Brain” của Chris Andrews trong tập The Musical Brain And Other Stories (New Directions 2015).
(Bài viết thuộc Zzz Review số 4, 20-1-2019)
Người góp chữ
Lê Vũ Kỳ Nam
Sống nội tâm, yêu màu tím, hay khóc thầm. Hiện đang ở Đà Nẵng.
Leave a Reply